TẠNG KINH
SỐ 11 - PHẬT NÓI KINH PHẠM CHÍ NI-CÂU-ĐÀ
Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Thi Hộ.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Thế Tôn ở tinh xá Ca-lan-đà trong vườn Trúc, thuộc thành Vương xá. Bấy giờ, trong thành này có một Trưởng giả tên là Hòa Hợp, vào một ngày nọ sau khi dùng cơm xong, đi ra khỏi thành, đến tinh xá Ca-lan-đà trong vườn Trúc, chỗ Phật đang ngự để được gần gũi chiêm ngưỡng lễ bái. Khi ấy Trưởng giả ra đi chưa bao lâu, liền nghĩ: “Nay trưa Phật và các thầy Tỳ-kheo đang ở nơi phòng, trong giờ chỉ tịnh, lúc này không thể gần gũi lễ bái, ta nên đi đến chỗ nhóm họp của thầy trò Phạm chí Ni-câu-đà”. Lúc ấy Phạm chí Ni-câu-đà ở nơi vườn Ô-đàm-mạt-lê, cùng các Phạm chí vây quanh, đang lớn tiếng cùng nhau bàn luận. Họ chỉ bàn đến các việc về vua chúa, chiến đấu, giặc cướp, việc y phục, ăn uống, việc phụ nữ, việc rượu chè, tà kiến tạp nhạp, cho đến việc về biển cả... Những loại bình luận ấy đều do tâm ràng buộc của thế gian.”
Khi ấy, Phạm chí Ni-câu-đà trông thấy Trưởng giả Hòa Hợp từ xa đi đến, liền bảo đại chúng:
–Các người im lặng, nên nói nhỏ lại. Người đang đến đây là đệ tử Thanh văn của Sa-môn Cùđàm, tên là Hòa Hợp, là hàng Trưởng giả lớn trong thành Vương xá. Ông này tánh vốn ít nói, pháp môn mà ông ta tiếp nhận cũng rất vắng lặng. Vì vậy các người nên phải nói nhỏ. Ông ấy thấy biết như vậy thì mới đến đây.
Các Phạm chí nghe nói như thế, thảy đều im lặng. Bấy giờ Trưởng giả Hòa Hợp đi đến chỗ Phạm chí Ni-câu-đà. Đến nơi, Phạm chí Ni-câuđà nghinh đón, tiếp chuyện vui vẻ. Sau khi đã tiếp xúc xã giao, mỗi người ngồi một bên, Trưởng giả Hòa Hợp thưa với Phạm chí Ni-câu-đà:
–Chúng hội của ngài có chỗ sai khác. Tôi đã nghe quý vị lớn tiếng bàn luận, chỉ nói đến việc vua chúa, chiến tranh... như vậy cho đến bàn luận về chuyện biển cả... Những việc luận bàn này chỉ tăng thêm tâm chấp trước nơi thế gian. Có khác với Đức Thế Tôn của chúng tôi là Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Thế Tôn ở chỗ rộng rãi thanh vắng, luôn tự tại an lạc, mọi sự đi, đứng, nằm, ngồi đều xa lìa ồn náo, dứt hẳn dấu vết người, thường được vắng lặng; thân trú một chỗ, tâm không tán loạn, chuyên chú nhất tâm, tùy hoàn cảnh thích ứng mà hành hóa.
Bấy giờ Phạm chí Ni-câu-đà nói với Trưởng giả:
–Này Trưởng giả, nay ta làm sao bàn luận với Sa-môn Cù-đàm kia được. Nếu ta đưa ra một vấn đề để cật vấn, thì vị Sa-môn ấy dù đa mưu túc trí cũng không thể xoay chuyển vấn đề được. Hơn nữa, Sa-môn Cù-đàm kia ở nơi chỗ trống vắng thì làm sao đủ trí tuệ để xoay chuyển vấn đề, đã ở nơi chốn ấy thì không có khả năng ấy đâu! Vả lại, đi, đứng, nằm, ngồi ở chỗ thanh vắng, xa nơi huyên náo, tuyệt hẳn dấu vết người, luôn giữ tĩnh lặng, thân trú một chỗ, tâm không loạn động, chuyên chú nhất tâm, tùy theo hoàn cảnh mà hành hóa thích ứng, này trưởng giả, chỉ ví như con bò một mắt đi khắp đó đây. Nên biết con bò đó có thể đi được không? Sa-môn Cù-đàm cũng giống như vậy, ở chỗ trống vắng như thế thì trí tuệ làm sao có thể chuyển biến được? Nếu Sa-môn Cù-đàm đến trong hội này, ta khi ấy sẽ cùng bàn luận, kiến lập ý nghĩa thù thắng, chỉ cần đưa ra một câu hỏi, thầy ông sẽ cúi đầu chịu phục. Ta sẽ thắng, thầy ông sẽ lập tức bị thua, như đập vào bình rỗng, rất dễ phá vỡ.
Lúc ấy Đức Thế Tôn ở trong tịnh thất đang yên lặng ngồi thiền. Do thiên nhĩ thanh tịnh, từ xa nghe Trưởng giả Hòa Hợp và Phạm chí Ni-câu-đà cùng nhau gặp gỡ luận bàn như vậy. Bấy giờ, vào buổi chiều, Đức Thế Tôn từ trong tịnh thất đi ra. Khi ấy trời mưa vừa tạnh, không khí mát mẻ, sáng sủa. Ngài đi đến ao Thiện vô độc, bên bờ ao Ngài từ từ đi kinh hành.
Phạm chí Ni-câu-đà từ xa thấy Đức Thế Tôn đang ở bên bờ ao, liền bảo với chúng bạn:
–Sa-môn Cù-đàm nay đang ở bên bờ ao Thiện vô độc chậm rãi đi kinh hành. Nếu ông ấy đến trong chúng hội này, các ngươi có cần đứng dậy nghinh đón, hoặc cùng luận bàn, hoặc sẽ rời tòa, hoặc lại chẳng dùng tòa ngồi của mình mà mời ngồi không?nói xong, ông ta lại tự nhiên vì Đức Thế Tôn đi trải tòa ngồi, còn nghe ông tự nói:
–Tôn giả Cù-đàm nếu đến đây đã có chỗ ngồi. Tùy theo ý muốn của Ngài sẽ có tòa ngồi này.
Bấy giờ Đức Thế Tôn sau khi kinh hành bên ao Thiện vô độc, liền đi đến chỗ của Phạm chí Nicâu-đà. Phạm chí từ xa thấy Đức Thế Tôn đi đến, liền bảo đại chúng:
–Khi Sa-môn Cù-đàm đến trong hội này, ta sẽ hỏi: “Trong pháp và luật của Đức Cù-đàm dùng pháp gì, hạnh gì khiến cho người tu hạnh Thanh văn đạt đến chỗ an ổn, nội tâm dừng nghỉ, đạt được phạm hạnh thanh tịnh?”.
Lúc ấy Đức Thế Tôn đã đến chỗ chúng hội của Phạm chí, tự nhiên họ đều sanh tâm hoan hỷ, tất cả đều đứng dậy đón rước. Phạm chí Ni-câu-đà chắp tay hướng về Đức Phật đảnh lễ, thưa:
–Lành thay! Đức Cù-đàm đã đến đây. Ngài biết tất cả, đây là chỗ ngồi của Ngài, xin mời Ngài ngồi.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Ta biết ông đã sửa soạn và sắp xếp chỗ ngồi cho Ta. Ta sẽ đến ngồi.
Khi ấy các Phạm chí đồng lớn tiếng xướng:
–Hy hữu thay! Thật khó có được! Vị Sa-môn Cù-đàm ấy, ở trong hội này không ai nói ra, chỉ do diệu lực thần thông, tự biết chỗ ngồi dành cho mình.
Phạm chí Ni-câu-đà cùng Đức Thế Tôn vui vẻ chào hỏi xong thì lui ngồi qua một bên. Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Như Lai nay đến với chúng hội, các vị có điều gì cần phân biệt luận bàn không?
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Khi thấy Ngài từ xa đi đến, tôi bảo đại chúng rằng: “Sa-môn Cù-đàm khi đến chúng hội này, ta sẽ hỏi Ngài: “Trong pháp luật của Ngài dùng pháp hạnh gì có thể giúp người tu hành đạt đến cảnh giới an ổn, nội tâm được tịch tĩnh, đạt phạm hạnh thanh tịnh?”.” Nay Đức Cù-đàm đã đến đây, tôi cũng đem việc này thưa hỏi để cùng Ngài phân biệt luận bàn.
Đức Thế Tôn bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Này Ni-câu-đà, đối với sự việc này ông thật khó lãnh hội. Vì sao? Vì pháp của Ta khác, nhận thức khác, thầy dạy khác, thực hành cũng khác.
Ông chỉ nên theo giáo pháp của ông mà thưa hỏi.
Các Phạm chí cùng nói lớn:
–Thật là hy hữu! Sa-môn Cù-đàm đối với câu hỏi này không đem giáo lý của mình giải đáp, trái lại có thể trong giáo pháp của người khác, khiến họ đặt câu hỏi rồi tùy theo câu hỏi đó mà trả lời.
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Nếu chúng tôi khác giáo pháp, khác nhận thức, khác thầy, khác cách tu hành, đối với pháp luật của Ngài chúng tôi khó biết. Nay trong giáo pháp của chính chúng tôi, theo ý Ngài thì tu hành như thế nào để có thể được giải thoát, được thanh tịnh, trong sạch cao tột và được chân thật, được an trú trong chân thật thanh tịnh?
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Trong pháp tu hành của ông, nay Ta nói tóm lược: Ông cho rằng nếu có đầy đủ bốn giới thì gọi là có thể tu hành, có thể đạt đến chỗ tối thượng, thù thắng. Trước tiên, đối với việc tu hành để được giải thoát, không phải giảm thiểu các dục. Này Nicâu-đà, thế nào là ý nghĩa tu hành của người về thọ trì bốn giới?
1. Không tự mình giết hại, không dạy người giết hại, không tùy hỷ đối với sự giết hại.
2. Không tự mình trộm cướp, không dạy người trộm cướp, không tùy hỷ đối với sự trộm cướp.
3. Không tự mình nói dối, không dạy người nói dối, không tùy hỷ đối với sự nói dối.
4. Không tự mình tà nhiễm, không dạy người tà nhiễm, không tùy hỷ đối với sự tà nhiễm.
Này Ni-câu-đà, người cho những điều như vậy là đạt được đầy đủ bốn giới.
Lại nữa, này Ni-câu-đà, thế nào là pháp tu hành của ông? Đó là đi đến chỗ thật cao, thiết lập chỗ ngồi, hoặc kiễng chân mà đứng, cho đó là pháp tu hành. Hoặc ăn đồ đắng chát, thô xấu làm pháp tu hành. Hoặc nằm im trên đất làm pháp tu hành. Hoặc không cạo râu tóc làm pháp tu hành. Hoặc nằm trên gai nhọn, nằm trên đòn cây làm pháp tu hành. Hoặc ở chỗ cao, mây bay lạnh giá làm pháp tu hành. Hoặc tự mình trói buộc một chỗ làm pháp tu hành. Cho đến một ngày ba lần tắm rửa thân thể... nhiều cách như vậy bức bách, thống khổ đối với tự thân cho là pháp tu hành. Các việc như vậy là pháp tu hành của Ni-câu-đà.
Này Ni-câu-đà, thế nào là hạnh xuất ly?
Ni-câu-đà, hạnh xuất ly của ông là: theo lối khỏa thân cho là được xuất ly. Lại đối với việc ăn xong thì phủi tay làm sạch. Không nhận sự bố thí đồ ăn uống từ người có nét mặt buồn rầu hay sân hận. Không thọ thực giữa ngã tư, ngõ tắt. Không đứng chỗ có dao gậy, binh khí. Đi khắp thành ấp lặng thinh không nói, không nói từ đâu lại, không nói đi về đâu, không nói chỗ đang ở, không nói lời thuận nghịch, không dùng nhiều cách nói, cũng không trao đổi lời nói. Hoặc nhận đồ ăn từ một nhà hoặc nhận đồ ăn từ hai, ba, cho đến bảy nhà. Hoặc chỉ nhận đồ ăn một nhà, không nhận các nhà khác. Hoặc một ngày không ăn, hoặc hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày không ăn. Hoặc cho đến nửa tháng, một tháng không ăn. Hoặc trong bữa ăn không ăn bánh bột gạo, không ăn cơm, không ăn đậu và các loại cá, thịt, sữa bò, tô, lạc, dầu và mật. Không uống rượu, không uống nước ngọt, không uống nước giấm chua, chỉ uống nước lúa gạo thanh khiết để nuôi mạng sống. Lại nữa, cũng thường ăn rau, hoặc ăn hạt kê, hạt cỏ, hoặc ăn phân bò (Cù-ma-di gomaya), hoặc uống thuốc nấu bằng lá, thuốc rễ, hoặc ăn gạo sống, hoặc ăn các thứ rau cỏ thô xấu. Hoặc chỉ mặc một áo, hoặc mặc áo bằng cỏ cát tường, hoặc mặc áo bằng vỏ cây, hoặc mặc áo bằng thanh gỗ ghép lại, hoặc mặc áo bằng vỏ trái cây, hoặc lượm tóc tử thi trong rừng làm áo, hoặc dùng cánh lông chim Để-lý-tra làm áo, hoặc dùng cánh lông chim Hưulưu làm áo... Các pháp kể trên chính là pháp tu hành của Ni-câu-đà, chấp cho như thế là hạnh xuất ly.
Này Ni-câu-đà, các hạnh ấy lại được xem là thanh tịnh, giải thoát sao? Được xem là trong sạch tối thượng sao? Được cho là chân thật sao? Được gọi là an trú nơi chân thật thanh tịnh sao?
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Đúng như vậy! Thưa Sa-môn Cù-đàm, những hạnh của tôi như thế là đạt được giải thoát, thanh tịnh, đạt được trong sạch tối thượng, đạt được chân thật, được an trú trong chân thật thanh tịnh.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Này Ni-câu-đà, những điều tu hành của ông như vậy chẳng phải giải thoát, chẳng phải đạt được thanh tịnh, xuất ly, chẳng phải đạt được trong sạch tối thượng, chẳng phải được chân thật, chẳng phải được an trú trong chân thật thanh tịnh. Ở trong pháp tu hành đó chỉ đạt được một phần rất nhỏ.
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Thưa Sa-môn Cù-đàm, như Ngài đã nói, tuy là rất khéo, nhưng chỗ tu hành của tôi như thế là được xuất ly, tối thượng, là đạt được chân thật, đạt được vô thượng.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Lại nữa, với việc tu hành, ông cho rằng đạt được bốn giới là có thể tu hành, là được sự tăng trưởng tối thượng, thù thắng. Trước tiên tu hạnh cầu xuất ly, không giảm các dục, khi giữ lấy bốn giới cũng có đủ tâm “từ”. Trước ở phương Đông sanh khởi tâm từ, quán hạnh đầy đủ, rộng lớn cùng khắp, vô lượng, không hai, cũng không tâm oán hại. Sau đó ở phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía trên dưới, tất cả thế giới đều rải tâm từ cùng khắp, đầy đủ quán hạnh, cũng lại như vậy. Này Ni-câu-đà, ông có nghĩ rằng: Tu hành như vậy là đạt được xuất ly, thanh tịnh chăng? Là đạt được trong sạch tối thượng chăng? Được chân thật chăng? Được an trú trong thanh tịnh chân thật chăng?
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Đúng như vậy! Thưa Sa-môn Cù-đàm, tôi tu hành như thế, thật được xuất ly, thanh tịnh, được trong sạch tối thượng, được chân thật, được an trú trong thanh tịnh chân thật.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Này Ni-câu-đà, ông tu hành những điều như thế chẳng phải là đạt được xuất ly, thanh tịnh, chẳng phải đạt được trong sạch tối thượng, chẳng phải đạt được chân thật, chẳng phải là được an trú trong thanh tịnh chân thật. Vì ông còn chấp là có sở đắc, do đó chẳng phải chân thật.
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Thưa Sa-môn Cù-đàm, như lời Ngài dạy tuy là thật khéo, nhưng tôi tu hành là được xuất ly, thanh tịnh, là được chân thật, là được vô thượng.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Này Ni-câu-đà, lại nữa, như ông tu hành cho rằng ta có đủ bốn giới. Là đã tu hành, là được tối thượng, tăng trưởng thù thắng. Trước tiên tu hạnh xuất ly, không giảm các dục. Do dùng Túc trú thông có thể hay biết việc quá khứ một, hai, ba đời cho đến trăm đời. Này Ni-câu-đà, ông có nghĩ rằng: Theo pháp như vậy tu hành sẽ được xuất ly, thanh tịnh chăng? Được trong sạch tối thượng chăng? Được chân thật chăng? Được an trú trong thanh tịnh chân thật chăng?
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Đúng như vậy! Thưa Sa-môn Cù-đàm, tôi tu hành như thế thật được xuất ly, thanh tịnh, được trong sạch tối thượng, được chân thật và được an trú trong thanh tịnh chân thật.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Này Ni-câu-đà, những điều tu hành của ông như vậy là chẳng phải được xuất ly, chẳng phải được trong sạch tối thượng, chẳng phải được chân thật.
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Thưa Sa-môn Cù-đàm, như Ngài đã nói, tuy là rất khéo, nhưng tôi tu hành là được xuất ly, thanh tịnh, là được chân thật, là được vô thượng.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Này Ni-câu-đà, lại nữa, như ông tu hành cho rằng ta đầy đủ bốn giới là đã tu hành, là được tối thượng, tăng trưởng thù thắng. Trước tiên tu hạnh xuất ly, không giảm các dục, có thể dùng thiên nhãn thanh tịnh quán sát tất cả chúng sanh ở thế gian, hoặc sanh hoặc diệt, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc sanh cõi lành, hoặc sanh cõi dữ, hoặc phú quý hoặc bần tiện, tùy nghiệp báo ứng, đều có thể quan sát thấy rõ. Này Ni-câu-đà, ông nghĩ tu hành như vậy là được xuất ly, thanh tịnh chăng? Được chân thật chăng? Được an trú trong thanh tịnh chân thật chăng?
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Đúng như vậy! Thưa Sa-môn Cù-đàm, tôi tu hành như thế thật là được xuất ly, thanh tịnh, được trong sạch tối thượng, được chân thật và được an trú trong thanh tịnh chân thật.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Này Ni-câu-đà, những việc tu hành của ông như vậy tuy là thanh tịnh, nhưng Ta nói tu hành như ông là chưa lìa được vô số các phiền não theo đấy tăng trưởng.
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Thưa Sa-môn Cù-đàm, vì sao tôi tu hành tuy thanh tịnh, Ngài lại nói là chưa lìa được vô số các phiền não theo đấy tăng trưởng?
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Này Ni-câu-đà, các ông tu hành chỉ vì muốn làm sáng tỏ công lao, sự nghiệp tu hành của mình: do ta tu hành công hạnh như vậy, cho nên các hàng quốc vương, đại thần, Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, những vị ấy tôn trọng, cung kính cúng dường, ta là Ni-câu-đà. Chính do việc này mà ông tu hành, phiền não càng tăng thêm. Này Ni-câu-đà, ông tuy tu hành, dựa vào chỗ tu của mình, sanh tâm cống cao, khinh miệt kẻ khác. Chính do việc này mà ông tu hành phiền não càng tăng thêm.
Lại nữa, Ni-câu-đà, các ông tu hành đối với Samôn, Bà-la-môn khác khinh hủy, lăng nhục, nói như thế này: “Sa-môn, Bà-la-môn các ông do ăn nhiều thứ để nuôi mạng sống, ăn năm loại cây giống trong khắp thế gian, đó là: rễ cây làm giống, thân cây làm giống, thân cây rỗng làm giống, loại giống hiếm quý, hột trong trái lấy làm giống. Như thế dùng năm loại giống này để ăn nuôi thân”. Ông, Ni-câu-đà, như vậy đi khắp nơi, nói lời chỉ trích, khinh nhục, tìm cầu việc tranh luận, nhanh chóng, sắc bén như điện như chớp, mong hàng phục, phá hoại kẻ khác như sương tán, nước đá tan. Này Ni-câu-đà, do đó mà ông tu hành phiền não càng tăng thêm.
Lại nữa, Ni-câu-đà, các ông tu hành, khi thấy Sa-môn, Bà-la-môn được mọi người tôn trọng, cung kính, cúng dường liền sanh tâm ganh ghét nói: “Sa-môn, Bà-la-môn các ngươi tham ăn quá nhiều thứ để nuôi thân, lại được người khác tôn trọng, cung kính cúng dường. Còn ta thường chỉ ăn những vật đắng chát, đạm bạc để nuôi thân mạng. Vì sao các người khác lại không cung kính, tôn trọng cúng dường ta là Ni-câu-đà”. Do việc này mà ông tu hành phiền não càng tăng thêm.
Lại nữa, Ni-câu-đà, các ông tu hành đối với Như Lai, hoặc đối với đệ tử của Như Lai, thân hành đến thưa hỏi, lại sanh hiềm giận, sân si phiền não đã có thì chướng ngại liền sanh. Do có chướng ngại nên sanh khởi các lỗi lầm. Này Ni-câu-đà, do đó ông tu hành mà phiền não vẫn cứ theo đấy gia tăng.
Ni-câu-đà, các ông tu hành đối với Như Lai hoặc đối với đệ tử của Như Lai thưa hỏi Chánh pháp. Đức Như Lai đem lòng chánh đáng khéo khai bày giảng nói, theo chỗ hỏi để đáp, trừ bỏ các nghi ngờ, mà các ông lại dùng luận thuyết ở ngoài đến để bàn cãi, nhằm chống trái nhau. Muốn mình có lý, trái lại với câu hỏi của mình, không phân biệt chính đáng. Này Ni-câu-đà, do chính điểm này các ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy gia tăng.
Ni-câu-đà, Các ông tu hành biết Đức Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai thật có công đức thù thắng cao tột, rất đáng kính ngưỡng mà không kính ngưỡng. Này Ni-câu-đà, do đấy mà các ông tu hành phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành đối với việc lợi ích muốn nhàm chán xa lìa, với việc tổn hại lại không chịu nhàm chán xa lìa. Các ông trong hai việc này, đối với việc tổn hại mà không xa lìa. Này Ni-câuđà, do đó mà ông tu hành phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành thường dấy tướng kiêu mạn, luôn bày tỏ rằng ta là người có tu hành. Đó chính là lý do ông tu hành mà phiền não cứ theo đấy tăng lên.
Ni-câu-đà, các ông tu hành, hoặc được đồ ăn uống trân quý giá, tham đắm mùi vị, sanh tâm phân biệt. Món này ta ưa, món này ta không ưa. Nếu ưa ta liền tiếp nhận, từ đấy chấp trước, sinh ra đắm nhiễm. Do có đắm nhiễm nên che giấu lỗi lầm, do đó không thể có trí tuệ thù thắng và không được xuất ly. Các loại món ăn uống nếu không đáng ưa, vẫn có lòng tham tiếc, miễn cưỡng mà bỏ. Này Ni-câu-đà, do đấy mà các ông tu hành phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành, vào chốn thâm sơn ở ẩn, ngồi im lặng lẽ, cho là tốt đẹp. Có người đến hỏi: “Ngài có thể hiểu rõ pháp môn nào và không hiểu rõ pháp môn nào?”. Nhưng các ông đối với pháp hiểu rõ nói ta không rõ. Pháp không hiểu rõ lại nói ta hiểu. Đáp bằng nhiều cách như vậy, rồi cho rằng ta hiểu biết chánh đáng, tạo các vọng ngữ. Này Ni-câu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành thường hay sanh khởi nhiều giận hờn. Này Ni-câu-đà, các ông tu hành ở chỗ nào cũng không biết hổ thẹn. Này Nicâu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đó tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành thường hay sanh khởi tâm biếng nhác, rất ít siêng năng. Này Nicâu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đó tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành thường bị thất niệm, hiểu biết không chân chánh. Này Ni-câu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành tâm luôn tán loạn, các căn suy giảm. Này Ni-câu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành làm điều tổn hại, tâm luôn chấp chặt, không cầu xuất ly, một mực theo kiến chấp, đối với các pháp này thật sự sanh tâm chấp trước. Này Ni-câu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành tà kiến sâu dày, thực hành theo các pháp điên đảo. Này Ni-câu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành với chỗ không giới hạn, chấp là có giới hạn, sanh khởi tri kiến cũng giống như vậy. Này Ni-câu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành thường sanh khởi tham ái và sân hận. Này Ni-câu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành, đối với các việc làm đều là ngu si, ám độn. Này Ni-câu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành, không thể lắng nghe cũng như người điếc, không biết giảng dạy như loại dê câm. Này Ni-câu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy tăng thêm.
Ni-câu-đà, các ông tu hành, ưa tạo nghiệp, gây ra tội lỗi, lại ưa thân gần người tạo nghiệp gây tội, ràng buộc với bạn bè xấu ác, như thế cho là việc nhiếp phục kẻ khác. Này Ni-câu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy gia tăng.
Ni-câu-đà, các ông tu hành, khởi tâm tăng thượng mạn, tưởng chấp có sở đắc, chưa thấy cho đã thấy, chưa làm cho đã làm, chưa được cho đã được, chưa biết cho đã biết, chưa chứng cho đã chứng. Này Ni-câu-đà, đó chính là lý do khiến ông tu hành mà phiền não vẫn theo đấy gia tăng.
Này Ni-câu-đà, ý ông nghĩ thế nào? Các pháp phiền não như trên đã nói, chỉ một số ít người tu hành có đủ các phiền não này chi phối chăng?
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Thưa Sa-môn Cù-đàm, đâu phải chỉ một ít người tu hành có đủ các thứ phiền não này, theo ý của tôi thì số ấy rất nhiều.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Như Ta đã nói ở trên, các ông tu hành mà muốn biểu dương công lao sự nghiệp tu hành của mình, khiến cho các hàng Quốc vương, Đại thần, Sát-đế-lợi, Bà-la-môn... kia phải tôn trọng cung kính cúng dường. Này Ni-câu-đà, các ông nếu như vậy, vì mong muốn nêu rõ công lao sự nghiệp tu hành như thế, mong cho Quốc vương, Đại thần... cung kính cúng dường, cho đến khởi tâm tăng thượng mạn, tưởng chấp có chứng đắc, chưa thấy cho đã thấy, chưa làm cho đã làm, chưa biết cho đã biết, chưa được cho đã được, chưa chứng cho đã chứng. Những quan niệm như thế đều không thanh tịnh, tất cả chúng đều làm cho phiền não theo đấy gia tăng, nên biết chúng đều thuộc về nhiễm ô.
Này Ni-câu-đà, ý ông nghĩ thế nào? Như Ta nói ở trên, các sự việc như vậy, nếu tu hành như vậy thì có được xuất ly và thanh tịnh chăng? Được trong sạch tối thượng chăng? Được chân thật chăng? Được an trú trong thanh tịnh chân thật chăng?
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Đúng như vậy! Thưa Sa-môn Cù-đàm, tất cả chúng tôi tu hành như vậy là được xuất ly, thanh tịnh, là được trong sạch tối thượng, là được chân thật, là được an trú trong thanh tịnh chân thật.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Ta nay vì ông giảng nói như thật. Như ông trước đây có hỏi Ta: “Thưa Sa-môn Cù-đàm, ở trong pháp luật, do thực hành pháp gì khiến người tu hạnh Thanh văn đạt đến chỗ an ổn, nội tâm tĩnh lặng, phạm hạnh thanh tịnh?”. Câu hỏi như vậy mới là chân thật. Nên biết chỗ dừng nghỉ của Thanh văn là trên hết của bậc trên, cao tột thù thắng, là chỗ dừng nghỉ của các bậc Thánh.
Lúc ấy, tất cả các Phạm chí đồng tán dương:
–Lạ thay! Kỳ lạ thay! Trong pháp luật của Samôn Cù-đàm, việc tu hành rất là thanh tịnh, trong sáng.
Bấy giờ Trưởng giả Hòa Hợp nghe lời tán thán như vậy, biết các Phạm chí ở trong hội chúng đối với Đức Thế Tôn đã có phần hướng mộ, liền bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Này Ni-câu-đà, ông trước đây có nói, đối với Đức Thế Tôn sẽ cùng nhau nghị luận, thiết lập ý nghĩa thù thắng “Chỉ cần nêu một câu hỏi, khiến thầy ông phải cúi đầu chịu phục. Ta sẽ được thắng, thầy ông tức bị thua, như đập vào bình rỗng rất dễ phá vỡ”. Nay ông vì sao chưa nêu câu hỏi?
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Ý ông thế nào? Ông thật đã có nói lời ấy chăng?
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Thưa Sa-môn Cù-đàm, tôi thật đã có nói lời như vậy.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Này Ni-câu-đà, ông há không nghe các bậc thầy xưa uy đức kỳ cựu là hàng túc trí nói: Chư Phật Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng như các ông ngày nay nhóm họp, cao tiếng lớn lời nêu các vấn đề để cùng bàn luận, luận về vua, về chiến đấu, về giặc cướp, luận về ăn mặc, về phụ nữ, về rượu, về các việc tà mị tạp nhiễm trói buộc, như vậy cho đến cùng luận về biển cả... không?
Này Ni-câu-đà, hoặc ông đã từng nghe các bậc Tiên sư cổ đức nói: Chư Phật Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác như ta ngày nay, ở nơi rộng rãi thanh vắng, ngồi nằm dừng trú, xa lìa ồn náo, tuyệt dấu vết người, giữ tâm vắng lặng, thân ở một chỗ, tâm không tán loạn, chuyên chú một cảnh, tùy thích ứng mà hành xử không?
Phạm chí Ni-câu-đà bạch Phật:
–Đúng vậy, thưa Đức Cù-đàm, Tôi cũng từng nghe bậc thầy uy đức kỳ cựu, là hàng túc trí xưa kia đã nói: Chư Phật Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng phải như chúng tôi ngày nay nhóm họp cao tiếng, lớn lời, nêu các vấn đề bàn luận, luận về vua, về chiến đấu, về giặc cướp, luận về ăn mặc, về phụ nữ, luận về rượu, về các tà nhiễm, trói buộc, cho đến cùng nhau bàn luận về biển cả... Tôi cũng đã từng nghe các bậc tiên sư cổ đức nói: Chư Phật Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác như Ngài ngày nay ở nơi rộng rãi thanh vắng ngồi nằm, dừng trú, xa lìa ồn náo, tuyệt dấu vết người, giữ tâm vắng lặng, thân ở một chỗ, tâm không tán loạn, chuyên chú một cảnh, tùy thích ứng mà hành xử.
Phật bảo Phạm chí Ni-câu-đà:
–Này Ni-câu-đà, các ông khi nghe các bậc cổ đức tiên sư xưa dạy, đâu không suy nghĩ thế này: “Các Đức Phật Thế Tôn hay tùy nghi thuyết pháp, tự mình giác ngộ, lại vì người khác nói pháp giác ngộ. Tự mình đã được giải thoát, lại vì người khác nói pháp giải thoát. Tự mình đã an lạc, lại vì người khác nói pháp an lạc. Tự mình đã được Niết-bàn, lại hay vì người khác nói pháp Niết-bàn”.
Này Ni-câu-đà, các ông khi ấy nói ngược lại: “Sa-môn Cù-đàm nói thế này: Có sự phân biệt sai khác đối với pháp và sự nghiệp của bậc thầy họ”. Lại nói: “Sa-môn Cù-đàm nói thế này: Ở nơi vắng lặng, hay khéo léo trong sự nghiệp là có phân biệt”. Lại còn nói: “Sa-môn Cù-đàm nói rằng trong pháp của thầy ông Ni-câu-đà, có sự tập hợp các lỗi lầm và pháp bất thiện”. Lại nói: “Sa-môn Cù-đàm nói rằng trong pháp của thầy ông Ni-câuđà, các loại pháp lành đều bị ly tán”. Lại còn nói: “Sa-môn Cù-đàm nói rằng vì muốn giảng nói, chỉ bày về nhân duyên sự việc nên phải dùng nhiều cách nói năng, như thế thì không nên căn cứ vào lời nói để biết”.
Này Ni-câu-đà, vì sao không nên căn cứ vào lời nói để biết? Vì pháp của các bậc thầy, cũng như những điều tu hành của họ, cho đến các nhân duyên sự việc... của họ, tất cả đều khác.
Này Ni-câu-đà, vì vậy Ta không bao giờ nhận định về sự nghiệp và pháp giảng dạy của thầy ông. Cũng không nói đến sự nghiệp an trú vắng lặng của ông. Cũng không nói trong pháp của thầy ông là chỗ tập hợp của lỗi lầm và bất thiện. Cũng không nói trong pháp của thầy ông nhiều thứ pháp lành bị ly tán. Cũng không muốn nói về nhân duyên sự việc kia.
Này Ni-câu-đà, Ta thường nói thế này: “Nếu có người chân chánh không dua nịnh, không quanh co và cũng không hư dối, là người chân chánh tu hành, Ta liền vì họ giảng nói pháp, chỉ bày. Nếu như đáng khai thị dìu dắt khiến người chân chánh theo như lời khuyên dạy chỉ bày chân chánh của Ta, trong bảy tháng hoặc sáu tháng, năm, bốn, ba, hai, một tháng, nửa tháng, thường không tán loạn, xa lìa phiền não bức bách, thân tâm thanh tịnh, chuyên chú tới đích. Ta nói người ấy là người đã thấy pháp, biết pháp, vượt quả thứ nhất, quả thứ hai, thẳng đến quả thứ ba, ở địa vị hữu dư y, chứng quả A-na-hàm”.
Lại nữa, Ni-câu-đà, Ta thường nói thế này: “Nếu có người chân chánh không dua nịnh, không quanh co, không hư dối, chân chánh tu hành, Ta liền vì họ giảng nói, pháp chỉ bày. Như đáng khai thị dìu dắt, khiến người chân chánh như lời dạy bảo chỉ bày của Ta, ở trong năm, bốn, ba, hai, một ngày, nửa ngày cho đến chỉ trong khoảng bữa ăn thường không tán loạn, xa lìa phiền não bức bách, thân tâm thanh tịnh, chuyên chú thẳng tới mục đích. Ta nói người ấy là người đã thấy pháp, biết pháp, vượt qua quả thứ nhất, quả thứ hai, thẳng đến thứ ba, ở địa vị hữu dư y, chứng quả A-nahàm.”
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn khi giảng nói như vậy, các Phạm chí trong chúng hội, nghiệp chướng còn trói buộc sâu nặng, không thể tỏ ngộ, thân tâm mê hoặc rối loạn, trầm trệ bối rối. Các thứ biện tài đều không thể thi thố được, nên chỉ cúi đầu lặng yên, ngồi im lo nghĩ.
Đức Thế Tôn biết rõ sự việc như vậy, quay lại bảo Trưởng giả Hòa Hợp:
–Này Trưởng giả, nay trong chúng hội này đều thành kẻ si mê, đã mù mịt nơi cách thấy và nghe, im phắc không một lời như người cầm vật tự che bít miệng mình, tội lỗi sâu dày, chướng ngại quá lớn. Họ không thể đối với Đức Như Lai nêu lên câu hỏi: “Sa-môn của Ngài trong pháp và luật dùng pháp hạnh gì hay khiến cho người tu hạnh Thanh văn đến chỗ an ổn, nội tâm được vắng lặng, phạm hạnh thanh tịnh?”
Bấy giờ, Thế Tôn nhân thấy đã thích hợp, liền chỉ dạy cho Trưởng giả Hòa Hợp pháp đem đến lợi ích hoan hỷ, rồi phóng hào quang rộng lớn rực rỡ, chiếu sáng khắp nơi, từ trong chúng hội, thân nương hư không, trở về tinh xá Ca-lan-đà nơi vườn Trúc.
❑