TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 94 - PHẬT NÓI KINH DỤ MŨI TÊN

Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn.


Nghe như vầy:

Một thời Đức Bà-già-bà ở tại khu lâm viên Kỳđà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-la-cưu-ma-la một mình ở chỗ vắng vẻ sanh ra ý nghĩa như vầy: “Đức Thế Tôn bỏ tà kiến, trừ tà kiến nhưng không dạy rõ: “Thế gian là hữu thường hay thế gian là vô thường? Thế gian là hữu biên hay thế gian là vô biên? Mạng là thân hay mạng khác, thân khác? Có mạng chung hay không có mạng chung?” Có vấn đề ấy hay không có vấn đề ấy? Ta không thể chấp nhận, không thể sử dụng được, không thể vui được. Nếu Đức Thế Tôn nói rõ về thế gian: “Thế gian là hữu thường”, ta sẽ theo Ngài tu phạm hạnh. Nếu Thế Tôn không chịu nói rõ: “Thế gian là hữu thường”, ta sẽ tranh luận với Ngài rồi bỏ đi. Cũng như vậy, “Thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên, hay mạng khác thân khác, có vấn đề mạng chung hay không có vấn đề mạng chung? Có hay không có vấn đề “không có mạng chung?”. Nếu Đức Thế Tôn nói rõ với ta rằng: “Chỉ có đây là chân thật, ngoài ra là ngu si”, ta sẽ tu phạm hạnh với Ngài. Còn nếu Đức Thế Tôn không nói rõ: “Đây là chân thật, ngoài ra là ngu si”, ta hỏi xong sẽ bỏ đi”.

Lúc ấy Tôn giả Ma-la-cưu-ma-la sau buổi trưa rời khỏi tòa ngồi đi đến chỗ Đức Thế Tôn, đến nơi cung kính đảnh lễ nơi chân rồi ngồi qua một bên, bạch:

­Thưa Thế Tôn, con ở chỗ vắng vẻ, khởi lên ý nghĩ: “Đức Thế Tôn dứt bỏ tà kiến, diệt trừ tà kiến, nhưng không dạy rõ: “Thế gian hữu thường, cho đến không có mạng chung”. Điều này con không muốn, con không thể chịu được, không ưa thích. Nếu Đức Thế Tôn biết rõ “thế gian là hữu thường” thì Đức Thế Tôn cứ nói ra. Còn nếu Đức Thế Tôn hoàn toàn không biết “thế gian là hữu thường” thì xin Ngài cứ nói thẳng ra là: “Ta không biết”. Cũng như vậy, với vấn đề “thế gian là vô thường cho đến không có mạng chung”, nếu Đức Thế Tôn hoàn toàn biết rõ thì xin hãy nói cho con rằng: “Đây là chân thật, ngoài ra là ngu si”. Đức Thế Tôn nên nói rõ như vậy. Còn nếu Đức Thế Tôn không biết “Đây là chân thật, ngoài ra là ngu si” thì Ngài cứ nói thẳng cho con rằng “Ta không biết”.

–Này Ma-la-cưu-ma-la, trước đây Ta có từng nói với ông rằng: “Nếu Ta nói “thế gian là hữu thường”, thì ông hãy theo Ta tu hành Phạm hạnh” không?

­Không có, thưa Thế Tôn!

–Cũng như vậy, với vấn đề “thế gian là vô thường, cho đến không có mạng chung”, nếu Ta nói về vấn đề ấy; nếu Ta nói: “Lời của Ta là chân thật, ngoài ra là ngu si”, thì ông sẽ theo Ta tu Phạm hạnh phải không?

­Không có, thưa Thế Tôn!

–Này Ma-la-cưu-ma-la, trước đây ông có nói với Ta: “Nếu Thế Tôn khẳng định “thế gian là hữu thường”, thì tôi sẽ theo Ngài để tu Phạm hạnh” không?

­Không có, thưa Thế Tôn!

–Cũng như vậy, với vấn đề “thế gian là vô thường, cho đến không có mạng chung”, phải chăng ông đã từng nói: “Nếu Đức Thế Tôn nói với tôi: “Đây là chân thật, ngoài ra là ngu si”, thì tôi sẽ theo Ngài tu học Phạm hạnh?”

­Chẳng phải vậy, thưa Thế Tôn!

-Này Ma-la-cưu-ma-la, Ta vốn không nói với ông như vậy, ông cũng vốn không nói với Ta như vậy. Ông quả là người ngu si, vô cớ tại sao lại hủy báng Ta?

Khi ấy Tôn giả Ma-la-cưu-ma-la bị Đức Phật quở trách, không lời biện bạch nên im lặng, khắp cả mình mồ hôi toát ra, cúi mặt lặng thinh.

Đức Thế Tôn quở trách Tôn giả Ma-la-cưuma-la xong, rồi bảo các Tỳ-kheo:

­Nếu như có kẻ ngu si nghĩ rằng: “Ta sẽ không theo Đức Thế Tôn để tu Phạm hạnh, nếu Đức Thế Tôn khẳng định: “Thế gian là hữu thường”. Người ngu si ấy chưa kịp biết gì thì nửa chừng đã chết rồi. Cũng như vậy, đối với vấn đề “thế gian là vô thường, cho đến không có mạng chung”, kẻ ấy cho rằng: “Ta sẽ không theo Đức Thế Tôn để tu hành Phạm hạnh, nếu Đức Thế Tôn nói với ta rằng: “Đây là chân thật, ngoài ra là ngu si”. Người ấy chưa biết được gì cả thì nửa chừng đã chết mất rồi.

Ví như có người bị trúng tên độc vào thân, quyến thuộc của anh ta thương xót, muốn cho anh ta được an ổn, được lợi ích, nên cấp tốc mời thầy thuốc đến nhổ mũi tên độc ra. Khi ấy người bị trúng tên độc thầm nghĩ: “Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội. Ta muốn biết người bắn cung họ gì, tên gì, hình dạng ra sao? Kẻ ấy cao hay thấp, hay trung bình? Kẻ ấy đen hay trắng, thuộc dòng Sát-lợi hay Bà-la-môn, hay Cư sĩ, hay thợ thuyền? Kẻ ấy ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc? Tại sao lại lấy tên bắn vào ta? Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết cây cung làm bằng loại cây Tát-la, cây đa-la, hay loại cây Xí-la-ương-quật-lê? Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết loại gân quấn quanh cây cung làm bằng gân bò, gân dê hay gân của loài trâu đuôi dài? Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết chỗ tay nắm giữ cây cung làm bằng xương trắng, đen hay là nâu? Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết dây cung làm bằng loại trúc đặt biệt nào? Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết mũi tên làm bằng cây Xá-la hay cây tre, hay cây La-nga-lê? Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết gân quấn quanh mũi tên ấy là gân bò, gân dê hay gân của loài trâu đuôi dài? Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết cái lông vũ gắn sau mũi tên là của chim Khổng tước, của chim Thương hạc, hay của chim Thứu? Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết loại sắt bịt nơi đầu mũi tên là Bà-ta, hay Bà-la, hay Na-la, hay Già-la-bệ? Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, cần cho ta biết người thợ làm mũi tên sắt ấy họ gì, tên gì, hình dáng ra sao, cao thấp hay trung bình? Kẻ ấy đen hay trắng? Ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc?”

Nhưng người ấy chưa kịp biết gì cả, nửa chừng thì y đã chết mất rồi. Cũng vậy, nếu có kẻ ngu si nghĩ rằng: “Ta sẽ không theo Đức Thế Tôn để tu Phạm hạnh, nếu Đức Thế Tôn nói thế gian là thường. Người ngu si ấy chưa biết được gì, thì nửa chừng đã chết mất rồi.

Các vấn đề “thế gian chẳng phải là thường, thế gian là hữu biên cho đến không có mạng chung”, cũng giống như thế. Nếu có kẻ ngu si suy nghĩ: “Ta chẳng theo Đức Thế Tôn tu hành phạm hạnh, nếu Đức Thế Tôn nói với ta rằng: “Đây là sự thật, ngoài ra đều ngu si”, thì kẻ ngu si kia chưa biết được gì cả, nửa chừng đã chết mất.

Dù thế gian là hữu thường thì vẫn có sanh, già, bệnh, chết; có ưu sầu khóc lóc không vui. Như vậy, khối khổ lớn này tích tụ tập khởi. Cũng vậy, cho dù thế gian là vô thường, cho đến không có mạng chung thì vẫn có sanh, già, bệnh, chết, cho đến khối khổ lớn này tích tụ tập khởi. Dù “thế gian là hữu thường”, điều đó Ta cũng không nói. Cũng như thế, “thế gian là vô thường, cho đến mạng chung”, điều đó Ta cũng không nói. Vì sao Ta không nói? Vì điều đó chẳng đúng nghĩa, là phi pháp, chẳng phải là Phạm hạnh, không thành tựu thần thông, không đưa đến đạo giác ngộ, không tương ưng với Niết-bàn, cho nên Ta không nói.

Vậy vấn đề gì Ta luôn giảng nói? Ta luôn giảng nói đến: “Đây là khổ”. Ta luôn giảng nói: “Đây là nguyên nhân của khổ, là sự diệt trừ khổ, là con đường tu tập để diệt khổ”. Vì sao vậy? Ta đã nói rõ những vấn đề ấy là vì chúng là nghĩa, là pháp, đưa đến thần thông, tu hành Phạm hạnh dẫn đến đạo giác ngộ, tương ưng với Niết-bàn, cho nên Ta luôn giảng nói. Những điều Ta không nói đến thì nên bỏ đi, còn những điều Ta nói đến thì nên thọ trì.

Đức Phật giảng nói như vậy, các Tỳ-kheo nghe Thế Tôn nói xong, hoan hỷ thọ nhận.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]