TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 1 - KINH TRƯỜNG A-HÀM

Hán dịch: Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm

18. KINH TỰ HOAN HỶ [1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Na-nan-đà[2], trong rừng Ba-ba-lỵ-am-bà[3], cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ Trưởng lão Xá-lợi-phất đang ở nơi nhàn tĩnh, thầm tự suy nghĩ rằng:

“Ta biết với tâm quyết định[4] rằng các Sa-môn, Bà-la-môn trong quá khứ, vị lai và hiện tại, không ai có trí tuệ, thần túc, công đức, đạo lực sánh bằng Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác[5].Rồi Xá-lợi-phất rời khỏi tịnh thất, đi đến chỗ Phật; cúi đầu lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch Phật rằng:

“Vừa rồi ở tịnh thất, con thầm tự nghĩ rằng: ‘Các Sa-môn, Bà-la-môn trong quá khứ, vị lai và hiện tại, không ai có trí tuệ, thần túc, công đức, đạo lực sánh bằng Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.’”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Lành thay, lành thay, ngươi có thể trước Phật mà nói lời như vậy. Với tin tưởng xác quyết[6], ngươi thật sự cất tiếng rống sư tử. Các Sa-môn, Bàla-môn không ai bằng ngươi được. Thế nào, Xálợi-phất, ngươi có thể biết những điều được nhớ nghĩ trong tâm của chư Phật quá khứ chăng? Biết Đức Phật ấy có giới như vậy, pháp như vậy, trí tuệ như vậy, giải thoát như vậy, giải thoát đường[7] như vậy chăng?”

Đáp rằng: “Không biết”.

“Thế nào, Xá-lợi-phất, ngươi có thể biết những điều được nhớ nghĩ trong tâm của chư Phật đương lai chăng? Biết Đức Phật ấy có giới như vậy, pháp như vậy, trí tuệ như vậy, giải thoát như vậy, giải thoát đường như vậy chăng?” Đáp rằng: “Không biết”.

“Thế nào, Xá-lợi-phất, nay, như Ta, Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, những gì được nhớ nghĩ trong tâm, có giới như vậy, pháp như vậy, trí tuệ như vậy, giải thoát như vậy, giải thoát đường như vậy, ngươi có thể biết được chăng?” Đáp rằng: “Không biết”.

Phật lại bảo Xá-lợi-phất:

“Ngươi không thể biết những điều được nhớ nghĩ[8] trong tâm của Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác trong quá khứ, vị lai, hiện tại, vì sao ngươi lại suy nghĩ một cách xác quyết như thế? Nhân bởi sự kiện gì mà ngươi phát sinh ý nghĩ như vậy, với tin tưởng xác quyết, cất tiếng rống sư tử? Nhưng các Sa-môn, Bà-la-môn khác nghe ngươi nói: ‘Ta biết với tâm quyết định rằng các Sa-môn, Bà-la-môn trong quá khứ, vị lai và hiện tại, không ai có trí tuệ, thần túc, công đức, đạo lực sánh bằng Như Lai’, họ sẽ không tin lời ngươi.” Xá-lợi-phất bạch Phật rằng:

“Con tuy không thể biết những điều suy nghĩ trong tâm của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại; nhưng con có thể biết pháp tổng tướng[9] của Phật. Như Lai thuyết pháp cho con, càng lúc càng cao, càng lúc càng vi diệu[10]; nói về pháp đen, pháp trắng; pháp duyên, không duyên; pháp chiếu, không chiếu[11]. Những điều Như Lai dạy, càng cao, càng vi diệu. Con sau khi nghe, biết từng pháp một[12]; đạt đến chỗ rốt ráo của pháp[13], con tin Như Lai là Đấng Chí Chân, Đẳng Chánh Giác; tin pháp của Như Lai được khéo phân biệt; tin chúng của Như Lai thành tựu sự diệt khổ. Trong các pháp thiện[14], đây là tối thượng. Thế Tôn có trí tuệ vô dư, thần thông vô dư[15]. Các Sa-môn, Bà-lamôn trong đời không ai có thể sánh bằng Như Lai, huống hồ muốn vượt lên trên.

“Pháp mà Thế Tôn đã dạy, lại có pháp cao hơn nữa; đó là các chế pháp[16]. Các chế pháp đó là: Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn thần túc, Bốn thiền, Năm căn, Năm lực, Bảy giác ý, Tám hiền thánh đạo. Đó là các chế pháp vô thượng, trí tuệ vô dư[17], thần thông vô dư. Các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh bằng Như Lai, huống hồ muốn vượt lên trên.

“Pháp mà Thế Tôn đã dạy, lại có pháp cao hơn nữa, đó là chế các nhập[18]. Các nhập là mắt và sắc, tai và thanh, mũi và hương, lưỡi và vị, xúc và thân, ý và pháp. Cũng như Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác quá khứ đã chế nhập này, tức là mắt cho đến, ý và pháp. Giả sử Như Lai, Chí Chân. Đẳng Chánh Giác vị lai cũng chế nhập ấy, tức là, mắt và sắc,... cho đến, ý và pháp. Nay Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, cũng chế nhập ấy, tức là, mắt và sắc,... cho đến, ý và pháp. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp mà Thế Tôn đã dạy, lại có pháp trên nữa; đó là thức nhập thai[19]. Nhập thai là, một, loạn nhập thai[20], loạn trú và loạn xuất; hai, không loạn nhập, loạn trú, loạn xuất; ba, không loạn nhập, không loạn trú nhưng loạn xuất; bốn, không loạn nhập, không loạn trú, không loạn xuất. Kia không loạn nhập, không loạn trú, không loạn xuất, là sự nhập thai bậc trên. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Samôn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai thuyết, lại có pháp trên nữa, đó là đạo[21]. Nói là đạo, tức là, các Sa-môn, Bà-lamôn bằng đủ các phương tiện nhập định ý tam- muội[22]; rồi tùy tam-muội tâm[23] mà tu niệm giác ý, y dục, y viễn ly, y diệt tận, y pháp xuất yếu; tinh tấn, hỷ, khinh an[24], định, xả giác ý, y dục, y viễn ly, y diệt tận, y pháp xuất yếu[25]. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai thuyết lại còn có pháp trên nữa; đó là diệt[26]. Diệt, tức là: Diệt bằng khổ hành nhưng chậm chứng đắc[27], cả hai[28] đều thấp kém. Diệt bằng khổ hành, chóng chứng đắc[29], duy chỉ khổ hành là thấp kém. Diệt bằng lạc, chậm chứng đắc, duy chỉ sự chậm là thấp kém. Diệt bằng lạc[30], chóng chứng đắc[31], nhưng không phổ rộng; vì không phổ rộng nên nói là thấp kém[32]. Như nay Như Lai diệt bằng lạc, chóng chứng đắc, mà lại phổ rộng, cho đến trời và người đều thấy biến hóa thần diệu.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Những điều Thế Tôn dạy vi diệu bậc nhất, cho đến nữ nhân cũng có thể thọ trì, dứt sạch lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự thân tác chứng ngay trong đời này: sanh tử đã tận, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn hậu hữu. Đó là sự diệt vô thượng được Như Lai dạy. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai dạy còn có trên nữa; đó là ngôn thanh tịnh[33]. Ngôn thanh tịnh, tức là, Thế Tôn đối với các Sa-môn, Bà-la-môn không nói lời hư dối vô ích; nói không cốt để hơn, không vì phe đảng, lời nói nhu hòa, không sai thời tiết, lời nói không phát suông. Đó gọi là ngôn thanh tịnh. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai dạy còn có trên nữa, đó là kiến định[34]. Nói kiến định, là nói rằng, có Sa-môn, Bàla-môn, bằng đủ phương tiện nhập định ý tam- muội. Tùy tam-muội tâm, quán từ đầu đến chân, từ chân đến đầu, trong ngoài lớp da, chỉ có những thứ bất tịnh như tóc, lông, móng, gan, phổi, ruột, dạ dày, lá lách, thận tức là năm tạng, mồ hôi, mỡ, tủy, não, phân, nước tiểu, nước mũi, nước mắt, chỗ hôi thối bất tịnh, không một cái gì đáng tham. Đó là kiến định thứ nhất.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện, nhập định ý tam-muội, tùy tam-muội tâm, loại bỏ các thứ bất tịnh bên trong và ngoài da, chỉ quán xương trắng và răng. Đó là kiến định thứ hai.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện, nhập định ý tam-muội, tùy tam-muội tâm, loại bỏ xương trắng và các thứ bất tịnh trong ngoài da, chỉ quán tâm thức[35] trú ở chỗ nào, ở đời này hay đời sau? Đời này không gián đoạn, đời sau không gián đoạn; đời này không giải thoát, đời sau không giải thoát. Đó là kiến định thứ ba.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện, nhập định ý tam-muội, tùy tam-muội tâm, loại bỏ các thứ bất tịnh trong ngoài da và xương trắng, lại trùng quán thức. Thức ở đời sau, không ở đời này; đời nay gián đoạn, đời sau không đoạn; đời nay giải thoát, đời sau không giải thoát. Đó là kiến định thứ tư.[36]

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện, nhập định ý tam-muội, tùy tam-muội tâm, loại bỏ các thứ bất tịnh trong ngoài da và xương trắng, lại trùng quán thức; không ở đời này, không ở đời sau, cả hai đều gián đoạn, cả hai đều giải thoát. Đó là kiến định thứ năm. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, đó là thường pháp[37]. Thường pháp là, các Sa-môn, Bàla-môn, bằng đủ phương tiện, nhập định ý tammuội[38], tùy tam-muội tâm[39], nhớ lại hai mươi thành kiếp và hoại kiếp[40] của thế gian, vị ấy nói: ‘Thế gian thường tồn, đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Vì do tôi nhớ lại, cho nên biết có thành kiếp và hoại kiếp ấy. Quá khứ còn lại thì tôi không biết. Thành kiếp, hoại kiếp vị lai, tôi cũng không biết.’ Người ấy sáng và chiều do vô trí mà nói rằng: ‘Thế gian thường tồn, duy chỉ đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là thường pháp thứ nhất.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện, nhập định ý tam-muội, tùy tam-muội tâm, nhớ lại bốn mươi kiếp thành và kiếp hoại, vị ấy nói: ‘Thế gian này thường, duy chỉ đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Vì tôi nhớ lại nên biết có thành kiếp, hoại kiếp. Tôi còn biết hơn thế nữa, biết thành kiếp, hoại kiếp. Nhưng tôi không biết sự thành và hoại của vị lai.’ Điều đó nói, biết khởi thủy mà không biết chung cuộc. Người ấy sáng mai, chiều tối, do vô trí mà nói rằng: ‘Thế gian thường tồn, duy chỉ đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là thường pháp thứ hai.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện, nhập định ý tam-muội, tùy tam-muội tâm, nhớ lại tám mươi thành kiếp, hoại kiếp, vị ấy nói rằng: ‘Thế gian này thường, ngoài ra là dối. Vì sao? Tôi nhớ lại mà biết có thành kiếp, hoại kiếp; lại còn biết thành kiếp, hoại kiếp quá khứ hơn thế nữa. Thành kiếp, hoại kiếp vị lai tôi cũng biết cả.’ Người ấy sớm chiều do vô trí mà nói lời này: ‘Thế gian thường còn, chỉ đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đây là pháp thường tồn thứ ba. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên. “Pháp mà Như Lai thuyết còn có trên nữa, đó là quán sát[41]. Quán sát là, có Sa-môn, Bà-la-môn, do tưởng mà quán sát[42], ‘tâm kia thú hướng như thế, tâm này thú hướng như thế.’ Tâm ấy khi phát tưởng như vậy, hoặc hư hoặc thật[43]. Đó là quán sát thứ nhất.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, không do tưởng mà quán sát, nhưng hoặc nghe lời của chư Thiên và phi nhân, mà nói với người kia rằng: ‘Tâm ngươi như vậy, tâm ngươi như vậy.’ Điều này cũng hoặc thật, hoặc hư. Đó là quán sát thứ hai.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, không do tưởng mà quán sát, cũng không nghe lời của chư Thiên hay phi nhân, mà tự quán sát thân mình, lại nghe lời người khác, mà nói với người kia[44] rằng: ‘Tâm của ngươi như vậy, tâm của ngươi như vậy.’ Điều này cũng có thật, cũng có hư. Đó là quán sát thứ ba.

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, không do tưởng quán sát, cũng không nghe lời chư Thiên và phi nhân nói, lại không tự quán sát, hay quán sát người khác; nhưng, trừ giác quán rồi, đắc định ý tammuội, quán sát tâm người khác, mà nói với người ấy rằng[45]: ‘Tâm của ngươi như vậy, tâm của ngươi như vậy.’ Quán sát như thế là chân thật. Đó là quán sát thứ tư. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, đó là giáo giới[46]. Giáo giới là, hoặc có trường hợp có người không trái với giáo giới, dứt sạch hữu lậu thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự thân tác chứng[47]: sanh tử đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn hậu hữu. Đó là giáo giới thứ nhất.

“Có người không trái với giáo giới, dứt sạch năm hạ phần kết, sau khi diệt độ chốn này sẽ không trở lại cõi này nữa. Đó là giáo giới thứ hai.

“Hoặc có người không trái giáo giới, ba kết đã hết, dâm nộ si mỏng, đắc Tư-đà-hàm, sẽ trở lại đời này mà diệt độ. Đó là giáo giới thứ ba.

“Hoặc có người không trái giáo giới, ba kết đã hết, đắc Tu-đà-hoàn, tối đa bảy lần trở lại, ắt sẽ thành đạo quả, không đọa ác thú. Đó là giáo giới thứ tư. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp mà Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, là thuyết pháp cho người khác, khiến cho giới thanh tịnh[48]. Giới thanh tịnh là, có Sa-môn, Bà-lamôn, có lời nói chí thành, không hề hai lưỡi, thường tự kính cẩn, dẹp bỏ ngủ nghỉ, không mang lòng tà siểm, miệng không nói dối, không dự đoán cát hung cho người, không tự mình xưng thuyết, đem sở đắc của người này tỏ cho người khác để cầu thêm lợi từ người khác[49], tọa thiền tu trí, biện tài vô ngại, chuyên niệm không loạn, tinh cần không biếng nhác. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp mà Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, đó là giải thoát trí[50]. Nói là giải thoát trí, đó là, Thế Tôn do nhân duyên của người khác mà nội tâm tư duy rằng: Người này là Tu-đà-hoàn; người này là Tư-đà-hoàn; người này là A-na-hàm, người này là A-la-hán. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp mà Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, đó là tự thức túc mạng trí chứng[51]. Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ các phương tiện, nhập định ý tam-muội, tùy tam-muội tâm, tự mình nhớ lại vô số việc đời từ trước, một đời, hai đời,... cho đến trăm ngàn thành kiếp, hoại kiếp, vô số như vậy, ta sanh ở chỗ kia, có tên như vậy, chủng tộc như vậy, họ như vậy, thọ mạng như vậy, ẩm thực như vậy, khổ lạc như vậy; từ chỗ này sanh nơi kia; từ nơi kia sanh đến chỗ này, với nhiều tướng dạng khác nhau, tự nhớ vô số kiếp sự đời xưa, ngày đêm thường nghĩ nhớ những nơi đã trải qua. Đây là sắc. Đây là vô sắc. Đây là tưởng. Đây là vô tưởng. Đây là phi vô tưởng, thảy đều nhớ biết hết. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai thuyết còn có pháp trên nữa, đó là thiên nhãn trí[52]. Thiên nhãn trí là, các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ các phương tiện, nhập định ý tam-muội, từ tam-muội tâm, quán chúng sanh, hoặc sống, hoặc chết, có sắc tốt, sắc xấu, định mệnh lành, định mệnh dữ[53], hoặc đẹp, hoặc xấu, tùy theo chỗ làm, thảy đều thấy hết, biết hết. Hoặc có chúng sanh thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, phỉ báng Hiền thánh, tin theo tà kiến điên đảo, khi thân hoại mạng chung đọa ba đường dữ. Hoặc có chúng sanh có thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, không báng bổ Hiền thánh, chánh kiến, tín hành, khi thân hoại mạng chung sanh lên trời người. Bằng thiên nhãn thanh tịnh, quán chúng sanh, thấy biết như thật. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-lamôn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp mà Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, đó là thần túc chứng[54]. Thần túc chứng là, các Samôn, Bà-la-môn, bằng đủ các phương tiện, nhập định ý tam-muội, tùy tam-muội tâm, thực hiện vô số thần lực; có thể biến một thân thành vô số thân; từ vô số thân hợp làm một thân; vách đá không trở ngại; ngồi kiết già giữa hư không; cũng như chim bay; vào ra lòng đất như ở trong nước; đi trên nước như đi trên đất; thân mình bốc khói, bốc lửa, như đống lửa cháy rực; lấy tay sờ mặt trời, mặt trăng; đứng cao đến trời Phạm thiên. Nếu Sa-môn, Bà-lamôn gọi đó là thần túc, thì nên bảo họ rằng: có thần túc như vậy, không phải không có. Nhưng loại thần túc ấy thấp kém, hèn hạ, là việc làm của phàm phu, không phải điều mà Hiền thánh tu tập. Nếu Tỳ-kheo đối với sắc thế gian yêu thích mà không nhiễm[55], sau khi xả ly sắc ấy, làm việc đáng làm, ấy mới gọi là thần túc của Hiền thánh. Đối với sắc không đáng ưa cũng không ghét, sau khi xả ly sắc ấy, làm việc nên làm, ấy mới gọi là thần túc của Hiền thánh. Đối với sắc mà thế gian yêu, sắc mà thế gian không yêu, lìa bỏ cả hai, tu bình đẳng xả[56], chuyên niệm không quên[57], ấy mới gọi là thần túc của Hiền thánh[58].

“Cũng như Đức Thế Tôn tinh tấn dũng mãnh, có đại trí tuệ, có tri có giác, đắc đệ nhất giác, cho nên gọi là Đẳng giác. Thế Tôn nay cũng không hoan lạc nơi dục[59]; không hoan lạc nơi điều tu tập của phàm phu thấp kém[60], cũng không nhọc nhằn siêng năng để chịu các thứ khổ não. Thế Tôn nếu muốn loại trừ pháp xấu ác, có giác có quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng nhập Sơ thiền, thì như thế Ngài liền có thể loại trừ pháp xấu ác, có giác có quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng nhập Sơ thiền. Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, cũng vậy. Ngài tinh tấn, dũng mãnh, có đại trí tuệ, có tri, có giác, đắc đệ nhất giác, nên gọi là Đẳng giác.” Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu có dị học ngoại đạo đến hỏi ngươi rằng[61]: ‘Trong các Sa-môn, Bà-la-môn quá khứ có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ Ngươi sẽ trả lời như thế nào? Người ấy lại hỏi: ‘Trong các Sa-môn, Bàla-môn vị lai có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ Ngươi sẽ trả lời như thế nào? Kia lại hỏi: ‘Trong các Sa-môn, Bà-la-môn hiện tại có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ Ngươi sẽ trả lời như thế nào?’”

Xá-lợi-phất liền trả lời:

“Giả sử được hỏi rằng: ‘Trong các Sa-môn, Bàla-môn quá khứ có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ Con sẽ trả lời rằng: ‘Có.’ Giả sử được hỏi: ‘Trong các Sa-môn, Bà-la-môn vị lai có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ Con sẽ trả lời rằng: ‘Có.’ Giả sử được hỏi: ‘Trong các Sa-môn, Bà-lamôn hiện tại có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ Con sẽ trả lời rằng: ‘Không.’” Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Dị học ngoại đạo kia lại hỏi: ‘Vì sao nói là có?

Và vì sao nói là không?’ Ngươi sẽ trả lời như thế nào?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Con sẽ trả lời người ấy rằng: ‘Các Bậc Tamda-tam-phật quá khứ cùng sánh bằng Như Lai. Các Tam-da-tam-phật vị lai cùng sánh bằng Như Lai. Nhưng con tự thân nghe từ Phật, rằng không có trường hợp có thể nói có vị Tam-da-tam-phật hiện tại nào khác cùng sánh với Như Lai.’ Bạch Thế Tôn, con theo chỗ được nghe, y pháp, thuận pháp, mà trả lời như vậy, có phải là trả lời đúng chăng?” Phật nói:

“Trả lời như vậy là y pháp, thuận pháp, không trái. Sở dĩ như vậy là vì, có các Đức Tam-da-tamphật quá khứ sánh bằng Ta. Có những vị Tam-datam-phật vị lai sánh bằng Ta. Nhưng không có trường hợp để nói rằng có hai Đức Phật cùng xuất hiện thế gian cùng một lần.”

Lúc bấy giờ Tôn giả Uất-đà-di đứng sau Phật, đang cầm quạt quạt Phật. Phật nói với Uất-đà-di:

“Uất-đà-di, ngươi hãy quán sát sự ít dục, biết đủ của Thế Tôn. Nay Ta có thần lực lớn, có uy đức lớn, mà ít dục, biết đủ, không hoan lạc trong các dục[62]. Uất-đà-di, nếu các Sa-môn, Bà-la-môn khác ở trong pháp này mà có thể tinh cần khó nhọc, chứng đắc một pháp, vị ấy sẽ dựng phướn mà bố cáo bốn phương xa rằng: ‘Nay Như Lai [63] này ít dục, biết đủ. Nay hãy quán sát sự ít dục, biết đủ của Như Lai. Như Lai có thần lực lớn, có uy đức lớn, không cần đến các dục.’”

Rồi thì, Tôn giả Uất-đà-di sửa y phục ngay ngắn, trịch áo bày vai hữu, qùy gối phải xuống đất, chắp tay bạch Phật rằng:

“Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn, ít dục, biết đủ như Thế Tôn. Thế Tôn có thần lực lớn, có uy đức lớn, không cần đến các dục. Nếu có Sa-môn, Bàla-môn khác, ở trong pháp này mà tinh cần khó nhọc chứng đắc một pháp, vị ấy sẽ dựng phướn tuyên cáo bốn phương xa rằng: ‘Thế Tôn[64] hiện nay là Bậc ít dục, biết đủ.’ Xá-lợi-phất, ngài hãy thuyết pháp này cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Những người ấy nếu có điều nghi ngờ đối với Phật, Pháp, Tăng, thì sau khi nghe pháp này sẽ không còn ở trong lưới nghi nữa.”

Bấy giờ Thế Tôn nói với Xá-lợi-phất:

“Ngươi hãy nhiều lần giảng thuyết pháp này cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bàdi. Vì sao? Vì những người ấy nếu có nghi ngờ đối với Phật, Pháp, Tăng, đối với đạo, thì sau khi nghe ngươi giảng thuyết sẽ được thông tỏ.”

Xá-lợi-phất đáp:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”

Rồi thì, Xá-lợi-phất nhiều lần giảng thuyết pháp này cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, vì để khiến họ được tự mình thanh tịnh, do đó được gọi là “Thanh Tịnh kinh”.

Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



[1] Bản Hán: Phật Thuyết Trường A-hàm, “Đệ nhị phần Tự Hoan Hỷ kinh Đệ thập tứ”. Tương đương Pāli: D.28, Deva Dig iii, 5. Sampadānìya-suttanta. Tham chiếu, Phật Thuyết Tín Phật Công Đức kinh, Đại I, tr.225; tham chiếu, Tống Pháp Hiền dịch; Tạp A-hàm quyển 18.

[2] . Na-nan-đà 那 難 陀, cũng âm là Na-lan-đà 那 闌 陀; Pāli: Naḷandā, ở Ma-kiệt-đà (Magadha), phía Đông Bồ-đề đạo tràng. Xem Tây Vực Ký, Q. 9 (Đại LI, tr.919).

[3] Ba-ba-lỵ-am-bà lâm 波 波 利 菴 婆 林; Pāli: Pāvārikambavana; khu vườn xoài trong chùa Nàlanda.

[4] Hán: tâm quyết định 心 決 定, có lẽ tương đương Pāli: pasanno, tin tưởng sáng suốt.

[5] . Pāli: na... Bhagavatā biyyo ‘bhiññnatari yadidam sambodhiyan ti: không ai có thắng trí hơn Thế Tôn, tức giác ngộ.

[6] Hán: nhất hướng thọ trì 一 向 受 持; Pāli: ekaṃso gahito, nắm vững (vấn đề) một cách xác quyết.

[7] Pāli: evaṃ sīlà... evaṃ-dhammā... evaṃ-paññā... evaṃ-vihārì... evaṃ-vimuttā... Bản Hán: giải thoát đường, có thể tương đương Pāli: vimutta-vihārì; an trú trong giải thoát; Pāli: vihāra, có nghĩa trú xứ, tinh xá, tự viện, tăng phòng; sự an trú; vihārì: người an trú; Hán thường dịch tinh xá, trú hay đường, thí dụ, Brahmavihāra, dịch là Phạm trú, cũng dịch là Phạm đường.

[8] . Hán: tâm trung sở niệm 心 中 所 念; Pāli: ceto-pariya-ñāṇa, tâm sai biệt trí, nhận thức về các trạng thái sai biệt của tâm tư.

[9] . Tổng tướng pháp 總 相 法; Pāli: dhamm’anvaya, pháp loại cú, pháp thứ đệ, sự diễn dịch, loại suy theo pháp; chỉ giáo nghĩa tổng quát hay tinh yếu của giáo nghĩa.

[10] . Hán: chuyểân cao chuyển diệu 轉 高 轉 妙, nghĩa là pháp nói sau càng cao siêu vi diệu hơn pháp trước; pháp được giảng theo thứ tự từ thấp lên cao; Pāli: uttaruttariṃ paṇītapaṇītaṃ.

[11] Pāli: kaṇha-sukka-sappaṭibhāga, có sự đối chiếu giữa pháp đen và pháp trắng.

[12] Hán: nhất nhất pháp 一 一 法, pháp cá biệt, đối với pháp tông tướng nói trên.

[13] Hán: ư pháp cứu cánh 於 法 究 竟; Pāli: idh’ ekaccaṃ dhammaṃ dhammesu niṭṭham agamaṃ, đạt đến chỗ rốt ráo từng pháp một trong các pháp nāy. và sắc,...

[14] . Thiện pháp, chỉ giáo pháp được thiết lập hoàn hảo; Pāli: etadānuttariyam bhante kusalesu dhammesu.

[15] Trí tuệ vô dư 智 慧 無 餘; Pāli: asesam abhijànāti, (Ngài) hiểu biết một cách toàn diện, không còn sót điều gì. Bản Pāli không có “thần thông vô dư”; Pāli: abhiññā, dịch thần thông hay thắng tri, cùng gốc với động từ abhijànāti.

[16] . Chế pháp 制 法, pháp được chế định, thiết định; tức thiện pháp nói trên. Có lẽ Pāli: paññattidhamma. Xem cht.14.

[17] Văn dịch thiếu chủ từ. Nên hiểu: các pháp ấy đã được Thế Tôn hiểu biết một cách toàn diện. Xem cht.15.

[18] Chế chư nhập 制 諸 入; Pāli: āyatana-paññatti, sự chế định, thiết lập về (sáu) xứ.

[19] Nhập thai, hay thác thai, tức vào thai mẹ; Pāli: gabbhāvakkanti.

[20] Hán: loạn nhập thai 亂 入 胎; Pāli: asampajàno.. mātu kucchim okkamati, vào thai mẹ mà không biết.

[21] Đạo, đây chỉ Bồ-đề, tức gồm Bảy giác chi.

[22] Định ý tam-muội 定 意 三 昧, có lẽ Pāli: ceto-samādhi, sư tập trung tư tưởng.

[23] Tam-muội tâm 三 昧 心; Pāli: samādhicitta, định tâm.

[24] Trong bản Hán: ỷ 猗. Đây theo thuật ngữ quen dùng, sửa lại là khinh an 輕 安.

[25] Trong đoạn nāy chỉ kể sáu giác chi, không có trạch pháp; Pāli: satta bhojjaṅgā.

[26] Hán: diệt 滅. Đây đề cập bốn hành, tức quá trình tu tập bao gồm hai khía cạnh khổ và lạc, chậm và nhanh: khổ trì thông hành, khổ tốc thông hành, lạc trì thông hành, lạc tốc thông hành. Xem Tập Dị Môn Túc luận q.7 (Đại XXVI, tr.393b); Pāli: paṭipada.

[27] . Khổ diệt trì đắc 苦 滅 遲 得, tức khổ trì thông hành 苦 遲 通 行, thực hành khó mà chứng đắc lại chậm; Pāli: dukkhā paṭipadā dandhābhiññā.

[28] Cả hai, chỉ thực hành và chứng đắc.

[29] . Khổ diệt tốc đắc 苦 滅 速 得, tức khổ tốc thông hành 苦 速 通 行; Pāli: dukkhā paṭipadā khippābhññnā.

[30] Lạc diệt trì đắc 樂 滅 遲 得, tức lạc trì thông hành 樂 遲 通 行; Pāli: sukhā paṭipadā dandhābhiññnā.

[31] . Lạc diệt tốc đắc 樂 滅 速 得, tức lạc tốc thông hành 樂 速 通 行; Pāli: sukhā paṭipadā khìppābhiññnā.

[32] . Pāli nói khác: ayaṃ... paṭipadā ubhayen’ eva paṇitā akkhāyati sukhattā ca khippattā ca, cả hai thông hành nay đều vi diệu, tức là lạc và nhanh.

[33] Pāli: bhassa-samācara, ngôn thuyết chánh hành hay sự chân chánh của ngôn ngữ.

[34] Kiến định 見 定, trạng thái tập trung đạt được do thấy, tức do quán sát; Pāli: dassana-samāpatti.

[35] Hán: tâm thức 心 識; Pāli; viññāṇa-sota, thức lưu, dòng chảy của thức.

[36] Pāli không nói đến kiến định nāy.

[37] Thường pháp 常 法; Pāli: sassata-vāda, thường luận hay thường trú luận, chủ trương thế giới thường tồn, vĩnh hằng.

[38] Pāli: ceto-samādhim phusati, vị ấy đạt đến trạng thái tập trung của tâm.

[39] Pāli: yathā samāhite citte, trong khi tâm được tập trung như vậy.

[40] . Hán: thành kiếp bại kiếp 成 劫 敗 劫; Pāli: saṃvatti và loko vivaṭṭi và, thế giới chuyển thành hay thế giới chuyển hoại.

[41] . Pāli: ādesana-vidhā, ký tâm sai biệt, các trường hợp khác nhau về sự đọc được ý nghĩ của người khác.

[42] . Hán: dĩ tưởng quán sát 以 想 觀 察; Pāli: nimmittena ādesati, nói ý nghĩ của người khác bằng cách dựa vào các hình tướng.

[43] . Pāli: so bahuư ce pi ādasati, tath’eva taṃ hoti, no aññathā, vị ấy quán sát nhiều lần như vậy, biết xác thật là như thế, không sai lầm.

[44] Pāli: vitakkayato vicārayato vitakka-vipphāra-saddaṃ sutvà ādati, y nơi tầm, y nơi tứ, vị ấy sau khi nghe âm thanh khuếch đại của tầm (suy nghiệm), bèn dự đoán rằng... (Đây chỉ trường hợp người đã chứng Sơ thiền).

[45] . Pāli: avitakkaṃ avicāraṃ samādhiṃ samāpannassa cetasā ceto paricca pajànāti, vị ấy, do thành tựu chánh định không tầm không tứ, bằng vào tâm của mình mà biết rằng... Chỉ trường hợp một vị đã chứng Nhị thiền hay cao hơn.

[46] Pāli: anusāsana.

[47] . Tự thân tác chứng 自 身 作 證; Pāli: sayaṃ abhiññā sacchikatvà, bằng nhận thức siêu việt, tự mình thể nghiệm.

[48] . Pāli: Bhagavà dhammaṃ deseti purisa-sīla-samācāre, Thế Tôn thuyết pháp liên quan đến chánh hạnh về giới của con người.

[49] Hán: bất tự xưng thuyết, tùng tha sở đắc dĩ thị ư nhân, cánh cầu tha lợi 不 自 稱 說 從 他 所 得 以示 於 人 更 求 他 利. Tham chiếu Pāli: na ca nippe-siko na ca lābhena lābhaṃ nijiṃsitā, không phải là kẻ lường gạt (người tung hứng), tham lam lấy lợi cầu lợi.

[50] . Pāli: para-puggala-vimutti-ñāṇa, nhận thức về sự giải thoát của người khác; ấn chứng sự giải thoát cho người khác.

[51] . Pāli: pubbe-nivāsānussati-ñaṇa, túc trú tùy niệm trí 宿 住 隨 念 智, nhận thức nhớù lại các tiền kiếp.

[52] . Pāli: sattānamư cutūpapāta-ñāṇa, hữu tình sanh tử trí 有 情 生 死 智, nhận thức về sự sống và sự chết của chúng sanh.

[53] Hán: thiện thú ác thú 善 趣 惡 趣; Pāli: sugata, duggata.

[54] Pāli: iddhi-vidhā.

[55] Pāli: appaṭikkūle paṭikkūla-saññì vihareyyan, tôi có thể an trú với ý tưởng kinh tởm đối với cái kinh tởm. Hán: ái sắc 愛 色; Pāli: appaṭikkūla; bất ái sắc 不 愛 色; Pāli: paṭikkūla; chỉ tính chất đáng nhàm tởm và không đáng nhàm tởm nơi vật chất.

[56] Nguyên Hán dịch: tu bình đẳng hộä 修 平 等 護; Pāli: upekkhako tattha viharati, ở đây vị ấy an trú xả. Từ Pāli: upekkha, Skt.: upekṣa, thay vì dịch là xả 捨, đây dịch là hộ 護. Nay sửa theo dịch ngữ thông dụng nhất là xả. Xem cht. 124 tr. 107, kinh số 2 “Du Hành (iii)”.

[57] Hán: chuyên niệm bất vong 專 念 不 忘; Pāli: sato sampajano, chánh niệm, chánh tri (tỉnh giác).

[58] . Pāli: ayam... iddhi anāsavà anupadhikā ariyā vuccati, thần thông vô lậu, vô y nāy được gọi là Thánh.

[59] . Hán: bất lạc ư dục 不 樂 於 欲; Pāli: na ca... kāmesu kāmasukhallikānuyoga-yutto, không đam mê hưởng thụ nơi các dục lạc.

[60] Pāli: na ca atta-kilamatthānuyogam anuyutto, cũng không mê say tu tập khổ hạnh.

[61] . Trước đoạn nāy; Pāli còn có một đoạn: “trong quá khứ..., vị lai..., hiện tại..., có ai hơn...” và được Xá-lợi-phất trả lời “không” cho cả ba trường hợp.

[62] . Hán: bất lạc tại dục 不 樂 在 欲; Pāli: atha ca pana na attānaṃ pātukarissati, nhưng Ngài không làm hiển lộ tự kỷ. Nghĩa là, không tự khoe khoang.

[63] Chỉ ngoại đạo tự xưng; không phải Phật tự nói.

[64] Xem cht.63.


[Đầu trang][Mục lục bộ Trường A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]