TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 85 - PHẬT NÓI KINH NHÂN DUYÊN CHẤM DỨT SỰ TRANH LUẬN

Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Thi Hộ


Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn ở trong làng của Xáma-ca Tử, vào hạ an cư. Các chúng Bí-sô ở cách Phật không xa cũng đều an cư.

Bấy giờ có Sa-môn tên là Tôn-na, cũng an cư vào hạ ở trong rừng Nhạ-lô-ca. Ở đó, có ngoại đạo thuộc phái Ni-càn-đà Nhạ-đề Tử, là người hết mực xấu ác, bỗng nhiên mạng chung. Ông Ni-càn-đà ấy có một người con, muốn tranh luận với Sa-môn. Nói như vầy:

–Pháp luật của ta chỉ có ta tự biết, chẳng phải là chỗ ông biết được. Pháp luật của ông cũng chỉ có ông tự biết, cũng chẳng phải là chỗ ta biết được. Những pháp của ta tất cả đều hợp lý. Còn các pháp của ông thì đều phi lý. Pháp của ta là hòa hợp, pháp của ông thì không hòa hợp. Những điều ông nói, lời trước dẫu đúng thì lời sau liền sai. Lời sau có thể đúng thì lời trước liền sai. Những lời ông nói đều chẳng có ý nghĩa và lợi ích, cũng không giữ lấy được. Tuy ông có giảng nói rộng khắp cũng không thể đạt được giải thoát, cũng không thể biết ý nghĩa sự thật tối thượng, nghĩa là những điều Sa-môn giảng nói không giống với pháp của ta. Vậy làm sao có thể khiến cho tâm ta lãnh hội được?

Ni-càn-đà Tử nói lời này là nhằm dấy khởi sự phá hoại, muốn gây tranh chấp để làm hao tổn sức lực, dùng duyên khổ não để hủy hoại pháp an lạc. Do nhân duyên ấy, nên đối với pháp thanh tịnh của Sa-môn vị ấy khởi lên nghiệp bất thiện. Nhằm dấy khởi sự tranh chấp, phá hoại đủ thứ, sanh tâm ngã mạn, cho là thắng người khác, nên vị ấy nói:

–Những điều Sa-môn nói đều chẳng phải là pháp luật, chẳng thể hiểu rõ, không thể đạt đến giải thoát, đối với đạo Bồ-đề không thể hướng tới. Thầy của ông chẳng phải là Bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bấy giờ Sa-môn Tôn-na mãn hạ, may y đã xong, liền rời khỏi nơi đó, mang y cầm bát, thứ lớp đi vào làng của Xá-ma-ca Tử. Đến nơi, Ngài cất y bát, rửa chân, tới chỗ của Tôn giả A-nan, cung kính đảnh lễ nơi chân Tôn giả, rồi đứng qua một bên. Tôn giả A-nan hỏi Sa-môn Tôn-na:

–Này Tôn-na, ông an cư mùa hạ ở nơi nào? Lại do duyên gì mà đến đây?

Tôn-na thưa:

–Thưa Tôn giả, tôi ở trong rừng Nhạ-lô-ca, nơi chốn xấu ác để an cư vào hạ. Ở đó ngoại đạo thuộc phái Ni-càn-đà Nhạ-đề Tử là người hết mực xấu ác, bỗng nhiên mạng chung. Ni-càn-đà có một người con muốn dấy khởi sự tranh chấp đối với Sa-môn... cho đến câu nói: “Thầy của ông chẳng phải là Bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Do nhân duyên ấy nên tôi đến đây.

Tôn giả A-nan nói:

–Này Tôn-na, tôi biết sự việc này. Vì Đức Phật, Thế Tôn không ở trong chúng, cho nên mới có ngoại đạo dấy khởi sự tranh chấp. Bây giờ ông không được tranh cãi với họ, nếu khởi sự tranh chấp thì chẳng đem lại lợi ích cho nhiều người, còn khiến cho họ sanh ra khổ não, kể cả các chúng trời, người cũng vậy, chỉ gây thêm phiền não. Theo như những điều Tôn-na đã nói, thì chỉ có Đức Thế Tôn mới thấy biết tất cả. Nay ta cùng với ông đi đến chỗ Đức Phật, trình bày hết sự việc ấy. Tôn-na thưa:

–Lành thay! Thưa Tôn giả, nếu được gặp Phật, tôi sẽ được nhiều lợi ích. Lại ở chỗ Phật có thể được nghe chánh pháp sâu xa.

Lúc ấy Tôn giả A-nan cùng Sa-môn Tôn-na đồng đi tới chỗ Phật, đến nơi cung kính đảnh lễ nơi chân Phật rồi đứng qua một bên. Tôn giả Anan đến phía trước, bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn, Sa-môn Tôn-na này vào hạ an cư trong rừng Nhạ-lô-ca. Ở đó có ngoại đạo thuộc phái Ni-càn-đà Nhạ-đề Tử, là người hết mực xấu ác, bỗng nhiên mạng chung. Ni-càn có một người con muốn dấy khởi sự tranh luận đối với Sa-môn... cho đến câu nói: “Thầy của ông chẳng phải là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác”. Do nhân duyên đó nên Sa-môn này mới đến nói với con. Thưa Thế Tôn, bấy giờ con bảo Tôn-na: “Vì Đức Phật Thế Tôn không ở trong chúng nên mới có ngoại đạo muốn bày ra chuyện tranh luận ấy. Vậy bây giờ ông không được tranh cãi cùng họ. Nếu khởi sự tranh chấp chẳng có lợi ích cho nhiều người, lại còn khiến họ sanh ra khổ não, kể cả các chúng trời, người cũng như vậy, đều sanh khổ não thôi”.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

­Tôn giả thấy duyên do gì mà cho rằng: “Đức Phật không ở trong chúng, nên có ngoại đạo mới khởi lên sự tranh chấp”?

Tôn giả A-nan thưa:

–Thưa Thế Tôn, vào một lúc con thấy có hai vị Bí-sô được Đức Phật khen ngợi là Bí-sô khéo giữ gìn giới luật, thực hành oai nghi theo đúng thứ lớp ở một chỗ. Lúc ấy con thấy như vậy rồi, gọi họ lại nói: “Này hai Bí-sô, không nên hiện tướng oai nghi như vậy. Trường hợp Đức Phật không ở trong chúng, nếu có ngoại đạo thấy tướng này rồi liền khởi lên sự tranh chấp. Nếu dấy khởi sự tranh chấp thì chỉ khiến cho nhiều người... kể cả các chúng trời, người đều không có lợi ích, chỉ gây ra khổ não”. Con nhớ lại duyên này nên mới nói với Samôn Tôn-na như vậy.

Đức Phật bảo:

–Ý của Tôn giả thế nào?

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn, đối với việc này con không thể biết rõ.

Đức Phật bảo:

–Ta dùng trí tuệ tự thân thành Bậc Chánh Giác, ở trong thời gian ấy đã giảng nói khắp các pháp. Đó là Tứ niệm xứ, Tứ chánh đoạn, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo. Những pháp như vậy Ta đã nêu giảng rõ mọi người đều thấy biết. Này A-nan, đa số các ngoại đạo đối với chúng Bí-sô dấy khởi sự tranh chấp, nguyên do ấy, Tôn giả có thể biết chăng?

Tôn giả A-nan thưa:

–Thưa Thế Tôn, con không thể biết được.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Đó là có Bí-sô đối với giới pháp có khi tăng, có khi giảm. Đối với oai nghi có khi tăng có khi giảm. Này A-nan, nếu giới pháp và oai nghi có khi tăng khi giảm tức là làm mất thường hằng của giáo pháp, tùy theo chỗ hành hóa như vậy nên có ngoại đạo thấy sự việc đó bèn khởi ra sự tranh luận. Nếu sự tranh chấp khởi ra liền khiến cho nhiều người... kể cả các chúng trời, người đều chẳng có lợi ích, chỉ gây nên khổ não. Vì sao vậy? Này A-nan, đám ngoại đạo Ni-càn-đà chẳng phải là bậc đạt Nhất thiết trí, cũng chẳng phải là hạng người chân thật, đối với tất cả nơi chốn, tất cả mọi nẻo kiến giải đều chẳng thanh tịnh, do đấy họ thường ưa tạo ra sự tranh chấp. Này A-nan, nên biết các chúng Bísô khi khởi lên sự tranh chấp là do có vô số các thứ gốc rễ của sự tranh chấp.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Lành thay! Thưa Thế Tôn. Lành thay! Thưa Thiện Thệ. Nay đã đúng lúc, cúi mong Đức Phật thuyết giảng rõ về gốc rễ của sự tranh chấp, khiến cho các Bí-sô nghe rồi thì ghi nhớ, thọ trì, thường xa lìa mọi sự lỗi lầm.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Các thầy hãy lắng nghe, ghi nhận, hãy khéo nhớ nghĩ. Nay Ta sẽ giảng nói về vấn đề ấy. Này A-nan, nếu có Bí-sô khởi tâm phẫn nộ, do tâm phẫn nộ, nên đối với bậc Sư trưởng không sanh tâm cung kính, tôn trọng, cũng không thể tôn thờ, cúng dường. Do không cung kính Sư trưởng nên không thấy pháp. Vì không thấy pháp cho nên ở trong chúng Bí-sô không có sự quán sát chân chánh. Do không quán sát chân chánh cho nên gây ra sự tranh chấp. Do tranh chấp khởi ra nên khiến cho nhiều người... kể cả các chúng trời, người đều không được lợi ích, chỉ sanh khổ não.

Lại có Bí-sô, đối với trong và ngoài đều chấp cho là có, cho là thật, quan sát, chú ý, tích chứa, vui mừng với các tác ý, sai lạc tà vạy hết mực xấu ác, bộc phát sự hăng hái tà vạy, buông ra vọng ngữ sai lạc, dẫn tới sự tranh chấp. Như vậy, vọng niệm, không nhận thức đúng đắn, dẫn tới sự không tương ứng... cho đến đối với nguyên do của sự tranh chấp không thể đoạn diệt được. Này A-nan, những việc như vậy là căn bản của sự tranh chấp, do đó sanh ra các khổ não. Nhân của khổ não là do trước tiên khởi ra tâm phẫn nộ. Từ đấy lại khởi ra sự che lấp, dua nịnh, gièm pha, ganh ghét, tham lam keo kiệt, không biết hổ thẹn, chẳng có nhận thức đúng đắn, lại chấp giữ kiến giải của mình, cùng các thứ chấp trước, các nhớ nghĩ tà vọng. Do các nhân duyên xấu ác như vậy, đối với bậc Sư trưởng không khởi tâm cung kính, tôn trọng, cũng lại không thể thờ kính cúng dường. Do không tôn kính Sư trưởng của mình nên không thể thấy pháp. Vì không thấy pháp nên đối với chúng Bí-sô không quan sát chân chánh. Do không quan sát chân chánh nên mới khởi ra sự tranh chấp.

Này A-nan, như điều Ta nói, các nguyên do như vậy đều là gốc rễ của sự tranh chấp. Do nhân duyên này, nếu lúc tranh chấp dấy khởi, có bảy pháp để diệt trừ sự việc ấy. Như Ta đã giảng nói, này A-nan, đối với các việc tranh chấp đã dấy khởi hay chưa phát sanh đều có thể diệt trừ. Những gì là bảy? Đó là: Hiện tiền Tỳ-ni, Ức niệm Tỳ-ni, pháp Bất si Tỳ-ni, Tự ngôn trị, Đa nhân ngữ, Tri sở tác, Như thảo phú địa. Đó là bảy pháp.

Thế nào gọi là pháp Hiện tiền Tỳ-ni để diệt trừ sự tranh chấp? Này A-nan, đó là một người vì một người giảng nói pháp Tỳ-ni, một người vì hai người giảng nói, một người vì nhiều người giảng nói, một người vì đại chúng giảng nói. Hiện tiền thành bốn trường hợp cùng giảng nói. Hai người vì một người giảng nói pháp Tỳ-ni, hai người vì hai người giảng nói, hai người vì nhiều người giảng nói, hai người vì đại chúng giảng nói. Hiện tiền thành bốn trường hợp cùng giảng nói. Nhiều người vì một người giảng nói pháp Tỳ-ni, nhiều người vì hai người giảng nói, nhiều người vì nhiều người giảng nói, nhiều người vì đại chúng giảng nói. Hiện tiền thành bốn trường hợp cùng giảng nói. Đại chúng vì một người giảng nói pháp Tỳ-ni, đại chúng vì hai người giảng nói, đại chúng vì nhiều người giảng nói, đại chúng vì đại chúng giảng nói. Hiện tiền thành bốn trường hợp cùng giảng nói. Như vậy gọi là pháp Hiện tiền Tỳ-ni để diệt trừ sự tranh luận. Do pháp này nên khiến cho sự tranh chấp được chấm dứt, tiêu diệt.

Sao gọi là pháp Ức niệm Tỳ-ni để diệt trừ sự tranh luận? Này A-nan, đó là có Bí-sô tạo sự phạm tội rồi nhưng không tự nhớ được. Các Bí-sô khác nói: “Ông đã phạm tội này, phải nên nhớ lại, đối với đại chúng cầu xin đại chúng làm pháp Ức niệm Tỳ-ni”. Vị Bí-sô ấy liền đối trước đại chúng cầu xin đại chúng làm pháp Ức niệm Tỳ-ni. Bấy giờ đại chúng theo như bậc Đại sư chỉ dạy ban cho pháp Ức niệm Tỳ-ni. Vị Bí-sô ấy đã nhớ ra, biết rõ thì liền xuất tội, diệt trừ sự tranh luận. Như vậy gọi là pháp Ức niệm Tỳ-ni để diệt trừ sự tranh luận. Nhờ pháp này nên khiến cho việc tranh chấp được tiêu diệt.

Sao gọi là pháp Bất si Tỳ-ni để diệt trừ sự tranh luận? Này A-nan, đó là nếu có Bí-sô bị si cuồng tâm loạn do đau yếu về thần kinh gây ra. Tuy được nghe nhiều, nhưng không thể thuận hành với pháp đã nghe, trái lại, nói năng tạp loạn, rồi bỏ chúng mà đi. Bí-sô ấy về sau tâm ý được bình thường trở lại, các Bí-sô khác nói: “Ông đã phạm tội này, nên vào trong chúng cầu xin đại chúng làm pháp Bất si Tỳ-ni”. Bí-sô ấy liền đối trước đại chúng cầu xin đại chúng làm pháp Bất si Tỳ-ni. Bấy giờ đại chúng theo như bậc Đại sư chỉ dạy, ban cho vị ấy pháp Bất si Tỳ-ni. Vị Bí-sô ấy được ra khỏi tội rồi, thì sự tranh luận cũng tiêu diệt. Như vậy gọi là pháp Bất si Tỳ-ni để diệt trừ sự tranh chấp. Nhờ pháp này nên có thể khiến cho sự tranh luận được chấm dứt.

Sao gọi là pháp Tự ngôn trị để diệt trừ sự tranh luận? Này A-nan, đó là nếu có Bí-sô không biết hình tướng của tội, lại nói rằng: “Biết nhiều, hiểu nhiều”, rồi ở trong chúng phát ngôn như vầy: “Tôn giả, tôi đối với mọi sự lợi dưỡng khó mà đạt được”. Các Bí-sô khác bảo: “Ông đối với tội tướng, không biết, không hiểu mà nói biết nhiều, hiểu rộng. Ông phạm tội này, nên đối trước đại chúng cầu xin đại chúng để sám hối, tạ tội”. Vị Bísô ấy liền vào trong chúng cầu xin đại chúng thương xót rồi tự hối trách. Bấy giờ đại chúng theo như bậc Đại sư chỉ dạy, ban cho pháp Tự ngôn trị. Vị Bí-sô được ra khỏi tội rồi, thì sự tranh chấp liền chấm dứt. Do pháp này có thể khiến cho sự tranh chấp được dứt trừ.

Sao gọi là pháp Đa nhân ngữ diệt trừ sự tranh chấp? Này A-nan, đó là nếu hai Bí-sô cùng ở một chỗ, sự tranh luận bỗng nhiên dấy khởi, buông ra nhiều lời lẽ đưa đến sự tranh cãi dữ dội. Ai cũng chấp vào lời nói của mình: có lời nói đúng pháp, có lời nói phi pháp, có lời nói đúng luật, có lời nói sai luật, có lời nói cho là có tội, có lời nói cho là không có tội. Khi sự việc diễn ra như thế, nên chấm dứt được thì tốt, còn không thì hai vị Bí-sô ấy phải lìa trú xứ của mình, đi đến chỗ khác mà còn tiếp tục tranh cãi thì phải lìa chỗ ấy nữa, trong khoảng nữa đường mà chấm dứt việc tranh luận đó là tốt, nếu không thì nhiều chúng Bí-sô phải hợp lại để tìm giải pháp để xử lý, dàn xếp chấm dứt sự tranh cãi. Có vị dùng kinh để phân biệt nói, có vị dùng luật để phân biệt nêu bày, có vị dùng Ma-đát-lý-ca (Luận tạng) để phân biệt giảng nói. Nhờ có nhiều người phân biệt giảng giải, cho nên sự tranh luận của hai Bí-sô được chấm dứt. Như vậy gọi là pháp Đa nhân ngữ để diệt trừ sự tranh chấp. Nhờ pháp này nên sự tranh chấp được dứt trừ.

Sao gọi là pháp Tri sở tác diệt trừ sự tranh luận? Này A-nan, đó là nếu Bí-sô phạm tội, tự biết là mình đã phạm, hoặc nói cho người khác biết, hoặc không nói cho người khác biết, tự nhớ nghĩ rồi đi đến chỗ Tỳ-kheo khác, cởi giày dép, đứng trước vị Bí-sô ấy, trạch vai áo, gối bên phải quỳ sát đất, ba lần xưng tên họ, rồi thưa: “Tôi phạm tội ấy, không dám che giấu, nên đi đến Tôn giả cầu xin sám hối. Cúi mong Tôn giả hoan hỷ giúp đỡ”. Bấy giờ vị Tôn giả kia liền nhận sự sám hối đó. Vị Bí-sô ấy được thanh tịnh rồi, Tôn giả kia nói: “Bí-sô đã thấy tội tướng này chăng?”. Bí-sô đáp: “Tôi đã thấy tội tướng này”. Tôn giả lại nói “Bí-sô nên theo đúng như pháp mà phụng trì luật nghi”. Vị Tôn giả nói lên ba lần vậy. Đó gọi là pháp Tri sở tác diệt trừ sự tranh chấp. Nhờ pháp này nên sự tranh chấp được chấm dứt.

Sao gọi là pháp Như thảo phú địa diệt trừ sự tranh luận? Này A-nan, đó là các chúng Bí-sô ở tại một chỗ, cùng khởi lên sự tranh cãi, chia làm hai nhóm. Bấy giờ, trong mỗi nhóm, những người lớn tuổi ở một chỗ với người lớn tuổi, người biết pháp ở một chỗ với người biết pháp, các vị thượng thủ ở một chỗ với các vị thượng thủ. Ở trong nhóm đó, có Bí-sô vì lợi dưỡng nên khởi ra sự tranh luận, đối với các vị trong chúng mình nói như vầy: “Nhà bạch y ở xứ kia dễ có được lợi dưỡng. Tôi ở nơi đó theo đúng như pháp luật mà thuyết giảng. Có Bí-sô khác vì nguyên do ấy nên đối với tôi mới gây ra tranh chấp. Này chư Đại đức, nếu tôi vì việc ấy mà phạm tội tranh chấp, mong các đại đức xả bỏ tội này cho tôi, kể cả việc tôi cố ý vào nhà bạch y, cũng đều xin sám hối trừ bỏ. Vì phạm tội Đột-kiết-la, nên tôi từ nay về sau không làm việc ấy nữa. Nếu có làm, tôi sẽ đến các đại đức cầu xin sám hối, không dám che giấu”. Khi Bí-sô này làm pháp sám hối như vậy, nếu trong nhóm chỉ có một Bí-sô không chấp nhận cho sám hối thì vị Bí-sô ấy liền đi tới nhóm khác, cởi bỏ giày dép, trạch vai áo, đến chỗ các thượng tọa cao niên lần lượt thăm hỏi rồi trở lại trước vị Thượng tọa, gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay bạch với đại chúng: “Thưa chư Đại đức, nhà bạch y ở chốn kia dễ có được lợi dưỡng, con ở trong đó theo đúng như pháp luật mà thuyết giảng. Có Bí-sô khác, vì nguyên do ấy nên khởi ra tranh cãi với con, con liền ở trong đại chúng như pháp xin sám hối. Nhưng trong đại chúng ấy có một vị Bí-sô không chấp nhận cho con sám hối, nên con đến đây cầu xin sám hối. Thưa chư Đại đức, nếu con do việc này mà phạm tội tranh chấp, xin các Đại đức xả bỏ việc này cho con... kể cả việc con từ nhà bạch y đi ra, cũng đều xin sám hối, tiêu trừ việc phạm tội Đột-kiết-la. Cho nên hôm nay, đối trước các đại đức, cầu xin sám hối, những điều con làm không dám che giấu, cúi xin các Đại đức chấp thuận cho sự sám hối của con, hoan hỷ giúp đỡ”.

Bấy giờ đại chúng liền chấp nhận sự sám hối, vị Bí-sô này đã được thanh tịnh. Vị Thượng tọa trong đại chúng hỏi: “Bí-sô đã thấy tội tướng ấy chăng?”. Bí-sô đáp: “Con đã thấy tội tướng ấy.” Vị Thượng tọa nói: “Bí-sô nên theo đúng như pháp để phụng trì luật nghi”. Vị Thượng tọa nói ba lần như thế.

Bấy giờ, trong nhóm bên kia cũng như nhóm bên này: vị lớn tuổi ở một chỗ với các vị lớn tuổi, vị biết pháp ở một chỗ với các vị biết pháp, thượng thủ ở một chỗ với các vị thượng thủ. Khi ấy, ở trong nhóm có Bí-sô vì lợi dưỡng nên khởi ra sự tranh chấp, ở trong chúng mình, tự nói như vầy: “Nơi nhà bạch y kia được lợi dưỡng. Tôi ở trong đó theo đúng như pháp luật mà thuyết giảng. Có Bí-sô khác vì nguyên do này nên khởi ra sự tranh luận...” Như vậy cho đến lần thứ hai, thứ ba, hỏi đáp những việc, như đã nói ở trước.

Này A-nan, tất cả các Bí-sô biết tự mình có phạm tội tranh cãi, qua lại trình bày, sám hối, cùng nhau gặp gỡ, cung kính thăm hỏi, liền diệt trừ nguyên do của sự tranh chấp, đình chỉ các lời bàn cãi, không còn một chút pháp nào phân biệt dấy khởi nữa, như vậy gọi là pháp Như thảo phú địa diệt trừ sự tranh chấp. Nhờ pháp này nên có thể khiến cho sự tranh chấp được chấp dứt.

Này A-nan, bảy pháp diệt trừ sự tranh chấp như vậy, các vị Bí-sô, phải nên ghi nhớ.

Lại nữa, này A-nan, có sáu thứ pháp Hòa kính các Bí-sô hãy lắng nghe, tác ý đúng lý, khéo ghi nhớ, nay Ta sẽ nói cho các thầy. Những gì là sáu?

Đó là thân nghiệp làm việc từ hòa, thường ở chỗ Phật tịnh tu phạm hạnh, đối với chánh pháp luôn tôn trọng, kính lễ, theo đúng như lý tu hành. Đối với chúng Bí-sô cùng sống hòa hiệp. Đó gọi là pháp hòa kính của thân nghiệp.

Lại nữa, đối với ngữ nghiệp luôn nói lời từ hòa, không nói lời tranh cãi chống trái. Đó gọi là pháp hòa kính của ngữ nghiệp.

Lại nữa, đối với ý nghiệp luôn khởi ra ý nghĩ từ hòa, không hề chống đối. Đó gọi là pháp hòa kính của ý nghiệp.

Lại nữa, nếu được sự lợi ích của pháp và sự lợi dưỡng nơi thế gian đều thọ lãnh như nhau. Hoặc có lúc ôm bát theo thứ lớp khất thực, tùy theo chỗ nhận được đồ ăn uống, các vật phải thưa cho chúng biết, cùng chúng đồng thọ, không nên giấu để dùng riêng. Nếu chúng đồng biết, tức đồng phạm hạnh. Đó gọi là pháp hòa kính về lợi dưỡng.

Lại nữa, đối với giới không phá, không dứt bỏ, giới lực kiên cố, lìa cấu uế, đạt được thanh tịnh, biết thời, biết xứ, phổ biến bình đẳng, thọ nhận đồ ăn uống của tín thí cúng dường. Như vậy tịnh giới cùng nhau tu học, cùng nhau hiểu biết, đồng tu phạm hạnh. Đó gọi là pháp hòa kính về giới luật.

Lại nữa, nếu thấy được trí tuệ của bậc Thánh đưa đến con đường chứng ngộ giải thoát, dẫn đến việc ra khỏi biên giới tận cùng của sự khổ, đối với các tướng như vậy, nhận biết đúng như thật rồi cùng nhau hành hóa, cùng nhau hiểu biết, cùng tu phạm hạnh. Đó gọi là pháp hòa kính về kiến giải.

Những pháp như vậy gọi là sáu pháp hòa kính.

Này A-nan, như trước Ta đã nói về gốc rễ của sự tranh chấp, các Bí-sô, phải nên đoạn trừ. Đối với bảy pháp diệt trừ sự tranh chấp, các thầy cần phải biết rõ. Các việc tranh chấp chưa dấy khởi hoặc đã khởi ra, đều khiến cho nó chấm dứt. Nên cùng nhau tu tập pháp Lục hòa kính. Này các Bísô, nếu thực hành như vậy thì dù ở Đông, Tây, Nam, Bắc, theo chốn nơi đi đến, hoặc dừng, hoặc đi, đều khiến cho các Bí-sô đạt được an lạc, xa lìa các sự tranh chấp. Cho đến sau khi Ta nhập Niếtbàn, đều khiến cho các chúng Bí-sô, dù ở nơi đâu, cũng thường được an lạc, như Ta hiện tại ở đời thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh chẳng khác.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]