TẠNG KINH
SỐ 29 - PHẬT NÓI KINH DỤ NƯỚC BIỂN
Hán dịch: Mất tên người dịch, nay phụ vào dịch phẩm đời Tây Tấn.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Bà-già-bà ở tại khu lâm viên Kỳđà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ta sẽ nói bảy thí dụ về nước cho các ông nghe. Hãy lắng nghe, suy tư thật kỹ. Ta sẽ nói.
Các Tỳ-kheo thưa:
–Vâng, bạch Thế Tôn.
Khi ấy các Tỳ-kheo vâng theo Đức Thế Tôn để nghe giáo pháp. Đức Thế Tôn bảo:
–Này các Tỳ-kheo, thế nào là bảy thí dụ về nước? Hoặc có người chìm dưới nước, có người thoát ra khỏi nước lại bị chìm trở lại, hoặc ra khỏi nước rồi quan sát khắp bốn phương, hoặc ra khỏi nước rồi không bị chìm trở lại, hoặc có người muốn ra khỏi nước, hoặc có người muốn đến bờ bên kia, hoặc có người đã đến bờ bên kia rồi, gọi là tịnh chí được đứng ở bờ bên kia.
Thế nào là có người bị chìm dưới nước? Đó là hoặc có người lấy pháp bất thiện trói chặt thân mình. Khi tội ác đã chín muồi, liền đọa vào địa ngục một kiếp để chịu tội, không sao cứu vãn được. Đó gọi là hạng người thứ nhất thường chìm dưới nước.
Sao gọi là có người ra khỏi nước rồi bị chìm vào nước trở lại? Đó là hoặc có người tạo ra sự chìm đắm này, mặc dù có lòng tin nơi pháp thiện, ôm lòng xấu hổ để cầu phương tiện, nhưng lại ôm lòng xấu hổ với các pháp thiện vì không làm được. Kẻ ấy đã ra khỏi nước nhưng bị chìm trở lại. Đó gọi là hạng người thứ hai bị chìm trong nước.
Sao gọi là có người ra khỏi nước rồi quan sát khắp bốn phương? Đó là hoặc có người ra khỏi nước, kẻ ấy có tín tâm với pháp thiện, có tâm biết xấu hổ, có ý dũng mãnh đối với các pháp bất thiện đều có lòng hổ thẹn. Kẻ ấy ra khỏi nước rồi không còn chìm trở lại nữa. Này chư Hiền, đó là dụ cho hạng người thứ ba ra khỏi nước.
Sao gọi là có người ra khỏi nước rồi đứng vững? Hoặc có người đã ra khỏi nước, kẻ ấy có tín tâm với pháp thiện, có tâm hổ thẹn, có lòng tinh tấn, đối với các pháp thiện đều ôm lòng hổ thẹn vì thực hiện chưa đầy đủ. Kẻ ấy đối với ba kết sử đã chấm dứt, thành Tu-đà-hoàn, không còn thoái chuyển, phải sanh trở lại nhân gian rồi đắc đạo. Đó là dụ cho hạng người thứ tư ra khỏi nước rồi đứng vững.
Sao gọi là có người ra khỏi nước rồi muốn đến bờ bên kia? Đó là có người đã ra khỏi nước rồi, kẻ ấy có tín tâm với pháp thiện, có tâm biết hổ thẹn, có ý dõng mãnh, đối với các pháp thiện đều ôm lòng hổ thẹn vì thực hiện chưa đầy đủ. Kẻ ấy đã đoạn trừ ba kết sử: tham dục, sân hận, ngu si, đã thành tựu quả vị Tư-đà-hàm, sanh trở lại nhân gian rồi mới chấm dứt nguồn gốc của khổ. Đó là dụ cho hạng người thứ năm đã ra khỏi nước rồi muốn đến bờ bên kia.
Sao gọi là có người đã đến bờ bên kia? Đó là hoặc có người đã ra khỏi nước, kẻ ấy có tín tâm với pháp thiện, đối với các pháp thiện đều ôm lòng hổ thẹn vì thực hiện chưa đầy đủ. Kẻ ấy đã đoạn trừ năm hạ phần kết sử, thành bậc A-na-hàm, ở nơi đó chứng đắc Niết-bàn, không còn trở lại nhân gian nữa. Đó là dụ cho hạng người thứ sáu đã ra khỏi nước, đã đến bờ bên kia.
Sao gọi là có người đã đến bờ bên kia, là Tịnh chí được đứng ở bờ bên kia? Đó là hoặc có người đã ra khỏi nước rồi đứng trên bờ, kẻ ấy có tín tâm với pháp thiện, có tâm hổ thẹn, có ý dõng mãnh, đối với các pháp thiện đều ôm lòng hổ thẹn vì thực hiện chưa đầy đủ. Hoặc có người đã đoạn trừ hết hữu lậu, thành vô lậu, niệm giải thoát, trí tuệ giải thoát, đối với pháp hiện tại mau thông đạt, chứng đắc, tự mình vui thích vì đã đoạn trừ tận nguồn gốc sanh tử, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn vào thai mẹ nữa. Đó là dụ cho hạng người thứ bảy đã ra khỏi nước, đã đứng ở bờ bên kia.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, đó là bảy hạng người, Ta nay đã nói cho các vị về ví dụ bảy hạng người ở dưới nước. Những pháp mà Thế Tôn thuyết cho các vị Thanh văn đều giảng nói với lòng đại bi, nhằm khiến cho được an ổn, đều khiến cho họ được độ thoát. Đây chính là ngồi bên cội, nơi vắng vẻ ở chỗ đất trống, các vị hãy tọa thiền, chớ có lười biếng. Nếu bấy giờ không chịu siêng năng, về sau sẽ hối hận. Đó là lời giáo huấn của Ta.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.