TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 35 - PHẬT NÓI KINH TÁM ĐỨC CỦA BIỂN

Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-phục


Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Vô thắng, lúc ấy đang ở bên bờ sông. Thường lệ vào ngày thứ mười lăm trong tháng, Đức Phật nói Giới kinh cho các Sa-môn nghe, nhưng bây giờ cũng vào ngày ấy Ngài lại ngồi im lặng thật lâu chẳng nói. Tôn giả A-nan sửa lại y phục, quỳ xuống thưa:

–Các Sa-môn đã ngồi ổn định, muốn được nghe pháp thanh tịnh.

Đức Thế Tôn vẫn im lặng. Tôn giả A-nan ba lần đứng dậy thưa:

–Đã nửa đêm, mong Thế Tôn có thể nói Giới kinh.

Đức Thế Tôn bèn nói:

–Trong các Sa-môn có kẻ ô uế vẩn đục, dùng tâm tà làm điều sai trái, lời nói và việc làm ngược với giới hạnh của Sa-môn, thần thái rất nặng nề, không phải kẻ hạ tiện thì ai có thể làm được điều ấy, khiến cho sự trong, đục chống trái nhau, nên Ta không nói.

Tôn đức Mục-liên nhất tâm nhập định, dùng đạo nhãn thanh tịnh quán sát thấy rõ tâm vị Tỳ-kheo kia có hành vi đáng vứt bỏ. Tôn giả Mục-liên bảo vị kia:

–Hãy đứng dậy, đây không phải là chỗ ngồi của người thế tục.

Nhưng vị kia vẫn không đứng dậy, Tôn giả liền nắm tay kéo ra ngoài, bảo:

–Ông không phải là bậc chí đức, trong lòng ôm sáu thứ tà, sao lại dám đem cái thân hôi thối này mà ngồi trên tòa Thiên hương? Ông là loại người đáng vứt bỏ, không phải Sa-môn.

Tôn giả Mục-liên liền trở về ngồi lên tòa thanh tịnh. Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:

–Tại sao kẻ ấy ngu si đến vậy? Đã dùng ví dụ rõ ràng như thế mà không chịu ra, chờ nắm tay kéo đi mới chịu ra.

Đức Phật bảo các Sa-môn:

–Hãy lắng nghe Ta nói.

Các Sa-môn thưa:

–Thưa vâng, chúng con xin thọ giáo.

Đức Phật dạy:

–Hãy xem biển lớn kia có tám đức tốt đẹp. Nó rộng lớn mênh mông, độ sâu và đáy của nó không lường được, càng xuống càng sâu, chỗ gây chướng ngại của nó không gì bằng. Đó là đức thứ nhất của biển.

Nước thủy triều hễ đúng giờ thì dâng lên, không có thất thường. Đó là đức thứ hai.

Biển cả chứa các châu báu, chẳng gì mà chẳng có, biển cả không dung chứa tử thi hôi thối, gió thần sẽ thổi lên trên bờ. Đó là đức thứ ba.

Biển cả có các châu báu, đó là: hoàng kim, bạch ngân, lưu ly, thủy tinh, san hô, long văn, minh nguyệt, thần châu, ngàn vạn thứ kỳ dị quý giá, không tìm thì chẳng được. Đó là đức thứ tư.

Khắp thiên hạ có năm con sông lớn đều chảy ra biển, dòng nước ở Tây gọi là Hằng, dòng nước phía Nam gọi là Tà vân, dòng nước ở phía Đông gọi là Lưỡng hà, còn gọi là Sa lục, còn gọi là Adi-việt, dòng nước ở phía Bắc gọi là Mặc. Nước của năm sông tuôn chảy đều đổ vào biển, chúng đều bỏ tên cũ, chỉ gọi chung là nước biển. Đó là đức thứ năm của biển.

Năm sông, vạn dòng nước lúc trời hết mưa dầm, nước từ trên trời đổ xuống đất, nước mưa lại dồn xuống sông, lại chảy ra biển, mà nước biển vẫn y như cũ, chẳng có tăng giảm. Đó là đức thứ sáu.

Trong biển có các loài cá, thân hình to lớn, đồ sộ, thân cá thứ nhất dài bốn ngàn dặm, thân cá thứ hai dài tám ngàn dặm, thân cá thứ ba dài một vạn hai ngàn dặm, thân cá thứ tư dài một vạn sáu ngàn dặm, thân cá thứ năm dài hai vạn dặm, thân cá thứ sáu dài hai vạn bốn ngàn dặm, thân cá thứ bảy dài hai vạn tám ngàn dặm. Đó là đức thứ bảy.

Nước biển toàn vị mặn, trong ngoài như nhau, đó là đức thứ tám.

Vì những lẽ ấy cho nên Rồng thần Chất lượng trong lòng sung sướng thích ở trong biển.

Diệu lý trong kinh điển của Ta cũng có đức to lớn, đọc mãi mà vô cùng tận, ý nghĩa của nó ngày càng sâu xa, dù Phạm, Ma hay Đế Thích cũng không thể lường tính được. Giống như biển xa rộng, thâm sâu khó lường, vì lẽ ấy cho nên các Samôn đều ưa thích kinh. Đó là đức thứ nhất.

Các đệ tử của Ta luôn cùng nhau đốc suất khuyến khích tụng kinh, tọa thiền, nghi lễ nghiêm trang, không sai thời, giống như nước biển không sai thời trước khi dâng lên bờ. Đó là đức thứ hai.

Pháp của Ta thanh khiết, chí ở nơi đạm bạc, y phục thức ăn uống được cúng dường không chứa cất nhiều. Nếu có Sa-môn tâm ý hướng theo nẻo uế trược thì dùng pháp xử trị, không được ở chung, giống như biển rộng bao la không dung chứa thây chết hôi thối. Đó là đức thứ ba.

Kinh của Ta giảng nói nghĩa lý đầy đủ, Sa-môn tư duy một cách sâu xa, rèn luyện, bỏ tâm cấu uế, tham dâm, sân hận, ganh ghét, ngu si, và những thứ uế tạp khác. Giống như mài gương ngọc, khi chất dơ đã hết, lại quét sạch những bụi dơ li ti trên đó, thì chẳng gì mà chẳng hiện. Một, ngồi tư duy về nguồn gốc của sanh tử từ xưa thì chẳng gì mà chẳng biết. Hai, suy tư thấy vạn vật trong trời đất như huyễn, hễ có tụ hội thì phải có biệt ly. Ba, thường khởi lòng từ, thương thế gian do ngu si lầm lạc, làm việc điên đảo, không tự biết đó là mê lầm. Bốn, tự suy tư một cách tinh túy, đã biết được việc xưa, lại quán chiếu thấy vị lai, thần thức của chúng sanh sẽ quy hướng về đâu; nẻo đạo của Ta lấy tâm thanh tịnh làm châu báu. Sa-môn bỏ ô uế được hạnh thanh tịnh, trong lòng hoan hỷ, giống như vị thần Chất lượng kia yêu thích các báu trong biển. Đó là đức thứ tư.

Đạo của Ta rộng lớn, hợp mọi người thành một, dòng vua chúa, dòng Phạm chí, dòng quân tử, dòng hạ tiện đến để làm Sa-môn đều bỏ cái họ gốc của mình, lấy đạo mà thương yêu nhau; trí ngu đồng cố gắng, ý như anh em, giống như các dòng nước hợp lại gọi là biển. Do vì điều này khiến Samôn vui thích. Đó là đức thứ năm.

Đạo của Ta vi diệu, kinh điển thì uyên áo, bậc Thượng sĩ đắc đạo được gọi là:

Câu cảng (Tu-đà-hoàn).

Tần lai (Tư-đà-hàm).

Bất hoàn (A-na-hàm).

Ứng chân (A-la-hán).

Đạo của bậc Ứng chân là trong tâm thì thanh tịnh như hạt minh châu của trời, đức hạnh được tàng trữ, thân tướng ứng hiện khắp chốn, sống chết tự tại, thọ mạng lâu vô lượng, cũng không già bệnh.

Giống như biển cả có các thần Long, Ngư. Chính vì lẽ đó mà Sa-môn ưa thích.

Kinh sách của Ta, ý nghĩa tốt đẹp như cam lộ, Tiên thánh chưa được nghe, Phạm Thích ít thấy. Từ xưa đến nay chẳng có gì mà chẳng ghi chép trong kinh; trong ngoài đều chân chánh, giống như toàn biển cả đều là vị mặn. Vì thế mà Sa-môn thích đạo. Phàm ai xem kinh của Ta thì ý họ đều hướng về giải thoát. Biển có tám đức, kinh của Ta cũng vậy.

Tôn giả A-nan lại đứng dậy đảnh lễ Đức Phật và bạch:

–Mặt trời ở phương Đông sắp sáng, cúi mong Đức Thế Tôn nói trọng giới.

Đức Thế Tôn bảo:

–Từ nay về sau Ta sẽ không nói Giới kinh nữa. Có giới mà không giữ thì e rằng sẽ làm cho thần sấm sét càng thêm ra oai tức giận. Chính vì thế mà Ta không nói Giới kinh. Từ nay về sau các vị hãy thay nhau kiểm điểm sách tấn. Cứ mười lăm ngày, hội lại mà nói Giới kinh.

Các Tỳ-kheo đều đứng dậy, đảnh lễ sát chân Đức Phật.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]