TẠNG KINH
SỐ 50 - PHẬT NÓI KINH THỌ TUẾ
Hán dịch: Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Bà-già-bà ở tại vườn trúc CA-lan-đà, thuộc thành Vương xá, cùng đông đủ chúng đại Tỳ-kheo để thọ tuế.
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với các Tỳ-kheo:
–Này chư Hiền, vị Tỳ-kheo thọ tuế thỉnh nguyện: “Xin các Tôn giả nói với tôi, dẫn dắt tôi, răn dạy tôi, thương tưởng tôi”. Đó là lý do thứ nhất. Vì sao vậy? Này chư Hiền, hoặc có người ương ngạnh, khó dạy bảo, cùng liên hệ với pháp ác, thì vị phạm hạnh không thể nói, không dẫn dắt, không răn dạy, cũng không thương tưởng kẻ ấy. Đó là loại người thứ nhất.
Này chư Hiền, thế nào là kẻ ương ngạnh, khó dạy bảo? Đó là kẻ dù cùng ở với bậc Phạm hạnh, nhưng vẫn không được bậc Phạm hạnh nói chuyện, không dẫn dắt, không răn dạy, cũng không thương tưởng. Đó là loại người thứ nhất. Này chư Hiền, hoặc có một người tìm cầu điều ác, cùng liên hệ với điều ác. Này chư Hiền, ta bảo kẻ ấy tìm cầu điều ác, cùng liên hệ với điều ác, đó là pháp ương ngạnh, khó dạy bảo. Như vậy bị nhiễm dục, sân hận, tham lam, ganh ghét, không xả, dối trá, dua nịnh, huyễn hoặc, không hổ, không thẹn, ôm hận, nên kẻ ấy nói lời uất hận, mắng lại Tỳ-kheo khiển trách mình, nói cho mọi người biết vị Tỳ-kheo đã chỉ trích mình, chê bai lời nói của Tỳ-kheo chỉ trích mình. Tất cả lời lẽ đều nói lảng ra ngoài đề để tránh né, ôm giữ tâm phẫn nộ, rộng liên hệ với hàng tri thức bạn bè xấu ác, không biết ân, không báo ân, đền ân. Này chư Hiền, những người không biết an, không báo đền, đó là những kẻ ngang ngược, khó dạy. Do đó, này chư Hiền, người có tánh ngang ngược, khó dạy thì dù gần gũi với các bậc Phạm hạnh, các vị ấy cũng không nói chuyện, không dạy dỗ, không khiển trách, không thương nhớ. Đó là hạng người thứ nhất.
Này chư Hiền, Tỳ-kheo nên tự suy nghĩ: “Này chư Hiền, nếu có ai tìm cầu điều ác, cùng liên hệ với điều ác thì ta không nghĩ nhớ đến người đó. Nếu ta có dục ác, cùng liên hệ với dục ác thì người khác cũng không nghĩ nhớ đến ta”. Tỳ-kheo hãy quán sát như vậy, đừng có khởi cầu dục ác, nên học như thế. “Như vậy, kẻ bị nhiễm dục, sân hận, tham lam, ganh ghét, không xả bỏ, dối trá, dua nịnh, huyễn hoặc, không hổ, không thẹn, ôm lòng sân hận, miệng nói lời thù hận, mắng lại Tỳ-kheo khiển trách mình, nói cho mọi người biết vị Tỳ-kheo đã chỉ trích mình, chê bai lời nói của Tỳ-kheo khiển trách mình; tất cả lời nói đều đi ra ngoài đề để tránh né, ôm lòng sân hận, rộng liên hệ với hạng tri thức và bạn bè xấu ác, không biết ân, không báo đền. Này chư Hiền, nếu ai vong ân, không báo ân thì ta không thương người ấy, và nếu ta vong ân, không báo ân thì người khác cũng không thương ta”. Tỳ-kheo hãy quán sát như vậy. Đừng là kẻ không biết báo ân, nên học hỏi như thế.
Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo không thỉnh cầu các Tỳ-kheo rằng: “Xin các vị nói với tôi, dạy dỗ tôi, khiển trách tôi, thương tưởng tôi”. Đó là hạng người thứ nhất. Vì sao? Này chư Hiền, hoặc có một người dễ bảo, cùng gắn bó với giáo pháp nên các vị đồng phạm hạnh nói chuyện, dạy dỗ, khiển trách và thương nhớ người ấy. Người ấy là bậc nhất vậy. Vì sao? Này chư Hiền, người dễ dạy bảo, cùng gắn bó với giáo pháp, mà được các vị đồng phạm hạnh nói chuyện, dạy dỗ, khiển trách, thương yêu. Người đó được gọi là bậc nhất. Này chư Hiền, hoặc có một người không tìm cầu điều ác, không liên hệ với điều xấu ác. Này chư Hiền, kẻ ấy vì không có dục ác, không liên hệ với dục ác, thì đó là pháp dễ dạy bảo. Như thế, không bị nhiễm dục, không sân hận, không tham lam keo kiệt, ganh ghét, không dối trá, dua nịnh, huyễn hoặc, biết hổ, biết thẹn, không ôm lòng giận, nên miệng vị ấy không nói lời thù hận, không mắng lại Tỳ-kheo khiển trách mình, không nói với mọi người về Tỳ-kheo khiển trách mình, không phỉ báng lời nói của Tỳ-kheo chỉ trích mình, không nói ra ngoài đề để tránh né, không sân hận mà lại rộng rãi, không ở chung với hạng tri thức cùng bạn hữu xấu ác, không vô ân mà nhớ ân. Này chư Hiền, đó gọi là người ấy cùng tương ưng với giáo pháp. Này chư Hiền, đó là kẻ dễ dạy bảo, cùng tương ưng với giáo pháp, nên được các bậc Phạm hạnh nói chuyện, dạy dỗ, khiển trách và thương nhớ. Vị ấy là người bậc nhất.
Này chư Hiền, Tỳ-kheo nên tự suy xét: “Này chư Hiền, nếu ai không có dục ác, không liên hệ với dục ác thì ta thương người đó, và nếu ta không có dục ác, không liên hệ với dục ác, thì người khác cũng thương ta”. Tỳ-kheo nên quán như vậy, không nên dấy khởi dục ác, nên học như vậy. “Như vậy, do không bị nhiễm dục, không sân hận, không tham lam keo kiệt, ganh ghét, luôn xả bỏ, không dối trá, dua nịnh, biết hổ, biết thẹn, không giận dữ nên vị ấy miệng không nói lời thù hận, không mắng lại Tỳ-kheo khiển trách mình, không nói với mọi người về vị Tỳ-kheo khiển trách mình, không phỉ báng lời nói của vị Tỳ-kheo khiển trách mình; tất cả lời nói đều không nói ra ngoài đề để tránh né, không sân hận mà rộng rãi, không liên hệ với hàng tri thức và bạn hữu xấu ác, không quên ân mà nhớ báo đền. Này chư Hiền, nếu người nào không quên ân, luôn nhớ báo đền thì ta thương yêu người đó. Nếu ta không quên ân, nhớ báo đền thì người đó cũng thương yêu ta”. Tỳ-kheo nên quán sát như thế. Hãy không quên ân, nhớ báo đền, nên học như vậy.
Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo sau khi quán sát thấy: “Ta đang có tâm dục ác, cùng tương ưng với tâm dục ác, cần phải không có tâm mong cầu làm điều ác, không tương ưng với dục ác” thì chắc chắn có nhiều lợi ích. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo quán sát biết được mình đang có dục ác, cùng tương ưng với dục ác thì kẻ ấy sẽ không hoan hỷ. Do đó kẻ ấy mong cầu ngăn trừ dục. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo lúc quán sát biết mình hiện không có dục ác, không tương ưng với dục ác thì kẻ ấy liền vui mừng thấy mình được thanh tịnh, trong sạch, đang tu tập trong cảnh giới của Đức Phật. Thấy vậy rồi vui mừng nỗ lực tu tập.
Này chư Hiền, ví như người có mắt cầm cái gương sáng tự soi mặt mình. Này chư Hiền, người có mắt ấy sẽ tự thấy mặt mình dơ dáy nên trong lòng không vui, kẻ ấy muốn rửa sạch các vết dơ. Này chư Hiền, nếu người có mắt ấy không thấy mặt mình có vết dơ, kẻ ấy liền vui mừng thấy mình được thanh tịnh. Kẻ ấy tự thấy như vậy rồi vui mừng, nỗ lực thực hành. Này chư Hiền, cũng như vậy, Tỳ-kheo quán sát mà biết mình có dục ác, cùng liên hệ với dục ác, vị ấy liền có ý mong cầu ngăn trừ dục ác. Này chư Hiền, Tỳ-kheo quán sát, biết mình không có dục ác, không liên hệ với dục ác, vị ấy liền vui mừng thấy mình được trong sạch, thanh tịnh, đang ở trong cảnh giới của Đức Phật. Thấy vậy rồi thì vui mừng mà thực hành, tu tập.
Cũng như vậy, bị nhiễm dục hay không nhiễm dục; cũng vậy có sân hận hay không có sân hận; cũng vậy có tham lam, ganh ghét, không xả, hay không có tham lam, ganh ghét, luôn xả; cũng vậy có dua nịnh, dối trá hay không dua nịnh, dối trá; cũng như vậy có sự không hổ, không thẹn hay biết hổ, biết thẹn; cũng vậy có thù giận, miệng nói lời thù hận hay không có thù giận, miệng không nói lời thù giận, mắng lại Tỳ-kheo khiển trách mình hay không mắng lại Tỳ-kheo khiển trách mình; nói với mọi người về Tỳ-kheo khiển trách mình hay không đem nói cho mọi người về Tỳ-kheo khiển trách mình; phỉ báng lời nói của vị Tỳ-kheo khiển trách mình hay không phỉ báng lời nói của vị Tỳ-kheo chỉ trích mình; tất cả lời lẽ đều nói ngoài đề để tránh né, hay không dùng những lời lẽ nói ra ngoài đề để tránh né; có sân hận hay không sân hận; giao kết với hàng tri thức cùng bạn hữu xấu ác hay không giao kết với hàng tri thức cùng bạn hữu xấu ác; không biết ân, không báo ân hay biết ân, báo ân. Này chư Hiền, Tỳ-kheo quán sát biết rằng: “Ta là kẻ không biết ân, không biết báo ân”.
Vị ấy trong lòng không vui, liền mong muốn ngăn trừ. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo quán sát biết rằng: “Ta là kẻ không vong ân, biết báo ân”. Vị ấy liền vui mừng thấy mình trong sạch, thanh tịnh, đang hành hóa trong cảnh giới của Phật Thế Tôn, thấy như vậy rồi liền vui thích thực hành.
Này chư Hiền, như người có mắt cầm tấm gương trong sáng để soi mặt, tự thấy mặt mình có bụi dơ, kẻ ấy liền không vui và mong muốn rửa sạch. Này chư Hiền, nếu người ấy không thấy mặt mình có bụi dơ liền vui mừng là mình được thanh tịnh. Tự thấy như vậy thì sanh tâm vui thích. Cũng vậy, này chư Hiền, Tỳ-kheo quán sát và biết được mình là kẻ vong ân, không báo ân, vị ấy liền không hoan hỷ, liền có ý muốn ngăn trừ. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo quán biết mình không phải là kẻ vong ân, không báo ân, kẻ ấy liền vui mừng cho rằng mình trong sạch, thanh tịnh đang tu tập trong cảnh giới của Phật Thế Tôn. Do tự thấy như vậy rồi thì vui thích tu tập, do vui thích tu tập nên được hoan hỷ, do hoan hỷ nên thân tín hành, do thân tín hành nên biết an lạc, do an lạc nên ý định tĩnh, do ý định tĩnh nên biết như chân, thấy như chân; do thấy, biết như chân nên sanh tâm nhàm chán, nhờ tâm nhàm chán lìa nên được vô nhiễm, do vô nhiễm nên được giải thoát, do giải thoát nên đạt giải thoát tri kiến, biết như thật rằng: “Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã thành tựu, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh”.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giảng nói như vậy, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói xong đều hoan hỷ lãnh thọ.
Trong Đan tạng, kinh này có tên là Thọ Tuế kinh. Đan bản có tên ấy nhưng Tống bản thì không có. Trong Tống tạng, kinh này có tên là Thọ Tân Tuế kinh. Tên này không có trong Đan bản. Xem cả hai kinh đều viết là do Ngài Pháp Hộ dịch. Tên tuy khác đôi chút nhưng nói chung nghĩa lý lại có sai biệt rất lớn, chưa biết bản nào đúng bản nào sai? Lại nữa, vì sao trong hai bộ Đại tạng nội dung của hai bản kinh có chỗ bản này có thì bản kia không có? Nay xem trong nội dung của Khai nguyên lục và Trùng dịch lục có nói đến Thọ Tuế kinh do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch, ghi rằng: “Gần giống với bản dị dịch trong quyển thứ 23 của bộ Trung A-hàm”. Phần cuối trong nội dung của Đơn dịch lục có Tân Tuế kinh do Ngài Trúc-đàm-vôsấm (Tấn gọi là Pháp Chánh) dịch. Trong đó có đoạn chú thích rằng: “Trong nội dung của Đại bản không có những kinh này nên liệt biên ở đây”. Nay kiểm chứng lại bản Thọ Tuế kinh trong Đan tạng cùng với bản kinh trong quyển 23 của Trung
A-hàm có nội dung tương đồng nhau, cho nên bản kinh trên chính là nội dung của bản Trùng dịch Thọ Tuế kinh. Thọ Tân Tuế kinh trong Tống bản so với Trung A-hàm thì hoàn toàn riêng biệt. Xét cho cùng thì bản tên Tân Tuế kinh về văn tuy khác, nhưng về đại ý không khác nhau lắm, dường như là bản dị dịch của kinh này. Cho nên nội dung Thọ Tân Tuế kinh của Tống tạng hiện nay gần giống với nội dung của Tân Tuế kinh. Nếu cho đó là một bản dịch thì tại sao có sự khác nhau khi dịch giả lược bỏ rất nhiều những đoạn đặc biệt? Đó lại là những gì được biên chép trong Trùng dịch. Nếu cho đó là bản Trùng dịch thì những gì đã được nêu ra trong bản Đơn dịch? Điều này cần phải đợi kiểm chứng. Nay công việc kết tập, phân biện hãy để chờ các bậc Hiền triết, vì vậy chúng tôi không theo nội dung ghi chép trong bản Thọ Tân Tuế kinh-nội dung của bản kinh trên được y cứ theo Đan tạng kinh (Đại tạng kinh Khiết Đan–tức Liêu bản) để làm chân bản.