TẠNG KINH
SỐ 82 - PHẬT NÓI KINH Ý
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo an tọa một mình trong phòng, khởi lên ý nghĩ: “Cái gì dẫn dắt mọi việc nơi thế gian? Vì sao phải thọ khổ? Do sự sanh khởi nào mà sự việc được tiến hành?”.
Vào lúc xế trưa, Tỳ-kheo ấy từ thiền tọa đứng dậy, đi đến chỗ Đức Thế Tôn cung kính đảnh lễ, ngồi qua một bên, rồi thưa:
–Bạch Thế Tôn, hôm nay con ngồi một mình trong phòng, khởi lên ý nghĩ như vầy: “Cái gì dẫn dắt mọi việc nơi thế gian? Vì sao phải thọ khổ? Do sự sanh khởi nào mà sự việc được tiến hành?”.
Đức Thế Tôn nghe xong, khen ngợi:
–Lành thay! Lành thay! Này Tỳ-kheo, đó là con đường hiền thiện có sự quán chiếu đúng đắn, biện tài khéo léo nên mới khéo suy nghĩ: “Cái gì dẫn dắt mọi việc nơi thế gian? Vì sao phải thọ khổ? Do sự sanh khởi nào mà sự việc được tiến hành?”. Này Tỳ-kheo, nghi vấn của thầy có phải như vậy chăng?
Tỳ-kheo thưa:
–Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Thế Tôn nói:
–Này Tỳ-kheo, do ý dẫn dắt mọi việc nơi thế gian, do ý nên thọ khổ, do ý sanh khởi mà dẫn dắt mọi việc. Này Tỳ-kheo, do ý dẫn dắt mọi việc nơi thế gian, phải thọ khổ, do ý sanh khởi nên dẫn dắt mọi việc. Này Tỳ-kheo, đệ tử của bậc Thánh giác ngộ đối với sự việc ý lôi kéo, ý sanh khởi dẫn dắt, này Tỳ-kheo, đệ tử của bậc Thánh giác ngộ như các vị A-la-hán có thể tự chế ngự ý, tự mình không tùy thuận theo sự dẫn dắt của ý.
Tỳ-kheo thưa:
–Lành thay! Bạch Thế Tôn.
Tỳ-kheo ấy đã nghe Đức Thế Tôn chỉ dạy, khéo ưa thích, khéo thấu hiểu, rồi lại hỏi tiếp:
–Bạch Thế Tôn, được gọi là Tỳ-kheo đa văn. Bạch Thế Tôn, sao gọi là Tỳ-kheo đa văn? Bạch Đức Thế Tôn, như thế nào là Tỳ-kheo đa văn?
Đức Thế Tôn nghe xong, khen ngợi:
–Lành thay! Lành thay! Này Tỳ-kheo, đó là con đường hiền thiện có sự quán chiếu đúng đắn, là biện tài, nên mới khéo hỏi: “Bạch Thế Tôn, nói Tỳ-kheo đa văn, bạch Thế Tôn, sao gọi là Tỳ-kheo đa văn? Đức Như Lai nói thế nào là Tỳ-kheo đa văn?”. Này Tỳ-kheo, có phải thầy hỏi như vậy chăng?
Thầy Tỳ-kheo thưa:
Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Thế Tôn nói:
–Này Tỳ-kheo, những điều Ta thuyết giảng rất nhiều: Một là Khế kinh, hai là Ca vịnh (Ứng tụng), ba là Ký biệt, bốn là Kệ tha (Già-đà, Phúng tụng), năm là Nhân duyên, sáu là Pháp cú, bảy là Thí dụ, tám là Sở ứng (Bản sự), chín là Sanh xứ (Bản sinh), mười là Phương đẳng (Phương quảng), mười một là Vị tằng hữu và mười hai là Thuyết pháp (Luận nghĩa). Này Tỳ-kheo, nếu có bất cứ ai chỉ nghe Ta nói bốn câu kệ mà biết nghĩa, biết pháp, theo đúng pháp thực hành, cùng tương ưng với pháp, như pháp mà thuyết giảng. Như vậy gọi là Tỳ-kheo đa văn, như vậy chính là Tỳ-kheo đa văn, Như Lai nói đó là Tỳ-kheo đa văn.
Thầy Tỳ-kheo thưa:
–Lành thay! Bạch Thế Tôn.
Tỳ-kheo ấy nghe Đức Thế Tôn dạy, khéo tư duy nhớ nghĩ, khéo hoan hỷ phụng hành, rồi lại hỏi tiếp:
–Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo nghe thuyết giảng giáo pháp xong, thể hiện có trí tuệ nhanh nhạy. Bạch Thế Tôn, sao gọi là Tỳ-kheo nghe thuyết pháp xong được gọi là bậc có trí tuệ nhanh nhạy? Thế nào là Tỳ-kheo được Đức Như Lai khen ngợi là bậc có trí tuệ nhanh nhạy?
Đức Thế Tôn bảo:
–Này Tỳ-kheo, lành thay! Lành thay! Đó là con đường hiền thiện, có sự quán chiếu đúng đắn, biện tài, nên mới khéo hỏi rằng: “Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo nghe thuyết giảng giáo pháp xong, thể hiện có trí tuệ nhanh nhạy. Bạch Thế Tôn, Đức Thế Tôn nói như thế nào là Tỳ-kheo nghe thuyết giảng giáo pháp xong thể hiện là bậc có trí tuệ nhanh nhạy?”. Này Tỳ-kheo, có phải thầy đã hỏi như vậy chăng?
Tỳ-kheo thưa:
–Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!
Đức Thế Tôn dạy:
–Này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo kia khi nghe giảng rằng: “Đây là khổ”, liền dùng trí tuệ mà nhận biết như thật. Khi nghe “Nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường tu tập để diệt trừ khổ” thì liền dùng trí tuệ nhận biết như thật là Khổ tập (nguyên nhân của khổ), Khổ tận (sự diệt khổ), Khổ tận trú xứ (con đường tu tập để diệt trừ khổ). Tỳ-kheo ấy nghe xong, dùng trí tuệ để nhận biết đúng như thế. Này Tỳ-kheo, như vậy là Tỳ-kheo nghe giảng nói xong thể hiện là bậc có trí tuệ nhanh nhạy, Đức Như Lai nói đó là Tỳ-kheo nghe giảng xong là bậc có trí tuệ nhanh nhạy.
Tỳ-kheo thưa:
–Lành thay! Bạch Thế Tôn.
Tỳ-kheo ấy nghe Đức Thế Tôn dạy xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:
–Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo thông đạt, có biện tài sắc bén, được gọi là Tỳ-kheo thông đạt, trí tuệ sắc bén. Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo thông đạt, trí tuệ sắc bén? Đức Như Lai nói thế nào là Tỳ-kheo thông đạt trí tuệ, biện tài sắc bén? Đức Thế Tôn nghe xong khen ngợi:
–Lành thay! Lành thay! Này Tỳ-kheo, đó là con đường hiền thiện có sự quán chiếu đúng đắn, là biện tài, nên mới hỏi rằng: “Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo thông đạt, trí tuệ mẫn tiệp được gọi là Tỳ-kheo thông đạt, biện tài mẫn tiệp. Bạch Thế Tôn, sao gọi là Tỳ-kheo thông đạt, trí tuệ, biện tài mẫn tiệp? Đức Như Lai nói thế nào là Tỳ-kheo thông đạt, trí tuệ, biện tài mẫn tiệp?”. Này Tỳ-kheo, có phải thầy đã hỏi như vậy chăng?
Tỳ-kheo thưa:
Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Thế Tôn dạy:
–Này Tỳ-kheo, nếu vị Tỳ-kheo không có ý niệm tự hại, không có ý niệm hại kẻ khác, cũng không có ý niệm gây hại cả hai. Tỳ-kheo ấy chỉ có ý niệm làm lợi ích cho chính mình, cũng đem lại lợi ích cho kẻ khác, đem lại lợi ích cho nhiều người, luôn thương xót mọi chúng sanh nơi thế gian, mong muốn cho trời, người luôn được lợi ích, ý nghĩa. Tỳ-kheo như vậy là thông đạt, trí tuệ mẫn tiệp. Như Lai nói đó là Tỳ-kheo thông đạt trí tuệ, biện tài mẫn tiệp.
Tỳ-kheo ấy thưa rằng:
–Lành thay! Bạch Thế Tôn.
Tỳ-kheo ấy nghe Đức Thế Tôn chỉ dạy, khéo tư duy, nhớ nghĩ, thọ trì, đọc tụng xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Đức Thế Tôn, nhiễu quanh chỗ Đức Thế Tôn rồi lui ra.
Bấy giờ Tỳ-kheo ấy theo sự dẫn dạy của Đức Thế Tôn, sống một mình ở nơi thanh tịnh, tâm không tán loạn, an trụ nơi cảnh tịch tịnh. Vị Tỳ-kheo ấy sống một mình ở nơi yên tĩnh, tâm không tán loạn, an trụ nơi cảnh tịch tĩnh, để đạt được mục đích mà một người khi cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, tin vui xuất gia, bỏ nhà học đạo là chỉ mong thành tựu phạm hạnh vô thượng, thấy pháp, đạt thần thông, trụ nơi tác chứng. Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, biết đúng như thật về danh sắc. Vị Tôn giả ấy đã biết pháp rồi, liền chứng quả A-la-hán.
Đức Phật thuyết giảng như vậy, Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Đức Phật chỉ dạy, hoan hỷ phụng hành.