TẠNG KINH
SỐ 63 - KINH GIẢI HẠ
Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Pháp Hiền.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại tinh xá Trúc lâm, nơi vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành Vương xá, cùng với năm trăm vị Bí-sô đều là bậc A-la-hán, các lậu đã hết, việc cần làm đã làm xong, trừ bỏ các gánh nặng, đã được tự lợi, sạch hết mọi thứ kết sử, tâm hoàn toàn giải thoát, chỉ có một vị Bí-sô vẫn còn ở địa vị hữu học. Đức Thế Tôn đã vì vị ấy thọ ký, khiến được thấy pháp, đắc pháp, sẽ chứng quả viên mãn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn an cư đã xong, khi sắp giải hạ, vào ngày rằm Ngài cùng chúng Bí-sô trải tòa mà ngồi. Khi hội chúng đã an tọa xong, Đức Phật bảo chúng Bí-sô:
–Nay Ta đã được phạm hạnh tịch tĩnh, đây là thân cuối cùng, dùng lạc vô thượng đoạn trừ các lậu. Đệ tử của Ta đối với các pháp đều đã thông đạt, cho nên hôm nay Ta giảng nói về pháp giải hạ. Này các Bí-sô, ba nghiệp về thân, khẩu, ý của Ta trong mùa hạ này, các vị có thể chịu đựng được chăng?
Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nghe Đức Phật nói như vậy, liền từ tòa ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, gối bên mặt quỳ sát đất, chắp tay hướng Đức Phật, thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, như lời Phật dạy, nay con đã được phạm hạnh thanh tịnh, cho đến các nghiệp nơi thân, khẩu, ý đều có thể nhẫn được. Chúng con biết thân, khẩu, ý của Đức Phật không hề có lỗi lầm. Các Bí-sô chúng con nay không có phiền trách gì về Đức Thế Tôn cả. Vì sao vậy? Vì Phật Thế Tôn của chúng con đối với người khó điều phục thì Ngài có thể điều phục được, đối với người không biết dứt bỏ thì Ngài khéo cho họ dứt bỏ, với người không an ổn, Ngài khéo đem lại sự an ổn, kẻ chưa tịch tĩnh thì Ngài làm cho họ được tịch tĩnh. Như Lai khéo rõ chánh đạo, khéo giảng nói chánh đạo, khai thị chánh đạo, cho đến chúng con thích đạo quả giác ngộ của hàng Thanh văn, Phật khéo vì chúng con giảng dạy, khiến cho các Thanh văn theo đúng như lý tu hành chứng được Thánh quả. Cho nên chúng con đối với các pháp nơi thân, khẩu, ý của Phật Thế Tôn không có gì phiền trách cả.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất lại thưa:
–Bạch Thế Tôn, nay con đối với Đức Phật, nếu ba nghiệp nơi thân, khẩu, ý của con có điều gì bất thiện, cúi mong Đức Phật chỉ dạy.
Đức Phật bảo:
–Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nay ba nghiệp nơi thân, khẩu, ý của Tôn giả, Ta không có gì phiền trách cả. Vì sao vậy? Này Xá-lợi-phất, Tôn giả có đầy đủ giới pháp, hiểu biết rộng, thiểu dục, tri túc, đoạn trừ các phiền não, luôn dốc tinh tấn, an trụ nơi chánh niệm, đầy đủ các thứ trí tuệ: trí tuệ khéo nêu bày, trí tuệ học hỏi rộng, trí tuệ nhanh nhạy, trí tuệ sắc bén, trí tuệ hướng tới sự giải thoát, trí tuệ thông đạt, trí tuệ thanh tịnh rộng khắp, trí tuệ thâm diệu, trí tuệ không gì hơn. Tôn giả đã gồm đủ các thứ trí tuệ quý giá như vậy nên có thể làm cho kẻ chưa thấy đạo thì được thấy, kẻ chưa điều phục thì được điều phục, kẻ chưa được nghe pháp thì thuyết pháp cho họ nghe, kẻ có nhiều sân hận thì khiến cho hoan hỷ, luôn vì bốn chúng giảng nói chánh pháp không hề mệt mỏi. Ví như con của bậc Kim luân vương thì được thọ pháp quán đảnh, kế thừa ngôi vị vua, theo pháp cai trị. Tôn giả Xá-lợiphất cũng như vậy, là con của Ta, thọ pháp quán đảnh kế thừa ngôi vị Pháp vương. Tôn giả Xá-lợiphất cũng như Ta, sẽ chuyển bánh xe pháp vô thượng, dứt trừ hết các lậu, chứng đắc giải thoát. Cho nên Tôn giả Xá-lợi-phất đối với ba nghiệp của mình, nay Ta công nhận là không có lỗi lầm.
Tôn giả Xá-lợi-phất nghe Đức Phật đã chấp nhận, cung kính cúi đầu lạy tạ, lại thưa:
–Bạch Thế Tôn, như Đức Phật đã vì con mà chấp nhận ba nghiệp nơi con không có lỗi lầm, vậy nay đối với năm trăm vị Bí-sô trong hội này, về các nghiệp nơi thân, khẩu, ý nếu có những điều gì bất thiện, cúi mong Đức Thế Tôn chỉ dạy.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Ba nghiệp của năm trăm vị Bí-sô trong chúng này Ta cũng chấp nhận. Vì sao? Vì năm trăm vị Bí-sô đây đều là bậc A-la-hán, các lậu đã hết, việc cần làm đã làm xong, đã bỏ gánh nặng xuống, đã được tự lợi, đã hết các thứ kết sử, tâm hoàn toàn giải thoát, chỉ có một vị Bí-sô hiện còn ở địa vị hữu học, nhưng vị Bí-sô này Ta đã thọ ký rồi, sẽ thấy pháp, đắc pháp, chứng quả viên mãn. Này Tôn giả Xá-lợi-phất, cho nên Ta đối với ba nghiệp của năm trăm vị Bí-sô này đều có thể chấp nhận cả.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, ba nghiệp của con và năm trăm vị Bí-sô đã được Đức Phật chấp nhận rồi. Nay con có điều chưa rõ nên xin thưa hỏi, cúi mong Phật Thế Tôn vì con mà phân biệt chỉ dạy. Bạch Thế Tôn, trong số năm trăm vị Bí-sô này, có bao nhiêu vị đạt được pháp Tam minh? Lại có bao nhiêu vị Bí-sô được Câu giải thoát, bao nhiêu vị đạt được Tuệ giải thoát?
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Trong năm trăm vị Bí-sô này có chín mươi vị Bí-sô đạt được pháp Tam minh, chín mươi vị Bísô được Câu giải thoát, các Bí-sô còn lại đều được Tuệ giải thoát. Này Xá-lợi-phất, như vậy các Bísô này đã dứt hết các phiền não, đều an trú nơi chân thật.
Lúc đó, trong hội chúng có một Tôn giả tên là Phạ-nghĩ-xá, suy nghĩ như vầy: “Nay ta nên đối trước Đức Phật và chúng Bí-sô dùng kệ giải hạ để tán thán”. Tôn giả Phạ-nghĩ-xá nghĩ như vậy rồi bèn từ tòa ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải, gối bên mặt quỳ xuống đất, chắp tay cung kính nói:
Ngày mười lăm giải hạ
Hành giới luật thanh tịnh
Chúng Bí-sô năm trăm
Đoạn hết mọi phiền não,
Đã sạch hết các lậu
Chứng đắc quả vị Thánh,
Trong tịnh, ngoài điều phục
Giải thoát nên lìa hữu
Tận cùng nẻo sanh tử
Việc cần làm đã xong,
Đã đoạn trừ hết thảy
Vô minh và ngã mạn.
Phật của con tối thượng
Dứt các thứ tà niệm
Cùng các pháp hữu lậu
Khéo trừ bệnh khổ ái
Ái diệt không còn sanh,
Đại Sư Tử lìa thủ
Hết các sự sợ hãi.
Phật Thế Tôn của con
Ví như vua Kim luân
Ngàn người con vây quanh
Khéo trị bốn thiên hạ
Chế ngự khắp bốn biển,
Lại như người chiến thắng
Là điều ngự tối thượng,
Thanh văn được ba minh
Lìa sự chết cũng vậy
Phật tử cũng như thế
Chứng diệt không còn sanh.
Nay con lạy Pháp vương
Đại Nhật Tôn vô thượng.
Tôn giả Phạ-nghĩ-xá nói xong thì trở lại chỗ ngồi. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất cùng các Bí-sô nghe Đức Phật giảng nói về pháp giải hạ, tâm ý hết sức vui mừng, tán thán, tín thọ phụng hành.