TẠNG KINH
SỐ 55 - PHẬT NÓI KINH KHỔ ẤM NHÂN SỰ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Thích Pháp Cự.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Bà-già-bà ở trong vườn Ni-câulâu, thuộc thành Ca-duy-la-bà của chủng tộc Thích-ky-để (dòng Sát-đế-lợi). Bấy giờ Thíchma-ha-năng-cừ, sau buổi trưa ung dung đi đến chỗ Đức Thế Tôn. Đến nơi, ông đảnh lễ nơi chân Đức Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên. Thích Đại lực sĩ (Thích-ma-ha-năng-cừ) sau khi ngồi qua một bên liền bạch với Đức Thế Tôn:
–Như những pháp Đức Thế Tôn đã giảng dạy con đều biết hết. Đó là ba ý niệm trói buộc: Ý dâm trói buộc, ý sân hận, ngu si trói buộc. Như vậy, những pháp Đức Thế Tôn chỉ dạy con đều biết. Nay con đã dấy khởi sự dâm dục vướng mắc nơi ý mình, đã dấy sự sân hận và ngu si vướng mắc nơi ý mình. Cho nên, bạch Đức Thế Tôn, con đã nghĩ như vầy: “Ta có pháp gì chưa dứt sạch mà khiến sanh ra dâm dục, vướng mắc nơi tâm ý?
Sanh ra sự sân hận, ngu si vướng mắc nơi tâm ý?”.
Đức Phật dạy:
–Này Đại lực sĩ, pháp chưa dứt sạch, khiến cho ông ở tại nhà cũng không học đạo, không tin và ưa thích việc xuất gia, từ bỏ gia đình. Này Đại lực sĩ, nếu pháp ấy dứt sạch thì ông sẽ không ở tại gia, ông chắc chắn sẽ có thể tin thích xuất gia, từ bỏ gia đình học đạo. Này Đại lực sĩ, pháp ấy vì chưa dứt sạch cho nên mới khiến ông ở tại nhà, không tin thích xuất gia, từ bỏ gia đình học đạo.
Bấy giờ Thích Đại lực sĩ từ tòa đứng dậy, bước qua một bên, sửa lại y phục, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn, thưa:
Như vậy, nay con đối với Đức Thế Tôn có sự tin thích, cúi mong Đức Thế Tôn khéo vì con giảng nói pháp. Con nhờ thấy pháp mà dứt sạch được nghi ngờ.
Đức Phật bảo:
–Này Đại lực sĩ, có năm dâm dục, ái niệm, ái sắc, gần với dâm, khiến nhiễm đắm: Mắt biết sắc, tai biết tiếng, mũi biết mùi, lưỡi biết vị, thân biết vật mịn trơn. Ở trong các thứ ấy mà tự vui thích, yêu mến mùi vị, vui thích trong đó. Như vậy, này Đại lực sĩ, ở trong sự thú vị của dâm có nhiều hư hoại. Này Đại lực sĩ, vì sao nói ở trong dâm dục có nhiều sự hư hoại? Này Đại lực sĩ, nếu người con nhà dòng dõi học làm thợ khéo léo để tự bảo tồn mạng sống, hoặc cày ruộng, hoặc mua bán, hoặc sao chép sách, hoặc học số, hoặc học toán, hoặc học in ấn, hoặc học thơ, hoặc học làm đồ gốm, hoặc dạy học, hoặc được vua chiêu mộ; những người ấy bị sự buốt giá bức bách, sự nóng lạnh thiêu đốt, phải nhẫn chịu sự đói khát dày vò, bị muỗi mòng, chí rận chích hút, họ mong cầu tiền của. Người con nhà dòng dõi kia, như vậy, đã làm những việc như vậy, siêng năng làm việc như vậy, nhưng vẫn không thể kiếm ra tiền. Kẻ ấy liền ưu sầu, không vui, khóc lóc, tự đánh, đập thân mình, tăng thêm sự ngu si, siêng năng làm việc mà không có kết quả.
Nếu người con nhà dòng dõi kia làm những việc như vậy, siêng năng làm việc như vậy, kẻ ấy có được nhiều tiền của. Khi được tiền của rồi, vị ấy liền giữ gìn đừng cho tiền của ấy bị vua chiếm đoạt, không để giặc cướp, không để lửa cháy, không để hư mục, không đẻ hao tổn, bị thất lợi. Kẻ ấy gìn giữ tiền của như vậy nhưng vẫn bị vua chiếm đoạt, giặc cướp, lửa cháy, bị tiêu hủy, hao tổn, bị thất lợi. Kẻ ấy liền ưu sầu, không vui, khóc lóc, tự đánh, đập thân mình, chỉ thêm sự ngu si.
Lại nữa, những gì mà ta yêu thích lâu dài chắc chắn sẽ bị hư hoại. Do đó, này Đại lực sĩ, thân ở hiện tại này là khổ ấm. Do tham dục nên đưa đến dục tăng trưởng, chính là nhân duyên của dục ấy. Này Đại lực sĩ, chúng sanh nhân vì tham dục đưa đến tham dục tăng trưởng. Do tham dục mà mẹ tranh với con, con tranh với mẹ, cha tranh với con, con tranh với cha, anh tranh với em, em tranh với anh. Họ tranh giành với nhau: Mẹ nói con sai, con nói mẹ sai, cha nói con sai, con nói cha sai, anh nói em sai, em nói anh sai. Huống chi là đối với người ngoài?
Này Đại lực sĩ, đó là khổ ấm hiện tại. Do tham dục nên đưa đến dục tăng trưởng. Này Đại lực sĩ, do tham dục nên đưa đến dục tăng trưởng khiến vua tranh với vua, Bà-la-môn tranh với Bà-lamôn, Cư sĩ tranh với Cư sĩ, giặc cướp tranh với giặc cướp, thợ thuyền tranh với thợ thuyền. Họ tranh giành với nhau tạo ra đủ thứ dụng cụ để chiến đấu. Hoặc dùng tay đánh, hoặc dùng đá ném, hoặc dùng dao đâm, gậy đập, trong đó có người chết, hoặc khổ gần chết. Này Đại lực sĩ, đó chính là khổ ấm trong hiện tại. Do tham dục nên đưa đến dục tăng trưởng.
Này Đại lực sĩ, chúng sanh do tham dục nên đưa đến dục tăng trưởng, nên họ mới mặc áo giáp, mang cung tên, mang áo giáp bằng da, cầm dao thật bén, vây nhau mà đánh. Khi lâm trận, họ hoặc dùng voi để đấu, hoặc dùng ngựa, hoặc dùng xe, hoặc dùng bộ binh, hoặc dùng đàn bà, hoặc dùng đàn ông; ở đấy hoặc có người chết, hay khổ gần chết. Đó chính là, này Đại lực sĩ, khổ ấm trong hiện tại. Do tham dục nên đưa đến dục tăng trưởng.
Này Đại lực sĩ, chúng sanh do tham dục đưa đến dục tăng trưởng, nên họ mới mặc áo giáp, mang cung tên, mang áo giáp bằng da, cầm dao thật bén, đi đến thành thật cao ý muốn công phạt. Những kẻ ấy trong lúc đó, hoặc thổi tù và, hoặc đánh trống, hoặc dùng tiếng kêu gọi, hoặc dùng chày sắt, hoặc dùng xoa, hoặc dùng kích, hoặc dùng bánh xe bén, hoặc dùng tên bắn lẫn nhau, hoặc xô đá chạy loạn xạ, hoặc dùng nỏ, hoặc lấy nước đồng sôi đổ xuống, trong đó có người chết, hay khổ gần chết. Này Đại lực sĩ, đó chính là khổ ấm trong hiện tại. Do tham dục nên đưa đến dục tăng trưởng.
Này Đại lực sĩ, chúng sanh do tham dục nên đưa đến dục tăng trưởng nên họ đi đến thành ấp của vua, hoặc xuyên qua tường, phá kho, hoặc ăn cắp đồ vật của người khác, hoặc đánh hoặc chận đường cướp của người khác, phá thành người khác, phá thôn, giết người. Kẻ ấy bị quan chức trách bắt được hành xử đủ điều khổ sở, hoặc chặt tay, hoặc chặt chân, hoặc cắt tai, hoặc xẻo mũi, hoặc cắt lưỡi, hoặc cắt búi tóc, hoặc cắt tóc, hoặc cắt cả tóc và búi tóc, hoặc bỏ vào trong hòm, hoặc lấy áo phủ lại rồi giết, hoặc lấp cát đá lên trên, hoặc phủ cỏ lên trên, hoặc bỏ trong miệng con lừa bằng sắt, hoặc bỏ trong miệng con sư tử bằng sắt, hoặc bỏ vào trong cái chảo bằng đồng, hoặc bỏ trong chảo bằng sắt, hoặc cắt ra từng đoạn, hoặc dùng dao bén đâm vào hai tay, hoặc nằm trên giường bằng sắt nóng, hoặc dùng dầu sôi mà rưới, bỏ vào cối lấy chày sắt mà giã, hoặc cho rắn cắn, hoặc lấy gậy đập, hoặc dùng cây ném, hoặc dẫn đến dưới cây nêu lấy dao chặt đầu. Này Đại lực sĩ, đó chính là khổ ấm trong hiện tại. Do tham dục nên đưa dục tăng trưởng.
Này Đại lực sĩ, chúng sanh do tham dục nên đưa đến dục tăng trưởng, tạo thân hành khổ, miệng, ý hành khổ. Lúc ấy họ hoặc bị khổ hoạn bệnh, nằm ở trên giường, nằm ở trong bóng mát, thân bị bệnh, cực khổ, đau đớn, không vui, mạng sống sắp hết. Kẻ ấy thân hành khổ, miệng, ý hành khổ, đến lúc mạng chung tâm ý điên đảo hướng sanh về cảnh giới phía dưới. Giống như lúc hoàng hôn, mặt trời sắp lặn xuống ngọn núi lớn, xuống giữa ngọn núi lớn thì bóng hòn núi ấy ngã dài dưới đất. Cũng như vậy, kẻ kia thân hành khổ, miệng hành khổ, ý hành khổ, đến lúc mạng chung tâm ý điên đảo hướng sanh về cảnh giới phía dưới. Kẻ ấy nghĩ như vầy: “Thân ta khổ hạnh, miệng khổ hạnh, ý khổ hạnh nên tâm ý điên đảo hướng sanh về cảnh giới phía dưới. Ta vốn không thực hành đúng pháp, vốn không làm phước, ta chỉ làm điều tội ác. Vì thích làm ác, tham lam, làm điều hung bạo, không làm việc phước, không làm việc thiện, không làm theo chỗ đáng quy ngưỡng, chắc chắn ta phải đọa bị vào cõi ác”. Lúc đó kẻ ấy liền có sự thay đổi, hối hận. Thay đổi hối hận rồi, nhưng cuối cùng vì sống bất thiện cho nên khi mạng chung cũng là bất thiện. Này Đại lực sĩ, đó chính là khổ ấm trong hiện tại. Do tham dục nên đưa dục tăng trưởng.
Này Đại lực sĩ, chúng sanh do tham dục nên đưa đến dục tăng trưởng, tạo tác thân hành khổ, khẩu và ý hành khổ. Kẻ ấy tạo thân hành khổ rồi, tạo miệng, ý hành khổ rồi, do nhân đó, duyên đó khi thân hoại mạng chung sanh trong cõi ác địa ngục. Chính đó, này đại lực sĩ, chính là khổ ấm của thân này trong đời sau. Do tham dục nên đưa đến dục tăng trưởng. Này Đại lực sĩ, chính là do năm sự thú vị của tham dục nên có nhiều khổ, hư hoại.
Còn vị Thánh đệ tử thì không như vậy, có tri kiến như thật, không có hỷ lạc đối với dâm, vì nó tạo ra pháp ác bất thiện. Đó gọi là sự tịch tĩnh vô thượng. Như vậy, này Đại lực sĩ, Thánh đệ tử cùng tương ưng với pháp dâm như vậy. Lại nữa, này Đại lực sĩ, Ta đối với tham dục dù nhỏ cũng biết nó là khổ, biết nó là hư hoại. Đó là tri kiến như thật của Ta, Ta cũng không trụ trong tham dục tạo ra pháp ác bất thiện, mà trụ trong sự phòng hộ an lạc, chính là sự tịch tĩnh vô thượng. Này Đại lực sĩ, như vậy Ta không tương ưng với pháp tham dục.
Này Đại lực sĩ, có một thời Ta ở trong hang Thất diệp, Bệ-đà-lệ Chỉ hữu hiếp, thuộc thành Vương xá. Này Đại lực sĩ, vào lúc xế chiều Ta đứng dậy đi đến bên Chỉ hữu hiếp, Ta ở đó, từ xa trông thấy các Ni-kiền, họ thường không ngồi mà luôn quỳ, tu tập khổ hạnh rất thống khổ. Ta liền đi đến chỗ họ. Đến nơi, Ta nói với họ:
–Vì sao? Này Ni-kiền, lại quỳ mãi không ngồi như thế, tu tập khổ hạnh quá sức như vậy?
Họ đáp:
–Này Cù-đàm, vị thầy lãnh đạo phái Ni-kiền thân tộc tử đã như vầy: “Này các Ni-kiền, chúng ta vốn tạo các hành ác nay hành pháp khổ hạnh này sẽ tiêu trừ các hạnh ác kia. Đó là nay thân nghiệp hành khổ hạnh, khẩu, ý nghiệp hành khổ hạnh, nếu có điều ác hãy đừng làm”.
Ta nói với họ:
–Này các Ni-kiền, vì sao các ông đối với vị thầy lãnh đạo phái Ni-kiền có thể tin, có thể nhận lời của vị ấy được? Sao lại không nghi ngờ vị thầy ấy?
Họ trả lời:
–Này Cù-đàm, vị thầy lãnh đạo phái Ni-kiền của chúng tôi, chúng tôi không nghi ngờ vị thầy ấy, vì vị ấy có thể tin cậy, có thể chấp nhận được.
Ta đáp lại họ:
–Như vậy, nếu như trong chúng Ni-kiền của các ông, có vị Ni-kiền vốn đã tạo hạnh ác, nên phải hành khổ hạnh cùng cực. Vị Ni-kiền ấy sau khi chết đời sau sanh lại ở nhân gian sẽ cũng lại học ở trong phái Ni-kiền này, phải thường quỳ, không ngồi theo khổ hạnh như vậy, như nay các ông đang làm sao?
Họ nói như vầy:
–Này Cù-đàm, không theo hạnh thiện vẫn được quả báo thiện. Vua Tần-phù-bà sống yên ổn trong an lạc, còn Sa-môn Cù-đàm thì không được như vậy.
Ta đáp:
–Này các Ni-kiền, các ông nói như vậy là không đúng. Vì sao vậy? Vì kẻ phàm phu ngu si, bất định, không thiện, không nhàm chán, không biết đủ mới nói: “Vua Tần-phù-bà thường ở nơi thiện, thường được an lạc, còn Sa-môn Cù-đàm thì không được như vậy”. Này các Ni-kiền, phải trước nhất là biết Ta và tại sao Ta thường ở trong sự an lạc, chứ không nói: “Vua Tần-phù-bà hay Sa-môn Cù-đàm?”. Này các Ni-kiền, Ta sẽ nói cho các ông biết: Ta là người khéo sống trong sự an lạc chứ không phải là vua Tần-phù-bà nước Ma-kiệt. Các ông không nên nói như vầy: “Vua Tần-phù-bà nước Ma-kiệt thường sống trong an lạc, Sa-môn Cù-đàm không thể sánh kịp!”. Nay Ta hỏi các ông: “Ai là người khéo sống trong sự an lạc, vua Tầnphù-bà hay Sa-môn Cù-đàm? Ý của các Ni-kiền thế nào? Vua Tần-phù-bà nước Ma-kiệt đã được tự tại về miệng và ý chăng? Trong bảy ngày bảy đêm thân đã hoàn toàn an trụ trong an lạc chăng?” Các Ni-kiền thưa:
–Chẳng được vậy, thưa Cù-đàm.
Đức Phật hỏi tiếp:
–Hoặc sáu ngày, năm ngày, bốn ngày, hai ngày hoặc một ngày một đêm vua được tự tại về miệng và ý chăng? Thân đã hoàn toàn được sống trong sự an lạc chăng?
–Thưa Cù-đàm, không được.
–Ý của các Ni-kiền thế nào? Ta đã được tự tại về miệng và ý chăng? Trong một ngày một đêm, thân của Ta có sống trong sự an lạc chăng?
–Được, thưa Cù-đàm.
–Từ hai, ba cho đến bảy ngày, bảy đêm miệng và ý của Ta có được hoàn toàn khéo sống trong sự an lạc chăng?
–Được, thưa Cù-đàm.
–Ý của các Ni-kiền thế nào? Ta và vua, ai thường khéo sống trong sự an lạc, vua Tần-phù-bà nước Ma-kiệt hay là Ta?
–Như chúng tôi nhờ Sa-môn Cù-đàm thuyết giảng nên biết được nghĩa này: Chính Sa-môn Cùđàm mới là người khéo sống trong an lạc, chứ không phải vua Tần-phù-bà nước Ma-kiệt.
–Này Đại lực sĩ, hãy giảm thiểu tham dục, biết nó có nhiều sự khổ, trong sự hư hoại thì nó có nhiều hư hoại nhất. Do đó vị Thánh đệ tử dùng trí tuệ để thấy như thật, nên đối với tham dục, pháp ác bất thiện không vui thích chúng. Đó là sự tịch tĩnh vô thượng.
Như vậy, này Đại lực sĩ, vị Thánh đệ tử tương ưng với pháp tham dục như thế.
Lại nữa, này Đại lực sĩ, Ta đối với chút ít thú vị của tham dục cũng thấy nó có nhiều khổ, biết nó là pháp hư hoại. Đó là Ta dùng trí tuệ bình đẳng thấy như thật, cũng không ở trong tham dục có tạo tác pháp bất thiện, mà chỉ chuyên phòng hộ để được tự vui, chính là sự tịch tĩnh vô thượng. Như vậy, này Đại lực sĩ, Ta không tương ưng với pháp tham dục.
Đức Phật giảng dạy như vậy, vị Đại lực sĩ ấy cùng các Tỳ-kheo nghe Đức Thế Tôn chỉ dạy xong, thảy đều hoan hỷ.