TẠNG KINH
SỐ 1 - KINH TRƯỜNG A-HÀM
Hán dịch: Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại La-duyệt-kỳ, trong vườn Am-bà của Kỳ Cựu đồng tử[2], cùng với Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.
Bấy giờ, A-xà-thế, con trai bà Vi-đề-hi[3], vào ngày rằm, lúc trăng tròn, sai gọi một phu nhân đến, bảo rằng:
“Đêm nay trong sáng không khác gì ban ngày.
Ta nên làm gì?” Phu nhân tâu:
“Đêm nay rằm trăng tròn, như ban ngày không khác. Nên tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ hưởng thụ ngũ dục.”
Vua lại lệnh gọi thái tử thứ nhất là Ưu-da-bà- đà[4] đến hỏi:
“Đêm nay rằm trăng tròn, không khác gì ban ngày. Ta nên làm gì?” Thái tử tâu:
“Đêm nay rằm trăng tròn, như ban ngày không khác. Nên tập họp bốn thứ quân, cùng bàn mưu chinh phạt phản nghịch biên cương, sau đó trở về cùng hưởng thụ dục lạc.”
Vua lại ra lệnh triệu đại tướng Dũng Kiện đến hỏi:
“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên làm gì?” Đại tướng tâu:
“Đêm nay trong sáng, không khác gì ban ngày, nên tập họp bốn thứ quân, đi tra xét thiên hạ để biết có sự thuận hay nghịch[5].”
Vua lại sai triệu Bà-la-môn Vũ-xá[6] đến hỏi:
“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bàla-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?” Khi ấy Vũ-xá tâu vua:
“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có Bất-lan Ca-diệp[7], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường[8]. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”
“Vua lại lệnh gọi em Vũ-xá là Tu-ni-đà[9] đến hỏi: “Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bàla-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?” Khi ấy Tu-ni-đà tâu vua:
“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có Mạt-già-lê Cù-xá-lê[10], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”
Vua lại sai triệu Điển tác đại thần[11] đến hỏi:
“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bàla-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?” Khi ấy Điển tác đại thần tâu vua:
“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la[12], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”
Vua lại sai triệu tướng thủ thành môn là Giàla[13] đến hỏi:
“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bàla-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”
Khi ấy tướng thủ thành môn là Già-la tâu vua:
“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có Bà-phù-đà Già-chiên-na[14], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”
Vua lại sai triệu Ưu-đà-di Mạn-đề Tử[15] đến hỏi:
“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bàla-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”
Khi ấy Ưu-đà-di tâu vua:
“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có Tán-nhã-di Tỳ-la-lê-phất[16], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”
Vua lại sai triệu em là Vô Úy[17] đến hỏi:
“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bàla-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?” Khi ấy Vô Úy tâu vua:
“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có Ni-kiền Tử[18], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”
Vua lại sai triệu Thọ Mạng đồng tử[19] đến hỏi:
“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bà- la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?” Thọ Mạng đồng tử tâu:
“Có Phật, Thế Tôn, nay đang ở trong vườn xoài của tôi. Đại vương nên đến đó thăm hỏi. Nếu Đại vương gặp Phật, tâm tất khai ngộ.” Vua bèn sắc lệnh Thọ Mạng:
“Hãy thắng kiệu con voi báu mà ta thường cưỡi, cùng với năm trăm thớt voi trắng.”
Thọ Mạng vâng lệnh, cho trang nghiêm con voi của vua cùng với năm trăm thớt voi xong, tâu vua rằng:
“Xa giá đã trang nghiêm. Xin Đại vương biết thời.”
A-xà-thế tự mình cưỡi voi báu; cho năm trăm phu nhân cưỡi năm trăm voi cái, tay mỗi người đều cầm một bó đuốc, thể hiện uy nghi của vua, ra khỏi La-duyệt-kỳ, chậm rãi tiến đi trên con đường hướng đến chỗ Phật. Vua bảo Thọ Mạng:
“Ngươi nay gạt ta, hãm hại ta, dẫn ta và đại chúng đến cho kẻ thù.” Thọ Mạng tâu:
“Đại vương, thần không dám lừa dối Đại vương. Không dám hãm hại Đại vương, dẫn Đại vương và đại chúng đến cho kẻ thù. Đại vương cứ tiến về phía trước, tất thu hoạch được phúc khánh.”
Rồi thì, tiến tới một quãng ngắn, vua lại bảo Thọ Mạng:
“Ngươi nay gạt ta, hãm hại ta, dẫn ta và đại chúng đến cho kẻ thù.”
Vua nói ba lần như vậy.
“Vì sao? Kia có một ngàn hai trăm năm mươi người, nhưng lại vắng lặng không tiếng động. Hẳn là có âm mưu rồi.”
Thọ Mạng ba lần tâu:
“Đại vương, thần không dám lừa dối Đại vương. Không dám hãm hại Đại vương, dẫn Đại vương và đại chúng đến cho kẻ thù. Đại vương cứ tiến về phía trước, tất thu hoạch được phúc khánh. Vì sao? Sa-môn kia theo pháp thường ưa sự thanh vắng, do đó không có tiếng động. Đại vương cứ tiến tới. Khu vườn đã xuất hiện[20].”
Vua A-xà-thế đi đến cổng vườn[21], xuống voi, giải kiếm, cất lọng, dẹp bỏ năm thứ uy nghi[22], bước vào cổng vườn, nói với Thọ Mạng: “Phật, Thế Tôn đang ở đâu?” Thọ Mạng trả lời:
“Đại vương, Phật đang ở trên cao đường kia[23], phía trước Ngài có ngọn đèn. Thế Tôn ngồi trên tòa sư tử[24], mặt hướng về phía Nam. Đại vương đi tới một chút, tự mình gặp Thế Tôn.”
Bấy giờ, A-xà-thế đi đến chỗ giảng đường, rửa chân ở bên ngoài, sau đó mới bước lên giảng đường, im lặng nhìn bốn phía, sanh tâm hoan hỷ, miệng tự phát lên lời:
“Nay các Sa-môn yên tĩnh lặng thinh, đầy đủ chỉ quán[25]. Mong sao thái tử Ưu-đà-di của tôi cũng chỉ quán thành tựu[26], như thế này không khác.” Khi ấy, Phật nói với vua A-xà-thế:
“Đại vương nghĩ đến con, nên từ miệng mình phát ra lời[27]: ‘Mong sao thái tử Ưu-đà-di cũng chỉ quán thành tựu như vậy không khác.’ Đại vương hãy ngồi phía trước đó.”
A-xà-thế bèn đảnh lễ Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch Phật rằng:
“Nay có điều muốn hỏi, nếu Ngài có rảnh, tôi mới dám hỏi.” Phật nói:
“Đại vương, có điều gì muốn hỏi, xin cứ hỏi.” A-xà-thế bạch Phật:
“Thế Tôn, như nay người cưỡi voi, xe ngựa, tập luyện đao, mâu, kiếm, cung tên, binh khí, phép chiến đấu; vương tử, lực sĩ, đại lực sĩ, tôi tớ, thợ da, thợ hớt tóc, thợ bện tóc, thợ đóng xe, thợ gốm, thợ đan, thợ dệt cói; mỗi người đều sinh sống bằng các kỹ thuật khác nhau, tự mình hưởng thụ dục lạc; và cùng với cha, mẹ, vợ con, nô bộc vui hưởng lạc thú. Các nghề nghiệp như vậy đều có quả báo hiện tại. Nay các Sa-môn hiện tại tu hành, được những quả báo hiện tại[28] gì?”
Phật nói với vua A-xà-thế:
“Đại vương đã từng đến các Sa-môn, Bà-lamôn để hỏi ý nghĩa như vậy chưa?” Vua bạch Phật:
“Tôi đã từng đi đến các Sa-môn, Bà-la-môn để hỏi ý nghĩa như vậy.
“Nhớ lại, một thời tôi đến Bất-lan Ca-diệp, hỏi rằng: ‘như người cưỡi voi, xe ngựa, tập luyện binh pháp... cho đến, bằng các sự mưu sinh khác nhau, hiện tại có quả báo. Nay chúng đây hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không?’ Bất-lan Ca-diệp kia trả lời tôi rằng: ‘Đại vương nếu tự mình làm hay sai bảo người khác làm. Chặt, bửa, tàn hại, nấu, nướng, cắt, xẻ, não loạn chúng sanh, khiến cho sầu ưu, than khóc; sát sanh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ, trèo tường cướp bóc, phóng lửa thiêu đốt, chận đường làm chuyện ác. Đại vương, hành động như vậy không phải là ác. Đại vương, nếu lấy kiếm bén mà lóc thịt chúng sanh, làm thành một đống thịt, ngập tràn cả thế gian; đó không phải là sự ác, cũng không tội báo. Ở bờ Nam sông Hằng, lóc thịt chúng sanh, cũng không có ác báo. Ở phía Bắc sông Hằng, thiết hội bố thí lớn, bố thí tất cả chúng sanh, lợi cho tất cả mọi người, cũng không có quả báo của tội phước[29]’.” Rồi vua bạch Phật:
“Cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời tôi là không có tội phước. Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lỵ, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi.[30] ’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi[31].”
Rồi nhà vua lại bạch Phật:
“Nhớ lại, một thời tôi đến Mạt-già-lê Câu-xálê, hỏi rằng: ‘như người cưỡi voi, xe ngựa, tập luyện binh pháp v.v..., cho đến, bằng các sự mưu sinh khác nhau, hiện tại có quả báo. Nay chúng đây hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không?’ Kia trả lời tôi rằng: ‘Đại vương, không có bố thí, không có sự cho[32], không có pháp tế tự[33]. Cũng không có thiện ác; không có quả báo của thiện ác. Không có đời này, không có đời sau. Không có cha, không có mẹ, không có chư Thiên, không có sự hóa sanh, không có chúng sanh[34]. Ở đời không có Sa-môn, Bà-la-môn, bình đẳng hành giả[35] và họ cũng không tự mình chứng ngộ đời này hay đời sau, rồi phô diễn cho người hay. Những ai nói có, thảy đều hư dối.[36] ’
“Cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời bằng thuyết vô nghĩa[37]. Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lỵ, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi.’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”
Rồi nhà vua lại bạch Phật:
“Một thời, tôi đến A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la, hỏi rằng: ‘Đại đức, như người cưỡi voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo hiện tại. Nay đây chúng hội này hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không?’ Kia trả lời tôi rằng: ‘Con người lãnh thọ bốn đại, khi mạng chung, đất trở về đất, nước trở về nước, lửa trở về lửa, gió trở về gió; thảy đều hư rã, các căn trở về hư không. Khi người chết, nhà đồ khiêng xác để trong bãi tha ma, lửa đốt cháy thành xương như màu bồ câu, hoặc biến thành tro đất. Hoặc ngu, hoặc trí, đến lúc mạng chung, thảy đều hư rã, là pháp đoạn diệt[38]’.
“Cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời bằng thuyết đoạn diệt[39]. Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lỵ, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi.’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”
Rồi nhà vua lại bạch Phật:
“Một thời, tôi đến Ba-phù-đà Già-chiên-diên, hỏi rằng: ‘Đại đức, như người cưỡi voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo hiện tại. Nay đây chúng hội này hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không?’ Kia trả lời tôi rằng: ‘Không có lực, không có tinh tấn, con người không sức mạnh, không phương tiện. Chúng sanh nhiễm trước không do nhân gì hay duyên gì. Chúng sanh thanh tịnh không do nhân gì hay duyên gì. Hết thảy chúng sanh, những loài có mạng, thảy đều không sức mạnh, không được tự tại, không có cái gì được gọi là oán là thù[40], ở trong sáu sanh loại[41] mà thọ các khổ hay lạc.’[42]
“Cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời bằng thuyết Vô lực[43]. Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lỵ, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi.’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”
Rồi nhà vua lại bạch Phật:
“Một thời, tôi đến Tán-nhã Tỳ-la-lê Tử, hỏi rằng: ‘Đại đức, như người cưỡi voi, ngựa, xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo hiện tại. Nay đây chúng hội này hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không?’ Kia trả lời tôi rằng: ‘Đại vương, hiện tại có quả báo của Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy. Sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác cũng không phải không khác. Đại vương, hiện tại không có quả báo của Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy; sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác cũng không phải không khác. Đại vương, hiện tại vừa có vừa không có quả báo của Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy; sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác cũng không phải không khác. Đại vương, hiện tại không phải có cũng không phải không có quả báo của Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy; sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác cũng không phải không khác. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy; sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác cũng không phải không khác[44].’ Thế Tôn, cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời bằng thuyết dị luận. Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lỵ, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi.’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”
Rồi nhà vua lại bạch Phật:
“Một thời, tôi đến Ni-kiền Tử, hỏi rằng: ‘Đại đức, như người cưỡi voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo hiện tại. Nay đây chúng hội này hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không?’ Kia trả lời tôi rằng: ‘Đại vương, tôi là bậc Nhất thiết trí, là người thấy tất cả, biết thấu suốt không sót. Hoặc đi, hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, bất cứ lúc nào, trí thường hiện tiền.’ Thế Tôn, cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời bằng thuyết dị luận. Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lỵ, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi.’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.
“Thế Tôn, hôm nay tôi đến đây để hỏi ý nghĩa như vầy: như người cưỡi voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo hiện tại. Nay đây Sa-môn hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không?” Phật nói với vua A-xà-thế:
“Nay Ta trở lại hỏi Đại vương, xin tùy ý trả lời. Thế nào, Đại vương, có đồng bộc của Đại vương, người làm các công việc trong và ngoài, đều thấy Đại vương vào ngày rằm, lúc trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, ở trên điện cao cùng hưởng thụ dục lạc với các thể nữ, bèn suy nghĩ như vầy: ‘Lạ thay, quả báo của hành vi[45] đến như thế sao? Vua A-xà-thế này vào ngày rằm, lúc trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, ở trên điện cao cùng hưởng thụ dục lạc với các thể nữ. Ai có thể biết được đấy lại là quả báo của hành vi?’ Người kia, một thời gian sau, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, thực hành pháp bình đẳng[46]. Thế nào, Đại vương, Đại vương từ xa thấy người ấy đi đến, há có khởi lên ý nghĩ rằng:
Đấy là nô bộc của ta?” Vua bạch Phật:
“Không, bạch Thế Tôn. Nếu thấy người ấy đến, phải đứng dậy nghinh đón, mời ngồi.” Phật nói:
“Đó không phải là Sa-môn được quả báo hiện tại sao?”
Vua đáp: “Đúng như vậy, Thế Tôn, đó là hiện tại được quả báo Sa-môn vậy”.
“Lại nữa, Đại vương, có người khách[47] cư ngụ trong cương giới của Đại vương, ăn thóc lúa mà Đại vương ban cho. Người ấy thấy Đại vương vào ngày rằm trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, ở trên điện cao cùng các thể nữ vui thú ngũ dục, bèn nghĩ thầm rằng: ‘Lạ thay, quả báo của hành vi kia đến như vậy sao? Ai có thể biết đó là quả báo của hành vi?’
Một thời gian sau, người ấy cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, hành bình đẳng pháp. Thế nào, Đại vương? Nếu Đại vương từ xa thấy người ấy đi đến, có khởi lên ý nghĩ rằng; ‘Người ấy là khách dân của Ta, ăn thóc lúa mà Ta ban cho’ hay không?”
Vua nói: “Không. Nếu tôi thấy người ấy từ xa đến, tôi sẽ đứng dậy nghinh đón, chào hỏi, mời ngồi”.
“Thế nào, Đại vương, đó không phải là Sa-môn hiện tại được quả báo chăng?”
Vua nói: “Đúng như vậy, hiện tại được quả báo của Sa-môn vậy”.
“Lại nữa, Đại vương, Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, vào trong pháp Ta, cho đến tam minh, diệt trừ các tối tăm, phát sanh ánh sáng đại trí, gọi là lậu tận trí chứng. Vì sao? Ấy là do tinh cần, chuyên niệm không quên, ưa sống một mình nơi thanh vắng, không buông lung vậy. Thế nào, Đại vương, đó không phải là quả báo hiện tại của Sa-môn sao?”
Vua đáp: “Thật vậy, Thế Tôn, đó thật là quả báo hiện tại của Sa-môn”.
Bấy giờ, vua A-xà-thế rời chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt lễ chân Phật, bạch Phật rằng:
“Cúi mong Thế Tôn nhận sự hối hận của con. Con vì cuồng, ngu si, tối tăm, không nhận thức.
Cha con là Bình-sa vương, vua nước Ma-kiệt-đà, cai trị bằng chánh pháp, không có thiên vạy. Nhưng con bị ngũ dục mê hoặc, thật sự đã hại phụ vương. Cúi mong Thế Tôn rũ lòng thương xót, nhận sự sám hối của con.” Phật bảo vua:
“Ngươi ngu si, không nhận thức. Nhưng đã tự mình hối cải. Ngươi vì mê say ngũ dục mà hại phụ vương. Nay trong pháp Hiền thánh mà biết hối cải, tức là tự làm ích lợi cho mình. Ta vì thương tưởng ngươi, nhận sự sám hối của ngươi.”
Bấy giờ, vua A-xà-thế sau khi lễ Phật, được Phật giảng pháp cho nghe, được chỉ bày, khuyến khích, làm cho ích lợi, hoan hỷ. Sau khi nghe những điều Phật dạy, vua liền bạch Phật:
“Con nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin chấp nhận con là Ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay về sau, suốt đời không giết, không trộm, không dâm, không dối, không uống rượu. Cúi mong Thế Tôn cùng đại chúng sáng ngày mai nhận lời thỉnh của con.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi thì, vua thấy Phật im lặng nhận lời, liền đứng dậy lễ Phật, đi quanh ba vòng sau đó cáo lui.
Vua đi chưa bao lâu, Phật nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Vua A-xà-thế này, tội lỗi đã vơi bớt, đã nhổ trọng tội. Nếu A-xà-thế không giết cha, thì ngay tại chỗ này đã được con mắt thanh tịnh thấy pháp. Nhưng vua A-xà-thế nay đã hối lỗi, tội lỗi đã vơi bớt, đã nhổ trọng tội.”
Bấy giờ, A-xà-thế, đang trên đường đi, gọi Thọ Mạng đồng tử bảo rằng:
“Lành thay, lành thay! Ngươi nay làm được nhiều điều lợi ích cho ta. Ngươi trước đã tán thán Như Lai, chỉ dẫn, khơi mở, sau đó đưa ta đến gặp Thế Tôn, nhờ thế ta được khai ngộ. Ta rất cám ơn ngươi, trọn không bao giờ quên.”
Rồi thì, vua trở về cung sửa soạn các món hào soạn, các loại thức ăn. Sáng hôm sau, khi đã đến giờ, báo Đức Thánh biết đã đến giờ.
Bấy giờ, Thế Tôn khoác y cầm bát, cùng với chúng đệ tử một ngàn hai trăm năm mươi người, đi đến vương cung, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Rồi, vua tự tay châm chước, cúng Phật và Tăng. Ăn xong, cất bát, dùng nước rửa xong, vua đảnh lễ Phật, bạch rằng:
“Con nay ba lần xin sám hối. Con vì cuồng dại, ngu si, tối tăm, không nhận thức. Cha con là Bìnhsa vương, vua nước Ma-kiệt-đà, cai trị bằng chánh pháp, không có thiên vạy. Nhưng con vì mê say ngũ dục, thật sự đã hại phụ vương. Cúi mong Thế Tôn rủ lòng thương xót, nhận sự sám hối của con.” Phật bảo vua:
“Ngươi ngu si, không nhận thức. Ngươi vì mê say ngũ dục mà hại phụ vương. Nay trong pháp Hiền thánh mà biết hối cải, tức là tự làm ích lợi cho mình. Ta vì thương tưởng ngươi, nhận sự sám hối của ngươi.”
Rồi thì, sau khi đảnh lễ Phật, vua lấy một ghế nhỏ ngồi trước Phật. Phật giảng pháp cho vua nghe, chỉ bày, khuyến khích, khiến cho được ích lợi, hoan hỷ. Sau khi nghe Phật dạy, vua lại bạch Phật:
“Con nay ba lần xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi mong nhận con làm Ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay cho đến trọn đời, không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu.”
Bấy giờ, Thế Tôn sau khi giảng pháp cho vua nghe, chỉ bày, khuyến khích, khiến cho được ích lợi, hoan hỷ, bèn rời chỗ ngồi ra về.
Vua A-xà-thế và Thọ Mạng đồng tử sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
❑
[1] Bản Hán, Trường A-hàm kinh, quyển 17, “Đệ tam phần Sa-môn Quả kinh Đệ bát”. Tham chiếu, Phật Thuyết Tịch Chí Quả kinh, Đông Tấn, Trúc Đàm-vô-sấm dịch (Đại I, tr. 270); Tăng nhất Ahàm, “Thiên Tử phẩm Đệ thất kinh” (Đại II, tr. 762a), Tạp A-hàm, quyển 7, kinh số 156-165. Tương đương Pāli, D. 2, Dig i. 2, Samaññaphala-sutta.
[2] La-duyệt-kỳ 羅 閱 祇; Pāli: Rājagaha (thành Vương xá, thủ phủ của Magadha); Kỳ Cựu đồng tử
Am-bà viên 耆 舊 童 子 菴 婆 園; Pāli: Jīvaka-komārabhaccassa ambavane, trong vườn xoài của
Jīvaka-Komārabhacca, hay nhi khoa y sĩ Jīvaka; y sĩ của vua Bimbisāra, người nuôi nấng thái tử Ajātasattu; Pāli: Komārabhacca, Skt.: Kaumāra-bhftya, chỉ nghề nghiệp, trong bản Hán được đọc là, Skt.: Kaumāra (Pāli: Kumāra): người niên thiếu. Đoạn sau, Hán dịch là Thọ Mạng đồng tử; xem cht.19 sau. Tịch Chí Quả kinh: đồng tử y vương danh Kỳ-vực.
[3] A-xà-thế Vi-đề-hi Tử 阿 闍 世 韋 提 希 子; Pāli: Ajātasattu Vedehi-putta, dịch nghĩa: Vị Sanh Oán, con trai của vua Bimbisāra (Tần-bà-sa-la) và bà Vedehi (Vi-đề-hi), giết cha, cướp ngôi, làm vua nước Magadha (Ma-kiệt-đà).
[4] . Ưu-da-bà-đà 優 耶 婆 陀, hoặc âm Ưu-bà-da, dịch nghĩa: Bạch Hiền 白 賢; Pāli: Udayībhadda (Udaya-bhadra), con trai của A-xà-thế, sau nāy cũng giết cha để cướp ngôi.
[5] Từ đoạn hỏi phu nhân, cho đến đại tướng, không có trong bản Pāli D.2.
[6] Vũ-xá 雨 舍, hoặc dịch là Vũ Hành, Vũ Thế; Pāli: Vassakāra, đại thần phụ chính của A-xà-thế. Trong bản Hán, các đề nghị kể sau đều có nêu tên người đề nghị; D. 2 chỉ nói chung là một đại thần nào đó, không nêu tên. Tham chiếu D. 2 (2ff): aññataro rājàmacco.
[7] . Bất-lan Ca-diệp 不 蘭 迦 葉, hoặc âm Phú-lâu-na Ca-diệp; Pāli: Pùtaṇa-Kassapa. Một trong lục sư ngoại đạo. Chủ trương được thuật đoạn sau.
[8] Chúng sở cúng dường 眾 所 供 養; Pāli: sādhu-sammato bahu-janassa, được nhiều người tôn kính.
[9] Tu-ni-đà, hay Tu-ni-đề; Pāli: Sunidha; D. 2 không nêu tên nāy.
[10] Mạt-già-lê Cù-xá-lê, hay Mạt-già-lê Câu-xá-lợi; Pāli: Makkhali-Gosāla.
[11] Điển tác 典 作, hay điển chế đại thần; chỉ quan hàn lâm. Không tìm thấy Pāli tương đương.
[12] A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la 阿 耆 多 翅 舍 欽 婆 羅; Pāli: Ajita-Kesakambala.
[13] Già-la thủ môn tướng 伽 羅 守 門 將. Không tìm thấy Pāli tương đương.
[14] Bà-phù-đà Già-chiên-na 婆 俯 陀 伽 旃 那; Pāli: Pakudha-Kaccāyana.
[15] Ưu-đà-di Mạn-đề Tử 優 陀 夷 漫 提 子; D. 2 không đề cập.
[16] Tán-nhã-di Tỳ-la-lê-phất 散 若 夷 毗 羅 梨 沸; Pāli: Sañjaya Balaṭṭhi-putta.
[17] Vô Úy, hay Vô Úy vương tử 無 畏 王 子; Pāli: Abhaya-rājakumāra; D. 2 không nêu tên nāy.
[18] Ni-kiền Tử, hay Ni-kiền Thân Tử, 尼 乾 親 子; hay Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử 尼 乾 陀 若 提 子; Pāli:
Nigaṇṭha-Nàṭa-putta.
[19] . Thọ Mạng đồng tử 壽 命 童 子, cùng nhân vật trên kia dịch là Kỳ Cựu đồng tử; Pāli: JīvakaKomārabhacca.
[20] . Pāli (D. 2 Dig. I, tr.43): Ete maṇḍala-maḷe dīpā jhāyanti, những ngọn đèn đang cháy sáng trong ngôi nhà hình tròn.
[21] Pāli (D. 2 §11): mañđala-maḷāssa dvāra, cửa của ngôi nhà hình tròn.
[22] . Ngũ uy nghi, tức năm nghi trượng của vua: kiếm, lọng, mão (thiên quan), phất trần cán cẩn ngọc và giāy thêu. Bản Pāli không có chi tiết nāy.
[23] Cao đường, tức giảng đường. Trong bản Pāli: ngôi nhà hình tròn, hay viên đường (maṇḍla-māḷa).
[24] Pāli (D. 2 §11): majjhimaṃ thambhaṃ nissāya, ngồi dựa cột giữa.
[25] Hán: tịch nhiên tĩnh mặc, chỉ quán cụ túc 寂 然 靜 默 止 觀 具 足, tham chiếu Pāli, D. 2 § 12: rahadaṃ iva vippasanaṃ, như hồ nước tĩnh lặng; Pāli: vippasana (hai chữ p một s): tĩnh lặng, trong suốt, trong bản Hán đọc là vipassanā (một chữ p hai s): quán hay quán chiếu. Liên hệ câu tiếp theo, Hán: chỉ quán cụ túc; Pāli: vipassanaṃ (...) upasamena samannāgato: trong suốt, (...), một cách tĩnh lặng.
[26] . Hán: (...) chỉ quán thành tựu 止 觀 成 就; Pāli, sđd.: iminā me upasamena Udāyi-bhaddo kumāri samannāgato: mong cho vương tử Udāyi-bhadda cũng trầm lặng như vậy.
[27] . Tham chiếu Pāli, sđd.: Agamā kho tvaṃ mahā-rāja yathā peman ti? Đại vương cũng tràn ngập yêu thương như vậy sao? Ý Phật muốn nhắc vua về việc giết cha.
[28] . Pāli, sđd.: § 14: diṭṭh’ eva dhamme sandiṭṭhikam sāmañña-phalam: kết quả thiết thực của Sa-môn trong hiện tại.
[29] Pāli: akiriyaṃ vyakāsi, thuyết minh về sự không có hành động, thuyết phi nghiệp, hay vô tác.
[30] Tham chiếu Pāli, D. 2, sđd.: tr. 46: Kathaṃ hi nāma mādiso samanaṃ và brāhmaṇanư và vijite vasān taṃ apasā-detabbaṃ maññeyyāti: Làm sao một người như tôi lại có thể làm cho Sa-môn hay Bà-la-môn sống trong lãnh thổ tôi không hài lòng?
[31] Tham chiếu Pāli, sđd.: anabhinanditvà appaṭikkositvà anattamano anattamana-vàcaṃ anicchāretvà (...): không tán thành, không chỉ trích, dù không hài lòng cũng không nói lời làm phật lòng (...).
[32] Hán: vô dữ 無 與; Pāli: n’atthi yiṭṭhaṃ, không có sự hiến tế sinh vật; đôi khi cũng dùng theo nghĩa bố thí, cấp dưỡng. Xem cht. 36.
[33] Hán: tế tự pháp 祭 祀 法; Pāli: huta, phẩm vật cúng tế, vật cúng hy sinh. Xem cht. 36.
[34] Hán: vô hóa, vô chúng sanh 無 化 無 眾 生; Pāli: n’ atthi sattā opapātikā, không có chúng sanh hóa sanh. Bản Hán đọc sattā và oppātikā thành hai danh từ độc lập.
[35] Hán: bình đẳng hành giả 平 等 行 者; Pāli (D. 2 Dig I, tr.49): sammā-paṭipannā: những người đang hướng thẳng đến (Thánh quả); Pāli: sammā-paṭipanna (chánh hành), bản Hán đọc là samapaṭipanna (bình đẳng hành).
[36] Trong bản Pāli, trên đây là phần đầu học thuyết của Ajita-Kesakambali (A-kỳ-đa-xí-xá-khâm-bàla), được gọi là đoạn diệt luận (Pāli: uccheda-vāda); phần sau, xem đoạn kế tiếp. Ở đây, dẫn phần đầu: D. 2, sđd.: N’ atthi dinnaṃ n’ atthi yiṭṭhaṃ n’ atthi hutaṃ n ‘atthi sukaṭa-dukkaṭānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipako, n’ atthi ayaṃ loko n’ atthi paraṃ loko, n’atthi mātā, n’ atthi pitā, n’ atthi sattā opapātikā, n’ atthi loke samaṇa-brāhmaṇā sammaggatā sammā-paṭipaṇṇā ye imañ ca lokaṃ parañ ca lokaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvà pavedenti: không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có cúng tế, không có kết quả chín muồi của các nghiệp tịnh hay bất tịnh, không thế gian nāy, không có thế gian khác, không có cha, không có mẹ, không có hữu tình hóa sanh, trong đời nāy không có Sa-môn, Bà-la-môn chánh hành chánh hướng, không có những vị đã tự mình chứng nghiệm thế gian nāy và thế gian khác, sau khi chứng ngộ rồi tuyên thuyết điều ấy.
[37] . Hán: nãi dĩ vô nghĩa đáp 乃 以 無 義 答. Pāli, sđd.: § 24: uccheda-vādaṃ vyākāsi: thuyết minh chủ nghĩa đoạn diệt. Xem thêm cht. 36.
[38] Trong bản Pāli, đây là phần hai chủ nghĩa đoạn diệt (uccheda-vāda) của Ajita-Kesakambali (phần đầu, xem cht. 36), D. 2 Dig I, tr.48: Cātum-mahābhūtiko ayaṃ puriso, yadā kālaṃ karoti paṭhavī paṭhavi-kāyaṃ anupeti anupagacchati, āpo āpo-kāyaṃ anupeti anupagacchati, tejo tejo-kāyaṃ anupeti anupagacchati, vāyo vāyo-kāyaṃ anupeti anupagacchati, ākāsaṃ indriyāni saṃkamanti. Āsandi-pañcamā purisā mataṃ ādāya gacchanti, yāva àḷāhanā padāni paññāpenti, kāpotakāni aṭṭhīni bhavanti, bhassantāhutiyo. Dattu-paññattaṃ yadidaṃ dānaṃ, tesaṃ tucchaṃ musā vilāpo ye keci atthika-vādaṃ vadanti. Bàle ca paṇḍite ca kāyassa bhedā ucchijjanti vinassanti, na honti param maraṇā ti: con người vốn là sản phẩm của bốn đại, khi thời gian đến, thân thuộc đất đi theo đất trở về đất, thân thuộc nước đi theo nước trở về với nước, thân thuộc lửa đi theo lửa trở về với lửa, thân thuộc gió đi theo gió trở về với gió; các căn hội nhập hư không. Với người thứ năm trong quan tài, người ta khiêng xác đến giàn hỏa, đặt ra những vần thơ. Xương trắng sẽ trở thành màu bồ câu, vật cúng tế biến thành tro. Sự bố thí là thuyết cho kẻ ngu độn. Những ai chủ trương chủ nghĩa tồn tại, người ấy hư ngụy, dối trá, hý luận. Kẻ ngu hay người trí, khi thân xác tan rã, sẽ tiêu diệt, không còn tồn tại sau khi chết.
[39] Hán: đáp ngã dĩ đoạn diệt 答 我 以 斷 滅; Pāli: ucchedavādaṃ vyākāsi. Xem cht. 37.
[40] Hán: vô hữu oan thù định tại số trung 無 有 冤 讎 定 在 數 中.
[41] . Hán: lục sanh 六 生; Pāli: chass’ abhijāti, chỉ sáu giống người, phân biệt theo màu da: đen, xanh, đỏ, vàng, trắng, thuần trắng.
[42] Trong bản Pāli, D. 2 Dig. I, tr.47, là phần đầu thuyết luân hồi tịnh hóa (saṃsāra-suddhi) của Makkhali Gosāla: N’ atthi hetu n’ atthi paccayo sattānaṃ saṃkilesāya, ahetu-apaccayā sattā saṃkilissanti. N’ atthi hetu n’ atthi paccayo sattānaṃ visuddhiyā, ahetu-apaccayā sattā visujjhanti. N ‘atthi attakāre n’ atthi parakāre, n’ atthi purisa-kāre; n’ atthi balaṃ n’ atthi viriyaṃ. N’ atthi purisathāmo n’atthi purisa-parakkamo. Sabbe sattā sabbe pāṇà sabbe bhūtā sabbe jīvà avasā abalà aviriyā niyati-saṅgati-bhāva-pariṇatā chass’ evābhijàisu sukha-dukkhaṃ paṭisaṃvedenti: không có nguyên nhân, không có điều cho sự ô nhiễm của chúng sanh. Chúng sanh bị nhiễm ô không do nhân duyên gì. Không có nguyên nhân, không có điều kiện cho sự thanh tịnh của chúng sanh. Chúng sanh được thanh tịnh không do bởi nhân duyên gì. Không có cái tự tác, không có cái tha tác, không có cái nhân tác. Không có lực, không có tinh tấn, không có nghị lực của con người, không có sự nỗ lực của con người. Tất cả chúng sanh, tất cả loài có hơi thở, tất cả loài có sự sống, tất cả loài có linh hồn, đều không tự do, bất lực, không tinh tấn, được biến đổi theo định mệnh, kết hợp, tính cách, cảm thọ khổ và lạc trong sáu giống.
[43] . Hán: bỉ dĩ Vô lực đáp 彼 以 無 力 答. Vô lực, tức Pāli: Akiriya, mà trong bản Pāli, làø thuyết của Pūraṇa-Kassapa tức Bất-lan Ca-diệp. Xem đoạn trên, cht. 29.
[44] Chủ trương ngụy biện (vikhepaṃ vyākāsi) của Sañjaya Belaṭṭhi-putta, Hán và Pāli đại thể tương đồng, tham chiếu, D. 2 Dig I, tr.51: “Atthi paro loko” ti iti ce taṃ pucchasi, “atthi paro loko” ti iti ce me assa, “atthi paro loko” ti iti te naṃ vyākareyyeư. Evam pi me no. Tathā ti pi me no, aññathā ti pi me no no ti pi me no no no ti pi me no: Nếu ngươi hỏi Ta, “Có thế giới khác hay không” và nếu ta nghĩ rằng “Có thế giới khác”, Ta sẽ trả lời ngươi rằng “Có thế giới khác”. Nhưng, Ta không nghĩ như vậy. Ta không nghĩ sự thật như vậy. Ta không nghĩ một cách khác. Không nghĩ không phải như vậy. Không nghĩ không phải không như vậy.
[45] . Hán: bỉ hành chi báo; Pāli (D. 2 § 35): puññānaṃ gati puññānaṃ vipāko, thú hướng của phước đức, kết quả của phước đức.
[46] Xem cht. 35.
[47] Pāli (D. 2 § 37): assa puriso kassako gahapatiko, một người kia, là nông phu, là gia chủ.
[Đầu trang][Mục lục bộ Trường A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]