TẠNG KINH
SỐ 1 - KINH TRƯỜNG A-HÀM
Hán dịch: Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, trong hang Nhân-đà-bà-la, núi Tỳ-la, phía Bắc thôn Ambà-la[2].
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân[3] phát khởi thiện tâm vi diệu, muốn đến thăm Phật: “Nay ta hãy đi đến chỗ Thế Tôn”.
Khi ấy, chư Thiên Đao-lợi[4] hay rằng Thích Đềhoàn Nhân phát khởi thiện tâm vi diệu muốn đi đến chỗ Phật, bèn tìm gặp Đế Thích, tâu rằng:
“Lành thay, Đế Thích! Ngài phát khởi thiện tâm vi diệu muốn đến Như Lai. Chúng tôi cũng rất vui sướng nếu được theo hầu ngài đi đến chỗ Thế Tôn.”
Thích Đề-hoàn Nhân liền nói với thần chấp nhạc là Ban-giá-dực[5] rằng:
“Ta nay muốn đi đến chỗ Thế Tôn. Ngươi có thể đi theo. Chư Thiên Đao-lợi này cũng muốn theo ta đến chỗ Phật.”
Đáp: “Thưa vâng”.
Rồi Ban-giá-dực cầm cây đàn lưu ly, ở trong chúng, trước mặt Đế Thích, gảy đàn cúng dường.
Rồi Thích Đề-hoàn Nhân, chư Thiên Đao-lợi, cùng Ban-giá-dực, bỗng nhiên biến mất khỏi Pháp đường. Trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay họ đến phía Bắc nước Ma-kiệt-đà, trong núi Tỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nhập hỏa diệm tam-muội, khiến cho cả núi Tỳ-đà đồng một màu lửa. Khi ấy, người trong nước thấy vậy, bảo nhau rằng:
“Núi Tỳ-đà này đồng một màu lửa. Phải chăng là do thần lực của chư Thiên?”
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân nói với Ban-giádực rằng:
“Đức Như Lai, Chí Chân, rất khó được gặp. Nhưng nay có thể rũ lòng đi xuống chỗ thanh vắng này, lặng lẽ không tiếng động, làm bạn với muông thú. Chỗ này thường có các Đại Thiên thần thị vệ Thế Tôn. Ngươi hãy đi trước tấu đàn lưu ly để làm vui lòng Thế Tôn. Ta cùng chư Thiên sẽ đến sau.” Đáp: “Kính vâng”.
Tức thì cầm đàn lưu ly đến Phật trước. Cách Phật không xa, ông tấu đàn lưu ly và hát lên bài kệ rằng:
Bạt-đà[6]
ơi, kính lễ phụ thân nàng.
Cha nàng đẹp rực rỡ,
Sinh ra nàng cát tường
Tâm ta rất thương yêu.
Vốn do nhân duyên nhỏ,
Dục tâm[7]
sinh trong đó;
Càng ngày càng lớn thêm.
Như cúng dường La hán[8];
Thích tử chuyên Tứ thiền,
Thường ưa chốn thanh vắng,
Chánh ý cầu cam lồ;
Tâm niệm ta cũng vậy.
Năng Nhân phát đạo tâm,
Tất muốn thành Chánh giác;
Như tôi nay cũng vậy,
Ước hội họp với nàng.
Tâm tôi đã đắm đuối,
Yêu thương không dứt được;
Muốn bỏ, không thể bỏ,
Như voi bị móc câu.
Như nóng gặp gió mát;
Như khát gặp suối lạnh;
Như người nhập Niết-bàn;
Như nước rưới tắt lửa;
Như bệnh, gặp lương y;
Đói, gặp thức ăn ngon,
No đủ, khoái lạc sanh;
Như La hán trú Pháp.
Như voi bị kềm chặt,
Mà vẫn chưa khứng phục,
Bươn chạy, khó chế ngự,
Buông lung chẳng chịu dừng.
Cũng như ao trong mát,
Mặt nước phủ đầy hoa;
Voi mệt, nóng, vào tắm,
Toàn thân cảm mát rượi.
Trước, sau, tôi bố thí,
Cúng dường các La hán;
Phước báo có trong đời;
Thảy mong được cùng nàng.
Nàng chết, tôi cùng chết;
Không nàng, sống làm gì?
Chẳng thà tôi chết đi,
Còn hơn sống không nàng.
Chúa tể trời Đao-lợi,
Thích chúa[9],
cho tôi nguyện.
Tôi ngợi ca đủ lễ.
Xin người suy xét kỹ.
Khi ấy, Thế Tôn từ tam-muội dậy, nói với Bangiá-dực rằng:
“Lành thay, lành thay, Ban-giá-dực, ngươi đã có thể bằng âm thanh thanh tịnh cùng với đàn lưu ly mà tán thán Như Lai. Tiếng của đàn và giọng của ngươi không dài, không ngắn, buồn và thương uyển chuyển, làm rung động lòng người. Cây đàn mà ngươi tấu hàm đủ các ý nghĩa. Nó được nói là sự trói buộc của dục và cũng được nói là phạm hạnh, cũng được nói là Sa-môn, cũng được nói là Niết-bàn.”
Khi ấy Ban-giá-dực bạch Phật rằng:
“Con nhớ lại, thuở xưa khi Thế Tôn vừa mới thành đạo dưới gốc cây A-du-ba-đà ni-câu-luật[10], bên dòng sông Ni-liên-thiền[11], thôn Uất-bệ-la[12]; lúc ấy có người con trai của Thiên đại tướng là Thihán-đà[13] và con gái của Chấp nhạc Thiên vương đang cùng ở một chỗ, chỉ tổ chức những cuộc vui chơi. Con khi ấy thấy được tâm tư họ, bèn làm một bài tụng. Bài tụng ấy nói đến sự trói buộc của dục; và cũng nói đến phạm hạnh, cũng nói Sa-môn, cũng nói Niết-bàn. Vị Thiên nữ kia khi nghe bài kệ của con, đưa mắt lên cười và nói với con rằng: ‘Ban-giá-dực, tôi chưa hề thấy Như Lai. Tôi ở trên Pháp đường của trời Đao-lợi đã từng nghe chư Thiên xưng tán Như Lai, có công đức như vậy, năng lực như vậy. Ông hằng có lòng thành tín, thân cận Như Lai. Nay tôi muốn cùng ông làm bạn.’ Thế Tôn, con lúc ấy có nói với nàng một lời, rồi sau đó không hề nói với nàng nữa.”
Lúc bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân suy nghĩ như vầy: “Ban-giá-dực này đã làm vui lòng Thế Tôn rồi, nay ta hãy nghĩ đến người ấy”. Rồi Thiên Đế Thích tức thì nghĩ đến người ấy. Lúc ấy Ban-giádực lại có ý nghĩ như vầy: “Thiên Đế Thích đang nghĩ đến ta”. Tức thì cầm cây đàn lưu ly đi đến chỗ Đế Thích. Đế Thích bảo rằng:
“Ngươi mang danh ta cùng ý của trời Đao-lợi đến thăm hỏi Thế Tôn: ‘Đi đứng có nhẹ nhàng không? Lui tới có khỏe mạnh không?’”
Ban-giá-dực vâng lời chỉ giáo của Đế Thích, đi đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ chân Phật, rồi đứng sang một bên, bạch Thế Tôn rằng:
“Thích Đề-hoàn Nhân và chư Thiên Đao-lợi sai con đến thăm Thế Tôn, hỏi Ngài đi đứng có nhẹ nhàng không? Lui tới có khỏe mạnh không?” Thế Tôn trả lời:
“Mong Đế Thích của ngươi và chư Thiên Đaolợi thọ mạng lâu dài, khoái lạc, không bệnh. Sở dĩ như vậy là vì chư Thiên, Người đời, A-tu-luân[14] và các chúng sanh khác đều ham sống lâu, an lạc, không bệnh hoạn.”
Bấy giờ Đế Thích lại suy nghĩ: “Chúng ta nên đến lễ viếng Thế Tôn”. Tức thì cùng với chư Thiên Đao-lợi đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi đứng sang một bên. Khi ấy, Đế Thích bạch Phật rằng:
“Không biết nay con có thể ngồi cách Thế Tôn bao xa?”
Phật bảo Đế Thích:
“Thiên chúng các ngươi nhiều. Nhưng ai gần Ta thì ngồi.”
Khi ấy, hang Nhân-đà-la mà Thế Tôn đang ở tự nhiên trở nên rộng rãi, không bị ngăn ngại. Bấy giờ Đế Thích cùng chư Thiên Đao-lợi và Ban-giá-dực đều lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên. Đế Thích bạch Phật:
“Một thời, Phật ở tại nhà một người Bà-la-môn ở nước Xá-vệ[15]. Lúc bấy giờ Thế Tôn nhập hỏa diệm tam-muội. Con khi ấy nhân có chút việc, cưỡi xe báu ngàn căm, đi đến chỗ Tỳ-lâu-lặc Thiên vương. Bay ngang không trung, trông thấy một Thiên nữ[16] chắp tay đứng trước Thế Tôn. Con liền nói với Thiên nữ ấy rằng: ‘Khi Thế Tôn ra khỏi tam-muội, nàng hãy xưng tên ta mà thăm hỏi Thế Tôn, đi đứng có nhẹ nhàng không, lui tới có khỏe mạnh không?’ Không biết Thiên nữ ấy sau đó có chuyển đạt tâm tư ấy giùm con không?” Phật nói:
“Ta có nhớ. Thiên nữ ấy sau đó có xưng tên ngươi mà thăm hỏi Ta. Ta ra khỏi thiền định mà còn nghe tiếng xe của ngươi.” Đế Thích bạch Phật:
“Thuở xưa, nhân có chút duyên sự, con cùng chư Thiên Đao-lợi tập họp tại Pháp đường. Các vị Thiên thần cố cựu khi ấy đều nói rằng: ‘Nếu Như Lai xuất hiện ở đời, thì Thiên chúng gia tăng, mà chúng A-tu-la giảm thiểu.’ Nay con chính tự thân gặp Thế Tôn, tự thân biết, tự thân chứng nghiệm, rằng Như Lai xuất hiện ở đời thì các Thiên chúng gia tăng, mà chúng A-tu-la giảm thiểu.
“Có Cù-di Thích nữ[17] này, theo Thế Tôn tu hành phạm hạnh, thân hoại mạng chung, sanh lên cung trời Đao-lợi, làm con của con. Chư Thiên Đao-lợi đều khen: ‘Cù-di con cả của trời[18] có công đức lớn, có uy lực lớn.’
Lại có ba Tỳ-kheo khác theo Thế Tôn tịnh tu phạm hạnh, thân hoại mạng chung, sanh trong hàng các thần chấp nhạc thấp kém, hằng ngày đến để con sai khiến. Cù-di thấy vậy, làm bài kệ chọc tức[19] rằng:
Ông là đệ tử Phật;
Khi tôi là tại gia,
Cúng dường ông cơm áo,
Lễ bái rất cung kính.
Các ông là những ai?
Tự thân được Phật dạy.
Lời dạy Đấng Tịnh Nhãn,
Mà ông không suy xét.
Ta xưa lễ kính ông,
Nghe Phật pháp vô thượng,
Sinh trời Tam thập tam,
Làm con trời Đế Thích.
Các ông sao không xét,
Công đức mà tôi có.
Trước vốn là thân gái,
Nay là con Đế Thích.
Trước vốn cùng các ông
Đồng tu nơi phạm hạnh;
Nay riêng sinh chỗ thấp,
Để cho tôi sai khiến.
Xưa ông hành vi xấu,
Nên nay chịu báo này.
Riêng sinh chỗ ti tiện,
Để cho tôi sai khiến.
Sinh chỗ bất tịnh này,
Bị người khác xúc phạm.
Nghe vậy, hãy nhàm chán
Chỗ đáng nhàm tởm này.
Từ nay hãy siêng năng,
Chớ để làm tôi người[20].
Hai ông siêng tinh tấn,
Tư duy pháp Như Lai.
Xả bỏ điều mê luyến,
Hãy quán, dục bất tịnh,
Dục trói, không chân thật,
Chỉ lừa dối thế gian.
Như voi bứt xiềng xích,
Siêu việt trời Đao-lợi.
Đế Thích, trời Đao-lợi,
Tập pháp trên giảng đường.
Kia với sức dũng mãnh,
Siêu việt trời Đao-lợi.
Thích khen chưa từng có.
Chư Thiên cũng thấy qua.
Đấy con nhà họ Thích,
Siêu việt trời Đao-lợi.
Đã chán dục trói buộc;
Cù-di nói như vậy.
Nước Ma-kiệt có Phật,
Hiệu là Thích-ca Văn[21].
Người kia vốn thất ý;
Nay phục hồi chánh niệm.
Một trong số ba người,
Vẫn làm thần Chấp nhạc.
Hai người thấy Đạo đế,
Siêu việt trời Đao lợi.
Pháp Thế Tôn đã dạy,
Đệ tử không hoài nghi.
Cũng đồng thời nghe pháp;
Hai người hơn người kia.
Tự mình thấy thù thắng,
Đều sinh trời Quang âm.
Con quan sát họ rồi,
Nên nay đến chỗ Phật.
Đế Thích bạch Phật:
“Kính mong Thế Tôn bỏ chút thời gian, giải quyết cho con một điều nghi ngờ.” Phật nói:
“Ngươi cứ hỏi, Ta sẽ giải thích cho từng điều một.”
Bấy giờ Đế Thích liền bạch Phật rằng:
“Chư Thiên, người thế gian, Càn-đạp-hòa[22], A-tu-la cùng các chúng sanh khác, tất cả tương ưng với kết phược[23] gì mà cho đến thù địch nhau, dao gậy nhắm vào nhau?”
Phật nói với Đế Thích:
“Sự phát sanh của oán kết đều do tham lam, tật đố[24]. Vì vậy, chư Thiên, người thế gian, cùng các chúng sanh khác dùng dao gậy nhắm vào nhau.” Đế Thích liền bạch Phật:
“Thật vậy, bạch Thế Tôn. Oán kết sanh do bởi tham lam, tật đố; khiến cho chư Thiên, người đời, A-tu-la và các chúng sanh khác, sử dụng dao gậy đối với nhau. Con nay nghe lời Phật dạy, lưới nghi đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu sự phát sanh của tham lam tật đố do đâu mà khởi lên; do bởi nhân duyên gì; cái gì làm nguyên thủ[25], từ cái gì mà có, do cái gì mà không?”
Phật bảo Đế Thích:
“Sự phát sanh của tham lam, tật đố, tất cả đều do bởi yêu và ghét[26]; yêu ghét là nhân; yêu ghét là nguyên thủ; từ đó mà có, từ đó mà không[27].” Bấy giờ, Đế Thích liền bạch Phật:
“Thật vậy, Thế Tôn! Tham lam, tật đố phát sanh do bởi yêu ghét; yêu ghét là nhân; yêu ghét làm duyên; yêu ghét làm nguyên thủ; từ đó mà có, từ đó mà không. Con nay nghe lời Phật dạy, mê hoặc đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu yêu ghét do đâu mà sanh; do bởi nhân gì, duyên gì; cái gì làm nguyên thủ; từ cái gì mà có, do cái gì mà không?”
Phật bảo Đế Thích:
“Yêu ghét phát sanh ở nơi dục[28]; do nhân là dục, do duyên là dục; dục là nguyên thủ, từ đó mà có; không cái này thì không.” Đế Thích liền bạch Phật:
“Thật vậy, Thế Tôn, yêu ghét phát sanh ở nơi dục; do nhân là dục, do duyên là dục; dục là nguyên thủ, từ đó mà có; không cái này thì không. Con nay nghe lời Phật dạy, mê hoặc đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu dục này do dâu mà sanh; do bởi nhân gì, duyên gì; cái gì làm nguyên thủ, do cái gì mà có, do cái gì mà không?”
Phật bảo Đế Thích:
“Ái[29] do tưởng sanh[30]; do nhân là tưởng, duyên là tưởng; tưởng làm nguyên thủ, từ đó mà có; cái đó không thì không.”
Đế Thích liền bạch Phật:
“Thật vậy, Thế Tôn, ái do tưởng sanh; do nhân là tưởng, do duyên là tưởng; tưởng là nguyên thủ, từ đó mà có; không cái này thì không. Con nay nghe lời Phật dạy, mê hoặc đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu tưởng do đâu mà sanh; do bởi nhân gì, duyên gì; cái gì làm nguyên thủ, do cái gì mà có, do cái gì mà không?”
Phật bảo Đế Thích:
“Tưởng phát sanh do nơi điệu hý[31]; nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó mà có, cái đó không thì không.
“Này Đế Thích, nếu không có điệu hý thì không có tưởng. Không có tưởng thì không có dục. Không có dục thì không có yêu ghét. Không có yêu ghét thì không có tham lam tật đố. Nếu không có tham lam tật đó thì tất cả chúng sanh không tàn hại lẫn nhau.
“Này Đế Thích, chỉ duyên điệu hý làm gốc; nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó có tưởng. Từ tưởng có dục. Từ dục có yêu ghét. Từ yêu ghét có tham lam tật đố. Do tham lam tật đố, chúng sanh tàn hại lẫn nhau.” Đế Thích bạch Phật:
“Thật vậy, Thế Tôn, do điệu hý mà có tưởng; nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó có tưởng. Từ tưởng có dục. Từ dục có yêu ghét. Từ yêu ghét có tham lam tật đố. Do tham lam tật đố, chúng sanh tàn hại lẫn nhau. Nếu vốn không có điệu hý thì không có tưởng. Không có tưởng thì không có dục. Không có dục thì không có yêu ghét. Không có yêu ghét thì không có tham lam tật đố. Nếu không có tham lam tật đố thì tất cả chúng sanh không tàn hại lẫn nhau. Nhưng tưởng do điệu hý sanh; nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó có tưởng. Từ tưởng có dục. Từ dục có yêu ghét. Từ yêu ghét có tham lam tật đố. Do tham lam tật đố, chúng sanh tàn hại lẫn nhau. Con nay nghe những điều Phật dạy, mê hoặc đã trừ, không còn nghi ngờ gì nữa.” Rồi Đế Thích bạch Phật:
“Hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ điệu hý chăng? Hay không ở trên con đường diệt trừ điệu hý[32]?” Phật nói:
“Không phải hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ điệu hý. Sở dĩ như vậy, này Đế Thích, vì thế gian có nhiều chủng loại giới khác nhau. Mỗi chúng sanh y trên giới của mình, ôm giữ chặt cứng, không thể dứt bỏ; cho rằng điều của mình là thật, ngoài ra là dối. Vì vậy, Đế Thích, không phải hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ điệu hý[33].”
Đế Thích liền bạch Phật:
“Thật vậy, Thế Tôn, thế gian có nhiều chủng loại giới khác nhau. Mỗi chúng sanh y trên giới của mình, ôm giữ chặt cứng, không thể dứt bỏ; cho rằng điều của mình là thật, ngoài ra là dối. Vì vậy, không phải hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ điệu hý. Con nay nghe những điều Phật dạy, mê hoặc đã trừ, không còn nghi ngờ gì nữa.”
Đế Thích lại bạch Phật:
“Trong chừng mực nào là con đường diệt trừ điệu hý?”
Phật bảo Đế Thích:
“Điệu hý có ba; một là miệng, hai là tưởng, ba là cầu[34]. Những gì do miệng người nói, hại mình, hại người, hại cả hai; xả bỏ lời nói ấy. Như những gì được nói không hại mình, không hại người, không hại cả hai; Tỳ-kheo biết thời, đúng như những điều được nói, chuyên niệm không tán loạn. Tưởng cũng hại mình, hại người, hại cả hai; xả bỏ tưởng ấy. Đúng như những gì được tưởng mà không hại mình, không hại người, không hại cả hai; Tỳ-kheo biết thời, đúng như những điều được tưởng, chuyên niệm không tán loạn. Đế Thích, cầu cũng hại mình, hại người, hại cả hai; sau khi xả bỏ cầu ấy, đúng những gì được tìm cầu, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, Tỳ-kheo biết thời đúng như những gì được tìm cầu chuyên niệm không tán loạn.”
Bấy giờ, Đế Thích bạch Phật:
“Con nghe những điều Phật dạy, không còn hồ nghi nữa.”
Lại hỏi:
“Trong chừng mực nào thì gọi là Xả tâm của Hiền thánh?”
Phật nói với Đế Thích:
“Xả tâm có ba: một là hỷ thân, hai là ưu thân, ba là xả thân. Đế Thích; hỷ thân kia hại mình, hại người, hại cả hai[35]. Sau khi xả bỏ hỷ ấy, như điều được hoan hỷ, không hại mình, không hại người, không hại cả hai; Tỳ-kheo biết thời, chuyên niệm không tán loạn, liền được gọi là thọ giới Cụ túc[36]. Đế Thích, ưu thân[37] kia hại mình, hại người, hại cả hai. Sau khi xả bỏ ưu ấy, như điều ưu tư, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, Tỳ-kheo biết thời, chuyên niệm không tán loạn, liền được gọi là thọ giới Cụ túc. Lại nữa, Đế Thích, xả thân kia hại mình, hại người, hại cả hai. Sau khi xả bỏ xả thân ấy, như điều được xả, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, Tỳ-kheo biết thời, chuyên niệm không tán loạn, liền được gọi là thọ giới Cụ túc.”
Đế Thích bạch Phật:
“Con nghe những điều Phật dạy, không còn hồ nghi nữa.”
Lại bạch Phật:
“Trong chừng mực nào thì được gọi là sự đầy đủ các căn của bậc Hiền thánh[38]?” Phật bảo Đế Thích:
“Con mắt biết sắc, Ta nói có hai: đáng thân và không đáng thân[39]. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm ý biết pháp, Ta nói có hai: đáng thân và không đáng thân.” Đế Thích bạch Phật:
“Thế Tôn, Như Lai nói vắn tắt mà không phân biệt rộng rãi. Theo chỗ hiểu biết đầy đủ của con thì như thế này: ‘Mắt biết sắc, Ta nói có hai: đáng thân và không đáng thân. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, Ta nói có hai: đáng thân và không đáng thân. Thế Tôn, như con mắt quán sát sắc, mà pháp thiện tổn giảm, pháp bất thiện tăng. Mắt thấy sắc như thế, Ta nói không đáng thân. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, mà pháp thiện tổn giảm, pháp bất thiện tăng trưởng, Ta nói không đáng thân. Như mắt biết sắc mà pháp thiện tăng trưởng, pháp bất thiện giảm; sự biết sắc của mắt như vậy, Ta nói đáng thân. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, mà pháp thiện tăng trưởng, pháp bất thiện tổn giảm, Ta nói đáng thân’.” Phật bảo Đế Thích:
“Lành thay, lành thay, đó gọi là sự đầy đủ các căn của Hiền thánh.”
Đế Thích bạch Phật:
“Con nghe những điều Phật nói, không còn hồ nghi nữa.”
Lại bạch Phật:
“Trong chừng mực nào Tỳ-kheo được nói là cứu cánh, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn, cứu cánh vô dư?”
Phật bảo Đế Thích:
“Thân bị khổ bởi ái đã diệt tận, là cứu cánh, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn, cứu cánh vô dư.[40]”
Đế Thích bạch Phật:
“Những mối hoài nghi mà con ôm ấp lâu dài nay đã được Như Lai mở bày, không còn gì nghi ngờ nữa.”
Phật nói với Đế Thích:
“Trước đây ngươi có bao giờ đi đến các Samôn, Bà-la-môn hỏi ý nghĩa này chưa?” Đế Thích bạch Phật:
“Con nhớ lại, thuở xưa, con đã từng đến Samôn, Bà-la-môn để hỏi nghĩa này. Xưa, có một thời, chúng con tập họp tại giảng đường, cùng các Thiên chúng bàn luận: ‘Như Lai sẽ ra xuất hiện ở đời chăng? Chưa xuất hiện ở đời chăng?’ Rồi chúng con cùng suy tìm, không thấy có Như Lai xuất hiện ở đời. Mỗi vị trở về cung điện của mình, hưởng thụ ngũ dục. Thế Tôn, về sau, con lại thấy các Đại Thiên thần sau khi tự thỏa mãn với ngũ dục, dần dần từng vị mạng chung. Lúc ấy, bạch Thế Tôn, con rất kinh sợ, lông tóc dựng đứng. Khi gặp các Sa-môn, Bà-la-môn sống nơi thanh vắng, lìa bỏ gia đình, lìa bỏ dục lạc, con bèn tìm đến hỏi họ rằng: ‘Thế nào là cứu cánh?’ Con hỏi ý nghĩa ấy, nhưng họ không thể trả lời. Đã không thể trả lời, họ hỏi ngược lại con: ‘Ông là ai?’ Con liền đáp: ‘Tôi là Thích Đề-hoàn Nhân.’ Kia lại hỏi: ‘Ông là Thích nào?’ Con đáp: ‘Tôi là Thiên Đế Thích. Trong lòng có mối nghi nên đến hỏi.’ Rồi con và vị ấy theo chỗ thấy biết của mình cùng giải thích ý nghĩa. Kia nghe con nói, kia lại nhận làm đệ tử của con. Nay con là đệ tử Phật, chứng đắc Tu-đà-hoàn đạo, không còn đọa cõi dữ; tái sanh tối đa bảy lần tất thành đạo quả. Cúi mong Thế Tôn thọ ký con là Tư-đà-hàm.”
Nói xong, Đế Thích lại làm bài tụng:
Do kia nhiễm uế tưởng[41],
Khiến con sanh nghi ngờ.
Cùng chư Thiên, lâu dài
Suy tìm đến Như Lai.
Gặp những người xuất gia
Thường ở nơi thanh vắng,
Tưởng là Phật Thế Tôn,
Con đến cúi đầu lễ.
Con đến và hỏi họ
“Thế nào là cứu cánh?”
Hỏi, nhưng không thể đáp,
Đường tu đi về đâu.
Ngày nay đấng Vô Đẳng,
Mà con đợi từ lâu,
Đã quán sát, thực hành,
Tâm đã chánh tư duy.
Đấng Tịnh Nhãn đã biết
Sở hành của tâm con
Và nghiệp tu lâu dài,
Cúi mong thọ ký con.
Quy mạng Đấng Chí Tôn,
Đấng siêu việt tam giới,
Đã bứt gai ân ái.
Kính lễ Đấng Nhật Quang[42].
Phật bảo Đế Thích:
“Ngươi có nhớ trước đây khi ngươi có hỷ lạc, cảm nghiệm lạc chăng[43]?” Đế Thích đáp:
“Đúng vậy, Thế Tôn. Con nhớ hỷ lạc, cảm nghiệm lạc mà con có trước đây. Thế Tôn, xưa có lần con đánh nhau với A-tu-la. Khi đó con chiến thắng, A-tu-la bại trận. Con trở về với sự hoan hỷ, cảm nghiệm lạc. Nhưng hoan hỷ ấy, cảm nghiệm lạc ấy duy chỉ là hỷ lạc của dao gậy uế ác, là hỷ lạc của đấu tranh. Nay hỷ lạc, cảm nghiệm lạc mà con có được ở nơi Phật không phải là hỷ lạc của dao gậy, của đấu tranh.” Phật hỏi Đế Thích:
“Hỷ lạc, cảm nghiệm lạc mà ngươi có hiện nay, trong đó muốn tìm cầu những kết quả công đức gì?”
Bấy giờ, Đế Thích bạch Phật:
“Con ở trong hỷ lạc, cảm nghiệm lạc, muốn tìm cầu năm kết quả công đức[44]. Những gì là năm? Rồi Đế Thích liền đọc bài kệ:
Nếu sau này con chết,
Xả bỏ tuổi thọ trời,
Đầu thai không lo lắng[45],
Khiến tâm con hoan hỷ.
Phật độ người chưa độ;
Hay nói đạo chân chánh;
Ở trong pháp Chánh giác[46],
Con cần tu phạm hạnh.
Sống với thân trí tuệ,
Tâm tự thấy chân đế;
Chứng đạt điều cần chứng[47],
Do thế sẽ giải thoát[48].
Nhưng phải siêng tu hành,
Tu tập chơn trí Phật.
Dù chưa chứng đạo quả;
Công đức vẫn hơn trời.
Các cõi trời thần diệu,
A-ca-ni[49],
vân vân;
Cho đến thân cuối cùng,
Con sẽ sanh nơi ấy.
Nay con ở nơi này,
Được thân trời thanh tịnh;
Lại được tuổi thọ tăng;
Tịnh nhãn, con tự biết.
Nói bài kệ xong, Đế Thích bạch Phật:
“Con ở trong hỷ lạc, cảm nghiệm lạc, mà được năm kết quả công đức như vậy.”
Bấy giờ Đế Thích nói với chư Thiên Đao-lợi:
“Các ngươi ở trên trời Đao-lợi đã cung kính hành lễ trước Phạm đồng tử. Nay trước Phật lại cũng hành lễ cung kính như vậy, há không tốt đẹp sao?”
Nói xong, phút chốc Phạm đồng tử bỗng xuất hiện giữa hư không, đứng bên trên các Thiên chúng, hướng về phía Đế Thích mà đọc bài kệ rằng:
Thiên vương hành thanh tịnh,
Nhiều lợi ích chúng sanh;
Ma-kiệt, chúa Đế Thích,
Hỏi Như Lai ý nghĩa.
Bấy giờ, Phạm đồng tử sau khi nói kệ, bỗng nhiên biến mất. Khi ấy Đế Thích rời chỗ ngồi đứng dậy, lễ dưới chân Thế Tôn, đi quanh Phật ba vòng, rồi lui về. Chư Thiên Đao-lợi cùng Ban-giá-dực cũng lễ dưới chân Phật rồi lui về.
Thiên Đế Thích đi trước một đỗi, quay lại nói với Ban-giá-dực:
“Lành thay, lành thay! Ngươi đã đi trước đến gảy đàn trước Phật cho vui vẻ, sau đó ta mới cùng chư Thiên Đao-lợi đến sau. Ta nay bổ ngươi vào địa vị của cha ngươi, làm thượng thủ trong các Càn-đạp-hòa và sẽ gả Bạt-đà con gái của vua Cànđạp-hòa cho ngươi làm vợ.”
Khi Thế Tôn nói pháp này, tám vạn bốn ngàn chư Thiên xa lìa trần cấu, con mắt Chánh pháp phát sanh đối với các pháp.
Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân, chư Thiên Đaolợi và Ban-giá-dực sau khi nghe những điều Phật dạy hoan hỷ phụng hành.
❑
[1] Bản Hán: Phật Thuyết Trường A-hàm “Đệ nhị phần Thích Đề-hoàn Nhân Vấn kinh Đệ thập”. Tham chiếu, Trung A-hàm, kinh số 134 “Thích Vấn kinh”, Đại No. 26(234); Đế Thích Sở Vấn kinh, Tống, Pháp Hiền dịch (Đại I, tr. 246); Tạp Bảo Tạng, kinh số 73”, Đế Thích Vấn Sự Duyên kinh,” Nguyên Ngụy, Cát-ca-dạ & Đàm-vô-sấm dịch (Đại IV, tr.476). Tương đương Pāli: D.21 (Deva Dig ii. 8) Sakka-paĩhā-suttanta.
[2] . Ma-kiệt 摩 竭; Pāli: Magadha; Am-bà 菴 婆; Pāli: Amba; Nhân-đà-sa-la khốt 因 陀 娑 羅 窟; Pāli: Indasāla-gūha; núi Tỳ-đà 毗 陀; Pāli: Vediyaka.
[3] Thích Đề-hoàn Nhân 釋 提 桓 因; Pāli: Sakka devānaṃ Inda, tổng thủ lãnh các thiền thần, tên Sakka; vua của chư Thiên cõi trời Tāvatiṃsā (Đao-lợi hay Tam thập tam). Gọi tắt Thiên Đế Thích 天 帝 釋, hay Đế Thích.
[4] Đao-lợi 忉 利, hay Tam thập tam 三 十 三; Pāli: Tāvatiṃsā.
[5] Xem cht. 2, kinh số 3 “Điển Tôn”.
[6] Bạt-đà 跋 陀; Pāli: Bhaddā, con gái của Timbaru, Chấp nhạc Thiên vương.
[7] Chỉ tình yêu của nhạc thần với Thiên nữ.
[8] Văn cú đảo trang. Mệnh đề chính: “Tâm niệm ta (niềm vui) cũng vậy, như...”.
[9] Thích, chỉ Thích Đề-hoàn Nhân.
[10] A-du-ba-đà ni-câu-luật 阿 遊 波 陀 尼 俱 律; Pāli: Ajapāla-nigrodha.
[11] Ni-liên-thiền 尼 連 禪; Pāli: Neraĩjarā.
[12] Uất-bệ-la 鬱 鞞 羅; Pāli: Uruvelà.
[13] . Thi-hán-đà, Thiên đại tướng tử 尸 漢 陀 天 大 將 子; Pāli: Sikkhaṇḍì nāma Mātalissa saṭthāhakassa putto, Sikkhandi, vốn là con trai của thần đánh xe Mātali.
[14] A-tu-luân 阿 須 倫 (bản Cao-ly: 輪), hoặc A-tu-la 阿 須 羅; Pāli: Asura.
[15] Pāli: Sāvathiyāư viharati Salalāgārake, trú ở Sāvatthi, trong am thất Salàla.
[16] Pāli xác định: Bhūjati ca nāma Vessavaṇassa mahārājassa paricārikā, Bhūjati, vợ của Vessavaṇa.
[17] Cù-di Thích nữ 瞿 夷 釋 女; Pāli: Gopikā nāma Sakya-dhītā, con gái dòng họ Thích tên Gopikā.
[18] Cù-di đại thiên tử 瞿 夷 大 天 子; Pāli: Gopaka deva-putta, con trai của trời tên Gopaka.
[19] Xúc não 觸 惱; Pāli: paṭicodeti, trách mắng.
[20] . Trở lên, lời của Cù-di. Từ đây trở xuống, thuật chuyện nỗ lực tu của hai trong số ba thần chấp nhạc mà tiền thân là ba Tỳ-kheo.
[21] Thích-ca Văn 釋 迦 文, phiên âm khác của Thích-ca Mâu-ni.
[22] . Càn-đạp-hòa 乾 踏 和, hay Càn-thát-bà 乾 撻 婆, dịch là Hương thần 香 神, hay Chấp nhạc thần như các đoạn trên; Pāli: Gandhabba.
[23] Kết 結; Pāli: saṃyojana, sự trói buộc, chỉ phiền não trói buộc chúng sanh vào luân hồi.
[24] Tham tật 貪 嫉; Pāli: issāmachariyasaṃyojana, sự trói buộc của tham lam và ganh tị.
[25] Thùy vi nguyên thủ 誰 為 原 首; so sánh Pāli: kiṃpabhavaṃ, cái gì khiến xuất hiện?
[26] Do ái tắng 由 愛 憎; Pāli: piyāppiyanidānaṃ, nhân duyên là yêu và ghét.
[27] . Pāli: piyāppiye sati issāmacchariyaṃ hoti, piyāppiye asati issāmacchariyaṃ na hoti, có yêu ghét thì có tham lam và tật đố; không có yêu ghét thì không có tham lam và tật đố.
[28] Dục 欲; Pāli: chanda: ham muốn.
[29] Ái 愛; đoạn trên nói là dục. Xem cht.26.
[30] . Ái do tưởng sanh 愛 由 想 生; Pāli: chando (...) vitakkanidāno, dục có nguyên nhân là tầm 尋, tức tầm cầu hay suy nghĩ tìm tòi.
[31] Điệu hý 調 戲, nghĩa đen: đùa giỡn; Pāli: papañca-saññā-saṃkhā, hý luận vọng tưởng.
[32] Hán: Tận trừ điệu hý tại diệt tích (...) 盡 除 調 戲 在 滅 跡; Pāli: (...) papañca-saññā-saṃkhānirodha-sāruppagāminiṃ paṭipadaṃ paṇipanno: thành tựu con đường dẫn đến sự diệt trừ hý luận vọng tưởng.
[33] Tham chiếu Pāli (D.21, Dig ii. 8, tr.211): Tasmiṃ anekadhātunānādhātusmiṃ loke yaṃ yadeva sattā dhātuư abhinivisanti taṃ yadeva thāmasā parāmāsā abhinivissa voharanti-“idam eva saccaṃ, mogham aññaṃ” ti. Tasmā na sabbe samaṇabrāhmaṇā ekantavādā ekantasīlà ekantachandā ekanta-ajjhosānā ti: trong thế giới có nhiều chủng loại đa thù sai biệt nāy, các chúng sanh thiên chấp một loại thế giới nào đó, rồi chấp chặt vào thế giới ấy, cho rằng “Đây là thật; ngoài ra là ngu si”. Vì vậy, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn không đồng nhất quan điểm, không đồng nhất giới hạnh, không đồng nhất ước vọng, không đồng nhất cứu cánh.
[34] Trong bản Pāli, đoạn nāy liên hệ đến sự thành tựu biệt giải thoát luật nghi (Pāli: pātimokkhasaṃvara-paṭipadā): kāyasamācāraṃ(...) sevitabbaṃ pi asevitabbaṃ pi. Vacīsamācāraṃ (...) pariyesanaṃ (...): thân hành, khẩu hành, truy cầu, đáng thân cận và không đáng thân cận.
[35] Tham chiếu Pāli: somanassaṃ pāhaṃ (...) duvidhena vadāmi: sevitabbaṃ pi asevitabbaṃ pì ti (...) “imaṃ kho me somanassaṃ sevato akusalà dhammā abhivaḍḍhanti kusalà dhammā parihātantì” ti, evarūpaṃ somanassaṃ na sevitabbaṃ: Ta cũng nói hỷ có hai loại, đáng thân cận và không đáng thân cận. “Khi tôi thân cận hỷ nāy, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm”, hỷ như vậy không nên thân cận.
[36] . Thọ cụ túc giới 受 具 足 戒; Pāli: pātimokkhasaṃvarapaṭipadā, thành tựu phòng hộ bằng biệt giải thoát (giới).
[37] Ưu thân 憂 身; Pāli: domanassa; xả thân 捨 身; Pāli: upekkhā.
[38] . Hiền thánh luật chư căn cụ túc 賢 聖 律 諸 根 具 足; Pāli: indriyasaṃvarapaṭi panno, thành tựu sự phòng hộ các căn.
[39] Khả thân bất khả thân 可 親 不 可 親; Pāli: sevitabbaṃ, asevitabbaṃ.
[40] Tham chiếu Pāli (D.21, tr.283): Ye (... ) taṇhāsaṅkhayavimuttā te accantaniṭṭhā accantayogakkhemì accantabrahmacārì accantapariyosānā, những ai đã giải thoát với sự diệt tận của khát ái, những vị ấy đạt đến tột cùng cứu cánh, an ổn cứu cánh, phạm hạnh cứu cánh, mục đích cứu cánh.
[41] . Hán: nhiễm uế tưởng 染 穢 想. Tham chiếu Pāli (D.21, Dig ii. 8, tr.215): apariyositasaṅkappo: tư duy không chân chính.
[42] Hán: Nhật quang tôn 日 光 尊; Pāli: ādicca-bandhuna, thân tộc của mặt trời.
[43] Hán: đắc hỷ lạc 得 喜 樂, niệm lạc 念 樂; Pāli: vedapaṭilābhaṃ somanassapaṭi-lābhaṃ.
[44] Pāli: cha atthavase: sáu ích lợi.
[45] . Hán: bất hoài hoạn 不 懷 患 Pāli: amùḷho gabbhamessāmi: không si ám, đầu thai (theo ý muốn).
[46] Hán: tam Phật pháp 三 佛 法, tức nói đủ: Tam-miệu-tam-phật-đà pháp.
[47] Hán: bổn sơ khởi 本 初 起; Tống-Nguyên-Minh: bổn sơ thú 本 初 趣. Xem cht.48 dưới.
[48] . Tham chiếu Pāli (D.21, tr.286): aññātā viharissāmi, sveva anto bhavissati, con sẽ sống với chánh trí; đây sẽ là đời cuối cùng.
[49] . A-ca-ni-trá 阿 迦 尼 吒, dịch Hữu đảnh thiên 有 頂 天, hay Sắc cứu cánh thiên 色 究 竟 天, cõi trời cao nhất thuộc sắc giới; Pāli: Akaniṭṭha.
[Đầu trang][Mục lục bộ Trường A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]