TẠNG KINH
SỐ 73 - PHẬT NÓI KINH TU-ĐẠT
Hán dịch: Đời Tiêu Tề, Đại sư Cầu-na-tỳ-địa, người Thiên trúc.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Bà-già-bà ở tại khu lâm viên Kỳđà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, cư sĩ Tu-đạt đi đến chỗ Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ nơi chân Đức Thế Tôn xong, ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn hỏi:
–Này Cư sĩ, gia đình Cư sĩ có thực hành hạnh bố thí chăng?
Cư sĩ trả lời:
–Dạ có, bạch Thế Tôn, gia đình con có bố thí nhưng chỉ bố thí những thứ thô xấu, không phải thứ quý giá, như cơm gạo hẩm, canh rau nấu với một ít gừng.
Đức Thế Tôn bảo:
–Này Cư sĩ, dù bố thí những thứ thô xấu hay bố thí những thứ mỹ diệu, cả hai đều có quả báo. Nhưng này Cư sĩ, nếu bố thí những thức ăn thô xấu, kẻ ấy không có lòng tin mà bố thí, bố thí không đúng lúc, không tự tay bố thí, không tự mình đến để bố thí, không biết, không có tín tâm, cũng không biết có quả báo mà bố thí, thì nên biết rằng sẽ thọ quả báo đúng như thế, ý không muốn có được phòng xá tốt đẹp, cũng không muốn có được áo quần tốt đẹp, cũng không muốn có được đồ ăn uống ngon lành, cũng không muốn có được đầy đủ công năng tốt đẹp của năm dục. Vì sao? Người cư sĩ này vì không chí tâm bố thí nên có quả báo như vậy. Này Cư sĩ đó là người không chí tâm bố thí.
Này Cư sĩ, người thực hành bố thí có tín tâm, tùy thời bố thí, tự tay bố thí, đi đến để bố thí, có hiểu biết, có tín tâm, biết có nhân duyên quả báo mới hành bố thí. Nên biết người ấy có quả báo như vầy: Ý muốn gia đình tốt đẹp, nghiệp báo cực tốt, đồ dùng cực đẹp, áo quần cực đẹp, muốn đồ ăn, thức uống ngon lành, muốn được đầy đủ công năng tốt đẹp của năm dục. Vì sao? Cư sĩ nên biết, kẻ ấy chí tâm bố thí.
Này Cư sĩ, nếu bố thí những thứ mỹ diệu nhưng không có tín tâm bố thí, không tùy thời bố thí, không tự tay bố thí, không đến để bố thí, cũng không biết, không tin, cũng không biết có nhân duyên hành quả báo mà thực hành bố thí, nên biết kẻ ấy sẽ thọ báo đúng như thế, ý cũng không muốn đạt được gia nghiệp tốt đẹp, cũng không muốn có được y phục tốt đẹp, cũng không muốn có được đồ ăn ngon lành, cũng không muốn có đầy đủ công năng tốt đẹp của năm dục. Vì sao? Này Cư sĩ, vì không hết lòng bố thí.
Này Cư sĩ, nếu bố thí những thứ mỹ diệu, có tín tâm, ưa thích bố thí, tùy thời thí, tự tay bố thí, tự mình đến để bố thí, có hiểu biết, có tín tâm, biết có hạnh quả báo mà hành bố thí. Nên biết kẻ ấy sẽ được quả báo đúng như vậy. Đó là tâm muốn được gia nghiệp tốt đẹp, cho đến muốn có đồ ăn, thức uống, công năng tốt đẹp của năm dục. Vì sao? Này Cư sĩ, vì kẻ ấy tùy thời bố thí nên có quả báo ấy. Vì sao? Này Cư sĩ, thuở xưa vào đời quá khứ, có một Bà-la-môn tên là Tỳ-lam, rất giàu có, của cải vô lượng, vị ấy đã làm một cuộc bố thí lớn như vầy: lấy tám vạn bốn ngàn bát bằng vàng đựng đầy bạc vụn; vị ấy thực hành đại bố thí như vầy: lấy tám vạn bốn ngàn bát bằng bạc đựng đầy vàng vụn; vị ấy thực hành đại bố thí như vầy: lấy tám vạn bốn ngàn thớt voi được trang sức đầy đủ, voi trắng như tuyết; vị ấy thực hành đại bố thí như vầy: lấy tám vạn bốn ngàn con ngựa được trang sức đầy đủ dây vàng xâu ngọc, vị ấy thực hành đại bố thí như sau: lấy tám vạn bốn ngàn con bò, lấy vải làm dây thừng, bò thường cung cấp một hộc sữa, vị ấy thực hành đại bố thí như vầy: dùng tám vạn bốn ngàn ngọc nữ đoan chánh, đẹp đẽ, trang sức đầy đủ châu báu, vị ấy thực hành đại bố thí như vầy: ngoài ra còn có thức ăn mỹ vị nhiều vô số kể.
Đó là, này Cư sĩ, vị Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳ-lam ấy đã thực hành đại bố thí như vậy: bố thí cho người phàm phu ở cõi Diêm-phù-đề, nhưng phước đức ấy không bằng cúng thí cho một vị tiên nhân.
Này Cư sĩ, tuy Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳlam ấy đã thực hành đại bố thí như vậy: thí cho tiên nhân ở cõi Diêm-phù-đề này, nhưng không bằng phước đức cúng thí cho một vị Tu-đà-hoàn.
Này Cư sĩ, tuy Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳlam ấy cúng thí cho người phàm phu, tiên nhân và một trăm vị Tu-đà-hoàn cõi Diêm-phù-đề, nhưng không bằng phước đức cúng thí cho một vị Tư-đàhàm.
Này Cư sĩ, tuy Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳlam ấy đã thực hành đại bố thí như vậy, thí cho người phàm, tiên nhân, một trăm vị Tu-đà-hoàn và một trăm vị Tư-đà-hàm ở cõi Diêm-phù-đề nhưng không bằng phước đức cúng dường cho một vị Ana-hàm.
Này Cư sĩ, tuy Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳlam ấy đã thực hành đại bố thí như vậy, thí cho người phàm,... một trăm vị A-na-hàm ở cõi Diêmphù-đề nhưng không bằng phước đức cúng dường cho một vị A-la-hán.
Này Cư sĩ, tuy Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳlam ấy đã thực hành đại bố thí như vậy, thí cho người phàm,... một trăm vị A-la-hán ở cõi Diêmphù-đề nhưng không bằng phước đức cúng dường cho một vị Bích-chi-phật.
Này Cư sĩ, tuy Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳlam ấy đã thực hành đại bố thí như vậy, thí cho người phàm,... một trăm vị Bích-chi-phật ở cõi Diêm-phù-đề nhưng không bằng phước đức cúng dường cho Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, phước đức này là vô lượng.
Này Cư sĩ, tuy Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳlam ấy đã thực hành đại bố thí như vậy, bố thí cho người phàm phu,... một trăm vị Bích-chi-phật ở cõi Diêm-phù-đề nhưng không bằng việc tạo lập phòng xá để cúng dường cho bốn phương Tăng, phước đức này nhiều hơn.
Này Cư sĩ, tuy Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳlam ấy đã thực hành đại bố thí như vậy, bố thí cho người phàm phu, cho đến... tạo lập phòng xá để cúng dường cho bốn phương Tăng ở cõi Diêmphù-đề cũng không bằng đem tâm ý thanh tịnh thọ Tam tự quy: Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng giữ giới, phước đức này nhiều hơn.
Này Cư sĩ, tuy Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳlam ấy, thực hành sự đại bố thí ấy, bố thí cho người phàm phu ở cõi Diêm-phù-đề, cho đến đem tâm ý thanh tịnh phụng hành ba tự quy: Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng giữ giới nhưng không bằng đối với tất cả chúng sanh cho đến loài trâu, bò trải lòng Từ dù chỉ trong khoảnh khắc, phước đức này nhiều hơn.
Này Cư sĩ, tuy Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳ-lam ấy thực hành sự bố thí như vậy, đối với những người phàm phu ở cõi Diêm-phù-đề, cho đến tất cả chúng sanh thể hiện rõ hạnh Từ, kể cả thương yêu loài trâu, bò trong khoảnh khắc, nhưng không bằng đối với tất cả hành, tư duy, cho dù trong khoảng khắc, thấy chúng là vô thường, khổ, không, vô ngã, phước đức này nhiều hơn.
Này Cư sĩ, ý ông nghĩ sao? Bà-la-môn rất giàu có tên là Tỳ-lam ấy là ai khác chăng? Chớ có nghĩ như vậy. Vị ấy chính là Ta. Lúc ấy Ta là Bà-lamôn rất giàu có tên là Tỳ-lam.
Như vậy, này Cư sĩ, lúc ấy Ta tự làm lợi ích cho mình và làm lợi ích cho người khác, lợi ích cho nhiều người, thương xót thế gian, mong cầu ý nghĩa diệu lạc, an ổn cho trời và người. Ta thuyết pháp như vậy nhưng vẫn chưa rốt ráo, chưa rốt ráo về vô cấu, chưa rốt ráo về phạm hạnh, chưa rốt ráo về sự thành tựu phạm hạnh, vì vậy lúc ấy Ta chưa thoát khỏi sự sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu không vui, cũng chưa thoát khỏi khổ đau.
Này Cư sĩ, nay Ta là Như Lai xuất hiện thế gian, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vị Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, là Phật, Thế Tôn. Nay Ta tự làm lợi ích cho mình, cũng đem lại lợi ích cho người khác, vì lợi ích cho nhiều người, thương xót người thế gian, cầu nghĩa lý, sự diệu lạc, an ổn cho trời và người. Nay Ta thuyết pháp đến chỗ rốt ráo, rốt ráo về vô cấu, rốt ráo về phạm hạnh, rốt ráo về sự hành trì phạm hạnh. Nên nay Ta đã thoát khỏi mọi sự sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ, bất lạc. Ta đã thoát khỏi mọi khổ đau.
Đức Phật thuyết giảng như vậy, cư sĩ Tu-đạt nghe Đức Phật dạy xong, hoan hỷ vui mừng.