TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 53 - PHẬT NÓI KINH KHỔ ẤM

Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm đời Hậu Hán


Nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn ở khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ các thầy Tỳ-kheo sau giờ thọ trai, tập hợp nhau để luận bàn về những vấn đề nhỏ. Lúc đó có những người ngoại đạo, sau bữa ăn trưa cũng đi quanh quẩn rồi đến chỗ của các thầy Tỳ-kheo ấy. Đến nơi họ chào hỏi các thầy Tỳ-kheo. Sau khi đã chào hỏi nhau, những người ngoại đạo ấy ngồi xuống một bên và nói với các thầy Tỳ-kheo:

–Chư Hiền, Sa-môn Cù-đàm dùng trí tuệ nói về tham dục, dùng trí tuệ nói về sắc, thọ. Chư Hiền, chúng tôi cũng dùng trí tuệ nói về tham dục, dùng trí tuệ nói về sắc, thọ. Này chư Hiền, có gì sai khác? Có hơn bao nhiêu đâu? Sa-môn Cù-đàm và chúng tôi đều có trí tuệ như nhau.

Các thầy Tỳ-kheo nghe những người ngoại đạo nói như vậy cũng không trả lời hay chỉ trích. Không trả lời hay chỉ trích, các thầy Tỳ-kheo im lặng rời khỏi chỗ ngồi, trở về tịnh thất và nói với nhau:

–Những lời của hàng ngoại đạo vừa nói, chúng ta hãy đến thỉnh Đức Thế Tôn, vì Ngài biết rõ nghĩa sâu rộng ấy.

Các thầy Tỳ-kheo liền đến chỗ Đức Thế Tôn. Đến nơi, tất cả đều đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi ngồi qua một bên. Sau khi đã an tọa, các thầy thuật lại hết với Đức Thế Tôn những gì đã xảy ra khi gặp ngoại đạo.

Đức Thế Tôn nghe xong mọi sự mới bảo các thầy Tỳ-kheo:

–Này các thầy Tỳ-kheo, lúc đó các thầy nên nói với những người ngoại đạo ấy thế này: “Thế nào là sự thú vị của tham dục? Thế nào là hư hỏng? Thế nào là buông bỏ? Thế nào là sự thú vị về sắc? Thế nào là hư hoại? Thế nào là buông bỏ?

Này các thầy Tỳ-kheo, các thầy hãy hỏi như vậy. Khi hàng ngoại đạo kia nghe xong, mỗi người sẽ nhìn nhau tìm cách luận bàn khác nhau và chắc chắn sẽ có sân hận. Khi đã nổi sân hận thì họ sẽ lặng im với vẻ mặt không vui, toát mồ hôi lạnh, quay đi nơi khác. Vì không thể đáp lại nên mặt mày họ thất sắc. Họ sẽ im lặng kéo nhau trở về. Vì sao? Vì Ta không thấy trời hay thế gian, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên hay loài người được nghe những điều mà Ta nói có thể hiểu biết như Ta. Nếu từ Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai mà họ được nghe những điều ấy, họ sẽ hiểu thế nào là sự thú vị của tham dục, nghĩa là nhân của năm thứ dâm. Nếu họ sanh vui mừng, nếu họ sanh hoan hỷ, như vậy là sự thú vị của tham dục. Trong đấy có nhiều hư hỏng. Thế nào là sự hư hỏng của tham dục?

Này thiện nam, hoặc làm các nghề thợ, kỹ thuật để nuôi sống bản thân, hoặc cày bừa canh tác, hoặc mua bán, hoặc làm nhà văn, hoặc học toán số, hoặc học tính toán, hoặc làm thơ, hoặc học những đoạn những phần kệ tụng trong binh luận, hoặc dạy học, hoặc ứng thí làm quan… chịu bao lạnh lẽo buốt xương, chịu nóng đốt bức bách, gắng gượng nhẫn chịu sự đói khát, chịu muỗi mòng, ruồi nhặng gặm nhấm… chúng sanh vẫn chịu để cầu tiền tài.

Này thiện nam, phát sanh những ý nghĩ như vậy, tạo tác những hành động như vậy, nỗ lực làm như vậy, con người hành động tất cả mọi việc nhưng chẳng được của cải vật chất, nên sanh ra lo buồn không vui, tự đánh vào mình khóc lóc, ngu si nói thế này: “Ta vì hành động ngu si nên không đạt được gì cả”.

Người đó lại nỗ lực làm việc sao cho đạt kết quả. Đã có tiền của rồi, người ấy hết sức giữ gìn, cất giấu chúng và nghĩ: “Mong sao cho tài sản của ta không bị vua đoạt. Ta chớ để cho giặc cướp lấy mất, chớ để cho lửa đốt cháy, chớ để cho hư nát, chớ để cho thất thoát mà mất lợi”. Người đó cố giữ gìn tiền của nhưng vẫn bị vua chiếm đoạt, bị giặc cướp, bị lửa đốt cháy tiêu tan chẳng còn gì. Mất lợi, chẳng được lợi, người ấy lại lo buồn không vui, than khóc, tự đánh đập mình, tăng thêm ngu si. Người ấy trong cuộc sống mê lầm trôi nổi theo sanh tử đáng lẽ được vui thích thì lại hận nhớ đến sự thất bại tan tác này. Do đây, trong hiện tại thân này là khổ ấm.

Do nhân tham dục, do duyên với tham dục nên dục tăng trưởng. Đây là nhân duyên nơi tham dục. Chúng sanh nhân tham dục, duyên nơi tham dục, nên dục tăng trưởng. Vì nguyên nhân tham dục nên mẹ và con tranh nhau, con và mẹ tranh nhau; cha và con tranh nhau, con và cha tranh nhau; em và anh tranh nhau, anh và em tranh nhau. Tất cả cùng tranh giành nên mẹ nói con sai, con nói mẹ sai; cha nói con sai, con nói cha sai; anh nói em sai, em nói anh sai; huống chi là những người ngoài với nhau? Đây là khổ ấm trong hiện tại.

Do nhân tham dục, do duyên với tham dục nên tăng thêm nhiều tham dục. Chúng sanh ấy do nhân tham dục, do duyên tham dục, do dục tăng trưởng nên vua và vua tranh nhau, Bà-la-môn và Bà-lamôn tranh nhau, Cư sĩ và Cư sĩ cùng tranh nhau, người bần cùng và thợ thuyền cùng tranh với người bần cùng và thợ thuyền. Tất cả đều tranh giành xâu xé, mọi người đều thực hiện các cách tranh giành xâu xé: hoặc dùng tay đánh, hoặc dùng đá ném, hoặc dùng dao, hoặc dùng gậy. Sự chết chóc ở trong ấy là chết khổ. Đây là khổ ấm trong hiện tại.

Do nhân tham dục, do duyên tham dục nên tăng thêm nhiều dục. Chúng sanh ấy do nhân tham dục cho đến do dục tăng trưởng nên, khiến họ phải mặc áo giáp, cầm cung tên; hoặc mặc áo giáp da, cầm dao thật bén cùng đánh nhau. Trong trận đấu đó, họ dùng voi, hoặc dùng ngựa, hoặc dùng xe, hoặc dùng bộ binh, hoặc dùng người nữ, hoặc dùng người nam. Nơi trận chiến ấy có rất nhiều sự chết chóc khổ sở. Đây là khổ ấm trong hiện tại.

Do nhân tham dục, do duyên tham dục nên tăng thêm dục. Các chúng sanh ấy do nhân tham dục cho đến do dục tăng trưởng nên mặc áo giáp, cầm dao thật bén đến thành cao nhất và muốn chặt chém. Trong trận đánh đó, họ hoặc thổi tù và, hoặc đánh trống, hoặc cất tiếng kêu gọi, hoặc dùng chày, hoặc dùng mác, hoặc dùng mâu, hoặc dùng vòng tròn bén, hoặc dùng tên bắn, hoặc xô đá đè, hoặc dùng cung, hoặc rót nước đồng đổ xuống. Những sự chết nơi ấy là chết khổ. Đó là khổ ấm trong hiện tại.

Do nhân tham dục, do duyên nơi tham dục nên tăng thêm nhiều dục. Các chúng sanh ấy do nhân tham dục cho đến do dục tăng trưởng nên đến nơi thành ấp của vua, họ đục tường, phá kho, hoặc tham vật của người khác, hoặc cắt đường làm gián đoạn, phá hoại thành người, phá thôn xóm người, giết người. Họ bị quan binh nhà nước truy đuổi, bắt trói dùng các hình phạt khổ sở: hoặc chặt đầu, hoặc chặt tay chân, hoặc xẻo tai, hoặc cắt mũi, hoặc cắt tai, hoặc bị cắt búi tóc, hoặc bị cắt tóc, hoặc bị cắt cả búi tóc, hoặc nhốt vào khám, hoặc bị thắt cổ, hoặc bị cát đá chôn vùi, hoặc cỏ phủ lấp, hoặc bị đặt trong hàm sắt của lừa, hoặc bị đặt trong hàm sắt của sư tử, hoặc bị đặt trong chõ đồng, hoặc bị đặt trong chõ sắt, hoặc bị chặt thành đoạn ngắn, hoặc bị đao bén đâm, hoặc nằm lên giường sắt nóng, bị nước dầu sôi rót vào, hoặc bị bỏ vào cối dùng chày sắt đâm nát, hoặc bị rắn cắn, hoặc bị đánh đập, hoặc bị đấm đá cho đến bị cắm vào cột rồi dùng dao chặt đầu. Đây là khổ ấm của thân trong hiện tại.

Do nhân tham dục, do duyên tham dục nên tăng thêm nhiều dục. Chúng sanh ấy do nhân tham dục cho đến do dục tăng trưởng nên tạo tác thân hành khổ, miệng ý hành khổ. Chúng sanh ấy lúc bị khổ về bệnh hoạn, hoặc nằm trên giường, hoặc nằm trên chõng, hoặc nằm trong bóng râm, thân thể vô cùng đau đớn, mạng sống sắp chấm dứt. Nghĩa là thân chúng sanh ấy bị hành khổ và miệng ý cũng bị hành khổ. Chúng sanh đó đến giờ phút cuối đời, hướng đến cảnh giới thấp hèn. Giống như lúc trời tối dần, mặt trời lặn khuất vào núi lớn hoặc giữa núi lớn, bóng núi đảo ngược trở xuống.

Như thế, thân kia bị hành khổ, miệng bị hành khổ và ý cũng bị hành khổ. Khi chúng sanh ấy qua đời, hướng về cảnh giới bên dưới, nên suy nghĩ: “Thân này bị hành khổ, miệng và ý bị hành khổ nên hướng về cảnh giới bên dưới là bởi ta vốn không tạo hạnh lành, vốn không tạo phước vì ta đã làm quá nhiều việc ác, nghĩa là hướng đến hành động ác, hành động tham, hành động hung bạo, không làm việc phước, không làm việc thiện, không biết nẻo quay về, chắc rằng ta sẽ bị đọa vào nẻo ác”. Chúng sanh ấy liền sanh tâm hối hận. Khi đã hối cải rồi lại sanh điều bất thiện khác. Đây là khổ ấm trong hiện tại.

Do nhân tham dục cho đến do dục tăng trưởng, chúng sanh ấy do nhân tham dục cho đến do dục tăng trưởng nên thân bị hành khổ, miệng ý bị hành khổ. Chúng sanh đó thân, miệng, ý đã bị hành khổ rồi, do nhân đó, duyên đó, nên khi thân chết đi, sanh vào địa ngục xấu ác. Đây là khổ ấm của thân sau khi chết.

Do nhân tham dục cho đến do dục tăng trưởng, đó là sự hư hoại của dục. Thế nào là bỏ dục? Nếu ai đối với dục có tâm cầu dục, biết ngừng tâm cầu dục thì sẽ vượt qua tham dục. Bỏ được sự tham dục này là bỏ dục.

Này các vị Sa-môn, Bà-la-môn, như vậy là sự thú vị của dục, trong đó có sự hư hỏng. Không biết buông bỏ đúng pháp thì đâu thể tự bỏ dục được?

Lại có thể đoạn trừ cho người khác được sao? Cả hai trường hợp này đều không thể ngừng dục. Việc này không thể được.

Này các vị Sa-môn, Bà-la-môn, sự thú vị của dục là như thế, nên biết đấy là sự hư hỏng, thì có thể biết cách dứt bỏ đúng theo pháp. Sau đó tự mình có thể dứt hẳn tham dục, cũng có thể giúp người khác dứt hẳn tham dục. Cả hai trường hợp này đều có thể dứt hẳn tham dục, điều này đạt được.

Thế nào là thú vị về sắc? Nếu con gái của chủng tộc Sát-lợi, của chủng tộc Bà-la-môn, của hàng thương gia, của thứ dân đến tuổi mười bốn, mười lăm, đó là thời điểm nhan sắc dung mạo hoàn chỉnh nhất. Khi các cô có hình sắc dễ ưa dễ nhìn, đây là thời gian tạo nên sự thú vị của sắc, trong đó có nhiều hư hoại.

Thế nào gọi là sắc hư hoại? Nếu như nhìn thấy cô gái trở thành một bà già luống tuổi, răng rụng, tóc rụng, lưng còng phải chống gậy mà đi thì ý các thầy nghĩ sao? Nhan sắc xinh đẹp trước đây sẽ hư hoại phải không?

–Bạch Thế Tôn, đúng thế.

–Lại nữa, nếu như thấy cô gái trở thành người bệnh hoạn khổ sở, hoặc nằm trên giường, hoặc nằm trên chõng, hoặc nằm trong bóng râm, trong thân mang đầy bệnh tật vô cùng đau đớn buồn khổ và sắp qua đời thì ý các thầy nghĩ sao? Nhan sắc xinh đẹp trước đây sẽ hư hoại phải không?

–Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn.

–Lại nữa, nếu thấy cô gái lúc chết, từ một ngày đến bảy ngày, hoặc bị chim mổ, hoặc bị quạ rỉa, hoặc bị chồn ăn, hoặc bị lửa thiêu, hoặc chôn, hoặc trùng đục khoét thì ý các thầy nghĩ sao? Nhan sắc xinh đẹp trước đây sẽ hư hoại phải không?

–Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn.

–Lại nữa, nếu thấy cô gái như tử thi, hoặc là xương xanh, hoặc trùng rỉa rói, hoặc là xương trắng thì ý các thầy nghĩ sao? Nhan sắc xinh đẹp trước đây sẽ hư hoại phải không?

–Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn.

–Lại nữa, nếu thấy cô gái như thây chết, không có da thịt, chỉ có những sợi gân liên kết nhau thì ý các thầy nghĩ sao? Nhan sắc xinh đẹp trước đây sẽ hư hoại phải không?

–Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn.

–Lại nữa, nếu thấy cô gái như tử thi, xương gân rã rời mỗi chỗ khác nhau: xương ống chân một chỗ, xương đầu gối, xương đùi, xương lưng, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ… mỗi bộ phận ở tại một nơi thì ý các thầy nghĩ sao? Nhan sắc xinh đẹp trước đây sẽ hư hoại phải không?

–Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn.

–Lại nữa, nếu thấy cô gái như tử thi, xương trắng như vôi, hoặc màu xanh chàm, hoặc đỏ như tẩm dầu, hoặc vỡ vụn thì ý các thầy nghĩ sao? Nhan sắc xinh đẹp trước đây sẽ hư hoại phải không?

–Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn.

–Đó gọi là sắc hư hoại. Thế nào gọi là lìa bỏ sắc? Là nói những ai đối với sắc có tâm tham cầu thì cần phải ngưng dứt sự tham cầu ấy, vượt qua tất cả tâm tham cầu để lìa bỏ sắc ấy.

Này các vị Sa-môn và Bà-la-môn, như thế, đối với sự hư hoại của sắc mà không biết buông bỏ, không biết đúng như thật thì đâu có thể tự ngưng dứt sắc? Lại có thể làm cho người khác ngưng dứt được sao? Ở trong cả hai điều đó mà có thể dừng dứt sắc được không? Việc ấy không thể được.

Này các Sa-môn và Bà-la-môn, như thế, người nào đối với sự thú vị của sắc mà biết sự tan hoại của nó, biết buông bỏ xa lìa, biết đúng như thật thì vị ấy có thể tự dừng dứt nơi sắc, và có thể làm cho người khác ngừng dứt. Sống đúng như vậy thì có thể ngừng bỏ sắc. Việc này có thể đạt được.

Thế nào là thú vị nơi thọ? Thầy Tỳ-kheo đã giải thoát dục, an trụ nơi Chánh định của Tứ thiền. Trụ nơi thiền này sẽ không tự hoại mình và không hủy hoại người khác. Ở đây không hủy hoại thì đạt được an lạc. Vì sao? Vì Ta nói không sân hận thì được lạc thọ. Đây là thú vị của thọ.

Thế nào là sự hư hoại của thọ? Ý nói thọ là pháp vô thường, khổ, tan hoại. Đó là sự tan hoại của thọ.

Thế nào là từ bỏ thọ? Nghĩa là đình chỉ, vượt qua sự tham muốn về thọ. Đó là bỏ thọ. Nếu Samôn và Bà-la-môn nào đối với sự thú vị của thọ không biết sự tan hoại của nó, không biết buông bỏ, không biết như thật thì làm sao có thể tự ngưng dứt nơi thọ được? Và làm sao có thể làm cho người khác dừng dứt được? Thực hành cả hai để có thể buông bỏ thọ, việc này không thể được.

Này các Sa-môn và Bà-la-môn như thế, vị nào đối với thú vị của thọ ấy biết là pháp tan hoại, biết buông bỏ, xa lìa, biết như thật, vị ấy có thể tự tịch chỉ thọ, và có thể làm cho người khác cũng dừng bỏ. Thực hành cả hai thì có thể dừng bỏ thọ. Việc này có thể đạt được.

Đức Phật thuyết giảng như thế, các thầy Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]