TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 1 - KINH TRƯỜNG A-HÀM

Hán dịch: Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm

5. KINH TIỂU DUYÊN [1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại Xá-vệ, trong vườn Thanh tín, giảng đường Lộc mẫu[2], cùng chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người. Lúc ấy, có hai người Bà-la-môn với lòng tin kiên cố tìm đến chỗ Phật xin xuất gia học đạo, một tên là Bà-tất-tra một tên là Bà-la-đọa[3].

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn rời khỏi tịnh thất, đang kinh hành thong thả trên giảng đường. Bà-tấttra vừa trông thấy Phật liền vội vàng đến bảo Bàla-đọa:

“Anh biết không, Như Lai hiện đang rời khỏi tịnh thất kinh hành tại giảng đường. Chúng ta nên đến đó hoặc có nghe Ngài dạy bảo điều gì chăng?”

Bà-la-đọa nghe nói thế liền cùng đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ chân Phật, rồi đi theo sau Phật.

Phật nói với Bà-tất-tra:

“Hai người vốn sanh trong dòng Bà-la-môn, với lòng tin kiên cố, muốn xuất gia tu hành ở trong giáo pháp ta phải không?” Hai người đáp: “Thưa phải.” Phật nói:

“Này Bà-la-môn, nay các ngươi xuất gia tu hành ở trong giáo pháp Ta, các người Bà-la-môn khác há không hiềm trách các ngươi?” Hai người đáp:

“Thưa có. Nhưng mong ơn lớn của Phật được xuất gia tu đạo, thật sự chúng con không khỏi bị các người Bà-la-môn hiềm trách.” Phật dạy:

“Họ lấy lẽ gì mà hiềm trách các ngươi?” Hai người đáp:

“Họ nói rằng: ‘Dòng Bà-la-môn ta tối cao bậc nhất, các dòng khác thấp hèn. Dòng ta trắng trẻo, các dòng khác đen điu. Dòng Bà-la-môn ta xuất xứ từ Phạm thiên, từ miệng Phạm thiên sanh ra, ở ngay trong hiện tại mà được thanh tịnh giải[4], về sau cũng thanh tịnh. Cớ gì các ngươi lại bỏ dòng thanh tịnh của mình mà vào trong dị pháp của Cù-đàm kia.’ Bạch Thế Tôn, thấy chúng con ở trong Phật pháp mà xuất gia tu đạo nên họ lấy lời lẽ như thế chê trách chúng con.”

Phật bảo Bà-tất-tra:

“Này Bà-tất-tra, ngươi xem các người đó khác nào kẻ ngu si vô thức như cầm thú, dối trá tự xưng rằng: ‘Dòng Bà-la-môn là tối cao bậc nhất, còn ngoài ra là hèn hạ. Dòng ta trắng trẻo, các dòng khác đen điu. Dòng Bà-la-môn ta xuất xứ từ Phạm thiên, từ miệng Phạm thiên sanh, ở ngay trong hiện tại mà được thanh tịnh giải, về sau cũng thanh tịnh.’ Này Bà-tất-tra, nay trong Chánh đạo vô thượng của Ta không cần kể dòng dõi, không ỷ vào tâm kiêu mạn ngô ngã. Pháp thế tục cần thứ đó. Pháp của Ta không phải vậy. Nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn nào tự thị chủng tộc, ôm lòng kiêu mạn thì ở trong giáo pháp Ta trọn không chứng đắc Vô thượng. Nếu hay khước từ chủng tánh, trừ bỏ tâm kiêu mạn, thì mới có thể chứng được đạo quả Vô thượng trong giáo pháp Ta, mới kham lãnh thọ được Chánh pháp. Người đời gớm ghét kẻ hạ lưu, còn giáo pháp ta không thế.”

“Này Bà-tất-tra! Có bốn chủng tánh gồm cả người lành người dữ; được người trí khen, cũng bị người trí chê. Bốn chủng tánh ấy là: Sát-lỵ, Bà-lamôn, Cư sĩ, Thủ-đà-la.

“Này Bà-tất-tra! Hẳn ngươi từng nghe trong dòng Sát-lỵ có kẻ sát sinh, có kẻ trộm cắp, có kẻ dâm loạn, kẻ dối trá, kẻ nói hai lưỡi, kẻ nói ác độc, có kẻ ỷ ngữ, có kẻ xan tham, có kẻ tật đố, có kẻ tà kiến, thì trong dòng Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la cũng có lẫn lộn đủ hạng người làm mười ác hạnh đó. Này Bà-tất-tra! Phàm làm điều bất thiện thì có quả báo bất thiện, làm điều hắc ám thì có quả báo hắc ám. Nếu rằng quả báo đó chỉ có với dòng Sátlỵ, Cư sĩ, Thủ-đà-la chứ không có với dòng Bà-lamôn, khi ấy người Bà-la-môn mới nên tự cho dòng Bà-la-môn ta là tối cao bậc nhất, còn các dòng khác thấp hèn, dòng ta trắng trẻo, các dòng khác đen điu; dòng Bà-la-môn ta xuất hiện từ Phạm thiên, từ miệng Phạm thiên sinh ra, hiện tại thanh tịnh, về sau cũng thanh tịnh. Trái lại nếu rằng làm điều bất thiện thì có quả báo bất thiện, làm điều hắc ám thì có quả báo hắc ám, quả báo đó bất cứ Bà-la-môn, Sát-lỵ, hay Thủ-đà-la đều có như nhau, thời người Bà-la-môn không thể tự xưng chỉ dòng ta là thanh tịnh tối cao bậc nhất.

“Này Bà-tất-tra! Nếu trong dòng Sát-lỵ, có kẻ không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không hai lưỡi, không ác khẩu, không ỷ ngữ, không xan tham, không tật đố, không tà kiến, thời trong dòng Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la cũng đều có hạng người tu mười điều thiện như thế. Phàm làm điều lành, tất có quả báo lành, làm điều thanh bạch tất có quả báo thanh bạch. Nếu rằng quả báo đó chỉ có với dòng Bà-la-môn mà không có với dòng Sát-lỵ, Cư sĩ, Thủ-đà-la khi ấy người dòng Bàla-môn mới nên tự xưng dòng mình thanh tịnh tối cao bậc nhất. Trái lại, nếu cả bốn chủng tánh đều có quả báo đó, thời người Bà-la-môn không thể tự xưng chỉ dòng ta là thanh tịnh tối cao bậc nhất.

“Này Bà-tất-tra! Nay hiện dòng Bà-la-môn có gả cưới, có sinh sản không khác người đời[5], thế mà lại dối xưng ta là dòng Phạm thiên, từ miệng Phạm thiên sinh ra, hiện tại được thanh tịnh, về sau cũng thanh tịnh.

“Này Bà-tất-tra! Ngươi nên biết hiện nay chúng đệ tử của Ta, dòng dõi không đồng, xuất xứ khác nhau, xuất gia tu hành ở trong giáo pháp Ta. Nếu có gặp ai hỏi: ‘Người thuộc dòng nào?’ thì nên trả lời họ: ‘Tôi là Sa-môn, con dòng họ Thích[6].’ Hoặc có thể tự xưng: ‘Tôi dòng Bà-la-môn[7], tôi đích từ miệng Phật sanh ra, từ Pháp hóa sinh ra, hiện tại được thanh tịnh, về sau cũng thanh tịnh.’ Tại sao thế? Vì các danh xưng Đại Phạm tức là đức hiệu Như Lai. Như Lai là con mắt của thế gian, là trí tuệ của thế gian, là pháp của thế gian, là Phạm của thế gian, là Pháp luân của thế gian, là Cam lồ của thế gian, là Pháp chủ của thế gian vậy.

“Này Bà-tất-tra, nếu trong dòng Sát-lỵ có người thành tín Phật, là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu đầy đủ.

“Thành tín Pháp, tin pháp của Như Lai, là thanh tịnh vi diệu, có thể tu hành ngay hiện tại, được nói ra không hạn cuộc thời tiết, là pháp đưa đến Niếtbàn, duy người trí mới thấu rõ, chẳng phải kẻ phàm phu ngu si thấu rõ được[8].

“Thành tín Tăng, tánh thiện chất trực, đạo quả thành tựu, quyến thuộc thành tựu, là đệ tử chân chính của Phật, thành tựu pháp và tùy pháp[9]. Nói là chúng, đó là nói chúng thành tựu giới, chúng thành tựu định, chúng thành tựu tuệ, chúng giải thoát, chúng giải thoát tri kiến. Đó là chúng Tu-đàhoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả; chúng Tư-đà-hàm hướng, Tư-đà-hàm quả; chúng A-na-hàm hướng, A-na-hàm quả; chúng A-la-hán hướng; chúng A-la-hán quả. Gồm bốn đôi tám bậc. Đó là chúng đệ tử của Như Lai, rất đáng kính, đáng tôn trọng, làm ruộng phước của thế gian; xứng đáng lãnh thọ sự cúng dường người[10].

“Thành tín Giới, là giới luật Thánh hiền đầy đủ, không khuyết lậu, không tì vết, cũng không dính nhơ, được người trí ngợi khen, đầy đủ đức tính tốt lành và vắng lặng thì này Bà-tất-tra, người dòng Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la cũng có thể như thế. Thành tín Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin Thánh giới thành tựu.

“Này Bà-tất-tra, trong dòng Sát-lỵ cũng có người cúng dường, cung kính, lễ bái A-la-hán. Dòng Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la cũng đều có người cúng dường, cung kính, lễ bái A-la-hán như thế.

‘Này Bà-tất-tra, nay thân tộc Ta, dòng họ Thích, cũng tôn phụng vua Ba-tư-nặc[11], tôn thờ lễ kính. Vua Ba-tư-nặc cũng lại đến cúng dường, kính lễ Ta. Vua không nghĩ rằng: ‘Vì Sa-môn Cù-đàm sinh từ dòng hào quý còn ta sinh dòng hạ tiện. Samôn Cù-đàm sinh trong nhà đại tài phú, đại oai đức còn ta sinh nhà hạ cùng bỉ lậu ty tiện. Cho nên ta phải đến cúng dường Như Lai.’ Nhưng Ba-tư-nặc căn cứ trên pháp, quán sát pháp, biết rõ chân ngụy, cho nên mới sanh lòng tịnh tín đến kính lễ cúng dường Như Lai.

“Này Bà-tất-tra, nay Ta sẽ vì ngươi nói rõ nhân duyên của bốn chủng tánh ấy.

“Trời đất thủy chung, khi kiếp tận băng hoại, chúng sanh mệnh chung đều sanh lên cõi trời Quang âm[12]. Tự nhiên hóa sanh, ăn bằng tư niệm lực, mình phát ánh sáng và có thần túc bay trong hư không[13].

“Về sau, cõi đất này thảy biến thành nước trùm ngập tất cả. Vào lúc ấy không có mặt trời, mặt trăng, các sao, cũng không có kể ngày đêm, năm, tháng, số tuổi. Duy có một vùng tối tăm bao la. Sau dần dần biển nước đó lại biến thành cõi đất. Các vị trời Quang âm đến lúc hết phước, mệnh chung, sinh xuống nơi này. Tuy sinh xuống đó, song vẫn ăn bằng tư niệm, còn có thần túc bay đi, thân còn tỏa sáng. Chúng sống như thế một thời gian lâu và ai cũng gọi nhau là ‘chúng sanh, chúng sanh.’

“Về sau nữa, từ trong cõi đất này có suối ngọt chảy ra giống như đường mật[14]. Chúng khi mới đến, thiên tánh còn khinh tháo giản dị[15], thấy vậy nghĩ thầm: ‘Đó là vật gì ta hãy nếm thử?’ Liền nhúng ngón tay vào suối để nếm thử, nếm tới ba lần, cảm thấy ngon, chúng mới lấy tay bụm ăn không chút e ngại và cứ mê say ăn như thế chẳng biết nhàm. Các chúng sanh khác nhìn thấy bắt chước làm theo, nếm đến ba lần, cảm thấy ngon rồi cũng tiếp tục ăn mãi, do đó, thân họ trở nên thô kệch, da thịt cứng rắn, mất cả màu sắc đẹp đẽ nhà trời, thần túc không còn, phải đi trên đất, ánh sáng nơi thân cũng mất, cả trời đất tối tăm.

“Này Bà-tất-tra, nên biết pháp thường của trời đất, sau thời gian tối tăm thì có thiên tượng: mặt trời, trăng, sao, xuất hiện ở không trung, rồi từ đó bắt đầu có ngày đêm, tối sáng, năm tháng, số tuổi[16]. Chúng sanh lúc này chỉ sống nhờ ăn vị đất mà sống lâu trong thế gian. Người nào ham ăn nhiều thì nhan sắc thô xấu, người nào ăn ít thì nhan sắc còn tươi nhuận, do đó mới bắt đầu có sự tốt xấu, đoan chính. Người đoan chính thì sinh tâm kiêu mạn khinh người xấu xí. Người xấu xí thì sinh tâm tật đố ghét người đoan chính. Chúng sanh do đó thù nghịch với nhau.

“Bấy giờ suối ngọt tự nhiên cạn khô. Về sau, cõi đất tự nhiên lại sinh ra chất béo của đất[17] có đủ mùi vị thơm tho ăn được. Chúng sanh lại lấy đất ấy mà ăn, sống lâu trong thế gian. Người nào ham ăn nhiều thì nhan sắc mau xấu, người nào ăn ít thì nhan sắc còn tươi nhuận; người đẹp đẽ sinh tâm kiêu mạn khinh người xấu xí; người xấu xí sinh tâm tật đố ghét người đẹp đẽ. Chúng sanh vì thế cùng nhau tranh tụng mãi. Rồi thì, chất béo của đất không còn sinh như trước. Về sau, đất này lại sinh thứ chất béo của đất dày mà thô, tuy cũng thơm ngon ăn được nhưng không bằng trước. Chúng sanh bấy giờ lại lấy đất này ăn mà sống lâu ở thế gian. Người ham ăn nhiều thì nhan sắc mau xấu, người ăn ít thì nhan sắc còn tươi nhuận. Người đoan chính, kẻ xấu xí cứ thị phi nhau rồi sinh điều tranh tụng mãi. Từ đó chất đất tốt không sinh lại nữa. Về sau, đất này lại sinh ra thứ lúa tự nhiên không có trấu[18], sắc vị đầy đủ, thơm tho ăn được, chúng sanh lại lấy lúa gạo ăn, sống lâu ở thế gian; con trai con gái nhìn nhau, dần dần móng tâm tình dục, mới tìm gần gũi nhau. Nhưng chúng sanh khác thấy thế nói: ‘Ngươi làm quấy, ngươi làm quấy’ và kẻ làm quấy bị tẩn xuất khỏi nhóm người, sau ba tháng mới cho trở lại.

“Này Bà-tất-tra, những điều trước kia người ta cho là quấy, thì bây giờ người ta cho là phải. Rồi chúng sanh kia tập quen với phi pháp, mặc tình buông thả theo tình dục, không kể gì thời tiết. Rồi vì sự hổ thẹn mới tạo lập phòng xá và từ đó thế gian khởi đầu có phòng xá. Đùa quen với điều quấy, dâm dục ngày càng tăng lên, mới có bào thai sinh ra từ bất tịnh và thế gian mới bắt đầu có bào thai vậy.

“Chúng sanh lúc ấy ăn loại lúa gạo tự nhiên; lấy xong nó lại sinh ra, vô cùng vô tận. Sau trong chúng sanh đó có kẻ lười nhác thầm nghĩ rằng: ‘Cứ sáng ăn sáng lấy, chiều ăn chiều lấy thì nhọc nhằn. Chi bằng lấy luôn cất đủ ăn một ngày.’ Nó liền lấy cất để ăn đủ một ngày. Sau đó có bạn gọi nó đi lấy lúa, nó đáp: ‘Tôi đã lấy đủ để ăn một ngày rồi. Bạn muốn lấy thì cứ tùy ý.’ Người ấy bèn suy nghĩ: ‘Anh này khôn ngoan, chứa lương thực trước. Ta nay cũng muốn tích trữ lương thực đủ cho ba ngày.’ Nó bèn trữ lương thực dư cho ba ngày. Khi có chúng sanh khác đến rủ đi lấy gạo, nó đáp: ‘Ta đã cất trước đủ ăn ba ngày rồi. Ngươi muốn lấy cứ tự ý đi mà lấy mấy tùy ý.’ Người đó lại nghĩ rằng: ‘Gã kia khôn ngoan, đã biết cất lương thực trước đủ ăn ba ngày. Vậy ta hãy bắt chước nó, cất đủ năm ngày.’ Nó đi lấy cất ăn đủ năm ngày.

“Chúng sanh sau khi cạnh tranh nhau tích trữ, thóc lúa trở nên hoang dại, bắt đầu có vỏ trấu. Cắt rồi không tự nhiên sinh lại như trước nữa. Chúng sanh thấy thế trong lòng không vui, mới có sự ưu lo suy nghĩ: ‘Ta lúc đầu mới sinh ra, chỉ sống bằng tư niệm, thân ta có ánh sáng và thần túc bay đi. Sau đó đất này tuôn ra suối ngọt, chảy ra giống như đường mật thơm ngon ăn được. Chúng ta cùng ăn, tiếp tục ăn mãi. Ai ăn nhiều thì nhan sắc thô xấu, người ăn ít thì sắc còn tươi nhuận. Do thức ăn này mà nhan sắc chúng ta trở nên khác nhau. Chúng ta do vậy ai nấy ôm lòng thị phi, ganh ghét lẫn nhau. Bấy giờ suối ngọt tự nhiên cạn khô. Về sau, cõi đất tự nhiên lại sinh ra chất béo của đất[19] có mùi vị thơm tho ăn được. Chúng ta lại lấy đất ấy mà ăn. Ai ăn nhiều thì nhan sắc thô xấu, người ăn ít thì sắc còn tươi nhuận. Chúng ta do vậy ai nấy ôm lòng thị phi, ganh ghét lẫn nhau. Rồi thì, chất béo của đất không còn sinh như trước mà lại sinh thứ chất thô kệch, tuy cũng thơm ngon ăn được. Chúng ta lại lấy mà ăn. Ai ăn nhiều thì nhan sắc thô xấu, người ăn ít thì sắc còn tươi vui. Chúng sanh do vậy ai nấy ôm lòng thị phi, ganh ghét lẫn nhau. Rồi thì, chất béo của đất không còn sinh như trước, mà lại sinh ra thứ lúa tự nhiên không có trấu. Chúng ta lại lấy mà ăn để sống lâu ở đời. Rồi những kẻ biếng nhác tranh nhau tích trữ, nên lúa gạo trở nên hoang dại, bắt đầu có vỏ trấu, cắt rồi không sinh lại. Bây giờ phải làm sao đây?’

“Rồi chúng bảo nhau: ‘Chúng ta hãy phân chia đất và cắm mốc.’ Chúng chia đất và cắm mốc.

“Này Bà-tất-tra, do nhân duyên ấy mới phát sinh danh từ ruộng đất.

“Bấy giờ chúng sanh đó chia cắt ruộng đất, ai lập bờ cõi nấy, nên dần dần sinh ra tâm lén lút trộm cắp thóc lúa của nhau. Những chúng sanh khác trông thấy bảo: ‘Ngươi làm quấy, ngươi làm quấy. Ngươi đã có ruộng đất mà còn lấy trộm của người ta. Từ nay về sau không được làm thế nữa.’ Nhưng chúng sanh kia vẫn lấy cắp mãi. Các chúng sanh khác lại đã quở trách, nhưng nó không thôi, bèn lấy tay đánh và tố cáo với mọi người rằng: ‘Người này đã có ruộng lúa mà còn lấy trộm của người khác.’ Gã này lại bảo: ‘Người này đánh tôi.’ Mọi người thấy hai bên cãi nhau mãi, thì ưu sầu không vui, nói nhau một cách áo não: ‘Chúng sanh đi dần đến chỗ ác, nên thế gian mới có xảy ra sự bất thiện đó. Điều xấu ác, bất tịnh đó chính là nguyên nhân của sanh, già, đau, chết và phiền não khổ báo trong ba đường ác. Bởi có ruộng đất riêng nên mới sinh kiện cáo, vậy tốt hơn chúng ta nên lập lên một người làm chủ để xử trị. Hễ ai đáng bảo hộ thì bảo hộ, ai đáng khiển trách thì khiển trách. Mỗi người chúng ta đều giảm phần gạo để cung cấp cho người ấy để lo xét xử kiện cáo.’ Họ mới lựa trong đám tôn lên một người có hình vóc to lớn, nhan mạo đoan chánh, có oai đức và bảo rằng: ‘Ngươi nay hãy vì bọn ta mà lên làm ông chủ bình đẳng[20]. Hễ thấy ai đáng bảo hộ thì bảo hộ, ai đáng khiển trách thì khiển trách, ai đáng đuổi thì đuổi. Bọn ta sẽ góp gạo cung cấp cho.’

“Người kia nhận lời lên làm chủ, trông coi xử đoán kiện cáo. Mọi người cùng góp gạo cung cấp.

“Người kia thường lấy lời hay đẹp ủy lạo mọi người và mọi người đều hoan hỷ tôn xưng rằng: ‘Lành thay Đại vương! Lành thay Đại vương!’ Từ đó thế gian mới bắt đầu có danh từ vua[21]. Lấy chánh pháp trị dân, nên gọi là Sát-lỵ[22] và thế gian bắt đầu có tên “Sát-lỵ”.

“Thời gian sau trong chúng độc nhất có một người suy nghĩ như vầy: ‘Nhà là đại hoạn, nhà là gai độc, ta thà bỏ nhà đi ở riêng trên rừng núi để nhàn tịnh tu hành thì hơn.’ Người ấy liền bỏ nhà vào rừng, trầm lặng tư duy, đến giờ ăn thì mang bình bát vào làng khất thực. Mọi người trông thấy đều vui vẻ cúng dường, tán thán: ‘Lành thay, người này có thể bỏ nhà lên ở núi, trầm lặng tu đạo, xa lìa mọi điều xấu ác.’ Từ đó trong thế gian mới bắt đầu có tên Bà-la-môn[23].

“Nhưng trong đám Bà-la-môn có kẻ không ưa ở chỗ nhàn tịnh tọa thiền tư duy, mà chỉ ưa vào nhân gian chuyên nghề tụng đọc và tự nói: “Ta là người không tọa thiền”. Người đời nhân đó gọi là “Bất thiền Bà-la-môn”[24] và cũng vì hay đi vào nhân gian nên lại có tên là “Nhân gian Bà-la-môn”. Bắt đầu từ đó trong thế gian có dòng Bà-la-môn hiện ra.

“Lại trong đám chúng sanh kia, có người ưa kinh doanh sự nghiệp, chất chứa tài bảo, nhân đó người ta kêu hạng này là hạng Cư sĩ. Trong đám chúng sanh kia có người có nhiều cơ xảo kiến tạo, nên thế gian mới có thêm một hạng nữa gọi là Thủđà-la công xảo.

“Này Bà-tất-tra! Nay thế gian có đủ tên bốn chủng tánh và thêm hạng thứ năm là chúng Samôn. Như thế là vì có khi trong chúng Sát-lỵ, có người tự thấy nhàm chán pháp của mình, bèn cắt bỏ râu tóc, mặc pháp y tu đạo. Do đó, tên Sa-môn bắt đầu có từ đó. Trong chúng Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la, có khi có người tự thấy nhàm chán pháp của mình, bèn cắt bỏ râu tóc, mặc pháp y tu đạo. Do đó, tên Sa-môn bắt đầu có từ đó.

“Này Bà-tất-tra! Người dòng Sát-lỵ mà thân làm bất thiện, miệng nói bất thiện, ý nghĩ bất thiện, khi thân hoại mạng chung phải thọ ác báo. Dòng người Bà-la-môn, dòng Cư sĩ, dòng Thủ-đà-la mà thân làm bất thiện, miệng nói bất thiện, ý nghĩ bất thiện, khi thân hoại mệnh chung họ cũng phải thọ ác báo như thế.

“Này Bà-tất-tra! Nếu người dòng Sát-lỵ mà thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, khi thân hoại mệnh chung được hưởng thiện báo, thì người dòng Bà-la-môn, dòng Cư sĩ, dòng Thủ-đà-la mà thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, khi thân hoại mệnh chung cũng được hưởng thiện báo như thế.

“Này Bà-tất-tra! Nếu người dòng Sát-lỵ mà làm cả hai điều thiện ác về nơi thân, miệng, ý, khi thân hoại mệnh chung phải gặt lấy quả báo vừa khổ vừa vui, thì người dòng Bà-la-môn, dòng Cư sĩ, dòng Thủ-đà-la mà làm cả hai điều thiện ác về nơi thân, miệng, ý, đến khi thân hoại mệnh chung, cũng phải thọ lấy quả báo vừa khổ vừa vui như thế. “Này Bà-tất-tra! Trong dòng Sát-lỵ có kẻ cắt tóc cạo râu, mặc y tu đạo, tu bảy pháp giác ý, không bao lâu là được thành đạo. Vì sao? Con nhà tộc tánh ấy mặc pháp y xuất gia, tu các phạm hạnh cao thượng, thì chính ngay trong hiện tại tự thân tác chứng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh. Trong dòng Bà-la-môn, dòng Cư sĩ, dòng Thủ-đà-la mà có kẻ cắt bỏ râu tóc, mặc pháp y tu đạo, tu bảy pháp giác ý, không lâu cũng sẽ được thành đạo như thế. Vì sao? Con nhà tộc tánh ấy xuất gia, mặc pháp y, tu các phạm hạnh vô thượng, chính ngay trong hiện tại tự thân tác chứng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh.

“Này Bà-tất-tra! Cả bốn chủng tánh đó, đều có thể xuất sinh bậc La-hán thành tựu viên mãn trí minh và đức hạnh, là bậc đứng nhất ở trong năm chủng tánh ấy.

“Này Bà-tất-tra! Phạm thiên có bài kệ rằng:

Trong đời[25], Sát-lỵ nhất.
Bỏ chủng tánh xuất gia,
Thành bậc đủ Minh Hạnh,
Bậc nhất trong thế gian.

“Này Bà-tất-tra! Phạm thiên nói như thế là đúng chớ không phải không đúng, khéo thọ[26] chứ không phải không khéo thọ. Lúc đó Ta liền ấn khả lời nói ấy của Phạm thiên. Vì nay Ta, là Như Lai, Chí Chân, cũng nói nghĩa như thế đó:

Trong đời, Sát-lỵ nhất.
Bỏ chủng tánh xuất gia,
Thành Bậc Minh Hạnh đủ,
Bậc nhất trong thế gian.

Bấy giờ, sau khi nghe Đức Thế Tôn nói pháp, Bà-tất-tra, Bà-la-đọa liền được tâm giải thoát vô lậu. Nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



[1] Bản Hán, Phật Thuyết Trường A-hàm kinh, quyển 6, “Đệ nhị phần sơ Tiểu Duyên kinh Đệ nhất”, Đại I, tr.36b-39a. Bản Nguyên: “Đệ nhị phần sơ Tứ Tánh kinh”, bản Minh: “Đệ nhị phần Tứ Tánh kinh”. Tham chiếu No.10 Phật Thuyết Bạch Y Kim Tràng Nhị Bà-la-môn Duyên Khởi kinh (Đại I, tr.216), No.26 Trung A-hàm, kinh số 154 “Bà-la-bà Đường kinh”, (Đại I, tr.673); Tăng Nhất A-hàm, “Thất Nhật phẩm Đệ nhất kinh” (Đại II, tr.735). Tương đương: D. 27, Deva Dig iii, 5. AggaññaSuttanta; Trường II, tr.387 “kinh Khởi Thế Nhân Bổn”.

[2] . Thanh tín viên lâm Lộc mẫu giảng đường 清 信 園 林 鹿 母 講 堂, tức Đông viên Lộc tử mẫu giảng đường 東 園 鹿 子 母 講 堂; Pāli: Pubbārama Migāramātupāsāda.

[3] . Bà-tất-tra 婆 悉 吒, No. 10: Bạch Y 白 衣; Pāli: Vāseṭṭha. Bà-la-đọa 婆 羅 墮; Pāli: Bhāradvāja, No.10: Kim Tràng 金 幢.

[4] Đắc thanh tịnh giải 得 清 淨 解.

[5] Pāli, D. 27 (Deva Dig iii 4, tr.65): dissanti kho (…) brāhmaṇānaṃ brāhmaṇiyo utuniyo pi gabbhiniyo pi vijāyamānā pi pāyamānā pi, người ta thấy các bà vợ của những người Bà-la-môn cũng kinh nguyệt, cũng mang thai, cũng sanh con, cũng cho bú.

[6] Pāli, sđd.: samaṇā sakyaputtiyāmhā: Chúng tôi là Sa-môn, con trai nhà họ Sakya.

[7] Ngã thị Bà-la-môn chủng 我 是 婆 羅 門 種, TNM: … Sa-môn chủng 沙 門 種. D.27, sđd.: bhagavatomhi putto oraso mukhato jāto dhammajāto dhammanimitto dhammadāyādo’ ti: “Tôi là con đích thực của Thế Tôn, sinh ra từ miệng, được sinh bởi pháp, hóa sinh bởi pháp, thừa tự của pháp”.

[8] Tham chiếu Pāli, về phẩm tính của Pháp (công thức): svākkhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opanayiko paccattaṃ veditabbo viññũhì ti: Pháp được Thế Tôn khéo giảng thuyết, được thấy (kết quả thiết thực) trong hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, hướng thượng, được chứng nghiệm bằng nội tâm bởi kẻ trí.

[9] Pháp pháp thành tựu 法 法 成 就; Pāli: dhammānudhamma-paṭipanna, thực hành pháp và các liên hệ đến pháp.

[10] Tham chiếu Pāli, về các phẩm tính của Tăng: suppaṭipanno bhagavato sāvaka-saṅgho ujuppaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho ñāyapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho sāmìcippaṭipanno sāvakasaṅgho yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapauggalà esa bhagavato sāvakasaṅgho āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiịeyyo aĩjalikaraṇìyo anuttaraṃ puññkkhettaṃ lokassā ti: Tăng là đệ tử của Thế Tôn là những người thực hành một cách trọn vẹn, chánh trực, đúng hướng, hòa kỉnh. Đó là bốn đôi gồm tám nhân cách. Là những vị đáng được cúùng dường, đáng được cung phụng, kính lễ, tôn trọng; là ruộng phước trên hết của thế gian.

[11] . Ba-tư-nặc 波 斯 匿; Pāli: Pasenadi, vua nước Kosala (Câu-tát-la). Kapilavatthu là một nước chư hầu của Kosala.

[12] . Quang âm thiên 光 音 天; Pāli: Ābhassara, Skt.: Ābhāsvara, âm là A-ba-hội 阿 波 會, cũng thường dịch là Cực quang thiên 極 光 天.

[13] . Tham chiếu Pāli, D. 27 (Deva Dig. iii, tr.66): manomayā pītibhakkhā sayaṃpabhā antalikkhacarā, được sanh bởi ý, ăn bằng hỷ, tự mình phát ánh sáng, phi hành trong hư không.

[14] Hán: tô mật 酥 蜜, váng sữa và mật ong. Bản Pāli sđd.: (Deva Dig iii, tr.67): …seyyathāpi nāma payaso takkassa nibbāyamānassa upari sanānakaṃ hoti… seyyathāpi nāma sampannaṃ và sappi sampannaṃ và navanītaṃ… seyyathāpi nāma khuddamadhuư aneḷakaṃ: như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần… như đề hồ hay thuần túy như tô… như mật ong thuần tịnh (Trường II, tr.396).

[15] Pāli: aññataro satto lolajātiko, một chúng sanh nọ có tính tham.

[16] Hán: nhật nguyệt tuế số 日 月 歲 數.

[17] . Hán: địa phì 地 肥; No.10 (Đại I, tr.218c): địa bính 地 餅, bánh bằng đất; Pāli: bhūmipappataka, loại thực phẩm làm từ sữa và cơm; Trường II, tr. 397: nấm đất.

[18] . Tự nhiên canh mễ, vô hữu khang khoái 自 然 粳 米 無 有 糠 蒯; No. 10 (Đại I, tr.218c): lâm đằng 林 藤, dây leo rừng; Pāli: badālatā, một loại dây leo.

[19] Hán: xem cht. 17.

[20] Hán: bình đẳng chủ 平 等 主; Pāli: mahāsammato, người được bầu lên từ đại chúng; do động từ sammannati, đồng ý. Có lẽ bản Hán coi phát xuất từ hình dung từ sama: đồng đẳng.

[21] Hán: vương 王. Tham chiếu Pāli, D. 19 (Deva Dig iii, tr.73; Trường II, tr.407): dhammena pare raĩjetīti rājà rājà, “bằng pháp, làm người khác hài lòng, đó gọi là vua – rāja. Có gốc động từ rajenti, làm hài lòng.

[22] . Hán: Sát-lỵ 剎 利. Tham chiếu Pāli, sđd.: khettānaṃ adhipati … khattiyo khattiyo, ông chủ của các ruộng đất được người ta gọi: Khaatiyo! Khattiyo! (Sát-lỵ hay Sát-đế-lỵ).

[23] Pāli: pāpake akusale dhamme vāhentì ti… brāhmaṇā brāhmaṇā: do loại bỏ các pháp ác, bất thiện mà được gọi Brāhmaṇā! Brāhmaṇā. Ở đây, từ brāhmana có gốc từ động từ vāhenti (Skt.: Bfh, vừa có nghĩa làm tăng trưởng, vừa có nghĩa loại trừ): loại bỏ.

[24] Bất thiền 不 禪; Pāli: ajjhāyaka, người tụng đọc, chỉ Bà-la-môn thông hiểu kinh văn Vệ-đà. Ở đây nó được coi có gốc động từ jhāyati: thiền tịnh hay tư duy.

[25] . Hán: sanh trung 生 中, chỉ nguồn gốc huyết thống; Pāli: khattiyo seṭṭho janetasmiṃ, về mặt huyết thống; khattiya: ưu việt.

[26] Hán: thiện thọ 善 受; Pāli: sugīta (được hát rất hay), có lẽ trong bản Hán đọc là sugahitā (nắm giữ kỹ).


[Đầu trang][Mục lục bộ Trường A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]