TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 81 - PHẬT NÓI KINH PHÂN BIỆT THIỆN ÁC BÁO ỨNG

Hán dịch: Đời Tống, Sa-môn Thiên Tức Tai người Thiên trúc.

MỤC LỤC

QUYỂN THƯỢNG

QUYỂN HẠ

 


QUYỂN THƯỢNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn ở tại khu lâm viên Kỳđà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, đến giờ thọ trai, Đức Thế Tôn vận y ôm bát mang y đi vào thành Xá-vệ, thứ lớp khất thực, tới nhà của Trưởng giả Du-ca, con trai của Đâu-nễ-dã, đứng ở ngoài cửa. Lúc đó, con chó của Trưởng giả Du-ca tên là Thương khư, thường làm công việc giữ cửa, nó luôn được chủ nhà dùng bát đồng đựng đầy đồ ăn ngon cho ăn. Con chó thấy Đức Thế Tôn liền tỏ ra giận dữ, sủa vang. Đức Thế Tôn nói với con Thương khư:

–Ông do chưa tỉnh ngộ nên thấy Ta mới sủa.

Con Thương khư nghe nói như thế thì không sủa nữa mà càng giận dữ hơn, liền bỏ chỗ nằm cũ chạy tới nằm dưới tòa ngồi bằng chiên-đàn. Khi ấy Trưởng giả Du-ca đi ra phía ngoài cửa, thấy con chó nằm im dưới tòa ngồi chiên-đàn, hỏi:

–Ai đã làm ngươi tức giận?

Con Thương khư im lặng. Trưởng giả Du-ca lại hỏi:

–Này hiền tử, người nào đã làm cho Thương khư tức giận như vậy?

Thưa:

–Sa-môn Cù-đàm đã đến đây, đứng ở trước cửa, con thấy rồi sủa vang lên, Sa-môn Cù-đàm ấy nói như vầy: “Do ông chưa tỉnh ngộ nên thấy Ta mới sủa”. Con nghe lời nói ấy rồi, liền tức giận, đứng dậy bỏ chỗ cũ, chạy đến nằm dưới tòa ngồi chiên-đàn.

Du-ca nghe lời ấy thì hết sức tức giận, bèn ra khỏi thành Xá-vệ, đi tới khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc. Lúc ấy, Đức Thế Tôn cùng vô lượng trăm ngàn vị Tỳ-kheo trước sau vây quanh nơi tòa của Ngài để nghe thuyết pháp. Đức Thế Tôn từ xa trông thấy Trưởng giả Du-ca đi tới, liền bảo các Tỳ-kheo:

–Các vị có thấy Trưởng giả Du-ca từ xa đang đi đến chăng?

Các Tỳ-kheo thưa:

–Thưa vâng, chúng con đã thấy.

Đức Thế Tôn nói:

–Ông Trưởng giả ấy đang dấy tâm sân hận đối với Đức Phật, sau khi mạng chung chỉ trong chớp mắt sẽ bị đọa vào địa ngục lớn. Vì sao? Vì kẻ ấy đã mê chấp hư vọng, phân biệt ta người, khởi lên phiền não sân hận, hủy báng Phật, tất sẽ đọa vào các cõi ác, thọ vô lượng khổ. Kẻ ấy lại còn sanh tâm khinh mạn đối với Ta, cũng như đối với tất cả chúng sanh.

Đức Thế Tôn bèn đọc kệ:

Khởi tâm ác với Phật
Hủy báng, sanh khinh mạn
Vào trong địa ngục lớn
Thọ khổ vô cùng tận.
Có các loại hữu tình
Với Đạo sư, Tỳ-kheo
Tạm thời sanh tâm ác
Mạng chung đọa địa ngục.
Nếu đối với Như Lai
Khởi tâm đại sân hận
Đều đọa nơi cõi ác
Mãi luân hồi thọ khổ.

Bấy giờ vị Trưởng giả, con ông Đâu-nễ-dã đi đến chỗ Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ nơi chân Phật, bày tỏ lời thăm hỏi, chúc tụng, tán thán rồi đứng qua một bên, bạch:

–Thưa Thế Tôn, do nhân duyên gì mà Ngài đến nhà tôi?

Đức Phật bảo Trưởng giả Du-ca:

–Đã đúng giờ ăn, Ta mang y cầm bát vào thành Xá-vệ, thứ lớp khất thực, dừng lại trước cửa nhà ông. Lúc ấy, con Thương khư đang đứng gần đấy, từ từ ăn đồ ăn đựng trong bát bằng đồng, thấy Ta liền sủa vang lên. Ta nói: “Này Thương khư, do ông chưa tỉnh ngộ, nên thấy Ta mới sủa?”. Con chó nghe lời ấy liền tỏ ra giận dữ bỏ đi đến chỗ khác.

Trưởng giả Du-ca thưa:

–Con chó Thương khư này không biết kiếp trước của nó như thế nào, cúi mong Đức Phật giảng nói.

Đức Phật bảo:

–Thôi đi, đừng hỏi việc này! Nếu ông nghe thì càng thêm sầu não, không thể chịu đựng nổi.

Trưởng giả Du-ca ba lần thưa Đức Phật như vầy:

–Cúi mong Đức Phật giảng nói việc này cho con, con rất muốn nghe.

Đức Thế Tôn bảo Trưởng giả:

–Nay ông hãy lắng nghe và khéo nhớ nghĩ, Ta sẽ nói rõ. Con chó ấy chính là hậu thân của Đâunễ-dã, cha ông đấy. Vào đời quá khứ do vọng chấp thân này, vô ngã chấp là ngã, tham lam keo kiệt, ganh ghét, không chịu bố thí, tham tiếc tiền của, không tin Tam bảo, cho nên phải bị đọa vào loài súc sanh. Nay con chó Thương khư này chính là cha của Trưởng giả đó.

Trưởng giả Du-ca lại thưa:

–Cha của con là Đâu-nễ-dã hồi sinh tiền thường hay bố thí, thờ cúng thần Lửa và các quỷ thần, như vậy thân của cha con sau khi mạng chung nhất định phải được sanh lên cõi trời Phạm thiên, hưởng mọi sự, sung sướng an lạc vì cớ gì lại bị đọa vào hàng súc sanh? Điều này thật khó tin!

Đức Phật bảo Trưởng giả:

–Cha của ông là Đâu-nễ-dã, do sự phân biệt ấy nên vọng sanh mê chấp, không hành bố thí, cứu giúp người khác, không tin Tam bảo, do nhân duyên ấy nên bị đọa vào loài chó.

Ngài lại bảo:

–Nay Ta nói như thế chắc hẳn ông không tin, vậy ông hãy trở về nhà hỏi con Thương khư thì rõ.

Bấy giờ Trưởng giả Du-ca từ giã Đức Phật trở về nhà. Đến nơi bèn nói với con chó:

–Này Thương khư, ngươi nếu thật là cha của ta tên là Đâu-nễ-dã, thì ngươi hãy ngồi lên tòa chiên-đàn đi!

Con chó liền nhảy lên ngồi nơi tòa chiên-đàn.

Trưởng giả lại nói.

–Này Thương khư, nếu ngươi thật là cha của ta tên là Đâu-nễ-dã thì hãy đến chỗ mâm đồng ăn món cơm canh nấu thịt ấy đi!

Sau khi con Thương khư ăn xong, Trưởng giả lại bảo:

–Nếu ông thật là cha của ta, tên là Đâu-nễ-dã, vậy thì hãy nên bày điều kỳ lạ gì đấy đi!

Bấy giờ con Thương khư nghe nói như vậy, liền đứng lên, chạy tới chỗ cũ, dùng mũi ngửi đất phía dưới tòa chiên-đàn, lấy hai chân trước bươi đất, moi ra bốn cái hũ lớn bên trong chứa đầy bình bằng vàng, mâm bằng vàng và các loại báu vật khác nữa. Trưởng giả Du-ca thấy các thứ vàng bạc châu báu ít có này thì vô cùng sung sướng, yêu thích những của báu được cất giấu ấy. Bấy giờ Trưởng giả bèn đi ra khỏi thành Xá-vệ, đến chỗ Đức Phật, một lòng quy kính.

Khi ấy Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo ngồi phía trước tòa. Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy có thấy Trưởng giả Anh Võ, con của Đâu-nễ-dã từ xa đang đi đến không?

Các Tỳ-kheo thưa:

–Thưa vâng, chúng con đã thấy.

Đức Phật nói:

–Này các Tỳ-kheo, hiện tại Trưởng giả ấy nếu thân hoại mạng chung thì như buông bỏ gánh nặng xuống, liền được sanh lên cõi trời. Là vì người ấy đang hoan hỷ, phấn khởi, phát tâm chân thật đối với Ta, cho nên được quả báo như vậy.

Đức Thế Tôn liền đọc bài tụng:

Đây là một hữu tình
Phát tâm vui thấy Ta
Mạng chung sanh cõi trời
Như buông xả gánh nặng,
Đối với thầy thuyết pháp
Như Lai và Tỳ-kheo
Tạm thời tâm hoan hỷ
Quả báo cũng như vậy.

Đức Thế Tôn nói kệ xong, cùng lúc Trưởng giả Du-ca đi đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy nơi chân Ngài, vô cùng hoan hỷ, hết lời xưng tán, khen ngợi là điều chưa từng có, rồi đứng qua một bên. Đức Thế Tôn hỏi Trưởng giả Du-ca:

–Con chó Thương khư ấy phải chăng quả thật là cha của ông?

Trưởng giả thưa:

–Đúng vậy! Thưa Thế Tôn, như lời Đức Phật đã nói là hoàn toàn chân thật không hư dối, tất cả những điều nghi ngờ của con đều đã dứt trừ.

Khi ấy Trưởng giả Du-ca thưa Đức Thế Tôn:

–Tất cả các loài hữu tình hoặc chết yểu, sống lâu, hoặc có bệnh, không bệnh, đẹp đẽ, xấu xí, sanh nơi tộc họ hào quý, hay thấp hèn, thông minh, ngu độn, dịu dàng, thô lỗ... các việc ấy không giống nhau. Vậy nhân quả thiện ác báo ứng như thế nào?.

Đức Phật bảo Trưởng giả Du-ca:

–Lành thay! Lành thay! Ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta sẽ lần lượt giảng nói: Tất cả hữu tình tạo nghiệp, gây nhân thiện ác không giống nhau, cho nên mới có sự báo ứng hoặc sang hèn, trên dưới, hoặc thuộc tộc họ cao, thấp, sai khác. Nay Ta lược nói như vậy, còn nếu phân biệt rộng rãi thì ý nghĩa ấy hết sức sâu xa.

Trưởng giả Du-ca lại thưa:

–Cúi mong Đức Phật giảng giải rộng cho con được hiểu!

Đức Phật bảo Trưởng giả Du-ca:

–Ông hãy lắng nghe! Tất cả hữu tình tạo các thứ nghiệp, khởi ra vô số các thứ phiền não mê lầm. Nghiệp của chúng sanh có tốt xấu, quả báo phân ra có thiện có ác. Nghiệp xấu, dữ thì thọ quả báo nơi ba cõi ác, nghiệp lành tốt thì nhất định cảm quả báo nơi cõi người, trời. Lại nữa, nghiệp có phân hạng, mạng sống có ngắn dài. Lại nữa, có nghiệp khiến chúng sanh thọ quả báo nhiều bệnh, ít bệnh, đẹp đẽ, xấu xí; hoặc lại có nghiệp khiến chúng sanh thọ quả báo phú quý, bần cùng, thông minh trí tuệ, đần độn, ngu si ám muội; hoặc lại có nghiệp khiến chúng sanh bị đọa vào ba đường ác; hoặc lại có nghiệp khiến được sanh ở Dục giới, Nhân, Thiên, cho đến cõi trời Hữu đảnh; hoặc lại có nghiệp khiến chúng sanh thọ quả báo xa, gần; hoặc lại có nghiệp khiến chúng sanh mong cầu không toại nguyện; hoặc lại có nghiệp không cầu mà tự đến; có nghiệp khiến chúng sanh thành tựu khó hay dễ, thành công hay không thành công; hoặc lại có nghiệp khiến chúng sanh thọ mạng mãi mãi ở trong địa ngục hay yểu mạng, nhẹ nặng không đồng; hoặc có nghiệp khiến chúng sanh giàu sang nghèo khổ, trước sau không nhất định; hoặc có nghiệp khiến chúng sanh giàu có hay khổ cực ưa thích bố thí hay keo kiệt không nhất định; hoặc lại có nghiệp khiến chúng sanh thọ mạng dài ngắn không nhất định; hoặc có nghiệp khiến chúng sanh thân tâm vui vẻ hay bị khổ não không nhất định; hoặc lại có nghiệp khiến chúng sanh có hình dáng đẹp đẽ, tươi tắn đáng yêu, hay xấu xí, thô lỗ, đáng ghét; hoặc lại có nghiệp khiến chúng sanh các căn đầy đủ hay bị khuyết tật.

Đức Phật lại bảo Trưởng giả Du-ca:

-Có mười nghiệp thiện cần phải tu tập, còn mười nghiệp ác ông hãy nên đoạn trừ.

Trưởng giả Du-ca bạch Đức Phật:

–Thưa Thế Tôn, hữu tình thọ mạng ngắn ngủi là do tạo nghiệp gì gây nên?

Đức Phật bảo:

–Do sát sanh nên bị như vậy.

Lại nữa, nghiệp sát có mười loại:

Tự tay giết.

Khuyên bảo người khác giết.

Thấy giết thì hoan hỷ.

Tùy hỷ đối với việc giết hại.

Giết hại từ trong bào thai.

Khuyên trục thai cho chết.

Oán thù mà giết.

Giết bằng cách đoạn nam căn. Dùng các phương tiện để giết.

Sai khiến người khác giết.

Mười thứ nghiệp giết hại như vậy đưa đến quả báo thọ mạng ngắn ngủi.

Lại tạo nghiệp như thế nào mà có được quả báo trường thọ? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?

Xa lìa việc tự tay giết.

Xa lìa việc khuyên bảo người khác giết.

Xa lìa sự hoan hỷ khi thấy giết hại.

Xa lìa việc tùy hỷ đối với sự giết hại.

Cứu người bị giết nơi hình ngục.

Phóng sanh mạng.

Bố thí sự không sợ cho kẻ khác.

Thương xót, vỗ về người bệnh.

Bố thí đồ ăn uống.

Cúng dường cờ phướn, đèn đuốc.

Mười nghiệp tốt như vậy đưa đến quả báo trường thọ.

Lại tạo nghiệp như thế nào mà bị quả báo nhiều bệnh? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?

Tự hủy hoại loài hữu tình.

Khuyên người khác hủy hoại.

Tùy hỷ đối với sự hủy hoại.

Tán thán sự hủy hoại.

Bất hiếu với cha mẹ.

Kết nhiều oán xưa.

Làm nghề thuốc với tâm xấu ác.

Keo kiệt trong sự ăn uống.

Khinh chê, ngạo mạn đối với Thánh hiền.

Hủy báng các bậc Pháp sư.

Mười loại nghiệp xấu như vậy bị quả báo có nhiều bệnh.

Lại nữa, tạo nghiệp như thế nào mà có được quả báo ít bệnh? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?

Không gây tổn hại cho hữu tình.

Khuyên người đừng làm tổn hại.

Không tùy hỷ đối với sự làm tổn hại.

Không tán thán sự tổn hại.

Xa lìa việc vui thích đối với việc làm tổn hại.

Hiếu dưỡng đối với cha mẹ.

Tôn trọng các bậc Sư trưởng.

Không kết oán xưa.

Bố thí chúng Tăng được an lạc.

Bố thí thuốc men, các thứ ăn uống.

Mười loại nghiệp như vậy được quả báo ít bệnh.

Lại nữa, tạo nghiệp như thế nào mà bị quả báo hình tướng xấu xí? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?

Luôn khởi tâm phẫn nộ.

Tâm ý buông lung, ngạo mạn.

Không hiếu thuận đối với cha mẹ.

Luôn buông lung tham si.

Hủy báng các bậc Hiền thánh.

Xâm đoạt, bức hại kẻ khác.

Ăn trộm ánh sáng dầu đèn của Phật.

Cười giỡn đối với sự xấu xí của người khác.

Hủy hoại ánh sáng của Đức Phật.

Làm việc phi phạm hạnh.

Do mười thứ nghiệp như vậy nên bị quả báo có thân tướng xấu xí.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà có được quả báo có thân tướng đẹp đẽ? Có mười loại nghiệp. Mười nghiệp ấy như thế nào?

Tu tập hạnh từ bi, nhẫn nhục.

Cúng dường nơi tháp miếu của Phật.

Quét dọn chùa tháp.

Tu sửa tôn nghiêm tinh xá.

Tôn tạo trang nghiêm tượng Phật.

Hiếu dưỡng đối với cha mẹ.

Tin kính, tôn trọng các bậc Thánh hiền.

Khiêm cung, xa lìa sự ngạo mạn.

Phạm hạnh không thiếu sót.

Xa lìa tâm tổn hại.

Như vậy, do tạo mười thứ này nên được quả báo có thân tướng đẹp đẽ.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà bị sanh vào dòng họ thấp hèn? Có mười loại nghiệp. Mười loại ấy như thế nào?

Tham ái danh lợi, không tu hạnh bố thí.

Ganh ghét đối với sự vinh hoa của người khác.

Khinh chê, hủy báng Cha mẹ.

Không tuân lời Pháp sư.

Hủy báng các bậc Hiền thiện.

Thân cận bạn ác.

Khuyên người khác làm ác.

Phá hoại điều thiện của kẻ khác.

Mua bán kinh tượng.

Không tin Tam bảo.

Do tạo mười nghiệp như vậy bị quả báo sanh vào dòng họ thấp hèn.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà có được quả báo sanh vào tộc họ giàu sanh danh tiếng? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?

Xa lìa tâm ganh ghét, vui mừng đối với sự nghiệp của người khác.

Tôn trọng Cha mẹ.

Tin kính, tôn quý các bậc Pháp sư.

Phát tâm Bồ-đề.

Bố thí dù lọng cho Đức Phật.

Tu sửa, trang nghiêm chùa tháp.

Sám hối nghiệp ác.

Rộng tu hạnh bố thí.

Khuyên người khác tu tập điều thiện.

Tin kính, tôn quý Tam bảo.

Do tạo mười thứ nghiệp thiện như vậy nên được quả báo sinh vào dòng họ phú quý danh vọng.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà bị quả báo xấu ác nơi cõi người? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười loại?

Tâm buông lung, ngã mạn.

Khinh mạn Cha mẹ.

Khinh mạn các bậc Sa-môn.

Khinh mạn các hàng Bà-la-môn.

Hủy báng các bậc Hiền thiện.

Khinh mạn người trong thân tộc.

Không tin nhân quả.

Ghét bỏ tự thân.

Hiềm ghét đối với kẻ khác.

Không tin Tam bảo.

Do tạo mười thứ như vậy bị quả báo xấu ác nơi cõi người.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà có được quả báo thù thắng ở nhân gian? Có mười loại nghiệp, mười loại ấy là gì?

Khiêm cung, xa lìa ngạo mạn.

Tôn trọng Cha mẹ.

Tôn trọng các bậc Sa-môn.

Tin kính các hàng Bà-la-môn.

Yêu thương, giúp đỡ người trong thân tộc.

Tôn trọng bậc Hiền thánh.

Tu hành mười điều thiện.

Không khinh mạn đối với chúng sanh.

Tôn trọng các vị Pháp sư.

Một lòng kính tin Tam bảo.

Do tạo mười thứ nghiệp như vậy nên được quả báo thù thắng ở nhân gian.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà bị quả báo cô đơn nghèo khổ? Có mười loại nghiệp. Mười loại ấy là gì?

Luôn làm việc trộm cướp.

Khuyên người khác trộm cướp.

Khen ngợi sự trộm cướp.

Tùy hỷ đối với sự trộm cướp.

Hủy báng Cha mẹ.

Hủy báng các bậc Thánh hiền.

Ngăn chận người khác bố thí.

Ganh ghét khi thấy danh lợi của kẻ khác.

Keo kiệt đối với tiền của.

Khinh khi, hủy báng Tam bảo, mong muốn Tam bảo luôn gặp khó khăn.

Do tạo mười loại nghiệp như vậy nên bị quả báo cô đơn nghèo khổ.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà có được quả báo có phước đức lớn? Có mười loại nghiệp, mười loại ấy là gì?

Xa lìa việc trộm cướp.

Xa lìa việc khuyên người trộm cướp.

Xa lìa việc tùy hỷ đối với trộm cắp.

Hiếu dưỡng Cha mẹ.

Tin kính, quý các bậc Thánh hiền.

Vui mừng thấy danh lợi của người khác.

Rộng làm việc bố thí.

Không ganh ghét danh lợi của kẻ khác.

Không tiếc tài sản vật báu, thương xót kẻ cô đơn bần cùng.

Cúng dường Tam bảo.

Do tạo mười thứ nghiệp như vậy nên được quả báo có phước đức lớn.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà bị quả báo ngu độn? Có mười loại nghiệp. Mười nghiệp đó là gì?

Chúng sanh này không tin Sa-môn, cũng không thân cận Sa-môn.

Không tin các hàng Bà-la-môn.

Không tin thầy, giáo pháp, cũng chẳng gần gũi. Cất giấu giáo pháp, không truyền dạy.

Xoi mói những điều kém nơi giáo pháp của Thầy.

Xa lìa chánh pháp.

Đoạn diệt pháp thiện.

Hủy báng bậc Hiền trí.

Học hỏi theo điều phi pháp.

Hủy báng chánh kiến, tán dương tà kiến.

Do tạo mười pháp như vậy cho nên bị quả báo ngu độn.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà có được quả báo có trí tuệ lớn? Có mười loại pháp, mười pháp ấy là gì?

Chúng sanh này thân cận Sa-môn, dốc lòng tin cầu pháp.

Tin các bậc Bà-la-môn.

Thân cận thầy, giáo pháp, cầu hiểu được nghĩa sâu xa.

Tôn quý Tam bảo.

Xa lìa kẻ ngu si.

Không hủy báng thầy, giáo pháp.

Cầu được trí tuệ sâu rộng.

Truyền bá đạo pháp đem lại lợi ích cho chúng sanh, khiến chánh pháp không bị đoạn diệt.

Xa lìa điều phi pháp.

Tán dương chánh kiến, xa lìa các tà kiến.

Do mười pháp như vậy cho nên được quả báo có trí tuệ lớn.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà bị quả báo sinh vào địa ngục? Có mười loại pháp, mười pháp ấy là gì?

Thân tạo nghiệp bất thiện.

Khẩu tạo nghiệp bất thiện.

Ý tạo nghiệp bất thiện.

Luôn dấy khởi thân kiến.

Luôn khởi biên kiến.

Luôn theo tà kiến.

Làm ác không ngừng.

Dâm dục, tà hạnh.

Hủy báng các bậc Thánh hiền.

Hoại diệt chánh pháp.

Do mười nghiệp như vậy nên bị quả báo sinh nơi địa ngục.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà bị quả báo sinh vào hàng súc sanh? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?

Thân nghiệp tạo ác bậc trung.

Ngữ nghiệp tạo ác bậc trung.

Ý nghiệp tạo ác bậc trung.

Dấy khởi nhiều lòng tham lam.

Sanh nhiều sân hận.

Sanh nhiều si mê.

Bố thí không đúng pháp.

Sử dụng chú thuật trừ ếm.

Hủy hoại phạm hạnh của Bồ-tát.

Tin theo thường kiến, biên kiến, cho rằng “Người chết thì trở lại làm người”.

Do mười nghiệp như vậy nên bị quả báo sinh vào hàng súc sanh.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà bị quả báo sinh vào loài ngạ quỷ? Có mười loại nghiệp. Mười loại nghiệp ấy là gì?

Thân tạo nghiệp ác nhẹ.

Khẩu tạo nghiệp ác nhẹ.

Ý tạo nghiệp ác nhẹ.

Tham tiếc tài vật, không chịu bố thí.

Dấy khởi tà kiến nặng nề hủy báng giáo pháp nhân quả của Phật.

Ngạo mạn, tự thị, khinh khi, hủy báng kẻ hiền lương.

Ngăn trở người khác bố thí.

Không thương xót kẻ đói khát.

Tham tiếc đồ ăn uống, không bố thí cho Tăng chúng của Phật.

Người khác được danh lợi thì tạo phương tiện làm cho ly cách.

Do mười nghiệp như vậy nên bị quả báo sinh vào loài ngạ quỷ.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì được quả báo làm người? Có mười loại nghiệp. Mười nghiệp ấy là gì?

Xa lìa sát sanh.

Xa lìa sự không cho mà lấy.

Xa lìa việc phi phạm hạnh.

Xa lìa lời nói hư dối.

Xa lìa lời nói tạp uế.

Không nói lời ly gián.

Xa lìa lời nói thô ác.

Xa lìa việc uống rượu, ăn thịt.

Xa lìa sự si ám.

Xa lìa tà kiến, vững tin Tam bảo.

Do tu mười nghiệp nhẹ như vậy nên được quả báo làm người.

Lại nữa, do tu nghiệp gì mà được sanh vào các cõi trời thuộc Dục giới? Do tu mười nghiệp thiện nên được sanh nơi các cõi trời ấy. Lại do tu nghiệp gì mà được sanh lên các cõi trời thuộc Sắc giới? Do tu mười định thiện mà được sanh vào các cõi trời ấy. Lại do tu nghiệp gì mà được sanh vào bốn cõi trời thuộc Vô sắc giới? Do tu tập pháp Tamma-bát-để làm nhân mà được sanh lên các cõi trời ấy. Những gì là bốn? Xa lìa tất cả Sắc, tác tưởng hư không vô biên. Do tu định ấy dứt trừ được chướng ngại, sau khi mạng chung được sanh lên cõi Không vô biên xứ. Xa lìa mọi thức thô, tế hiện tiền, tác tưởng vô biên, dứt trừ được chướng ngại của thức. Do tu định ấy nên đời sau được sanh vào cõi trời Thức vô biên xứ. Xa lìa mọi chướng ngại cấu nhiễm của vô sở hữu xứ, lại tu định kia, sau khi mạng chung được sanh lên cõi Vô sở hữu xứ. Xa lìa chướng ngại của cõi ấy, tiếp tục tu pháp định đó, sau khi mạng chung được sanh vào cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Lại nữa, do tu tập nghiệp gì không sanh vào cõi Vô gián? Do tu các nghiệp, hồi hướng mọi chỗ mong cầu của mình, quyết định được sanh trong cõi thiện, không bị đọa vào cõi Vô gián.

Lại nữa, việc tạo nghiệp và thọ nhận quả báo ra sao? Nếu tu nghiệp thiện thì cảm quả báo đáng yêu thích, nếu tạo nghiệp ác thì cảm quả báo đáng ghét bỏ. Nếu xa lìa nghiệp thiện và bất thiện này thì trọn không thể có quả báo đáng yêu thích hay đáng ghét bỏ gì cả. Thí như người nữ hiền thục có chồng đi buôn nơi xa, đã lâu chưa về nhà thì làm gì cô ấy có con?!

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà không có quả báo? Do đã tạo nghiệp ác rồi, nhưng nghĩ lại hối hận, thành thật tỏ bày, tỉnh ngộ, trách mình trước chẳng suy nghĩ. Lúc ấy, tâm nghĩ miệng nói, hết lòng chuyên chú lo việc sám hối. Nghiệp ấy tuy đã tạo rồi nhưng không thọ quả báo. Đối với nghiệp thiện cũng lại như vậy.

Lại nữa, do tạo nghiệp gì mà có được thân tâm viên mãn? Do tu tập hạnh nhẫn nhục nên được thân tướng viên mãn. Do tu tập pháp học hỏi, tư duy nên được tâm viên mãn. Tu tập theo nghiệp ấy chắc chắn đạt được quả báo như vậy.

Lại do tạo nghiệp gì mà sau khi tu tập không bị mất mát? Nếu có nghiệp thiện đã làm rồi không hối hận, không nghi ngờ, chán bỏ, không gây sự phiền hà, bực bội, cũng không cho là không, không nói điều đúng điều sai, mà không xa lìa, cũng không gây náo động, tạo hạnh như vậy, tu tập nghiệp ấy rốt cuộc chẳng hề hao mất, chắc chắn thọ quả báo như vậy.

Lại do tạo nghiệp gì mà không có quả báo? Do tạo nghiệp vô ký nên không có quả báo.

Lại do tạo nghiệp gì mà chúng sanh thọ mạng mãi ở địa ngục không thoát ra được? Đó là có một chúng sanh đã tạo nghiệp thiện rồi, nhưng không hối hận, cũng không nghi ngờ, chán bỏ, lại không cho là không, tâm không sầu não, không nói điều phải trái, cũng không gây loạn động, tạo tác như vậy nên biết được sanh lên cõi trời. Trái lại nếu chúng sanh tạo các nghiệp trái ngược như trên, bị sanh trong địa ngục, trọn cả thọ mạng mà không thoát khỏi.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh ở trong địa ngục không trọn thọ mạng? Đó là do chúng sanh ấy tạo nghiệp ác rồi, nhưng không nghi ngờ hối hận, nhưng rồi phiền não tự hoại, tỉnh ngộ những điều sai quấy ở trước nên xa lìa nghiệp ấy mà không gây loạn động. Tạo tác như vậy nên chúng sanh đó đã tạo nghiệp như vậy sanh trong địa ngục nhưng không hết thọ mạng.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh sanh trong địa ngục liền được mạng chung? Đó là có chúng sanh đã tạo nghiệp ác rồi, hối hận, nghi ngờ, tự trách cứ, phủ nhận, dốc trừ bỏ, xa lìa phiền não xấu ác, không thể yêu thích, không tự tạo ra nữa. Như vua A-xà-thế đã tạo tội giết cha rồi hối lỗi thành tâm bày tỏ: “Con đã tạo nghiệp ác, con phải tự thọ quả báo. Nay đối diện với Đức Phật xin sám hối dứt bỏ tội lỗi trước”. Đức Phật thương xót nhà vua, bảo vua hãy quán tánh của tội từ duyên hư huyễn mà có, tỏ ngộ là không thể có. Cho nên chúng sanh này sanh vào địa ngục liền được mạng chung.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh trước được vui sướng, sau bị khổ não? Đó là có một chúng sanh ban đầu thực hành bố thí, tâm yêu thích, vui mừng, nhưng bố thí rồi lại hối tiếc, cho nên chúng sanh ấy sanh ở nhân gian trong gia đình giàu có, đầy đủ vàng bạc châu báu, voi, ngựa, xe; cha mẹ, vợ con, bạn hữu tri thức đều không thiếu, cho đến kho tàng cũng như vậy, nhưng sau thì sa sút dần trở nên bần cùng. Do đó gọi là có được quả báo, trước vui sướng, sau bị khổ não.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh trước bị khổ sở, sau được vui sướng? Đó là có chúng sanh do nhân từ đời trước dùng tâm ở bậc thấp bố thí chút ít. Bố thí rồi tâm không hối tiếc, sau lại hoan hỷ, cho nên chúng sanh này sanh làm người trong dòng họ thấp kém, mọi sự ăn uống, y phục cho đến châu báu, tất cả đều thiếu thốn, cũng không được tự tại. Về sau, dần dần tài sản được tăng thêm, cho đến có vô số của cải không thiếu vật gì. Vì vậy, chúng sanh này quả báo trước bị nghèo khổ, sau được vui sướng.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh trước được vui sướng, sau cũng vui sướng? Đó là có chúng sanh khi chưa bố thí thì hoan hỷ muốn bố thí. Bố thí rồi cũng hoan hỷ, trước sau không hối tiếc. Chúng sanh này sanh làm người trong gia đình giàu có, thuộc tộc họ cao quý, cha mẹ vợ con, hàng thân thuộc bạn hữu, kho tàng châu báu, xe cộ, súc vật cho đến vườn rừng, ruộng nhà chẳng thiếu thứ gì, tự do thọ dụng. Vì vậy chúng sanh này đạt quả báo trước vui sướng, sau cũng vui sướng.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh trước không vui sướng, sau cũng không vui sướng, luôn bị khổ não? Đó là có chúng sanh trước không có tâm bố thí, cũng không có bạn hữu tốt khuyên làm bố thí. Đã không có tín tâm, lại tham tiếc châu báu, từ đầu đến cuối chẳng hề bố thí một tơ hào nào. Cho nên chúng sanh đó sanh làm người ở trong tộc họ thấp hèn, bần cùng, khốn khổ, của cải, ruộng, nhà, cho đến quyến thuộc tất cả đều thiếu, trước đã không được vui sướng, sau cũng không được vui sướng. Cho nên chúng sanh này thọ quả báo trước bị khổ não, sau cũng bị khổ não.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh được giàu sang nhưng lại tham tiếc tiền của, không bố thí cho ai, dù rất ít? Đó là có chúng sanh trong đời quá khứ quy hướng Tam bảo, từng làm bố thí, nhưng không phát nguyện ở đời vị lai tiếp tục tu hạnh bố thí, cho nên chúng sanh này sau khi mạng chung, hoặc sanh ở nhân gian được giàu sang, được sanh vào tộc họ phú hào nhiều châu báu, tiền của, voi ngựa, nô tỳ, súc vật, ruộng nhà… thảy đều nhiều, tự do thọ dụng. Nhưng đối với tài sản của mình thì tham tiếc, yêu mến giữ gìn, không làm bố thí. Cho nên chúng sanh này tuy giàu có, nhiều tiền của, nhưng tham lam tiếc lẫn, cũng không có tín tâm.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh một đời nghèo khổ, lại ưa thích bố thí? Đó là có chúng sanh trong đời quá khứ, đối với thắng xứ của Tam bảo đã từng tu hạnh bố thí, lại còn phát nguyện: Cho đến đời vị lai tâm bố thí vẫn không dứt, nên sau khi mạng chung được sanh ở cõi trời, người, luôn được thọ phước báo. Người ấy, về sau phước hết, lại sanh ở nhân gian, dù bần cùng nhưng vẫn ưa thích bố thí. Cho nên chúng sanh này dù bần cùng nhưng ưa thích bố thí, tín tâm không đoạn.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh một đời nghèo khổ mà lại tham lam keo kiết, không có bố thí, dù rất ít? Đó là có một chúng sanh trong đời quá khứ không gặp bạn lành dẫn dắt, lại còn ngu si không tin nhân quả, đối với pháp bố thí Ba-lamật dù cho chút ít cũng không thực hiện, cho nên chúng sanh ấy sau khi mạng chung, sanh làm người ở nhân gian, thuộc tộc họ bần cùng, tiền của, đồ ăn uống, ruộng vườn, tất cả đều thiếu thốn. Vì vậy chúng sanh này bần cùng, khốn khổ, cũng không thích bố thí.

Lại do tạo nghiệp gì mà cả thân tâm đều được vui sướng, giống như Chuyển luân vương, lại ưa làm phước? Đó là có một chúng sanh trong đời quá khứ tu giới không sát sanh, bố thí sự vô úy cho kẻ khác, lại còn phát nguyện: tâm bố thí luôn sáng suốt, cho nên chúng sanh này sau khi mạng chung, sanh làm người ở nhân gian, thân tâm đều luôn được an lạc, thường ưa thích bố thí.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh cả thân tâm đều được vui sướng như một cụ già việc nhà đã lo liệu xong xuôi, nhưng không tu phước? Đó là có chúng sanh trong đời quá khứ bố thí sự vô úy cho kẻ khác, không làm tổn hại đến các chúng sanh, nhưng không phát nguyện thù thắng, cho nên chúng sanh ấy sau khi mạng chung, sanh làm người ở nhân gian, thân tâm đều được an lạc, nhưng không chịu tu phước.

QUYỂN HẠ

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh, hoặc thân tâm đều không an lạc, lại không tu phước? Đó là có chúng sanh trong đời quá khứ tạo sự nhiễu hại đối với chúng sanh, khiến họ sợ sệt, lại không có tín tâm, không phát nguyện lành. Cho nên chúng sanh này sau khi mạng chung sanh trong loài người, cả thân tâm đều bất an, có nhiều ngu ám, lại không tu hạnh bố thí.

Do đâu có chúng sanh ở nhân gian thì bị chết yểu, phải sống lâu trong ba đường ác? Đó là có chúng sanh đời quá khứ tạo nhân, ban đầu tu tập theo chút ít điều thiện nhưng sau thì tạo nhiều điều ác, cho nên chúng sanh ấy sanh ở nhân gian bị chết yểu, đời sau sanh vào cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tố-ra (A-tu-la) thì thọ mạng lại lâu dài.

Do đâu có chúng sanh ở ba cõi ác thọ mạng ngắn nhưng ở cõi người thì thọ mạng lâu dài? Đó là có một chúng sanh tạo nhân ở quá khứ, ban đầu tạo nghiệp ác ít, về sau tạo nghiệp thiện nhiều, cho nên chúng sanh này ở ba cõi ác thì thọ mạng ngắn ngủi, đời sau sanh ở nhân gian thì thọ mạng lâu dài.

Do đâu có chúng sanh sanh ở nhân gian và ở ba cõi ác thọ mạng đều ngắn ngủi? Đó là có một chúng sanh tạo nhân ở quá khứ, ban đầu và về sau tạo nghiệp thiện, ác đều ít, cho nên chúng sanh này ở trong loài người và ở ba cõi ác thọ mạng đều ngắn ngủi.

Do đâu có chúng sanh khi mạng đã tận thì phiền não cũng tận? Do đâu có chúng sanh phiền não đã tận mà thọ mạng không tận? Đó là người đạt được các quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, Quyết định tánh và bất quyết định A-la-hán.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh tuy sanh ở cõi ác mà hình sắc thân tướng đoan nghiêm đẹp đẽ, ai thấy cũng hoan hỷ, ưa thích? Đó là có một chúng sanh trong đời quá khứ tu tập hạnh nhẫn nhục, nhưng vì phá tịnh giới của Phật nên bị đọa vào cõi ác, thọ thân hình khác, có được hình sắc thân tướng đoan nghiêm, đẹp đẽ, các căn cụ túc, ai thấy cũng hoan hỷ.

Lại do tạo nghiệp gì mà có chúng sanh sanh ở trong cõi ác mà thân tướng thô nhám, hình sắc xấu xí, ai thấy cũng không ưa? Đó là do chúng sanh này ở đời quá khứ tâm nhiều sân hận, không tu hạnh nhẫn nhục, đã phá tịnh giới của Phật lại không thành thật bày tỏ, sám hối. Cho nên người ấy sau khi mạng chung, sanh trong loài khác, hình sắc xấu xí, thân thể thô lậu, các căn khuyết tật, hôi thối, si mê tăm tối, ai thấy cũng không ưa thích.

Lại nữa, tạo mười nghiệp bất thiện sẽ thọ nhận quả báo như thế nào? Do nhân sát sanh nên thọ mạng về hình, sắc và sức lực đều không đầy đủ. Do nhân trộm cắp nên bị quả báo thời tiết không thuận hợp, côn trùng phá hoại, lụt lội, hạn hán, đói khát. Do nhân tà dục nên bị quả báo bên ngoài nhiều phiền não cấu uế, vợ không trinh thuận. Do nhân nói hư dối nên bị quả báo hơi thở hôi thối, tiếng xấu lan khắp, người đều chán ghét. Do nhân nói ly gián nên bị quả báo quyến thuộc bất hòa, tật bệnh liên miên. Do nhân nói lời xấu ác nên bị quả báo khi tiếp xúc luôn gặp sự thô lậu, xấu xí, kết quả không tốt đẹp. Do nhân nói lời tạp uế nên bị quả báo luôn gặp cảnh rừng cây gai góc, vườn tược tiêu điều. Do nhân tham ái nên bị quả báo tài sản của cải nơi kho ít ỏi. Do nhân sân hận nên bị quả báo luôn gặp mùi vị cay đắng, dung mạo xấu xí. Do nhân ngu si nên bị quả báo hình sắc bên ngoài không sạch sẽ, tâm trí kém cỏi. Do tạo mười nghiệp bất thiện nên bị quả báo như vậy.

Tu mười nghiệp thiện thì được quả báo như thế nào?

Xa lìa việc giết hại, thì thọ mạng và y báo đều được đầy đủ. Xa lìa trộm cắp thì mọi sự bất hòa của thời tiết, côn trùng phá hoại, đói khát, các tai họa đều được dứt trừ. Nhân không tà dâm thì tiếng tốt đồn khắp, xa lìa mọi phiền não cấu uế. Nhân không vọng ngữ, thì miệng thường thơm sạch. Nhân không nói lời ly gián nên quyến thuộc được hòa thuận xa lìa mọi cảnh ngộ, sấm sét, mưa gió dữ dội. Nhân không nói lời thô ác nên gặp cảnh quả vị ngọt ngon, xa lìa mọi sự thô nhám. Nhân không nói lời tạp uế nên luôn gặp cảnh rừng cây, vườn tược tươi tốt sum suê. Nhân không tham ái nên tài sản nơi kho lẫm được đầy đủ dồi dào. Nhân không sân hận nên thân tướng được hoàn hảo, các căn không khuyết tật. Nhân không tà kiến nên tín tâm không đoạn, trí tuệ hơn hết, đầy đủ mọi sự tốt đẹp. Do tu mười nghiệp thiện nên được quả báo như vậy.

Lại nữa, tạo mười điều ác có mười quả báo.

Những gì là mười? Sát sanh có mười quả báo:

1. Oan gia ngày càng nhiều.

2. Ai thấy kẻ ấy cũng không vui thích.

3. Chúng sanh luôn sợ sệt.

4. Luôn chịu sự khổ não.

5. Thường nghĩ đến việc giết hại.

6. Nằm mộng thấy sầu khổ.

7. Lúc lâm chung bị hối hận.

8. Thọ mạng ngắn ngủi.

9. Tâm thức bị ngu muội.

10. Khi chết đọa vào địa ngục.

Lại nữa, trộm cắp có mười thứ quả báo. Những gì là mười?

1. Kết thêm oan gia đời trước.

2. Luôn có sự nghi ngờ.

3. Bị bạn ác theo đuổi.

4. Bạn lành lánh xa.

5. Phá tịnh giới của Phật.

6. Bị phép vua trừng trị.

7. Buông lung, phóng dật.

8. Mãi mãi sầu lo.

9. Không được tự tại.

10. Chết đọa địa ngục.

Lại nữa, quả báo của tà dục có mười thứ.

Những gì là mười?

1. Tâm dục luôn bừng cháy.

2. Thê thiếp không trinh thuận.

3. Tăng trưởng điều bất thiện.

4. Pháp thiện bị tiêu diệt.

5. Phóng túng trong quan hệ nam nữ.

6. Tài sản âm thầm tiêu tán.

7. Tâm trí nhiều nghi ngờ.

8. Xa lìa bạn lành.

9. Thân tộc không tin tưởng.

10. Mạng chung bị đọa vào ba đường ác.

Lại nữa, quả báo của vọng ngữ có mười thứ.

Những gì là mười?

1. Hơi trong miệng thường hôi thối.

2. Kẻ ngay thẳng xa lánh.

3. Người dua nịnh, dối trá ngày càng nhiều.

4. Gần gũi kẻ phi nhân.

5. Dù có nói thật cũng không ai tin.

6. Trí tuệ ít dần.

7. Tiếng tăm không thật.

8. Không nói lời thành thật.

9. Ưa nói chuyện thị phi.

10. Thân chết sanh vào cõi ác.

Lại nữa, uống rượu có ba mươi sáu lỗi lầm.

Những lỗi ấy như thế nào?

Tài sản bị mất mát.

Hiện tại có nhiều bệnh tật.

Ưa thích tranh giành.

Tăng trưởng sự giết hại.

Tăng trưởng sự sân hận.

Phần nhiều không toại ý.

Trí tuệ kém dần.

Phước đức không tăng.

Phước đức hao giảm.

Phơi bày sự bí mật.

Sự nghiệp không thành.

Tăng nhiều sự sầu khổ.

Các căn bị ngu muội.

Làm hủy nhục cha mẹ.

Không kính bậc Sa-môn.

Không tin Bà-la-môn.

Không tôn kính Phật.

Không kính Tăng, Pháp.

Thân cận bạn ác.

Xa lánh bạn lành.

Bỏ bê việc ăn uống.

Thân hình không kín đáo.

Dâm dục luôn bộc phát.

Mọi người không thích.

Tăng thêm sự cười chê.

Cha mẹ không vui.

Quyến thuộc chê bỏ.

Làm theo điều phi pháp.

Xa lìa chánh pháp.

Không kính bậc Hiền thiện.

Vi phạm tội ác.

Xa lìa sự tĩnh lặng.

Điên cuồng ngày càng nặng.

Thân tâm tán loạn.

Phóng dật, làm điều ác.

Thân hoại mạng chung đọa vào địa ngục lớn, thọ khổ vô cùng tận.

Bấy giờ Đức Phật bảo Trưởng giả Du-ca:

–Nếu có người đối với tháp miếu của Như Lai chắp tay cung kính, thì được mười công đức.

Những gì là mười?

1. Sanh vào gia đình quý tộc, giàu có.

2. Được nhiều sắc đẹp.

3. Hình tướng khỏe mạnh đáng yêu thích.

4. Bốn sự luôn được dồi dào.

5. Châu báu thật nhiều.

6. Tiếng tốt đồn khắp.

7. Tín căn thâm sâu.

8. Sự nhớ nghĩ bao quát.

9. Trí tuệ rộng khắp.

10. Sự nghiệp lớn lao.

Như vậy, này Trưởng giả, nếu có người chắp tay cung kính đối với tháp miếu của Như Lai, thì được những công đức như thế.

Nếu lại có người đối với tháp miếu của Như Lai mà chắp tay lễ bái, thì được mười công đức.

Những gì là mười?

1. Ngôn từ dịu dàng, hòa nhã.

2. Trí tuệ hơn hẳn mọi người.

3. Người trời đều hoan hỷ.

4. Phước đức rộng lớn.

5. Cùng ở với người hiền thiện.

6. Được tôn quý, tự tại.

7. Luôn được gặp Phật.

8. Được gần gũi với Bồ-tát.

9. Mạng chung được sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng đắc giải thoát.

Công đức như vậy do lễ bái tháp miếu của Phật mà có được.

Nếu lại có người lau chùi bụi bặm nơi tháp miếu của Phật thì được mười công đức. Những gì là mười?

1. Sắc tướng đầy đủ.

2. Thân thể đầy đặn, cân đối.

3. Âm thanh vi diệu.

4. Xa lìa ba độc.

5. Đi đường không bị chông gai, hiểm trở.

6. Được sanh vào dòng họ tôn quý.

7. Luôn tôn quý, tự tại.

8. Mạng chung được sanh lên cõi trời.

9. Tánh luôn lìa bỏ mọi cấu uế.

10. Mau chứng đắc giải thoát.

Công đức như vậy do quét dọn, lau chùi bụi bặm nơi tháp miếu của Phật mà có được.

Nếu có người dâng cúng dù lọng cho tháp miếu của Như Lai thì được mười thứ công đức. Những gì là mười?

1. Xa lìa mọi thứ phiền não bức bách.

2. Tâm không tán loạn.

3. Có địa vị nơi thế gian.

4. Nghề nghiệp rộng lớn.

5. Phước đức vô lượng.

6. Được làm vua Chuyển luân.

7. Thân tướng viên mãn.

8. Xa lìa ba đường ác.

9. Mạng chung sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng đắc giải thoát.

Công đức như vậy là do dâng cúng dù lọng cho tháp miếu của Phật mà có được.

Nếu hoặc có người dâng cúng chuông, linh nơi tháp miếu của Phật, thì được mười thứ công đức? Những gì là mười?

1. Thân tướng đoan nghiêm, không gì sánh được.

2. Âm thanh vi diệu thật đáng ưa thích.

3. Tiếng nói như tiếng chim Ca-lăng-tần-già.

4. Ngôn từ dịu dàng, hòa nhã.

5. Ai thấy cũng hoan hỷ.

6. Được sự đa văn như Tôn giả A-nan.

7. Luôn được tôn quý tự tại.

8. Tiếng tốt đồn xa.

9. Thường được sanh nơi cõi trời.

10. Đạt đến cứu cánh là giải thoát.

Công đức như vậy là do dâng cúng chuông, linh nơi tháp miếu của Phật mà được quả báo thù thắng.

Nếu lại có người dâng cúng cờ phướn nơi tháp miếu của Như Lai thì được mười công đức. Những gì là mười?

1. Hình dung đầy đặn, cân đối, luôn được trường thọ.

2. Được đời quý trọng kính mến.

3. Tín căn vững bền.

4. Hiếu dưỡng đối với cha mẹ.

5. Quyến thuộc bạn bè tốt đông đúc.

6. Tiếng tốt được mọi người khen ngợi.

7. Sắc tướng đoan nghiêm.

8. Ai thấy cũng hoan hỷ.

9. Được sanh vào tộc họ tôn quý, giàu có, tự tại, mạng chung được sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng đắc giải thoát.

Công đức như vậy là do dâng cúng cờ phướn cho tháp miếu của Phật mà được.

Nếu có người dâng cúng vải lụa cho tháp miếu của Như lai thì được mười hai thứ công đức hơn hết. Những gì là mười hai?

1. Thân thể cân đối, đầy đặn.

2. Ai thấy cũng hoan hỷ.

3. Phước tướng tươi sáng.

4. Sắc tướng vi diệu.

5. Tướng mạo đẹp đẽ không ai sánh kịp.

6. Thân không có bụi bặm cấu uế.

7. Y phục luôn sạch đẹp.

8. Đồ nằm luôn mềm mại.

9. Luôn được tự tại.

10. Mạng chung được sanh lên cõi trời.

11. Ai thấy cũng đều kính yêu.

12. Mau chứng đắc giải thoát.

Công đức như vậy là do dâng cúng vải lụa cho tháp miếu của Phật mà có được.

Nếu lại có người cúng dường hoa cho tháp miếu của Như Lai thì có mười công đức. Những gì là mười?

1. Sắc tướng đẹp như hoa

2. Thế gian không thể so sánh.

3. Tỷ căn không hư hoại.

4. Thân lìa mọi sự hôi hám, dơ nhớp.

5. Luôn có mùi thơm vi diệu, thanh tịnh.

6. Vãng sanh nơi tịnh độ trong mười phương, được thấy Phật.

7. Hương giữ giới lan tỏa thơm khắp.

8. Thế gian luôn quý trọng, được pháp lạc viên mãn.

9. Được tự tại sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng đắc giải thoát.

Công đức như vậy là do dùng hoa cúng dường nơi tháp Xá-lợi của Phật mà được.

Lại nếu có người dùng tóc trải ra để dâng cúng nơi tháp miếu của Như Lai, thì được mười thứ công đức. Những gì là mười?

1. Sắc tướng mềm mại như tóc mượt.

2. Thân không hôi thối, dơ nhớp.

3. Thân thể luôn thanh tịnh.

4. Được sanh về cõi Phật trong mười phương.

5. Hương giới lan tỏa thơm khắp.

6. Luôn tỏa mùi thơm vi diệu.

7. Quyến thuộc được đông đủ.

8. Các căn đầy đủ, lanh lợi.

9. Được tự tại sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng Niết-bàn.

Công đức như vậy là do dâng cúng tóc nơi tháp miếu của Như Lai mà có được.

Nếu lại có người dùng đèn cúng dường nơi tháp Xá-lợi của Phật, thì được mười công đức.

Những gì là mười?

1. Được nhục nhãn thanh tịnh.

2. Được thiên nhãn thanh tịnh.

3. Xa lìa ba thứ độc hại.

4. Được các pháp lành.

5. Được trí tuệ thông minh.

6. Xa lìa ngu si.

7. Không đọa vào ba cõi ác tối tăm.

8. Được tôn quý, tự tại.

9. Thường được sanh đến các cõi trời.

10. Mau chứng đắc giải thoát.

Công đức như vậy là do cúng dường đèn đuốc cho tháp Xá-lợi của Phật mà có được.

Nếu lại có người dùng hương xoa cúng dường tháp miếu của Như Lai thì được mười công đức.

Những gì là mười?

1. Tỷ căn luôn được thanh tịnh.

2. Thân không có hôi thối, dơ nhớp.

3. Thân thể luôn sạch, có mùi thơm vi diệu.

4. Hình tướng đoan nghiêm.

5. Được thế gian cung kính.

6. Ưa thích chánh pháp, ham hiểu biết.

7. Luôn được tôn quý, tự tại.

8. Tiếng tốt đồn khắp.

9. Mạng chung được sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng đắc Niết-bàn.

Mười thứ công đức như vậy là do dùng hương xoa cúng dường nơi tháp Xá-lợi của Đức Như Lai mà có được.

Nếu lại có người dùng âm nhạc vi diệu cúng đường tháp miếu của Phật thì được mười thứ công đức thù thắng. Những gì là mười?

1. Thân tướng đoan nghiêm.

2. Ai thấy cũng hoan hỷ.

3. Được âm thanh vi diệu.

4. Ngôn từ hòa thuận.

5. Các căn luôn đầy đủ, thích hợp.

6. Xa lìa sự sân hận.

7. Được sự đa văn của ngài Khánh Hỷ.

8. Luôn được, tôn quý, tự tại.

9. Mạng chung được sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng đắc Niết-bàn.

Công đức như vậy là do dùng âm nhạc vi diệu cúng dường tháp miếu của Phật mà đạt được.

Nếu lại có người hoan hỷ tán thán tháp miếu của Như Lai thì được mười tám thứ công đức thù thắng. Những gì là mười tám?

1. Được sanh vào tộc họ tôn quý, cao thượng.

2. Hình tướng đoan nghiêm.

3. Thân thể đầy đặn, cân đối.

4. Ai trông thấy, nghe biết cũng đều hoan hỷ.

5. Tiền của vô lượng.

6. Quyến thuộc đông đúc.

7. Không bị mất mát, hư hoại.

8. Luôn được tôn quý, tự tại.

9. Thường sanh về cõi Phật.

10. Tiếng lành đồn xa.

11. Đức tốt luôn được tán dương.

12. Bốn sự việc luôn được dồi dào.

13. Người, trời đều cúng dường.

14. Được làm Chuyển luân vương.

15. Thọ mạng được lâu dài.

16. Thể tánh bền chắc như kim cương.

17. Mạng chung được sanh lên cõi trời.

18. Mau chứng đắc Niết-bàn.

Công đức như vậy là do hoan hỷ tán thán tháp Xá-lợi của Phật.

Nếu lại có người dâng cúng giường tòa cho Phật thì được mười thứ công đức. Những gì là mười?

1. Uy đức được tôn quý.

2. Được thế gian khen ngợi.

3. Các căn đầy đủ, khỏe khoắn.

4. Tiếng tốt lan xa.

5. Đức quý luôn được ca tụng.

6. An hòa, vui thích.

7. Được ngồi tòa của Chuyển luân vương, kẻ hầu hạ đầy đủ.

8. Ai thấy cũng hoan hỷ.

9. Được tự tại sanh lên cõi trời, đầy đủ phước tướng.

10. Mau chứng đắc Niết-bàn.

Công đức như vậy là do dâng cúng giường tòa cho Phật mà được các phước báo thù thắng ấy.

Nếu lại có người dâng đem giầy dép cúng dường cho Tăng chúng của Phật thì được mười công đức. Những gì là mười?

1. Uy nghi đúng bậc mô phạm.

2. Voi ngựa không thiếu.

3. Luôn dốc hết tâm sức hành đạo.

4. Thân không mệt mỏi.

5. Chân đi không tổn hại.

6. Xa lìa mọi thứ gai góc, cát sỏi.

7. Được thần túc thông.

8. Tôi tớ đông đảo.

9. Được tự tại sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng đắc Niết-bàn.

Công đức như vậy là do cúng dường giày dép cho Tỳ-kheo chúng của Phật mà có được.

Nếu lại có người bỏ các thứ vật dụng hàng ngày vào bình bát cúng dường cho Phật và Tăng, thì được mười thứ công đức. Những gì là mười?

1. Hình sắc tươi sáng, đẹp đẽ.

2. Đồ dùng đầy đủ, tùy ý thọ dụng.

3. Không bị các sự đói khát.

4. Châu báu thật dồi dào.

5. Xa lìa đường ác.

6. Trời, người đều hoan hỷ.

7. Phước tướng viên mãn.

8. Luôn được tôn quý, tự tại.

9. Thường được sanh lên các cõi trời.

10. Mau chứng đắc Niết-bàn.

Công đức như vậy là do dâng cúng các vật dụng nên được quả báo ấy.

Nếu lại có người dùng cơm chay cúng dường Phật và chúng Tăng thì được mười công đức.

Những gì là mười?

1. Thọ mạng lâu dài.

2. Hình sắc đầy đặn cân đối.

3. Luôn có sức lực.

4. Có trí nhớ tốt.

5. Đó đủ trí tuệ, biện tài.

6. Ai thấy cũng hoan hỷ.

7. Châu báu, của cải dồi dào.

8. Ở cõi người, cõi trời luôn được tự tại.

9. Sau khi chết được sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng đắc Niết-bàn.

Mười thứ công đức thù thắng như vậy là do cúng dường cơm chay cho Phật và chúng Tăng mà có được.

Nếu lại có người dùng voi, ngựa, xe cộ cúng thí cho Phật và chúng Tăng thì có được mười công đức. Những gì là mười?

1. Tướng nơi chân mềm mại.

2. Luôn có đầy đủ oai nghi.

3. Thân thể không bị mệt mỏi.

4. Luôn an lạc, không bệnh tật.

5. Xa lìa mọi oán thù.

6. Đạt thần túc tự tại.

7. Có nhiều kẻ hầu hạ, giúp việc.

8. Có phước tướng của trời, người, ai thấy cũng hoan hỷ.

9. Sau khi chết được sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng đắc giải thoát.

Công đức như vậy là do dùng xe cộ, voi ngựa cúng thí cho Phật và chúng Tăng mà có được.

Nếu lại có người làm công việc tu sửa phòng ốc, trú xứ, điện thờ cúng dường cho Phật và chúng Tăng thì đạt được nhiều thứ công đức. Hành tướng của những công đức ấy như thế nào?

- Luôn xa lìa mọi sự sợ hãi.

- Thân tâm thường an lạc.

- Có được các vật dụng để nằm luôn mềm mại, đẹp đẽ.

- Y phục mặt nơi thân luôn trang nghiêm, tỏa ra hương thơm thanh tịnh.

- Ở cõi người hay cõi trời luôn được năm dục tự tại.

- Được sanh vào hai chủng tộc lớn là Sát-đếlợi và Bà-la-môn.

- Đối với các hàng trưởng giả, cư sĩ, quan lại, thương chủ, quốc vương, đại thần với những sở hữu về thôn xóm, thành ấp, tất cả đều thành tựu theo sở nguyện của mình.

- Nếu làm Chuyển luân Thánh vương thì tùy theo phước đức và khả năng mà thống lãnh một châu, hai châu, cho đến bốn châu, tự tại giáo hóa.

- Nếu sanh vào các cõi trời thuộc Dục giới như Tứ vương, Đao-lợi, cho đến Tha hóa tự tại, thì mọi ý nguyện đều được thành tựu, tùy ý sanh đến.

- Nếu lại có người do diệu lực nơi phước đức từ đời trước, đối với các cõi trời thuộc Sắc giới như cõi Phạm chúng, Phạm phụ, cho đến cõi trời Sắc cứu cánh, đều được thành tựu theo ý nguyện sanh về các cõi ấy.

- Nếu lại có người, đối với các cõi trời thuộc Vô sắc giới như cõi Không vô biên xứ, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ đều được thành tựu theo sở nguyện sanh về các cõi ấy. Hoặc đối với các đạo quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Duyên giác, cho đến Bậc Vô Thượng Bồ-đề, tùy theo sở nguyện cũng đều được thành tựu. Công đức như vậy có đến vô lượng, nhân làm công việc tu sửa phòng ốc, trú xứ, điện thờ, cúng dường cho Phật và Tăng chúng mà được phước báo như thế.

Nếu có người đem thức ăn ngon, thuốc tốt dâng cúng cho Phật và chư Tăng sẽ được mười loại công đức. Những gì là mười?

1. Các căn viên mãn.

2. Trong sạch, thanh khiết.

3. Trán rộng, bằng phẳng.

4. Dung mạo đáng yêu.

5. Hình sắc rạng rỡ, thanh tú.

6. Phước đức viên mãn.

7. Xa lìa sự đói khát.

8. Xa lìa ba đường ác.

9. Sanh Thiên một cách tự tại.

10. Mau chứng Niết-bàn.

Công đức như vậy là do cúng dường thức ăn ngon, thuốc tốt cho Đức Phật và chư Tăng mà có được.

Nếu có người theo Phật xuất gia sẽ có mười công đức. Những gì là mười?

1. Xa lìa thê thiếp.

2. Không tham nhiễm dục.

3. Ái lạc tịch tĩnh.

4. Chư Phật hoan hỷ.

5. Xa lìa các thứ tà ma.

6. Gần Phật được nghe pháp.

7. Xa lìa ba đường ác.

8. Được chư Thiên quý kính.

9. Mạng chung được sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng đắc giải thoát.

Mười thứ công đức như vậy là do theo Phật xuất gia mà đạt được.

Nếu có Tỳ-kheo ở chốn rừng núi vắng vẻ, tịch tĩnh để tu tập thì đạt được mười thứ công đức.

Những gì là mười?

1. Xa lìa sự ồn ào huyên náo.

2. Luôn thanh tịnh, tinh khiết.

3. Thành tựu các pháp thiền định.

4. Được chư Phật thương tưởng.

5. Không bị mạng yểu nửa chừng.

6. Được sự hiểu biết rộng khắp và các pháp Tổng trì.

7. Thành tựu các pháp Chỉ và Quán.

8. Phiền não không khởi.

9. Mạng chung được sanh lên cõi trời.

10. Mau chứng đắc giải thoát.

Công đức như vậy là do Tỳ-kheo tu hành ở chốn rừng núi vắng lặng mà đạt được.

Như có Tỳ-kheo ôm bình bát đi khất thực thì có mười thứ công đức. Những gì là mười?

1. Luôn đầy đủ oai nghi.

2. Đem lại mọi thành tựu đầy đủ cho các hữu tình.

3. Xa lìa tâm ngã mạn.

4. Không tham đắm danh lợi.

5. Tạo phước điền cho khắp nơi.

6. Được chư Phật hoan hỷ.

7. Khiến cho Tam bảo luôn được hưng thịnh.

8. Phạm hạnh viên mãn, dứt bỏ ý nghĩ về sự thấp hèn.

9. Mạng chung sanh lên cõi trời.

10. Đạt đến cứu cánh giải thoát.

Công đức như vậy là do thường ôm bình bát đi khất thực mà có được.

Nếu có Tỳ-kheo ôm bát khất thực, xa lìa mười thứ tối tăm thì, được mười thứ công đức như vầy. Những gì là mười?

1. Biết rõ việc ra vào xóm làng là có ích hay không có ích.

2. Biết rõ gia đình, dòng họ lúc đi đến là có ích hay không có ích.

3. Biết rõ việc thuyết pháp là có ích hay không có ích.

4. Biết rõ việc thân cận các bậc A-xà-lê; Hòa thượng là có ích hay không có ích.

5. Biết rõ việc dùng tâm từ bi giáo hóa đem lại lợi lạc cho chúng sanh là có ích hay không có ích.

6. Biết rõ sự gần gũi hay xa lìa là có ích hay không có ích.

7. Biết rõ tu học thực hành ba món giới, định, tuệ là có ích hay không có ích.

8. Biết rõ việc đàn-na tín thí cúng dường y là có ích hay không có ích.

9. Biết rõ ôm bình bát đi vào đường hẻm là có ích hay không có ích.

10. Biết rõ việc thọ dụng đồ nằm, thuốc thang, cho đến hết cả đời là có ích hay không có ích.

Do biết rõ như vậy nên được mười thứ quả báo thù thắng như thế.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với Trưởng giả Duca:

–Sự tạo nghiệp từ nhân sanh khởi, hủy diệt, có trước, sau, dẫn dắt tạo đủ mọi thứ sai khác cho nên quả báo mới có cao, thấp, ngu, trí cách biệt.

Trưởng giả Du-ca bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn, trong dòng họ Ô-bá-tắc-ca cùng tất cả các chủng tộc Sát-đế-lợi, Bà-la-môn ở nước Xá-vệ được nghe pháp này chắc chắn sẽ hoan hỷ, nhớ nghĩ và thọ trì. Quyến thuộc của chúng con đều rất vui thích, quy kính mãi mãi được an lạc, lợi ích cho mình và cho người không cùng tận.

Đức Phật dạy:

–Lành thay! Lành thay! Này Trưởng giả Duca, đúng như lời ông nói.

Đức Thế Tôn giảng nói như vậy xong, Trưởng giả Du-ca, con của Đâu-nễ-dã và các Bí-sô, cùng vô lượng trăm ngàn người và không phải người... thảy đều hoan hỷ, lạy Phật rồi lui ra.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]