TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 47 - PHẬT NÓI KINH XA RỜI SỰ NGỦ NGHỈ

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ.


Nghe như vầy:

Một thời Đức Bà-già-bà ở nơi vườn Lộc dã, tại Bà-kỳ-thi-mục-ma-tỷ-lượng.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ở tại thôn Ma-kiệt Thiện tri thức, sống một mình ở chốn tịch tĩnh, đi kinh hành nhưng mắc phải chứng buồn ngủ. Đức Thế Tôn biết Tôn giả Đại Mục-kiền-liên sống một mình ở chốn tịch tĩnh để đi kinh hành nhưng lại bị buồn ngủ.

Đức Thế Tôn đã biết như vậy rồi, liền nhập tam-muội Chánh thọ như kỳ tượng. Nhờ ý trụ trong tam-muội, chỉ trong khoảnh khắc nhanh như người lực sĩ co duỗi cánh tay, Ngài đang ở trong vườn Lộc dã, bỗng nhiên biến mất, đi đến thôn Ma-kiệt Thiện tri thức, đứng trước mặt Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Bấy giờ Đức Thế Tôn ra khỏi pháp định, bảo Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

–Này Mục-kiền-liên, này Mục-kiền-liên! Thầy đang mắc chứng buồn ngủ chăng?

–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Đức Phật dạy:

–Do niệm nào mà gây buồn ngủ thì chớ thực hành tưởng ấy, chớ phân biệt về tưởng ấy, chớ phân biệt nhiều. Như vậy mới lìa được chứng buồn ngủ. Nếu vẫn không lìa được chứng ấy thì này Mục-kiền-liên, hãy như giáo pháp đã được nghe, như giáo pháp đã được tụng, nên theo đấy mà tụng tập rộng khắp. Như vậy sẽ lìa được chứng buồn ngủ.

Nếu vẫn không lìa được thì này Mục-kiền-liên, nên như giáo pháp đã được nghe, như giáo pháp đã được tụng, nên rộng nói cho người khác nghe.

Như vậy sẽ lìa được chứng buồn ngủ.

Nếu vẫn không lìa được chứng ấy thì này Mụckiền-liên, nên như pháp đã được đọc tụng, như pháp đã được nghe, tâm ý phải suy niệm, phải thực hành. Như vậy sẽ lìa được chứng buồn ngủ.

Nếu vẫn không lìa được thì này Mục-kiền-liên, nên lấy nước lạnh rửa mắt và rửa ráy khắp thân thể. Như vậy sẽ lìa được chứng buồn ngủ.

Nếu vẫn không lìa được thì này Mục-kiền-liên, nên dùng hai tay xoa lên mép tai. Như vậy sẽ lìa được chứng buồn ngủ.

Nếu vẫn không lìa được thì này Mục-kiền-liên, nên đứng dậy đi ra khỏi giảng đường, nhìn khắp bốn phương, nhìn lên các vì sao. Như vậy sẽ lìa được chứng buồn ngủ.

Nếu vẫn không lìa được thì này Mục-kiền-liên, nên ở nơi khoảng đất trống thong thả đi kinh hành, hãy giữ gìn các căn, ý nghĩ đến các việc phải làm, sau đó khởi đủ các tưởng. Như vậy sẽ lìa được chứng buồn ngủ.

Nếu vẫn không lìa được thì này Mục-kiền-liên, nên trở về, không đi kinh hành nữa, trải tọa cụ lên giường mà ngồi kiết già. Như vậy sẽ lìa được chứng buồn ngủ.

Nếu vẫn không lìa được, thì này Mục-kiềnliên, nên trở về giảng đường, gấp tư y Uất-đa-la-tăng trải lên giường, gấp y Tăng-già-lê làm gối, nằm nghiêng hông bên phải, hai chân xếp lên nhau, hãy khởi tưởng về ánh sáng, đừng để tâm ý bị loạn động, luôn luôn khởi tưởng an trụ trong tư duy muốn thức dậy. Này Mục-kiền-liên, đừng ham thích nơi giường chõng, đừng ham thích việc nằm ngủ theo phía hông bên phải, đừng ham thích ngủ nghỉ, đừng ham thích sự cung kính của thế gian trở thành tham đắm. Vì sao vậy? Này Mụckiền-liên, vì Ta không nói: “Nên gần gũi tất cả các pháp”. Ta cũng không nói: “Không nên gần gũi tất cả các pháp”.

Này Mục-kiền-liên, vì sao Ta nói “Tất cả pháp không thể gần gũi?”. Này Mục-kiền-liên, Ta nói không gần gũi với hàng Bạch y. Này Mục-kiềnliên, nếu gần gũi với hàng Bạch y thì phải luận bàn cùng họ mà không tụng tập với họ, nhân luận bàn với họ thì có sự dua nịnh, dối trá, kiêu mạn, nhân có kiêu mạn liền có ganh ghét, nhân có ganh ghét thì không biết được sự yên tĩnh. Này Mục-kiềnliên, không biết sự yên tĩnh nên xa lìa tam-muội. Này Mục-kiền-liên, do đó Ta nói đó là pháp không nên gần gũi.

Này Mục-kiền-liên, tại sao Ta nói pháp nên gần gũi? Này Mục-kiền-liên, hãy đến chốn vắng vẻ, lấy nệm cỏ làm giường, im lặng không nói, xa lìa các điều ác, lìa nơi đông người, thường nên an tọa tư duy. Này Mục-kiền-liên, đó là pháp mà Ta nói nên gần gũi.

Này Mục-kiền-liên, nếu vào thôn xóm để khất thực, đừng vì cầu lợi dưỡng, đừng vì cầu được cung kính. Này Mục-kiền-liên, hãy dứt bỏ ý cầu lợi dưỡng, cầu cung kính rồi mới vào thôn xóm khất thực.

Này Mục-kiền-liên, khi vào thôn xóm khất thực, đừng khởi ý tưởng vào nhà người khác. Vì sao? Này Mục-kiền-liên, vì nhà của hàng Cư sĩ có nhiều việc thế tục. Nếu Tỳ-kheo vào nhà Cư sĩ mà không được họ tiếp chuyện, vị Tỳ-kheo kia liền nghĩ như vầy: “Ai đã nói gì với Cư sĩ này về ta cho nên Cư sĩ mới không nói chuyện với ta”. Vị ấy liền khởi tâm sân hận, vì có tâm sân hận nên liền có kiêu mạn, vì có kiêu mạn nên tâm không tịch tĩnh. Này Mục-kiền-liên, vì tâm ý không tịch tĩnh nên xa lìa tam-muội.

Này Mục-kiền-liên, nếu lúc thuyết pháp đừng nghĩ tới chuyện hơn thua, nên có ý nghĩ là không hơn kém. Nếu có ý tranh hơn kém thì liền có nhiều lời, vì có nhiều lời nên có kiêu mạn, do kiêu mạn nên có ganh ghét, nhân vì ganh ghét nên không tịch tĩnh. Này Mục-kiền-liên, vì không tịch tĩnh nên ta nói là xa lìa tam-muội.

Này Mục-kiền-liên, nếu lúc thuyết pháp phải nói lời có ích, phải nói lời quyết định, chớ đừng nói những lời sai khác. Hãy luận bàn như tiếng gầm của con sư tử. Như vậy, này Mục-kiền-liên, hãy nên học như vậy.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, đứng qua một bên, đắp y, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn, bạch:

–Thưa vâng, bạch Thế Tôn, thế nào là vị Tỳ-kheo đạt đến chỗ cứu cánh, dứt sạch mọi cấu uế một cách rốt ráo, hành phạm hạnh đạt đến cứu cánh?

Đức Thế Tôn bảo:

–Này Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo có bệnh, hoặc cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc. Vị Tỳ-kheo ấy hãy nên quán sự cảm thọ ấy là vô thường, quán nó là pháp hư hoại, hãy quán nó là vô nhiễm, hãy quán nó là tận diệt, hãy quán nó là sự dừng dứt, hãy quán nó là chỗ an trụ. Hãy quán về căn bệnh ấy như vậy. Hãy quán căn bệnh ấy là pháp không thường trụ, hãy quán nó là pháp hư hoại, hãy quán nó là vô nhiễm, hãy quán nó là tận diệt, hãy quán nó là sự dừng dứt, hãy quán nó là chốn an trụ. Vị ấy liền không tham đắm vướng mắc nơi thế gian này, vì không tham đắm nên không lo sợ, không lo sợ nên xả bỏ Niếtbàn Hữu dư: Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã làm xong, biết rõ như thật về danh sắc. Này Mục-kiền-liên, đó là Tỳ-kheo đạt đến cứu cánh, cứu cánh trong việc dứt sạch mọi cấu nhiễm, cứu cánh về phạm hạnh, cứu cánh về việc thực hành phạm hạnh.

Đức Phật giảng nói như vậy, Tôn giả Đại Mụckiền-liên nghe Đức Phật giảng dạy hoan hỷ lãnh hội.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]