TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 83 - PHẬT NÓI KINH ỨNG PHÁP

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ.


Nghe như vầy:

Một thời Đức Bà-già-bà ở tại xứ Pháp trị, thuộc nước Câu-loại. Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Ở nơi thế gian này, dâm như vậy, dục như vậy, ái như vậy, lạc như vậy, hỷ như vậy, chỉ là pháp hư hoại. Không nên tham ái, không nên nhớ nghĩ về các pháp bại hoại. Nếu nhớ nghĩ về pháp ái tăng thì các thứ dâm như vậy, dục như vậy, ái như vậy, lạc như vậy, hỷ như vậy, khiến cho pháp bất thiện tăng dần, pháp thiện đáng yêu thích giảm dần. Pháp của ta rất sâu xa, khó thấy, khó nhận, khó rõ, khó biết. Pháp của Ta hết mực thâm diệu khó thấy, khó nhận, khó rõ, khó biết như thế sẽ khiến cho ngay hiện tại sự không ưa pháp thiện giảm xuống, sự ưa pháp thiện tăng trưởng, cùng với bốn pháp sau tương ưng, thế gian có sự việc ấy. Thế nào là bốn?

- Có pháp tương ưng: hiện tại vui nhưng về sau thọ quả báo khổ.

- Có pháp tương ưng: hiện tại khổ nhưng về sau thọ quả báo vui.

- Có pháp tương ưng: hiện tại khổ, về sau thọ quả báo khổ.

- Có pháp tương ưng: hiện tại vui, về sau thọ quả báo vui.

Thế nào là có pháp tương ưng: hiện tại vui, về sau thọ quả báo khổ?

Hoặc có người tự mình ưa thích, hoan hỷ làm việc giết hại, nhân việc giết hại lấy đó làm sung sướng, hoan hỷ. Kẻ ấy sung sướng, hoan hỷ với việc không cho mà lấy, hành dâm dục, nói dối, cho đến tà kiến. Nhân tạo tà kiến ấy mà lấy đó làm hoan hỷ, lấy đó làm vui sướng. Kẻ ấy thân ưa thích việc bất thiện, ý ưa thích pháp bất thiện, như vậy là đều bất thiện, nên không đạt được thần thông, không đưa đến đạo giác ngộ, không tương ưng với Niết-bàn. Pháp này tương ưng: hiện tại vui sướng nhưng về sau thọ quả báo khổ.

Thế nào là pháp tương ưng: hiện tại khổ nhưng về sau thọ quả báo vui?

Hoặc có người tự tu tập khổ hạnh, không ham thích điều vui, từ bỏ nhân gây giết hại, từ bỏ việc giết hại, không thích làm việc không cho mà lấy, không hành dâm dục, nói dối... cho đến tà kiến. Nhân xả bỏ tà kiến, cho mọi thứ kiến chấp là khổ, là không vui. Thân hành khổ, ý hành khổ như thế, nhưng như vậy là thiện, thành tựu thần thông, đưa đến đạo giác ngộ, cùng tương ưng với Niết-bàn. Pháp này tương ưng: hiện tại khổ nhưng về sau thọ quả báo vui.

Thế nào là pháp tương ưng: hiện tại khổ, về sau thọ quả báo khổ?

Hoặc có người tự làm điều khổ, tự mình không hoan hỷ, làm việc giết hại; nhân sự giết hại nên mới bị khổ, không hoan hỷ. Kẻ ấy tự mình làm điều khổ, tự làm điều không hoan hỷ, không cho mà lấy, hành dâm dục, nói dối... cho đến tà kiến. Nhân tà kiến nên không được an lạc, không hoan hỷ. Thân làm khổ, ý làm khổ như vậy, làm điều bất thiện phải thọ lãnh điều bất thiện, không thành tựu thần thông, không đưa đến đạo giác ngộ, không tương ưng với Niết-bàn. Pháp này tương ưng: hiện tại khổ, về sau thọ báo khổ.

Thế nào là pháp tương ưng: hiện tại vui, về sau thọ quả báo vui?

Hoặc có người tự làm điều vui, tự làm việc hoan hỷ, xả bỏ việc giết hại; nhân xả bỏ việc giết hại, lấy đó làm vui, lấy đó làm thích. Kẻ ấy vui thích với việc xả bỏ sự không cho mà lấy, không hành dâm dục, nói dối… cho đến tà kiến. Nhân xả bỏ tà kiến, cho đó là vui, cho đó là thích. Thân ưa thích, ý ưa thích như vậy, làm điều thiện đúng là thiện nên thành tựu thần thông, cho đến đạo giác ngộ, cùng tương ưng với Niết-bàn. Pháp này tương ưng: hiện tại vui mà đời sau thọ báo vui.

Gọi pháp mà tương ưng với pháp này hiện tại vui, về sau thọ báo khổ, bởi vì đó không phải là tuệ mà bậc trí thuyết giảng. Không biết đúng như thật, cùng tương ưng với pháp này, cho nên hiện tại vui mà về sau thọ báo khổ. Kẻ ấy không biết như thật như thế nên tạo tác mà không xả bỏ. Vì kẻ ấy tạo tác mà không xả bỏ cho nên pháp bất ái, bất lạc được tăng trưởng, còn pháp đáng ái, đáng lạc bị tổn giảm. Giống như loại thuốc A-ma-ni, đầy đủ sắc, đầy đủ hương, đầy đủ vị, nhưng xen lẫn với chất độc. Có người bị bệnh liền uống vào. Kẻ đó uống vào khỏi miệng, uống xong thì thuốc liền biến thành chẳng phải thuốc. Như vậy cùng pháp này tương ưng: hiện tại vui mà về sau thọ báo khổ, thì chẳng phải là người có trí tuệ. Vì chẳng phải là bậc trí tuệ nêu giảng nên không biết đúng như thật, nên cùng tương ưng với pháp này: hiện tại vui mà về sau thọ báo khổ. Vì kẻ ấy không biết đúng như thật, nên cứ thực hành, không xả bỏ. Vì kẻ ấy chỉ thực hành, không chịu xả bỏ, nên pháp bất ái, pháp bất lạc tăng trưởng; còn pháp ái, pháp lạc thì tổn giảm. Pháp đó chẳng phải là trí tuệ.

Gọi pháp tương ưng này là: hiện tại khổ mà về sau được quả báo vui, vì đó chẳng phải là pháp trí tuệ. Vì chẳng phải là bậc trí tuệ nêu giảng nên không biết đúng như thật, cùng pháp này tương ưng nên hiện tại khổ, về sau thọ quả báo vui. Kẻ ấy không biết đúng như thật, cũng không hành, lại xả bỏ. Do kẻ ấy không thực hành, lại xả bỏ nên pháp bất ái, bất lạc tăng trưởng, còn pháp ái, hỷ thì bị tổn giảm. Pháp ấy chẳng phải là trí tuệ.

Pháp tương ưng: hiện tại khổ mà về sau thọ báo khổ ấy chẳng phải là pháp trí tuệ. Vì chẳng phải là bậc trí tuệ nêu giảng, cùng pháp ấy tương ưng cho nên hiện tại khổ, về sau thọ báo khổ. Vì không biết đúng như thật nên kẻ ấy thực hành mà không xả bỏ. Vì kẻ ấy thực hành, không xả bỏ cho nên pháp bất ái, bất lạc tăng trưởng, còn pháp ái, pháp lạc thì bị tổn giảm. Giống như đại tiện tiểu tiện có chất độc, có người bệnh lấy thứ đó uống. Khi kẻ ấy uống, cổ đau đớn không nuốt xuống được và hôi thối, vô vị; khi uống vào làm hư cổ, uống xong biến thành chẳng phải thuốc. Tương ưng với pháp như vậy nên hiện tại khổ, về sau thọ báo khổ. Vì không biết đúng như thật, nghĩa là cùng tương ưng với pháp này nên hiện tại khổ, về sau thọ báo khổ. Vì không biết đúng như thật, nên kẻ ấy thực hành, không chịu xả bỏ. Vì thực hành, không chịu xả bỏ nên pháp bất ái, bất hỷ dần dần tăng trưởng, còn pháp ái, hỷ dần dần bị tổn giảm. Pháp ấy không phải là trí tuệ.

Gọi pháp tương ưng này là: hiện tại vui, về sau được quả báo vui, là vì đó chẳng phải là pháp trí tuệ, do bậc trí tuệ nói ra. Không biết đúng như thật nên kẻ ấy tương ưng với pháp này: hiện tại vui, về sau được quả báo vui. Kẻ ấy không biết đúng như thật nên không thực hành việc xả bỏ, xa lìa. Vì không xả bỏ, không xa lìa, nên pháp bất ái, bất hỷ dần dần tăng trưởng, còn pháp ái, hỷ dần dần tổn giảm. Pháp ấy chẳng phải là trí tuệ.

Việc thực hành pháp biết như thật ấy, việc không thực hành pháp biết như thật ấy, người thực hành pháp biết như thật ấy, người không thực hành pháp biết như thật ấy đã chưa thực hành pháp đáng hành, hành pháp không đáng hành. Kẻ ấy chưa hành pháp đáng hành mà lại hành pháp không nên hành, do đó pháp bất thiện dần dần tăng trưởng, pháp thiện dần dần tổn giảm. Pháp ấy chẳng phải là trí tuệ.

Vị ấy cần tương ưng với pháp: hiện tại vui, về sau thọ báo khổ, do bậc trí tuệ, người trí tuệ nói ra, biết đúng như thật. Vị ấy tương ưng với pháp ấy nên hiện tại vui, về sau thọ báo khổ. Vị ấy biết như thật như vậy. Vị ấy không thực hành mà xả bỏ, xa lìa; đã không thực hành và đã xả bỏ, xa lìa; liền không thực hành, liền xả bỏ, xa lìa nên pháp bất thiện tổn giảm, pháp thiện được tăng trưởng. Pháp đó là trí tuệ.

Vị ấy tương ưng với pháp: hiện tại khổ, về sau thọ báo vui ấy là pháp trí tuệ, do bậc trí nói ra; biết pháp ấy là chân thật. Vị ấy tương ưng với pháp ấy nên hiện tại khổ, về sau thọ quả báo vui. Vị ấy biết như thật như vậy. Vị ấy thực hành, không xả bỏ; đã không thực hành, không xả bỏ nên pháp bất ái, bất hỷ tổn giảm; pháp ái, pháp hỷ tăng trưởng. Pháp ấy là trí tuệ. Giống như đại tiểu tiện có các thứ dược thảo xen lẫn, có người bị bệnh lấy để uống. Khi kẻ ấy uống, không dừng ở cổ, lúc uống tuy có gây khó chịu nơi cổ, uống xong thì công hiệu như dược pháp. Tương ưng với pháp: hiện tại khổ, về sau thọ báo vui ấy như vậy, là trí tuệ, do bậc trí nói ra, biết như thật. Đó là tương ưng với pháp: hiện tại khổ, về sau thọ báo vui ấy. Vị ấy biết như thật như vậy nên thực hành, không xả bỏ; đã được hành không xả bỏ cho nên pháp bất ái, bất hỷ tổn giảm; pháp ái, hỷ được tăng trưởng. Pháp đó là trí tuệ.

Vị ấy tương ưng pháp này, hiện tại khổ, về sau thọ quả báo khổ là pháp trí tuệ, do bậc trí tuệ nói ra, biết đúng như thật. Đó là tương ưng với pháp này: hiện tại khổ, sau thọ quả báo khổ. Vị ấy biết như thật như vậy. Vị ấy không thực hành, xả bỏ, xa lìa, đã không thực hành, đã xả bỏ, xa lìa nên pháp bất ái, bất hỷ tổn giảm; pháp ái, hỷ được tăng trưởng. Pháp đó là trí tuệ.

Tương ưng pháp này: hiện tại vui, về sau thọ quả báo vui là pháp trí tuệ, do bậc trí tuệ nói ra, nghĩa là tương ưng pháp này: hiện tại vui, về sau thọ quả báo vui. Vị ấy biết đúng như vậy là chân thật. Vị ấy thực hành, không xả bỏ; đã thực hành, không xả bỏ, xa lìa, bất ái, bất hỷ dần giảm trừ, pháp yêu thích được tăng trưởng. Pháp đó là trí tuệ. Giống như tô mật xen lẫn các thứ thuốc, có người bệnh uống vào, khi uống vào cổ họng được thông lợi, khi uống không dừng ở cổ, uống xong ứng nghiệm như dược pháp. Tương ưng với pháp: hiện tại vui, về sau thọ báo vui ấy là trí tuệ, do bậc trí tuệ nói ra, biết đúng như thật. Đó là tương ưng với pháp này: hiện tại được vui, về sau thọ báo vui. Vị ấy biết đúng như vậy là chân thật, thực hành chẳng lìa bỏ, đã thực hành chẳng rời bỏ nên pháp không yêu thích, không đáng nhớ nghĩ bị tổn giảm và pháp yêu thích, nhớ nghĩ được tăng trưởng. Pháp ấy là trí tuệ, do bậc trí tuệ nói ra. Vị ấy thực hành pháp ấy rồi, biết đúng như thật; đã không hành pháp ấy biết đúng như thật. Vị ấy thực hành pháp, biết đúng như thật, không thực hành pháp, biết đúng như thật. Pháp không cần theo hành liền không thực hành, pháp nên thực hành thì thực hành. Vị ấy, pháp không cần thực hành liền không thực hành, pháp nên thực hành thì thực hành, do đó pháp bất thiện được tổn giảm, pháp thiện được tăng trưởng. Pháp ấy là trí tuệ, trí tuệ tương ưng với bốn pháp ấy. thế gian có thuyết ấy. Đó chính là nguyên nhân thuyết giảng kinh này.

Đức Phật giảng nói như vậy, các Tỳ-kheo nghe Đức Thế Tôn chỉ dạy, hoan hỷ phụng hành.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]