TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 26 - KINH TRUNG A-HÀM – PHẨM 1: BẢY PHÁP

Hán dịch: Cù-đàm Tăng-già-đề-bà

7. KINH THẾ GIAN PHƯỚC[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa Câu-xá-di[2], ở tại vườn Cù-sa-la[3].

Bấy giờ vào lúc xế chiều[4], Tôn giả Ma-ha Châu-na[5], rời khỏi nơi tĩnh tọa[6] đứng dậy, đi đến chỗ Phật; đến rồi đảnh lễ, lui ngồi một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, có thể thi thiết thế gian phước được chăng?”

Thế Tôn nói:

“Có thể, này Châu-na, có bảy loại phước thế gian, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy?

“Này Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ[7] có tín tâm cúng thí phòng xá, nhà gác cho đại chúng Tỳ-kheo. Đó là loại phước thế gian thứ nhất, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí giường nằm, đồ ngồi, đệm lông, thảm dệt, chăn len, ngọa cụ trong các phòng xá. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ hai, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí y phục mới mẽ, sạch sẽ, đẹp đẽ. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ ba, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá, thường xuyên cúng thí chúng tăng cháo buổi sáng, thức ăn buổi trưa, lại cung cấp người làm vườn[8] để sai bảo; hoặc gió, mưa, tuyết, lạnh, tự mình thân đến khu vườn mà cúng thí chu cấp thêm. Các Tỳ-kheo sau khi ăn, không lo gió, mưa, tuyết lạnh khiến y phục bị ướt át, mà ngày đêm yên vui, tư duy thiền tọa vắng lặng[9]. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nếu đã tạo được bảy loại phước thế gian này rồi, hoặc đi, hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước đức ấy thường xuyên phát sinh, càng lúc càng thêm, càng lúc càng rộng.

“Châu-na, ví như nước sông Hằng-già [10] từ nguồn chảy ra, tuôn vào đại hải, ở vào khoảng giữa càng lúc càng sâu, càng lúc càng rộng. Cũng vậy, Châu-na, tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm ấy, đã tạo được bảy loại phước thế gian này rồi thì hoặc đi, hoặc đến, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước đức ấy càng sinh, càng lúc càng thêm, càng lúc càng rộng”.

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Châu-na từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, gối phải sát đất, quỳ dài, chắp tay, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, có thể thi thiết phước xuất thế gian được chăng?

Thế Tôn bảo rằng:

“Có thể được Châu-na, lại có bảy loại phước xuất thế gian, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy? Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai đang trú ở nơi nào đó. Sau khi nghe, liền hoan hỷ, trong lòng rất phấn khởi. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ nhất, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ hai, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi. Với tâm thanh tịnh, đích thân tới thăm viếng, lễ kính, cúng dường. Sau khi cúng dường, thọ pháp ba tự quy, đối với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo mà thọ giới cấm[11]. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Châu-na, tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nếu tạo được bảy loại phước thế gian này và lại có bảy loại phước xuất thế gian, thì phước của người kia không thế tính được, có chừng ấy phước, có chừng ấy kết quả của phước, có chừng ấy phước báo. Chỉ có thể nói là không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được con số đại phước.

“Châu-na, ví như từ châu Diêm-phù có năm con sông: Một là Hằng-già, hai là Dao-vưu-a, ba là Xálao-phù, bốn là A-di-la-bà-đề và năm là Ma-xí[12], đều chảy về đại hải. Ở khoảng giữa của chúng, không thể tính được số nước của bao nhiêu thăng hộc. Chỉ có thể nói là số nước nhiều không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được.

“Cũng vậy, Châu-na, tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nếu tạo được bảy loại phước thế gian này và lại có bảy loại phước xuất thế gian, thì phước của người kia không thế tính được, có chừng ấy phước, có chừng ấy kết quả của phước, có chừng ấy phước báo. Chỉ có thể nói là không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được con số đại phước”.

Bấy giờ Thế Tôn nói bài tụng rằng:

Con sông Hằng-già
Trong sạch, dễ qua.
Biển nhiều báu quý,
Là vua các sông.
Cũng như nước sông,
Người đời kính phụng;
Mọi nơi chảy về,
Tuôn về biển cả.
Cũng vậy, người nào
Cúng y, thực phẩm,
Giường chõng, đệm chăn,
Và những tọa cụ;
Phước báo không lường,
Đưa đến cõi lành,
Cũng như nước sông
Tuôn về biển rộng.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ma-ha Châu-na và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

 



[1] . Không thấy tương đương với Pāli. Biệt dịch, No.125(40.7) Tăng Nhất 34, “Thất Nhật Phẩm, kinh số 7” (Đại 2, tr.741).

 

[2] . Câu-xá-di 拘 舍 彌 , hoặc phiên âm là Kiêu-thưởng-di ??? Pāli: Kosambī.

 

[3] . Cù-sa-la viên s瞿 沙 羅 園 , khu vườn do Trưởng giả Cù-sa-la cúng dường Phật. Pāli:

Ghositārāma.

 

[4] . Hán: bô thời 晡 時,theo cách tính giờ cổ của Trung quốc, vào khoảng giờ thân.

 

[5] . Ma-ha Châu-na 摩 訓 週 那 , tên Tỳ-kheo. Pāli: Mahācunda.

 

[6] . Hán: yển tọa 窫 坐, ngồi nghỉ ngơi một mình và tập thiền; thiền tọa độc cư. Pāli: paṭisallāna.

 

[7] . Hán: tộc tánh nam, tộc tánh nữ 姓 男 族 姓 女 , thường nói là thiện gia nam tử/ nữ nhân, hoặc thiện nam tử, thiện nữ nhân善 男 子 善 女 人:những người sinh vào một trong bốn giai cấp. Pāli: kulaputta, kuladuhitā.

 

[8] . Hán: viên dân 園 民。

 

[9] . Đoạn này kể chung có bốn thứ: hai bữa ăn, người làm vườn, và chu cấp khi mưa gió.

 

[10] . Hằng-già 恒 伽 , thường nói là sông Hằng. Pāli: Gaṃgā.

 

[11] . Đoạn này kể chung cả năm thứ: thăm viếng, lễ bái, cúng dường, thọ tam quy, thọ ngũ giới.

 

[12] . Ngũ hà lưu 五 河 流 ; Hằng-già 恒 伽, (Pāli: Gaṃga), Dao-vưu-na 搖 尤 那

(Pāli: Yamunā), Xá-lao-phu 舍 勞 浮 (Pāli: Sarabhū), A-di-la-bà-đề 阿 夷 羅 婆 提 (Pāli:Aciravatī) Ma-xí 摩 企 (Pāli: Mahī).


[Đầu trang][Mục lục bộ Trung A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]