TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 59 - PHẬT NÓI KINH CHƯ PHÁP BỔN

Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nhục chi.


Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy lắng nghe Ta giảng nói về căn bản của các pháp.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Dạ vâng.

Đức Thế Tôn nói:

–Nếu có hàng ngoại đạo theo học thuyết khác đến hỏi các thầy: “Nguồn gốc của các pháp là gì?”, các thầy phải trả lời với họ: “Các pháp lấy dục làm gốc”. Nếu họ lại hỏi:

–Lấy gì làm tập khởi (nguyên nhân)?

–Lấy cánh (xúc) làm tập khởi.

–Lấy gì làm đồng thú (dẫn phát triển)?

–Lấy thống (thọ) làm đồng thú.

–Lấy gì để có hiện hữu?

–Lấy niệm để có hiện hữu.

–Lấy gì làm minh đạo?

–Lấy tư duy làm minh đạo.

–Lấy gì làm đệ nhất?

–Lấy tam-muội làm đệ nhất.

–Lấy gì làm tối thượng?

–Lấy trí tuệ làm tối thượng.

–Lấy gì làm chắc thật?

–Lấy Giải thoát làm chắc thật.

–Lấy gì làm cứu cánh?

–Lấy Nê-hoàn làm cứu cánh.

Này các Tỳ-kheo, như vậy dục là gốc của các pháp, cánh (xúc) là tập (nguyên nhân sinh khởi) của các pháp, thống (thọ) là đồng thú của các pháp, Niệm là sự hiện hữu của các pháp, tư duy là minh đạo của các pháp, tam-muội là đệ nhất của các pháp, trí tuệ là tối thượng của các pháp, giải thoát là sự chắc thật của các pháp, Nê-hoàn là cứu cánh của các pháp.

Các Tỳ-kheo nên học hỏi, tu tập như vậy, thường nên có niệm tưởng về sự xuất gia học đạo, tưởng niệm về sự phi thường (vô thường), tưởng niệm về vô thường nên khổ, tưởng niệm về khổ nên phi thân (vô ngã), tưởng niệm về các thức ăn ô uế, tưởng niệm về sự bất tịnh, tưởng niệm về sự chết, tưởng niệm về tất cả thế gian không có gì vui thích, tưởng niệm để biết sự tà chánh của thế gian, tưởng niệm về sự phân biệt có, không của thế gian, sự tập khởi, sự chấp giữ, điều hoan lạc, sự chuyển biến, và nẻo hướng tới của thế gian. Hãy nên học như vậy, dùng chánh kiến để biết rõ.

Các Tỳ-kheo suy niệm như vậy để đoạn ái, bỏ dục, thâm nhập trí tuệ chân chánh, đạt được biên vực tận cùng của khổ.

Đức Phật giảng nói như vậy xong, các Tỳ-kheo hãy đều hoan hỷ phụng hành.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]