TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 70 - PHẬT NÓI KINH SỐ

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Thích Pháp Cự.


Nghe như vầy:

Một thời Đức Bà-già-bà ở Đông viên, nơi giảng đường Lộc tử mẫu, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ Bà-la-môn toán số, sau bữa trưa thong dong tản bộ đi tới chỗ Đức Thế Tôn, đến nơi thì chào hỏi rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn bạch Đức Thế Tôn:

–Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, nếu Ngài cho phép tôi mới dám hỏi.

Đức Thế Tôn nói:

–Ông cứ hỏi, này Bà-la-môn, theo ý của ông thích.

Bà-la-môn Toán số thưa:

–Thưa Cù-đàm, giảng đường Lộc tử mẫu này được xây cất theo thứ lớp và thành tựu theo thứ lớp. Này Cù-đàm, cầu thang trong giảng đường ấy bắt đầu lên một bậc, như vậy rồi đến hai, ba, bốn bậc. Này Cù-đàm, như vậy giảng đường Lộc tử mẫu lần lượt theo thứ tự đi lên. Này Cù-đàm, người điều phục voi cũng lần lượt dạy dỗ và con voi cũng theo thứ tự được chỉ dạy. Nghĩa là tay cầm móc câu mà dạy. Này Cù-đàm, người cưỡi ngựa cũng theo thứ lớp dạy dỗ và (con ngựa theo) thứ lớp được chỉ dạy, nghĩa là do dây cương điều khiển. Này Cù-đàm, dòng Sát-lợi cũng lần lượt dạy dỗ và lần lượt học tập, nghĩa là cầm cung tên. Này Cù-đàm, dòng Bà-la-môn cũng theo thứ lớp dạy dỗ, thứ lớp học tập, nghĩa là học thơ ca, văn chương. Này Cù-đàm, chúng tôi học toán số, nhờ toán số mà mưu sinh. Nếu có đệ tử học toán số, đó là các trẻ em, bắt đầu được dạy từng con số một, rồi hai, rồi ba, rồi mười, một trăm, hoặc tăng lên thật nhiều. Như vậy, này Cù-đàm, chúng tôi học toán số, nhờ toán số để mưu sinh, theo thứ lớp dạy, theo thứ lớp học. Đó là học toán số. Sa-môn Cùđàm, đối với giới pháp của Ngài được dạy như thế nào, được học như thế nào để có thể biết được sự thành tựu?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Toán số Mục-kiền-liên, nếu nói như vậy là nói về tính chất thứ lớp chăng? Đó là thứ lớp truyền dạy, thứ lớp học tập, giữ giới, tu tập? Này Mục-kiền-liên, nếu nói như vậy là tính chất thứ lớp thì đó chính là giới pháp của Ta. Vì sao? Này Mục-kiền-liên, vì đối với giới pháp của Ta luôn có sự dạy bảo theo thứ lớp, hành giới theo thứ lớp, tu học theo thứ lớp. Này Mục-kiền-liên, đó là đối với Tỳ-kheo mới học đạo không lâu, đến với pháp luật này cũng chưa từng được nghe Như Lai giảng dạy.

Ta sẽ dạy: “Này Tỳ-kheo, với thân phải làm những việc trong sạch, miệng và ý phải làm những việc trong sạch”. Này Toán số Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo thân, miệng, ý đã thực hành những việc trong sạch, Đức Như Lai Bậc Điều Ngự Vô Thượng dạy thêm: “Này Tỳ-kheo, phải quán nội thân và quán hoạt động: đi, đứng của thân; cho đến quán các hành khởi, diệt của thống (thọ), ý (tâm) và pháp”.

Này Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo đã quán nội thân và thân hành đi, đứng… của thân cho đến quán các tư hành khởi, diệt của thống (thọ), ý (tâm) và pháp rồi, Đức Như Lai Bậc Điều Ngự Vô Thượng dạy thêm: “Này Tỳ-kheo, hãy phòng hộ các căn, tự giữ gìn ý niệm, đều tự hành tinh tấn. Nếu mắt thấy sắc, đừng chấp giữ tưởng về sắc, đừng chấp giữ tưởng khác. Nghĩa là do nhân duyên tăng thượng nên giữ gìn nhãn căn, tâm ý sẽ không bị sỉ nhục, tham đắm, lo lắng, không tạo pháp ác bất thiện; ở trong đó học hỏi giữ gìn nhãn căn. Cũng vậy, đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn, thân ý biết pháp, đừng chấp thọ tưởng, đừng chấp thọ tưởng khác. Do nhân duyên tăng thượng ấy nên ý căn không bị sỉ nhục, tham đắm và lo lắng, không có pháp bất thiện, không trụ trong ý, vị ấy ở trong đó học hỏi tự giữ gìn ý căn”.

Này Toán số Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo đầy đủ các căn, tự giữ gìn tâm ý, ý không nhiễm, giữ gìn ý, nên ý và niệm đều tinh tấn. Khi mắt thấy sắc cũng không chấp giữ tưởng, không chấp giữ tưởng khác. Do duyên tăng thượng ấy nên nhãn căn được đầy đủ, không bị sỉ nhục, tham vướng, lo lắng, không ở trong pháp ác bất thiện. Vị ấy đã học hỏi cách tự giữ gìn nhãn căn. Cũng vậy đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý biết pháp, cũng không chấp thọ tưởng, cho đến vị ấy đã ở trong đó học cách tự phòng hộ ý căn. Đức Như Lai, Bậc Điều Ngự Vô Thượng dạy tiếp: “Này Tỳ-kheo, hãy hành quán các lỗi lầm đã qua, hãy quán biết lúc co tay lúc duỗi tay, đắp y Tăng-già-lê, ôm bát; lúc đi, lúc đứng, lúc ngồi, hoặc ngủ hoặc thức, hoặc nói hoặc im, thảy đều biết rõ”.

Này Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo đối với các lỗi lầm đã qua, đã hành quán một cách thích hợp rồi thì Đức Như Lai, Bậc Điều Ngự Vô Thượng lại dạy thêm: “Này Tỳ-kheo, khi biết rõ về giường nằm rồi mới thọ dụng, hoặc ở nơi vắng vẻ, hoặc ở bên gốc cây, chỗ trống không vắng vẻ, ở trong núi, động đá, ngồi trên tòa cỏ giữa trời, giữa rừng, giữa vùng gò mả. Vị ấy hoặc ở nơi vắng vẻ, hãy trải Nisư-đàn, ngồi kiết già, chánh thân chánh nguyện, giữ vững niệm ở trước mặt, đoạn trừ tham lam ganh ghét, ý không sân hận; đừng thấy tài vật của người khác mà sanh lòng tham, nghĩa là mong vật của người khác trở thành của mình, hãy trừ sạch ý tham ấy. Cũng vậy, đối với sân hận, biếng trễ ưa ngủ nghỉ, hổ thẹn, trừ nghi, tham, lìa tà, lìa nghi, lìa các pháp do dự, hãy dứt sạch ý nghi. Người ấy đoạn trừ năm thứ che lấp, trói buộc, và ý tham đắm, cùng trí tuệ yếu kém, đã giải thoát dâm, cho đến an trụ nơi Tứ thiền”.

Như vậy, này Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo đã giải thoát dâm cho đến an trụ nơi tứ thiền, thì này Mụckiền-liên, Đức Như Lai đã vì khiến cho Tỳ-kheo mới tu học đạt được nhiều lợi ích, nghĩa là Ngài chỉ dạy việc học, chỉ dạy việc hành trì. Này Mụckiền-liên, nếu đối với các Tỳ-kheo tôn túc trưởng thượng mà các vua đều biết, không hề biếng trễ, luôn thực hành phạm hạnh, Đức Như Lai, Bậc Điều Ngự Vô Thượng dạy rằng: “Nên thành tựu rốt ráo, diệt sạch hữu lậu”.

Toán số Mục-kiền-liên thưa:

–Này Sa-môn Cù-đàm, đối với tất cả đệ tử mà Ngài đã chỉ dạy như vậy, phải học hỏi như vậy, tất cả đều đạt được cứu cánh, đạt được Niết-bàn chăng?

Đức Thế Tôn đáp:

–Này Mục-kiền-liên, không phải nhất định đều đạt được. Hoặc có người không đạt được, hoặc có người đạt được.

Toán số Mục-kiền-liên lại hỏi:

–Này Cù-đàm, do nhân gì duyên gì nói rằng có Niết-bàn, và cầu Niết-bàn? Sa-môn Cù-đàm hiện tại là Bậc Đạo sư. Vì sao có Tỳ-kheo được dạy dỗ như vậy, được học tập như vậy, mà có người đạt cứu cánh Niết-bàn, nhưng người khác thì không đạt?

Đức Thế Tôn nói:

–Do đó, này Mục-kiền-liên, nay Ta lại hỏi ông. Ông hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Mụckiền-liên, ý ông nghĩ sao? Ông có biết rõ con đường về La-duyệt-kỳ chăng?

Thưa rằng:

–Thưa vâng, Cù-đàm, tôi biết rõ con đường về La-duyệt-kỳ.

Đức Thế Tôn nói:

–Nếu có một người muốn đến La-duyệt-kỳ để xin yết kiến nhà vua, kẻ ấy đến chỗ của ông nói rằng: “Này Bà-la-môn Mục-kiền-liên, người biết rõ toán số, biết con đường đi đến La-duyệt-kỳ, tôi muốn hỏi đường đến La-duyệt-kỳ để xin vào yết kiến vua”. Ông sẽ nói với người ấy rằng: “Ngươi nên theo con đường chánh này mà đi, sẽ đến thôn kia, rồi từ thôn ấy đến chỗ kia. Lần lượt như thế sẽ đến thành La-duyệt-kỳ. Ở thành La-duyệt-kỳ có những khu vườn tươi đẹp, rừng cây xanh tốt, đất bằng phẳng, ao tắm xinh xắn, nước sông chảy dài mát lạnh, an ổn thích thú. Hãy biết như vậy, hãy thấy như vậy”. Người ấy, sau khi nghe người chỉ dẫn tường tận rồi, theo lời chỉ dẫn đó, theo con đường kia đi thẳng, kẻ ấy đi thẳng rồi lại đi theo một con đường trái ngược. Cho nên đối với những khu vườn xinh đẹp cho đến sự an ổn vui thích của thành La-duyệt-kỳ, kẻ ấy cũng chẳng biết, kẻ ấy cũng chẳng thấy.

Lại có người khác có việc muốn đến La-duyệtkỳ để yết kiến vua. Kẻ ấy đến chỗ ông hỏi rằng: “Này Bà-la-môn Mục-kiền-liên, ông biết rõ toán số, hãy chỉ cho tôi con đường đến La-duyệt-kỳ, tôi muốn đến La-duyệt-kỳ, xin ông chỉ đường cho tôi”. Ông sẽ nói rằng: “Ngươi theo con đường thẳng này mà đến, đi thẳng đến một thôn, đến thôn ấy rồi đi tới chỗ đó”. Người kia theo thứ lớp như vậy đến được La-duyệt-kỳ. Ở La-duyệt-kỳ có vườn cây xinh đẹp cho đến được an ổn vui thích. Người ấy biết như vậy, thấy như vậy.

Này Mục-kiền-liên, do nhân gì duyên gì trong khi có thành La-duyệt-kỳ, có con đường đi đến thành La-duyệt-kỳ, và có ông là người chỉ đường, nhưng người thứ nhất nghe lời người chỉ dẫn, lại không làm đúng, theo con đường lầm lạc rồi trở lui? Cho nên những khu vườn, đất bằng phẳng cho đến được an ổn vui thích ở La-duyệt-kỳ, tất cả cảnh vật kia người ấy đều không biết, không thấy gì cả. Còn người thứ hai nghe theo lời dạy, vâng theo sự hướng dẫn, đi đúng đường, lần lượt đi đến thành La-duyệt-kỳ. Cho nên các cảnh vật ở Laduyệt-kỳ, khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng... cho đến được an ổn vui thích, người ấy biết hết và thấy hết.

Toán số Mục-kiền-liên đáp:

–Này Cù-đàm, tôi làm sao biết được! Có thành La-duyệt-kỳ đó, có con đường dẫn đến thành Laduyệt-kỳ. Tôi ở tại chỗ chỉ dạy. Người thứ nhất không làm theo sự chỉ dẫn của tôi, theo con đường lầm lạc để lui trở lại và những gì ở La-duyệt-kỳ như vườn đẹp, đất bằng, cho đến... được an ổn vui thích, người ấy đều không thấy, không biết. Còn người thứ hai kia nghe theo lời chỉ dẫn của tôi, đi đúng con đường ấy, lần lượt đến được La-duyệtkỳ. Những gì ở La-duyệt-kỳ như vườn đẹp, đất bằng..., cho đến sự an ổn vui thích người ấy đều biết, người ấy đều thấy cả.

Đức Thế Tôn nói:

–Cũng vậy, này Mục-kiền-liên, Ta cũng làm sao biết được, có Niết-bàn đó, có con đường dẫn tới Niết-bàn đó. Ta chỉ là Đạo sư. Hoặc có Tỳ-kheo làm theo sự chỉ dẫn như vậy, theo đúng giáo pháp, nên đạt được cứu cánh là Niết-bàn. Hoặc có Tỳ-kheo không làm đúng như vậy, nên không đạt được như vậy. Này Mục-kiền-liên, đó là Tỳ-kheo kia đối với chỉ dạy trao truyền thọ ấy, ở trong chúng của Thế Tôn được thọ ký, nghĩa là người ấy đạt được cứu cánh, dứt sạch hữu lậu.

Toán số Mục-kiền-liên thưa:

–Thưa Cù-đàm, tôi đã hiểu! Bạch Cù-đàm, tôi đã hiểu! Thưa Cù-đàm, cũng như trên mảnh đất tốt có khu rừng Sa-la, trong đó có người giữ rừng cây Sa-la, siêng năng không lười biếng. Kẻ ấy tự dùng sức lực của mình, đối với gốc rễ cây Sa-la tùy theo thời mà cuốc xới, chăm sóc, bón phân, tưới nước. Nếu có chỗ thấp thì lấy đất lấp cho đầy, nếu bên cạnh có cỏ thì nhổ đi. Nếu ở bên cây có cỏ bò dài, thô xấu, cong queo không ngay thẳng, đều phòng ngừa, nhổ sạch. Nghĩa là người ấy vứt bỏ những cây cỏ mới mọc, tận lực chăm sóc những cây con, tùy thời tưới nước, bón phân cho cây, lấy nước tưới cây. Bạch Cù-đàm, như vậy trên mảnh đất tốt, rừng cây Sa-la về sau càng sum suê to lớn. Bạch Cù-đàm, cũng vậy, có người dua nịnh dối trá làm điều hư huyễn, bất tín, biếng trễ, tâm ý loạn động, trí tuệ kém xấu, các căn không ổn định, trì giới lơ là, không nỗ lực phân biệt hạnh Sa-môn. Sa-môn Cù-đàm đối với những kẻ ấy không thể ở chung, không thể sống chung. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, những người như vậy là phá hoại phạm hạnh. Bạch Cù-đàm, nếu có người không dua nịnh, cũng không có ý tà, tin tưởng hành trì, tinh tấn, ý thường trụ nơi định, trí tuệ, thuận kính giới pháp, phân biệt rõ ràng hạnh Sa-môn. Bạch Sa-môn Cù-đàm, Bậc Vô Sở Trước có thể ở chung với những người ấy. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, những người như vậy, đối với bậc Phạm hạnh, họ đã là ứng hợp với pháp thanh tịnh. Bạch Cù-đàm, cũng như trong các loại hương bằng lõi cây, Ca-la (trầm hương) là bậc nhất. Vì sao vậy? Thưa Cù-đàm, vì trầm hương đối với các loại hương bằng lõi cây, nó là tối thượng. Bạch Cù-đàm, cũng giống như trong các loại hương Sa-la thì Xích chiên-đàn là tối thượng. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trong các loại hương Sa-la thì Xích chiên-đàn là bậc nhất. Bạch Cù-đàm, cũng như các loại hoa sống dưới nước thì hoa sen xanh là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trong các thứ hoa sống ở nước thì hoa sen xanh là đứng đầu. Bạch Cù-đàm, cũng như trong các thứ hoa trên mặt đất thì hoa Câumâu-ni-bà-lợi-sư là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trong các loại hoa trên mặt đất thì hoa Bà-lợi-sư là đứng đầu. Bạch Cù-đàm, cũng như giữa các luận thuyết nơi thế gian, luận thuyết của Sa-môn Cù-đàm là bậc nhất. Vì sao vậy? Vì luận thuyết của Sa-môn Cù-đàm có thể gồm thâu tất cả học thuyết khác của ngoại đạo. Bạch Thế Tôn, vì vậy nên nay con tự quy y Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Bạch Thế Tôn, nay con xin thọ trì giới Ưu-bà-tắc. Kể từ hôm nay cho đến lúc mạng chung, con xa lìa sự sát sanh... nay con xin quy y Phật.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, Toán số Bàla-môn Mục-kiền-liên nghe Đức Phật dạy xong, vui mừng hoan hỷ.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]