TẠNG KINH
SỐ 57 - PHẬT NÓI KINH LẬU PHÂN BỐ
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư An Thế Cao.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại Hành trị xứ danh vi pháp (đô ấp Kiếm-ma-sắc-đàm-câu-lâu?) thuộc nước Câu-lưu.
Bấy giờ người nước Câu-lưu đang sinh sống đông đúc tại đó. Khi ấy Đức Phật bảo các Tỳ-kheo; các Tỳ-kheo thưa: “Dạ vâng”, và theo Đức Phật để nghe dạy. Đức Phật nói như vầy:
–Tỳ-kheo hãy lắng nghe, Ta sẽ thuyết pháp, phần đầu cũng lợi, phần giữa cũng lợi, phần cuối cũng lợi, có lợi lạc, có phương tiện, đầy đủ ý, hiện rõ phạm hạnh. Hãy nên lắng nghe, thọ trì để nhớ nghĩ điều được nghe.
Các Tỳ-kheo thưa: “Xin vâng!”, và theo Đức Phật để nghe thuyết pháp. Đức Phật nói:
–Các Tỳ-kheo cần phải biết lậu, cũng phải biết nguồn gốc của lậu, cũng phải biết do lậu mà thọ lấy tai ương, cũng phải biết sự phân bố (tác động rộng khắp) của lậu, cũng phải biết sự chấm dứt của lậu, cũng phải biết tu tập gì khiến cho dứt sạch hết lậu.
Tỳ-kheo phải biết thống (thọ), cũng phải biết nguyên nhân của thống, cũng phải biết do thống mà bị tai ương, cũng phải biết sự phân bố của thống, cũng phải biết sự chấm dứt của thống, cũng phải biết tu tập gì để dứt hết thống.
Tỳ-kheo phải biết tư tưởng, cũng nên biết nguồn gốc của tư tưởng, cũng nên biết do tư tưởng mà thọ lấy tai ương, cũng nên biết sự phân bố của tư tưởng, cũng nên biết tu tập gì để chấm dứt tư tưởng.
Tỳ-kheo phải biết ái dục, cũng phải biết nguồn gốc của ái dục, cũng phải biết do ái dục mà thọ tai ương, cũng phải biết sự phân bố của ái dục, cũng phải biết sự chấm dứt của ái dục, cũng phải biết tu tập gì để không còn ái dục.
Tỳ-kheo phải biết hành, cũng phải biết nguyên nhân của hành, cũng phải biết vì hành mà bị tai ương, cũng phải biết sự phân bố của hành, cũng phải biết sự chấm dứt của hành, cũng phải biết thọ trì hạnh gì để không còn hành.
Tỳ-kheo phải biết khổ, cũng phải biết nguyên nhân của khổ, cũng phải biết vì khổ mà bị tai ương, cũng phải biết sự phân bố của khổ, cũng phải biết sự chấm dứt của khổ, cũng phải biết tu tập gì để không còn khổ.
Tỳ-kheo phải biết lậu, cũng phải biết nguyên nhân của lậu, cũng phải biết vì lậu mà bị tai ương, cũng phải biết sự phân bố của lậu, cũng phải biết sự chấm dứt của lậu, cũng phải biết tu tập gì mà dứt hết lậu.
Phải biết những loại lậu nào? Đó là có ba thứ lậu:
Dục lậu.
Hữu lậu.
Si lậu (vô minh lậu).
Như vậy là biết lậu.
Thế nào gọi là phải biết nguồn gốc của lậu? Đó là biết si (vô minh) là gốc của lậu, do đó mà lậu hiện hữu. Như vậy là biết nguồn gốc của lậu.
Thế nào gọi là do lậu mà có tai ương? Đó là biết do si mà có hành động lậu, hành động thế nào nên phải thọ lấy tai ương như vậy, hoặc sanh chỗ tốt, hoặc đọa vào chỗ xấu. Như vậy là biết do lậu mà thọ lấy tai ương.
Thế nào gọi là biết sự phân bố của lậu? Đó là biết do hành động sai khác mà bị đọa vào địa ngục, hoặc do hành động sai khác mà đọa vào súc sanh, hoặc do hành động sai khác mà đọa vào ngạ quỷ, hoặc do hành động sai khác mà sanh lên cõi trời, hoặc do hành động sai khác mà sanh vào loài người. Như vậy gọi là biết sự phân bố của lậu.
Sao gọi là phải biết sự chấm dứt của lậu? Đó là biết si đã chấm dứt nên lậu liền chấm dứt, như vậy là lậu chấm dứt. Đó là biết sự chấm dứt của lậu.
Thế nào là phải biết thọ trì hạnh gì để lậu chấm dứt? Đó là tám thứ đạo hạnh:
Trực kiến.
Trực cánh. Trực ngữ.
Trực hành.
Trực nghiệp.
Trực phương tiện.
Trực niệm.
Trực định.
Như vậy là biết thọ trì hạnh gì để chấm dứt lậu.
Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đã biết lậu như vậy, biết nguyên nhân của lậu như vậy, biết do lậu mà phải thọ tai ương như vậy, biết sự phân bố của lậu như vậy, biết sự chấm dứt của lậu như vậy, biết tu tập nên khiến lậu được chấm dứt như vậy. Đó gọi là Tỳ-kheo biết chán lìa thế gian, hành thanh tịnh nên được đắc đạo, làm cho các lậu được chấm dứt.
Tỳ-kheo phải biết thống (thọ), cũng phải biết nguyên nhân của thống, cũng phải biết vì thống mà thọ tai ương, cũng phải biết sự phân bố của thống, cũng phải biết sự chấm dứt của thống, cũng phải biết tu tập gì khiến cho chấm dứt thống.
–Phải biết những loại thống nào? Đó là có ba loại thống (thọ):
Lạc thống.
Khổ thống.
Không lạc cũng không khổ thống.
Như vậy là biết thống.
Thế nào là phải biết nguồn gốc của thống? Đó là biết do suy tư, lường tính. Như vậy là biết nguồn gốc của thống.
Thế nào là phải biết do thống mà thọ tai ương? Đó là biết có đối tượng tư duy tiếp xúc dẫn tới sự khổ. Như vậy là biết từ thống đưa đến tai ương.
Thế nào là phải biết sự phân bố của thống? Này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo tiếp xúc với lạc thống (lạc thọ) thì biết là tiếp xúc với lạc thống, tiếp xúc với khổ thống (khổ thọ) thì biết là tiếp xúc với khổ thống, tiếp xúc với không khổ không lạc thống thì biết là đang tiếp xúc với không lạc không khổ thống; thân tiếp xúc với lạc thống thì biết là thân tiếp xúc với lạc thống, thân tiếp xúc với khổ thống thì biết là thân tiếp xúc với khổ thống, thân tiếp xúc với không khổ không lạc thống thì biết là thân tiếp xúc với không khổ không lạc thống; tâm niệm tiếp xúc với lạc thống thì biết là tâm niệm tiếp xúc với lạc thống, tâm niệm tiếp xúc với khổ thống thì biết là tâm niệm tiếp xúc với khổ thống, tâm niệm tiếp xúc với không khổ không lạc thống thì biết là tâm niệm tiếp xúc với không khổ không lạc thống. Lạc thống do mong cầu mà có thì biết lạc thống do mong cầu mà có. Khổ thống do mong cầu mà có thì biết khổ thống do mong cầu mà có. Không khổ không lạc thống do mong cầu mà có thì biết không khổ không lạc thống do mong cầu mà có. Lạc thống không do mong cầu mà có thì biết lạc thống không do mong cầu mà có. Khổ thống không do mong cầu mà có thì biết khổ thống không do mong cầu mà có. Không khổ không lạc thống không do mong cầu mà có thì biết không khổ không lạc thống không do mong cầu mà có. Lạc thống do sống trong gia đình thì biết lạc thống do sống trong gia đình. Khổ thống do sống trong gia đình thì biết khổ thống do sống trong gia đình. Không khổ không lạc thống do sống trong gia đình thì biết không khổ không lạc thống do sống trong gia đình. Lạc thống nhờ bỏ gia đình thì biết lạc thống nhờ bỏ gia đình. Khổ thống nhờ bỏ gia đình thì biết khổ thống nhờ bỏ gia đình. Không khổ không lạc thống nhờ bỏ gia đình thì biết không khổ không lạc thống nhờ bỏ gia đình. Như vậy là biết sự phân bố của thống.
Những gì là phải biết sự chấm dứt của thống? Đó là nhớ nghĩ đến sự từ bỏ thì thống liền chấm dứt. Như vậy là biết sự chấm dứt của thống.
Thế nào là phải biết tu tập để thống chấm dứt?
Đó là tám thứ đạo hạnh:
Trực kiến.
Trực cánh. Trực ngữ.
Trực hành.
Trực nghiệp.
Trực phương tiện.
Trực niệm.
Trực định.
Như vậy là biết tu tập để chấm dứt thống.
Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đã biết thống như vậy, biết nguyên nhân của thống như vậy, biết do thống mà bị tai ương như vậy, biết sự phân bố của thống như vậy, biết sự chấm dứt của thống như vậy, biết tu tập để chấm dứt thống như vậy. Đó gọi là Tỳ-kheo biết chán lìa thế gian, nhờ hành thanh tịnh nên được đạo, làm cho thống được chấm dứt.
Tỳ-kheo phải biết tư tưởng (Tưởng), phải biết nguồn gốc của tư tưởng, phải biết do tư tưởng mà thọ lấy tai ương, cũng phải biết sự phân bố của tư tưởng, cũng phải biết tu tập gì để chấm dứt tư tưởng.
Những gì là phải biết tư tưởng? Đó là có bốn loại tư tưởng:
Tư tưởng ít.
Tư tưởng nhiều.
Tư tưởng vô hữu lượng.
Tư tưởng vô sở hữu bất dụng.
Như vậy gọi là biết tư tưởng.
Thế nào là phải biết nguồn gốc của tư tưởng? Xúc là nguồn gốc của tư tưởng. Như vậy là biết nguồn gốc của tư tưởng.
Thế nào là phải biết từ tư tưởng mà có tai ương? Đó là như điều tư tưởng làm, như điều tư tưởng hành. Đó gọi là việc làm, hành động. Như vậy là biết do tư tưởng mà thọ tai ương.
Thế nào là phải biết sự phân bố của tư tưởng? Đó là tư tưởng về sắc thì khác, tư tưởng về tiếng cũng khác, tư tưởng về hương cũng khác, tư tưởng về vị cũng khác, tư tưởng về sự thô, tế khi thân cảm tiếp xúc cũng khác. Như vậy là biết sự phân bố của tư tưởng.
Thế nào là phải biết sự chấm dứt của tư tưởng? Đó là xúc đã hết thì tư tưởng liền chấm dứt. Như vậy là biết sự chấm dứt của tư tưởng.
Thế nào là phải biết tu tập để chấm dứt tư tưởng? Đó là tám loại đạo hạnh:
Trực kiến.
Trực cánh.
Trực ngữ.
Trực hành.
Trực nghiệp.
Trực phương tiện.
Trực niệm.
Trực định.
Như vậy là biết tu tập để chấm dứt tư tưởng.
Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đã biết tư tưởng như vậy, biết nguồn gốc của tư tưởng như vậy, biết do tư tưởng mà phải thọ tai ương như vậy, biết sự phân bố của tư tưởng như vậy, biết sự chấm dứt của tư tưởng như vậy, biết tu tập nên khiến tư tưởng được chấm dứt như vậy. Đó gọi là Tỳ-kheo biết, chán lìa thế gian, hành thanh tịnh nên được đắc đạo, khiến tư tưởng chấm dứt.
Tỳ-kheo phải biết ái dục, cũng phải biết nguồn gốc của ái dục, cũng phải biết do ái dục đưa đến tai ương, cũng phải biết sự phân bố của ái dục, cũng phải biết sự chấm dứt của ái dục, cũng phải biết tu tập gì để chấm dứt ái dục.
Thế nào là phải biết ái dục? Đó là biết ái dục có năm loại mà con người mong muốn được, mong muốn mãnh liệt trong tâm, mong cầu yêu thích sắc; theo ý ấy đưa đến tham đắm, gần gũi. Những gì là năm?
1. Các sắc do mắt nhận thức thì mong muốn được, mong muốn mãnh liệt trong tâm, mong muốn yêu thích sắc; theo ý ấy đưa tới tham đắm, dễ gần gũi.
2. Các tiếng do lỗ tai nhận thức thì mong muốn được, mong muốn mãnh liệt trong tâm, mong muốn yêu thích sắc; theo ý ấy đưa đến tham đắm, gần gũi.
3. Các hương do mũi nhận thức thì mong muốn được, mong muốn mãnh liệt trong tâm, mong muốn yêu thích sắc; theo ý ấy dẫn tới tham đắm, gần gũi.
4. Các vị do miệng nhận thức thì mong muốn được, mong muốn mãnh liệt trong tâm, mong muốn yêu thích sắc; theo ý ấy dẫn đến tham đắm, gần gũi.
Các xúc thô, tế do thân tiếp xúc biết được thì mong muốn được, mong muốn mãnh liệt trong tâm, mong muốn yêu thích sắc; theo ý ấy dẫn tới tham đắm, gần gũi.
Như vậy là biết được ái dục.
Thế nào là biết nguồn gốc của ái dục? Đó là tư (suy niệm). Như vậy là biết nguồn gốc của ái dục.
Thế nào là biết vì ái dục phải thọ tai ương? Nếu đã dấy khởi ái dục, đã sanh dục cầu, liền có tranh cãi, mong chờ, liền sanh tưởng về tai ương. Vì vậy phải tùy theo tai ương hoặc đến chỗ tốt, hoặc vào chỗ dữ. Như vậy là biết do ái dục mà thọ lấy tai ương.
Thế nào là phải biết sự phân bố của ái dục? Đó là biết ái dục của sắc thì khác, ái dục của thanh cũng khác, ái dục của hương cũng khác, ái dục của mùi vị cũng khác, ái dục do thân tiếp xúc vật thô tế cũng khác. Như vậy là biết sự phân bố của ái dục.
Thế nào là biết sự chấm dứt của ái dục? Đó là biết tư đã chấm dứt thì ái liền chấm dứt. Như vậy là biết sự chấm dứt của ái dục.
Thế nào là biết tu tập để chấm dứt ái dục? Đó là tám thứ đạo hạnh:
Trực kiến.
Trực cánh. Trực ngữ.
Trực hành.
Trực nghiệp.
Trực phương tiện.
Trực niệm.
Trực định.
Như vậy là biết tu tập để chấm dứt ái dục.
Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đã biết ái dục như vậy, biết nguyên nhân của ái dục như vậy, biết do ái dục mà phải thọ tai ương như vậy, biết sự phân bố của ái dục như vậy, biết sự chấm dứt của ái dục như vậy, biết tu tập để chấm dứt ái dục như vậy. Đó gọi là Tỳ-kheo biết, chán lìa thế gian, hành thanh tịnh, đắc đạo, khiến cho ái dục chấm dứt.
Tỳ-kheo cần phải biết hành, cũng phải biết nguồn gốc của hành, cũng phải biết do hành mà thọ lấy tai ương hay phước đức, cũng phải biết sự phân bố của hành, cũng phải biết sự chấm dứt của hành, cũng phải biết tu tập gì thì chấm dứt hành.
Thế nào là phải biết hành? Đó là sự nhớ nghĩ không hướng tới xa lìa, gọi là hành.
Thế nào là biết nguồn gốc của hành? Đó là từ ái dục có sự tạo tác, từ ái làm gốc có hành. Như vậy là biết nguồn gốc của hành.
Thế nào là biết do hành mà phải thọ tai ương hay phước đức? Đó là hành động đen tối phải bị tai ương xấu ác khiến phải bị sa đọa vào cõi ác, có hành động thanh tịnh, khiến có phước thanh tịnh, được sanh lên cõi trời. Đó là biết do hành mà phải thọ lấy tai ương hay phước đức.
Thế nào là phải biết sự phân bố của hành? Đó là có hành động đen tối phải theo sự đen tối mà thọ lấy tai ương, có hành động thanh tịnh thì nhờ sự thanh tịnh mà được phước đức thanh tịnh. Vì có hành động đen tối hay thanh tịnh nên đưa đến nghiệp đen hay trắng, tai ương hay phước đức. Cũng có hành động chẳng phải đen, cũng chẳng phải thanh tịnh, nhờ đó được phước đức, các hành đều nối tiếp nhau. Như vậy là biết sự phân bố của hành.
Thế nào là phải biết sự chấm dứt của hành? Đó là ái đã hết thì hành liền hết. Như vậy là biết sự chấm dứt của hành.
Thế nào là biết tu tập để chấm dứt hành? Đó là tám thứ đạo hạnh:
Trực kiến.
Trực cánh. Trực ngữ.
Trực hành.
Trực nghiệp.
Trực phương tiện.
Trực niệm.
Trực định.
Như vậy là biết sự tu tập để chấm dứt hành.
Này các Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo đã biết hành như vậy, biết nguồn gốc của hành như vậy, biết do hành mà phải thọ tai ương như vậy, biết sự phân bố của hành như vậy, biết sự chấm dứt của hành như vậy, biết tu tập để chấm dứt hành như vậy. Đó gọi là Tỳ-kheo biết, chán lìa thế gian, hành thanh tịnh nên đắc đạo, khiến cho hành chấm dứt hoàn toàn.
Tỳ-kheo phải biết khổ, cũng phải biết nguyên nhân của khổ, cũng phải biết vì khổ mà thọ lấy tai ương, cũng phải biết sự phân bố của khổ, cũng phải biết sự chấm dứt của khổ, cũng phải biết tu tập gì để chấm dứt khổ.
Thế nào là Tỳ-kheo phải biết khổ? Đó là Tỳ-kheo phải biết sanh là khổ, phải biết già là khổ, biết bệnh là khổ, phải biết chết là khổ, phải biết oán thù gặp nhau là khổ, phải biết ái biệt ly là khổ, phải biết cầu mong không được là khổ, phải biết nguồn gốc của năm ấm là khổ. Như vậy là biết khổ.
Thế nào là phải biết nguồn gốc của khổ? Đó là Bản vi si (vô minh), si là nguồn gốc của khổ. Như vậy là biết nguồn gốc của khổ.
Thế nào là phải biết do khổ mà thọ lấy tai ương? Đó là người thế gian do ngu muội không nghe kinh điển, ở trong thân nhận lấy bao sự khổ thống kịch liệt, sự đau khổ kịch liệt không thể chịu nổi, phải nên chấm dứt ý nghĩ đó. Vì theo bên ngoài, cầu mong pháp hữu vi bên ngoài, căn cứ bên ngoài mà cầu mong. Có Sa-môn, Bà-la-môn trì từ một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, năm câu, một trăm câu trì chú để cúng tế nhờ vậy mà thân có thể được thoát khổ, đó là tai ương của khổ. Như vậy là biết do khổ mà thọ lấy tai ương.
Thế nào là phải biết sự phân bố của khổ? Đó là có khổ ít mà thọ tai ương lâu dài, hoặc là có khổ ít mà không bị tai ương tật bệnh, hoặc có khổ nhiều mà thọ tai ương lâu dài, hoặc khổ nhiều mà thoát khỏi tai ương tật bệnh. Như vậy là biết sự phân bố của khổ.
Thế nào là phải biết sự chấm dứt của khổ? Đó là si (vô minh) đã chấm dứt thì khổ liền chấm dứt. Như vậy là biết sự chấm dứt của khổ.
Thế nào là phải biết tu tập để chấm dứt khổ?
Đó là tám thứ đạo hạnh:
Trực kiến.
Trực cánh. Trực ngữ.
Trực hành.
Trực nghiệp.
Trực phương tiện.
Trực niệm.
Trực định.
Như vậy là biết tu tập để chấm dứt khổ.
Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đã biết khổ như vậy, biết nguyên nhân của khổ như vậy, biết vì khổ mà thọ tai ương như vậy, biết sự phân bố của khổ như vậy, biết sự chấm dứt của khổ như vậy, biết tu tập để chấm dứt khổ như vậy. Đó gọi là Tỳ-kheo biết chán lìa thế gian, hành thanh tịnh đắc đạo, để chấm dứt khổ đau.
Đức Phật nói như vậy, các Tỳ-kheo thọ trì lời Phật dạy, trong tâm ghi nhớ theo đó thực hành, đạt được vô vi thanh tịnh.