TẠNG KINH
SỐ 77 - PHẬT NÓI KINH TÔN THƯỢNG
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nhục chi.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Bà-già-bà ở tại khu lâm viên Kỳđà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ Tôn giả Lô-da-cường-kỳ ở tại Thíchky-sấu, trong hang A-luyện-nhã. Sáng sớm Tôn giả Lô-da-cường-kỳ thức dậy, ra khỏi hang động rồi đến chỗ đất trống để bày giường dây, trải tọa cụ xong ngồi kiết già.
Khi ấy có một vị trời hình sắc cực đẹp, vào lúc rạng đông đi đến chỗ Lô-da-cường-kỳ, cung kính đảnh lễ nơi chân Tôn giả rồi đứng qua một bên. Do ánh sáng của vị trời ấy chiếu nên cả hang động đều được chiếu sáng. Vị trời ấy đứng qua một bên rồi bạch với Tôn giả Lô-da-cường-kỳ:
–Này Tỳ-kheo, này Tỳ-kheo! Tôn giả có trì bài kệ Hiền thiện và giải nghĩa bài kệ ấy được chăng? Tôn giả Lô-da-cường-kỳ đáp:
–Này vị trời, tôi không có trì bài kệ Hiền thiện và giải thích ý nghĩa bài kệ ấy được. Còn ông này vị trời, ông có thọ trì bài kệ Hiền thiện và giải nghĩa được chăng?
Vị trời ấy đáp:
–Này Tỳ-kheo, tôi có thọ trì bài kệ Hiền thiện nhưng không giải nghĩa được.
–Vì sao vậy? Ông đã thọ trì bài kệ Hiền thiện nhưng không giải nghĩa được?
–Này Tỳ-kheo, vào một thời nọ, tôi nghe Đức Thế Tôn ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt-kỳ nói bài kệ Hiền thiện này cho các Tỳ-kheo:
Quá khứ đừng nhớ nghĩ
Tương lai chớ mong cầu
Quá khứ đã mất rồi
Tương lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Mỗi mỗi phải tư duy.
Ý niệm không bền lâu
Kẻ trí nên tự giác
Được rồi cần tinh tấn
Bậc trí đâu lo chết
Tâm ta cứ miệt mài
Sự chết ai thoát được?
Luôn an trụ vững chắc
Ngày đêm không rời bỏ
Kệ Hiền thiện như vậy
Người nên quán như thế.
Này Tỳ-kheo, tôi đã thọ trì bài kệ Hiền thiện này mà không giải nghĩa được.
–Vậy thưa vị trời, ai thọ trì bài kệ Hiền thiện và có thể giải nghĩa được?
–Này Tỳ-kheo, Đức Thế Tôn ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, Ngài thọ trì bài kệ Hiền thiện này và giải nghĩa được. Cho nên này Tỳ-kheo, hãy theo Đức Thế Tôn thọ trì bài kệ Hiền thiện và hiểu ý nghĩa của nó, hãy khéo suy nghĩ, nhớ đọc tụng và thọ trì. Vì sao như vậy? Này Tỳ-kheo, bài kệ Hiền thiện và ý nghĩa của bài kệ là diệu nghĩa, là chánh pháp, đưa đến phạm hạnh, thành tựu thần thông, là con đường hành hóa của bậc Chí tôn, tương ưng với Niết-bàn. Này vị Tộc tánh tử, đã tin và vui thích học đạo; tin và vui thích xuất gia, bỏ nhà để tu tập đạo giải thoát, nên thọ trì bài kệ Hiền thiện và ý nghĩa của bài kệ, phải khéo suy tư, nhớ nghĩ và phụng trì.
Vị trời ấy nói xong, đảnh lễ nơi chân Tôn giả Lô-da-cường-kỳ, nhiễu quanh chỗ Tôn giả xong liền biến mất.
Bấy giờ Tôn giả Lô-da-cường-kỳ, sau khi vị trời ấy đã đi không bao lâu, bèn đến Thích-ky-sấu để thọ tuế. Thọ tuế qua ba tháng xong, đã may y rồi, nên Tôn giả mang bát đến nước Xá-vệ, tuần tự đi đến nước ấy, dừng chân ở khu lâm viên Kỳđà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Khi ấy Tôn giả Lô-da-cường-kỳ đi đến chỗ Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ nơi chân Đức Phật rồi đứng qua một bên, thưa:
–Thưa Thế Tôn, một thời con ở tại Thích-kysấu, trong hang động tịch mịch. Thưa Thế Tôn, sáng sớm con thức dậy, ra khỏi hang, đến chỗ đất trống để bày giường dây, trải tọa cụ xong, con ngồi kiết già. Khi ấy có một vị trời hình sắc cực đẹp, vào lúc rạng đông đi đến chỗ con, đảnh lễ nơi chân con, rồi đứng qua một bên. Ánh sáng của vị trời ấy chiếu sáng cả hang động. Vị trời ấy đứng qua một bên rồi nói với con: “Này Tỳ-kheo, này Tỳ-kheo! Tôn giả có thọ trì bài kệ Hiền thiện và hiểu ý nghĩa bài kệ ấy chăng?”
Con trả lời vị trời ấy: “Này vị trời, tôi không có thọ trì bài kệ Hiền thiện và hiểu ý nghĩa bài kệ ấy. Thưa vị trời, vậy ông có thọ trì bài kệ Hiền thiện và hiểu ý nghĩa bài kệ ấy chăng?”
Vị trời ấy trả lời: “Này Tỳ-kheo, tôi có thọ trì bài kệ Hiền thiện, nhưng không biết ý nghĩa của bài kệ”.
“Này vị trời, vì sao ông thọ trì bài kệ Hiền thiện mà lại không hiểu ý nghĩa của bài kệ?”
“Này Tỳ-kheo, vào một thời nọ, tôi nghe Đức Thế Tôn ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành Laduyệt-kỳ, nói bài kệ Hiền thiện này cho các Tỳ-kheo nghe, nhưng Ngài không có giải nghĩa. (Bài kệ như trên). Như vậy, này Tỳ-kheo, nên tôi thọ trì bài kệ Hiền thiện mà không hiểu được ý nghĩa”. “Này vị trời, vậy làm sao? Ai thọ trì bài kệ Hiền thiện và có thể giải nghĩa được bài kệ ấy?” Vị trời nói: “Này Tỳ-kheo, Đức Thế Tôn ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thành Xá-vệ, Ngài thọ trì bài kệ Hiền thiện này và hiểu ý nghĩa bài kệ ấy. Cho nên này Tỳ-kheo, nên theo Đức Thế Tôn thọ trì bài kệ Hiền thiện và tụng đọc lãnh hội ý nghĩa bài kệ này, hãy suy tư, nhớ nghĩ và phụng hành. Vì sao vậy? Này Tỳ-kheo, bài kệ Hiền thiện và ý nghĩa của bài kệ ấy là diệu nghĩa, là chánh pháp, là con đường dẫn tới phạm hạnh, thành tựu được thần thông, cho đến đạo quả cao tột, cùng tương ưng với Niết-bàn. Này Tộc tánh tử, đã tin, vui học đạo; tin vui xuất gia, bỏ nhà để tu tập đạo giải thoát, nên thọ trì bài kệ Hiền thiện và học hiểu ý nghĩa của bài kệ ấy. Hãy khéo tư duy, nhớ nghĩ và phụng trì”.
Vị trời ấy nói xong, lạy nơi chân con, nhiễu quanh chỗ con rồi bỗng nhiên biến mất.
Phật bảo:
–Này Cường-kỳ, Tôn giả có biết tên vị trời ấy không?
–Bạch Thế Tôn, con không biết tên của vị trời ấy.
–Này Cường-kỳ, vị trời ấy tên là Bát-na-mạtnan Thiên tử, là vị Đại tướng ở cõi trời Tam thập tam.
–Bạch Thế Tôn, nay đã đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay đã đúng lúc. Mong Đức Thế Tôn nói bài kệ Hiền thiện và ý nghĩa của bài kệ cho các Tỳ-kheo nghe. Khi Đức Thế Tôn giảng dạy rồi, các Tỳ-kheo sẽ phụng trì.
–Này Cường-kỳ, hãy nên khéo suy nghĩ, lắng nghe, hãy khéo tư duy nhớ nghĩ, Ta sẽ giảng nói.
–Như vậy, thưa Thế Tôn!
Tôn giả Lô-da-cường-kỳ thọ nhận lời dạy của Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói bài kệ ấy (như trên).
–Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo nhớ nghĩ quá khứ? Này Cường-kỳ, hoặc Tỳ-kheo đối với sắc quá khứ hoặc vui mừng, tham đắm, trụ chấp trong đó; hoặc đối với thống (thọ), tưởng, hành, thức ở quá khứ hoặc vui mừng, tham đắm, trụ chấp trong đó, như vậy, này Cường-kỳ, là Tỳ-kheo nhớ nghĩ quá khứ.
Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo không nhớ nghĩ quá khứ? Này Cường-kỳ, hoặc Tỳ-kheo đối với sắc quá khứ không thích, không đắm, cũng không trụ chấp trong đó; đối với thống (thọ), tưởng, hành, thức trong quá khứ cũng không thích, không đắm, không trụ ở trong đó. Như vậy, này Cường-kỳ, là Tỳ-kheo không nhớ nghĩ quá khứ.
Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo mong cầu ở tương lai? Này Cường-kỳ, hoặc Tỳ-kheo mong cầu sắc ở tương lai, hoặc vui mừng, hoặc tham đắm, hoặc ở trong đó; hoặc đối với thống, tưởng, hành, thức ở tương lai, hoặc vui mừng, tham đắm, hay trụ ở trong đó. Như vậy, này Cường-kỳ, đó là Tỳ-kheo nhớ nghĩ về tương lai.
Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo không mong cầu ở tương lai? Này Cường-kỳ, hoặc Tỳ-kheo đối với sắc ở vị lai, không vui mừng, không tham đắm, không trụ ở trong đó; hoặc đối với thống, tưởng, hành, thức ở tương lai cũng không vui mừng, không tham đắm, không trụ ở trong đó. Như vậy, này Cường-kỳ, đó là Tỳ-kheo không mong cầu ở tương lai.
Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo suy nghĩ về pháp hiện tại? Này Cường-kỳ, đó là hoặc Tỳ-kheo ưa thích sắc hiện tại, tham đắm trong đó, an trụ chấp trong đó; đối với thống, tưởng, hành, thức ở hiện tại cũng ưa thích, tham đắm và trụ chấp trong đó. Như vậy, này Cường-kỳ, đó là gọi là Tỳ-kheo suy tư, nhớ nghĩ pháp hiện tại.
Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo ngay trong hiện tại không suy lường nhớ nghĩ? Này Cườngkỳ, hoặc Tỳ-kheo đối với sắc hiện tại không có ưa thích, không tham đắm, không trụ chấp; đối với thống, tưởng, hành, thức cũng không ưa thích, không tham đắm, không trụ chấp trong đó. Đó là Tỳ-kheo đối với pháp hiện tại không suy tư nhớ nghĩ.
Đức Phật nói như vậy, Tôn giả Lô-da-cườngkỳ nghe lời Đức Thế Tôn giảng nói, hoan hỷ vui mừng.