TẠNG KINH
SỐ 10 - PHẬT NÓI KINH DUYÊN KHỞI HAI BÀLA-MÔN BẠCH Y VÀ KIM TRÀNG
Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Thi Hộ.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Thế Tôn ngự tại giảng đường Lộc mẫu, gần khu vườn rừng hoang thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có hai vị Bà-la-môn tên là Bạch Y và Kim Tràng, đến chỗ Đức Phật cầu xin xuất gia thành bậc Bí-sô. Khi ấy trời đã xế chiều, Đức Thế Tôn rời phòng đi đến giảng đường Lộc mẫu, dạo quanh kinh hành. Lúc đó Bà-la-môn Bạch Y thấy Phật Thế Tôn đi đến giảng đường Lộc mẫu, dạo quanh kinh hành, bèn gọi Bà-la-môn Kim Tràng nói:
–Này Kim Tràng, sự vui thích ở thế gian, các pháp được gọi là vui thích ấy, tất cả đều là hý luận. Tôi tuy có thực hành (các pháp ấy) nhưng rốt cuộc nó không phải là chân thật, hoặc thân hoặc tâm sanh biếng nhác, mệt mỏi. Do thân tâm biếng lười, mệt mỏi nên sanh ra thất niệm. Do sự thất niệm ấy nên đó là pháp vô thường không bền chắc, không rốt ráo, pháp tiêu tán hư hoại. Ông nay không nên ưa thích tu tập, thực hành pháp ấy, tức là việc lập bày phụng thờ lửa.
Bà-la-môn Kim Tràng nói:
–Ông làm sao biết được?
Bạch Y đáp:
–Tôi được nghe từ Tôn giả Cù-đàm. Đức Cùđàm có đại biện tài, biết rõ nghĩa ấy. Ngài đã dạy: Cách thức thờ lửa là tập tục được truyền lại từ một vị Tiên xưa, cho đến phương cách của việc thờ lửa, Ngài cũng đều biết. Ngài nói có một loại Tiên nhân, ở trong hàng Sa-môn, Bà-la-môn sanh khởi ý lỗi lầm, nên tạo việc phải phụng sự lửa. Những kẻ lỗi lầm ấy ganh ghét nhau nên tìm kiếm chỗ yếu kém của nhau, chính do vậy nên mới có những lỗi lầm, khiến thọ mạng của các chúng hữu tình giảm bớt. Lại nữa, có chúng sanh ở thế giới khác thọ mạng đã hết mà sanh đến đây, tìm cầu thanh tịnh, bỏ nhà xuất gia, tu hành tinh tấn, tương ưng với chân thật, khéo tác ý chân chánh, thân tâm như thế sẽ vào chánh định. Hướng tâm theo định liền có thể ghi nhớ chỗ ở kiếp trước. Những chúng sanh ấy không ưa ganh ghét, dò xét lỗi lầm của nhau, do đấy nên không khởi lên nguyên nhân của lỗi lầm. Đó là chính pháp thường trú, vững chắc, rốt ráo, là pháp không tiêu tán hư hoại.
Nếu có chúng sanh tìm xét lỗi lầm của nhau, do đó mà cùng tạo ra nhân sanh khởi lỗi lầm, thì đó là pháp vô thường, không vững chắc, không rốt ráo, là pháp tán hoại. Vì vậy, các Bà-la-môn không nên tu tập thực hành như vậy, chớ khởi ý lỗi lầm lập bày phép thờ lửa.
Này Kim Tràng, ông có biết không? Đức Thế Tôn vào lúc xế chiều, rời khỏi tịnh thất, đến giảng đường Lộc mẫu, dạo quanh kinh hành. Ông nay có thể cùng ta đồng đi đến chỗ Đức Thế Tôn, đầu mặt lễ dưới chân Phật. Khi Phật kinh hành, chúng ta theo sau cũng đi kinh hành. Đức Thế Tôn sẽ vì chúng ta tùy nghi nói pháp.
Bà-la-môn Kim Tràng Nói:
–Lành thay! Tôi sẽ đi.
Bấy giờ hai vị Bà-la-môn Bạch Y và Kim Tràng cùng nhau bàn luận xong, đồng đi đến chỗ Phật. Khi đến nơi, hai vị đầu mặt lễ dưới chân, theo sau kinh hành. Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Bạch Y và Kim Tràng:
–Các ông nên biết, những Bà-la-môn tự cho là thấu rõ ba minh, thuộc chủng tộc cao thượng, dòng họ thanh tịnh, theo việc thờ lửa trời, từ trong dòng tộc thù thắng mà sanh, cha mẹ đều thanh tịnh; khéo sanh trong dòng tộc hiền thiện, cho đến bảy đời, cha mẹ đều tôn quý thanh cao, dòng tộc thù thắng, không tội lỗi, không bị phỉ báng. Được như thế đều nhờ nơi dòng họ thanh tịnh. Lại tự cho rằng thông suốt năm thứ Ký luận:
1. Những pháp căn bản mẫu mực, thấu tỏ Ba minh.
2. Định danh các vật.
3. Cai-tra-bà-na.
4. Văn, chữ, chương, câu.
5. Lời nói khéo léo, êm ả, vui tươi.
Các Ký luận này trong kinh điển Vệ-đà, các bậc thầy Bà-la-môn đều biết rõ. Này Bạch Y, các Bà-la-môn ở trong Ba minh, há chẳng bị khinh hủy, lăng nhục và bị chê bai phỉ báng sao?
Hai Bà-la-môn Bạch Y, Kim Tràng đều bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, các Bà-la-môn ở trong Ba minh, làm sao không bị khinh hủy lăng nhục và không bị các điều chê bai phỉ báng. Nhưng trong kinh điển Ba minh của Bà-la-môn lại nói như thế này: “Các Bà-la-môn chính thật là thanh tịnh, là Bà-la-môn chân chánh, là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh ra, là dòng dõi Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương truyền trao. Vì vậy các Bà-la-môn chính thật là thanh tịnh, là Bà-la-môn chân chánh.” Bạch Thế Tôn, chúng con, Bạch Y và Kim Tràng cũng do quyến thuộc trói buộc, không được giải thoát, mất dần pháp lành, tăng trưởng pháp ác. Bạch Thế Tôn, đó cũng chính vì con là Bà-la-môn có Ba minh như trong kinh điển cũng bị các việc khinh hủy, lăng nhục, chê bai, phỉ báng.
Phật dạy hai vị Bà-la-môn Bạch Y và Kim Tràng:
–Các ông nên biết, những Bà-la-môn ở trong Ba minh, sở dĩ rước lấy sự khinh khi, hủy báng và chê bai là do Bà-la-môn nói như thế này: “Các Bàla-môn chính thật là thanh tịnh, là Bà-la-môn chân chánh, là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh ra, là dòng dõi Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương truyền trao. Vì vậy các Bà-la-môn chính thật là thanh tịnh, là Bàla-môn chân chánh!”
Này Bạch Y, các Bà-la-môn ấy tuy nói như vậy, nhưng ngược lại thì phá hoại, làm suy yếu tự thân, còn làm tổn thương mất mát. Các Bà-la-môn ấy bị phá hoại là do bởi không thành thật, lại khởi chấp trước, đi ngược với chánh pháp mà còn sanh tâm chê trách, nhàm chán lánh xa. Do đấy liền sanh khởi tranh luận. Vì sao vậy? Này Bạch Y, nếu có Bà-la-môn cho là khi sanh, thời gian cũng khác, trong thai cũng khác, chấp chặt vào quan điểm: “Do thời gian sanh khác nên mới thanh tịnh, mà các Bà-la-môn cũng đồng sanh chỗ thanh tịnh như vậy”, cho nên nói thế này: “Các Bà-la-môn là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh ra, là dòng dõi Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương truyền trao. Vì vậy các Bà-la-môn chính thật là thanh tịnh, là Bà-la-môn chân chánh!”
Bạch Y, ông nên biết, có bốn chủng loại, tức là bốn chủng tộc. Thế nào là bốn?
–Là chủng tộc Sát-đế-lợi, chủng tộc Bà-lamôn, chủng tộc Tỳ-xá, và chủng tộc Thủ-đà-la.
Này Bạch Y, như vậy trong bốn chủng tộc ấy, người tạo nghiệp xấu nhận lấy quả báo xấu, chẳng phải là việc làm thù thắng, bị người trí chê trách, chết đọa đường ác. Lại trong bốn chủng tộc, có người tạo nghiệp tốt, thọ nhận quả báo tốt, là việc làm thù thắng, được người trí khen ngợi, chết sanh cõi trời.
Này Bạch Y, thế nào gọi là nghiệp ác? Đó là: sát sanh, trộm cắp, tà nhiễm, nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, ác khẩu, tham lam, sân hận và tà kiến. Đấy là nghiệp ác.
Thế nào là nghiệp tốt? Ấy là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà nhiễm, không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không tham, không sân, chánh kiến. Đấy là nghiệp tốt.
Lại nữa Bạch Y, ông chớ sanh khởi ý niệm, cho rằng với các nghiệp xấu như sát sanh,… chịu lấy quả báo xấu, chẳng phải việc làm thù thắng, bị người trí chê trách, xa lánh, các chủng tộc Sát-đếlợi, Tỳ-xá, Thủ-đà-la kia đều có, mà chỉ riêng chủng tộc Bà-la-môn không có việc ấy.
Hai Bà-la-môn Bạch Y và Kim Tràng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, vì sao lại nói lời ấy, việc ấy không phải như vậy. Nếu người tạo nghiệp xấu sẽ nhận lấy quả báo xấu. Các chủng tộc Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà-la đều có những việc đó, mà riêng Bà-la-môn sao lại tránh khỏi?
Phật dạy:
–Này Bạch Y, ông lại chớ nên sanh khởi ý niệm, cho rằng các nghiệp xấu Bà-la-môn không có, còn ba chủng tộc kia thì có. Lời ấy là hợp với câu nói trong kinh Ba minh bảo rằng Bà-la-môn là con của Phạm thiên, từ miệng thanh tịnh sanh ra, là dòng dõi của Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương trao truyền, nguồn gốc thọ sanh thanh tịnh, nên là Bà-la-môn chân chánh. Này Bạch Y, ông lại chớ sanh khởi ý niệm này: nếu trong bốn chủng tộc đều có nghiệp xấu, thì lời ấy không tương ưng với lời dạy trong kinh Ba minh.
Lại nữa, Bạch Y, ông chớ sanh khởi ý nghĩ, cho rằng với các nghiệp tốt như: không sát sanh... sẽ nhận lấy quả báo tốt, là việc làm thù thắng, được kẻ trí khen ngợi, các hàng Sát-đế-lợi, Tỳ-xá, Thủ đà, trong các chủng tộc ấy không có, chỉ riêng Bà-la-môn mới có.
Bạch Y và Kim Tràng bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, sao nói như thế được? Việc ấy không phải như vậy. Nếu người tạo nghiệp tốt sẽ nhận lấy quả báo tốt, các hàng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà đều có như vậy, không riêng Bà-la-môn mới có.
Phật dạy:
–Này Bạch Y, ông chớ sanh khởi ý, cho là các nghiệp tốt chỉ Bà-la-môn mới có, ngoài ra ba chủng tộc kia thì không. Lời ấy tức tương ứng với lời dạy trong kinh Ba minh. Do Bà-la-môn là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh, là dòng dõi của Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương trao truyền. Do nguồn gốc sanh thanh tịnh nên mới là Bà-la-môn chân chánh.
Này Bạch Y, ông lại chớ sanh khởi ý niệm này: nếu trong bốn chủng tộc đều có nghiệp tốt thì lời ấy là không tương ứng với lời dạy trong kinh Ba minh.
Lại nữa Bạch Y, ông chớ sanh khởi ý niệm, cho rằng Sát-đế-lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà-la, trong các chủng tộc ấy làm các việc sát sanh... tức các nghiệp xấu, khi thân hoại mạng chung, đọa ở địa ngục mà riêng Bà-la-môn không có như vậy.
Bạch Y và Kim Tràng bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn sao lại nói như vậy được?
Việc ấy không phải thế. Các hàng Sát-đế-lợi, Tỳxá, Thủ-đà, trong các chủng tộc ấy ai tạo nghiệp xấu thì khi thân hoại mạng chung đều bị đọa địa ngục, mà riêng Bà-la-môn sao không bị đọa?
Phật dạy:
–Này Bạch Y, ông lại chớ sanh khởi ý cho rằng người tạo nghiệp ác bị đọa ở địa ngục, Bà-la-môn thì không, còn ba chủng tộc kia thì có. Lời ấy là tương ứng với lời dạy trong kinh Ba minh. Do Bàla-môn là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh, là dòng dõi của Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương trao truyền, nguồn gốc sanh thanh tịnh nên mới gọi là Bà-lamôn chân chánh.
Này Bạch Y, ông lại chớ nên sanh khởi ý nghĩ: nếu trong bốn chủng tộc có tạo nghiệp xấu ác đều bị đọa địa ngục thì lời này là không tương ứng với lời dạy trong kinh Ba minh.
Lại nữa, này Bạch Y, ông chớ sanh khởi ý nghĩ: vì không sát sanh... tức tạo các nghiệp tốt khi thân hoại mạng chung được sanh ở cõi trời. Các hàng Sát-đế-lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà-la kia đều không được việc ấy, mà chỉ riêng Bà-la-môn là được việc ấy.
Bạch Y và Kim Tràng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, sao lại nói như vậy? Việc ấy không như thế. Các hàng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà-la, người nào tạo nghiệp tốt thì khi thân hoại mạng chung đều được sanh cõi trời, đâu riêng Bà-la-môn mới có.
Phật dạy:
–Này Bạch Y, ông lại chớ sanh khởi ý nghĩ, cho rằng tạo nghiệp tốt được sanh ở cõi trời, chỉ Bà-la-môn mới có, ngoài ra ba chủng tộc kia thì không. Lời ấy thích ứng với lời dạy trong kinh Ba minh, do Bà-la-môn là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh, là dòng dõi của Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương truyền trao, nguồn gốc sanh trưởng thanh tịnh, nên là Bàla-môn chân chánh.
Này Bạch Y, ông lại chớ nên sanh khởi ý nghĩ cho rằng nếu người trong bốn chủng tộc tạo nghiệp tốt đều được sanh cõi trời. Lời ấy là không thích ứng với lời dạy trong kinh Ba minh.
Lại nữa, Bạch Y, Ta trước đã nói: các pháp như vậy, hoặc lành, chẳng lành, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc có tội hoặc không tội, hoặc thuộc phần tịnh hoặc thuộc phần nhiễm, hoặc hơn hoặc kém, hoặc rộng hoặc hẹp, Các pháp như vậy chuyển biến tùy theo thời nhưng các Bà-la-môn một mực chấp chặt. Ta nói người ấy thật là kẻ si mê, nên tự thức tỉnh tâm của mình để được hiểu biết.
Này Bạch Y, lại các hàng Bà-la-môn, hoặc khởi luận bàn về họ hàng, hoặc luận bàn về dòng tộc, hoặc luận bàn về giáo nghĩa và khởi ý nghĩ thế này: “Người khác phải lập tòa ngồi, dâng nước, hiến cúng, đứng dậy trước để nghinh đón, chắp tay hỏi chào, thăm viếng Ta. Ta không cần đối với người khác làm các việc như vậy”. Người khởi ý nghĩ ấy, Ta nói người ấy là không thấy chánh pháp.
Lại nữa, Bạch Y, nếu có Sa-môn, hoặc Bà-lamôn chấp trước khi nói về dòng họ, chủng tộc, hoặc lại chấp trước khi luận bàn về giáo nghĩa. Ta nói đó chẳng phải là Sa-môn, Bà-la-môn có hạnh xa lìa chân chánh.
Này Bạch Y, nếu có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn không chấp trước khi nói về dòng họ, cũng không chấp trước khi bàn về chủng tộc, lại cũng không chấp trước khi bàn về giáo nghĩa. Ta nói đó là Samôn, Bà-la-môn có hạnh xa lìa chân chánh, hiểu biết chân chánh.
Lại nữa, Bạch Y, đại vương Thắng Quân, chủ nước Kiều-tát-la, thấy Sa-môn Cù-đàm là con của tộc họ Thích, từ trong dòng họ Thích bỏ nhà xuất gia. Vua Thắng Quân kia đối với người con của tộc họ Thích hoan hỷ, vui thích, cung kính lễ bái, đứng lên trước để nghinh đón, chắp tay thưa hỏi. Này Bạch Y, đại vương Thắng Quân, chủ nước Kiều-tát-la, đối với Phật Như Lai hoan hỷ, vui thích, cung kính lễ bái, đứng dậy trước nghinh đón, chắp tay thưa hỏi. Nhà vua kia không phải vì Sa-môn Cù-đàm là dòng tộc cao quý thù thắng, vua cũng không khởi ý về dòng tộc cao quý, thù thắng; không vì Sa-môn Cù-đàm có tướng hảo đoan nghiêm, vua cũng không khởi ý nghĩ về tướng hảo; cũng không vì Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn, vua cũng không sanh khởi ý nghĩ về tiếng tăm. Do đấy nên biết pháp vốn là như thế.
Này Bạch Y, pháp ấy xưa nay là lớn lao, tối thượng, vô cùng cao quý, thù thắng. Chánh kiến như vậy là mẹ của các pháp, là sự tăng thượng, là chốn quay về rốt ráo.
Lại nữa, Bạch Y, nếu có người tâm an trú trong chánh tín đối với Ta, người ấy tức được tăng trưởng vững chắc, đã căn bản ra khỏi sanh tử, không mất niềm tin thanh tịnh. Vì sao vậy? Bởi vì Sa-môn hay Bà-la-môn, hoặc chư Thiên, Ma vương, Phạm chí, tất cả ba cõi đều là con Ta, đều đồng một pháp không có sai biệt, từ miệng của chánh pháp sanh ra, cùng một pháp, từ pháp mà hóa sanh, là con của pháp chân chánh.
Này Bạch Y, nếu có người hỏi: “Tất cả các ông đều có cha mẹ, họ hàng, dòng tộc, vì sao xả bỏ?” thì nên nói: “Chúng tôi đều là Sa-môn, con của họ Thích”. Bạch Y nên biết pháp vốn như vậy. Pháp ấy xưa nay rất cao tột lớn lao, vô cùng cao quý thù thắng. Chánh kiến như vậy là mẹ của các pháp, là sự tăng thượng, là chốn quay về rốt ráo.
Lại nữa, Bạch Y, vào thời quá khứ xa xưa, khi thế giới ấy bị hủy hoại, các chúng sanh trong thế giới ấy được vãng sanh đến cõi trời Quang âm. Trải qua thời gian rất lâu, khi thế giới ấy hình thành, riêng có các chúng sanh ở cõi trời Quang âm mạng chung, sanh về ở cõi ấy. Các chúng sanh đó đều có ánh sáng nơi thân, thanh tịnh sáng suốt, nương hư không mà đi, tùy ý muốn mà đến, vui thích, an lạc, tự tại như ý. Do thân các chúng sanh ấy có ánh sáng nên thế giới thời ấy, ánh sáng của mặt trăng, mặt trời đều chưa xuất hiện. Do ánh sáng mặt trăng, mặt trời chưa xuất hiện, nên tinh tú cũng chưa hiện. Tinh tú chưa hiện nên màn đêm cũng không hiện. Màn đêm không hiện nên cũng không phân biệt ngày đêm khác nhau. Do chúng sanh ấy không phân biệt ngày đêm khác nhau nên năm tháng, ngày giờ cũng không có sự sai khác. Lại cũng không phân hình tướng nam nữ. Chúng hữu tình lúc bấy giờ vẫn tồn tại như vậy, ánh sáng nơi thân soi chiếu với nhau.
Lại nữa, Bạch Y, thời ấy ở trong quả đất này có dòng suối trào ra, màu sắc như sữa đặc, vị ngọt như nước mía, hoặc như mật, thơm ngon tuyệt diệu, làm món ăn cho loài người, nuôi dưỡng các căn, là hương vị của đất. Lúc ấy có một chúng sanh, đối với hương vị này sanh tâm ưa thích, đưa tay bốc để nếm thử hương vị của đất. Các chúng sanh khác thấy cũng bắt chước, khởi tưởng mong muốn, cũng dùng tay bốc nếm thử, tùy theo đấy mà sanh tâm ưa thích. Bấy giờ các hữu tình đối với hương vị của đất ấy rất ham thích, dùng làm món ăn nuôi dưỡng thân thể. Do ham ăn nhiều, thân thể chúng sanh dần dần cứng chắc, rồi đến thô nặng. Do thân thô nặng nên không thể tùy ý bay đi trên không, ánh sáng trên thân cũng mất. Khi đó toàn mặt đất đều tối tăm. Thế giới sau đó mới có mặt trời, mặt trăng xuất hiện. Mặt trời, mặt trăng xuất hiện thì tinh tú cũng xuất hiện. Từ đó mới có phân biệt ngày đêm. Đã có phân biệt ngày đêm tức có năm, tháng, ngày, giờ sai khác.
Lại nữa, Bạch Y, chúng sanh thời ấy lúc đầu ăn hương vị của đất, hương vị ấy trong một thời gian dài là món ăn nuôi dưỡng người đời. Do có chúng hữu tình tham ăn nhiều, sắc tướng thô xấu. Nếu người ăn ít, sắc tướng xinh đẹp. Khi ấy người xinh đẹp thấy người thô xấu không biết thông cảm nhau nên nói: “Ông là người thô xấu, ta là người xinh đẹp”. Do đây mới khởi tưởng kiêu mạn. Vì nhân duyên này mà hương vị trong đất ẩn mất. Bấy giờ các chúng sanh thấy hương vị của đất đã ẩn mất, cùng nhau than: “Khổ thay! Khổ thay! Nay đồ ăn vì sao mà ẩn mất?”.
Lại nữa, Bạch Y, hương vị của đất đã mất, lại sanh ra bánh đất màu sắc như San-na-ca, mùi vị như nước mía, hoặc như mật, thơm ngon tuyệt diệu, làm món ăn cho người. Chúng sanh thời ấy cùng nhau ăn bánh đất để nuôi sống lâu dài. Do có chúng sanh tham ăn nhiều, sắc tướng thô xấu. Nếu người ăn ít, sắc tướng xinh đẹp. Người xinh đẹp thấy người thô xấu, do không thông cảm nhau, cho nên nói: “Ông là xấu xí, ta là xinh đẹp”. Do đó mà sanh khởi tư tưởng kiêu mạn, vì nhân duyên này mà bánh đất ẩn mất. Lúc ấy chúng sanh thấy bánh đất không còn sanh nữa, cùng nhau than: “Khổ thay! Khổ thay! Nay bánh đất sao lại biến mất?”.
Lại nữa, Bạch Y, bánh đất đã mất, lại sanh ra loại quả rừng như Ca-lung-phược-ca-chi, có bốn màu, mùi vị như nước mía, mật ong, thơm ngon tuyệt diệu, làm món ăn cho người. Thời ấy chúng sanh sau khi ăn quả rừng, làm món ăn nuôi thân lâu dài. Do có chúng sanh tham ăn nhiều, sắc tướng thô xấu. Nếu người ăn ít, sắc tướng xinh đẹp. Khi người xinh đẹp thấy kẻ thô xấu, không hiểu biết nhau, nên mới nói: “Ông thật xấu xí, ta đây xinh đẹp”. Từ đó mới sanh tư tưởng kiêu mạn. Do nhân duyên này, quả rừng không mọc nữa. Lúc ấy chúng sanh thấy quả rừng không mọc, cùng nhau than: “Khổ thay! Khổ thay! Quả rừng sao lại không mọc?”.
Này Bạch Y, như người thời nay, hoặc có việc đau khổ khi bị xúc não, cũng kêu than: “Khổ thay! Khổ thay!”.
Lại nữa, Bạch Y, quả rừng đã mất, lúa thơm lại sanh, mà lúa thơm này không có trấu cám, mùi thơm đáng ưa, theo thời gian mà chín mùi. Buổi sáng cắt rồi, buổi chiều mọc lại. Buổi chiều cắt dùng, buổi sáng lại sanh. Cắt dùng rồi liền sống lại không có gián đoạn. Sáng chiều hai buổi lấy lúa thơm này để nuôi thân. Chúng sanh thời ấy vì không rõ nguyên nhân, cạnh tranh món ăn. Do nhân duyên này thành thân thô nặng, mới có hình tướng nam nữ sai khác. Do đó chúng sanh cùng nhau thương ghét, mới hủy báng nhau. Lại cũng lần lần cùng nhau tham đắm, do nguyên nhân tham đắm này làm nguồn gốc của các lỗi lầm. Lại có các chúng sanh mang tâm hủy báng nên mới dùng đến cây, gậy, ngói, đá cùng nhau đánh đập. Do đó thế gian mới sanh việc làm phi pháp và hạnh bất chánh.
Này Bạch Y, như người đời nay, các đồng nữ dùng hoa trang sức, mặc y phục đẹp, mong người khác phái cưới về làm vợ, tạo điều phi pháp cho là đúng pháp, với việc làm như thế đều không tự biết, chúng sanh thời ấy cũng lại như vậy. Chánh pháp quá khứ, nay cho là phi pháp. Luật nghi quá khứ, cũng thành chẳng phải là luật nghi. Như vậy lần lần sinh ra các hạnh phi pháp. Do khởi hành động phi pháp nên sanh ra bức bách, giảm mất tâm chán lìa, lại tăng thêm biếng trễ. Hoặc trong một ngày, hai ngày, ba ngày, cho đến một tháng không ở nơi nhà, không lo việc nhà, đi chơi chỗ vắng vẻ, riêng che giấu lỗi lầm.
Thời ấy có một người, tánh tình biếng nhác, không chịu theo đúng thời đi gặt lúa thơm, mới nghĩ thế này: “Ta nay sao lại phải chịu khổ não? Mỗi buổi sáng đi lấy lúa thơm, mỗi buổi chiều lại cũng phải đi lấy. Ta có thể mỗi ngày đi một lần lấy đủ lúa ăn cho cả ngày”. Nghĩ như vậy xong, người ấy liền đi lấy lúa thơm đủ dùng cho hai buổi.
Lại nữa, Bạch Y, thời ấy có một người đến gọi: “Ông nay cùng ta đi lấy lúa thơm”. Người biếng nhác kia nói: “Ông đi một mình, ta đã lấy đủ lúa thơm để ăn hai buổi”. Khi ấy người đến kêu mới nghĩ: “Lấy lúa thơm trong một lần để dùng cho hai buổi là việc hay. Ta nay sao không một lần đi lấy lúa thơm đủ dùng cho hai, ba ngày?” Nghĩ như vậy xong, người ấy liền đi lấy lúa.
Lại nữa, Bạch Y, thời ấy lại có một người đến gọi: “Ông hãy cùng ta đi lấy lúa thơm”. Người trước đã lấy lúa đáp: “Ông một mình tự đi, ta đã lấy lúa thơm đủ ăn cho hai, ba ngày rồi”. Bấy giờ người kia mới nghĩ: “Một lần đi lấy lúa thơm đủ ăn cho hai, ba ngày là việc quá hay. Ta nay sao không một lần đi lấy lúa thơm đủ ăn cho bốn, năm ngày”. Suy nghĩ xong, anh ta liền đi lấy lúa.
Lại nữa, Bạch Y, ban đầu lúa thơm không có trấu cám mùi thơm ngon tuyệt hảo. Do nguyên nhân một người biếng nhác, sau đó thứ lớp lần lượt ham lấy thức ăn cho nhiều để dự trữ, đủ mình dùng riêng. Bấy giờ lúa thơm mới sanh trấu cám, sáng gặt lúa rồi, chiều không sanh. Chiều gặt, sáng không sanh. Gặt rồi lúa không sống trở lại, mà không tự biết được nguyên nhân. Các chúng sanh kia liền nhóm họp, bàn luận với nhau: “Chúng ta ban đầu thân đều có ánh sáng, nương hư không mà đi, vui thích tự tại. Do có ánh sáng nơi thân nên ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ngôi sao không xuất hiện. Lại cũng không phân biệt ngày đêm khác nhau, năm tháng ngày giờ cũng không sai khác. Lại cũng không phân biệt hình tướng nam nữ, theo tự nhiên ánh sáng nơi thân của chúng sanh soi chiếu lẫn nhau. Thời ấy trong đất có dòng nước như sữa đặc xuất hiện, vị ngọt như nước mía, như mật ong, mùi thơm ngon tuyệt diệu, làm món ăn cho con người, nuôi dưỡng thân căn, gọi là hương vị của đất. Khi ấy có một chúng sanh thấy mùi vị của đất sanh tâm ưa thích, đưa tay bốc lên ăn, nếm thử vị kia, các chúng sanh khác thấy rồi cũng bắt chước cùng ăn với nhau đều sanh ưa thích. Chúng ta thời ấy dùng làm món ăn nuôi dưỡng thân thể.
Với món ăn này, nếu tham ăn nhiều thân thể chúng ta trở nên thô nặng. Do nguyên nhân ấy không thể nương hư không theo ý mà đi, ánh sáng nơi thân cũng ẩn mất. Do đấy toàn mặt đất đều tối tăm. Bấy giờ mới xuất hiện ánh sáng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, đầu tiên phân biệt ngày đêm, năm tháng, ngày giờ.
Thời ấy chúng ta dùng hương vị của đất để nuôi thân rất lâu. Người nào ăn nhiều, hình sắc thô xấu. Nếu người ăn ít thì sắc tướng xinh đẹp. Khi ấy người xinh đẹp thấy kẻ thô xấu sanh tâm kiêu mạn. Do nhân duyên ấy hương vị của đất ẩn mất, bánh đất lại được sinh ra, ngọt ngon tuyệt diệu, sắc hương đầy đủ. Chúng ta lại dùng món này để ăn trong thời gian rất lâu. Nếu người ăn nhiều, hình tướng thô xấu. Nếu người ăn ít sắc tướng xinh đẹp. Khi ấy người xinh đẹp thấy kẻ thô xấu sanh khởi tư tưởng kiêu mạn. Do nguyên nhân ấy nên bánh đất ẩn mất, quả rừng lại được sanh ra, ngọt ngon tuyệt diệu, sắc hương đầy đủ. Chúng ta đã dùng món này để ăn trong rất lâu. Người nào ăn nhiều, hình tướng thô xấu. Nếu người ăn ít, sắc tướng xinh đẹp. Lúc ấy, người xinh đẹp thấy kẻ thô xấu sanh tâm kiêu mạn. Do nhân duyên ấy, quả rừng ẩn mất, lúa thơm lại được sanh ra. Bấy giờ lúa thơm không có trấu và cám, thơm ngon đáng ưa. Buổi sáng thu hoạch, buổi chiều lại sanh. Buổi chiều thu hoạch, buổi sáng lại sanh. Chúng ta dùng ăn chỉ vì nuôi thân, không biết nguyên nhân nguồn gốc. Tham ăn đã nhiều, căn đục ô uế trở lại ngăn ngại. Bấy giờ mới có hình tướng nam nữ khác nhau. Sau đó sanh khởi ghét thương, cùng nhau hủy báng, lại cũng lần lần cùng nhau sanh tham đắm. Do nhân duyên tham đắm này làm nguồn gốc lỗi lầm. Bấy giờ chúng ta do cùng nhau phỉ báng, dùng cây, gậy, ngói, đá cùng nhau đánh đập. Do đấy thế gian mới sanh phi pháp, sanh khởi phi pháp lần lần có sự bức bách nhau, giảm mất tâm xả ly, lại thêm biếng nhác. Một ngày, hai ngày cho đến một tháng không ở trong nhà, không lo việc nhà, ham chơi lêu lổng, che giấu lỗi lầm. Khi ấy có một người tính tình biếng nhác, không thể theo đúng thời đi lấy lúa thơm, mới nghĩ ra: “Ta nay tại sao phải chịu khổ não, sáng chiều đều phải đi lấy lúa. Ta nên một ngày đi một lần lấy lúa thơm cho cả sáng và chiều”. Đã nghĩ như vậy liền đi lấy lúa. Thời ấy có một người khác đi đến gọi: “Ông nay cùng ta đi lấy lúa thơm”. Người biếng nhác nói: “Ông đi một mình, ta đã lấy lúa thơm đủ ăn hai buổi”. Khi ấy người kia mới nghĩ: “Lấy lúa đủ ăn hai buổi là điều tốt. Ta nay một lần đi lấy lúa thơm đủ ăn hai, ba ngày”. Đã nghĩ như vậy, người ấy liền đi lấy lúa. Khi đó lại có một người đi đến gọi: “Ông hãy cùng ta đi lấy lúa”. Người đã lấy lúa trước đáp: “Ông đi một mình, ta đã lấy lúa đủ ăn ba ngày”. Lúc đó người kia liền nghĩ: “Lấy lúa đủ ăn ba ngày là tốt, ta nay một lần đi nên lấy đủ dùng trong bốn, năm ngày”. Nghĩ như vậy xong, anh ta liền đi lấy lúa để dự trữ. Bấy giờ lúa thơm dần dần sanh trấu cám. Buổi sáng cắt gặt, buổi chiều không sanh. Buổi chiều cắt gặt, buổi sáng không sanh. Thu hoạch rồi không còn mọc trở lại, không biết nguyên nhân vì sao? Chúng ta bây giờ nên đem tất cả đất đai phân chia ra các phần bằng nhau. “Đây là địa giới của ông, đó là địa giới của ta”.
Các chúng sanh kia cùng nhau bàn luận rồi, liền phân địa giới, giới hạn bằng nhau.
Phật dạy:
–Này Bạch Y, bấy giờ, mọi người phân chia địa giới rồi. Thời ấy có một người đi lấy lúa thơm, gian nan khó được, liền nghĩ: “Ta nay làm sao tìm được đồ ăn, lấy gì để nuôi dưỡng thân mạng? Nay phần lúa thơm của ta sắp hết, người khác tuy có mà họ không cho. Ta cần đi trộm ít lúa của người kia”. Sau khi nghĩ như vậy, người kia lấy lúa của mình giấu kỹ ở đó, liền đến ranh giới của người khác lén lấy lúa thơm. Người chủ kia thấy được bảo người ăn trộm: “Ê! Ông là kẻ cướp. Vì sao đến đây lén lấy của ta?”. Kẻ trộm đáp: “Ta không như vậy, chưa từng lấy lúa trong ranh giới của ông”.
Lại nữa, người ăn trộm lúa ấy, lần sau đi lấy lúa cũng rất khó được, lại nghĩ như trước: “Ta nay làm sao kiếm được đồ ăn, lấy gì để nuôi dưỡng mạng sống? Phần lúa của ta gần hết, bên ranh giới của người khác tuy còn mà họ không cho. Nay ta cần trộm lấy ít lúa”. Nghĩ như vậy rồi, y bèn lấy lúa của mình cất kỹ ở đó, đi đến ranh giới của người khác lén lấy lúa. Người chủ kia lại thấy lần nữa, đến gặp kẻ trộm nói: “Ê! Ông là kẻ cướp. Vì sao trở lại trộm lúa của ta?”. Tên trộm trả lời: “Ta không như vậy, chưa từng lấy lúa thơm trong ranh giới của ông”.
Lại nữa, Bạch Y, người ấy lần thứ ba lại đi lấy lúa thơm cũng rất khó được, mới suy nghĩ: “Ta nay làm sao kiếm được đồ ăn, lấy gì để nuôi dưỡng mạng sống? Nay phần lúa thơm của ta sắp hết, bên kia tuy còn mà người ta không hứa cho. Nay ta phải lần thứ ba trộm ít lúa của người kia”. Nghĩ như vậy rồi, y lấy lúa của mình giấu kỹ, giữ gìn, liền đến ranh giới của người khác trộm lúa. Người chủ thấy người này đã ba lần đến đây lấy trộm lúa, tâm sanh giận dữ, liền nói: “Ê! Ông là kẻ trộm cắp. Tại sao ba lần đến đây trộm cắp?”. Tay liền dùng gậy đánh. Kẻ trộm bị đánh kêu la khóc lóc. Bấy giờ thế gian mới sanh điều phi pháp. Các hạnh bất chánh từ đấy mà sanh, việc dùng gậy đánh đập do đây mới có. Nhân việc trộm cắp kia mới sanh sân hận và các việc khổ não. Đây là phi pháp. Do phi pháp sanh, việc bất chánh mới xuất hiện. Do đấy mới có ba việc bất thiện đầu tiên thành lập, ấy là trộm cắp, nói dối, dùng gậy gộc đánh đập.
Lại nữa, Bạch Y, mọi người lúc ấy thấy việc như vậy, đồng nhóm họp để cùng luận bàn: “Chúng ta ban đầu thân có ánh sáng, tùy ý tự tại. Do thân có ánh sáng nên mặt trăng, mặt trời và tinh tú thảy đều không hiện, không phân ngày đêm; năm tháng, ngày giờ cũng không sai khác. Khi ấy trong đất chất ngọt xuất hiện, gọi là hương vị của đất. Chúng ta làm món ăn nuôi thân dài lâu cho đến sau cùng do chúng ta tự tạo điều bất thiện nên vị đất mất, bánh đất lại sanh ra, dùng làm món ăn nuôi thân lâu dài. Đến sau đó chúng ta tự ý làm việc chẳng lành, bánh đất cũng mất, quả rừng lại sanh, dùng làm món ăn nuôi thân cho đến cuối cùng. Rồi sau chúng ta làm điều chẳng lành, quả rừng mất, lúa thơm lại sanh, không có trấu cám, dùng làm món ăn lâu dài nuôi thân. Cho đến sau này chúng ta lại làm việc chẳng lành, lúa thơm kia sanh trấu cám, sáng gặt chiều không mọc; chiều gặt sáng không sanh, không sống trở lại, không biết nguyên nhân. Chúng ta bấy giờ liền đem ruộng lúa phân ranh giới. Khi phân ranh giới rồi, lúc ấy có người đi lấy lúa ăn, gian nan khó được, ở ranh giới của kẻ khác sanh tâm trộm cắp. Người chủ đã thấy bảo với người ăn trộm: “Ê! Ông là tên trộm cắp. Vì sao đến đây ăn trộm?”. Kẻ trộm nói: “Ta không như vậy, chưa từng trộm cắp lúa trong ranh giới của ông”. Người đó tiếp đến hai, ba lần lấy lúa, cũng như vậy, người chủ đã thấy, mới sanh giận dữ, lại nói: “Ê! Ông là kẻ cướp, vì sao ba lần đến đây trộm lúa?”. Liền cầm gậy đánh, kẻ trộm bị đánh kêu than khóc lóc. Thế gian bấy giờ mới sanh phi pháp và các hành động bất chánh. Việc dùng gậy gộc đánh đập do đây mà sanh. Ba việc chẳng lành từ đây mới có, đó là: trộm cắp, nói dối và dùng gậy gộc đánh đập. Nay chúng ta hãy cùng nhau lựa chọn người đầy đủ sắc tướng, oai đức, trí tuệ bầu làm điền chủ. Mọi người chúng ta nên phân ranh giới lúa ra từng phần, dành một phần cho người lãnh đạo. Người này phải công bình chánh trực. Người đáng khiển trách thì khiển trách, người đáng chấp nhận thì chấp nhận, khéo bảo hộ địa phương và bảo hộ mọi người. Chúng ta nên mỗi người đều phải vâng lệnh”.
Khi ấy mọi người tham gia bình luận rồi, liền cùng nhau lựa chọn người có đầy đủ sắc tướng, oai đức, trí tuệ lớn, lập làm điền chủ để lãnh đạo, mọi người đều vâng lệnh.
Đức Phật dạy:
–Này Bạch Y, bấy giờ chức điền chủ đã được thành lập, do đấy vị ấy được mọi người gọi là Điền chủ. Tên gọi Điền chủ đầu tiên được ghi vào trong sổ bằng văn tự. Lại nữa, do vị ấy ở trong ranh giới địa phận khéo bảo quản, giữ gìn, là người đứng đầu, nên được gọi là Sát-đế-lợi. Danh từ “Sát-đếlợi” này thứ đến được ghi vào trong sổ bằng văn tự. Lại nữa, do vị ấy ở trong chúng khéo nói lời an ủi, hòa hợp nên được gọi là người an ủi. Người an ủi ấy có tên gọi là vua. Danh từ “vua” là chữ thứ ba được ghi vào sổ bằng văn tự. Thời ấy thế gian mới thành lập đã có dòng tộc Sát-đế-lợi. Bạch Y nên biết, hoặc đây, hoặc kia, các loại chúng sanh, hoặc đồng, hoặc khác, hoặc là pháp, hoặc là phi pháp, tuy có sai khác, pháp như thế vẫn tồn tại tự nhiên, tối thượng, tối thắng, vô cùng to lớn. Thấy được các pháp như vậy, thấy được các pháp phát triển như vậy càng tăng thêm sự quy ngưỡng, hướng về.
Lại nữa, Bạch Y, thời ấy, trong chúng sanh đó có một số người thấy các pháp không thật, là bức bách, suy giảm, lỗi lầm, sanh tâm chán nản muốn xa lìa, bỏ đời sống tại gia, chọn ở nơi chốn rộng rãi, vắng vẻ, tạo lập am tranh, buộc tâm một chỗ, tịch tĩnh vắng lặng tu thiền. Cứ đến buổi chiều, vì việc ăn uống nên vị ấy đi vào trong xóm làng; sáng ngày mai vì việc ăn uống lại trở vào làng xóm. Tất cả mọi người thấy như vậy mới có ý nghĩ: “Nay người này thấy các pháp không thật, là bức bách, suy giảm, lỗi lầm, sanh tâm chán nản muốn xa lìa, bỏ đời sống tại gia, chọn ở chỗ rộng rãi vắng vẻ, tạo lập am tranh, buộc tâm một chỗ, tịch tĩnh vắng lặng tu thiền”. Từ đây mới có tên là người tu thiền. Sau lại có người tạo việc ồn náo.
Nên sau lại có tên gọi là người tu thiền, người gây ồn náo. Lại có tên gọi là bậc giáo thọ, và cũng có tên gọi là người tạo nghiệp bất thiện.
Lại nữa, Bạch Y, bấy giờ trong chúng có một hạng người, ban đầu tu thiền, sau lại sanh khởi tác ý suy nghĩ: “Nếu ở trong xóm làng thành lập trường lớp, quy tụ môn đồ đến học, dạy trao kinh điển văn chương”. Tất cả mọi người trông thấy người này rồi, cùng nhau bàn: “Đây là một hạng người, ban đầu ở chốn hoang vắng, tịch tĩnh tu thiền, sau lại khởi ý nghĩ: “Nên ở trong xóm làng thành lập trường học, nhóm các chúng cầu học, dạy trao kinh điển, văn chương”. Từ đó, họ không gọi là người tu thiền, mà có tên là giáo thọ, lại cũng có tên gọi là Bà-la-môn thường giảng nói. Danh từ “Bà-la-môn” lần đầu tiên được ghi trong sổ văn tự. Do đấy, thế gian mới có chủng tộc Bàla-môn. Bạch Y nên biết, hoặc đây, hoặc kia, các loại chúng sanh hoặc đồng, hoặc khác, hoặc là pháp, hoặc là phi pháp, tuy có sai khác, pháp như vậy vẫn tồn tại tự nhiên, tối thượng tối thắng, vô cùng lớn lao. Thấy được pháp như vậy, thấy được pháp sanh như vậy, càng tăng thêm sự quy ngưỡng, hướng về.
Lại nữa, Bạch Y, thời ấy trong chúng có một hạng người khai khẩn ruộng đất, chuyên làm nghề nông để nuôi sống thân mạng. Do người này chuyên làm việc gieo trồng trên đồng ruộng nên gọi là Tỳ-xá. Danh từ “Tỳ-xá” đầu tiên có trong sổ văn tự. Từ đó nhân gian mới có chủng tộc Tỳ-xá. Bạch Y nên biết, hoặc đây hoặc kia, các loại chúng sanh hoặc đồng hoặc khác, hoặc là hợp pháp, hoặc là phi pháp, tuy có sai khác, pháp tự nhiên như vậy, tối thượng, tối thắng, vô cùng lớn lao. Thấy được các pháp như vậy, thấy được các pháp phát triển như vậy, càng thêm sự quy ngưỡng, hướng về.
Lại nữa, Bạch Y, thời đó trong chúng sanh có một hạng người dần dần sanh ra tâm xảo quyệt, gian dối, làm các việc xấu ác, gọi là Thủ-đà. Danh từ “Thủ-đà” đầu tiên được ghi vào sổ văn tự. Do đấy thế gian mới có chủng tộc Thủ-đà. Bạch Y nên biết, hoặc đây hoặc kia, có các chúng sanh hoặc giống hoặc khác, hoặc là hợp pháp, hoặc là phi pháp, tuy có sai khác nhưng pháp như vậy vẫn tồn tại tự nhiên, tối thượng, tối thắng, vô cùng lớn lao. Thấy được các pháp như vậy, thấy được các pháp phát triển như vậy, càng tăng sự quy ngưỡng, hướng về.
Lại nữa, Bạch Y, trong dòng Sát-đế-lợi kia có kẻ nhàm chán muốn xa lìa, ra khỏi các việc xấu ác bức bách, tức là sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não, gian trá tai họa nên bỏ nhà xuất gia, tức là hàng Sa-môn. Họ là những người đầu tiên được gọi là Sa-môn. Dòng Sát-đế-lợi tu tập như vậy, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà cũng như vậy, nếu ai sanh nhàm chán các điều xấu ác bức bách, sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não, gian trá, tai họa nên bỏ nhà xuất gia đều là Sa-môn, không có khác nhau. Do đấy thế gian mới có hàng Sa-môn, bấy giờ mới được hình thành. Bạch Y nên biết, hoặc đây, hoặc kia, có các chúng sanh, hoặc giống hoặc khác, hoặc là hợp pháp, hoặc là phi pháp, tuy có sai khác nhưng pháp như vậy vẫn tồn tại tự nhiên, tối thượng, tối thắng, vô cùng cao quý. Thấy được các pháp như vậy, thấy các pháp phát triển như vậy, họ càng thêm quy ngưỡng hướng về.
Đức Phật dạy:
–Này Bạch Y, do đấy lần lượt có năm chủng tộc bắt đầu hiện hữu tại thế gian, đó là: dòng Sát-đế-lợi, dòng Bà-la-môn, dòng Tỳ-xá, dòng Thủđà, dòng Sa-môn. Trong năm dòng tộc này, dòng Sa-môn là tôn quý, cao thượng, tiếng tăm lừng lẫy không ai bằng.
Này Bạch Y, cũng như đỉnh núi cao, rất hùng vĩ, hoặc có bầy bò đi vòng quanh núi kia, tất cả đều đi đến được, chỉ riêng có đỉnh núi là chẳng thể đặt chân tới. Đỉnh núi cao kia là pháp tự nhiên như vậy, là lớn lao, hùng vĩ. Trong năm dòng tộc cũng lại như thế. Dòng tộc Sa-môn chính là pháp tự nhiên như vậy, ở trong thế gian, là cao tột, là hơn hết, không ai sánh bằng.
Lại nữa, Bạch Y, trong dòng Sát-đế-lợi kia nếu có ai thân, ý đã tạo nghiệp bất thiện, sanh khởi tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung sẽ bị đọa vào đường ác, sanh vào địa ngục. Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà-la, các dòng tộc này cũng như vậy; đã tạo nghiệp bất thiện của thân, ngữ, ý rồi lại khởi tà kiến, thì khi thân hoại mạng chung sẽ bị đọa vào đường ác, sanh vào địa ngục. Hàng Samôn cũng vậy, nếu đã tạo nghiệp bất thiện nơi thân, ngữ, ý, lại khởi tà kiến thì khi thân hoại mạng chung bị đọa vào đường ác, sanh vào địa ngục.
Lại nữa, Bạch Y, nếu dòng tộc Sát-đế-lợi kia đã tạo các hành động hỗn tạp (có thiện có ác) về thân, về miệng và ý, sanh khởi tri kiến hỗn tạp, thì khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi người. Hàng Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà và Sa-môn, các dòng tộc này cũng đều như vậy. Nếu thân tạo các hành động hỗn tạp, cũng như về miệng và ý tạo nghiệp hỗn tạp (có thiện có ác) thì khi thân hoại mạng chung đều sanh vào cõi người.
Lại nữa, Bạch Y, trong dòng tộc Sát-đế-lợi kia, có người đã tạo nghiệp thiện nơi thân, miệng, ý, thì khi thân hoại mạng chung được sanh ở cõi trời. Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà và hàng Sa-môn, các dòng tộc này cũng đều như vậy. Đã tạo nghiệp thiện nơi thân, miệng, ý thì khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi trời.
Lại nữa, Bạch Y, vị Sát-đế-lợi ấy đã tu tập các nghiệp thiện nơi thân, miệng, ý, sanh khởi chánh kiến, an trú tâm trong Tứ niệm xứ, đã tu tập đúng như lý về Thất giác chi thì tự mình có thể chứng ngộ cảnh giới Niết-bàn. Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủđà, và hàng Sa-môn cũng đều như vậy. Đã tu nghiệp thiện nơi thân, miệng, ý, khởi chánh kiến, chánh tâm an trú trong Tứ niệm xứ, đã tu tập đúng như lý về Thất giác chi thì tự mình cũng có thể chứng ngộ cảnh giới Niết-bàn.
Lại nữa, Bạch Y, vào lúc ban sơ ấy Đại Phạm thiên vương đã nói kệ:
Loài người Sát-lợi là tôn quý
Dòng tộc chân thật lại thanh tịnh.
Ba minh, các hạnh đều tròn đầy
Là bậc tôn quý cõi nhân thiên.
Này Bạch Y, bài kệ ấy của Đại Phạm thiên vương thật là khéo nói, là lời ca ngợi rất hay. Lời ấy thành thật chẳng phải hư dối. Vì sao vậy? Chính Ta cũng nói: Dòng Sát-đế-lợi được mọi người tôn quý, là dòng tộc chân thật lại thanh tịnh, ba minh và các hạnh đều viên mãn, là bậc tối tôn trong trời người.
Bấy giờ, hai Bà-la-môn Bạch Y và Kim Tràng chắp tay cung kính bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, chúng con trước đây do ngu si che lấp, không tự hiểu biết. Ví như người tật nguyền, như người ngu dốt, như kẻ tối tăm, tất cả phương hướng không thể thông suốt. Chúng con ngày nay được ơn Phật Thế Tôn chỉ dạy ý nghĩa, phân biệt nói rõ, thông suốt tỏ ngộ, như người gù được thẳng, người ngu được chỉ bày dẫn dắt, như kẻ tối tăm gặp đèn sáng. Từ đây về sau xin nguyện quy y Phật, quy y Chánh pháp, quy y Tăng-già, gần gũi, hầu hạ Thế Tôn cho đến trọn đời, phụng trì Phật pháp như giữ gìn thân mạng, luôn có đầy đủ sự hổ thẹn, thương xót chúng sanh, cho đến loài trùng kiến cũng sanh khởi tư tưởng hộ niệm. Con nay xin theo Phật xuất gia, thọ giới cụ túc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Này các Tỳ-kheo, nay hai vị Bà-la-môn Bạch Y và Kim Tràng xin theo Phật xuất gia, các thầy Tỳ-kheo nên vì họ mà truyền thọ giới cụ túc.
Lúc ấy, các vị Tỳ-kheo như lời Phật dạy, truyền thọ giới cụ túc cho hai vị ấy. Hai Bà-la-môn Bạch Y và Kim Tràng trong thời gian ngắn trở thành hình tướng Tỳ-kheo giới hạnh đầy đủ.
Sau đó Tôn giả Bạch Y và Kim Tràng, hai thầy Tỳ-kheo nội tâm chuyên chú, lìa các niệm tán loạn, thân tâm thanh tịnh, dốc cầu chánh lý, liền được Ba minh: Thiên nhãn, Túc trú và Lậu tận. Sau khi đầy đủ Ba minh liền thành bậc thấy biết chân chánh, nhờ nghe pháp nên đạt được lợi ích lớn.
❑