TẠNG KINH
SỐ 61 - KINH THỌ TÂN TUẾ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ người nước Đại Nhục chi.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở nơi vườn Đông Uyển lộc mẫu thuộc nước Xá-vệ, cùng với đông đủ chúng năm trăm vị Đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ Đức Thế Tôn, vào ngày rằm tháng bảy, trải tọa cụ nơi khoảng đất trống, có các Tỳ-kheo Tăng trước sau vây quanh. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
–Ngay bây giờ ở nơi khoảng đất trống này, Tôn giả hãy gấp đánh kiền chùy cho đại chúng biết. Vì sao vậy? Vì hôm nay là ngày rằm tháng bảy, chính là ngày thọ tân tuế.
Khi ấy Tôn giả A-nan gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay, đọc bài kệ:
Bậc Tịnh Nhãn tối thượng
Mọi việc đều tỏ tường
Trí tuệ không nhiễm đắm
Thế nào là thọ tuế?
Đức Thế Tôn trả lời Tôn giả A-nan:
Thọ tuế: ba nghiệp tịnh
Thân, miệng, ý tạo tác
Hai Tỳ-kheo đối nhau
Tự phơi bày lầm lỗi.
Rồi tự xưng tên tuổi
Hôm nay chúng thọ tuế
Tôi cũng tịnh ý thọ
Chỉ mong thấy lỗi lầm.
Tôn giả A-nan dùng kệ hỏi nghi thức thọ tuế:
Hằng sa Phật quá khứ
Bích chi và Thanh văn
Pháp các Phật như vậy
Hay chỉ có Thích-ca?
Thế Tôn đáp:
Hằng sa Phật quá khứ
Đệ tử tâm thanh tịnh
Đều là pháp chư Phật
Đâu chỉ Thích-ca Văn.
Bích chi không pháp này
Không hạ lạp, đệ tử
Một mình không bạn lữ
Không giảng cho kẻ khác.
Phật Thế Tôn đương lai
Nhiều hằng hà sa số
Họ cũng thọ tuế này
Như nay pháp Cù-đàm.
Tôn giả A-nan nghe lời này xong hết sức vui mừng, liền lên giảng đường tay cầm kiền chùy và nói như vầy:
–Nay tôi đánh lên tiếng trống tín tâm của Đức Như Lai, các chúng đệ tử hiện có của Đức Như Lai thảy đều vân tập.
Khi ấy Tôn giả A-nan lại nói bài kệ:
Hàng phục sức ma oán
Diệt trừ sạch kết sử
Nơi đây đánh kiền chùy
Tỳ-kheo nghe tụ hội
Những ai muốn nghe pháp
Vượt qua biển sanh tử
Nghe tiếng vi diệu này
Thảy đều mau vân tập.
Tôn giả A-nan đánh kiền chùy xong, bèn đi đến chỗ Đức Thế Tôn đảnh lễ, rồi đứng qua một bên, thưa:
–Nay đã đúng lúc, cúi mong Đức Thế Tôn có điều gì dạy bảo chúng con.
Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
–Các vị hãy theo thứ lớp ngồi xuống, Như Lai tự biết thời.
Bấy giờ Đức Thế Tôn ngồi trên tòa cỏ nói với các Tỳ-kheo:
–Tất cả các vị hãy ngồi trên tòa cỏ.
Các Tỳ-kheo thưa:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Lúc ấy các Tỳ-kheo đều ngồi xuống tòa cỏ. Đức Thế Tôn im lặng quan sát các Tỳ-kheo xong, liền bảo các Tỳ-kheo:
–Nay Ta muốn thọ tân tuế. Ta không có lỗi lầm gì đối với mọi người chăng? Ta chẳng có phạm lỗi lầm gì về thân, khẩu, ý chăng?
Đức Như Lai nói như vậy xong, các Tỳ-kheo đều im lặng. Đức Như Lai ba lần bảo các Tỳ-kheo:
–Nay Ta muốn thọ tuế, song ta không có lỗi lầm gì với mọi người chăng?
Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất từ tòa ngồi đứng dậy, quỳ thẳng, chắp tay bạch Đức Thế Tôn:
–Các chúng Tỳ-kheo quán sát về thân, khẩu, ý của Đức Như Lai không thấy có lỗi lầm gì cả. Vì sao? Vì hôm nay Đức Thế Tôn đối với những người chưa độ thì đã hứa độ, những người chưa giải thoát thì khiến họ được giải thoát, những người chưa chứng đắc Niết-bàn thì làm cho họ được chứng đắc Niết-bàn, những người chưa được cứu giúp thì được cứu giúp, những người tăm tối thì khiến trở nên sáng suốt. Ngài là Bậc Y Vương đối với những người bệnh, là Bậc Tối Tôn trong ba cõi, không ai có thể sánh kịp, là Bậc Tối Tôn Tối Thượng. Ai chưa phát khởi tâm Bồ-đề thì Ngài làm cho họ phát tâm Bồ-đề, những người chưa tỏ ngộ thì khiến cho được tỏ ngộ, ai chưa được nghe chánh pháp thì tạo phương tiện để cho họ được nghe. Kẻ mê muội thì Ngài chỉ cho họ con đường tắt để đưa họ đến chánh pháp. Do những nhân duyên đó, nên Đức Như Lai không có lỗi lầm gì đối với mọi người, cũng không có lỗi lầm gì về thân, khẩu, ý của chính mình cả.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại bạch Đức Thế Tôn:
–Nay con cũng hướng về Đức Như Lai để tự nêu bày. Vậy con có lỗi lầm gì đối với Đức Như Lai và chúng Tỳ-kheo không?
Đức Thế Tôn bảo:
–Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nay Tôn giả hoàn toàn không có những hành vi phi pháp về thân, khẩu, ý. Vì sao vậy? Vì nay Tôn giả được trí tuệ không ai sánh kịp. Tôn giả có nhiều loại trí tuệ: trí tuệ vô lượng, trí tuệ vô biên, trí tuệ không ai sánh bằng, trí tuệ nhanh nhạy, trí tuệ sắc bén, trí tuệ thâm diệu, trí tuệ bình đẳng. Tôn giả lại ưa thích pháp thiểu dục, tri túc, có nhiều phương tiện, tâm niệm không sai lầm, tán loạn, đạt được tam-muội tổng trì, thấu rõ cội nguồn của giới cụ túc, thành tựu tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, thành tựu sự dũng mãnh khác thường, có thể nhẫn chịu những điều gièm pha, biết rõ điều ác là phi pháp, tâm tánh thuần hậu, từ tốn, không làm điều xấu ác sai trái, giống như vị Thái tử thứ nhất của Chuyển luân Thánh vương sẽ nối ngôi của vua cha, quay tiếp bánh xe báu. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng lại như vậy, sẽ chuyển bánh xe chánh pháp thanh tịnh vô thượng mà chư Thiên, người đời và loài Rồng, Quỷ thần hoặc Thiên ma không thể làm được. Nay những điều Tôn giả đã nói luôn hợp như pháp, chưa từng trái với chân lý.
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Năm trăm Tỳ-kheo này đều được thọ tuế. Năm trăm vị Tỳ-kheo này phải chăng đều không có lỗi lầm gì đối với Đức Như Lai?
Đức Thế Tôn bảo:
–Ta cũng không có quở trách gì về hành động nơi thân, khẩu, ý của năm trăm Tỳ-kheo này. Vì sao vậy? Này Tôn giả Xá-lợi-phất, đại chúng này thật hết sức thanh tịnh, không có các tỳ vết ô uế. Nay trong chúng này vị hạ tọa nhỏ nhất cũng đạt được đạo quả Tu-đà-hoàn, chắc chắn sẽ tiến lên và đạt pháp bất thoái chuyển. Do đó nên Ta không có gì phiền trách về đại chúng này.
Tỳ-kheo Bằng-kỳ-xà ở trong đại chúng liền từ tòa ngồi đứng dậy, đến trước Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ nơi chân Đức Phật và thưa:
–Nay con xin có điều luận bàn về việc này.
Đức Thế Tôn nói:
–Nếu Tôn giả có điều muốn nói thì thật đúng lúc.
Bằng-kỳ-xà liền ở trước Đức Phật tán thán Đức Phật cùng chúng Tỳ-kheo Tăng, nói kệ:
Ngày mười lăm thanh tịnh
Năm trăm Tỳ-kheo họp
Các trói buộc đều mở
Không Ái cũng chẳng sanh
Đại Thánh vương Chuyển luân
Có quần thần vây quanh
Cùng khắp cả thế giới
Cõi trời và thế gian
Vị đại tướng dẫn dắt
Đạo sư của loài người
Đệ tử thích nương tựa
Được ba Đạt, sáu Thông
Đều đúng là con Phật
Đã sạch hết phiền não
Đoạn trừ gai ái dục
Hôm nay tự quy kính.
Đức Thế Tôn chấp nhận những điều Bằng-kỳxà vừa nói. Khi ấy Bằng-kỳ-xà suy nghĩ: “Hôm nay Đức Như Lai đã chấp nhận những điều ta nói”, nên Tôn giả rất đỗi hoan hỷ, vui mừng không sao tả được, liền từ tòa đứng dậy, đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi lui về chỗ ngồi của mình. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Người đệ tử khéo làm kệ tụng bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta chính là Tỳ-kheo Bằngkỳ-xà, nêu bày ra những lời không nghi nan, cũng chính là Tỳ-kheo Bằng-kỳ-xà vậy.
Các Tỳ-kheo nghe Đức Phật giảng dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
Xét kinh Thọ Tân Tuế này do Trúc Pháp Hộ dịch, bản của nước này, bản đời nhà Tống đều có biên chép. Trong Đan Tạng gọi là Thọ Tuế kinh, nhưng lại có sự sai biệt lớn so với kinh này. Nay dựa theo Khai Nguyên Lục để kiểm tra thì kinh của Đan Tạng đúng là nội dung của kinh Thọ Tuế. Tạng kinh của đời nhà Tống này cùng với nội dung của kinh Tân Tuế, văn thì khác nhưng nghĩa thì giống nhau, in tuồng như cùng một bản mà người khác dịch vậy. Song theo Khai Nguyên Lục thì cho kinh Tân Tuế chỉ có một người dịch, ý nghĩa thiếu sót, chưa rõ ràng. Nay muốn phân loại như vậy để chờ các bậc Hiền triết phán định cho nên đưa kinh này vào đây.