TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 66 - PHẬT NÓI KINH MA NHIỄU LOẠN

Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm đời Hậu Hán.


Nghe như vầy:

Một thời Bà-già-bà ở trong vườn Lộc dã, rừng Mục-ma-tỷ-lượng, xứ Bạt-kỳ-thi.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang trông coi việc dựng thiền thất cho Đức Phật. Khi ấy, ở nơi khoảng đất trống, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang đi thong thả bảo người làm việc, thì ma BA-tuần hóa ra thân hình nhỏ xíu chui vào bụng của Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Tôn giả Đại Mụckiền-liên suy nghĩ như vầy: “Tại sao ta cảm thấy nặng bụng? Hình như ta ăn phải hạt đậu. Ta hãy nhập tam-muội Chánh thọ như kỳ tượng, nhờ định ý ta sẽ nhìn vào bụng xem”. Lúc ấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên không đi bách bộ nữa, mà đến cuối đường kinh hành, trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già, nhập tam-muội Chánh thọ như kỳ tượng, nhờ diệu lực của tam-muội, tự nhìn vào bụng mình, biết ma Ba-tuần đang ở trong bụng. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bèn ra khỏi tam-muội, bảo ma BA-tuần:

–Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Chớ có quấy nhiễu Đức Như Lai và đệ tử Đức Như Lai. Đừng tạo những việc vô nghĩa, không lợi ích để mãi mãi phải gánh lấy vô lượng khổ não.

Ma Ba-tuần liền nghĩ: “Sa-môn này không biết, không thấy mà lại nói: “Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Chớ có quấy nhiễu Đức Như Lai và đệ tử Đức Như Lai. Đừng tạo những việc vô nghĩa, không lợi ích để mãi mãi phải gánh lấy vô lượng khổ não”. Cho dù Thế Tôn của ông ta có đại uy lực, có khả năng như vậy còn không thể thấy ta, biết ta được, huống hồ là đệ tử mà có thể biết, có thể thấy được sao! Điều này không thể có”.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên lại nói với ma BA-tuần:

–Này Ba-tuần, ta còn biết ý nghĩ của ngươi nữa. Ngươi nghĩ như vầy: “Sa-môn này không biết, không thấy mà lại nói rằng: “Này Ba-tuần, hãy đi ra! Này Ba-tuần, hãy đi ra! Đừng có quấy nhiễu Đức Như Lai và đệ tử của Đức Như Lai. Đừng tạo những việc vô nghĩa, không lợi ích để mãi mãi gánh lấy vô lượng sự khổ não”. Đức Thế Tôn của ông ta có uy lực như vậy, có khả năng như vậy còn không thể biết ta, thấy ta, huống chi đệ tử của ông ta mà có thể biết, có thể thấy ta được. Điều này không thể có!”

Bấy giờ ma Ba-tuần lại suy nghĩ: “Sa-môn này đã biết, đã thấy ta nên mới nói: “Này Ba-tuần, hãy đi ra. Này Ba-tuần, hãy đi ra! Đừng có quấy nhiễu Như Lai và đệ tử của Như Lai. Đừng tạo những điều vô nghĩa, không lợi ích để phải mãi mãi gánh lấy vô lượng khổ não”. Tức thì ma Ba-tuần liền nhảy ra khỏi miệng Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và đứng trước mặt Tôn giả, rồi đứng qua một bên. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo:

–Này Ba-tuần, vào thời quá khứ có Đức Như Lai hiệu là Câu-lâu-tôn là Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Lúc đó ta cũng là loại ma chuyên làm việc quấy nhiễu. Ta có người em gái tên là Ca-la, ngươi chính là con trai của cô ấy, do đó mà biết ngươi là cháu gọi ta bằng cậu. Đức Như Lai Câulâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác có người đệ tử tên là Tỳ-lâu (Âm Thanh) và Tát-nhã là hàng xuất chúng, hiền đức hơn hẳn các đệ tử khác. Này Ba-tuần, do đâu mà Tôn giả Tỳ-lâu có tên tự là Tỳ-lâu Tát-nhã? Này Ba-tuần, Tôn giả Tỳ-lâu ấy lúc ở trên cõi trời Phạm thiên có thể dùng âm thanh thơm của mình làm lan tỏa khắp cả ngàn thế giới, không có đệ tử nào có tiếng nói vang dội bằng Tôn giả, cũng không ai giống như Tôn giả. Tôn giả hay thuyết giảng chánh pháp. Này BA-tuần, vì lý do đó nên Tôn giả Tỳ-lâu được gọi là Tỳ-lâu Tát-nhã. Này Ba-tuần, vì lẽ gì mà Tôn giả Tát-nhã (Tưởng) có tên là Tát-nhã? Này Ba-tuần, sở dĩ Tôn giả có tên là Tát-nhã là vì Tôn giả thường nương nơi thành, ấp mà an trụ. Sáng sớm, Tôn giả đắp y mang bát vào thôn ấp để khất thực, tự giữ gìn thân, các căn luôn đầy đủ uy nghi, ý niệm thường an định. Sau khi vào thôn ấp khất thực, thọ trai vào lúc giữa trưa rồi, Tôn giả thu cất y bát, rửa chân, vắt Ni-sư-đàn lên vai bên mặt, hoặc đến chỗ vắng lặng, đến bên gốc cây, hoặc tới chỗ đất trống, trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già, nhẹ nhàng, nhanh chóng nhập pháp định Tưởng tri diệt. Lúc ấy, có những người hoặc chăn dê, chăn bò hay đi lượm củi, hoặc đi qua đường, trông thấy Tôn giả nhanh chóng nhập pháp định Tưởng tri diệt, họ bèn nghĩ: “Vị Sa-môn đây ngồi lâu ở chỗ vắng này hiện đã qua đời rồi, chúng ta nên dùng cỏ khô, cây khô, phân bò, trải chất chung quanh thân ấy, đốt lửa để thiêu”.

Các người chăn dê, chăn bò, lượm củi, kẻ qua đường nghĩ như thế rồi liền cùng nhau lấy cây cỏ khô, hoặc cỏ khô, củi mục chất lên thân Tôn giả, nổi lửa đốt cháy rồi bỏ đi. Tôn giả Tát-nhã, sau khi đêm đã qua, bèn ra khỏi tam-muội, nhẹ nhàng, nhanh chóng đập phủi tro bụi nơi y phục, rồi thong thả trở lại thôn ấp. Sáng sớm hôm sau, Tôn giả lại đắp y, cầm bát đi vào thôn ấp để khất thực, tự giữ gìn thân, các căn đầy đủ uy nghi, tâm niệm luôn an định. Những người chăn bò, dê, người gánh củi, người đi đường, trông thấy Tôn giả bèn nghĩ: “Sa-môn ấy ngồi yên nơi chỗ vắng vẻ kia và đã qua đời. Chúng ta đã dùng cây cỏ khô, phân bò, hoặc trải cây cỏ, củi mục chất phủ lên thân Tôn giả ấy, nổi lửa đốt cháy rồi bỏ đi. Nhưng nay sao Tôn giả ấy sống trở lại?”.

Này Ba-tuần, vì lý do đó nên gọi Tôn giả là Tátnhã (sống trở lại).

Bấy giờ ma xấu ác suy nghĩ: “Sa-môn trọc đầu, thân đen điu này học thiền, cùng tương ưng với thiền, thường thực hành thiền. Giống như con lừa suốt ngày mang nặng, bị cột lại trong tàu, không được ăn lúa mạch; nó cứ luôn nhớ nghĩ về lúa mạch, lúc nào cũng nhớ nghĩ. Cũng vậy, Sa-môn trọc đầu, thân đen điu này gắn bó cùng thiền, cùng tương ưng với thiền, hành thiền. Giống như con mèo ngồi rình trước hang chuột, vì muốn bắt chuột trong hang cho nên nó cứ luôn hướng về cái hang kia, lúc nào cũng chăm chăm. Cũng vậy, Sa-môn trọc đầu, đen điu này thường gắn bó với thiền, tương ưng với thiền, thường hành thiền. Như con chồn hưu ở trên bờ tường trống, vì muốn bắt chuột trong hang cho nên nó cứ chăm chăm hướng về cái hang chuột kia, lúc nào cũng chăm chú. Cũng vậy, Sa-môn trọc đầu đen điu này thường gắn bó với thiền, tương ưng với thiền, thường hành thiền. Giống như con cò ở bên bờ nước, vì muốn bắt cá cho nên nó cứ chăm chăm rình rập. Cũng vậy, Samôn trọc đầu, đen điu này luôn tương ưng với thiền, thiền rồi thiền.

Vậy sao gọi là thiền? Vì sao lại hành thiền? Đó là thiền gì? Họ loạn trí, hoặc mất trí nhớ, hoặc bất định. Ta không thấy họ từ đâu đến, cũng không thấy đi về đâu, chẳng biết họ sống ở đâu, cũng chẳng biết họ chết như thế nào, cũng không thấy họ sanh ra sao. Ta nên bảo các Bà-la-môn, cư sĩ: “Các ngươi hãy đến chửi mắng, đánh đập, nói xấu, sân hận với Sa-môn tinh tấn kia”. Khi bị đánh chửi nhiều hay ít, sân hận nói xấu, nếu tâm kẻ ấy đổi khác, thì ma ác sẽ tìm được cơ hội thuận tiên, hay được duyên cớ để dễ lợi dụng”.

Này ma Ba-tuần, lúc ấy loài ma ác nói với các Bà-la-môn, cư sĩ:

–Vị Sa-môn tinh tấn kia đáng bị chửi mắng, đáng bị nói xấu, đáng bị sân hận. Các ngươi hãy dùng cây đập, dùng đá ném, dùng gậy phang, hoặc đập tét đầu, hoặc xé rách y, đập bể bát của vị Samôn tinh tấn ấy.

Bấy giờ các Bà-la-môn, cư sĩ kia mạng chung, do nhân duyên ác đó nên khi thân hoại mạng chung, sanh trong cõi ác địa ngục. Sanh nơi đó rồi, những người ấy suy nghĩ: “Nay chúng ta phải thọ khổ này, lại còn phải chịu cực khổ hơn nữa, vì chúng ta đối với Sa-môn tinh tấn kia đã khởi lòng tà”.

Lúc đó, này Ba-tuần, đệ tử của Đức Như Lai Câu-lâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, đầu bị tét, bát bị bể, y bị rách, đi đến chỗ Đức Như Lai Câu-lâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Khi ấy Đức Như Lai Câu-lâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác có vô lượng trăm ngàn đồ chúng vây quanh để nghe thuyết pháp. Đức Như Lai Câu-lâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác từ xa trông thấy vị đệ tử đầu bị thương tích, y rách toạc, bình bát bể đi đến, bèn bảo các Tỳ-kheo:

–Này các Tỳ-kheo, hãy nhìn Tỳ-kheo kia. Vị ấy đã bị ma xấu ác xúi giục các Bà-la-môn, cư sĩ: “Các ngươi hãy đến chửi rủa, đánh đập, hãy sân giận nhiều hay ít, đánh đập Sa-môn tinh tấn kia. Nếu vị ấy nổi tâm ác, hoặc có hành động gì khác thì ma ác có phương tiện, duyên cớ dễ dàng lợi dụng”. Này các Tỳ-kheo, nên để tâm tương ưng với Từ, biến khắp một phương, an trụ nơi Chánh thọ. Cũng như vậy, với hai, ba, bốn phương, phương trên và phương dưới, tất cả các phương, tâm đều tương ứng với Từ, không oán, không hại, không sân hận, thật rộng lớn, bao la, vô lượng, biến mãn các phương xong, an trụ nơi Chánh thọ. Cũng vậy, tâm cùng tương ưng với Bi, Hỷ, Hộ (Xả), biến mãn các phương, an trụ nơi Chánh thọ. Hãy làm cho ma xấu ác không tìm ra cơ hội, không có duyên cớ thuận tiện để lợi dụng.

Bấy giờ, này Ba-tuần, Đức Như Lai Câu-lâutôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác chỉ dạy các đệ tử như vậy. Họ bèn để tâm tương ưng với Từ, biến mãn một phương rồi an trụ nơi Chánh thọ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, phương trên và phương dưới, tất cả các phương, tâm cùng Từ tương ưng, không oán, không hại, không sân hận, rất rộng, lớn, bao la, vô lượng, biến mãn các phương xong, an trụ nơi Chánh thọ. Cũng vậy, tâm cùng Bi, Hỷ, Hộ tương ưng, biến mãn tất cả các phương xong, an trụ nơi Chánh thọ. Do đó, ma ác kia tìm phương tiện, kiếm duyên cớ nhưng không thể nào có được phương tiện, duyên cớ nào cả.

Này Ba-tuần, lúc ấy ma ác liền nghĩ: “Ta dùng phương tiện này mà không thấy có cơ hội nào, duyên cớ nào đối với Sa-môn ấy để lợi dụng. Vậy ta nên xúi các Bà-la-môn, cư sĩ: “Các ngươi nên đến chỗ vị Sa-môn tinh tấn kia cung kính, tôn thờ, lễ bái, cúng dường”. Sau khi nhận được sự cúng dường, phụng hành, lễ bái dù ít hay nhiều ấy, nếu vị ấy có sự thay đổi trong tâm thì ma ác sẽ tìm cơ hội, kiếm duyên cớ để lợi dụng.

Ma ác kia liền xúi giục các cư sĩ, Bà-la-môn:

–Vị Sa-môn tinh tấn kia xứng đáng được cúng dường, cung kính, tôn thờ, lễ bái.

Ma ác khiến cho các Bà-la-môn, cư sĩ cởi áo trải dưới đất và nói:

–Sa-môn tinh tấn, xin đạp lên mà đi! Sa-môn tinh tấn, xin đi trên áo của tôi. Ngài đã làm những việc khó làm, sẽ khiến cho chúng tôi mãi mãi được nghĩa lý, lợi ích.

Hoặc bảo các Bà-la-môn, cư sĩ tự trải tóc lên mặt đất, nói:

–Sa-môn tinh tấn, xin đạp lên tóc mà đi! Samôn tinh tấn, xin đi trên tóc tôi! Sa-môn tinh tấn đã làm những việc khó làm, khiến cho chúng tôi mãi mãi được nghĩa lý, lợi ích.

Hoặc bảo Bà-la-môn, cư sĩ tay bưng đầy các thứ thức ăn đồ uống, nói:

–Cúi mong chư Hiền hãy nhận lấy các món ăn này, tùy ý mang đi đâu thọ dụng cũng được, để cho chúng tôi mãi mãi được ý nghĩa, lợi ích.

Hoặc khiến các Bà-la-môn, cư sĩ ưa thích quý mến vị Sa-môn tinh tấn kia, tự nắm tay dìu đỡ vào nhà, đem các vật muốn cúng dường ra và nói:

–Cúi mong chư Hiền hãy nhận lấy vật cúng dường này, tùy ý mang đi đâu sử dụng cũng được, để cho chúng tôi mãi mãi được nghĩa lý, lợi ích.

Bấy giờ, các Bà-la-môn, cư sĩ kia mạng chung, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung được sanh đến xứ thiện, lên cõi trời. Khi được sanh lên đó rồi, họ liền suy nghĩ: “Chúng ta được cái vui này không đâu bằng, là vì chúng ta đã làm việc lành với vị Sa-môn tinh tấn kia”.

Bấy giờ, này Ba-tuần, đệ tử của Đức Như Lai Câu-lâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, sau khi được cúng dường cung kính, phụng hành lễ bái rồi, liền đi đến chỗ Đức Như Lai Câu-lâutôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Lúc ấy Đức Như Lai Câu-lâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đồ chúng vây quanh sau trước. Đức Như Lai Câu-lâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác từ xa trông thấy các đệ tử của Ngài được cúng dường cung kính, thừa sự, lễ bái, dần dần đi đến, bèn bảo các Tỳ-kheo:

–Các Tỳ-kheo thấy chăng? Ma xấu ác đã xúi giục các Bà-la-môn, Cư sĩ: “Các ngươi hãy đến cúng dường, cung kính, thừa sự, lễ bái, hầu hạ Samôn tinh tấn kia. Khi nhận sự cung kính, lễ bái, cúng dường dù nhiều hay ít ấy, nếu tâm vị ấy có thay đổi thì ma Ba-tuần xấu ác đang tìm cơ hội, duyên cớ sẽ có cơ hội, duyên cớ để dễ bề lợi dụng”. Này các Tỳ-kheo, hãy quán tất cả các hành là vô thường, hãy thấy nó là hủy diệt, hãy thấy nó là lìa bỏ, hãy thấy nó là hư hoại, hãy thấy nó là dừng dứt, hãy thấy nó là chỗ dừng dứt, khiến cho ma xấu ác tìm cầu phương tiện, tìm cầu duyên cớ nhưng không có phương tiện, không có duyên cớ để lợi dụng.

Này Ba-tuần, Đức Như Lai Câu-lâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác vì các đệ tử giảng dạy như vầy: “Đối với tất cả các hành hãy quán vô thường, quán tận, quán ly, quán diệt, quán về nơi dừng dứt, thì ma xấu ác dù có tìm kiếm phương tiện, tìm duyên cớ cũng không có phương tiện, duyên cớ để phá hoại được”.

Bấy giờ, này Ba-tuần, ma ác liền nghĩ như vầy: “Ta đã dùng phương tiện này mà vẫn không thể lợi dụng được Tỳ-kheo tinh tấn ấy, không thể tìm thấy duyên cớ nơi vị ấy. Ta nên hóa làm một thiếu nhi đứng bên đường, tay cầm gậy lớn đánh vỡ đầu Tôn giả Tỳ-lâu (Tôn giả Âm Thanh) khiến máu chảy đầy cả mặt”. Khi ấy Đức Như Lai Câu-lâutôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, an trụ nơi thôn ấp, trời hừng sáng, Ngài đắp y mang bát, vào thành ấp khất thực với Tôn giả Tỳ-lâu đi theo sau. Lúc, đó ma ác hóa làm một thiếu nhi đứng ở bên đường, tay cầm gậy lớn đánh vỡ đầu Tôn giả Tỳ-lâu, khiến máu chảy ướt cả mặt. Tôn giả Tỳlâu sau khi bị bể đầu chảy máu, vẫn đi theo sau Đức Như Lai Câu-lâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Bấy giờ Đức Như Lai Câu-lâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, sau khi đến thôn, dùng diệu lực toàn thân xoay nhìn theo phía hữu, không sợ hãi, không kinh khiếp, nhìn khắp các phương. Đức Như Lai Câu-lâu-tôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác trông thấy Tôn giả Tỳlâu đầu bị vỡ, máu chảy đầy mặt, từ từ đi theo sau. Thấy xong, Ngài nói:

–Này ma xấu ác, ngươi đã làm điều hung bạo, ngươi không biết vừa đủ!

Lại nữa, này Ba-Tuần, Đức Như Lai Câu-lâutôn, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nói chưa hết câu, thì ngay tại nơi ấy, thân hình ma xấu ác liền bị đọa vào đại địa ngục. Này Ba-tuần, trong địa ngục lớn này có bốn sự việc: vô lạc, lục cánh, thân thọ sự thống khổ, dùng móc câu làm tội nhân há miệng rồi đổ nước đồng sôi vào làm tiêu tan gan ruột. Trong địa ngục có ngục tốt đi đến chỗ ma ác nói:

–Ngươi ở trong địa ngục Tiêu giải này nên biết phải đủ một trăm năm.

Khi ấy ma Ba-tuần nghe xong, vô cùng kinh hãi, lông nơi thân đều dựng đứng.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền nói bài kệ:

Địa ngục kia thế nào
Mà ma ở trong đó?
Hại Phật, Bà-la-môn
Nhiễu hại cả Tỳ-kheo
Địa ngục tên A-tỳ
Ma ác ở trong ấy.
Hại Phật, Bà-la-môn
Nhiễu hại Tỳ-kheo kia
Đinh sắt cả trăm cái
Phải thọ khổ như vậy
Nơi địa ngục A-tỳ
Khiến Ma ác ở đấy.
Nếu có người không biết
Tỳ-kheo đệ tử Phật
Thọ khổ não như vậy
Phải nhận quả báo xấu.
Ở trong chốn lầu vườn
Cùng chúng sanh cõi kia
Chẳng gieo trồng lúa thóc
Sẽ sanh Bắc câu lao.
Núi Tu-di cực lớn
Gần gũi với giải thoát
Tự có thể phân biệt
Thân thực hành, trì niệm
Núi ấy ở giữa suối
Luôn trụ nơi kiếp này
Hình tướng như sắc vàng
Hào quang tỏa chiếu khắp,
Tấu các thứ kỹ nhạc
Nơi Đế Thích du hành
Chốn ấy cũng gồm hai
Ở trước mà cung kính.
Khi Đế Thích đi trước
Lên điện cao rộng này
Thấy Đế Thích đi tới
Tất cả tự mừng vui
Khi thấy Tỳ-kheo lại
Nhìn lui vẻ hổ thẹn
Nếu ai lên cung điện
Liền vặn hỏi Tỳ-kheo
Nên biết có ma ấy
Ái diệt, đạt giải thoát
Sẽ vì Tỳ-kheo ghi
Nghe giảng nói như vậy.
Câu-dực, ta biết ông
Ái diệt, đạt giải thoát
Nghe nói, trí tuệ ghi
Đế Thích được an lạc.
Tỳ-kheo hành hóa nhiều
Sẽ giảng nói trở lại
Nếu có lên điện ấy
Đế Thích nên đến hỏi
Vì sao gọi cung điện
Đế Thích ở nơi đó?
Đế Thích! Ta sẽ ghi
Đó là chốn thọ báo
Ngàn thế giới như thế
Có ngàn thế giới này
Không cung điện nào hơn
Chốn thọ báo như thế
Đế Thích luôn tự tại
Nơi đó rất trong sáng
Hóa một thành cả trăm
Ở nơi thọ báo kia
Đế Thích luôn tự tại
Đi lên cung điện ấy
Chân tay đều khiến động
Dùng thiên nhãn nhìn khắp
Đế Thích luôn tự tại
Lên nơi cung điện này
Thần túc khiến chuyển động
Ẩn giấu nẻo thâm diệu
Khó động, khó lay chuyển
Có đất bằng lưu ly
Chốn ngự của bậc Thánh
Rất mịn màng, mềm dịu
Trải nệm bông mịn êm
Ngôn ngữ cũng hòa ái.
Nay Thiên vương hơn hết
Khéo tấu các kỹ nhạc
Vô số thứ khác lạ
Chư Thiên đều tụ hội
Dốc hướng Tu-đà-hoàn
Vô lượng trăm ngàn loại
Cùng hàng trăm Na-thuật
Đến trời Tam thập tam
Làm mắt pháp thuyết giảng
Được nghe pháp ấy rồi
Liền hết lòng tin, thích
Ta biết có pháp ấy
Nên gọi là Tiên nhân
Vì đến cõi Phạm thiên
Khiến Phạm chúng cùng hỏi
Chư vị có hiểu biết
Kiến giải cũng như trên
Luôn thấy có thường trụ
Ta sẽ vì Phạm thiên
Ghi kiến giải Tiên nhân
Chẳng thấy, chẳng như trước
Ta luôn có thường trụ
Quả Ngã Kiến tương ưng
Thân Phạm thiên ở trước
Ta nay sẽ nói gì
Ta luôn chấp có thường
Là nhận biết đời này
Bậc Đẳng Giác giảng nói
Như nếu dốc tu tập
Chốn sinh, thọ quả báo
Niệm ấy không có lửa
Ta đốt kẻ ngu si
Đốt kẻ ngu si xong
Kẻ theo cũng bị cháy.
Như thế, này Ba-tuần!
Gần Bậc Như Lai ấy
Tạo hạnh ác lâu dài
Thọ báo cũng không khác.
Ngươi chớ nên quấy Phật
Cùng quấy nhiễu Tỳ-kheo
Do Tỳ-kheo này nói
Ma ở vườn Tỷ lượng
Quỷ có niệm lo buồn
Bị Mục-liên quở trách
Nên vô cùng kinh sợ
Hốt nhiên biến trốn mất.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]