TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 21 - PHẬT NÓI KINH PHẠM VÕNG SÁU MƯƠI HAI KIẾN

Hán dịch: Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi, đời Ngô.


Nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Câu-lưu, cùng đông đủ chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Bấy giờ có vị ngoại đạo tên Tu-tì và đệ tử là Ma-nạp-phạm-đạt, đi theo sau Phật và chúng Tỳ-kheo Tăng. Ngoại đạo Tu-tì dùng vô số lời lẽ hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng; còn vị đệ tử Ma-nạp-phạm-đạt lại tán thán Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng hết lời. Hai thầy trò mãi tranh luận với nhau, mỗi người đều cho rằng lời của người kia nói là sai lầm trong suốt thời gian đi theo sau Phật và chúng Tỳ-kheo Tăng trên đường các Ngài đến chỗ thọ thỉnh.

Lúc ấy, Đức Phật từ nước Câu-lưu đến nước Xá-vệ, dừng chân nghỉ tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Khi đó các Tỳ-kheo hội họp tại giảng đường Ca-lê-la, cùng nhau ngồi bàn luận:

–Việc này như thế nào? Ngoại đạo Tu-tì và đệ tử Ma-nạp-phạm-đạt luôn đi theo sau Thế Tôn và chúng ta, trong khi chúng ta đến chỗ thọ thỉnh. Ngoại đạo Tu-tì thì dùng vô số lời lẽ để hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng; còn vị đệ tử Ma-nạpphạm-đạt thì lại tán thán Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng hết lời.

Đức Phật từ xa nghe rõ các Tỳ-kheo đang luận bàn về việc này, liền đứng dậy đi đến giảng đường, ngồi xuống và hỏi các Tỳ-kheo:

–Các ông đang nhóm họp tại giảng đường Calê-la để bàn luận những việc gì?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Vừa rồi chúng con cùng nhau nhóm họp để bàn luận về việc ngoại đạo Tu-tì và đệ tử là Manạp-phạm-đạt đi theo sau Phật và chúng con trên đường đi đến chỗ thọ thỉnh. Ngoại đạo Tu-tì thì dùng vô số lời lẽ để hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng; còn vị đệ tử là Ma-nạp-phạm-đạt thì lại tán thán Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng hết lời.

Đức Phật dạy:

–Lành thay! Này các Tỳ-kheo, khi hội họp thường phải làm hai việc. Những gì là hai? Một là thuyết pháp, hai là tư duy.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Nếu có người hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng, các ông chớ có sân hận, sanh tâm ý ác, buồn rầu thì mới tốt. Nếu có người hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng, các ông sanh lòng sân hận, sầu muộn thì các ông sẽ bị suy thoái. Này các Tỳ-kheo, nếu có người tán thán Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng, các ông chẳng nên vui mừng, cũng không buồn lo, cũng chẳng có ý hân hoan; nếu chẳng như vậy, các ông sẽ bị suy thoái.

Nếu có người hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng, các ông nên nghĩ: “Điều người kia nói không phải là lời nói thành thật. Đức Phật không có những việc như vậy”. Này các Tỳ-kheo, nếu có người tán thán Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng, các ông nên suy nghĩ: “Thật có việc này”. Vì sao như vậy? Vì kẻ biết ít chỉ biết theo lời răn dạy không thể nghe nhiều, nên mới chê trách Phật.

Các Tỳ-kheo hỏi Phật:

–Sao gọi là kẻ biết ít, chỉ biết theo lời răn dạy, không đa văn nên mới chê trách Đức Phật?

Đức Phật dạy:

–Người đó nói rằng Đức Phật không sát sanh, không kết oán, không cầm dao gậy, dạy người làm thiện, thương yêu tất cả mọi người cho đến loài côn trùng nhỏ bé; cũng không lấy tài vật của kẻ khác, chỉ muốn bố thí, tâm niệm bố thí, thấy người bị kẻ khác cướp đoạt thì thương xót; thân tự làm thanh tịnh, không kết tội kẻ khác, tu phạm hạnh thanh tịnh, thích hạnh thanh tịnh, không thích pháp ái dục xấu ác; cũng không nói dối, lời nói chí thành, thích sự thành thật không hư dối. Người thế gian đều tin lời nói của vị ấy, không có ý khác, cũng không vọng niệm, không nói hai lưỡi, rao truyền để hai bên đánh nhau, nếu có tranh tụng thì hòa giải, khiến hai bên được an ổn, không chửi mắng, cũng không nói lời ác, nói ra điều gì cũng khiến cho mọi người hoan hỷ, chỉ nói điều thiện, không nói lời lừa dối, nói lời rất thành thật đúng lúc, nói lời dịu dàng theo chánh pháp, có nghĩa lý; không ngồi giường cao chạm trổ đẹp đẽ, cũng không trang sức hương hoa, không nghe ca hát múa xướng, không uống rượu; cũng không đeo vàng bạc châu báu, luôn khất thực đúng pháp, không ăn sai giờ, không nhận nô tỳ trai gái, không hủy diệt mầm lúa, cũng không nuôi gà, dê, heo, không có nhà cửa; cũng không mua bán ở chợ búa, không dùng cân, đấu thước, tấc để lừa đảo, xâm đoạt của người; đối với việc dùng dao gậy, đánh đập khủng bố người đều xa lìa. Thí như ngoại đạo tham đắm việc ăn uống, vì việc đó nên mọi việc làm đều tham đắm; họ cất chứa nhiều lúa thóc để ăn, uống rượu, nuôi súc vật, y phục, thuốc men. Sa-môn Cù-đàm đều không có những việc ấy.

Thí như ngoại đạo thọ nhận đồ ăn của tín thí vì việc ấy nên luôn làm những việc si mê, mặc sức ra vào, bài báng ganh tị, chỉ muốn thân mình được cung kính. Đức Phật thường xa lìa nghiệp si mê này.

Thí như ngoại đạo thọ nhận đồ ăn của tín thí rồi mà còn ở trong làng xóm, tích chứa nhà cửa, lúa thóc, cây cối, hoa quả, vườn rau cải, tự giữ lấy để ăn dùng. Đức Phật đều xa lìa những việc ấy.

Có ngoại đạo thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn ngồi nằm giường cao rộng trải tơ, lấy vàng bạc tốt đẹp khảm lên trên, rồi lấy nệm làm bằng các loại lông voi, ngựa, súc sanh, các loài chim trải lên tòa ngồi. Đức Phật đều xa lìa các việc này.

Thí như có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí rồi mà còn hỏi nhau: “Vua là thế nào? Giặc là thế nào? Binh đội là thế nào? Đánh nhau là thế nào? Đại thần là thế nào? Quận, nước, huyện, ấp là thế nào? Nữ nhân là thế nào? Dâm dật là thế nào?” Nói toàn chuyện thế gian, nói cả về việc biển khơi... Còn Đức Phật đều xa lìa các việc ấy.

Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí rồi mà còn hành động hư dối, giả làm như thật, ứng hiện trong ngoài không hợp nhau, tỏ vẻ xuất sắc để cầu tài lợi, thường tham đắm chuyện ăn uống. Đức Phật đều xa lìa kiến chấp si mê.

Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí rồi mà còn tranh cãi với nhau cho rằng: “Ta biết pháp luật, ngươi chẳng biết pháp luật, ngươi có tà kiến làm sao có thể biết pháp được? Ta có chánh kiến còn ngươi thì ngôn ngữ trước sau điên đảo. Ta có chánh kiến, ngươi có tà kiến. Ngươi bị thua, ta được thắng. Ngươi là xấu, ngươi có biên kiến, đến độ không chịu nghe lời nói của ta. Ngươi cần phải học hành. Ngươi có gì để bảo chứng không?” Đức Phật thì xa lìa quả báo của hàng súc sanh ấy.

Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí rồi mà còn thường chơi cờ xu bồ, bài bạc và nói: “Ta được ném thả vào túi, leo lên trụ, chơi cờ vua, đấu nghé, ném chén”. Đức Phật đều xa lìa các việc ấy. Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí, mà khi tắm rửa còn dùng tạp hương xoa vào mình, tự làm đẹp, lấy gương tự soi, cầm dù lọng cao, mang giày da, búi tóc, dùng châu ngọc. Đức Phật đều xa lìa các việc như thế.

Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn thường làm việc ác, lấy tay đánh chân, dùng đầu mặt xúc chạm nhau, đấu voi, ngựa, trâu, dê, đấu người nam, người nữ và trẻ em, đấu gà, heo, vịt. Đức Phật đều xa lìa những tà kiến, ác kiến ấy. Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn làm nghiệp của hàng súc sanh để tự mưu sống, biết phân biệt về dao, mâu, cung tên, phân biệt tướng nam, tướng nữ, người lớn, trẻ nhỏ, biết phân biệt tướng voi, ngựa, trâu, dê. Đức Phật đều xa lìa các việc ấy.

Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí rồi mà còn làm nghiệp của hàng súc sanh để tự mưu sống, làm thầy thuốc cho đàn ông, đàn bà, con nít, làm thầy thuốc cho voi, ngựa, trâu, dê. Đức Phật đều xa lìa các việc như vậy.

Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí rồi mà còn làm nghiệp của hàng súc sanh để tự mưu sống; làm các việc về quỷ thần, tạo ra các thứ áo quần, làm thầy thuốc chữa mắt, làm thuốc cho phụ nữ mới sanh, làm bùa chú cho người bị nhiễu loạn. Khi người nữ lui tới thì cầm cây cỏ hóa thành đồ ăn ngon cho họ ăn, nói dối là đi tìm vật tốt để hóa ra y phục cho người mặc vào có thể bay được. Đức Phật đều xa lìa những việc ấy.

Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn làm nghiệp của hàng súc sanh để tự mưu sống; cho người uống thuốc để nôn mửa. Đức Phật đều xa lìa các việc như thế.

Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn dùng nghiệp súc sanh để tự mưu sống, bảo người đi tới chỗ này chỗ nọ, dùng chú thuật khiến cho gây lộn, kiện cáo, cùng đánh đập người, vật ngã xuống đất, dùng bùa chú khiến phụ nữ bị hư thai, dùng cây lau chú thuật khiến bám vào tay người. Đức Phật đều xa lìa những việc ấy.

Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn dùng nghiệp của hàng súc sanh để tự mưu sống, cầm củi đốt lửa, chú vào hơi độc của vỏ cây á phiện, hạt bồ đào để tạo ra khói, chú vào con chuột để cắn giết người, học chú thuật để biết người lúc nào sống lúc nào chết. Đức Phật đều xa lìa các việc như thế.

Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn làm nghiệp của hàng súc sanh để tự mưu sống. Một người nói: “Sẽ có mưa lớn”; một người nói: “Sẽ có mưa nhỏ”; một người nói: “Lúa thóc sẽ chín”; một người nói: “Lúa thóc sẽ không chín”; một người nói: “Lúa thóc sẽ tốt”; một người nói: “Lúa thóc sẽ không tốt”; một người nói: “Sẽ có bệnh dịch lớn”; một người nói: “Không có”; một người nói: “Sẽ có giặc đến phá hoại nước này”; một người nói: “Sẽ có chết chóc lớn”; một người nói: “Sẽ có vua băng hà”; một người nói: “Sẽ có lập vua mới”; một người nói: “Sẽ có động đất lớn”; một người nói: “Không có động đất”; một người nói: “Sẽ có nguyệt thực”; một người nói: “Không có nguyệt thực”; một người nói: “Sẽ có nhật thực”; một người nói: “Không có nhật thực”; một người nói: “Mặt trời từ phía Đông qua phía Tây”; một người nói: “Từ phía Tây qua phía Đông”; một người nói: “Mặt trăng tinh tú từ phía Đông qua phía Tây”; một người nói: “Từ phía Tây qua phía Đông, do đó mà có việc tốt xấu”; một người nói: “Do đó cho nên mặt trời, mặt trăng từ phía Đông qua phía Tây”; một người nói: “Do đó cho nên mặt trời, mặt trăng, tinh tú xuất hiện”; một người nói: “Do đó cho nên mặt trời, mặt trăng, tinh tú lặn”; một người nói: “Mây sẽ che mặt trời”; một người nói: “Mặt trời sẽ ra khỏi mây”; một người nói: “Mặt trời sẽ trong sáng, không bị mây che”. Đức Phật đều xa lìa những việc ấy.

Có ngoại đạo đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn làm nghiệp của hàng súc sanh để tự mưu sống. Một người nói: “Vua nước này sẽ qua tàn phá nước kia, vua nước kia sẽ tàn phá lại nước này”, một người nói: “Xe, ngựa, sáu thứ súc vật của nước này ít”, giải mộng cho người, dùng chú thuật khiến người không nói được, khiến cho người cấm khẩu; vì người mà viết sách nói lên giá trị của họ, vì người mà lấy áo quần để so sánh phẩm giá của họ, phân biệt màu sắc tốt xấu để đánh giá họ. Đức Phật đều xa lìa những việc như vậy.

Đức Phật dạy:

–Sa-môn ngày ăn một bữa, chiều không ăn, ăn đúng giờ, xa lìa việc ăn phi thời, đối với y bát, thực hành hạnh biết vừa đủ, ăn uống vừa no thì thôi, có đi đâu cũng đều mang theo y bát bên mình, thí như con chim bay đi đâu cũng có hai cánh bên thân. Tỳ-kheo cũng như vậy, đối với áo quần, việc ăn uống, bình bát đều vừa đủ thì thôi, dù đi đến đâu cũng mang theo y bát bên mình; Tỳ-kheo cũng như vậy, thọ trì, phụng hành lời răn dạy của bậc Hiền giả, tự quán thân mình, không có tranh cãi, luôn suy nghĩ về đạo, làm việc hợp với sự thật, thấy sắc không khởi tưởng, cũng không xem người cùng đánh nhau, giữ sự tịch tĩnh liên tục, không có si mê loạn động; các pháp ác bất thiện, không vừa lòng, không nên để chúng làm loạn tâm mình, như giữ gìn con mắt. Đó gọi là Tỳ-kheo phụng hành giới phẩm của bậc Hiền giả.

Bậc Hiền giả như vậy, các căn tịch tĩnh, đối với bên trong không nghĩ về sự tranh giành, loạn động, ăn uống chỉ nhằm vừa đủ, không ăn nhiều cũng không ăn ít, thấy thích ứng là được, thường ăn một bữa, không thêm không bớt, nhằm nuôi mạng sống chứ không phải để cho mập béo, chỉ để cho thân được an ổn, không thọ khổ, có khí lực để tu tập hành hóa.

Các Tỳ-kheo ở tương lai nên tôn thờ và hành trì giới của bậc hiền thiện ấy. Bậc hiền thiện ấy nên ăn uống đủ no, phải suy tư về đạo, đầu đêm, cuối đêm phải hành đạo, thực hành đạo niệm vi diệu, không lay động, ban ngày hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành, không nghĩ đến pháp ác; đầu đêm hoặc đi kinh hành, hoặc ngồi; nửa đêm nằm nghiêng hông bên phải, hai chân xếp lên nhau, ý tưởng nghĩ đến việc thức dậy, luôn mong thấy trời sáng; cuối đêm lại ngồi suy tư về đạo. Lúc kinh hành thì không nghĩ đến pháp ác. Nếu đi vào quận, huyện, làng ấp để khất thực, thì sáng sớm ngủ dậy, đắp y mang bát đi vào những nơi chốn ấy để khất thực, phải luôn gìn giữ các căn, thường nghĩ đến việc khất thực cho xong, dùng cơm xong, rửa tay, rửa chân, cất bát, liền vào chỗ vắng vẻ một mình, ban đêm ngồi thiền, hoặc ở bên gốc cây vắng vẻ, hoặc chỗ đất trống, hoặc giữa núi, trong hang động, hoặc trong nhà cỏ, hay bên ao đầm, ngồi ngay thẳng, không ngó bên này, không liếc bên kia, lìa bỏ sự si mê của thế gian, ý nhớ nghĩ về sự hành hóa, không có ý ác, lấy tâm từ bi thương xót tất cả mọi người kể cả các loại côn trùng nhỏ bé, ý cũng không nghĩ ác, trừ bỏ ái dục, xa lìa sự ham ngủ nghỉ, thường nghĩ đến việc mau đạt được tâm ý hành định, mà không nghĩ đến việc ngủ nghỉ, từ bỏ các tưởng còn do dự, không nói điều ác, cũng không nghĩ tưởng về điều ác, giữ lòng tịch định, xa lìa sự nghi ngờ bên ngoài, xả bỏ các tưởng về việc hành hay chẳng hành các pháp ác, ý cũng chẳng nhớ nghĩ về các tưởng ấy, trừ bỏ năm thứ ngăn che và những ý tưởng về phiền não.

Thí như có người mang tiền đi buôn, mong được như ý, khi trở về quê, lợi tức thường được dư dả, sinh sống đầy đủ, người đó tự nghĩ, trong lòng vui mừng.

Thí như có người từ lâu đã làm tôi tớ cho người ta, nay được thoát khỏi thân nô tỳ, ra vào tự tại, tự nghĩ: “Ta vốn làm nô tỳ, nay được giải thoát để làm dân”. Người đó nghĩ như thế, trong lòng vui mừng.

Thí như có người bị nhốt trong lao ngục, được ân xá mà ra khỏi ngục, người đó tự nghĩ, trong lòng vui mừng.

Thí như có người bị bệnh nặng, năm này qua năm nọ không lành, bỗng gặp được lương y chữa cho lành bệnh, có khí lực, đi đứng ra vào, ăn uống tự nhiên. Người đó suy nghĩ: “Lúc xưa bị bệnh quanh năm, nay được lành bệnh, lại có khí lực ăn uống, ra vào”, người đó tự nghĩ như thế, trong lòng vui mừng.

Thí như có người đem tài vật quý báu đi qua đường hiểm, tài vật được giữ gìn hoàn toàn an ổn, đến được con đường tốt, người đó tự nghĩ, trong lòng vui mừng.

Tỳ-kheo cũng như vậy, xa lìa năm thứ ngăn che tâm ý. Thí như người mắc nợ đã trả được nợ; người bị cầm tù nay được thả ra; người bệnh lâu ngày được lành; người làm tôi tớ nay được về làm dân, như người qua đường hiểm nay được an lành, trong lòng hoan hỷ.

Đức Phật bảo:

–Kẻ thiếu trí hoặc không đa văn mới hủy báng Phật.

Đức Phật dạy:

–Pháp mà Ta hiểu thì thâm diệu, điều mà Ta biết thì rốt ráo. Vị đệ tử hiền giả nghe như vậy liền khen ngợi Đức Như Lai.

Đức Phật nói:

–Sao gọi đó là pháp thâm diệu mà Ta hiểu rõ, đệ tử hiền giả nghe pháp ấy liền tán thán Đức Như Lai?

Đức Phật dạy:

–Nếu có ngoại đạo, ở trong kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, đối với vô số học thuyết, mỗi mỗi đều học hỏi các sự việc và biết các sự việc ấy, thì đều ở trong mười tám thứ kiến giải này.

Nếu có ngoại đạo, ở trong kiếp vị lai, thấy việc vị lai, học hỏi việc vị lai, đối với số học thuyết, mỗi mỗi rõ biết từng việc, thì đều ở trong bốn mươi bốn thứ kiến giải.

Đối với ngoại đạo ở trong kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, đối với vô số học thuyết, mỗi mỗi đều học hỏi các sự việc và biết rõ các sự việc ấy, đều ở trong mười tám thứ kiến giải thì người hành theo “Thường kiến” luôn tự cho “Thế gian là hữu thường”, ở trong bốn kiến giải.

Đức Phật dạy:

–Người ngoại đạo ấy vì sao trong bốn kiến giải đều thấy là thường, tự thuyết giảng cho người thế gian về “Hữu thường”? Nếu có ngoại đạo, đoạn trừ ái dục, hành thiền định, liền ở trong loại định tương tự như Tam-muội chánh thọ, có thể nhớ sự việc trong hai mươi kiếp ở quá khứ. Người đó nói: “Ngã và thế gian là hữu thường”. Vì sao như vậy? Ta biết lúc thành lúc hoại ở kiếp quá khứ, nhưng không biết lúc thành lúc hoại ở kiếp vị lai”. Người đó liền nghĩ: “Biết việc quá khứ, bỏ việc vị lai”.

Đó là kiến giải thứ nhất.

Thứ hai, nếu có ngoại đạo, đoạn trừ ái dục, ở trong loại đinh tương tự như Tam-muội chánh thọ, có thể nhớ được sự việc trong bốn mươi kiếp ở vị lai. Người đó nói: “Ngã và thế giới là hữu thường. Vì sao vậy? Vì ta không biết sự việc thành, hoại ở kiếp quá khứ, chỉ biết lúc thành, hoại ở kiếp vị lai”. Người đó bèn bỏ việc quá khứ không biết đến, chỉ nghĩ đến việc vị lai. Đó là kiến giải thứ hai.

Thứ ba, nếu có ngoại đạo, đoạn trừ ái dục, tinh tấn hành thiền, nhờ loại định tương tự như Tammuội chánh thọ, nhớ lại sự việc trong tám mươi kiếp ở quá khứ và vị lai. Người đó bèn nói: “Ngã và thế giới là hữu thường. Vì sao vậy? Vì ta biết lúc thành lúc hoại ở kiếp vị lai và quá khứ”. Người đó bèn nhớ nghĩ đến trí tuệ của quá khứ và vị lai. Đó là kiến giải thứ ba.

Thứ tư, nếu có ngoại đạo, tinh tấn tịch tĩnh, nhất tâm đoạn trừ hạnh ác, liền được loại định tương tự như Tam-muội chánh thọ, nhớ đến căn tịch tĩnh, trụ nơi niệm si. Người ấy tự cho: “Thế gian là hữu thường. Vì sao vậy? Vì ta không biết lúc thành lúc bại ở kiếp quá khứ, cũng không biết lúc thành lúc bại ở kiếp vị lai”. Đó là kiến giải thứ tư.

Chỗ mà ngoại đạo gọi là “nói thường, thấy thường, tự mình vì người thế gian thuyết giảng hữu thường”, đều ở trong bốn kiến giải này không thể vượt lên trên. Như Lai đều biết rõ, biết một cách vi diệu vượt hơn thế nữa, cho nên Như Lai không chấp trước, nhờ không chấp trước nên được giải thoát. Như Lai biết sự thọ nhận (thống dương) do lạc xúc sanh ra đã diệt tận, biết nó từ đâu sanh khởi, Như Lai thấy vậy nên không chấp nhận, ý hiểu rất rõ.

Đức Phật dạy:

–Pháp mà Ta hiểu hết sức thâm diệu, vô cùng sâu xa sáng tỏ, nếu có vị đệ tử hiền giả nghe được pháp đó liền tán thán Phật.

Có ngoại đạo trong kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, nhớ đến việc quá khứ, đối với vô số học thuyết, đều thích nói là biết những việc trong quá khứ, tất cả đều ở trong mười tám kiến giải. Vị ngoại đạo ấy vì sao ở trong kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, nhớ đến việc quá khứ, đối với vô số học thuyết, đều thích nói là biết những việc trong đó? Nếu có ngoại đạo đều “nói thường, thấy thường”, tự thân vì người thế gian thuyết “hữu thường” thì đều ở trong bốn kiến giải. Vì sao vị ngoại đạo ấy gọi là “nói thường, thấy thường”, vì người thế gian nói “thường”? Khi kiếp hoại, chúng sanh nơi hạ giới được sanh lên trời A-vệ-hóa-la thứ mười hai. Lúc kiếp hoại, vị thiên đó phước đức cạn mỏng, mạng chung liền sanh xuống hạ giới. Có vị Phạm thiên sanh trong cõi hư không, bèn đối với vị đó tự xưng là bậc Đại tôn phạm, tự cho “Ta làm ra tất cả mọi sự, ta là thượng tôn, là cha của tất cả, giải nghĩa cho ngàn người, ta là bậc Tôn thượng”. Vị Phạm thiên ấy tự nghĩ: “Làm thế nào để có chúng sanh được sanh đến đây?”. Vị ấy vừa nghĩ như vậy, những người ở hạ giới khác liền được sanh lên trên cõi trời ấy. Bấy giờ vị Phạm thiên kia nhân điều mới thấy đó, nên nói: “Ta hóa sanh ra các người này”. Các người đó cũng tự sanh kiến giải cho rằng: “Vị Phạm thiên đã hóa sanh ra chúng ta. Vì sao vậy? Vì Phạm thiên sanh trước, chúng ta sanh sau, cho nên hóa sanh ra chúng ta là vị Phạm thiên sanh trước ấy”. Ngài hết sức đoan chánh đẹp đẽ và thanh khiết, oai thần vòi vọi”. Các vị trời thì tùy theo phước đức cạn mỏng mà mạng hết dần dần sanh xuống nhân gian. Các vị ấy tu hành tinh tấn, xa lìa ái dục, hành nhất tâm liền được loại định tương tự như tam-muội, nên nhớ lại chỗ sanh khi xưa. Vị ấy nói: “Vị Phạm thiên sanh ra ở trên trời trước tiên đó thì được thường tại, không di chuyển, cũng không chết. Vị Phạm thiên tối tôn tối thượng luôn tồn tại ấy hóa sanh ra chúng ta. Chúng ta là những người phi thường (vô thường), bị chuyển dời và bị chết”. Đó là chủ thuyết thường và vô thường, gọi là kiến chấp thứ nhất.

Hai là nếu có ngoại đạo đối với Phạm thiên nêu bày kiến giải như thế này: “Nếu có các pháp sắc, thống dương (thọ), tưởng, hành, thức, thì các pháp ấy là thường, cũng không chuyển dời, không chết. Còn các đại chủng như địa chủng, thủy chủng, hỏa chủng, phong chủng và không chủng, những thứ này là vô thường, không bền chắc”. Vị Phạm thiên ấy, lộc tướng phước đức cạn mỏng, mạng chung lại sanh xuống nhân gian. Vị đó tinh tấn, xa lìa ái dục, nhất tâm liền được loại định ý tương tự tammuội, nhớ lại Phạm thiên lúc trước, bèn nói: “Các pháp như sắc, thọ (thống dương), tư tưởng (tưởng), hành, thức kia là pháp thường còn bền chắc. Còn các đại chủng như địa chủng, thủy chủng, hỏa chủng, phong chủng và không chủng ở nhân gian này là pháp vô thường, không bền chắc, có diệt vong”, thì đó là kiến giải thứ hai.

Thứ ba nếu có ngoại đạo, chủ trương rằng có vị trời tên là Kỷ-đà-ba-đồ, ở trên cõi trời cùng nhau vui chơi, vì vui chơi nên sau đó thường không nhớ lại lúc thân thể bị bệnh nằm liệt giường. Vị đó thân tướng, pháp lộc, phước đức cạn mỏng, mạng chung sanh xuống nhân gian. Vị đó thực hành hạnh tinh tấn, xa lìa ái dục, nhất tâm nên được loại định tương tự như tam-muội, nhớ lại chỗ sanh đời trước, liền nói: “Sự vui sướng an lạc của vị trời kia luôn tồn tại, chẳng dời đổi, chẳng diệt vong. Còn sự vui sướng của nhân gian là vô thường không bền chắc, bị tử vong. Vị thiên kia là hữu thường, còn người nhân gian này là vô thường”, thì đó là kiến giải thứ ba.

Thứ tư, nếu có ngoại đạo chủ trương rằng có vị trời tên là Tán-đề, vị đó ở trên trời cùng với vị trời tên là Đốn Bình, hai bên nhìn nhau sanh ra sân hận nên phải xa lìa tòa ngồi của mình. Vị thiên nhân ấy lộc tướng phước đức cạn mỏng, mạng chung sanh xuống nhân gian, tu hành tinh tấn, xa lìa ái dục, nhất tâm liền được loại định ý tương tự như tam-muội, nhớ lại thuở xưa đã sanh ở thiên thượng, vị đó nói: “Chư Thiên kia cùng nhau vui chơi thỏa thích là thường trụ, bền chắc không có tử vong. Còn ta ở nhân gian thì chẳng thường, không bền chắc, bị tử vong. Chư Thiên kia là thường còn, ta ở nhân gian là vô thường”, thì đó là kiến giải thứ tư.

Đức Phật dạy:

–Các ngoại đạo, tất cả gì họ nói “hữu thường”, tất cả những gì họ vì người thế gian nói “hữu thường” đều ở trong bốn kiến giải ấy, không thể vượt hơn bốn kiến giải ấy. Thế Tôn đều biết rõ, còn hiểu biết vượt hơn thế nữa bằng sự hiểu biết tuyệt diệu. Do Thế Tôn không chấp trước cũng không hủy báng nên được Vô vi (Niết-bàn). Thế Tôn biết thọ do xúc sanh, biết phương tiện để thoát khỏi kiến giải, nhờ không có thọ nên tâm ý khéo được giải thoát. Pháp mà Thế Tôn biết thì thâm diệu, sáng tỏ; Thế Tôn đều biết rõ tất cả. Nếu có vị đệ tử hiền giả nghe biết pháp ấy đều tán thán Đức Thế Tôn.

Nếu có ngoại đạo, ở trong kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, nhớ lại việc trong thời quá khứ, đối với vô số học thuyết, mỗi mỗi đều thích nói, hiểu rõ những việc đó, thì đều ở trong mười tám thứ kiến giải, vốn là đối tượng nhận thức của đạo nhân. Những gì mà ngoại đạo nói: “Ta tự nhiên sanh ở đây, không phải từ nơi khác sanh đến”, nghĩ: “Không có từ đâu sanh đến”, thấy rằng: “Vốn không có thế gian, nay có thế gian”, đều ở trong hai loại kiến giải.

Những điều mà ngoại đạo đã biết và nói rằng: “Ta tự nhiên sanh ở đây, không phải từ phương khác sanh đến”, nhớ là: “Không có thế gian, nay lại có thế gian” là do chủ trương rằng có một vị trời tên là Vô Tưởng, sanh vào cõi Vô tưởng, không có cảm thọ. Vị trời ấy do nghĩ đến tư tưởng nên lộc, phước đức liền cạn mỏng, mạng chung sanh xuống nhân gian. Người đó tu hành tinh tấn, xa lìa ái dục, nhất tâm định ý, tâm ý liền được loại định như vào tam-muội nhưng không thể nhớ lại thuở xưa từ đâu sanh đến, nên nói: “Vốn không có thế gian, nay mới có thế gian, thuở xưa ta vốn không có, nay bỗng tự nhiên sanh”. Đó là kiến giải thứ nhất.

Thứ hai, nếu có ngoại đạo ý niệm si mê, người si mê ấy nghĩ: “Vốn không có thế gian, nay bỗng nhiên có thế gian, ta vốn không có, nay tự nhiên sanh ra có. Vì sao như vậy? Vì ta vốn không có, nay tự nhiên sanh ra có. Đó là vì vốn không có thế gian”. Đó là kiến giải thứ hai.

Các ngoại đạo kia chủ trương: “Ta vốn không từ đâu sanh”, nghĩ là “không từ đâu sanh”. Kiến giải này gọi là “Bổn pháp thế gian, nay bỗng có thế gian”, đều ở trong hai kiến giải trên. Đó là hai loại kiến giải không có loại kiến giải thứ ba. Ta biết rõ và còn vượt lên trên bằng sự hiểu biết tuyệt diệu. Do Ta không chấp trước, cũng không hủy báng nên được Vô vi (Niết-bàn). Ta biết cảm thọ do xúc sanh ra, và còn biết phương tiện từ đâu phát sanh kiến giải ấy, nên ý hiểu rất rõ.

Đức Phật dạy:

–Pháp mà Ta biết thì thâm diệu, hết sức sáng tỏ, Ta biết tất cả pháp ấy. Nếu có vị đệ tử hiền giả nghe biết như vậy liền tán thán Phật.

Nếu có ngoại đạo, ở trong kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, nhớ nghĩ hành động lúc quá khứ, đối với một số chủ trương đều thích nói là đã hiểu rõ việc quá khứ, thì đều ở trong mười tám loại kiến giải này.

Có ngoại đạo, một người nói: “Những điều tôi thấy là có giới hạn”, một người cho rằng: “Những điều tôi thấy là không có giới hạn”, một người nêu: “Những điều tôi thấy là có giới hạn, mà cũng không có giới hạn”, một người cho là: “Những điều tôi thấy là không có giới hạn, cũng không phải không có giới hạn”, tất cả đều ở trong bốn kiến giải này. Nhận thức của chúng ngoại đạo ấy như thế nào?

Nếu có ngoại đạo thực hành như vầy: Tự giảng nói về “hữu hạn” cho người thế gian, cho rằng chỉ có lời nói của ta là chân thật, ngoài ra đều là lời nói hư vọng si cuồng. Vị ấy tự giảng nói không hạn lượng cho người thế gian, nói rằng: “Nếu có ai nói rằng ngã và thế gian là hữu hạn, vô hạn. Ngã và thế gian cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn, thì đó cũng chỉ là lời nói hư vọng. Lời phát biểu như vậy là lời nói điên cuồng. Vì sao? Vì ta thấy thế gian là ‘hữu hạn’”. Đó là kiến giải thứ nhất.

Thứ hai, nếu có ngoại đạo chủ trương: “Điều ta làm và thấy là vô hạn”, nghĩa là “Ngã và thế gian là vô hạn”. Ngoại đạo ấy làm như vầy, thấy như vầy tức là “Ngã và thế gian là vô hạn”. Người ấy nói rằng: “Ngã và thế gian là vô hạn. Chỉ có lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê. Nếu có người nói ngược lại rằng: Ngã và thế gian vừa hữu hạn, vừa vô hạn; ngã và thế gian cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn. Ai nói lời nói đó là nói cuồng si. Vì sao như vậy? Vì ngã và thế gian là vô hạn”. Đó là kiến giải thứ hai.

Thứ ba, có ngoại đạo chủ trương: Thấy như vầy hành như vầy, tức cho rằng: “Ngã và thế gian vừa hữu hạn, vừa vô hạn”. Chỉ có lời nói của ta là chân thật, ngoài ra đều là lời vọng ngữ, si cuồng. Kẻ nào nói ngược lại: Ngã và thế gian vừa hữu hạn, vừa vô hạn; ngã và thế gian cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn, ai nói như vậy là nói lời si cuồng. Vì sao như vậy? Vì ngã và thế gian vừa hữu hạn, vừa vô hạn”. Đó là kiến giải thứ ba.

Thứ tư, có ngoại đạo chủ trương: “Ta nhớ như vầy, làm theo kiến giải như vầy, nghĩa là ngã và thế gian cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn. Chỉ có lời nói của ta là chân thật, ngoài ra đều là lời hư vọng si cuồng. Ai nói ngược lại rằng: Ngã và thế gian là hữu hạn, ngã và thế gian là vô hạn, ngã và thế gian vừa hữu hạn, vừa vô hạn”, nói như vậy là nói lời si cuồng. Vì sao? Vì ngã và thế gian cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn”. Đó là kiến giải thứ tư.

Đức Phật dạy:

–Các ngoại đạo, có người nói: “Ngã và thế gian hữu hạn”, có người bảo “vô hạn”, có người cho rằng “vừa hữu hạn vừa vô hạn”, lại có người nói: “Không hữu hạn, cũng không vô hạn”, đều ở trong bốn kiến giải này, không thể vượt hơn bốn kiến giải ấy. Ta biết tất cả những điều đó, lại còn vượt lên trên bằng sự hiểu biết một cách tuyệt diệu hơn nữa. Do Ta không chấp trước, không hủy báng mà được Vô vi (Niết-bàn). Ta biết cảm thọ là do xúc sanh ra, biết phương tiện để thoát ra khỏi nó, không chấp vào các thọ, nên Ta được hoàn toàn giải thoát.

Đức Phật dạy:

–Pháp mà Ta biết thì thâm diệu, hết sức sáng tỏ, nếu có vị đệ tử hiền giả nghe biết pháp ấy liền tán thán Đức Phật.

Nếu có ngoại đạo ở tròn kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, nhớ nghĩ đến chỗ đã sanh thuở trước, đối với vô số học thuyết đều ưa thích thuyết giải những việc ấy, thì các học thuyết ấy đều ở trong mười tám loại kiến giải. Các ngoại đạo ấy cùng nhau tranh luận mỗi người mỗi cách. Nếu có người hỏi sự việc liền đấu tranh với nhau, lời nói, ngôn giáo khác nhau: “Ta sẽ dạy đạo như vậy, người kia nên dạy như vậy, người khác phải dạy như vậy, ngươi nên như vậy, không nên như vậy”, đều ở trong bốn kiến giải ấy.

Các ngoại đạo ấy cùng nhau tranh luận, chủ thuyết mỗi người khác nhau ra sao? Có các ngoại đạo thấy như vầy, hành như vầy, nói rằng: “Ta không biết cũng không thấy có đời sau hay không có đời sau, ta không biết cũng không thấy là tất cả không có đời sau. Ta vốn không thấy không biết, không nhớ việc này, lời của ta nói không phải như lời người khác đã nói”. Người ấy tự khẳng định: “Sự thấy của ta là chân thật, ngoài ra đều là si mê”.

Đức Phật dạy:

–Người chấp thủ tà kiến si mê ấy, khi thân chết đọa vào cõi ác Nê-lê. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn biết được nhiều việc, trí tuệ thông tỏ, nhận xét đúng đắn về ý nghĩa, lời nói không khác, danh tiếng đồn xa, trừ bỏ kiến chấp của kẻ khác, có ai đến chỗ vị ấy để hỏi, vị ấy không thể trả lời được. Vị ngoại đạo ấy chết bị đọa vào nẻo ác. Đó là kiến giải thứ nhất.

Thứ hai, có ngoại đạo chủ trương thế nào? Vị ngoại đạo ấy thấy như vầy, nói như vầy: “Tôi không biết có tai ương hay phước đức của việc thiện ác? Cũng không biết là không có tai ương hay phước đức của việc thiện, ác. Tôi không biết cũng không thấy. Nếu nói như vầy: có tai ương hay phước đức của thiện ác, thì tôi chấp nhận; nếu không có tai ương, phước đức của việc thiện, ác, thì tôi không chấp nhận; nếu tôi không chấp nhận nó sẽ cảm thọ trở lại”. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn hiểu biết nhiều việc, giải thuyết một cách trí tuệ, nghĩa lý chắc thật, lời lẽ không thay đổi, tiếng tăm đồn xa, hủy bỏ kiến chấp của kẻ khác, có ai đến chỗ vị ấy hỏi, thì vị ấy không thể trả lời, giải thích. Vị ngoại đạo ấy nghi ngờ sợ sệt có người đến hỏi. Nếu có người đến hỏi liền cùng nhau tranh luận rằng: “Dạy người này phải như thế này, dạy người khác phải như thế khác, nên như vậy, không nên như vậy, cũng nên như vậy, không nên như vậy”.

Đó là kiến giải thứ hai.

Thứ ba, có ngoại đạo chủ trương thế nào? Chúng ngoại đạo ấy thấy như vậy, nói như vầy: “Nếu không có ngã thì sao gọi là thiện, sao gọi là ác, nên làm những gì và không nên làm những gì, đâu là nẻo thiện, đâu là nẻo ác, đâu là sự thật đời này, đâu là sự thật đời sau, thường làm những gì thì bị khổ, thường nên làm những gì thì được vui?” Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn có nhiều hiểu biết, nghĩa lý xác thực, lời lẽ không thay đổi, tiếng tăm đồn xa, hủy bỏ kiến giải của kẻ khác, có ai đến hỏi: “Thiện ác ở chỗ nào? Những gì nên làm và những gì không nên làm? Đâu là con đường của thiện ác? Sự thật của đời này và đời sau ở chỗ nào? Thường phải làm những gì đưa đến khổ vui?”, đến hỏi như vậy nhưng vị ấy giải thích, sợ rơi vào nẻo ác. Nếu có người đến hỏi việc như vậy, liền cùng nhau tranh cãi, lời nói khác nhau: “Dạy người này nên làm như vầy, dạy người khác nên làm như kia, dạy người này nên như vậy, cũng nên như vậy, không nên như vậy”. Đó là kiến giải thứ ba.

Thứ tư, có ngoại đạo chủ trương thế nào? Ý nghĩ của chúng ngoại đạo ấy si mê, nếu có người đến hỏi việc, liền cùng nhau tranh cãi, lời nói khác nhau: “Dạy người này nên như vầy, dạy người khác nên như kia, nên như vậy, không nên như vậy, cũng nên như vậy, cũng không nên như vậy, không như vậy, cũng nên như vậy, cũng không như vậy”. Đó là kiến giải thứ tư.

Đó là ý nghĩa mà các ngoại đạo cùng nhau tranh luận, với các lời lẽ khác nhau. Khi có người đến hỏi, họ tranh luận với nhau: “Dạy người này nên làm như vầy, dạy người khác nên làm như kia, nên như vậy, không nên như vậy, cũng nên như vậy, cũng không nên như vậy”, đều ở trong bốn kiến giải ấy, không thể vượt hơn bốn kiến giải ấy. Phật đều biết rõ, và còn biết hơn thế nữa bằng sự hiểu biết tuyệt diệu. Do Ta không chấp trước cũng không hủy báng nên được Vô vi (Niết-bàn). Ta biết cảm thọ do xúc sanh, biết theo phương tiện để thoát ra khỏi thọ hiện tại, tâm ý được giải thoát hoàn toàn.

Đức Phật dạy:

–Pháp mà Ta biết thì thâm diệu, vô cùng chói sáng, Ta đều biết rõ. Nếu có vị đệ tử hiền giả nghe biết pháp ấy liền tán thán Phật.

Nếu có ngoại đạo ở trong kiếp quá khứ, biết việc quá khứ, nhớ việc trong lúc quá khứ, đối với vô số học thuyết, ưa giải thích những việc ấy, đều ở trong mười tám kiến giải này, không thể vượt qua mười tám kiến giải ấy được. Thế Tôn đã biết như vậy, còn vượt lên bằng sự hiểu biết tuyệt diệu. Do đó Thế Tôn không chấp trước, cũng không hủy báng, hiện tại không còn chấp thọ nên được giải thoát hoàn toàn.

Đức Phật dạy:

–Pháp mà Ta biết được rất thâm diệu, sáng tỏ vô cùng, Ta biết rõ tất cả. Nếu có vị đệ tử hiền giả nghe biết pháp ấy liền tán thán Phật.

Nếu có ngoại đạo ở trong kiếp tương lai, nhớ nghĩ việc tương lai, hành theo vô số học thuyết, ưa thích giảng nói những việc ấy, đều ở trong bốn mươi bốn kiến giải. Các ngoại đạo ấy đã biết những gì mà ở trong kiếp tương lai, biết việc tương lai, hành theo vô số học thuyết, ưa giải thích những việc ấy. Nếu có ngoại đạo hành theo tưởng, nhận thức theo tưởng, tự thân nói về tưởng cho người thế gian, đều ở trong mười sáu kiến giải. Ngoại đạo ấy đã biết những gì mà hành theo tưởng, nhận thức theo tưởng, nói về tưởng cho người thế gian, đều ở trong mười sáu kiến giải?

Ngoại đạo ấy đã thấy như vầy, làm như vầy: “Bản ngã có sắc thì đời sau có tưởng”.[1] Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ nhất.

Nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã không có sắc, không có đời sau. Chỉ có lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ hai.

Nếu có ngoại đạo, hành theo tưởng nhận thức theo tưởng, tự thân nói về tưởng cho người thế gian: “Bản ngã vừa có sắc, vừa không sắc. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ ba.

Nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã không có sắc, cũng không phải không có sắc. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ tư.

Thứ năm, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã là hữu hạn. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ năm.

Thứ sáu, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã là vô hạn. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ sáu.

Thứ bảy, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã vừa hữu hạn, vừa vô hạn. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ bảy.

Thứ tám, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã không hữu hạn, cũng không vô hạn. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ tám.

Thứ chín, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã là nhất tưởng.[2] Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ chín.

Thứ mười, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã là ít tư tưởng.[3] Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ mười.

Thứ mười một, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã là nhiều loại tư tưởng.[4] Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ mười một.

Thứ mười hai, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã là vô số tư tưởng. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ mười hai.

Thứ mười ba, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã là nhất lạc (hoàn toàn vui). Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ mười ba.

Thứ mười bốn, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã là khổ. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ mười bốn.

Thứ mười lăm, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã là vừa khổ vừa vui. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ mười lăm.

Thứ mười sáu, nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã không khổ cũng không vui. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ mười sáu.

Đức Phật dạy:

–Vị ngoại đạo ấy hành theo tưởng, nhận thức theo tưởng, tự thân vì thế gian nói về tưởng, đều ở trong mười sáu kiến giải này, không thể vượt hơn được. Đức Thế Tôn đều biết những việc ấy. Thế Tôn còn hiểu biết hơn thế nữa, sự hiểu biết của Thế Tôn là tuyệt diệu, cho nên Thế Tôn không chấp trước cũng không hủy báng mà được Vô vi (Niết-bàn). Thế Tôn biết các cảm thọ do xúc sanh ra, biết phương tiện để thoát ra khỏi nó; Thế Tôn trong hiện tại không chấp các thọ nên tâm ý được giải thoát hoàn toàn.

Đức Phật dạy:

–Pháp mà Ta biết thì thâm diệu, hết sức sáng tỏ, Ta biết tất cả. Nếu có vị đệ tử hiền giả nghe biết như vậy liền tán thán Phật.

Nếu có ngoại đạo, ở trong kiếp tương lai, thấy việc tương lai, nhớ nghĩ về các việc đã làm trong quá khứ, đối với vô số học thuyết, ưa thích giải thuyết những việc làm ấy thì đều ở trong bốn mươi bốn kiến giải. Những ngoại đạo ấy đã nói những gì?

Nếu có ngoại đạo hành vô thường, nhận thức vô thường, tự thân tuyên thuyết về vô thường cho người thế gian, thì đều ở trong tám kiến giải.

1. Ngoại đạo ấy đã thực hành những gì mà chủ trương “hành vô tưởng, nhận thức vô tưởng”, rồi tự thân tuyên thuyết về vô tưởng cho người thế gian? Ngoại đạo ấy thấy như vầy, hành như vầy: “Bản ngã không có tưởng là hữu sắc, chết rồi không có đời sau. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ nhất.

2. Nếu có ngoại đạo đã biết những gì thuộc về luận thuyết: “hành vô tưởng, nhận thức vô tưởng”, rồi tự thân tuyên thuyết về vô tưởng cho người thế gian thì đó là chủ thuyết “Bản ngã không có tưởng là vô sắc, chết rồi không có đời sau. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đấy là kiến giải thứ hai.

3. Nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã không có tưởng vừa là hữu sắc, vừa là vô sắc, chết rồi không có đời sau. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ ba.

4. Nếu có ngoại đạo nói: “Ngã và thế gian là không có sắc cũng không phải không có sắc, chết rồi không có đời sau. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ tư.

5. Nếu có ngoại đạo nói: “Ngã và thế gian là hữu hạn, chết rồi không có đời sau. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ năm.

Nếu có ngoại đạo nói: “Ngã và thế gian là vô hạn, chết rồi không có đời sau. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ sáu.

6. Nếu có ngoại đạo nói: “Vừa hữu hạn, vừa vô hạn. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ bảy.

7. Nếu có ngoại đạo nói: “Cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn. Chỉ lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ tám.

Đức Phật dạy:

–Nếu có ngoại đạo ở kiếp tương lai, thấy việc tương lai, sự hiểu biết và lời nói khác nhau, đều ở trong bốn mươi bốn loại kiến giải. Ngoại đạo ấy đã biết những gì mà nói “nhận thức vô tưởng, hành vô tưởng, cũng không nhận thức vô tưởng?” Quan điểm của vị ấy là “Ngã và thế gian là không có tưởng”, đều ở trong tám kiến giải này:

1. Kiến giải thứ nhất là nếu có ngoại đạo thấy như vầy, hành như vầy: “Bản ngã là có sắc, không có tưởng, cũng không phải không có tưởng, chết rồi có đời sau. Lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ nhất.

2. Nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã vừa là hữu sắc, vừa là vô sắc, không có tưởng, cũng không phải không có tưởng, chết rồi có đời sau. Lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ hai.

3. Nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã vừa là hữu sắc, vừa là vô sắc, không có tưởng, cũng không phải không có tưởng ở đời sau. Lời nói của ta ta chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ ba.

4. Nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã không có sắc, cũng không phải không có sắc, không có tưởng cũng không phải không có tưởng ở đời sau. Lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ tư.

5. Nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã là hữu hạn, không có tưởng cũng không phải không có tưởng ở đời sau. Lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ năm.

6. Nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã là vô hạn, không có tưởng cũng không phải không có tưởng ở đời sau. Lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ sáu.

7. Nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã vừa hữu hạn vừa vô hạn, không có tưởng cũng không phải không có tưởng ở đời sau. Lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ bảy.

8. Nếu có ngoại đạo nói: “Bản ngã không hữu hạn cũng không vô hạn, không có tưởng cũng không phải không có tưởng ở đời sau. Lời nói của ta là chân thật, ngoài ra là si mê”. Đó là kiến giải thứ tám.

Đức Phật dạy:

–Nếu có ngoại đạo nói: “Không phải có tưởng, cũng không phải không có tưởng hành; không phải có tưởng, cũng không phải không có tưởng kiến; không phải có tưởng hành, cũng không phải có tưởng kiến”, đều ở trong tám kiến giải ấy, không thể vượt hơn tám kiến giải ấy. Thế Tôn đều biết những điều ấy, Ta còn biết hơn thế nữa bằng sự hiểu biết tuyệt diệu, cho nên Ta không chấp trước cũng không hủy báng mà được Vô vi (Niết-bàn). Ta biết các cảm thọ nhận do xúc sanh ra, và biết phương tiện thoát ra khỏi nó. Hiện tại Ta không có chấp trước nên tâm ý hoàn toàn giải thoát.

Đức Phật dạy:

–Pháp mà Ta biết thì thâm diệu, vô cùng sáng tỏ, Ta biết tất cả. Nếu có vị đệ tử hiền giả nghe biết pháp ấy liền tán thán Phật.

Đức Phật dạy:

–Nếu có ngoại đạo ở kiếp tương lai, thấy việc tương lai, đối với vô số học thuyết có sự hiểu biết và lời nói khác nhau, đều ở trong bốn mươi bốn kiến giải này. Ngoại đạo ấy biết những gì mà nói như vậy? Nếu có ngoại đạo nói: “Không có hành, không có nhận thức, không có người nghĩ biết về ‘không’”, đều ở trong bảy kiến giải. Ngoại đạo ấy nói: “Không có hành, không có nhận thức, không có người nghĩ biết về ‘không’”, họ biết như thế nào mà nói như vậy?

1. Nếu có ngoại đạo thấy như vầy: “Các sắc tứ đại của ta, do cha mẹ sanh ra, do ăn uống nên trưởng thành, tắm rửa mặc y phục, nhưng nó là vật vô thường, thân chết trở về đất, xương cốt các thứ nơi thân rơi rớt mỗi thứ một nơi, gió thổi vào thân, tan nát hư hoại, đến đời sau không còn sống chết nữa, như vậy liền tiêu diệt hết”. Đó là kiến giải thứ nhất.

2. Lại có ngoại đạo nói: “Chết rồi không phải như vậy, tuy tan hoại nhưng còn có cái ngã vượt hơn thế nữa. Đâu là chỗ ngã này vượt lên trên? Cái ngã ấy là ở cõi Sắc và cõi Dục hành. Bản ngã ấy nếu chết thì hủy hoại, đời sau không còn sanh tử nữa”. Đó là kiến giải thứ hai.

3. Nếu có ngoại đạo nói: “Ngã là cái mà chết rồi không có hủy hoại như vậy, có cái ngã khác còn vượt hơn nó, cái ngã ấy là sắc vô ý, còn ngã kia nếu chết thì hủy hoại, đời sau không còn sanh tử trở lại nữa”. Đó là kiến giải thứ ba.

4. Lại có ngoại đạo nói: “Ngã chẳng phải chết hủy hoại như vậy, có cái ngã còn vượt hơn nó nữa. Sao gọi cái ngã ấy như vậy? Vì ngã ấy vượt qua các cõi trời Sắc tưởng, vượt qua cõi trời Tưởng giận dữ, nhớ vô số các loại hư không tri hành. Ngã ấy nếu chết thì hủy hoại, đời sau không còn sanh tử nữa”. Đó là kiến giải thứ tư.

5. Lại có ngoại đạo nói: “Ngã này không phải chết rồi hủy hoại như vậy, còn có cái ngã vượt lên trên nó. Sao gọi cái ngã ấy như vậy? Vì ngã ấy vượt qua cõi trời Nhất thiết hư không tri, cõi trời Vô ương số danh thức tri, cõi trời Sở niệm hành kỳ, nếu chúng không hủy hoại, đời sau không còn sanh tử nữa”. Đó là kiến giải thứ năm.

6. Lại có ngoại đạo nói: “Ngã ấy không phải chết rồi hủy hoại như thế, có cái ngã còn vượt lên trên nó nữa. Sao gọi cái ngã ấy như vậy? Vì ngã ấy vượt qua cõi trời Nhất thiết thức tri, không còn chấp trước danh, vượt qua cõi trời Vô thức tri niệm hành kỳ. Ngã ấy chết rồi thì hủy hoại, đời sau không còn sanh tử trở lại nữa”. Đó là kiến giải thứ sáu.

7. Lại có ngoại đạo nói: “Ngã ấy chẳng phải chết rồi hủy hoại như thế, có cái ngã còn vượt lên trên nó nữa. Sao gọi cái ngã ấy như vậy? Vì ngã ấy vượt qua cõi trời Nhất thiết vô thức tri, vị thiên nhân ấy là thuộc cõi trời Vô tưởng hữu tưởng niệm hành. Ngã này khi chết thì hủy hoại, đời sau không còn sanh tử trở lại nữa”. Đó là kiến giải thứ bảy.

Đức Phật dạy:

–Quan điểm về đoạn diệt trong tu tập của ngoại đạo có thể tuyên bố là “Không có hành, không có tưởng, không có người niệm ‘không’”, đều ở trong bảy kiến giải ấy, thuộc về bảy kiến giải ấy, không thể vượt hơn được. Thế Tôn đều biết những sự kiện ấy, còn vượt lên nó bằng sự hiểu biết tuyệt diệu, cho nên Ta không chấp trước, cũng không hủy báng mà được Vô vi (Niết-bàn). Ta biết các cảm thọ do xúc sanh ra, và biết cách thoát ra khỏi nó. Hiện tại Ta không còn chấp trước nên ý được giải thoát hoàn toàn. Pháp mà Ta biết thì thâm diệu, vô cùng sáng tỏ, biết một cách trọn vẹn. Nếu có vị đệ tử hiền giả nghe biết pháp ấy liền tán thán công đức của Phật.

Đức Phật dạy:

–Nếu có ngoại đạo ở kiếp tương lai, thấy việc tương lai, đối với vô số học thuyết, có chủ trương khác nhau, đều ở trong bốn mươi bốn kiến giải này. Lại có ngoại đạo tự chủ trương: “Niệm hành trong hiện tại là Vô vi (Niết-bàn), kiến trong hiện tại là Vô vi (Niết-bàn)”, đều ở trong năm kiến giải này.

1. Có ngoại đạo thấy như vầy, nói và hành cũng như vầy: “Ở trong cung điện, tự hoan lạc, dùng năm thứ dục lạc để tự vui thích. Người đó nói: “Ngã hiện tại đạt được Vô vi (Niết-bàn)”. Đó là kiến giải thứ nhất.

2. Lại có ngoại đạo nói không giống như những người khác rằng: “Bản ngã hiện tại được Niết-bàn, nhưng còn phải đạt hiện tại Niết-bàn. Sao gọi là hiện tại Niết-bàn? Nếu Tỳ-kheo lìa dục, lìa pháp ác bất thiện, ý niệm hành thiện an lạc, được đệ Nhất thiền; vị ấy diệt tận ngã, đời sau không còn sanh tử trở lại nữa. Ngã ấy đạt Niết-bàn trong hiện tại”. Đó là kiến giải thứ hai.

3. Lại có Sa-môn, Đạo nhân không như những người khác đã nói chủ trương: “Không cần ngã hiện tại ấy được Niết-bàn, còn có hiện tại Niết-bàn cao hơn nữa. Hiện tại Niết-bàn ấy như thế nào? Đó là Tỳ-kheo diệt ý, bên trong được định tịch tĩnh, giữ ý chí chuyên nhất, không nghĩ cũng không hành, tam-muội sanh hỷ lạc, liền được đệ Nhị thiền. Người đó hoàn toàn vắng lặng đạt Niết-bàn trong hiện tại”. Đó là kiến giải thứ ba.

4. Lại có Sa-môn, Đạo nhân không như những người khác đã nói chủ trương: “Không cần ngã hiện tại ấy được Niết-bàn, còn có hiện tại Niết-bàn vượt hơn nữa. Hiện tại Niết-bàn ấy là thế nào? Đó là Tỳ-kheo an vui, xa lìa dâm dật, ưa thích hành quán, thân hành được tịch tĩnh, an lạc. Nếu chỗ hành quán của vị hiền giả luôn được an ổn, liền được đệ Tam thiền”. Đó là kiến giải thứ tư.

5. Lại có Sa-môn, Đạo nhân không như những người khác đã nói chủ trương: “Không cần ngã hiện tại ấy được Niết-bàn, còn có hiện tại Niết-bàn vượt hơn thế nữa. Hiện tại Niết-bàn ấy như thế nào? Đó là có vị Tỳ-kheo đoạn trừ lạc, đoạn trừ khổ, không có niệm duyên với điều khả ý hay bất khả ý, tâm không khổ, cũng không vui, luôn giữ gìn tâm thanh tịnh, liền được đệ Tứ thiền. Vị ấy trong hiện tại được giải thoát hoàn toàn, do đó đời sau không còn sanh tử trở lại nữa”. Đó là kiến giải thứ năm.

Đức Phật dạy:

–Những gì các Sa-môn, Đạo nhân có thể tuyên thuyết, nhận thức và suy tư về hiện tại Niết-bàn đều ở trong năm kiến giải ấy, không thể vượt hơn năm kiến giải ấy. Thế Tôn biết tất cả các kiến giải ấy, Ta còn hiểu biết hơn thế nữa bằng sự hiểu biết tuyệt diệu, do đó Ta không chấp trước, cũng không hủy báng nên được Vô vi (Niết-bàn). Ta biết các cảm thọ do xúc sanh ra, và biết phương tiện để thoát khỏi nó. Hiện tại Ta không còn chấp trước nên tâm ý được hoàn toàn giải thoát. Pháp mà Ta biết thì thâm diệu, vô cùng sáng tỏ; Ta biết một cách trọn vẹn. Nếu có vị đệ tử hiền giả nghe, biết pháp ấy liền tán thán công đức của Phật.

Đức Phật dạy:

–Vị ngoại đạo ấy suy niệm về thường tồn, có quan điểm thường tồn và giảng nói cho người nghe rằng: “Ngã và thế gian là thường tại”, thuộc về bốn loại kiến giải ấy. Do không biết chỉ bày nên không được đạo hạnh tinh tấn, chính là sự hiểu biết về nhân duyên tập khởi, nhân duyên không tập khởi, do cái này nhân duyên thành, do cái kia nhân duyên không thành. Vị ấy không đạt được sự hiểu biết đó.

Đức Phật dạy:

–Ngoại đạo ấy nói về hạnh bậc thượng và bậc trung, mỗi pháp hiện hữu là do chính nó, rồi tự thân giảng thuyết cho mọi người rằng thế gian là thường tại, thuộc về hai loại kiến giải ấy. Do không biết, không thấy nên vị ấy không được đạo hạnh tinh tấn chính là sự hiểu biết về nhân duyên tập khởi, nhân duyên không tập khởi, do cái này nhân duyên thành, do cái kia nhân duyên không thành. Vị ấy không đạt được sự hiểu biết đó.

Đức Phật dạy:

–Nếu có ngoại đạo luôn suy niệm về thường tồn, có quan điểm thường tồn rồi nói với mọi người: “Ngã và thế gian là hữu thường”, thuộc về bốn loại kiến giải ấy. Do không biết, không thấy nên vị ấy không đắc đạo, chính là sự hiểu biết về nhân duyên tập khởi, nhân duyên không tập khởi, do cái này nhân duyên thành, do cái kia nhân duyên không thành. Vị ấy không đạt được sự hiểu biết ấy.

Đức Phật dạy:

–Các ngoại đạo kia, có người nói: “Ngã và thế gian là hữu hạn”, có người bảo “Vô hạn”, có người cho: “Vừa hữu hạn vừa vô hạn, có người nói: “Không hữu hạn, cũng không vô hạn” đều ở trong bốn loại kiến giải ấy. Do không biết, không thấy nên họ không được đạo hạnh tinh tấn, chính là sự hiểu biết về nhân duyên tập khởi, nhân duyên không tập khởi, do cái này nhân duyên thành, do cái kia nhân duyên không thành. Vị ấy không đạt được sự hiểu biết ấy.

Đức Phật dạy:

–Các ngoại đạo ấy cùng nhau tranh luận chủ thuyết không giống nhau, đều ở trong bốn loại kiến giải ấy. Do không biết, không thấy nên không tinh tấn tu tập đạo hạnh, chính là sự hiểu biết về nhân duyên tập khởi, nhân duyên không tập khởi, do cái này nhân duyên thành, do cái kia nhân duyên không thành. Họ không đạt được sự hiểu biết ấy.

Đức Phật dạy:

–Các ngoại đạo kia có luận thuyết về tưởng, thực hành theo tưởng, rồi nói với mọi người: “Ngã và thế gian là có tưởng”, đều ở trong mười sáu loại kiến giải ấy. Do không biết, không thấy nên họ không được đạo hạnh tinh tấn, chính sự hiểu biết về nhân duyên tập khởi, nhân duyên không tập khởi, do cái này nhân duyên thành, do cái kia nhân duyên không thành. Họ không đạt được sự hiểu biết ấy.

Đức Phật dạy:

–Các ngoại đạo kia có niệm vô tưởng, có kiến (quan điểm, nhận thức) vô tưởng, rồi nói với mọi người “Ngã và thế gian là không có tưởng”, ở trong tám loại kiến giải ấy. Do không biết, không thấy nên họ không được đạo hạnh tinh tấn, chính là do sự hiểu biết về nhân duyên tập khởi, nhân duyên không tập khởi, do cái này nhân duyên thành, do cái kia nhân duyên không thành. Họ không đạt được sự hiểu biết ấy.

Đức Phật dạy:

–Các ngoại đạo ấy không có niệm về tưởng, cũng không phải không có tưởng, nói với mọi người “Ngã và thế gian là không có tưởng”, ở trong tám loại kiến giải ấy. Do không biết, không thấy nên họ không được đạo hạnh tinh tấn, chính là sự hiểu biết về nhân duyên tập khởi, nhân duyên không tập khởi, do cái này nhân duyên thành, do cái kia nhân duyên không thành. Họ không đạt được sự hiểu biết ấy.

Đức Phật dạy:

–Các ngoại đạo kia chủ trương “hoại diệt”, thường nói cho mọi người: “Ngã và thế gian là hoại diệt”, ở trong bảy loại kiến giải. Do không biết, không thấy nên họ không được đạo hạnh tinh tấn, chính là sự hiểu biết về nhân duyên tập khởi, nhân duyên không tập khởi, do cái này nhân duyên thành, do cái kia nhân duyên không thành. Họ không đạt được sự hiểu biết ấy.

Đức Phật dạy:

–Các ngoại đạo kia chủ trương “Hiện tại là Vô vi (Niết-bàn)”, nhưng thấy hiện tại là vô thường, vì người giảng nói về “hiện tại Niết-bàn”, ở trong năm loại kiến giải. Do không biết, không thấy nên họ không được đạo hạnh tinh tấn, chính là sự hiểu biết về nhân duyên tập khởi, nhân duyên không tập khởi, do cái này nhân duyên thành, do cái kia nhân duyên không thành. Họ không đạt được chỗ này.

Đức Phật dạy:

–Nếu có ngoại đạo ở trong kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, đối với vô số học thuyết, mỗi mỗi chủ trương khác nhau, đều ở trong mười tám loại kiến giải ấy. Các ngoại đạo kia ở trong kiếp tương lai, thấy việc tương lai, đối với vô số học thuyết, chủ trương khác nhau, đều ở trong bốn mươi bốn loại kiến giải ấy.

Hiệp lại tất cả đều ở trong sáu mươi hai loại kiến giải ấy, qua lại trong sáu mươi hai loại kiến giải ấy, nằm gọn trong đó, chết nghẹt trong cái lưới kiến giải mà không thể thoát ra ngoài.

Đức Phật dạy:

–Thí như người đánh cá lành nghề hay học trò của ông ta, dùng cái lưới có lỗ nhỏ, bao phủ trên cái ao nhỏ, khi thả lưới xong, người đánh cá hoặc đứng phía trước ao, hoặc ngồi, suy nghĩ rằng: “Các con cá bơi lội trong cái ao nhỏ đều bị mắc trong lưới, vùng vẫy trong lưới không thể thoát ra được”.

Đức Phật dạy:

–Các ngoại đạo cũng như vậy, ở trong kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, đối với vô số học thuyết có chủ trương khác nhau, đều ở trong mười tám loại kiến giải ấy. Nếu có ngoại đạo ở trong kiếp tương lai, thấy việc tương lai, suy niệm, tuyên thuyết về việc tương lai, đối với vô số học thuyết có chủ trương khác nhau, đều ở trong bốn mươi bốn loại kiến giải ấy. Tất cả họ đều qua lại trong sáu mươi hai loại kiến giải ấy, sống chết, an trụ trong đó, cùng nhau gặp gỡ hợp thành trong cái lưới ấy mà không thoát ra được.

Đức Phật dạy:

–Này Tỳ-kheo, thân của Phật đã đoạn trừ hết các chấp trước. Ta thường dùng thân này để chư Thiên và loài người có thể thấy được. Sau khi Ta nhập Bát-niết-bàn thì không thể thấy nữa.

Khi Đức Phật nói kinh này, ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách. Bấy giờ Tỳ-kheo Nada-hòa-lưu ở trước Đức Phật, dùng quạt quạt cho Phật. Hiền giả Na-da-hòa-lưu quỳ thẳng, chắp tay bạch Phật:

–Thật chưa từng thấy! Bậc Thiên Trung Thiên đã nói kinh thâm diệu và hết sức sáng tỏ này. Bạch Thế Tôn, kinh này tên là gì? Và làm sao để thọ trì?

Đức Phật dạy Na-da-hòa-lưu:

–Phật Câu-lâu-tần, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, khi nói kinh này đã đặt tên là Pháp Võng. Phật Ca-diếp, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác khi thuyết kinh này đã gọi tên là Kiến Võng. Nay Ta cũng nói kinh này gọi tên là Phạm Võng.

Đức Phật nói như vậy, các Tỳ-kheo đều hoan hỷ, đến trước Đức Phật đảnh lễ rồi lui ra.



[1] Hán: hữu ngã sắc vi hữu hậu thế tưởng 有 我 色 爲 有 後 世 想。Tham chiếu: Trư?ng A-hàm, số 21, kinh Phạm Động, tr.458, chú thích 72.

[2] Hán: nhất tưởng vi hữu ngã 一 想 爲 有 我。Tham chiếu: Sđd, tr.459, chú thích 76.

[3] Hán: thiểu tư tưởng vi hữu ngã 少 思 想 爲 有。Tham chiếu: Sđd, tr.460, chú thích 78.

[4] Hán: chủng chủng tư tưởng vi hữu ngã 種 種 思 想 爲 有 我。Tham chiếu: Sđd, tr.459, chú thích 77.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]