TẠNG KINH
SỐ 37 - PHẬT NÓI KINH DUYÊN BỔN TRÍ
Hán dịch: Mất tên người dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn.
Nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Ái khó nói ra, nhiễm ái có hình sắc tốt tươi, khi chưa sanh khởi, nó có tính năng trói buộc, làm chìm đắm và khiến vướng mắc vào, nó cũng có nguồn gốc. Không thể không có nhân duyên đưa đến ái, từ hữu ái có sự đam mê, từ nguồn gốc đó đưa đến sự cuồng nhiệt, mê say. Cho nên không sáng suốt, quán xét và hiểu rõ. Đó là nguồn gốc của si.
Duyên của si sanh ra cũng có nguồn gốc, là nguồn gốc gì?
–Đó là say đắm sắc thinh, năm triền cái, dong ruổi mê hoặc, do đó sanh ra năm nguồn gốc si mê.
Năm triền cái ngăn che làm cho tăm tối, đưa đến tình trạng do dự, điều này cũng có nguyên do, là những nguyên do gì?
–Đó là ba thứ hạnh ác lôi kéo, nên gọi đó là nguyên do.
Ba thứ hạnh ác huân tập cũng có nguyên do, là nguyên do gì?
–Không thu nhiếp căn thức là nguyên do.
Không thu nhiếp thức căn cũng có nguyên do, là những nguyên do nào?
–Đó là không chánh niệm; niệm điều không nên niệm là nguyên do.
Không chánh niệm cũng có nguyên do chứ không phải không có nguyên do, là những nguyên do gì?
–Đó là không chánh tín; mê mờ phương hướng là nguyên do.
Không chánh tín mê mờ cũng có nguyên do chứ không phải không có nguyên do, là những nguyên do gì?
–Đó là do thầy ác dẫn dắt, nghe theo và thọ trì điều phi pháp là nguyên do.
Không gần thầy chân chánh, không được nghe điều hay cũng có nguyên do, là những nguyên do nào?
–Đó là chống trái với Hiền thánh; không tụ hội với bậc tài trí thông minh là nguyên do.
Chống trái với bậc hiền tài cũng có nguyên do, là những nguyên do gì?
–Đó là mất chỗ tôn kính ngưỡng mộ, tâm hư dối mà tập theo sự vui thích, đó là nguyên do.
Như vậy, này Tỳ-kheo, phàm hễ mất chỗ hội tụ với bậc hiền thánh thanh cao thì hành động thấy nghe của thân, khẩu, ý toàn là mê hoặc, nên trong tâm bế tắc. Vì thấy phi pháp cho nên tín tâm hướng tới sự hủy diệt. Do đi ngược với chánh đạo cho nên tà kiến tăng trưởng, vì tà kiến tăng trưởng cho nên bên trong ôm sự tang tóc, do bên trong ôm sự tang tóc nên ba hạnh ác phát triển; ba hạnh ác phát triển thì năm triền cái sung mãn, do năm triền cái sung mãn nên đầy đủ gốc si mê; do đầy đủ gốc si mê mới đầy đủ ái thọ. Do vậy ái thọ này lần hồi tăng trưởng tạo ra nhiễm bẩn bụi trần không bờ bến.
Nguồn gốc của trí tuệ giải thoát vượt khỏi thế gian cũng có nguyên do. Sao gọi là nguyên do của trí tuệ giải thoát vượt khỏi thế gian? Diệu pháp của bảy Giác (chi) là nguyên do.
Gương sáng của bảy Giác chi cũng có nguyên do, là những nguyên do gì?
–Đó là bốn ý chỉ, nó là nguồn gốc của giác ngộ.
Bốn ý chỉ cũng có nguồn gốc chứ không phải không có nguồn gốc là những nguồn gốc gì?
–Đó là ba hạnh thanh khiết trong sạch.
Ba hạnh trong sạch cũng có nguồn gốc chứ không phải không có. Ý nghĩa căn bản của nó là gì?
–Đó là giữ gìn các căn, chính điều này là nguyên do.
Giữ gìn các căn cũng có nguyên do chứ không phải không có. Nghĩa căn bản của nó là gì?
–Đó là chánh niệm sáng soi, rọi chiếu.
Chánh niệm chiếu soi cũng có nguyên do để tư duy chân chánh, là những nguyên do gì?
–Đó là nhờ tín tâm mà chánh niệm được thù thắng.
Tín tâm cũng có nguyên do chứ không phải không có. Nguyên do của tín tâm là gì?
–Đó là nghe nhiều kinh đạo; thứ lớp nắm được chỗ cốt yếu của kinh là nguyên do.
Nghe kinh pháp cũng có nguyên do chứ không phải không có nguyên do. Nguyên do của nghe kinh pháp là gì?
–Đó là vị Hiền giả làm cho nghiệp được thanh tịnh, chân chánh.
Hiền giả thanh tịnh cũng có nguyên do, là những nguyên do nào?
Đó là tụ hội với những bậc tài trí, thanh cao chân chánh, trong trắng.
Như vậy, này Tỳ-kheo, Hiền giả học tập thắng pháp, nương tựa bậc minh triết, phụng sự bậc đa văn nên có thể đưa đến nguồn gốc của tín, gốc tín đã lập, liền được chánh niệm, chánh niệm đã trồng liền thâu nhiếp được các căn, đã thâu nhiếp được các căn thì Ba hạnh được thanh tịnh, Ba hạnh đã thanh tịnh liền được Bốn ý chỉ, Bốn ý chỉ đã vững liền có Bảy giác ý, Bảy giác ý đã thành lập, đó chính là Vô vi, giải thoát vượt khỏi thế gian.
Đức Phật nói như vậy, tất cả đệ tử đều vâng làm.