TẠNG KINH
SỐ 40 - PHẬT NÓI KINH VUA VĂN ĐÀ KIỆT
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan ở chỗ vắng vẻ, tư duy: “Thế gian ít có người nhàm chán đối với năm thứ dục, còn người không biết nhàm chán năm thứ dục cho đến lúc chết thì nhiều”.
Tôn giả A-nan vào lúc xế trưa, đi đến trước Đức Phật, đảnh lễ xong, bạch:
–Con ở chỗ vắng vẻ, tư duy: “Người ở thế gian ít có ai nhàm chán đối với năm thứ dục, còn người không biết nhàm chán năm thứ dục cho đến lúc chết thì nhiều”.
Đức Phật bảo:
–Đúng như lời Tôn giả nói, người ở thế gian biết nhàm chán đối với năm thứ dục rất ít, nhưng người không biết nhàm chán đối với năm thứ dục cho đến lúc chết thì nhiều.
Ngày xưa có một vị vua tên là Văn-đà-kiệt, sanh ra từ trên đảnh đầu của mẹ, cho nên có tên là Văn-đà-kiệt, về sau làm vua Già-ca-việt. Nhà vua thống lĩnh cả Đông, Tây, Nam, Bắc. Vua có bảy báu:
Xe vàng.
Voi trắng.
Ngựa có sắc xanh.
Ngọc minh nguyệt.
Vợ là ngọc nữ.
Vị thánh làm quan phụ tá.
Quan chủ binh làm người dẫn đường.
Vua Già-ca-việt có bảy báu như vậy. Vua là bậc nhân từ hiền lương, tu theo chánh pháp, không gây phiền nhiễu cho muôn dân. Vua có ngàn người con trai đều là những người khôi ngô, tài trí, dõng mãnh, bốn phương thiên hạ đều thần phục nhà vua. Ngài làm vua đến mấy ngàn năm. Trong lòng vua tự nghĩ: “Ta có bốn phương thiên hạ, dân chúng đông đúc, lúa thóc dồi dào, cuộc sống của muôn dân sung túc”. Vua lại tự nghĩ: “Ta có ngàn người con trai đều là bậc tài trí không ai bằng, dõng mãnh, sức lực. Trời đã vì ta mà mưa tiền bằng vàng, bạc trong bảy ngày bảy đêm, thật vô cùng sung sướng! Trời nghe tiếng nói của ta, tùy theo ý nguyện của ta liền mưa tiền bằng vàng, bạc trong bảy ngày bảy đêm”. Nhà vua thấy trời mưa tiền bằng vàng, bạc như thế nên rất vui mừng, liền cùng nhân dân vui chơi đến mấy ngàn năm. Nhà vua tự nghĩ: “Bốn phương thiên hạ đều thuộc về ta. Ta có một ngàn người con trai, có bảy báu đều ở trước mặt ta. Ta cầu gì cũng được, mong gì cũng thành. Trời đã không bỏ sót ý nguyện của ta, mà lại vì ta mưa tiền bằng vàng, bạc đến bảy ngày bảy đêm”.
Vua Văn-đà-kiệt nghe ở phương Nam có nước Diêm-phù-đề dân chúng đông đúc đời sống an lạc, ý của vua muốn đến đó. Nhà vua mới nghĩ như thế thì tất cả bảy báu, bốn thứ binh chủng liền cùng lúc bay đến nước Diêm-phù-đề; nước ấy rộng hai mươi tám vạn dặm. Dân chúng nước ấy thấy vua đến, thảy đều quy phục làm thuộc hạ. Do đời trước của vua đã làm điều lành cho nên mới được phước như vậy…
Ở tại nước Cù-da-ni mấy ngàn năm[1], vua lại sanh ý nghĩ: “Ta có một nước lớn ở phương Tây tên là Cù-da-ni, chu vi ba mươi hai dặm. Ta có bảy báu. Trời đã vì ta mà mưa tiền bằng vàng, bạc trong bảy ngày bảy đêm. Ta có ngàn người con trai đều là bậc tài trí không ai bằng, lại dõng mãnh, sức lực. Ta có nước Diêm-phù-đề ở phương Nam chu vi hai mươi tám vạn dặm”. Nhà vua nghe ở phương Đông có nước Phất-vu-đãi, đời sống của dân chúng sung túc, lúa thóc dồi dào, cả nước luôn an lạc, ý vua muốn đến đó. Nhà vua mới sanh ý nghĩ như thế, thì tất cả bảy báu, bốn thứ binh chủng liền cùng phi hành đến đó. Quốc vương và nhân dân nước này đều quy phục. Đức vua nhân đó dùng chánh pháp để trị nước, như vậy mấy ngàn năm. Vua lại sanh ra ý nghĩ: “Ta có nước Diêm-phù-đề rộng hai mươi tám vạn dặm, ta có nước Cù-da-ni rộng ba mươi hai vạn dặm, ta có nước Phất-vu-đãi rộng ba mươi sáu vạn dặm”. Nhà vua nghe ở phương Bắc có nước Uất-đơn-việt thiên hạ luôn an lạc, dân chúng đông đảo, ý của vua muốn đến nước đó. Vua liền nghĩ: “Ở trong nước ấy không có kẻ bần cùng, không có kẻ giàu người nghèo, kẻ mạnh người yếu, không có nô tỳ, sang hèn đều như nhau. Ta sẽ khiến đám quan thuộc của ta cùng ăn lúa thóc tự nhiên, mặc y phục tự nhiên, trang sức các thứ châu ngọc”. Vua mới nghĩ như vậy thì tức khắc bảy báu, bốn thứ binh chủng đồng phi hành đến cõi nước Uất-đơn-việt, từ xa trông thấy đất đai bằng phẳng, xanh như sắc lông màu biếc. Nhà vua hỏi các vị quan bên cạnh:
–Các ngươi có thấy đất đai ở đây bằng phẳng, xanh như sắc lông màu biếc không?
Vị quan ở bên cạnh thưa:
–Thưa vâng, thần có thấy.
Vua bảo:
–Đó chính là vùng đất Uất-đơn-việt.
Vua vừa đến phía trước lại thấy đất đai cũng bằng phẳng và trắng như tuyết, vua lại bảo vị quan bên cạnh:
–Khanh có thấy đất đai ở đây bằng phẳng toàn là màu trắng chăng?
Vị quan bên cạnh thưa:
–Dạ vâng, thần có thấy.
Vua bảo:
–Vì vậy cho nên đất ở Uất-đơn-việt tự nhiên sanh lúa gạo đã giã sẵn. Các ngươi hãy cùng nhau ăn lúa gạo ấy.
Nhà vua lại vừa đi trước, từ xa trông thấy các cây báu, trăm thứ cây, y phục, vàng bạc, ngọc bích, anh lạc đều treo trên cây. Nhà vua bảo những vị quan đi theo:
–Các ngươi có thấy các cây báu này chăng?
Những vị quan thưa:
Dạ vâng, thần có thấy.
Vua bảo:
–Có đến trăm thứ cây, y phục, cây vàng, cây bạc, cây ngọc bích hoàn, cây anh lạc như thế. Các ngươi hãy đến đó lấy chúng để dùng.
Nhà vua bèn đi trước tới nước Uất-đơn-việt, dân chúng ở đấy trông nhà vua thảy đều quy phục. Nhà vua cai trị Uất-đơn-việt thấy ngàn năm liền, rồi tự sanh ra ý nghĩ: “Ta có cõi Diêm-phù-đề, có cõi Cù-da-ni, có cõi Phất-vu-đãi, lại có cõi Uấtđơn-việt rộng bốn mươi vạn dặm. Ý ta muốn lên núi chúa Tu-di bốn báu, đến cõi trời Đao-lợi, chỗ ở của Thiên vương Đế Thích”. Nhà vua vừa mới nghĩ như vậy thì tất cả bảy báu, trăm quan đều phi hành đến đỉnh núi Tu-di, liền vào cung của Thiên vương Đế Thích. Đế Thích từ xa trông thấy vua Văn-đà-kiệt đi đến, liền đứng dậy nghinh tiếp, nói:
–Tôi thường nghe công đức của ngài, nên từ lâu đã muốn được gặp ngài. Nay nhân giả đến đây, thật hết sức tốt lành!
Trời Đế Thích mời vua Văn-đà-kiệt cùng ngồi và nhường nửa tòa cho nhà vua. Vừa ngồi xong, vua Văn-đà-kiệt quay đầu nhìn hai bên tả hữu, nơi thiên thượng thấy có ngọc nữ đứng hầu, cung điện đều làm bằng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, san hô, hổ phách, xa cừ. Thấy rồi, vua liền nghĩ: “Ta có các cõi Diêm-phù-đề, Cù-da-ni, Phất-vuđãi, Uất-đơn-việt. Trong cung của ta có mưa tiền bằng vàng bạc suốt bảy ngày bảy đêm”. Vua Vănđà-kiệt lại nghĩ tiếp: “Hãy khiến cho Thiên vương Đế Thích chết đi. Ta muốn thay ông ấy để cai trị cõi trời này như khi ta cai trị các cõi thiên hạ kia vậy. Thật sung sướng biết bao!”.
Nhà vua mới sanh ý nghĩ như vậy, thần túc liền mất, liền bị trở lại nhân gian, toàn thân đau đớn, khốn khổ kịch liệt, nằm xẹp trên giường. Tất cả quần thần quan thuộc theo hầu nhà vua, cả thảy đều ở bên giường, hỏi vua:
–Bệ hạ có di chúc gì chăng?
Vua bảo:
–Nếu có người hỏi các ngươi nhà vua có di chúc những điều gì, các ngươi nên nói: “Khi còn tại thế, nhà vua cai trị bốn châu thiên hạ, có trời mưa tiền bằng vàng bạc trong suốt bảy ngày bảy đêm. Nhà vua có một ngàn người con trai, bảy báu đều có thể phi hành. Vua còn lên trên cõi trời Đaolợi, Thiên vương Thích đứng dậy nghinh tiếp, hỏi thăm, nhường nửa tòa mời ngồi. Đã được như vậy mà vua còn sanh ra ý muốn chiếm chỗ của Thiên vương Đế Thích, mới sanh ra ý nghĩ ấy liền bị rơi xuống đất, bị bệnh khốn khổ kịch liệt. Vua tự hối hận nói rằng: “Con người cho đến chết vẫn còn chưa biết nhàm chán đối với dục. Người biết nhàm chán đối với dục rất ít”. Kinh nói: “Dù trời mưa tiền bằng vàng bạc trong bảy ngày bảy đêm mà thấy chưa vừa lòng. đối với dục lợi thì ít mà lỗi lầm thì nhiều”. Người có trí tuệ hãy suy xét về việc này. Vua lại đã được Thiên vương Đế Thích nhường cho nửa tòa mà vẫn thấy chưa vừa. Người tu hành cầu đạo, được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đàhàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, cho đến đạt được Phật đạo thì mới nhàm chán dục mà thôi”.
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
–Vua Văn-đà-kiệt lúc ấy chính là thân của Ta.
Đức Phật nói như vậy rồi, Tôn giả A-nan vui mừng đảnh lễ Đức Phật.
[1] Hán: 王 宿 命 作 善 故 至 使 得 是 福 . 在 俱 耶 尼 國 數 千 歳 (Đại 1, tr.824b, cột 19 & 20): có thể đã bị lược bỏ một đoạn. Tham chiếu: Phật Thuyết Đảnh Sanh Vương Cố Sự kinh, N039, Đại 1, tr.822 & 823a).