TẠNG KINH
SỐ 58 - PHẬT NÓI KINH A-NẬU-PHONG
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Sa-môn Trúc Đàm Vô Lan
Nghe như vầy:
Một thời Đức Bà-già-bà ở tại thành A-nậuphong thuộc xứ Bạt-kỳ. Bấy giờ Đức Thế Tôn, sau giờ ngọ, từ thiền tọa đứng dậy, bảo Tôn giả A-nan: –Này A-nan, chúng ta hãy cùng nhau đến ao A-di-đà-bà để tắm rửa.
Tôn giả A-nan thưa:
–Dạ vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả A-nan vâng theo lời dạy của Đức Thế Tôn. Khi ấy Đức Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo tùy tùng đi đến ao A-di-đà-bà; đến nơi, cởi y phục để trên bờ ao, rồi xuống ao A-diđà-bà tắm, tắm xong lên bờ lau mình và mặc y phục vào.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
–Này A-nan, người tâm ý buông lung như Đềbà-đạt-đâu, khi bỏ chốn này phải bị đọa vào cõi ác Nê-lê, sống trong địa ngục suốt một kiếp, khó có thể cứu vớt được. Này A-nan, thầy có nghe các Tỳ-kheo nói lời này: “Ta đã ghi nhận rằng Đề-bàđạt-đâu phải bị đọa vào cõi ác Nê-lê, sống trong địa ngục suốt một kiếp, khó có thể cứu vớt được” không?
Tôn giả A-nan đáp:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Vì sao? Vì con có nghe điều này. Bạch Thế Tôn, con có nghe một vị Tỳ-kheo nói với con: “Thế nào, này Hiền giả Anan, Đức Thế Tôn biết rõ những ý nghĩ, những hành động trong tâm của Đề-bà-đạt-đâu chăng? Hay Ngài dùng các phương tiện khác để biết nên Ngài mới ghi nhận rằng: Đề-bà-đạt-đâu phải bị đọa vào cõi ác Nê-lê, sống trong địa ngục suốt một kiếp, khó có thể cứu thoát”.
Đức Thế Tôn dạy:
–Này A-nan, Tỳ-kheo ấy hoặc là hàng trưởng thượng, hoặc là niên thiếu, hay còn nhỏ đều là người thiếu trí tuệ. Vì sao? Này A-nan, vì Như Lai đã dạy nhưng vị ấy vẫn còn nghi hoặc. Này A-nan, Ta không thấy có Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bàla-môn, chư Thiên và loài người ở thế gian này mà Ta đã nói như trên, tức phải bị đọa vào cõi ác Nêlê, sống trong địa ngục suốt một kiếp, khó có thể cứu như Đề-bà-đạt-đâu. Vì sao? Này A-nan, Ta đã thọ ký rằng: Đề-bà-đạt-đâu chắc chắn phải bị đọa vào cõi ác Nê-lê, sống trong địa ngục suốt một kiếp, khó có thể cứu thoát. Này A-nan, Ta không thấy Đề-bà-đạt-đâu có một chút pháp thanh bạch, cho dù nhỏ như một sợi lông. Nếu Ta thấy ông ấy có một chút pháp thanh bạch thì Ta đã không nói: “Đề-bà-đạt-đâu chắc chắn phải bị đọa vào cõi ác Nê-lê, sống trong địa ngục suốt một kiếp, khó có thể cứu thoát”. Này A-nan, bởi vì Ta không thấy Đề-bà-đạt-đâu có một chút pháp thanh bạch, cho dù nhỏ như một sợi lông. Nếu Ta thấy ông ấy có một chút pháp thanh bạch thì Ta đã không thọ ký một cách chắc chắn rằng: Đề-bà-đạt-đâu chắc chắn phải bị đọa vào ác xứ, sống trong địa ngục suốt một kiếp, khó có thể cứu thoát.
Này A-nan, ví như cách thôn nọ không xa, có một hầm lớn đầy phẩn hôi thối và có một người bị rớt vào trong đó, chìm xuống tận đáy. Có người trông thấy, suy nghĩ như vầy: “Ta có lòng thương xót muốn kẻ ấy được lợi ích, muốn cứu vớt kẻ ấy để kẻ ấy được an ổn”. Người ấy đứng trên hầm phẩn lớn đó quán sát chung quanh để xem kẻ bị rớt kia có chỗ nào không bị dính phẩn, dù nhỏ như một sợi lông để nắm kẻ ấy kéo lên. Người ấy đứng trên hầm phẩn lớn nhìn khắp thân thể của người kia, nhưng không thấy có chỗ nào, dù nhỏ như sợi lông sợi tóc mà không bị dính phân để có thể nắm kéo lên được. Cũng vậy, này A-nan, Ta không thấy Đề-bà-đạt-đâu có một chút pháp thanh bạch bằng một sợi lông, sợi tóc. Nếu ông ấy có một chút pháp thanh bạch thì Ta đã không nói rằng: Đề-bàđạt-đâu phải bị đọa vào cõi ác Nê-lê, sống trong địa ngục suốt một kiếp, khó có thể cứu thoát. Cho nên này A-nan, Ta không thấy Đề-bà-đạt-đâu có một chút pháp thanh bạch, dù bằng một sợi lông, do đó Ta đã nói một cách chắc thật rằng: Đề-bàđạt-đâu phải bị đọa vào cõi ác, sống trong địa ngục suốt cả một kiếp, khó có thể cứu thoát.
Bấy giờ Tôn giả A-nan rơi nước mắt, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn, thưa:
–Kính bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu! Nay Thế Tôn đã khẳng định Đề-bà-đạt-đâu phải bị đọa vào cõi ác Nê-lê, sống trong địa ngục, ở đấy trọn kiếp, khó có thể cứu thoát.
Đức Thế Tôn dạy:
–Đúng vậy, A-nan! Đúng vậy, A-nan! Ta đã xác quyết rằng: Đề-bà-đạt-đâu phải bị đọa vào cõi ác Nê-lê, sống trong địa ngục, ở đấy trọn kiếp, khó có thể cứu thoát. Này A-nan, hãy nghe Đức Như Lai phân biệt về căn tướng của bậc Đại nhân để làm phát sanh và tăng trưởng niềm tin, và sự hoan hỷ đối với Như Lai.
Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Đức Thế Tôn, thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, nay quả là đúng lúc. Cúi mong Đức Thế Tôn giảng nói, phân biệt cho các Tỳ-kheo nghe về căn tướng của bậc Đại nhân. Khi nghe Đức Thế Tôn giảng nói xong, các Tỳ-kheo sẽ khéo thọ trì.
Đức Thế Tôn dạy:
–Này A-nan, hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ, Ta sẽ giảng nói.
Tôn giả A-nan thưa:
–Dạ vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả A-nan vâng theo lời Phật dạy. Đức Phật bảo:
–Này A-nan, Như Lai biết ý nghĩ của người khác biết, người ấy cùng tương ưng với pháp thiện, tương ưng với pháp bất thiện. Sau đó Như Lai biết tâm ý của người ấy đã dứt bỏ pháp thiện, sanh pháp bất thiện. Người ấy đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót lại chưa đoạn tuyệt. Từ thiện căn đó, sẽ phát sanh pháp thiện. Như vậy, người ấy tâm ý tất sẽ đạt được pháp thanh tịnh. Này A-nan, giống như sáng sớm, mặt trời vừa xuất hiện, bóng tối liền tan hết, ánh sáng liền phát sanh. Này A-nan, ý thầy thế nào? Khi mặt trời lên dần cho đến giờ ăn trưa, phải chăng bóng tối đã diệt, thì có ánh sáng hiện ra?
Tôn giả A-nan thưa:
–Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
–Cũng vậy, này A-nan, Như Lai biết những điều suy niệm trong tâm của người khác, biết người ấy cùng tương ưng với pháp thiện, cũng tương ưng với pháp bất thiện. Sau đó, Như Lai biết những điều suy nghĩ trong tâm người ấy, biết người ấy bỏ pháp thiện, sanh pháp bất thiện. Người ấy đã bỏ pháp thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót lại chưa đoạn tuyệt. Từ thiện căn đó sẽ lại phát sanh pháp thiện. Như vậy, người ấy tâm ý tất sẽ đạt được pháp thanh tịnh. Này A-nan, ví như hạt lúa giống không hư, không vỡ, không mục, không nứt, không bị gió mưa làm hỏng, được cất giấu an ổn trong vựa lúa. Người nông phu làm ruộng kia dọn dẹp, cày bừa thửa ruộng ngay thẳng xong, gieo hạt lúa xuống và mưa tuôn đúng lúc, thì này A-nan, ý thầy thế nào? Người ấy có được thu hoạch được nhiều hạt lúa chăng?
Tôn giả A-nan thưa:
–Bạch Thế Tôn, được nhiều hạt.
–Cũng vậy, này A-nan, Như Lai biết những điều suy nghĩ trong tâm ý của người khác, biết người ấy cùng tương ưng với pháp thiện, tương ưng với pháp bất thiện. Sau đó, Như Lai biết những điều suy nghĩ trong tâm người ấy, biết họ diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện. Người ấy đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót lại chưa đoạn tuyệt. Từ thiện căn đó pháp thiện sẽ lại phát sanh. Như vậy, người ấy tâm ý tất sẽ đạt được pháp thanh tịnh. Này A-nan, đó gọi là Như Lai nói về căn tướng của bậc Đại nhân. Cũng vậy, Như Lai biết rõ chỗ quay về của các pháp.
Lại nữa, này A-nan, Như Lai biết những điều suy nghĩ trong tâm ý người khác, biết người ấy cùng tương ưng với pháp thiện, tương ưng với pháp bất thiện. Sau đó Như Lai biết những điều suy nghĩ trong tâm người ấy, biết người ấy diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện. Người ấy đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện; tuy thiện căn có từ trước không đoạn tuyệt, nhưng tất cả thiện căn ấy rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người ấy có pháp đoạn tuyệt. Này A-nan, giống như từ lúc xế chiều mặt trời lặn, ánh sáng diệt hết, bóng tối sanh ra. Này A-nan, ý thầy thế nào? Sau khi mặt trời lặn, không phải giờ ăn, ánh sáng đã tắt hết thì bóng tối sanh ra chăng?
Tôn giả A-nan thưa:
–Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
–Cũng vậy, này A-nan, Như Lai biết những suy nghĩ trong tâm của người khác, biết người ấy cùng tương ưng với pháp thiện, tương ưng với pháp bất thiện. Sau đó Như Lai biết những ý nghĩ trong tâm người ấy, người ấy diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện. Người ấy đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, đã có thiện căn còn sót lại chưa đoạn tuyệt, rồi tất cả thiện căn sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người ấy đi đến pháp đoạn tuyệt. Này A-nan, giống như hạt lúa giống không hư, không vỡ, không mục, không nứt, không bị gió mưa làm hỏng, để an ổn trong vựa lúa. Nếu người nông phu kia dọn dẹp, cày bừa ruộng ngay thẳng, rồi gieo hạt vào, nhưng mưa không đúng thời, thì này Anan, ý thầy thế nào? Có được nhiều hạt lúa không?
Tôn giả A-nan thưa:
–Bạch Thế Tôn, không thể được nhiều hạt.
–Cũng vậy, này A-nan, Như Lai biết ý nghĩ trong tâm của người khác, biết người ấy tương ưng với pháp thiện, tương ưng với pháp bất thiện. Sau đó Như Lai biết tâm niệm của người ấy diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện. Người đó đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn có trước đây vẫn không đoạn tuyệt, thì nay sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người ấy có pháp đoạn tuyệt. Này A-nan, như vậy là Như Lai đã nói về căn tướng của bậc Đại nhân. Như Lai đối với các pháp sinh khởi đều biết rõ như vậy.
Lại nữa, này A-nan, Như Lai biết ý niệm của người khác, không thấy người đó có một chút pháp thanh tịnh tốt đẹp dù nhỏ như sợi lông sợi tóc. Người đó một mực chỉ toàn là pháp ác bất thiện trói buộc, trở lại bị quả báo khổ sở, trong cảnh sanh, già, bệnh, chết. Như vậy, người đó khi thân hoại mạng chung, phải sống trong địa ngục. Này A-nan, giống như hạt lúa giống bị hư, vỡ, mục nát, bị gió mưa làm hỏng, không được cất giấu cẩn thận. Nếu người nông phu làm ruộng ấy không ra sức cày đất, không làm cho đất thuần thục, bằng phẳng rồi gieo hạt giống xuống và mưa không phải thời, thì này A-nan, ý thầy thế nào?
Người ấy có được nhiều lúa chăng?
Tôn giả A-nan thưa:
–Bạch Thế Tôn, dạ không.
–Cũng vậy, này A-nan, Như Lai biết ý niệm của người khác, không thấy người ấy có một chút pháp thiện dù nhỏ như sợi lông sợi tóc. Người ấy một mực chỉ toàn là pháp ác bất thiện trói buộc, nên trở lại bị quả báo bức bách khổ não, trong cảnh sự sanh, già, bệnh, chết. Như vậy, người ấy sau khi thân hoại mạng chung phải sống trong địa ngục. Như vậy, này A-nan, Như Lai nói về căn tướng của bậc Đại nhân như thế. Như Lai đối với các pháp hỗ tương sanh ra đều biết rõ.
Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Phật, thưa:
–Bạch Thế Tôn, Như Lai đã thuyết giảng về ba hạng người như vậy. Ngài có thể thuyết giảng về ba hạng người khác nữa được chăng?
Đức Phật dạy:
–Này A-nan, Ta có thể giảng nói. Này A-nan, Như Lai hoặc biết ý niệm của người khác, biết người đó cùng tương ưng với pháp thiện, cũng tương ưng với pháp bất thiện. Sau đó, Như Lai biết tâm ý của người đó rằng người đó đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người ấy đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện rồi, nhưng căn bất thiện còn sót lại chưa đoạn tuyệt. Từ pháp thiện đó lại sanh pháp thiện. Như vậy, người ấy đối với pháp bất thiện sẽ đoạn tuyệt. Này A-nan, ví như có lửa cháy, ngọn lửa cứ tự nhiên cháy, hoặc có người đẩy cỏ khô lên rồi chất củi khô thêm vào. Này Anan, ý thầy thế nào? Ngọn lửa càng bốc cháy mạnh lên chăng?
Tôn giả A-nan thưa:
–Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
–Cũng vậy, này A-nan, Như Lai biết tâm ý của người khác, biết người đó cùng tương ưng với pháp bất thiện, tương ưng với pháp thiện. Sau đó Như Lai biết tâm ý của người đó rằng người đó đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người ấy đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện rồi, nhưng căn bất thiện còn sót lại chưa đoạn tuyệt. Từ pháp bất thiện đó lại sanh pháp bất thiện. Như vậy, người ấy đi đến pháp hủy diệt. Này A-nan, như vậy gọi là Như Lai nói về căn tướng của bậc Đại nhân. Cũng vậy, Như Lai đối với các pháp hỗ tương sanh ra đều biết rõ.
Lại nữa, này A-nan, Như Lai biết tâm ý của người khác, biết người ấy cùng tương ưng với pháp bất thiện, cũng tương ưng với pháp thiện. Sau đó Như Lai biết tâm ý của người ấy rằng người ấy đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người ấy đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện rồi, nhưng căn bất thiện còn sót lại chưa đoạn tuyệt, tất cả rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy người ấy đi đến pháp ý thanh tịnh rốt ráo. Này A-nan, ví như đốt lửa, ngọn lửa tự nhiên bốc lên, có người đem lửa đang cháy để trên đất khô, hoặc để trên đá. Này A-nan, ý thầy thế nào? Ngọn lửa có bốc cháy mạnh lên chăng?
Tôn giả A-nan thưa:
–Bạch Thế Tôn, không thể bốc cháy mạnh được.
–Cũng vậy, này A-nan, Như Lai biết ý niệm của người khác, biết người đó cùng tương ưng với pháp bất thiện, cũng tương ưng với pháp thiện. Sau đó Như Lai biết tâm niệm của người ấy rằng người đó đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người ấy đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện rồi, căn bất thiện còn sót lại từ trước vẫn chưa đoạn tuyệt, nhưng rồi tất cả sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người đó đạt được pháp thanh tịnh hoàn toàn. Này A-nan, như vậy là Như Lai đã nói về căn tướng của bậc Đại nhân. Cũng vậy, Như Lai biết các pháp hỗ tương sanh ra đều biết rõ.
Lại nữa, này A-nan, Như Lai biết mọi suy nghĩ trong tâm ý của người khác, không thấy người ấy có nghiệp xấu ác dù nhỏ như sợi lông, sợi tóc. Người ấy hoàn toàn có đầy đủ pháp thiện, hạnh thiện và quả báo thiện, thân kẻ ấy tương ưng với chỗ thiện. Như vậy, người ấy ngay trong đời này chắc chắn chứng đắc Niết-bàn. Này A-nan, ví như lửa đã tắt, mát lạnh, không còn nóng nữa, hoặc có người lấy cỏ khô bỏ vào trong ấy, này A-nan, ý thầy thế nào? Lửa có thể bốc cháy không?
Tôn giả A-nan thưa:
–Bạch Thế Tôn, không thể được.
–Cũng vậy, này A-nan, Như Lai biết ý niệm của người khác. Ta không thấy người ấy có nghiệp xấu ác dù nhỏ như sợi lông, sợi tóc. Người ấy hoàn toàn có đầy đủ pháp thiện, hạnh thiện và quả báo thiện, thân kẻ ấy tương ưng với chỗ thiện. Như vậy, người ấy ngay trong đời này chứng đắc Bát Niết-bàn. Này A-nan, như vậy là Như Lai nói về căn tướng của bậc Đại nhân. Cũng vậy, Như Lai đối với các pháp hỗ tương sanh ra đều biết rõ.
Này A-nan, ba hạng người nói ở trước, hạng thứ nhất đạt được pháp thanh tịnh, hạng thứ hai có pháp hoại diệt, hạng thứ ba khi thân hoại mạng chung chắc chắn đọa vào cõi ác, sống trong địa ngục. Ba hạng người Ta nói sau đó, hạng người thứ nhất có pháp hủy diệt, hạng thứ hai có pháp thanh tịnh, hạng thứ ba ngay trong đời này chứng đắc Bát Niết-bàn.
Này A-nan, Ta đã giảng nói về căn tướng của bậc Đại nhân. Như Đấng Thế Tôn thương yêu đệ tử, muốn được lợi ích, Ta đã nói cho thầy nghe. Nay thầy phải ở chỗ vắng vẻ, ngồi bên gốc cây mà thiền định, tư duy chớ nên buông thả tâm ý, đừng để về sau phải hối hận. Đó là lời nêu giảng của Ta. Đó là lời giáo huấn, trao truyền của Ta.
Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Đức Thế Tôn dạy, đều hoan hỷ phụng hành.