TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 27 - PHẬT NÓI KINH THẤT TRI

Hán dịch: Đời Ngô, nước Nguyệt chi, Cư sĩ Chi Khiêm.


Nghe như vầy:

Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo, hãy nghe những lời giáo huấn từ Đức Phật:

–Có bảy pháp nêu dạy cho đệ tử, khiến đời này được an ổn vui vẻ, đa hạnh, tinh tấn quán pháp làm cho sự tu tập đạt được cứu cánh. Những gì là bảy pháp?

Tri pháp.

Tri nghĩa.

Tri thời.

Tri tiết.

Tự tri.

Tri chúng.

Tri nhân.

Này các Tỳ-kheo, sao gọi là Tri pháp?

Đó là có thể hiểu mười hai bộ kinh:

Văn.

Ca.

Thuyết.

Tụng.

Thí dụ.

Bổn khởi ký.

Sự giải.

Sanh truyện.

Quảng bác.

Tự nhiên.

Hành.

Chương cú.

Đó là Tri pháp. Không hiểu mười hai bộ kinh là không Tri pháp.

Sao gọi là Tri nghĩa? Tất cả những điều nói trong kinh pháp đều phải hiểu rõ ý nghĩa, đó là Tri nghĩa. Tất cả những điều nói ra đều không hiểu ý nghĩa, đó là không Tri nghĩa.

Sao gọi là Tri thời? Biết lúc này có thể dùng tưởng tịch diệt, lúc này không dùng tưởng Thọ hành, lúc này có thể dùng tưởng Thận hộ, đó là Tri thời. Không hiểu thời thích hợp để hành động, đó là không Tri thời.

Sao gọi là Tri tiết? Có thể ăn uống ít, việc bài tiết tiện lợi, được tiêu hóa, có thể điều tiết sự ra vào, ngồi, đứng, đi, nằm, thức, nói, im phải kiềm chế, soi xét. Đó là Tri tiết. Không tự kiềm chế soi xét là không Tri tiết.

Sao gọi là Tự tri? Tự biết thân mình, ý mình, biết mức độ nhiều ít về Trí, về Giới, về Văn, về Thí, về Tuệ, về Giải, chỗ đạt được, chỗ đã thâm nhập hoặc sâu, cạn, dày, mỏng, mọi việc đều phải tự biết. Đó là Tự tri. Không biết ý mình về mức độ thâm nhập nhiều ít, đó là không Tự tri.

Sao gọi là Tri chúng? Có thể biết chúng kia là chúng quân tử, hay chúng Lý gia, hay chúng Phạm chí, hay chúng Sa-môn, nếu có lúc đến chỗ các chúng ấy, nên ngồi hay nên đứng, nên nói hay nên im, phải biết tùy thời tùy nghi. Đó là Tri chúng. Không biết tùy thời, tùy nghi đối với các chúng kia là không Tri chúng.

Sao gọi là Tri nhân? Như có hai người, một người tin đạo, một người không tin đạo. Người tin đạo thì đáng khen ngợi, còn người không có lòng tin thì không đáng khen ngợi. Người tin đạo cũng có hai hạng: một người thì đến đạo tràng, quý mến Sa-môn, một người thì không thường đến đạo tràng, trí biết sơ lược về Sa-môn. Người thường đến thì đáng khen ngợi, người không thường đến thì không đáng khen ngợi. Người thường đến đạo tràng có hai loại: một người thì ái kính Sa-môn, một người thì không ái kính Sa-môn. Người ái kính thì đáng khen ngợi, người không ái kính thì không đáng khen ngợi. Người ái kính cũng có hai loại: một người thì gần gũi để học tập với Sa-môn, một người thì không thân cận để học tập với Samôn. Người thân cận học tập thì đáng khen ngợi, người không thân cận học tập thì không đáng khen ngợi. Người gần gũi học tập cũng có hai loại: một người thì thích hỏi kinh pháp, một người thì không thích hỏi kinh pháp. Người thích hỏi thì đáng khen ngợi, người không thích hỏi thì không đáng khen ngợi. Người thích hỏi cũng có hai loại: một người thì lắng nghe, một người thì không lắng nghe. Người lắng nghe thì đáng khen ngợi, người không lắng nghe thì không đáng khen ngợi. Người lắng nghe cũng có hai loại: một người nghe pháp rồi thọ trì, một người nghe pháp rồi mà không thọ trì. Người nghe pháp rồi thọ trì thì đáng khen ngợi, người không thọ trì thì không đáng khen ngợi. Người thọ trì cũng có hai loại: một người nghe rồi suy tư về nghĩa lý, một người nghe rồi không suy tư về nghĩa lý. Người nghe mà suy tư về nghĩa lý thì đáng khen ngợi, người nghe mà không suy tư về nghĩa lý thì không đáng khen ngợi. Người nghe pháp mà suy tư về nghĩa lý có hai loại: một người thuận theo kinh để hiểu nghĩa, thọ pháp, thuận theo pháp mà an lập, một người thì không thuận theo kinh để hiểu nghĩa, không thọ pháp, không thuận theo pháp mà an lập. Người thuận theo kinh để hiểu nghĩa thì đáng khen ngợi, người không thuận theo kinh để hiểu nghĩa thì không đáng khen ngợi. Người thuận theo kinh hiểu nghĩa có hai loại: một người chỉ tự tạo an lạc cho mình mà không đem lại an lạc cho người khác, không tạo an lạc cho nhiều người, không thương tưởng thế gian, không đem lại lợi ích cho thiên hạ; một người thì có thể tự làm an lạc cho mình, cũng làm an lạc cho người khác, tạo an lạc cho mọi người trong thiên hạ, thương xót thế gian, lợi lạc an ổn cho người, trời.

Này các Tỳ-kheo, nên phân biệt và biết: người tự an lạc cho chính mình, có thể làm an lạc cho người khác, an lạc cho nhiều người trong thiên hạ, thương xót thế gian, lợi lạc an ổn cho thiên hạ, đó là người tối thượng, tối trưởng, tối tôn, rất tôn quý. Thí như từ sữa bò mà thành lạc, từ lạc làm thành tô, từ tô làm thành đề hồ. Đề hồ là tối thượng. Người như vậy là người ở giữa người, là bậc có hành động trên hết, có hành động tôn quý, có hành động hết sức tôn quý, là bậc tối thắng, là bậc có bổn nguyện tối vô thượng vậy.

Này các Tỳ-kheo, có thể thấy hai loại người ấy thì người sau là bậc có trí tuệ cao vời; có thể phân biệt thấy người này là thiện, người này là vượt hơn. Đó là biết người.

Đức Phật nói như vậy xong, các Tỳ-kheo đều hoan hỷ, tin tưởng vâng làm.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]