TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 69 - PHẬT NÓI KINH HỘ QUỐC

Hán dịch: Đại sư Pháp Hiền (Đời Tống).


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn ở tại thành Câu-lư, du hóa tạo mọi lợi ích cho chúng sanh rồi dần dần đi đến thôn Đổ-la, cùng đông đủ chúng Đại Bí-sô tạm dừng lại ở đấy.

Bấy giờ, trong thôn này có các Bà-la-môn, Trưởng giả... cùng nhau bàn luận:

–Vị Đại Sa-môn Cù-đàm này đã bỏ ngôi vua, xuất gia hành đạo, quả đức tròn đầy tỏa sáng, danh tiếng đồn khắp, chính là Bậc Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Đối với các hàng Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, người và chẳng phải người nơi các cõi, nhờ hạnh nguyện của chính mình mà Ngài đã thành tựu quả vị Đẳng Chánh Giác, trải lòng từ bi, thuyết giảng chánh pháp, phần đầu thiện, phần giữa thiện, phần cuối cũng thiện, nghĩa lý sâu xa, thuần nhất không xen tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh viên mãn, đầy đủ sự tối tôn, tối thượng như vậy. Nếu chúng ta gặp Ngài sẽ cùng được nhiều điều lợi ích tốt đẹp. Vậy chúng ta hãy đến chỗ Phật để chiêm ngưỡng lễ bái, xưng tán.

Bàn luận xong, họ cùng nhau đến chúng hội của Phật. Đến nơi, người thì cung kính đảnh lễ, người thì chắp tay, còn số đông thì hết lời xưng tán. Số người đông đảo như vậy, khi đảnh lễ tán thán xong đều ngồi qua một bên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết pháp cho mọi người nghe, khiến họ đều hân hoan, phát tâm Bồđề. Các vị Bà-la-môn, đại Trưởng giả... cũng vậy, sau khi phát tâm Bồ-đề, liền từ tòa ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Đức Phật, hết lời xưng tán, cung kính đảnh lễ rồi ra về.

Lúc ấy, trong hội có một đại Trưởng giả tên là Hộ Quốc, vì luyến mộ Đức Phật nên không rời khỏi pháp hội và nghĩ như vầy: “Pháp ta được nghe, nếu có thể nương tựa thực hiện, chắc chắn sẽ thành Bậc Chánh Giác. Nếu ta ở gia đình thì cứ mãi bị cảnh luân hồi. Đức Phật ra đời thật khó gặp, nên tin tưởng, xuất gia để cầu giải thoát, vậy nay ta phải xa lìa mọi sự phóng dật, tinh tấn phát tâm, theo Phật xuất gia, dốc tu phạm hạnh, nguyện cạo bỏ râu tóc, mặc ca-sa”.

Trưởng giả Hộ Quốc nghĩ như vậy rồi, liền từ tòa ngồi đứng dậy, đi đến trước Đức Phật, đầu mặt lạy ngang chân Ngài, chắp tay hướng về Đức Phật, thưa:

–Con theo Đức Thế Tôn, được nghe chánh pháp, chán sự khổ trong cõi luân hồi, khởi tâm tin vui, nên nay xin Đức Phật cho phép con được xuất gia làm Sa-môn. Cúi mong Đức Thế Tôn chấp nhận.

Đức Phật nói:

–Này Hộ Quốc, Trưởng giả dốc lòng tin xuất gia, vậy cha mẹ của Trưởng giả đã cho phép chưa? Hộ Quốc thưa:

–Thưa chưa, bạch Thế Tôn. Cha mẹ con không cho phép.

Đức Phật nói:

–Này Hộ Quốc, cha mẹ không cho phép thì không được xuất gia.

Hộ Quốc lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, tuy cha mẹ chưa cho phép nhưng con sẽ khẩn thiết cầu xin, thế nào cha mẹ cũng đồng ý.

Đức Phật bảo:

–Này Hộ Quốc, như điều mong ước của Trưởng giả, nay đã đúng lúc.

Bấy giờ Trưởng giả Hộ Quốc, vâng theo lời dạy của Đức Phật, cung kính đảnh lễ rồi lui ra, trở về nhà thưa với cha mẹ:

–Xin cha mẹ thương yêu, chấp nhận sự thỉnh nguyện của con: “Con ở nơi chúng hội của Phật, nghe Phật thuyết pháp, con đã lãnh hội, thấu hiểu liền phát khởi chánh tín, muốn được xuất gia”. Cúi mong cha mẹ chấp nhận lời xin của con.

Cha mẹ của Hộ Quốc bảo:

–Con muốn xuất gia để mong được lợi ích gì? Lại nhằm chứng đắc điều gì mà cầu xuất gia? Nếu con muốn xuất gia hẳn không phải vì mục đích xin ăn để sống chứ? Con nên biết rằng, hiện nay tài sản, châu báu nơi gia đình của ta nhiều vô kể. Con chỉ cần sống tại gia, bỏ của cải ra làm phước, tương lai sẽ được giàu có an lạc, cần gì phải xuất gia?

Cha mẹ của Hộ Quốc khéo dùng những lời như thế để khuyến dụ Hộ Quốc không nên xuất gia. Hộ Quốc lại thưa:

–Xin cha mẹ nên nghĩ: con đã nhàm chán cảnh sanh tử luân hồi, tự lìa bỏ sự vinh hoa nơi thế gian, chí mong cầu xuất gia học đạo. Cúi mong cha mẹ chấp thuận cho con.

Hộ Quốc đã thỉnh cầu cha mẹ đến hai, ba lần. Cha mẹ của Trưởng giả lại bảo:

–Con đã quyết tâm, dốc cầu xuất gia, đừng lấy việc đi xin ăn để sinh sống. Tài sản vàng bạc, châu báu của nhà ta nhiều vô số kể. Con chỉ nên ở nhà bố thí làm phước, hưởng thọ phú quý, cần gì phải xuất gia!

Cha mẹ của Hộ Quốc cũng hai, ba lần khuyên bảo như vậy. Trưởng giả Hộ Quốc lại thưa:

–Nếu cha mẹ không cho phép, kể từ ngày hôm nay trở đi, con thề sẽ không ăn uống cho đến chết.

Thệ nguyện như thế rồi, Trưởng giả Hộ Quốc bèn liền không ăn uống gì cả. Bấy giờ các bạn hữu tri thức của Hộ Quốc nghe tin ấy liền cùng nhau đến nhà cha mẹ của Trưởng giả Hộ Quốc. Họ nói:

–Thưa ông chủ Trưởng giả, chúng tôi đều nghe con trai của hai bác là Hộ Quốc ưa thích xuất gia, tuy anh ta hết lòng cầu xin nhưng hai bác vẫn không đồng ý. Chúng tôi biết con của hai bác đang hưởng thọ mọi sự giàu sang, sung sướng, bỗng dưng quyết tâm cầu đạo. Nay nếu hai bác không chấp thuận, anh ta sẽ bị đau khổ, có thể dẫn đến mạng chung, khiến hai bác phải bị cái khổ ái biệt ly. Do đó hai bác nên cho phép anh ta tùy ý xuất gia.

Bấy giờ cha của Hộ Quốc thấy các bạn tri thức của con mình hết lời xin giúp nên đồng ý cho Hộ Quốc xuất gia. Các bạn nghe nói như thế, liền đến chỗ Hộ Quốc, bảo:

–Này Hộ Quốc, anh nên biết, nay cha mẹ của anh đã chấp thuận cho anh xuất gia rồi đấy.

Hộ Quốc biết tin vui ấy nên vô cùng hoan hỷ vội đến trước cha mẹ mình bái lạy, từ biệt ra đi, trở lại chỗ Đức Phật, cung kính đảnh lể rồi chắp tay đứng qua một bên, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, nay cha mẹ con đã đồng ý cho con xuất gia. Cúi mong Đức Phật từ bi rủ lòng thương xót chấp thuận cho con được làm Bí-sô.

Đức Thế Tôn bảo Hộ Quốc:

–Lành thay! Lành thay! Nay đã đúng lúc thu nhận cho Trưởng giả.

Lúc ấy Hộ Quốc râu tóc tự rụng, thân mặc casa, thành tướng Bí-sô, tu trì phạm hạnh, trừ bỏ mọi sự buông lung, lìa các ưu não, tự tâm điều phục, nhu hòa thuận hợp, chứng pháp thanh tịnh, biết: sự sanh của ta đã hết, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.

Bấy giờ Tôn giả Hộ Quốc đã dứt sạch hết các lậu, y chỉ với Đức Phật trong mười hạ. Sau khi đã đủ mười hạ, Tôn giả liền đắp y, mang bát, đến trước Đức Phật, cung kính đảnh lễ nơi chân Ngài, chắp tay đứng qua một bên rồi thưa:

–Bạch Thế Tôn, con vốn sanh sống ở làng xóm Đổ-la, đã xả bỏ gia đình thân quyến, chí tín xuất gia, nay con muốn trở về quê cũ để thăm thân bằng quyến thuộc. Cúi mong Đức Thế Tôn cho phép.

Bấy giờ Đức Thế Tôn biết rõ những ước muốn trong tâm của Tôn giả Hộ Quốc, lại quán biết tâm chí của Tôn giả chỉ nhằm đem lại lợi ích cho tất cả, huống chi Tôn giả ngày còn ở nhà thường lìa các dục. Ngài quán thấy như vậy rồi liền bảo:

–Này Tôn giả Hộ Quốc, nay đã đúng lúc, nên làm theo ý của mình.

Tôn giả Hộ Quốc vâng lời Phật dạy, vô cùng phấn khởi, nhiễu quanh chỗ Đức Phật ba vòng, cung kính đảnh lễ, rồi giã từ ra về.

Tôn giả trở về quê cũ, lần lượt đi qua nhiều nơi, rồi tới làng của mình, tạm nghỉ qua đêm. Vào lúc trời hừng sáng, Tôn giả Hộ Quốc đắp y ôm bát, thứ lớp khất thực, đi đến trước nhà mình, thấy một cô gái đang đứng ngoài cửa, mang cái giỏ đựng đầy thức ăn, muốn đem đi đổ. Tôn giả thấy vậy liền bảo cô gái ấy:

–Cô không biết xấu hổ, chớ phí bỏ thức ăn như thế, sao bằng đổ chúng vào trong bát của ta thì sẽ được lợi ích.

Khi ấy cô gái nghe Tôn giả nói như vậy, sanh tâm kính trọng, liền đổ thức ăn vào trong bình bát. Tôn giả nhận xong, đi đến bên một gốc cây lớn, trải tọa cụ ngồi, sắp thọ thực.

Lúc đó cô gái kia suy nghĩ: “Đây chính là Tôn giả Hộ Quốc, con trai của chủ ta”. Nàng nghĩ như vậy rồi vội đi đến chỗ ông chủ, thưa:

–Vừa rồi, ở ngoài cửa, tôi thấy con trai của ông chủ ôm bát đi khất thực, đến bên một gốc cây lớn trải tọa cụ ngồi, sắp thọ thực.

Vị Trưởng giả nghe nói thế thì trong lòng hết sức vui mừng, liền hỏi người nữ kia:

–Như lời ngươi nói, việc ấy có đúng thật chăng?

Người nữ đáp:

–Việc này quả đúng như vậy.

Ông Trưởng giả bèn chạy nhanh ra khỏi nhà, đến cạnh gốc cây lớn, thấy đúng là Tôn giả Hộ Quốc đang ở đó, sắp sửa thọ thực, liền bảo:

–Con của ta là Hộ Quốc, lìa bỏ gia đình làm khách chu du xứ người, du hành như vậy, nay đến thôn mình, lại chẳng chịu vào nhà, là nghĩa làm sao?

Tôn giả Hộ Quốc liền đáp:

–Pháp Sa-môn của con, nghi thức là như vậy, vào nhà người khác là không nên.

Lúc ấy ông Trưởng giả liền nắm tay đưa Tôn giả Hộ Quốc vào nhà, trải tọa cụ mời ngồi. Bấy giờ mẹ của Tôn giả vội đi đến trước con, thăm hỏi an ủi con đến hai, ba lần cho vơi nỗi thương nhớ. Bà bảo Tôn giả Hộ Quốc:

–Này con của mẹ, tại sao con lại quyết chí xuất gia? Con xuất gia bao lâu rồi, hiện có được lợi ích gì và đã đạt được những gì? Hay là cũng đi xin ăn để sinh sống? Vì vậy nay con đừng xuất gia nữa, cứ ở nhà đem của cải bố thí làm phước, để được giàu sang sung sướng ở kiếp sau.

Người mẹ bày ra các phương tiện nhằm giữ con mình ở lại nhà, không muốn xa lìa. Bà lấy vàng bạc, và vô số các thứ châu báu đặt chất đầy trước mặt Tôn giả, bảo con:

–Con của mẹ nên biết, mẹ có rất nhiều vàng bạc, châu báu. Nay mẹ đem cho con hết, chưa kể tài sản của cha con thì còn nhiều vô số. Như thế thì cần gì phải đi xuất gia, con cứ ở nhà bỏ tiền của ra làm phước để được hưởng sang giàu sung sướng ở kiếp sau.

Tôn giả thưa với mẹ:

–Mẹ nên biết, các thứ vàng bạc, châu báu ấy là nguồn gốc của mọi lỗi lầm. Nên dùng xe chở hoặc gánh chúng đem đổ giữa dòng sông.

Tôn giả lại thưa mẹ:

–Mẹ của con nên hiểu rằng, tài sản, của cải, châu báu tạo ra lòng tham luyến, từ đó làm nguyên nhân sanh ra các điều lỗi lầm, dẫn đến mọi thứ hoạn nạn. Đó là các nạn về nước, lửa, vua, giặc cướp và con cái xấu ác, sanh ra vô số các thứ hư hoại khổ đau. Nếu hiểu rõ được nguyên nhân của sự khổ, mẹ sẽ thoát khổ.

Mẹ của Tôn giả Hộ Quốc luôn quyến luyến con không muốn rời ra. Bà lại suy nghĩ tìm cách khác: “Lúc con trai mình còn ở nhà đã có người vợ. Hãy bảo cô ấy trang điểm, mặc y phục đẹp, mang đeo các thứ ngọc báu, đi đến chỗ Hộ Quốc chắc có thể làm vui lòng con mình”. Nghĩ như vậy rồi, bà liền tìm đến chỗ người vợ cũ của Tôn giả, nói:

–Chồng của con là Hộ Quốc, lúc còn ở nhà đã ưa thích các thứ châu báu, chuỗi báu nào, vậy nay con hãy trang điểm, mặc y phục đẹp, mang đủ các thứ ấy đi đến chỗ Hộ Quốc để làm vui lòng chàng.

Người vợ của Hộ Quốc vâng lời mẹ chồng, lo trang điểm, mặc y phục đẹp đẽ, mang đủ các thứ châu báu, rồi đến chỗ Hộ Quốc, thưa:

–Này người con của Trưởng giả, ý chàng thế nào mà thọ trì phạm hạnh, không phải là nhằm mong cầu thiên nữ nào chăng?.

Tôn giả Hộ Quốc đáp:

–Chẳng phải vậy. Này bà chị, tôi thọ trì phạm hạnh là để cầu đạt được đạo quả, chứ không phải theo như lời bà chị nói.

Vợ của Hộ Quốc nghe Tôn giả gọi mình bằng “chị”, liền đổi sắc mặt, cảm thấy xấu hổ nên lui ra. Tôn giả Hộ Quốc suy nghĩ: “Sắp đến giờ ăn rồi”, liền thưa với cha mình:

–Trưởng giả có thức ăn gì để thí cho tôi không?

Khi ấy cha mẹ của Tôn giả đích thân mang đủ các món ăn, thức uống thượng vị, dâng cúng cho Tôn giả.

Tôn giả Hộ Quốc ăn uống xong, rửa bát xếp y, trải tòa ngồi, rồi Tôn giả thuyết giảng chánh pháp cho cha mẹ nghe, khiến cho ông bà khởi tâm hoan hỷ hướng đến đạo Bồ-đề. Tôn giả lại dùng thần thông đứng nơi hư không, thuyết kệ:

Xem sắc thân tô điểm
Dùng các báu trang sức
Kẻ ngu mê tham đắm
Người trí thường xa lìa
Tham dục như dây tơ
Hay trói buộc cõi đời
Kẻ ngu bị mê hoặc
Người trí thường xa lánh.

Tôn giả nói kệ xong, từ hư không đi xuống, trở lại bên gốc đại thọ, điềm tĩnh đứng yên.

Bấy giờ có một vị vua tên là Câu-lư, đang cưỡi ngựa du ngoạn vùng ngoài thành, đến gần bên thôn Đổ-La. Quan hầu tâu với vua:

–Tâu Đại vương, trong thôn này có một người con trai của Trưởng giả tên là Hộ Quốc, quyến thuộc đông đúc, của cải châu báu vô lượng, nhưng đã lìa bỏ tất cả để xuất gia học đạo.

Nghe lời tâu ấy, nhà vua bèn hỏi những người trong thôn:

–Này các khanh, ở đây có người con trai của Trưởng giả tên là Hộ Quốc, đã lìa bỏ thân bằng quyến thuộc để xuất gia học đạo, việc này là thật chăng?

Các người dân trong thôn liền tâu với vua:

–Đại vương nên biết, điều ấy đúng là sự thật. Tôn giả Hộ Quốc đang ở bên một gốc đại thọ trong thôn của chúng thần, thường thọ trì phạm hạnh. Tất cả nhân dân chúng trong thôn đều hay lui tới để cúng dường.

Nhà vua nghe lời tâu rồi, liền đi vào trong thôn đó, đến bên gốc đại thọ, nơi Tôn giả Hộ Quốc đang dừng nghỉ. Tôn giả Hộ Quốc từ xa trông thấy vua Câu-lư đang đi nhanh đến chỗ mình, liền từ tòa đứng dậy, đi tới trước mặt vua, tâu:

–Thật là hân hạnh, Đại vương đã đến! Đây là vùng đất của nhà vua đang cai trị. Nay xin thỉnh Đại vương đến cạnh gốc cây và ngồi lên tòa của tôi.

Nhà vua đáp:

–Này Tôn giả Hộ Quốc, ý của ta là như vậy, muốn đến chỗ của Tôn giả, ngồi lên tòa của Tôn giả.

Tôn giả Hộ Quốc lại thưa:

–Vì ý của Đại vương như vậy nên tôi mới mời ngài.

Bấy giờ nhà vua cùng với Tôn giả đến bên gốc đại thọ, ngồi xuống tòa. Đại vương nói với Tôn giả Hộ Quốc:

–Có bốn pháp, do bốn pháp này nên người ta mới cầu xuất gia. Bốn pháp đó là:

Biết về thân thuộc.

Biết về phú quý.

Biết về bệnh.

Biết về già.

Thế nào là biết về thân thuộc? Đó là: nếu một người có bà con thân thuộc đông đúc, bỗng nhiên bị ly tán, mất hết, người ấy suy nghĩ: “Quyến thuộc, bằng hữu tri thức của ta đều đã ly tán, mất hết, chỉ còn mình ta cô độc, vậy ta nên xuất gia”. Vì người ấy biết mình không còn quyến thuộc nữa, nên mới cầu xuất gia. Nay Tôn giả Hộ Quốc có quyến thuộc đông đủ, chẳng phải là người cô độc, không rõ vì lẽ gì mà lại xuất gia?

Lại nữa, sao gọi là biết về phú quý? Đó là như người trước đây có nhiều tiền bạc, châu báu, là hạng giàu có lớn, nhưng sau đó bị khánh tận, trở thành kẻ nghèo khổ sống lây lất. Do vì bần cùng nên người ấy suy nghĩ: “Nay vì bần cùng, khốn khó nên ta phải xuất gia”. Vì người ấy biết mình bần cùng nên mới cầu xuất gia. Nay Tôn giả Hộ Quốc của cải châu báu vô lượng, đâu phải là hạng bần cùng, khốn khó không rõ vì lẽ gì mà lại xuất gia?

Lại nữa, sao gọi là biết về bệnh khổ? Đó là như có người bị bệnh lâu năm, nằm liệt giường không thể cứu chữa, mới suy nghĩ: “Bệnh tật của ta thật nặng, hết sức đau khổ, nay ta phải cầu xuất gia”. Người ấy vì biết rõ bệnh khổ nên mới cầu xuất gia. Nay Tôn giả Hộ Quốc ít bệnh, ít não, cũng không ưu sầu khổ đau, không rõ vì lẽ gì mà lại xuất gia?

Lại nữa, sao gọi là biết về già yếu? Đó là như có người tuổi già suy nhược nên mới suy nghĩ: “Nay ta già nua, đối với sự giàu sang sung sướng cũng chẳng ích lợi gì, nên nay ta cầu xuất gia”. Vì người ấy biết rõ sự già nua không kham nổi sự việc nên mới cầu xuất gia. Nay Tôn giả Hộ Quốc đang tuổi tráng niên, khỏe mạnh, chưa hưởng thọ các thú vui, tôi không rõ tại sao lại đi xuất gia?

Tôn giả Hộ Quốc nên biết, vì bốn pháp như vậy mới khiến cho người ta xuất gia. Nay tôi lại hỏi Tôn giả Hộ Quốc:

–Tôn giả vì nhận thức, hiểu biết thế nào mà đi xuất gia?

Tôn giả Hộ Quốc đáp lời vua:

–Đại vương nên biết, vì có bốn thứ pháp nên tôi mới cầu xuất gia. Những gì là bốn? Đó là già yếu, bệnh tật, ái dục và chết chóc. Con người luôn bị biến hoại không trường tồn nên gọi là già, bị bệnh khổ không thể điều trị được nên gọi là bệnh, không biết nhàm chán, biết đủ nên gọi là ái, phải bỏ lại tất cả các đối tượng nên gọi là chết. Bốn pháp như vậy, Đức Phật Thế Tôn của tôi đã khéo biết, khéo thấy, tôi cũng theo Đức Phật, đích thân thấy, đích thân nghe, chấp nhận những việc ấy là đúng nên phát đại tín tâm mà xuất gia.

Nhà vua nói:

–Tôn giả, vừa nói một cách tóm tắt nên tôi chưa lãnh hội kịp. Cúi mong Tôn giả hãy vì tôi giảng nói một cách rộng rãi để tôi được khai mở hiểu rõ.

Tôn giả Hộ Quốc nghe vua nói như thế, liền tâu:

–Này Đại vương, như vậy thật là hay, theo ý nguyện của Đại vương tôi sẽ giảng diễn.

Nhà vua hỏi:

–Này Tôn giả, vì biến hoại nhanh chóng nên già là nghĩa thế nào?

Tôn giả Hộ Quốc đáp:

–Này Đại vương, theo ý ngài thì thế nào? Như một người từ hai mươi, ba mươi cho đến lúc bốn mươi tuổi thì hình sắc, sức lực, cử động, tới lui của người ấy như thế nào?

Nhà vua nói:

–Này Tôn giả, lúc con người còn trẻ từ hai mươi đến bốn mươi tuổi, hình sắc sung mãn, sức lực cường tráng, mạnh khỏe, tới lui nhanh nhẹn, các việc làm của mình tự cho là không ai bằng. Đến lúc tuổi tác già nua, xế chiều thì không còn khả năng, hình sắc đã đổi khác, thân lực suy nhược, đi đứng chậm chạp.

Tôn giả Hộ Quốc nói:

–Như lời vua nói, đó chính là tướng già nua biến hoại ở thế gian. Đại vương nên biết, đó là pháp thứ nhất mà Đức Phật của tôi đã chỉ dạy. Lại nữa, Đức Phật Thế Tôn đã khéo biết rõ, khéo giảng nói pháp này, tôi đã lãnh hội chánh pháp ấy nên yêu thích, dốc lòng mong cầu, tín tâm xuất gia.

Nhà vua nói:

–Này Tôn giả Hộ Quốc, đối với điều này tôi cũng vui mừng vì gặp được chánh pháp, yêu thích, dốc lòng mong cầu.

Nhà vua lại hỏi:

–Thưa Tôn giả Hộ Quốc, thế nào là bị bệnh khổ không thể chữa trị gọi là tướng của bệnh?

Tôn giả Hộ Quốc đáp:

–Như người có tài sản của cải châu báu rất nhiều, thân thuộc đông đúc, ý của vua thế nào, người đó bị bệnh nằm liệt giường chịu lấy các thứ khổ não, thân thuộc và những người theo hầu giúp việc có thể thay thế sự khổ não cho người ấy được chăng?

Nhà vua nói:

–Không thể được! Này Tôn giả Hộ Quốc, nếu con người bị bệnh nằm liệt giường thì riêng người ấy phải thọ lãnh các sự khổ, không ai có thể thay thế, cũng không ai có thể cứu được.

Tôn giả Hộ Quốc nói:

–Như lời vua vừa nói, không ai có thể thay thế, không ai có thể cứu được, đó là tướng của bệnh. Đây là pháp thứ hai mà Đức Phật của tôi đã chỉ dạy. Vả lại, Đức Phật Thế Tôn đã khéo biết rõ, khéo giảng nói pháp này. Tôi đã lãnh hội chánh pháp ấy nên ưa thích, dốc lòng mong cầu, tín tâm xuất gia.

Nhà vua thưa:

–Này Tôn giả Hộ Quốc, đối với điều đó tôi cũng rất vui mừng vì gặp được chánh pháp, nên ưa thích dốc lòng mong cầu.

Nhà vua lại hỏi:

–Thưa Tôn giả, thế nào là không có nhàm chán, biết đủ, gọi là Ái?

Tôn giả Hộ Quốc đáp:

–Này Đại vương, ý của nhà vua thế nào? Vua là người thống lãnh một quốc gia, mọi thứ đất đai, thành ấp, thôn xóm, cho đến dân chúng sinh sống ở các miền trong nước đều dưới quyền cai trị của nhà vua. Vậy nhà vua là bậc giàu sang phú quý hơn người chăng?

Vua đáp:

–Này Tôn giả, đúng vậy, đúng như vậy!

Tôn giả lại nói:

–Này Đại vương, đại vương đã thống lĩnh đất đai, thôn xóm dân chúng trong nước, giàu sang như vậy, giả sử có người vượt qua biển đến thưa với Đại vương: “Tôi thấy nước kia có thành ấp rộng lớn, dân chúng đông đúc, vàng bạc, châu báu, các vật quý lạ cũng như voi, ngựa, quân binh hằng hà sa số”. Này Đại vương, khi nghe lời ấy, ý ngài thế nào?

Vua đáp:

–Này Tôn giả, khi tôi nghe như thế rồi, nếu không đích thân đến được thì tôi cũng sai tướng đến đánh chiếm nước ấy, chở tất cả các thứ châu báu, vật quý đem về chất đầy kho tàng của tôi.

Tôn giả Hộ Quốc nói:

–Này Đại vương, sự không nhàm chán biết đủ ấy gọi là Ái. Đó là pháp thứ ba mà Đức Phật đã giảng nói. Vả lại, Đức Phật Thế Tôn đã khéo biết rõ, giảng khéo nói pháp này. Tôi cũng do lãnh hội được chánh pháp ấy nên ưa thích, mong cầu, tín tâm xuất gia.

Nhà vua thưa:

–Này Tôn giả Hộ Quốc, đối với điều đó tôi cũng rất vui mừng vì gặp được chánh pháp, nên ưa thích, chí tâm mong cầu.

Nhà vua lại hỏi:

–Thưa Tôn giả, thế nào là rời bỏ đối tượng gọi là chết?

Tôn giả Hộ Quốc đáp:

–Này Đại vương, ý ngài thế nào? Như người giàu sang phú quý bậc nhất có nhiều vàng bạc châu báu, người ấy khi bỏ cõi này sanh về cõi khác, thì tất cả những châu báu ấy có thể mang theo được chăng?

Vua nói:

–Không thể được.

Tôn giả lại nói:

–Này Đại vương, đối với con người sống trong đời này mà phải bỏ lại các đối tượng thân yêu để sanh vào đời khác, gọi là chết. Đó là pháp thứ tư mà Đức Phật đã giảng nói. Đức Phật đã khéo hiểu rõ, khéo giảng nói pháp này. Tôi cũng do lãnh hội chánh pháp ấy nên ưa thích, mong cầu, tín tâm xuất gia.

Nhà vua nói:

–Thưa Tôn giả Hộ Quốc, đối với điều đó tôi cũng rất vui mừng vì gặp được chánh pháp, nên ưa thích, chí tâm mong cầu.

Bấy giờ Tôn giả Hộ Quốc lại nói với nhà vua:

–Đối với những ý nghĩa vừa nêu, tôi xin được lặp lại bằng kệ, vậy ngài hãy lắng nghe.

Nhà vua thưa:

–Rất tốt, tôi mong được nghe.

Tôn giả Hộ Quốc liền nói kệ:

Ta thấy người thế gian
Tham ái mà cất chứa
Vì của nên bị nạn
Càng tăng thêm các dục
Nhà vua chủ đất đai
Rộng lớn đến tận biển
Như vậy chưa biết đủ
Lại muốn chiếm nước người
Các chúng sanh thế gian
Do tham ái mà chết
Thương khóc thật não nùng
Than ôi chết nhanh quá!
Như người chứa của báu
Lại bị lửa đốt thiêu
Chúng sanh cũng theo nghiệp
Đã tạo phải thọ báo
Giàu có không sống mãi
Cũng không thoát già nua
Giàu nghèo đều phải chết
Già trẻ cũng vô thường
Bệnh đâu chừa kẻ mạnh
Cũng chẳng tránh trẻ già
Đều do lòng tham ái
Nên phải bị vô thường
Ví như người trộm cắp
Trở lại tự tổn hại
Thấy thế gian như vậy
Tự tạo các nhân ác
Như quả chín tự rụng
Già, trẻ chết cũng thế
Ý vui thích tạo nghiệp
Phải thọ báo khổ não
Lúc người ngu thế gian
Tạo nghiệp không tự biết
Hoặc sanh ở đời sau
Do yêu ghét bị khổ
Mạng chung trong bào thai
Ai có thể cứu được?
Giả sử, có thân bằng
Mạng chung ai cứu được?
Dục hủy hoại, trói buộc
Sanh khổ thêm sợ hãi
Thấy pháp huyễn thế gian
Cho nên tôi xuất gia.

Đại vương Câu lưu nghe Tôn giả Hộ Quốc nói kệ xong, thì hoan hỷ tin nhận, bèn thưa:

–Tôn giả Hộ Quốc là người tu tập đạt được giải thoát, cho nên nay tôi xin quy y với Tôn giả.

Tôn giả Hộ Quốc bảo:

–Đại vương chớ có quy y với tôi. Bậc mà tôi quy y là Phật Thế Tôn, Pháp, và Tăng chúng. Vua cũng nên quy y như thế.

Vua thưa:

–Đúng vậy, đúng vậy! Nay tôi xin quy y Phật, Pháp và Tăng chúng, suốt đời thọ trì giới Ưu-bàtắc.

Đại vương Câu-lưu phát lời nguyện xong, cung kính đảnh lễ Tôn giả Hộ Quốc rồi trở về cung.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]