TẠNG KINH
SỐ 71 - PHẬT NÓI KINH PHẠM CHÍ ÁT-BA-LA-DIÊN VẤN CHỦNG TÔN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Sa-môn Trúc Đàm Vô Lan
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo.
Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có năm trăm người Bà-la-môn, những người này cùng nhau ra khỏi thành, cùng đến ngôi nhà tranh của họ ở ngoài đồng, quây quần ngồi xuống rồi bàn luận:
–Lúc con người có mặt đầu tiên trên quả đất này thì dòng Bà-la-môn của chúng ta là thứ nhất, dòng Sát-lợi là thứ hai, dòng Điền gia là thứ ba, dòng Công sư là thứ tư. Dòng dõi của chúng ta là cao quý nhất. Những người được tạo ra đầu tiên ở quả đất này đều là dòng dõi của chúng ta. Dòng Bà-la-môn lúc mới sanh, là sanh ra từ miệng của đấng Phạm thiên, con người đời thì ngược lại, sanh ra từ phía dưới. Như vậy ở trong thiên hạ, dòng dõi chúng ta là tôn quý hơn hết. Dòng dõi chúng ta đều là con cháu của Phạm thiên nơi cõi trời thứ bảy. Nhưng Đức Phật thì nói ngược lại, là thiên hạ chỉ có một chủng loại. Đức Phật cho rằng dòng dõi của chúng ta cùng với các dòng Sát-lợi, Điền gia, Công sư đều bình đẳng. Dòng dõi của chúng ta khi chết đều được sanh lên Phạm thiên. Ngược lại thì Đức Phật cho dòng dõi của chúng ta cùng với người phàm giống nhau.
Họ cùng bàn tiếp:
–Ai có thể cùng với Đức Phật biện giải, tranh luận, phân biệt về các chủng loại ấy?
Bấy giờ có một người con của gia đình Bà-lamôn, tuổi mới mười lăm, mười sáu, tên là Át-Ba-la-diên Đại thánh, biết rõ các việc về nghề nghiệp, kỹ thuật, sách vở, phương hướng đi đến. Trong số năm trăm Bà-la-môn này không ai có thể sánh bằng, họ đều tôn kính chàng như bậc thầy. Vị ấy có thể giảng nói kinh, biết việc trong thiên hạ. Thân sắc của Át-ba-la-diên Đại thánh có tướng kỳ lạ.
Các Bà-la-môn cùng nói:
–Chỉ Át-ba-la-diên mới có thể đàm luận cùng Đức Phật được. Chúng ta thì không thể cùng đàm luận với Đức Phật.
Năm trăm người Bà-la-môn cùng bảo Át-Ba-la-diên:
–Đức Phật cho rằng người trong thiên hạ chỉ có một chủng tánh. Dòng họ của chúng ta cùng với Sát-lợi, Điền gia, Công sư là khác nhau. Dòng họ của chúng ta từ Phạm thiên mà có, sanh từ miệng Phạm thiên, còn người trong thế gian này lại sanh ra từ các phía dưới. Đức Phật nói: “Thiên hạ có bốn chủng tánh, bốn chủng tánh này đều tốt như nhau”. Mong Át-ba-la-diên tự gắng sức cùng đi với chúng tôi đến chỗ Đức Phật để cùng biện luận. Át-ba-la-diên nói:
–Đức Phật là người nắm giữ chánh đạo, có thể trả lời đúng theo chánh đạo. Như muốn đem chủng tánh Bà-la-môn đến để hỏi thì được, chớ không ai có thể bàn chánh đạo với Ngài được.
Năm trăm Bà-la-môn đều nói:
–Chúng ta tôn thờ Át-ba-la-diên làm thầy, sao lại không đến biện luận với Đức Phật về bốn chủng tánh này?
Họ nói với nhau như vậy đến hai, ba lần nên Át-ba-la-diên liền đứng dậy, cùng năm trăm Bàla-môn đi đến rừng cây Kỳ-đà, nơi Đức Phật đang ngụ. Tôn giả A-nan bạch Đức Phật:
–Có người con của Bà-la-môn tên là Át-ba-ladiên, tuổi mới mười lăm, mười sáu, cùng đi với năm trăm Bà-la-môn lớn tuổi đến đây, đang ở bên ngoài.
Đức Phật bảo:
–Hãy mời vào.
Tôn giả A-nan đi ra mời Át-ba-la-diên vào. Átba-la-diên cùng năm trăm Bà-la-môn đồng đứng, không đảnh lễ Đức Phật, tự nói:
–Tôi có chút việc muốn hỏi Đức Phật.
Đức Phật bảo:
–Hãy ngồi xuống.
Át-ba-la-diên bạch Đức Phật:
–Tôi có điều muốn hỏi, Ngài có cho phép chăng?
Đức Phật nói:
–Nếu có điều gì nghi thì cứ hỏi.
Át-ba-la-diên thưa:
–Các Phạm chí nói: “Dòng tộc của chúng tôi khác với các dòng tộc Sát-lợi, Điền gia, Công sư, rằng: “Dòng tộc chúng tôi là con cháu của Phạm thiên. Tiên tổ của chúng tôi lúc sơ sinh đều sanh ra từ miệng của Phạm thiên, khi chết đều sanh lên cõi trời”.
Đức Phật nói:
–Trong kinh của Ta không cho rằng các chủng loại khác nhau. Nếu như người Bà-la-môn lấy con gái của Sát-lợi, con gái của Sát-lợi sẽ sanh con. Người Sát-lợi lấy con gái của Điền gia, con gái của Điền gia sẽ sanh con. Người Điền gia lấy con gái của Công sư, con gái của Công sư sẽ sanh con. Người Công sư lấy con gái của Bà-la-môn, con gái của Bà-la-môn cũng sẽ sanh con.
Đức Phật nói:
–Trong kinh của Ta lấy hành động làm gốc. Nếu có hành động tốt đó là dòng dõi tối thượng.
Những người được thiên hạ tôn quý đều do hành động thiện mà ra, chứ không phải do dòng dõi. Trong vô số kiếp về trước, Ta cũng sanh làm con của người Bà-la-môn, cũng sanh làm con của người Sát-lợi, cũng sanh làm con của Điền gia, cũng sanh làm con của Công sư, cho đến làm con của vua. Nay thân Ta là Phật.
Đức Phật bảo Át-ba-la-diên:
–Ta hỏi ngươi một việc. Hãy như sự thật trả lời.
Đức Phật nói:
–Ngươi có thấy người nơi thế gian là con của nhà lành, lại đi ở cho người ta, và con của người ở trở lại làm chủ chăng?
Át-ba-la-diên bạch Đức Phật:
–Tôi nghe trong nước Nguyệt chi có điều này. Đức Phật nói:
–Vì lý do gì mà con của nhà lành trở lại đi ở, con người đi ở trở lại làm chủ? Đó là vì tâm, chí của kẻ nô tỳ làm điều thiện nên người ta cho làm con. Còn con mình mà phải làm nô tỳ là vì tâm chí nó làm điều ác, nên tự bán cho người khác để làm nô tỳ.
Át-ba-la-diên thưa:
–Nếu Ngài nói con người có chủng loại như vậy, thế thì dòng dõi của con người từ đâu sanh ra?
Đức Phật hỏi:
–Nếu bốn chủng tộc Bà-la-môn, Sát-lợi, Điền gia, và Công sư đều ưa sát sanh, ưa trộm cắp, ưa dâm dục, ưa nói hai lưỡi, ưa nói lời độc ác, ưa nói dối, ưa gièm pha, thích sống chung với người ngu si, thích sân hận, thích cúng tế... làm những hành vi như vậy, có đọa vào địa ngục không?
Át-ba-la-diên nói:
–Chủng tộc Bà-la-môn cho rằng dùng có làm điều ác nhưng chủng tộc của tôi là cao quý nhất, là con cháu được sanh ra từ miệng của Phạm thiên nên khi chết đều sẽ được sanh lên trời.
Đức Phật nói:
–Nếu người thuộc bốn chủng tộc Bà-la-môn, Sát-lợi, Điền gia, Công sư không có sát sanh, trộm cắp, dâm dục; không nói hai lưỡi, lời độc ác, lời dối trá, lời gièm pha; không thích sống chung với người ngu si, không thích sân hận, không thích cúng tế…, người như vậy sau khi chết há chẳng được sanh lên cõi trời?
Át-ba-la-diên nói:
–Những người như vậy đều được sanh lên cõi trời.
Đức Phật nói:
–Nếu nói vậy thì có liên quan gì đến chủng tánh?
Ngài nói tiếp:
–Loài người đều do tâm ý thức sanh ra. Nếu tâm ý thức làm điều tốt thì được sanh lên trời, sanh ở cõi người. Nếu tâm ý thức mà xấu thì sanh vào các loài trùng, thú, súc sanh, quỷ thần, địa ngục. Nếu có người dòng Bà-la-môn, Sát-lợi, Điền gia, Công sư làm điều ác thì đều phải sanh vào trong ba đường ác. Như vậy thì dòng dõi do đâu mà ra? Người dòng Bà-la-môn cũng có làm điều thiện, điều ác; người dòng Sát-đế-lợi cũng có làm điều thiện, điều ác; người dòng Điền gia cũng có làm điều thiện, điều ác; người dòng Công sư cũng có làm điều thiện, điều ác. Nếu các ông tự nói rằng có chủng tộc, vậy chủng tộc ở chỗ nào? Nếu người Bà-la-môn đem lòng oán ghét hư không, người Sát-lợi, Điền gia, Công sư cũng đem lòng oán ghét hư không, đâu có thể làm hư không bị tổn thương? Theo ý đó thì biết: chỉ có dòng Bà-la-môn tự ôm lòng kiêu ngạo cho mình là hơn hết nơi thế gian này mà thôi. Người Bà-la-môn, Sát-lợi, Điền gia, Công sư vào trong khe nước lớn để tắm, ai cũng có thể tắm sạch các cáu bẩn ở trong nước, vậy ai có thể phân biệt được đâu là cấu uế của Bà-lamôn, đâu là cấu uế của Sát-lợi, cấu uế của Điền gia, cấu uế của Công sư?
Át-ba-la-diên thưa:
–Cấu uế đều ở chung ở trong khe nước lớn.
Đức Phật nói:
–Nên biết cấu uế ở chỗ nào. Vì sao các ông hoàn toàn không biết cấu uế của con người mà trở lại nói: “Chủng tánh của ta vốn ở trên trời, sanh ra từ miệng Phạm thiên, còn những chủng tánh khác đều sanh ra ở dưới, dòng dõi của chúng ta là tôn quý nhất trong loài người”.
Đức Phật bảo Át-ba-la-diên:
–Nếu có vị Quốc vương nghe nói nước nào, quận nào, huyện nào, làng xóm nào có Bà-la-môn và con của Bà-la-môn cao minh, có Sát-lợi và con của Sát-lợi cao minh, có Điền gia và con của Điền gia cao minh, có Công sư và con của Công sư cao minh, nhà vua liền triệu tất cả về để làm quan giúp vua, nhà vua có hỏi chủng tánh của người ấy không? Nếu người có tài cao sáng suốt thì nhà vua liền cấp cho đất đai nơi quận, huyện thích hợp. Sao vua lại không hỏi chủng tánh của kẻ ấy? Nếu ngươi nói có chủng tánh thì này Át-ba-la-diên, lấy giới pháp ở chỗ nào? Từ các trưởng lão cho đến các bậc ngồi trên các trưởng lão gồm năm trăm người, sao ngươi lại không tra hỏi đâu là chủng loại? Đâu là thầy? Nếu có chủng tộc Bà-la-môn, Sát-lợi, Điền gia, Công sư và các chủng tánh khác, khi lạnh thì đều đến bên đống lửa lớn, lửa nóng đâu có sưởi ấm dành cho một chủng tộc nào, hơi ấm đều bình đẳng với mọi chủng tộc. Nếu có một chiếc thuyền lớn đi trên nước, người Bà-la-môn, Sát-lợi, Điền gia, hay Công sư đều ở trên thuyền, thuyền đâu có riêng chở cho người Bà-la-môn, cũng đâu có riêng chở các chủng tộc khác?
Đức Phật bảo Át-ba-la-diên:
–Con của người Bà-la-môn, Sát-lợi, Điền gia, Công sư và con của các chủng tánh khác, thảy đều phải ở trong bào thai mẹ mười tháng, có thêm có bớt không?
Át-ba-la-diên thưa:
–Tất cả đều phải ở trong bào thai mẹ mười tháng, không thêm không bớt.
Đức Phật nói:
–Tại sao các ngươi lại cho rằng dòng dõi của mình là con cháu của Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên? Mặt trời, mặt trăng đối với dòng Bàla-môn, Sát-lợi, Điền gia, Công sư cũng như các chủng tộc khác, sao lại không riêng chiếu cho một chủng tộc nào? Sao lại chiếu hết cho các chủng tộc?
Át-ba-la-diên thưa:
–Chủng tộc của tôi tự cho rằng dòng tộc mình hơn hẳn các chủng tộc khác.
Đức Phật bảo:
–Này Át-ba-la-diên, nếu con lừa cha lấy ngựa mẹ, sanh con thì gọi là gì?
Át-ba-la-diên thưa:
–Gọi nó là la.
Đức Phật bảo:
–Cha cũng không gọi là la, mẹ nó cũng không gọi là la, vậy sao gọi nó là la?
Át-ba-la-diên nói:
–Bởi vì tiên tổ chúng tôi gọi nó là la, nên chúng tôi cũng gọi là la.
Đức Phật hỏi:
–Nếu con ngựa là cha, lấy con lừa là mẹ, sanh con sao gọi nó là cự lư? Cha nó không có tên là cự lư, mẹ nó cũng không có tên cự lư, tại sao biết nó là cự lư?
Đáp:
–Vì tiên tổ chúng tôi gọi nó là cự lư, nên chúng tôi cũng gọi là cự lư.
Đức Phật hỏi:
–Nếu người Bà-la-môn lấy vợ là con gái của dòng Sát-lợi, người con gái của dòng Sát-lợi lúc sanh con, gọi đứa trẻ là gì? Nên gọi nó là dòng dõi Bà-la-môn hay Sát-lợi?
Át-ba-la-diên thưa:
–Con chẳng biết thuộc về chủng tộc nào?
Đức Phật nói:
–Nếu không tự biết chủng loại, sao gọi nó là la, là cự lư? Nếu người nữ là Sát-lợi lấy chồng là Bà-la-môn, sanh con, khi đã sanh vào nhà này, tùy theo sự tế tự, tùy theo chủng tánh, đứa bé ấy về sau thành bậc cao minh, các ngươi có thừa nhận nơi chốn sanh ra ấy chăng?
Thưa:
–Chúng tôi thừa nhận.
–Nếu người Bà-la-môn lấy vợ là Điền gia, người nữ Điền gia sanh con, nhưng đứa con ấy có tâm sát sanh, trộm cắp, dâm dật, nói hai lưỡi, nói lời ác độc, nói dối, gièm pha, thích theo người ngu si, sân hận, có tâm cúng tế. Người có những hành vi ấy, các ngươi có thuận theo với người ấy chăng? Thưa:
–Chúng tôi không thuận theo với đứa con có tâm ý thức làm những việc ác ấy. Chúng tôi sẽ trục xuất kẻ đó ra khỏi dòng họ chúng tôi.
Đức Phật nói:
–Nếu các ngươi tự cho: Chúng ta là con cháu của Phạm thiên, sanh ra từ miệng của Phạm thiên, khi chết được sanh lên trời, sao các ngươi chỉ chú trọng về tâm ý thức của kẻ ấy làm ác liền trục xuất họ ra ngoài? Thế sao các ngươi lại nói chủng tánh? Đức Phật nói:
–Nếu trong dòng Bà-la-môn có kẻ ăn ở bất hiếu với cha mẹ, thích sát sanh, trộm cướp, làm mười điều ác, lúc chết người ấy sẽ đi về đâu?
Át-ba-la-diên nói:
–Người mà tâm ý thức làm những việc như vậy, lúc chết phải đi vào địa ngục.
Đức Phật nói:
–Nếu ngươi bảo: “Dòng họ của ta vốn từ Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên, là tối tôn trong loài người”, sao lại đi vào trong địa ngục được?
Đức Phật nói:
–Con người trong thiên hạ không có chủng loại, không có cố định. Bậc cao minh nhờ tâm ý chí thiện, làm điều tốt đẹp, đó là bậc tôn quý. Còn tâm ý của người làm điều ác, đó là kẻ hạ tiện.
Át-ba-la-diên tự suy nghĩ: “Ta vốn không muốn đến đây, do mọi người đều bảo ta đến”. Rồi tự tư duy: “Ý của ta không muốn tranh luận với Đức Phật. Ta đã từng nói rằng Đức Phật là Bậc Chánh Đạo”.
Đức Phật nói:
–Lúc trước ngươi nói con người phải có với chủng loại tốt, nay trở lại theo Ta nói tâm ý chí tốt.
Át-ba-la-diên tự suy nghĩ: “Lời của Đức Phật ngăn chặn ta cả trước và sau”.
Đức Phật bảo:
–Này Át-ba-la-diên, vào kiếp quá khứ có bảy Bà-la-môn đều có đạo hạnh, ngày ngày cúng tế trời. Bảy Bà-la-môn này cũng nói: “Ta là con cháu của Phạm thiên, chúng ta cũng sanh từ miệng Phạm thiên, còn kẻ phàm nhân thì sanh từ các phần dưới. Chủng tộc của ta lúc chết được sanh lên trời”.
Đức Phật nói:
–Lúc đó Ta cũng là đạo nhân tên A-hức. Mọi người đều nói: Đạo của ta là Thiên đạo. Lúc ấy Ta thấy bảy Bà-la-môn đều đứng trước đền thờ ngọn lửa. Các Bà-la-môn đều nói: “Chúng ta lúc chết sẽ rực sáng như ngọn lửa này ở trên trời”.
Đức Phật nói:
–Bấy giờ Ta tính xem thử những người này làm gì nên tự biến đổi thân thể, tay cầm lá cờ có chuôi lông bằng vàng ròng, thân mặc đồ trắng, đi theo người trên chiếc xe giả, đến chỗ bảy Bà-lamôn ấy. Khi đó bảy Bà-la-môn đang đi kinh hành, và cả nhóm trông thấy, liền hỏi Ta: “Người hành đạo Bà-la-môn từ đâu đến đây?”. Bảy Bà-la-môn nói: “Nếu Ngài là Thiên đạo, xin hãy nói tóm lược cho chúng tôi: sao lại mặc y đẹp, cưỡi xe, tay cầm cờ vàng rực rỡ. Ngài từ đâu sanh ra và muốn đi về đâu? Từ đâu đến? Và sao lại đến chỗ này?”.
Lúc ấy Ta làm thinh không trả lời. Họ thấy Ta không nói, nên tất cả đều nổi giận, liền dùng thần chú đối với Ta, muốn khiến cho Ta chết đứng. Họ dùng thần chú đối với Ta mà sắc mặt của Ta lại càng đẹp. Họ lại đọc chú, sắc mặt của ta lại càng thêm đẹp. Bảy Bà-la-môn ấy hết sức kinh hãi, nói rằng:
–Những người bị chúng ta đọc chú đều chết cả, nhưng nay chúng ta đọc chú thì người này sắc mặt lại càng đẹp hơn.
Lúc ấy, họ lại gọi “A-hức”, tự nghĩ rằng:
“Ngươi muốn về đường nào?” A-hức liền đáp:
–Đạo tâm của tôi hơn tất cả. Tại sao các người nổi giận? Vậy các người có nghe A-hức nói về Thiên đạo chăng?
Họ nói:
–Chúng tôi không nghe.
A-hức nói:
–Này Hiền giả, bậc Đạo nhân gặp nhau, cùng nhau thăm hỏi, sao lại tức giận?
A-hức bảo:
–Ta nghe các Phạm chí nói: các Bà-la-môn trong thiên hạ là con cháu của Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên, độc tôn trong loài người. Do vậy nên Ta đến hỏi các người: Nếu đốt lửa này để cúng trời, nếu thờ trời là đúng như pháp thì các người được vị thầy nào truyền dạy? Hay là điều ấy chẳng phải do tổ tiên nói?
Bảy Bà-la-môn nói:
–Tổ tiên chúng tôi làm, nên chúng tôi bắt chước.
Đạo nhân A-hức nói:
–Vậy tổ mẫu của các người là con gái của Bàla-môn, hay con gái của dòng họ khác?
–Chúng tôi không biết tổ mẫu của chúng tôi là con gái của Sát-lợi, con gái của Điền gia hay con gái của Công sư. Chúng tôi không biết tiên tổ mẫu của chúng tôi có phải do người Bà-la-môn sanh ra hay không, hoặc các vị ấy yêu thương người khác sanh ra chủng loại chúng tôi.
A-hức nói:
–Nếu đã không biết tổ tiên, sao lại nói tổ tiên các người từ Phạm thiên sanh? Tâm lý của người nữ không có gì bảo đảm. Nếu các người biết được người thế gian, vậy vợ chồng giao hợp làm sao để sanh con?
Họ đều nói:
–Chúng tôi không biết.
–Nếu các người đã không biết tổ tiên, cũng không biết con người từ đâu sanh ra, vậy sao lại giận dữ với Ta? Phàm con người gặp nhau, trước hết phải hỏi thăm để biết cao thấp, phải biết ý chí của con người ấy rồi mới tức giận, tại sao trước tiên lại giận? Nên biết con người lúc mới nhập vào thai mẹ, nếu không phải do lòng tham dâm của người cha, thì cũng do tâm ái dục của người mẹ mới sanh ra con. Hội đủ ba điều kiện ấy mới thành con. Đã làm con, ai khiến cho thân trung ấm gặp cha mẹ để thành con? Đứa con ở trong ấy hoặc đời trước làm ác thì nay ở trong bụng mẹ hoặc bị mù, hoặc bị điếc, hoặc bị ngọng, hoặc bị gù, hoặc bị kiễng chân, hoặc thành kẻ hư ác mà cha mẹ đều không biết rõ. Cha mẹ mang con ở trong bụng mà còn không biết được con mình là đẹp hay xấu, thì các ngươi làm sao biết được tiên tổ các ngươi là con cháu của Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên và độc tôn trong loài người?
Đức Phật bảo Át-ba-la-diên:
–Ở đời trước, bảy Bà-la-môn ấy có thể dùng chú thuật giết người. Lúc đó Ta không chấp nhận lời họ nói và sách họ chép. Nay Ta đã thành Phật, họ lại đến nói với Ta: họ là con cháu Phạm thiên, sanh ra từ miệng của Phạm thiên, độc tôn trong loài người.
Đức Phật bảo Át-ba-la-diên:
–Hãy suy nghĩ điều Ta nói: Thiên hạ sanh con nuôi lớn nhờ cha mẹ, thành người là nhờ thầy.
Bà-la-môn Át-ba-la-diên cùng năm trăm Bàla-môn và các Bà-la-môn khác cùng suy nghĩ.
Đức Phật nói:
–Thời trước Ta còn làm thầy của bảy Bà-lamôn. Bảy Bà-la-môn này là người đạo đức và có thể dùng chú thuật giết người. Nay Ta phải phân biệt nói ra. Con người có chủng loại, một thành ra trăm, trăm thành ra ngàn, ngàn thành ra vạn, vạn cũng là một.
Át-ba-la-diên cùng các Bà-la-môn đồng đến phía trước, đầu mặt lạy nơi chân Đức Phật, nói:
–Chúng con không rõ một thành trăm, trăm thành ngàn, ngàn thành vạn, vạn cũng từ một là ý nghĩa gì?
Đức Phật nói:
–Đó là người thế gian tham đắm sanh tử rất nhiều. Một người sanh con cháu, sau đó phân ra thành một trăm nhà, trăm nhà cầu đạo thì chỉ một đạo. Sao gọi là một đạo? Đó là đạo vô vi giải thoát. Như vậy là một thành ngàn, ngàn thành vạn.
Át-ba-la-diên đến phía trước Đức Phật, quỳ xuống thưa:
–Xin Ngài hãy thương xót chúng con như Ngài thương các Sa-môn, đừng có tâm tức giận đối với chúng con. Chúng con xin trở về sẽ cùng nhau tự phản tỉnh.
Đức Phật nói:
–Lành thay!
–Sáng mai chúng con nguyện tịnh tâm.
Tất cả đều đứng dậy đầu mặt lạy nơi chân Đức Phật rồi đi ra.