TẠNG KINH
SỐ 95 - PHẬT NÓI KINH DỤ CON KIẾN
Hán dịch: Đời Tống Đại sư Thi Hộ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn phóng ra luồng hào quang lớn chiếu sáng rực rỡ xong, bảo các Bí-sô:
Các vị nên biết, vào một thời nọ có một bầy kiến, ban đêm thì gây ra khói, ban ngày thì tạo ra lửa cháy. Có một Bà-la-môn thấy việc này, bèn nói như vầy: “Nếu ai cầm dao bén thì chắc chắn có thể phá tan được bầy kiến ấy”. Nói như vậy xong, vị ấy lại thấy một con rùa lớn, Bà-la-môn kia cũng nói như vậy: “Nếu có người cầm dao bén thì chắc chắn có thể phá nát được nó”. Tiếp theo lại thấy các con sứa, rồi thấy một con đỉa, tiếp theo thấy những con trùng A-tây-tô-na, lại thấy một con rắn lớn, lại thấy một con trùng Noa-đà-báttha, lại thấy con trùng Tán-ca-phược-sất, vị Bà-lamôn thấy các loài trùng ấy rồi, đều nói như trước. Sau cùng, thấy một con rồng lớn, Bà-la-môn ấy liền nói: “Những điều ta đã thấy, chỉ Đức Phật Thế Tôn mới có thể hiểu rõ như thế nào”. Ông liền đi đến chỗ một vị Bí-sô, trình bày rõ sự việc như trên, lại nói:
-Này Bí-sô, thầy hãy đem việc này hỏi Đức Phật giúp tôi để cho tâm nghi ngờ của tôi được khai mở. Theo lời Đức Phật đã dạy, tôi sẽ ghi nhớ thọ trì. Vì sao? Này Bí-sô, tôi không thấy trời, người, hay các chúng Sa-môn, Bà-la-môn ở thế gian có ai đem nghĩa này để hỏi Đức Phật, cho nên không thể làm cho những điều nghi ngờ trong tâm được khai mở.
Vị Bí-sô ấy ghi nhận những lời nói trên bèn đi đến chỗ của Ta. Đến nơi, vị ấy đảnh lễ nơi chân, đứng qua một bên, trình bày rõ sự việc trên xong và hỏi:
Như Bà-la-môn đã thấy bầy kiến, việc ấy thế nào? Nửa đêm phun khói, ban ngày lửa cháy, việc ấy lại như thế nào? Lại thấy một con rùa lớn, con sứa, con đỉa, con trùng A-tây-tô-na, con rắn lớn, con trùng Noa-đà-bát-tha, con trùng Tán-caphược-sất, và con rồng lớn. Những điều vị ấy thấy đó là tướng gì? Còn Bà-la-môn kia là người gì? Sao gọi là dao bén phá tan? Cúi mong Đức Phật giảng nói.
-Này các Bí-sô, lúc đó Ta nói với vị Bí-sô ấy: “Đàn kiến đó chính là thân Ngũ uẩn của tất cả chúng sanh. Nửa đêm phun khói tức là chúng sanh khởi các tầm, từ. Ban ngày lửa cháy tức là chúng sanh tùy theo tầm, từ mà khởi ra thân nghiệp, ngữ nghiệp. Con rùa lớn tức là năm pháp nhiễm ô, con sứa tức là sự phẫn nộ, con đỉa tức là sự tham lam ganh ghét, con trùng A-tây-tô-na tức là pháp của năm dục, con rắn tức là Vô minh, con trùng Noađà-bát-tha là sự nghi hoặc, con trùng Tán-caphược-sất là sự ngã mạn, con rồng tức là các bậc A-la-hán, vị Bà-la-môn tức là Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, dao bén ấy là người có trí, con dao tức là trí tuệ, phá tan là sự phát khởi hạnh tinh tấn thù thắng.
Này các Bí-sô, ý các vị thế nào?
Những hình tướng mà vị ấy thấy, nói một cách tóm tắt đó là Yết-la-lam của thân ngũ uẩn tích chứa nơi tất cả chúng sanh, do sự bất tịnh của cha mẹ sanh ra, bốn đại hiệp thành, sắc tướng hư giả, thô ác xấu kém, chứa nhóm sự khổ não, rốt cuộc đều bị hủy hoại. Nhưng các chúng sanh không thể hay biết, ngày đêm khởi ra tầm, từ nên tạo ra thân nghiệp, ngữ nghiệp bất thiện, bị năm thứ phiền não che lấp, tham đắm nơi năm dục, khiến sự vô minh thêm dày, sanh tâm ngã mạn, đối với các Thánh pháp nghi ngờ không quyết định, sân hận, tham lam keo kiệt, ganh ghét, phát khởi trong từng niệm, không cầu sự giải thoát. Cho nên Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác muốn khiến cho tất cả người có trí phát khởi hạnh tinh tấn, tu tập trí tuệ, đoạn trừ các phiền não, chứng được Thánh quả.
Này các Bí-sô, đã dứt sanh các lậu thì chứng quả A-la-hán, cho nên nói giống như rồng.
Lại nữa, này các Bí-sô, chư Phật Thế Tôn ở quá khứ và vị lai luôn thương yêu, luôn đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sanh, muốn cho chúng sanh đoạn trừ các phiền não, chứng được Thánh quả, vì các Thanh văn rộng nói nghĩa này. Ngày nay Ta cũng giống như chư Phật mới dùng duyên này giảng nói cho các vị nghe.
Này các Tỳ-kheo, hãy nhớ nghĩ việc này: nên ở các nơi chốn tịch tĩnh như đồng vắng, nhà trống, giữa núi rừng, dưới tàng cây, nơi hang sâu, chốn am thất mà lắng lòng tư duy, quán sát nghĩa này, đừng có phóng dật, sanh tâm thoái chuyển, cũng lại chỉ dẫn, giáo hóa đạo cho người khác nữa, khiến việc tu tập được rộng khắp đạt lợi ích lớn.
Đức Thế Tôn vì các Bí-sô giảng nói như vậy xong, các Tỳ-kheo thảy đều hoan hỷ tin nhận.