TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 68 - PHẬT NÓI KINH LẠI-TRA-HÒA-LA

Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nhục chi.


Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật cùng với năm trăm Sa-môn đồng du hóa đến nước Câu-lưu, đi dần tới nước Thâu-la-âu-tra.

Bấy giờ các hàng Bà-la-môn, đạo nhân, cùng dân chúng trong nước đều nghe tin Đức Phật đang du hóa đến xứ này. Họ nghe nói về công đức vi diệu của Đức Phật đã đạt được, đã dứt sạch mọi tham dâm, sân hận, ngu si. Những điều Phật giảng nói về tâm ý của con người đều là trung chính, chỉ nhằm đạt tới Phật đạo. Ngài tự biết con người từ đâu sanh đến, dự đoán các việc về quá khứ, vị lai, hiện tại, mắt có thể nhìn thấu suốt mọi chúng sanh nơi thế gian, kể cả các loài côn trùng nhỏ bé nhất, từ lúc sanh ra chết đi luân chuyển qua các nẻo thiện ác. Ngài có thể bay lên cao hoặc ẩn vào lòng đất, lúc ra không cần khoảng cách, vào không cần lỗ hổng, biến hóa tự tại, biết mọi tâm niệm của dân chúng nơi thế gian cùng các loài sâu bọ nhỏ bé nhất. Đức Phật luôn tự kiềm chế thu nhiếp các căn. Thế gian có đến chín mươi sáu thứ đạo nhưng không gì bằng Phật đạo. Đức Phật dốc hết lòng chỉ dạy cho muôn loài trên trời, dưới đất như cha mẹ dạy dỗ con cái, đều khiến họ bỏ ác theo thiện. Ngài là vị thầy của cả Trời, người, những điều giảng dạy cho họ đều khiến đạt được đạo quả A-la-hán giải thoát. Dân chúng khắp cả nước đều nói:

–Đức Phật là người đem lại mọi sự an lành, khéo giảng nói kinh pháp, giới luật. Vậy chúng ta hãy cùng nhau đến chiêm ngưỡng con người đạo đức ấy.

Thế là dân chúng trong khắp nước ấy, hoặc năm mươi người làm một nhóm, hoặc một trăm người làm một nhóm, hoặc năm trăm người làm một nhóm, họ cùng nhau đi đến chỗ Phật. Trong số ấy, người thì tới quỳ trước Đức Phật, người thì đi nhiễu quanh Phật ba vòng, người thì cung kính đảnh lễ nơi chân Phật, có người lại chắp tay cúi đầu, có người thì nói lên tên họ của mình. Tất cả mọi người cùng ngồi xuống.

Đức Phật vì tất cả dân chúng hiện có giảng nói kinh, luật. Ai nấy đều chắp tay hướng về Đức Phật. Trong số những người đang lắng nghe giáo pháp ấy, có người con của một Trưởng giả tên là Lại-tra-hòa-la, nhờ để tâm lắng nghe nên Lại-trahòa-la tự lãnh hội nhanh và suy nghĩ: “Như kinh luật của Phật dạy thì không nên ở nơi gia đình, vì như thế thì tự mình không thể có được thanh tịnh để tu học Phật đạo”. Lại nghĩ: “Chi bằng ta cạo bỏ râu tóc, vận áo ca-sa, làm Sa-môn”.

Dân chúng nước Thâu-la-âu-tra nghe Đức Phật giảng nói về kinh, luật xong, thảy đều hoan hỷ, nhiễu quanh chỗ Phật ba vòng rồi lần lượt ra về. Lại-tra-hòa-la mới về nửa chừng đường thì liền quay trở lại chỗ Đức Phật, cung kính đảnh lễ rồi chắp tay quỳ xuống, thưa:

–Con nghĩ theo kinh luật của Phật dạy không nên ở tại gia đình, vì như thế thì tự mình không thể có được thanh tịnh để tu học Phật đạo. Ý con muốn cạo bỏ râu tóc, mặc ca-sa, làm Sa-môn, cúi mong Đức Phật xót thương chấp thuận.

Đức Phật hỏi:

–Ngươi đã xin phép cha mẹ chưa?

Lại-tra-hòa-la thưa:

–Con chưa xin phép cha mẹ.

Đức Phật dạy:

–Đối với Phật pháp, nếu cha mẹ không cho phép thì không thể làm Sa-môn. Ta cũng không thể truyền trao giới pháp cho ông được.

Lại-tra-hòa-la thưa:

–Thưa vâng, con sẽ trở về xin cha mẹ, nếu cha mẹ đồng ý thì con xin trở lại.

Đức Phật nói:

–Lành thay! Hãy tự mình suy nghĩ kỹ.

Lại-tra-hòa-la liền đảnh lễ Đức Phật rồi trở về nhà mình, thưa với cha mẹ:

–Con được nghe kinh luật của Phật dạy là không nên ở nơi gia đình, vì như thế thì tự mình không thể có được thanh tịnh để tu học theo giáo pháp của Phật. Nay ý con muốn cạo bỏ râu tóc, mặc ca-sa làm Sa-môn.

Cha mẹ nghe con nói như vậy thì đều nhìn nhau, nghẹn ngào nói:

–Vợ chồng ta hiếm con, phải cầu đảo, khấn vái chư Thiên, mặt trời, mặt trăng, cúi lạy bốn phương mong có được đứa con yêu quý để kế thừa hương khói sau này. Cha mẹ thường sợ mình bỗng nhiên chết đi thì nhà này sẽ không ai nối dõi. Nhờ trời đã cho ta một người con trai, cả nhà đều hết sức yêu mến, quyến luyến. Giả sử con có chết đi, cha mẹ còn không muốn rời bỏ con, cha mẹ sẽ cùng ngồi giữ xác con cho đến già, huống chi nay con còn sống, lại muốn bỏ chúng ta mà đi sao?

Lại-tra-hòa-la nói:

–Như nay cha mẹ không cho con đến chỗ Đức Phật để làm Sa-môn, vậy kể từ hôm nay trở đi con sẽ không ăn, không uống, cả không tắm rửa nữa. Nếu cha mẹ chấp thuận cho con làm Sa-môn thì tốt, còn không thì con sẽ chết mà thôi.

Nói xong, chàng liền nằm dài nơi nền đất trống, không ăn uống một ngày, hai ngày, cho đến năm ngày. Bà con thân thuộc nội ngoại của Lạitra-hòa-la nghe tin chàng xin cha mẹ để được xuất gia làm Sa-môn, cha mẹ không cho, nên đã nằm dài nơi đất, không ăn không uống đã năm ngày rồi. Bà con nội ngoại đều đến chỗ Lại-tra-hòa-la khuyên bảo nên đứng dậy tắm rửa, ăn uống, rồi nói:

–Lúc chưa có con, cha mẹ con đã cầu đảo chư Thiên, mặt trời, mặt trăng, cúi lạy bốn phương để mong có được một đứa con, tức là con đấy. Con phải lo việc nuôi dưỡng cha mẹ, làm người thừa kế cho gia đình sau này. Giả sử con có chết đi, cha mẹ vẫn muốn ngồi luôn bên xác con cho đến già, huống chi nay con còn sống mà lại muốn lìa bỏ cha mẹ hay sao?

Lại-tra-hòa-la cũng không trả lời. Các vị trong thân tộc cùng đến chỗ cha mẹ của Hòa-la thở than, nói:

–Cậu bé này rốt cuộc vẫn không nghe theo lời chúng tôi khuyên can.

Lại-tra-hòa-la còn có các người bạn thân thiết, có học, nghe bạn muốn đến chỗ Đức Phật xin xuất gia làm Sa-môn nhưng cha mẹ không đồng ý nên chàng cứ nằm dài trên nền đất trống chẳng thiết gì chuyện ăn uống đã năm ngày rồi, nên cùng kéo tới chỗ Lại-tra-hòa-la khuyên can, bảo hãy đứng dậy lo tắm rửa, ăn uống, nói:

–Lúc bạn chưa ra đời, cha mẹ bạn đã cầu đảo chư Thiên, mặt trời, mặt trăng, cúi lạy bốn phương để mong có được một đứa con. Vậy bạn phải nên lo việc nuôi dưỡng cha mẹ, làm người thừa kế cho gia đình, dòng họ. Ví dầu bạn có chết đi thì cha mẹ bạn vẫn muốn ngồi luôn bên xác bạn cho đến già, huống chi nay bạn còn sống mà muốn xa lìa cha mẹ sao?!

Lại-tra-hòa-la cũng không trả lời. Số bạn bè thân thiết ấy lại đến chỗ cha mẹ của Lại-tra-hòA-la, gạt nước mắt nói:

–Hai bác nên đồng ý cho cậu ấy được làm Samôn. Vì sao vậy? Vì như cậu ấy ưa thích đạo pháp làm Sa-môn thì sau đấy vẫn còn sống để gặp nhau. Giả như cậu ta không thích việc tu tập nữa thì sẽ bỏ đạo trở về nhà, ý hai bác thế nào? Còn nếu không cho cậu ta đi, nhất định cậu ấy sẽ chết mất. Nay sức khỏe của cậu ấy sa sút lắm rồi có thể bị chết liền đấy!

Ai nấy đều lo lắng, thở than. Cha mẹ lau nước mắt nói với con trai:

–Anh em bạn bè thân thiết đã giao ước với con rằng sau khi được làm Sa-môn, con phải trở về thăm cha mẹ chứ.

Lại-tra-hòa-la đáp:

–Hãy cho con đến chỗ Đức Phật để làm Samôn thì con sẽ sống, không chết, sau này con sẽ trở về thăm cha mẹ.

Cha mẹ nghe con trai mình nói lời ấy thì lại khóc rống lên, nhưng vẫn cho phép Lại-tra-hòa-la làm Sa-môn. Lại-tra-hòa-la hết sức vui mừng, tự nghĩ: “Ta không ăn uống đã năm ngày rồi, thân thể rất suy yếu. Lúc này, Đức Phật từ nước Thâu-laâu-tra đến nước Xá-vệ, đã đi được năm trăm dặm, vậy ta hãy gắng ăn uống, chờ cho sức khỏe hồi phục rồi sẽ đi”.

Sau vài ngày, thấy đã có sức lực, Lại-tra-hòA-la đến thưa với cha mẹ:

–Xin cha mẹ hãy an tâm. Con sẽ đến chỗ Đức Phật xin làm Sa-môn.

Cha mẹ Lại-tra-hòa-la nghe vậy lại khóc rống lên, rồi gạt lệ nói:

–Hãy đi đi con thân yêu!

Lại-tra-hòa-la cung kính lạy nơi chân cha mẹ, đứng dậy nhiễu quanh chỗ cha mẹ ba lần, rồi đi đến tinh xá Kỳ hoàn, thuộc nước Xá-vệ, tới trước Đức Phật đầu mặt đảnh lễ xong, thưa:

–Cha mẹ con đã cho phép rồi, cúi mong Đức Phật nhận con làm Sa-môn.

Đức Phật liền thuận cho Lại-tra-hòa-la làm Samôn, mặc ca-sa, thọ giới pháp của Sa-môn. Đức Phật bảo các vị A-la-hán hàng ngày thay nhau chỉ dạy cho Hòa-la, luôn theo đúng giới luật của chánh pháp. Sa-môn Hòa-la tự tư duy về giáo pháp, giới luật liền chứng tứ thiền, đắc quả thứ nhất là Tu-đà-hoàn, quả thứ hai là Tư-đà-hàm, rồi quả A-na-hàm, và quả A-la-hán đạt được bốn thần túc bay lên hư không, có thể dùng thiên nhãn, thiên nhĩ thấy xa, nghe rộng, nhận biết ngôn từ, tâm niệm của mọi chúng sanh trong thế gian, cả đến các loài sâu bọ, côn trùng nhỏ bé mềm yếu nhất, tự biết túc mạng từ đâu sanh đến. Tôn giả theo Phật trong mười năm như bóng theo hình. Sau đấy Tôn giả Lại-tra-hòa-la suy nghĩ: “Lúc trước, ta lìa gia đình, giã từ cha mẹ, nay nên trở về thăm viếng”. Lại-tra-hòa-la bèn bạch Đức Phật:

–Lúc trước con lìa gia đình, xuất gia học đạo đã lâu, nay nên trở về thăm. Xin Đức Phật cho phép con được về thăm cha mẹ.

Đức Phật nghĩ: “Lại-tra-hòa-la này không thể trở về với đời sống ái dục như lúc ở nhà được, vì đã từ nơi ái dục mà được giải thoát”, liền nói:

–Rất tốt.

Tôn giả liền đảnh lễ Phật rồi đi, lần lượt đến nước Thâu-la-âu-tra. Vào lúc sáng sớm, Tôn giả mang y cầm bát đi vào xóm của cha mẹ, dần tới trước cửa nhà mình để khất thực mà không nhận ra người nhà. Vì sao? Bởi vì theo đúng pháp của Sa-môn phải biết quên mình là con của gia đình này. Do cả nhà vốn có ác kiến với Sa-môn nên không ai ngó ngàng đến Tôn giả. Lại-tra-hòa-la đến ngay trước cửa nhà mình nhưng chẳng ai cho gì, cũng chẳng ai thèm nhìn, ngó hay hỏi han, chỉ bị mắng nhiếc. Tôn giả vẫn không buồn phiền. Vừa muốn quay đi, lúc đó có người hầu bước ra khỏi cửa để đổ đồ ăn thừa. Tôn giả Lại-tra-hòa-la thấy vậy liền nói:

–Này cô, cô đem thứ đồ ăn hư thối này làm gì? Người hầu đáp:

–Đồ ăn này không thể dùng được nữa, cho nên tôi đem đổ đi.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Nếu cô muốn đổ đi thì hãy cho ta.

Người hầu liền đổ thức ăn vào bình bát của Tôn giả. Cô gái ngầm nhận ra Lại-tra-hòa-la qua tay chân và lời nói. Cô nghĩ: “Đây là người con trai của chủ mình”. Cô ta liền chạy vào nhà báo cho mẹ của Tôn giả biết là con trai của bà đã trở về, đang ở bên ngoài.

Mẹ của Tôn giả hết sức vui mừng nói với người hầu:

–Nếu đúng như lời ngươi nói thì ngay ngày hôm nay ta sẽ cho ngươi được tự do, trở thành người bình thường.

Bà liền lấy y phục và châu ngọc đang trang điểm của mình đem cho mẹ của cô gái hầu. Lại chạy đến chỗ chồng, lúc ấy đang đứng trong nhà chải tóc, bà nói:

–Con hầu vừa thấy con trai của chúng ta trở về đang đứng ở trước cửa nhà mình. Tôi liền nói với nó nếu quả thật người thấy đúng là Lại-tra-hòa-la, ta sẽ cởi bỏ y phục và châu báu đang trang điểm trên thân cho ngươi và cho ngươi được tự do trở thành người bình thường.

Rồi bà nói với chồng:

–Ông hãy nhanh chân để ra bố thí cho người khất thực.

Cha của Tôn giả liền sửa lại đầu tóc rồi chạy ra phía ngã tư đường để tìm, thấy Tôn giả Lại-trahòa-la đang đứng nơi chỗ vắng, ngẩng đầu nhìn trời, vừa đúng giờ ăn, liền đứng lại để ăn đồ ăn đã thiu thối ấy. Người cha liền đến phía trước, nói với Lại-tra-hòa-la:

–Sao con không vào nhà, ngồi nơi chỗ đẹp đẽ, ăn cơm canh ngon, sao lại đứng ở đây ăn các thứ ăn thiu thối như thế?

Tôn giả Lại-tra-hòa-la thưa:

–Tôi đã bỏ gia đình để học đạo, làm Sa-môn không nhà, vậy tôi làm gì có nhà mà ngài nói cùng về?

Tôn giả không chịu đi. Người cha mời:

–Xin mời Tôn giả sáng mai đến nhà này để thọ thực và gặp mẹ.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la thưa:

–Rất tốt!

Ông liền trở về nói với vợ:

–Lại-tra-hòa-la quả thật có đến đây. Tôi đã mời con sáng mai đến nhà để dùng cơm. Con của chúng ta đã nhận lời mời, vậy bà phải chuẩn bị cơm nước đầy đủ.

Bà mẹ liền gọi những cô hầu trong nhà đến trước mình bảo:

–Lúc ta mới về nhà này, cha mẹ ta có cho ta nào vàng, bạc, ngọc trắng, châu báu vô số. Các ngươi hãy đem tất cả những thứ ấy để giữa sân, lấy đồ che lên trên.

Các người hầu liền theo lời của mẹ Tôn giả đem tất cả các thứ vàng, bạc, châu báu chất đầy ở giữa sân, lấy đồ che lên trên, cao hơn đầu người.

Hôm sau, đến giờ ăn, Tôn giả Lại-tra-hòa-la, mang y, cầm bát đi tới nhà cha mẹ mình. Cha mẹ Tôn giả từ xa trông thấy con đi vào ngõ, bà mẹ liền giở vật che trên đống vàng bạc ra, hai tay hốt đầy vàng bạc đi đến trước Tôn giả Lại-tra-hòa-la, tung vàng bạc châu báu lên, nói:

–Con hãy nhìn xem vàng bạc châu báu ở đây, chính là sở hữu của mẹ lúc mới về nhà này. Còn phần vàng bạc châu báu của cha con thì nhiều vô số. Con hãy dùng nó để bố thí, ăn tiêu, vui chơi thỏa thích. Con làm Sa-môn sao bằng làm người bạch y, ở nhà được tự do vui sướng.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la thưa với cha mẹ:

–Nếu như cha mẹ chấp nhận lời đề nghị của con, con muốn xin cha mẹ một chuyện.

Cha mẹ Tôn giả nói:

–Tốt lắm! Chúng ta chấp nhận.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la thưa:

–Xin lấy tất cả số vàng bạc châu báu kia che lại, dùng cái đãy bỏ chúng vào trong, đặt lên xe, đem đến bờ sông Hằng coi khúc sông thật sâu thì bỏ xuống đó. Vì sao vậy? Vì người nào cất chứa tài sản châu báu thì nó sẽ khiến cho kẻ ấy nhiều sầu muộn, hoặc họ sợ triều đình chiếm đoạt, trộm cướp lấy đi, hoặc sợ nước trôi, lửa cháy, hoặc sợ oan gia phá hủy.

Cha mẹ Tôn giả liền nghĩ: “Không thể dùng tiền tài để khuyến dụ Lại-tra-hòa-la trở lại đời sống tại gia được. Vậy chúng ta thử dùng các cô gái đẹp, các kỹ nữ để dụ dỗ xem sao”. Suy nghĩ như vậy rồi, bà mẹ liền đến chỗ các cô gái, các kỹ nữ kia chỉ dẫn họ lo tắm gội, trang điểm đeo các loại châu ngọc, mặc những bộ y phục đẹp mà Lạitra-hòa-la trước đây yêu thích nhất. Bà mẹ bảo các cô gái:

–Các cô đến gặp Tôn giả Lại-tra-hòa-la, chỉ nói: “Này người con của đại gia! Có ngọc nữ nào xinh đẹp hơn chúng tôi, khiến chàng phải bỏ chúng tôi để học đạo vì nàng?”.

Các cô gái ấy liền vâng lời lo trang điểm, mặc y phục, đeo châu báu xong thì cùng đi ra. Gặp Tôn giả Lại-tra-hòa-la, họ nói:

–Này người con của đại gia! Có ngọc nữ nào xinh đẹp hơn chúng tôi, khiến chàng phải bỏ chúng tôi để học đạo, hầu tìm nàng ta?

Tôn giả Lại-tra-hòa-la đáp:

–Ta chẳng đi tìm ngọc nữ nào mà bỏ các cô em cả.

Các cô gái ấy nghe Tôn giả nói như vậy liền cảm thấy hổ thẹn, bèn quỳ xuống, cúi đầu, lấy tay che mặt rồi nói:

–Vì chẳng muốn lấy chúng tôi làm vợ nên mới gọi chúng tôi là cô em?

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói với cha mẹ mình:

–Tại sao lại làm phiền nhau. Nếu muốn thí cúng cơm thì đó là tốt, không muốn thì thôi.

Cha mẹ Tôn giả liền cho dọn ra đầy đủ các món ăn ngon để Tôn giả dùng. Cha mẹ Tôn giả muốn được nhìn con thật lâu, sợ con ăn xong rồi đi liền, nên bảo đám người hầu đóng các cửa ngõ, dùng khóa khóa lại.

Tôn giả ăn xong giảng nói kinh cho cha mẹ nghe:

–Những người nông dân nuôi dưỡng các thú vật chẳng nên bắt nhốt chúng, khiến chúng không được tự do, huống hồ là chuyện con người. Hãy thả tôi ra, tôi ăn rồi đi. Loài thú nơi đồng ruộng được thoát, liền chạy vào núi sâu. Chải đầu, bôi hương thơm, thoa phấn, kẻ chân mày trắng đen đủ loại, những thứ ấy chỉ làm mê hoặc kẻ ngu si, chứ đối với người đã thoát khỏi mọi sự trói buộc của thế gian thì làm sao mê hoặc. Hãy nhìn bộ xương này với da thịt bao phủ, được trang sức bằng bao thứ vàng bạc, châu báu, vòng đeo ngọc ngà… ai đam mê kẻ ấy như đi vào trong nước sôi, lửa đỏ, lửa đâu có đáng ưa thích. Dùng hương thơm bôi xoa thân thể, những thứ ấy chỉ gạt được người ngu si, nhưng làm sao gạt được người đã thoát khỏi mọi thứ trói buộc của cuộc đời. Vì không thể tự biết phải làm gì nên mới làm như vậy. Cũng không thể phân biệt cha mẹ, cũng không thể phân biệt anh em, khi tâm con người dấy khởi ái dục thì không thể tự mình đoạn tuyệt được. Người nữ giống như các dòng nước, các dòng nước ấy đều chảy vào biển cả. Người ngu chạy theo nữ nhân nên mới trôi lăn vào trong các nẻo địa ngục, súc sanh quỷ đói. Nếu muốn vượt khỏi sự ưu sầu khổ não trong đường sanh tử, muốn đạt được đạo Niếtbàn giải thoát cần phải xa lìa người nữ.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la thuyết giảng kinh cho cha mẹ mình nghe xong liền vận dụng thần túc bay vút lên trời qua đường cửa sổ rồi đi thẳng, giống như con sư tử dũng mãnh chạy thoát.

Bấy giờ quốc vương Câu-liệp vốn có thân tình với Tôn giả Lại-tra-hòa-la từ thuở nhỏ. Nhà vua có một tòa lầu nơi vườn cây ở ngoài thành. Lúc Tôn giả Lại-tra-hòa-la phi hành đến phía trước thì đi vào trong khu vườn ấy ngồi bên gốc cây Duyhê-lặc. Lúc ấy vua Câu-liệp bỗng nhiên muốn đi đến nơi tòa ấy để vui chơi, liền ra lệnh cho người coi khu vườn lo công việc quét dọn. Viên quan coi vườn vâng lệnh vua đi làm công việc, thấy Tôn giả Lại-tra-hòa-la đang ngồi bên gốc cây Duy-hê-lặc, liền đến tâu với vua:

–Thần đã quét dọn sạch sẽ. Đức vua thường nói có bạn tri thức thân tình là Lại-tra-hòa-la, nay Tôn giả ấy đang ngồi bên gốc cây trong vườn. Nếu đức vua muốn gặp Tôn giả vậy hãy đến đó.

Nhà vua nghe tâu như thế thì vô cùng vui mừng, liền cho sửa soạn xa giá rồi cùng đoàn tùy tùng đến phía ngoài tòa lầu, xuống xe đi bộ vào khu vườn, tới chỗ Tôn giả Lại-tra-hòa-la, chào hỏi đúng lễ rồi ngồi xuống. Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Nhà vua đến đây thật quá tốt.

Vua nói:

–Chỉ có một mình ta đến đây, Tôn giả vốn là bạn tri thức của ta lúc nhỏ. Nếu cần dùng các thứ tài sản vật báu gì thì ta sẽ tặng như ý muốn.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la đáp:

–Không nên đem tiền của ban tặng cho tôi. Nay tôi đã lìa bỏ được gánh nặng, giải thoát khỏi lao ngục ấy. Nhà vua lại muốn đem cái gánh nặng của lao ngục đó đặt lên thân tôi sao. Vậy đừng đem các thứ ấy cho tôi.

Vua hỏi:

–Vậy ta nên đem những vật gì để tặng Tôn giả? Tôn giả Lại-tra-hòa-la đáp:

–Vua chỉ nên nói hiện nay đất nước của ta giàu có, năm thứ lúa thóc, hoa màu dồi dào, dân chúng đông đúc, việc khất thực dễ được, các Sa-môn có thể ở lại trong nước ta, ta ra lệnh cho các quan và dân chúng không được xâm phạm Sa-môn.

Nhà vua nói:

–Xin ghi nhận lời dạy ấy, tôi sẽ làm như điều Tôn giả mong ước và bày tỏ.

Vua nói:

–Tôi có điều muốn hỏi, xin Tôn giả lắng nghe.

Lại-tra-hòa-la nói:

–Rất tốt.

Vua liền nói:

–Phàm người làm Sa-môn thường gặp phải có bốn việc khổ, thì mới làm Sa-môn. Những gì là bốn? Một là tuổi già, hai là bệnh hoạn, ba là cô độc, bốn là bần cùng. Người ở đời vì bốn sự khổ này nên mới làm Sa-môn. Nay tôi thấy Tôn giả hoàn toàn không có bốn điều ấy vậy sao lại làm Sa-môn?

Vua lại nói:

–Sở dĩ người tuổi già mới làm Sa-môn là vì người già tự nghĩ mình khí lực yếu kém, đứng ngồi khổ sở, không thể đi xa làm ăn để kiếm tiền của, nếu có tiền của cũng không thể giữ vững, do đó mới cạo bỏ râu tóc làm Sa-môn. Tôi thấy Tôn giả không ở vào trường hợp này. Tôn giả đầu tóc đen nhánh, thân thể tròn đầy, vừa đang độ tuổi thanh niên, nên vui chơi, nhưng Tôn giả lại làm Sa-môn để cho cha mẹ của mình khóc than, buồn bã.

Hai là, người thân thể bị bệnh nặng, ốm yếu tự nghĩ: “Ta không thể mưu sinh để có tiền tài, nếu có tiền tài thì cũng không thể giữ vững được”. Do đó họ cạo bỏ râu tóc làm Sa-môn. Tôi thấy Tôn giả hoàn toàn không thuộc vào trường hợp vừa nêu, thân thể lại cường tráng.

Ba là có người cô độc một thân, không thể mưu sinh để có tiền tài, hoặc nếu có tiền tài thì cũng không giữ nổi, vì vậy mới làm Sa-môn. Tôi thấy Tôn giả cũng không phải như vậy. Trừ hàng vương tộc ra thì trong nước của ta không ai hơn Tôn giả về mặt này.

Bốn là người bần cùng đói lạnh, không thể tự nuôi sống được, kẻ ấy tự nghĩ: “Mình nghèo khổ quá, không thể mưu sinh nổi, do đó nên cạo bỏ râu tóc, làm Sa-môn để được của bố thí mà sinh sống”. Tôi thấy Tôn giả hoàn toàn không có trường hợp này. Tôi thấy những kẻ giàu có trong nước không ai hơn gia đình Tôn giả. Người ta vì bốn sự khổ kể trên mới làm Sa-môn.

Vua hỏi tiếp:

–Thưa Tôn giả, vậy có trường hợp nào ngoài bốn trường hợp vừa kể khiến cho người ta làm Samôn chăng?

Tôn giả Lại-tra-hòa-la đáp:

–Đức Thế Tôn thường dạy tôi bốn việc phải biết rõ rồi đem chỉ dạy cho người khác. Trong tâm tôi hiểu đúng như lời Phật dạy nên cạo bỏ râu tóc, mặc ca-sa, làm Sa-môn. Những gì là bốn?

Một là con người không ai tránh khỏi sự già, không ai có thể làm cho thân mình không già yếu.

Hai là không ai có thể tránh khỏi bệnh, thân mình không thể chết thay cho người khác được.

Ba là người chết ra đi một mình, không ai có thể mang tài sản theo được.

Bốn là con người cho đến chết vẫn không thể nhàm chán ái dục và của cải. Con người luôn làm nô lệ cho tài sản và ái dục.

Đức Phật đã dạy cho tôi bốn việc này, tâm tôi dốc tin điều ấy nên làm Sa-môn.

Vua nói:

–Tôn giả nói bốn việc này quá cô đọng, ý tôi không lãnh hội hết, xin Tôn giả nói rộng thêm cho tôi hiểu.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Nay tôi xin hỏi nhà vua, xin vua cứ thành thật trả lời. Nhà vua từ lúc hai mươi, ba mươi cho đến lúc bốn mươi tuổi, khí lực dồi dào, có tài bắn tên, cỡi voi, phi ngựa, chạy nhanh, lúc đó ngài tự cho mình là vô song, vậy nay có còn không?

Nhà vua nói:

–Đúng như lời Lại-tra-hòa-la nói từ lúc hai mươi, ba mươi cho đến bốn mươi tuổi, tôi tự thấy mình là vô song với các nghề bắn tên, cỡi voi, phi ngựa, chạy đua. Nay tôi tuổi đã lớn, khí lực suy kém đứng ngồi khó khăn, ý muốn thoát khỏi sự khổ ấy nhưng không thể thoát được.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Đức Phật giảng nói một việc ấy, tôi lãnh hội được ý nghĩa sâu xa nên cạo bỏ râu tóc làm Samôn.

Nhà vua nói:

–Đức Phật dạy việc ấy thật là kỳ diệu, thật rất đúng, nó đã thâm nhập trong tâm tôi.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la hỏi nhà vua:

–Ở trong nước có những hàng cận thần, trăm quan nhờ vua mà được sống đầy đủ phải chăng?

Nhà vua đáp:

–Đúng vậy.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Nhà vua có từng bị bệnh khổ nằm liệt giường không?

Nhà vua nói:

–Quả có như vậy.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Lúc bị bệnh nằm liệt giường như thế, nhà vua có gọi kẻ cận thần, trăm quan đã nhờ vua mà được sống đầy đủ đến dạy rằng: “Nay ta bị bệnh nguy khốn, các ngươi hãy cùng nhau chia bệnh của ta ra, mỗi người lãnh một ít”. Dù vua có nói như vậy thì họ có thể chia nhau nhận lãnh bệnh của vua được chăng?

Nhà vua đáp:

–Không thể được. Nếu thân ta bị bệnh thì phải tự chịu lấy chứ cận thần, trăm quan không thể thay thế được.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Đức Phật đã giảng dạy như vậy. Đó là việc thứ hai, tôi đã lãnh hội, vì thế mà làm Sa-môn.

Nhà vua nói:

–Thật là kỳ diệu đặc biệt, thật là hay, đúng!

Điều ấy đã thâm nhập vào tâm tôi.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la hỏi nhà vua:

–Khi thọ mạng của con người sắp hết thì phải chết, trong tâm rất buồn, tuy rất buồn nhưng không thể thoát khỏi cái chết.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói tiếp:

–Con người tự biết là sẽ chết, tại sao không trù tính việc đem các châu báu đến chỗ tái sanh?

Nhà vua nói:

–Không thể mang theo châu báu của cải đến chỗ mình sẽ tái sanh được. Tất cả đều phải từ bỏ chỉ ra đi một mình mà thôi.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Đức Phật đã giảng dạy như vậy. Đó là việc thứ ba, tôi đã lãnh hội nên mới làm Sa-môn.

Nhà vua nói:

–Đức Phật dạy việc này thật là kỳ diệu đặc biệt, thật là đúng, nó đã thâm nhập vào tâm tôi.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la hỏi vua:

–Đại vương, có phải trong nước của nhà vua được bình yên, dân chúng đông đúc, năm thứ lúa thóc hoa màu dồi dào không?

Nhà vua đáp:

–Quả đúng như vậy.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Nếu có người từ phương Đông đến, thành thật nói với vua, mà vua cũng tin lời người ấy, rằng tôi từ phương Đông tới, thấy có một nước lớn, nước ấy giàu có, dân chúng đông đúc, tôi biết con đường tắt xuyên qua nước đó, ngài có thể đem quân binh của mình đến chinh phạt để chiếm nước ấy. Nếu nhà vua nghe lời nói kia, có muốn sai người qua chiếm nước đó không?

Nhà vua đáp:

–Có chứ, vì tham lợi của nước ấy nên mới muốn chiếm cứ nước ấy.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Nếu lại có người từ phương Nam, phương Tây và phương Bắc đến, nói: “Có một nước....” như người từ phương Đông đã nói, vậy nhà vua có muốn chiếm nước ấy không?

Vua đáp:

–Có chứ! Vì tham cái lợi của nước ấy nên đem binh vào chiếm.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Nếu lại có một người từ một vùng biển đi đến, thành thật nói với vua, mà vua cũng tin lời của người ấy: “Ở vùng biển kia có một nước lớn, trong nước ấy lúa thóc hoa màu dồi dào, dân chúng đông đúc, tôi biết con đường tắt xuyên qua nước đó, nhà vua có thể đem binh mã của mình đến để đánh chiếm nước ấy”. Vua nghe lời tâu như thế thì có muốn sai người đem quân mã đến chiếm nước kia không?

Vua đáp:

–Có chứ, vì tham cái lợi của nước ấy nên muốn đánh chiếm.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Đức Phật thấy rõ việc này, biết con người khổ là do lòng tham, do không biết đủ. Đó là việc thứ tư tôi đã lãnh hội, vì vậy mà tôi làm Sa-môn. Đức Phật thấy rõ bốn sự việc ấy nên mới chỉ dạy con người phải biết ngăn chặn.

Nhà vua nói:

–Đức Phật giảng nói điều này thật vô cùng kỳ diệu đặc biệt, hết sức đúng, hay, nó đã thâm nhập vào tâm tôi.

Nhà vua nói tiếp:

–Đức Phật dự biết việc quá khứ, vị lai và hiện tại giỏi tới như vậy sao?

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Nhà vua đã có nước của mình và nước nơi bốn phương mà vẫn chưa biết đủ, lại còn mong muốn chiếm cứ nước ở ngoài biển nữa. Đức Phật nhận thấy con người ở thế gian có tài sản quý giá đều lo giữ kỹ, không chịu bố thí cho người khác, tham lam bỏn sẻn cất giấu, lại còn mong cầu thêm. Từ vua chúa đến dân chúng đều không biết nhàm chán, biết đủ cho đến lúc chết vẫn không lìa bỏ ái dục. Nên bỏ lòng tham, vì lúc chết thì của cải, tài sản đều để lại, chỉ ra đi tay không, phải theo con đường thiện hay ác do chính người ấy tạo ra. Sự thiện hay ác đi theo con người như bóng theo hình. Con người sau khi chết, gia đình quyến thuộc khóc lóc thảm thiết, rồi lo khâm liệm chôn cất. Con người khi sanh ra một mình thì lúc chết cũng một mình. Tự thân tạo ra điều thiện ác thì chính thân phải lãnh chịu, không ai có thể thay thế được. Đồ ăn uống, vàng bạc, châu báu không thể làm cho người ta đạt đạo, tiền của không thể cứu mạng người thoát khỏi già chết. Sự suy nghĩ nhớ tưởng của con người đa đoan, chính là do ái, lạc. Tâm ý con người luôn luôn thay đổi, không thể chuyên nhất.

Đức Phật dạy:

–Vì con người buông lung tâm ý cho nên phải gặp điều xấu dữ, tai họa, sợ hãi. Ví như dấy ý nghĩ khoét tường đục vách để ăn trộm, sau đó lấy được của cải của người khác. Thân đã làm điều ác, tự sập vào bẫy chết. Như người thế gian làm ác, sau khi chết bị đọa vào các nẻo địa ngục, súc sanh hay ngạ quỷ. Ví như cây cối sanh hoa lá, kết thành trái, có khi có hoa thì rụng, có khi có trái thì rụng, có khi trái lớn thì rụng, có khi trái chín thì rụng. Con người cũng như vậy, có lúc mới thọ thai liền chết, có lúc mới sanh liền chết, có khi tuổi thành niên bị chết, có khi tuổi già bị chết. Mạng người không thể biết được.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nói:

–Do vậy mà tôi làm Sa-môn. Kẻ phàm phu gọi tôi là người không thể lo nổi việc nhà nên làm Samôn. Tuy có luận bàn đủ thứ cũng không bằng học đạo.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la giảng nói kinh pháp xong, nhà vua liền đạt được quả thứ nhất là đạo Tu-đà-hoàn, liền xin thọ năm giới:

Không sát sanh.

Không trộm cắp.

Không xâm phạm phụ nữ của người khác.

Không nói dối.

Không uống rượu.

Nhà vua thọ giới xong liền cung kính đảnh lễ rồi lui ra.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]