TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 22 - KINH TỊCH CHÍ QUẢ

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Sa-môn Trúc Đàm Vô Lan.


Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại vườn xoài Kỳvực thuộc thành Vương xá, cùng đông đủ chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Lúc bấy giờ, vua A-xà-thế vào ngày rằm tháng bảy, ngày thọ tuế, cùng đông đủ bá quan, quần thần, quyến thuộc vây quanh, vua im lặng, an nhiên quan sát, bảo quần thần:

–Các khanh nên biết, ta luôn tu tập như vậy mà sầu muộn vẫn không thay đổi, tuy đến tuổi này mà trong lòng cứ buồn thảm mãi. Vậy phải dùng phương pháp gì để tiêu trừ sự sầu muộn ấy?

Có vị quan tâu với vua:

–Nên dùng năm thứ âm nhạc để làm tiêu tan sự buồn lo.

Có vị quan khác thưa:

–Nên cho kỹ nữ mỹ miều cử trống, khảy đàn, hát những bài ca tuyệt diệu thì có thể làm tiêu sầu.

Lại có vị quan tâu vua:

–Nên dùng bốn loại binh chủng tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, với các binh sĩ dũng mãnh để tiêu trừ sầu muộn.

Lại có vị quan khác tâu với vua:

–Bất-lan Ca-diếp, Mạc-kha-ly Duy-cù-lâu, Adi-súy, Kỳ-da-kim-ly, Ca-chiên, Tiên-tỷ-lô-trì, Ni-kiền tử..., các vị thầy ấy, mỗi vị đều có năm trăm vị đệ tử đang ở trong thành lớn này. Đại vương nên chuẩn bị xe lớn, đến gặp mặt nghe đàm đạo vui vẻ, có thể xa lìa sầu khổ.

Khi ấy có vị thầy thuốc trẻ tuổi tên Kỳ-vực (đời Tấn gọi là Cố Hoạt) đang cầm quạt hầu vua. Nhà vua quay lại hỏi:

–Tại sao khanh im lặng, không trình bày ý kiến của mình?

Kỳ-vực tâu với vua:

–Nay có Đức Phật Thế Tôn cùng với chúng đệ tử đang ở tại vườn xoài. Đại vương muốn cắt đứt nỗi phiền muộn, trừ sự buồn lo, có thể đến chỗ Phật, cúi đầu cung kính đảnh lễ, thưa hỏi chỗ nghi hoặc thì sẽ được khai mở.

Lúc ấy vua A-xà-thế lập tức nảy ý muốn gặp Bậc Thiên Trung Thiên nên đáp lời Kỳ-vực:

–Lành thay! Thật tốt đẹp! Hãy cùng trẫm đi đến yết kiến.

Kỳ-vực tuân lệnh, sửa soạn năm trăm thớt voi, năm trăm thể nữ, sửa soạn xong liền thưa:

–Tâu đại vương, nay đã đến giờ.

Nhà vua cưỡi một con voi tên là Nhân Điều, cùng năm trăm quân hầu hộ vệ trước sau, thắp đuốc lớn ra khỏi thành Vương xá. Lúc đó nhà vua trong lòng sợ sệt dừng lại không dám bước tới, gọi Kỳ-vực nói:

–Đức Phật cùng với bao nhiêu vị Tỳ-kheo có mặt tại vườn Xoài này?

Kỳ-vực tâu:

–Có tất cả một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Nhà vua nói:

–Khanh không lừa dối ta, để ta ra khỏi nước, đi vào con đường nguy hiểm này chứ? Mỗi lần trẫm đến chỗ các vị Phạm chí, họ chỉ có năm trăm người mà âm thanh vang dội, nay các Tỳ-kheo nhiều như vậy mà sao không nghe một tiếng động nào?

Kỳ-vực thưa với vua:

–Xin đại vương đừng sợ hãi. Thần không dám dối đại vương, không làm điều phản nghịch, hại đến đại vương, hoàng hậu và các cung phi. Chỉ vì Đức Phật Thế Tôn luôn luôn yên lặng, các đệ tử tinh tấn tu học cũng giữ phép im lặng. Cúi mong đại vương cứ đến trước để thấy được ánh sáng tuyệt cùng, thấy Phật Thế Tôn và chúng đệ tử, tâm ý đại vương sẽ lập tức hoan hỷ.

Khi ấy vua A-xà-thế từ xa trông thấy Đức Thế Tôn liền xuống voi, cởi bỏ năm loại trang sức: vương miện, anh lạc báu, áo khoác báu tràng hoa, phất trần và cởi kiếm, bỏ lọng, đi bộ đến giảng đường. Vua hỏi Kỳ-vực:

–Đức Phật ở chỗ nào?

Đáp:

–Vị đang ngồi ở trước chúng Tỳ-kheo chính là Đức Phật. Ngài có oai thần sáng chói, công đức cao vòi vọi.

Nhà vua đến trước Đức Phật thăm hỏi, chiêm ngưỡng Đức Phật, rồi đứng qua một bên, quan sát chúng Tỳ-kheo của Đức Phật. Thấy tất cả đều ngồi yên lặng, hết sức thanh tịnh, thậm thâm vi diệu, trong lòng vua vui mừng, vòng tay hướng về Đức Phật bạch:

–Tâm Phật tịch lặng, vi diệu, vô niệm, các đệ tử cũng như vậy. Mong Phật làm cho tâm trí của tôi cũng được định tĩnh vi diệu như thế.

Có một thanh niên tên Bạch Hiền tâu với vua:

–Đại vương mong muốn được hạnh ấy chăng? Nhà vua bạch với Phật:

–Đúng như vậy, bạch Thế Tôn, tôi rất ưa thích chúng Tăng, tâm ý tôi rất hoan hỷ.

Bấy giờ vua A-xà-thế bạch Đức Phật:

–Tôi có điều muốn hỏi, nếu Ngài cho phép tôi mới dám hỏi.

Đức Phật bảo:

–Đại vương có ý muốn gì cứ hỏi.

Nhà vua thưa:

–Những người làm những công việc tùy theo sở thích ưa muốn như sự vui sướng ngủ nghỉ, hội họp, tính toán, thuật số, các đại thần và trăm quan đều tuân phục. Thái sử bói quẻ biết được sự kết thúc và bắt đầu của con người. Họ nhận được sự cung kính, các thức ăn uống, kỹ nghệ. Hoặc vì bản thân, cha mẹ, vợ con, nô tỳ cúng dường Samôn, Phạm chí, dâng cúng các vật hảo hạng để cầu được sự lợi lạc an ổn tốt đẹp. Như vậy đối với Pháp luật của Phật có đắc đạo chứng quả chăng?

Đức Phật đáp:

–Đại vương đã từng hỏi các ngoại đạo khác như vậy chưa?

Nhà vua bạch Phật:

–Tôi đã từng đến chỗ Bất-lan Ca-diếp hỏi: “Có những người với các thứ voi, ngựa, cưỡi xe hay đi bộ, có của báu, kẻ hầu, kho tàng, lực sĩ dõng mãnh, xe voi, ngựa lớn, vui chơi ngủ nghỉ, trời người cùng tụ hội đến, các hàng đại thần, trăm quan tùy tùng; thái sử bói quẻ biết sự khởi đầu và kết cuộc của con người nên được cung kính; những việc làm ấy, hoặc vì thân mình cầu được an ổn, hoặc vì cha mẹ, vợ con, nô tỳ cúng dường Sa-môn, Phạm chí những vật hảo hạng. Như vậy là tôi đã làm theo pháp luật, được nhập vào đạo tịch nhiên rồi phải chăng?”

Vị ấy liền trả lời tôi: “Không có gì cả, cũng không có Bậc Thế Tôn, không có báo đáp ân lành, cũng không có tội phước, không có cha mẹ cũng không có người đắc đạo La-hán. Cúng dường không có phước, cũng không có đời này đời sau, cũng không có người chuyên cần tu hành nhất tâm hướng về đạo. Mặc dù có thân mạng, sau khi mạng chung, bốn sự tan rã, tâm diệt trở về không, sau đó không còn sanh trở lại. Tuy chôn vào đất, mỗi phần tự hư thối, rốt cuộc cũng như hư không, không còn hiện hữu nữa”.

Kính bạch Thế Tôn, tôi đã hỏi vị thầy ngoại đạo, vị ấy dùng quan điểm như thế đáp lại tôi. Tâm tôi nghĩ: “Không phải thế. Tại sao lại không có tội phước báo ứng?” Thí như có người hỏi xoài là loại gì thì lại lấy dưa trả lời, hỏi dưa thì lấy xoài trả lời, Bất-lan Ca-diếp cũng như vậy, lời lẽ điên đảo, chẳng có đầu đuôi. Tuy nghe ông ta nói lời ấy nhưng tôi cũng chẳng hiểu.

Vua A-xà-thế bạch Phật:

–Tôi lại đến chỗ Mạc-kha-ly Cù-da-lâu hỏi: “Sao gọi là tiểu xứ, dục xứ? Con người không có nhân duyên có được trở thành người thanh tịnh không? Không biết không thấy thì có tội phước không? Vị ấy cũng trả lời với tôi: “Không có đời này đời sau, không có tự lực và tha lực, không có tinh tấn. Tất cả mọi người đều có khổ vui theo như vậy”. Nếu hỏi sáu thì lấy bảy đáp lại, bạch Thế Tôn, thí như hỏi xoài thì lấy dưa đáp, hỏi dưa thì lấy xoài đáp. Vị ngoại đạo ấy cũng như vậy, ở trong nước của tôi, với những nghi vấn mà tôi đã hỏi, thì vị ấy dùng quan điểm đó đáp lại. Tôi đã hỏi những điều trên nhưng không được giải thích rõ ràng nên liền bỏ đi.

Tôi lại đến chỗ A-di-súy hỏi: “Sao gọi là trụ xứ, dục xứ. Làm thế nào để ở trong pháp luật ấy chứng được đạo? Vị ấy trả lời: “Tâu đại vương, người khắc đến hỏi tôi cũng trả lời là có sanh lại ở đời sau. Tôi ở trong vấn đề ấy cũng nói có đời sau. Giả như có người hỏi đời sau sanh lại ở thế gian là có hay không? Như ý tưởng của tôi là có đời sau, hoặc không có đời sau. Hoặc có người đến hỏi như có đời sau hoặc không có đời sau, tôi trả lời hoặc có hoặc không”. Thí như có người hỏi xoài thì lấy dưa đáp lại, hỏi dưa thì lấy xoài đáp lại, A-di-súy cũng như vậy. Tôi hỏi về những phương pháp tu tập khác nhau để đắc đạo quả Samôn thì vị ấy đáp lại tôi bằng lời lẽ chẳng có thứ tự. Tâm tôi nghĩ: “Tất cả các đạo khác ở thành Vương xá đều không thể giải tỏa, tiêu trừ tâm sầu muộn của ta. Ta nên đến chỗ nào để được gặp Samôn, Phạm chí khiến tâm ý ta được khai mở, không còn ưu sầu?” Thấy những điều A-di-súy nói chẳng ích lợi gì, tôi liền bỏ đi.

Tôi lại đến chỗ Ba-hưu-ca-chiên hỏi: “Sao gọi là sở trụ xứ? Nguyên do của hàng súc sanh? Ở trong luật pháp này làm sao để đắc đạo chứng quả?” Vị ấy đáp lại tôi: “Tâu đại vương, như người được thọ thân này, không nhân cũng không duyên, không có tưởng, cũng không kiêu mạn, không chứa nhóm giặc hại, thì ngay chỗ hiện tại mà được trụ xứ, đối với việc được thân này chẳng mất gì cả. Các sắc và tâm tưởng cứ tự lưu hành, cái gọi là tội phước, thiện ác đối với người đó đã đoạn tuyệt. Những điều mắt xem thấy chẳng có gì để tranh cãi. Khi thọ mạng của thân hết, không lo buồn về sự chết. Kẻ ấy không nói là ta sắp chết và nói do sự sắp đặt của chư Thiên cho con người, nên tuổi thọ kết thúc là mất hẳn. Vì dựa vào ái dục trần tục của nhân gian, trời người phát sinh kiến chấp, từ đó dục liền có năm giặc, sáu mươi hai loại. Sáu mươi hai loại này không có chủng tánh, nói đủ là sáu mươi hai sự cùng với chủng tánh cùng sanh, không dùng tư tưởng, đi vào tám nạn đều sẽ xả bỏ, luôn được thêm lợi ích, an ổn. Đã được an ổn, thường ở cõi trời, đã được ở cõi trời liền có tám mươi bốn đại niệm cùng với huyễn thuật cùng sanh, cùng với vi diệu sanh, liền khởi lên già, bệnh, khổ. Không có Đạo nhân, cũng không có Phạm chí chủ trương như vậy. Giới của ta thanh tịnh, lại xa lìa ái dục, đối với dục thường theo bên thân đã tận trừ. Thí như đốt đèn thì có ánh sáng. Sự việc là như vậy, không có Phạm chí đắc đạo”. Thí như có người hỏi xoài thì lấy dưa đáp lại, hỏi dưa thì lấy xoài đáp lại, vị Ba-hưu-cachiên cũng vậy. Tôi hỏi về sự chứng đạo của Samôn thì ông ta lại đem việc già, bệnh của con người mà trả lời. Tâm tôi nghĩ: “Ta hỏi về việc đạo chứng mà vị ấy lại trả lời như vậy”. Nghe lời nói của ông ấy, trong lòng không vui, chẳng hiểu gì cả, tôi liền đứng dậy bỏ đi.

Tôi lại đến chỗ Tiên-tỷ-lô-trì để hỏi về sự mong cầu đối với pháp luật này làm sao để thành đạo? Vị ấy đáp lại tôi: “Tâu đại vương, điều mà con người đã dạy, phải làm là đoạn trừ sự chiếm đoạt có thấy hay không thấy, nhàm chán mọi sự mong cầu, tự mình từ bỏ ưu sầu như là đập bình đất, xa lìa tham lam keo kiệt. Phá nước hủy thành, tàn hại muôn dân, sát sanh, trộm cướp, dâm dật, nói dối, nói hai lưỡi, uống rượu, đánh nhau, tuy phạm những việc này cũng chẳng có tội báo. Người bố thí cũng không có phước báo. Tàn hại, bội nghịch, làm những điều ác, không tội không phước, không có gì để giữ, để làm, không có nhân duyên, không có chí thành, cũng không có chân thật, dẫu làm theo nghĩa lý, thiện ác không có báo ứng”. Thí như hỏi xoài thì lấy dưa đáp lại, hỏi dưa thì lấy xoài đáp lại, Tỷ-lô-trì cũng như vậy. Tôi hỏi về phương pháp tu tập để đắc đạo chứng quả thì lại trả lời đoạn tuyệt, không có tội phước. Tâm tôi nghĩ rằng duyên gì như vậy. Không thể hiểu nổi tôi liền bỏ đi.

Tôi lại đến chỗ Ni-kiền tử, hỏi Ni-kiền tử: “Sao gọi là được trụ xứ, dục xứ, có người thọ tội phước hay không? Làm những việc gì ở đời trước? Người học đạo có đắc đạo chăng?” Vị ấy đáp lại tôi: “Thưa đại vương, tất cả những người hiện tại mà tôi thấy được có tội hay phước đều là do nhân duyên ái dục từ đời trước sanh ra, do nhân duyên ái dục mà có già bệnh. Đối với người học đạo có ý niệm về nhân duyên, nhờ sanh ra con cháu, sau đó mới được đạo”. Thí như hỏi xoài đáp dưa, hỏi dưa đáp xoài. Tôi hỏi việc chứng quả đắc đạo, vị ấy trở lại dùng kiến chấp hư vọng để trả lời. Tôi nghe vị ấy nói xong không mừng không vui, liền đứng dậy bỏ đi.

Vua A-xà-thế bạch Đức Phật:

–Tôi đã hỏi tất cả các vị thầy ấy mà không được thông tỏ. Dám mong Đức Thế Tôn, Đấng Chứa Của Báu, xin hỏi những điều như vậy, mong Ngài giải đáp sự nghi ngờ cho tôi: “Thế nào là vị Phạm chí có chí tịch tịnh? Đối với pháp luật này làm thế nào để chứng đạo?”

Đức Phật bảo nhà vua:

–Những điều đại vương hỏi, Ta sẽ vì đại vương phân biệt rõ ràng để tâm đại vương giải tỏa các ràng buộc. Trước hết Ta hỏi đại vương, đại vương hãy tùy ý đáp lại. Thế nào đại vương, nếu có người mặc quần áo đẹp cung kính đứng hầu đại vương tự cho là sung sướng. Người đó không thích địa vị và chỗ ở của mình, tâm tự nghĩ: “Vua A-xà-thế là người, ta cũng là người, vua dùng năm thứ dục lạc để tự vui thích, y phục trang nghiêm, mà còn không thích chỗ ở, không ưa địa vị của mình. Ta nên lập đức, lìa các tội báo, chi bằng ta hãy cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa làm Sa-môn, từ nhà phát sanh niềm tin, bỏ nhà học đạo. Vị ấy bèn thọ giới pháp, tu tập vâng giữ các điều ngăn cấm của đạo: không sát sanh, trộm cắp, tà dâm; không nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, mắng nhiếc; không giận hờn, ganh ghét si mê. Ý của đại vương như thế nào, nếu có người đến chỗ đại vương tâu rằng, người hầu trang nghiêm đẹp đẽ, cung phụng hầu hạ đại vương đã không thích địa vị, không ham chỗ ở, từ nhà phát sanh niềm tin, bỏ nhà học đạo, giữ gìn thân miệng ý, không phạm các điều ác, tu hành mười nghiệp thiện? Đại vương đối xử với người hầu ấy như thế nào?

Nhà vua thưa với Đức Phật:

–Tôi gặp người đó sẽ hoan hỷ hỏi thăm, cung kính lễ bái, cúng dường y phục, đồ ăn đồ uống, giường nằm tọa cụ, thuốc thang khi đau ốm.

Đức Phật bảo nhà vua:

–Người đó chưa thực hành đại pháp mà đạt được kết quả của đạo như vậy.

Nhà vua bạch Đức Phật:

–Cúi mong Phật thuyết pháp.

Đức Phật bảo nhà vua:

–Ta đối với thế gian là Bậc Như Lai, Chí Chân,

Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ,

Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Khi thuyết pháp, lời nói đầu cũng thiện, lời nói giữa cũng thiện, lời nói cuối cũng thiện, đầy đủ trí tuệ vi diệu, giảng thuyết hạnh thanh tịnh. Nếu có con của bậc Trưởng giả tôn quý nghe Phật giảng thuyết kinh điển, đối với Pháp luật của Như Lai có được đức tin tốt đẹp lợi ích, tự thấy đối với trong Phật pháp có lợi ích lớn liền được pháp nhẫn, nghĩ rằng đời sống gia đình bức bách, phiền não, còn người xuất gia thì không có ngăn ngại, liền nhất tâm trừ bỏ dục lạc, cho đến trọn đời vâng giữ hạnh thanh tịnh, nghĩ rằng: “Ta muốn dứt bỏ nhà cửa, tài sản, quyến thuộc, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, từ nhà phát sinh niềm tin xuất gia theo đạo, xả bỏ dục lạc làm Sa-môn, phụng trì hai trăm năm mươi giới của Tỳ-kheo không vi phạm điều cấm của đạo, nên đạt được pháp”. Vị ấy khi đứng đều có khuôn pháp chẳng mất oai nghi, ngay đó trừ được tâm sở hữu, yên tịnh nghiêm trang, cẩn thận sợ sệt những lỗi lầm, nhất tâm bình đẳng, tu tập chánh giới, xa lìa sát sanh, không cầm dao gậy, tâm thường giữ lòng hổ thẹn, rộng làm an ổn cho tất cả chúng sanh, không làm chúng sợ hãi. Tâm vị ấy thanh tịnh, không có tổn hại, xa lìa trộm cắp, trừ bỏ sự lấy của không cho, hoan hỷ tuệ thí, tâm muốn xả bỏ, nhớ nghĩ an ổn, thường tự phòng hộ.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không cho thì không lấy, xa lìa dâm dục, tịnh tu phạm hạnh, giữ tâm trinh khiết, tiêu diệt tâm dục ô uế.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không bị sắc mê hoặc, xa lìa nói dối, không còn hư dối, chưa từng dối trá, giữ tâm thành tín, an trụ trên sự thật, không làm ngược lại lời thệ nguyện đối với thế gian.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không ôm lòng lừa đảo, không thích hai lưỡi, không gièm pha bậc có đức, chưa từng xúi giục để bên này bên kia tranh giành, hòa giải những điều tranh tụng, làm tiêu trừ sự oán hại.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không nói hai lưỡi để gây thù hận, xa lìa lời nói ác độc, không thích chửi mắng, luôn luôn giữ tâm tự tại, chưa từng phóng túng buông lời bất thiện, nói điều nhu hòa, không nói lời thô bỉ, ai nghe cũng tín phục, hân hoan, quy ngưỡng.

Tâm vị ấy thanh tịnh, chưa từng chửi mắng, xa lìa lời nói thêu dệt, phát ngôn đúng lúc, không có sự hủy báng, mưu hại, bàn luận pháp ý nghĩa rõ ràng, lời nói an tường, tịch tĩnh không sai sót, phân biệt tình lý.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không thêu dệt, xa lìa vô minh, trừ bỏ tâm ngu si, không tham vật của kẻ khác, không tìm lỗi của người, xem thân mình như người, thường cầu được an định tuyệt đối.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không ôm lòng ngu si, xa lìa sân hận, không có ý sân hại, thường giữ tâm từ bi, dùng phương tiện khéo léo thương xót che chở cho cả loài côn trùng nhỏ bé, biết xấu hổ, an ủi tất cả muôn loài.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không ôm lòng sân hận, xa lìa việc ham ngủ nghỉ, tâm tập hạnh không, thường hành vắng lặng, chưa từng an nghỉ, mong thấy trời sáng để thức dậy.

Tâm vị ấy thanh tịnh, tinh tấn không ngủ nghỉ, xa lìa đùa giỡn, nói chuyện ồn ào, hành động không tham đắm, không hung bạo.

Tâm vị ấy thanh tịnh, tinh tấn không đùa giỡn, xa lìa hồ nghi, tâm không do dự, giữ ý nhất định ở nơi pháp lành, trong lòng thanh tịnh, chí không hồ nghi, xa lìa tà kiến, đời này đời sau, tin bố thí đạt được phước, hiếu thuận đối với cha mẹ, tôn kính bậc Hiền thánh, vâng giữ tu hành theo đường thiện của người có lòng tin, sau khi mạng chung được sanh trở lại, được đạo lục thông, hành hạnh bình đẳng.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không có tà kiến, xa lìa dua nịnh, trong lòng chân thật, không ôm lòng xảo trá, không dùng cân, đấu, thước tấc để xâm chiếm, lừa dối cướp đoạt của người, không trói buộc và bỏ người vào lao ngục, không hủy báng, không oán trách, mong được sáng tỏ.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không dua nịnh, xa lìa quan hệ nam nữ, không thích ở nhà với cảnh vợ con ái dục, tiêu trừ hồ nghi.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không tham danh lợi, không nuôi nô tỳ, tớ hầu, tỳ thiếp; không thích đời sống gia đình.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không có vọng chấp, không nuôi voi, ngựa, trâu, dê, không ưa nuôi súc vật.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không muốn cưỡi xe, không nuôi gà, chim, chó, heo; không có cầu lợi.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không nuôi gà heo, xa lìa nhà cửa, không trang sức phòng ốc, không tậu ruộng nhà, vườn tược cây trái.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không tham đắm ruộng nhà, xa lìa sự thêu dệt mỹ lệ, tòa ngồi vàng bạc cao rộng; không thích nệm trải trên xe, ghế bện bằng tre.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không ngủ giường cao, xa lìa bảy thứ châu báu, không chứa ngọc ngà vật báu, xả bỏ đồ chơi bằng ngọc, không ham danh lợi.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không ham tài sắc, xa lìa hương hoa, không thích các loại hương, thân không ướp hương, không có mong cầu.

Tâm vị ấy thanh tịnh, không tham đắm hoa hương, xa lìa ăn phi thời, đúng giờ chỉ ăn một lần, trọn đời giữ đúng kỳ hạn.

Tâm vị ấy thanh tịnh, ăn không sai giờ, cày đất gieo giống, đứng đắn trong các việc ấy, thấy rồi mới làm, làm việc của Sa-môn, làm nghiêm tịnh tâm mình, chiếu soi phá bỏ ưu sầu, trừ hết uế hại, thường hành chân chánh, tiết độ, tri túc, một lòng với đạo, làm Sa-môn Phạm chí như vậy, thọ nhận đồ ăn của tín thí, ngay nơi chỗ ở quận, nước, huyện ấp, hành động như pháp, cội rễ đã thường thanh tịnh, cành thân nhánh lá hoa quả cũng thanh tịnh, đầy đủ các thứ thanh tịnh, hạt giống ấy cũng thanh tịnh như vậy, tại quận nước, huyện ấp làm Sa-môn với hạnh xa lìa.

Nếu có Sa-môn Phạm chí là người đáng thọ nhận đồ ăn của tín thí, ngay chỗ mình ở phải khéo nhớ nghĩ đến tín thí, thường hành như pháp.

Nếu có Sa-môn Phạm chí thọ nhận đồ ăn của tín thí, ở ngay trụ xứ, hành động không tương ứng, mong cầu đồ ăn uống, so đo, tính toán, mong cầu hương hoa, y phục, giường nằm, tàng trữ châu báu, những việc mong cầu như vậy, vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa.

Nếu có Sa-môn Phạm chí thọ nhận đồ ăn của tín thí rồi mà còn ngồi giường cao rộng, sử dụng giường báu, hành động không tương ứng, trang sức giường chõng, sơn phết đẹp đẽ, ưa thích vẽ vời, tạo cảm giác mạnh, tay cầm tràng phất, cưỡi voi, xe, ngựa, chí mong cầu ăn ngon, thường ưa danh sắc, Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa những việc đó.

Nếu có Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn tắm rửa tự do, hành động không tương ứng, hành động đáng bỏ, lấy hương hoa tự ướp vào người, cầu mong đồ cúng dường, không theo đạo lý, tay cầm dao và lọng, thi nhau dùng chuỗi ngọc châu báu, đeo vào cánh tay, cổ tay, vào cổ vào chân, thân thì mặc y phục trắng sạch, chặt đứt cây cối; những hành động như vậy, vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa.

Nếu có Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn tự làm đẹp thân thể, ở tại trụ xứ hành động không tương ứng, như đấu voi, trâu, ngựa, gà, chó, dê, heo, đấu loạn giữa người nam, người nữ, người lớn, người nhỏ, đi xem việc đấu nhau và các lễ hội, hành động và mong cầu như vậy, vị Sa-môn đạo nhân đều đã xa lìa.

Nếu có Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn tự mình trang nghiêm thân thể, chỗ ở phi pháp, hành động không tương ứng, chỉ làm nghề nghe tiếng voi, tiếng bầy ngựa, tiếng xe, tiếng người đi bộ, tiếng trâu, tiếng dê, đánh trống, kỹ nhạc, ca múa, vui đùa, bàn luận nói năng, những pháp như vậy là đạo hạnh của ngoại đạo, vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa.

Nếu có Sa-môn Phạm chí thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn chơi cờ xu bồ, bài bạc, nếp sống phi pháp, hành động bất nhất, cùng nhau cạnh tranh, ném thẻ vào túi, leo cột, chơi cờ vua, chọi bò con, ném chén, hành động như vậy là nếp sống phi pháp, vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa.

Nếu có Sa-môn Phạm chí thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn cùng nhau lớn tiếng tranh nhau lời nói, hành động phi pháp, nếp sống phi pháp, việc làm không tương ứng, cho rằng: “Đây là pháp đúng, đấy là phi pháp. Việc ấy chẳng phải như vậy, đây là pháp duy nhất, chẳng phải như ngươi nói. Ta đã tu tập pháp, ngươi làm không đúng, ta làm đúng; ngươi có nhân duyên, ta không có nhân duyên; những điều đáng nói trước ngươi lại nói dối ngược ra sau, ta đã thắng ngươi, ngươi không được gì cả, chỉ làm các điều ác, sẽ gặp nguy hại; ta được độ thoát, ngươi bị tổn hại, không được tự tại”, những sự tranh tụng như vậy là lời nói phi pháp, vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa.

Nếu có Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn ngồi lại bàn luận không căn cứ, hành động không tương ứng như: “Vua xử ra sao với giặc trộm? Chiến đấu ra sao? Ăn uống thế nào? Y phục nam nữ, kẻ lớn người nhỏ ra sao? Các việc thế gian, nguyên nhân tốt xấu thế nào?”, những lời nói phi pháp mang tính như vậy, vị Samôn đạo nhân ấy đều đã xa lìa.

Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn nói năng không đúng, nói những điều phi pháp, hành động không tương ứng, nói về việc vua chúa, việc của hàng Bà-la-môn, nói về cây cối, nhân sự, nói về quốc sự, đối với đây với kia phải như vậy, nước kia phải có điều đó, người này phải đến kia, người kia phải lại đây; những lời nói phi pháp như vậy, vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa.

Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn hành động quanh co dua nịnh, việc làm phi pháp, hành động không tương ứng, ngồi lại nói chuyện như thế là đắc lợi, như thế là suy bại, làm ăn mua bán tài vật của người; những việc phi pháp quanh co, dua nịnh như vậy, vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa.

Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn học các huyễn thuật, hưng khởi tà kiến, nói sự quái gở của mặt trời, bói ngược xem tướng, nói dối có sự chiếm đoạt, học phẩm thuật, xử độ thuật và thuật học chú dối trá, thuật niệm chú Cànđà-la, niệm chú Khổng tước, niệm chú Tạp toái.

Ấy là dị thuật dối trá, mê hoặc. Những việc như vậy là thuật phi pháp. Vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa những việc.

Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn học chú mê hoặc, thuật lừa dối, xem tướng mặt người, xem tinh tú, các việc tai biến, mây, gió, sấm sét, sương mù, cầu xin ngày tốt, vào lúc trong tháng mùa hạ ở làng xóm kia sẽ có mưa, không mưa, ở đất đó sẽ tốt, không tốt, nói về việc quốc vương. Hành động như vậy là thuật phi pháp. Vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa những việc đó. Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn học bao nhiêu loại pháp tà quấy, tạo nghiệp súc sanh, xem mạch ra toa làm thuốc, vì muốn làm cho người đoạn khí, thổ hạ, xuất hạn, chí không chân chánh, nói ra thuật lừa dối, bói việc an ổn. Những việc như vậy là nghiệp súc sanh. Vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa những việc đó.

Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà vẫn còn hành động phi pháp, miệng nhai cơm bàn luận chuyện cưới hỏi: “Vị ấy có chỗ ở tốt, quán của vị này, nhà của vị kia, nhà vị này đáng nhớ, nhà vị kia yên ổn; vị này có lầu đài, làm việc siêng năng, vị kia có lầu quán, làm việc lười biếng, và nói về những việc vụn vặt của vua. Việc làm như vậy là nghiệp súc sanh. Vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa những việc đó.

Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn làm bao nhiêu hạnh súc sanh, nghiệp tà kiến: xem bói, xem tướng châu báu, bò, ngựa, nhà ở, dao bén, xem tướng đàn ông, đàn bà, người lớn, con nít. Những việc làm như vậy là nghiệp tà kiến. Vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa những việc đó.

Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà tự thân còn làm nghiệp phi pháp yêu tá, mê vọng, làm việc vô trí mà tự cho là có trí, bói quẻ, làm phù chú. Hành động như vậy là nghiệp tà kiến. Vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa những việc đó.

Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn xem việc tốt, xấu, dự đoán lúa thóc sẽ mất mùa, được mùa, sẽ bình yên hay bị nạn, sẽ bị khủng bố, sẽ được an ổn, sẽ có nạn dịch lớn, sẽ có tử vong. Việc làm như vậy là nghiệp tà kiến. Vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa những việc đó. Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí mà còn nói vua nước này chiến đấu sẽ đắc thắng, vua nước kia thì không bằng, vua nước này sẽ công du thăm nước kia, vua nước kia thì không được tự tại như vậy. Ở đây sẽ đắc thắng, ở kia sẽ bại trận; voi ngựa, sáu thứ súc vật, xe cộ của vua này nhiều; voi, ngựa, xe cộ của vua kia ít. Các việc như vậy là nghiệp tà kiến. Vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa những việc đó.

Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí rồi mà còn cùng nhau bàn luận chuyện mặt trời, mặt trăng đi thuận đường, mặt trời, mặt trăng đi sai đường; tinh tú đi thuận đường, tinh tú đi sai đường; mặt trời mặt trăng vận hành chậm, nhanh, không thuận, sẽ có tai biến lạ lùng, khác thường, sẽ có nhật thực, nguyệt thực, hoặc có mưa, có sương, có mưa đá, hoặc sẽ có sấm chớp. Việc làm như vậy là nghiệp tà kiến. Vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa những việc đó.

Sa-môn Phạm chí đã thọ nhận đồ ăn của tín thí rồi mà còn nói mặt trời mặt trăng vì vậy mà đi thuận đường, vì vậy mà đi sai đường, tinh tú đi thuận đường là có nhân duyên, đi không thuận đường cũng có nhân duyên. Có sự trở ngại biến hóa quái dị, mặt trời mặt trăng sẽ đi về hướng Tây, hoặc nói đi về hướng Đông, hoặc nói sẽ bị xâm thực, lại nói tại sao không bị xâm thực, sẽ có sấm chớp, sét nổ. Những việc như vậy thường cho là chứng nghiệm. Vị Sa-môn đạo nhân ấy đều đã xa lìa những việc đó, thì mới gọi là bậc Hiền thánh.

Đệ tử Sa-môn của Ta tôn thờ giới phẩm của bậc Hiền thánh, hành động biết vừa đủ, áo quần mục đích là để che thân, ăn uống mục đích là để no lòng, đi đến đâu y bát luôn mang theo bên thân, không lưu luyến việc gì. Ví như con chim bay trên bầu trời mang theo đôi cánh, Tỳ-kheo cũng vậy, tôn thờ giới của bậc Hiền thánh, tâm biết vừa đủ, không có mong cầu, chăm chú, tiết chế, các hành động của vị ấy đều an ổn, tất cả hành động đều tốt lành, thấy nhìn, quan sát, không mất oai nghi, co duỗi, tiến ngừng theo đúng nghi pháp, ngồi đứng an nhàn, không có tổn hại, trì giới phẩm này là tri túc đệ nhất, các căn tịch tĩnh, tâm được an ổn, các căn không loạn, giữ gìn tâm mình, không còn suy tưởng, để tâm nơi đạo, mắt thấy sắc đáng ưa không suy tưởng tìm cầu cái đẹp, đoạn trừ ngay chỗ cảm thọ, phụng hành gốc thiện, ở trong tâm mình, xa lìa nội sắc, giữ gìn nhãn căn, khi tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm cũng như vậy, không có tưởng mong cầu, không có tham đắm, trừ bỏ những điều không nên làm, vứt sạch ngu si, đoạn pháp bất thiện, giữ ý bên trong khiến cho không loạn, làm cho tâm, căn được định. Vị Tỳ-kheo phụng trì giới của Hiền thánh ấy là bậc Tri túc đệ nhất. Tâm vị ấy tịch tịnh, các căn của toàn thân đều an định, bên trong không khởi loạn động mà hành an ổn, ở chỗ an nhàn vắng lặng, ẩn mình nơi núi rừng, hang động hoang dã, trong thân an ổn, lìa thế gian, không nhiễm đắm tham vướng, tâm nghĩ đến vô tưởng, không tham sở hữu của kẻ khác, không khởi ngu si, không xâm loạn người, thường hành tâm từ bi, trong lòng thanh tịnh, không có tưởng si mê, du hành nơi nào tâm không vướng mắc, thích điều thiện, an ổn.

Ví như người đi xa cầu lợi, vượt qua đường xấu, thoát khỏi hiểm trở chông gai, được nhiều tài lợi, không quên cung cấp cho vợ con, trai gái, thân tộc. Người ấy tự nghĩ trong lòng hoan hỷ vô cùng. Tỳ-kheo cũng vậy xa lìa ngu si, trong lòng thanh tịnh, không có vẩn đục, đã trừ sân hại, vui mừng không ô uế.

Ví như có người bị bệnh liệt giường, ốm yếu quanh năm, ngày hôm sau lành bệnh, sức lực an ổn, ăn uống tiêu hóa, trong lòng tự nghĩ ta vốn nguy ách nay được lành bệnh. Tỳ-kheo cũng vậy, trừ tâm sân hận, tư duy chín chắn, tâm cũng hoan hỷ.

Ví như có người làm tôi tớ cho kẻ khác, chấp lao phục dịch, không bao giờ được nghỉ ngơi, không được tự tại, sau được giải thoát, làm kẻ tự do, tâm tự nghĩ rằng ta vốn là người bị lệ thuộc kẻ khác, nay được thoát khỏi, tâm rất vui mừng. Tỳ-kheo trừ bỏ tâm nghi ngờ, không còn do dự, liền được thanh tịnh, hoan hỷ vui mừng.

Ví như có người bị nhốt trong lao ngục, khổ sở đau đớn, sau đó được ra tâm tự nghĩ rằng ta vốn bị nhốt trong ngục u tối, nay đã thoát khỏi, liền tự thương mình. Tỳ-kheo cũng vậy, trừ khử tâm nghi, thanh tịnh, không còn tỳ vết, hoan hỷ. Tỳ-kheo trừ bỏ tâm bất chánh, tâm không còn tư tưởng tỳ vết, thanh tịnh trong lòng.

Ví như có người gặp năm được mùa, sợ lúc đói khát để được an ổn, cứu giúp mạng mình, gặp lúc được mùa, lúa thóc được giá rẻ, vui mừng không sợ sệt, tâm tự nghĩ rằng ta vốn đói khát, nguy khốn khó tả, nay được no đủ, trong lòng vui mừng. Tỳ-kheo cũng vậy trừ tâm bất chánh, không có các tưởng, trở về nguồn gốc thanh tịnh, không còn tâm nghi ngờ, trừ năm thứ ngăn che, xa lìa tâm phiền não, ra sức để đạt trí tuệ mà thoát các ách nạn, hình ngục đói khát đã trừ, ái dục, các pháp bất thiện đã bỏ, có tưởng có hành, tịch nhiên thanh tịnh, hành đệ Nhất thiền.

Ví như có người xuống nước tắm rửa, sạch sẽ không dơ bẩn, vượt qua bờ bên kia, tâm được hoan hỷ. Tỳ-kheo cũng vậy, tịch nhiên ở một mình, an tịnh, hỷ duyệt, quán thấy tất cả, thân này từ đâu có, thấy không có thân, rộng quán thấy không có gốc rễ, tâm được vắng lặng, vui mừng an ổn, đạt đệ nhất nhất tâm (thiền định), vị ấy dùng định này, trong lòng thanh tịnh, an trụ tịch nhiên, được tâm chuyên nhất, ái dục đã hết, trừ khử các tưởng, bên trong nhớ nghĩ đầy đủ, an ổn làm hạnh lành, đệ nhị nhất tâm. Lại ngay thân này được tam-muội định, hoan hỷ an ổn, không còn chướng ngại, quán thấy đầy đủ, không có thân loại, thành vô sở đắc, đắc định hoan hỷ.

Ví như hoa sen xanh, cành hoa sanh ở dưới nước bùn hôi thối, nuôi lớn trong nước, tuy ở trong nước mà gốc, lá, hoa, quả ở trong nước không dính nước, cũng không bị ô nhiễm. Tỳ-kheo cũng vậy, đối với thân này cùng với tam-muội, an ổn hoan hỷ. Vị ấy lấy tâm chánh thọ này đạt đến vững chắc, tâm không loạn động, thanh tịnh tâm mình, không có trần dục, đạt đệ tam nhất tâm (thiền định). Vị ấy dùng tâm này, thân an ổn, ý định an ổn, không tham đắm, giả như có thân phải rộng quán tất cả đều không có gì, lại cũng không còn hỷ lạc, an ổn không loạn.

Ví như có một hòn núi, hoàn toàn không bị sứt mẻ, rộng lớn vô biên, gió từ phương Đông thổi tới cũng không thể làm nó di động, gió từ Nam, Tây, Bắc phương thổi tới cũng như vậy. Vì sao? Vì chân núi vững chắc nên không thể di động. Bên trong lại có dòng nước trong lành, mát mẽ, không có ô uế, nhờ nương vào núi nên dòng nước chảy đầy đủ, cùng khắp trong núi, không chỗ nào mà không chảy đến, vì nhờ nước sạch. Tỳ-kheo cũng vậy, quán thân này không có ưa thích, nương tựa an ổn, hành động đầy đủ, quán thấy không thân. Vị ấy đã thấy khắp, dùng tâm này thực hành an ổn, thanh tịnh không có tỳ vết, vững chắc không khác, trừ khử ái dục, không khổ không lạc, đang hành nhất tâm đệ Tứ thiền.

Ví như có người vào ngày mười bảy, mười tám trong tháng, mặc quần áo mới, đầu mặt vui vẻ, xem thấy thân mình đoan nghiêm, nhờ mặc y phục thật đẹp. Tỳ-kheo cũng vậy, thân hành thanh tịnh, tâm không ô uế, vui mừng được độ thoát, không còn gì để làm, không thấy có thân, quán khắp không sót chỗ nào, dùng tâm thanh tịnh, không có các ô uế.

Ví như ở quận, nước, huyện, ấp không xa có một giảng đường, có người ở trong đó đốt lửa sáng rực, ánh sáng chiếu khắp, không có cao thấp, gió không thể diệt, chim không thể che, và các chủng loại khác cũng không thể làm mờ ánh sáng ấy, nó thật vững chắc bất động. Tỳ-kheo cũng vậy, tâm không tán loạn, vững chắc bất động, đã được thanh tịnh vắng lặng. Tỳ-kheo biết rõ rằng đã được chánh thọ, thân tâm tịch tĩnh, thân tứ đại này, từ cha mẹ sanh, chỗ nương của thần thức, bỏ thân, không vui thích, thân tâm là vật tai hoạn cần phải nhàm chán, không còn thọ sanh trở lại, khiến tâm vô sắc, trừ khử tất cả thân hình các chủng loại, không mất căn bản mà lập thân tâm, hóa hiện các thân, đầy đủ tướng tốt, không có thiếu sót.

Ví như nhổ gốc rễ cây cỏ, kẻ trí thấy biết, như nhổ gốc cây, không còn sanh trở lại nữa. Tỳ-kheo cũng thế, hiểu rõ như vậy, sở hữu của thân này, thấy có danh sắc, tứ đại hợp thành, từ cha mẹ sanh, cơm áo nuôi dưỡng, là vật ngăn che hư ngụy, nào có bền chắc, là pháp tiêu diệt, thần thức nương tựa, khiến cho an trụ không tán loạn, cũng không lay động. Ta ở ngay nơi thân tâm, hóa hiện các thân, không có sắc tâm, đầy đủ hình dạng, các căn không hủy, từ tam-muội khởi, hóa bao nhiêu thân, hình dung đầy đủ.

Ví như có người ra khỏi cái rương có rắn hổ mang. Người trí thấy đó biết là cái rương của bốn con rắn hổ. Tỳ-kheo cũng vậy, hiểu rõ việc ấy là cái thân hữu hình, nương vào hơi ấm, tứ đại hợp thành, từ cha mẹ sanh, thần thức nương tựa, phải ngay thân tâm biến hiện các hình, không có danh sắc, đầy đủ hình dung, nói về căn bản không có thiếu sót, từ tam-muội khởi, hóa thân vô số.

Ví như có người rút gươm ra khỏi bao, kẻ sáng mắt biết rằng trong bao này có một cây gươm bén nay đã rút ra. Tỳ-kheo cũng vậy hiểu rõ việc ấy, rộng xem con người hóa ra vô số hình, đầy đủ các tướng tốt, khiến cho không thiếu sót.

Tỳ-kheo dùng Tam-muội chánh thọ này mà tâm được thanh tịnh, không có tỳ vết ô uế, trừ bỏ phiền não, nhu hòa vô dục, vững chắc bất động, trí tuệ thần túc, đã đạt được trí tuệ thần thông, tâm không tăng giảm, hành động bình đẳng, tôn xưng là Đại tự tại, tâm niệm không sợ sệt, dùng một thân hóa ra vô số thân, vô số thân trở lại làm thành một thân, tự do biến hiện, với bao nhiêu trí tuệ, xuyên qua tường vách mà không ngại dấu vết.

Ví như chim bay trên hư không, bay ra không cần cửa, bay vào không cần lỗ, vị ấy vào đất không trở ngại như ra vào trong nước, đi trên mặt nước giống như đạp trên mặt đất. Ở trong hư không, ngồi kiết già ngay thẳng, như chim bay trên mây, đối với mặt trời, mặt trăng oai thần rộng lớn, lấy tay nắm bắt, sờ chạm vào, biến thân lên đến cõi Phạm thiên thứ bảy.

Ví như thợ làm đồ gốm thiện xảo, trộn bùn thật đều, nắn ra hình tượng đẹp, khiến cho đất thó dính lại để làm đồ dùng, chẳng có gì mà không làm được. Tỳ-kheo cũng lại như vậy, được thần thông tự tại biến hóa lên đến Phạm thiên.

Ví như thợ huấn luyện voi, ngựa, huấn luyện các voi ngựa đều khiến được thành tựu. Tỳ-kheo cũng như vậy, thần thông biến hóa, thân lên đến cõi Phạm thiên.

Ví như thợ vàng luyện vàng tinh xảo, lấy vàng ròng làm vòng ngọc đeo tay, xâu chuỗi, ấn ngọc khảm vàng xinh đẹp, tùy ý làm gì cũng thành. Tỳ-kheo cũng vậy, thần thông biến hóa, thân lên đến Phạm thiên, Tỳ-kheo giữ Tam-muội chánh thọ, tâm thanh tịnh, không tỳ vết, đạt đến chứng trí, được thần thông, tâm không vướng mắc, mắt có thể thấy được tất cả, thấy trên trời dưới đất các chỗ thiện ác, tai có thể nghe hết, nghe tiếng nói của chư Thiên con người và tiếng của loài trùng bò, hơi thở của người vật.

Ví như vị Đại sĩ trượng phu thổi kèn ốc lớn, đứng trên đài lớn, dùng hết sức để thổi, tiếng vang bốn phương đều nghe. Tỳ-kheo cũng lại như vậy, tai đạo nghe khắp chư Thiên, nhân, thiện ác đều nghe được cả, do đã đắc đạo chứng thần thông, biết khắp tâm niệm thiện ác của người khác, có dục, không có dục, có sân hay không sân, có lòng từ hay không có lòng từ, có ngu si hay không ngu si, có trí tuệ hay không có trí tuệ, có phiền não hay không có phiền não, có đắc đạo chứng quả hay không đắc đạo chứng quả, loạn tâm hay tịnh tâm, siêng năng hay biếng nhác, công đức trí tuệ, hữu lượng vô lượng đều biết rõ cả.

Ví như quận, nước, huyện, ấp, không xa có một cái chòi lớn hoặc là lầu cao, có người đứng trên đó, thấy vô số người đi lại ra vào, kẻ trí thấy vậy, xem kẻ ra vào. Tỳ-kheo cũng như thế, thấy tâm con người thiện ác, tốt xấu cùng với tất cả hình loại trong thế gian.

Đức Phật nói:

–Vị Tỳ-kheo ấy đạt được thần thông nhớ về vô số sự việc trong đời quá khứ, có tâm trí tuệ hay tâm si mê. Thấy một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, vạn đời, ngàn vạn đời, vô số đời, qua lại xoay quanh, đất trời thành bại, nơi sanh của người đó, lại sanh nơi này, ở tại nơi này, tên gọi của địa phương, dòng họ, tên gọi, tướng mạo, thọ, yểu, đẹp, xấu, thiện ác. Chết chỗ kia sanh ở đây, chết ở đây sanh ở kia, đều biết rõ cả.

Ví như có người từ làng xóm này đến làng xóm khác, ngồi đứng, nói năng, ngủ nghỉ, không nói, rồi từ làng xóm kia trở lại làng xóm này, ngồi đứng nói năng, kinh hành, đều biết rõ cả. Tỳ-kheo cũng vậy, có sự hiểu biết như biển, thấy sự việc vô số ở đời quá khứ.

Đức Phật nói:

–Tỳ-kheo được thần thông trong tâm thanh tịnh, đạo nhãn thấy khắp, xa hơn người thường, thấy người chết, sống, thiện ác, đẹp xấu, sanh ở cõi thiện, cõi ác, người mà thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, quán sát chân chánh, không tà kiến, duyên vào căn bản này, nên khi mạng chung được sanh lên trời, còn người mà thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, duyên vào căn bản này, sau khi chết đọa trong đường ác. Ví như có người đứng trên lầu cao thấy người đi bộ qua lại ra vào, ngồi, vui sướng hay buồn rầu. Tỳ-kheo đã được thần thông như thế, đạo nhãn thấy khắp, thanh tịnh không tỳ vết, thấy việc quá khứ vị lai.

Đức Phật nói:

–Tỳ-kheo đạt được thần thông, các lậu đã hết, trí tuệ chứng tam đạt, không còn nghi ngờ, rõ biết Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế, trừ hữu lưu, vô lưu, không còn tâm si mê, thấy rõ cội nguồn, thâm sâu bền chắc không khác, thấy biết đúng như vậy, đã vượt qua dục lậu, nếu có si lậu, tâm đã thanh tịnh giải thoát, đã độ thoát rồi, trí độ đầy đủ, sanh tử đã đoạn, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, biết cội gốc của danh sắc.

Đức Phật nói:

–Đại vương, đó là đạo quả hiện tại của Samôn.

Bấy giờ A-xà-thế, vua nước Ma-kiệt đứng dậy lạy dưới chân Phật, tự hối hận lỗi lầm của mình, bạch Đức Thế Tôn:

–Con đã phạm trọng tội. Ví như đứa trẻ ngu si, không có trí tuệ, mê hoặc, mất trí, không biết quyền biến khéo léo. Đức Phật là Bậc Pháp Vương, là cha mẹ của tất cả, thường lập Chánh pháp cứu kẻ mê, lập ra pháp, không có sân, hận che lấp. Kể từ nay cho đến suốt đời, mong Đức Thế Tôn cho con quy y, tự thấy lỗi lầm xấu ác, lại thọ lãnh lời khuyên răn của Phật, nguyện sửa đổi lỗi lầm quá khứ, thuận tu ở tương lai.

Đức Phật dạy:

–Đại vương, như vua đã nói, ngài thật như đứa trẻ thơ, ngu si không trí tuệ, mê hoặc không có phương tiện, đã hại mạng của cha mẹ mình, nay quy y Bậc Pháp Vương, là đã được sanh lại, tự thấy điều tội lỗi, đối với pháp luật này, sẽ được thiện lợi, không có tổn hại.

Khi ấy vua A-xà-thế chắp tay hướng về Đức Phật thưa:

–Cúi mong Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo thọ nhận sự cúng dường của con.

Đức Phật im lặng nhận lời. Nhà vua biết Đức Phật đã nhận lời, trong lòng vui mừng sung sướng, nhiễu quanh Phật ba vòng, cúi lạy rồi lui ra.

Khi nhà vua lui ra cách Phật không xa, bảo đồng tử Kỳ-vực:

–Khanh đã đem lại nhiều điều lợi ích cho ta, khiến ta đến chỗ Đức Phật, học hỏi Phật pháp, được gần gũi Thế Tôn, thoát khỏi tội nặng, làm cho tội nặng trở thành nhẹ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Vua A-xà-thế đã được pháp sanh nhẫn, tuy có hại pháp vương nhưng đã biết trừ các ô uế, không còn các lậu, đã trụ nơi pháp mà không động chuyển, ngay chỗ này xa lìa mọi phiền não cấu uế, sanh các pháp nhãn.

Nhà vua trở về hoàng cung, ngay ban đêm đã cho bày soạn trăm thứ thức ăn ngon quý, thanh tịnh. Sáng sớm, vua liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu lạy dưới chân Đức Phật bạch:

–Đã đến giờ, thỉnh Thế Tôn phó trai.

Đức Phật cùng đại chúng Tỳ-kheo Tăng, quyến thuộc vây quanh đi đến cung vua. Đức Phật và chúng Tăng đã ngồi xong, nhà vua lấy nước rửa chân tay, rồi bày đồ ăn uống, tự tay vua dâng cơm. Khi Đức Phật và chúng Tăng ăn và rửa tay xong, nhà vua liền lấy một cái ghế nhỏ, ngồi ở trước Đức Phật, nghe Phật thuyết pháp.

Nhà vua bạch Đức Phật:

–Cúi mong Đức Thế Tôn cùng chúng Tỳ-kheo nhận lời thỉnh mời của con, an cư một mùa hạ, tại Vương xá cung. Con xin cúng dường không thiếu sót vật gì. Con sẽ xây cất năm trăm tinh xá cúng dường Phật để cho một ngàn hai trăm năm mươi vị có chỗ nghỉ ngơi, kho lẫm lúa thóc lớn nhỏ ở trong cung, con sẽ đem cúng dường.

Đức Phật dạy:

–Đại vương hoan hỷ tức là đã cúng dường Ta đầy đủ rồi. Trước đây Ta đã nhận sự thỉnh mời một mùa hạ của Trưởng giả Tu-đạt ở nước Xá-vệ rồi.

Nhà vua bạch Phật:

–Trưởng giả nước kia đã được thiện lợi. Đức Phật là vị trời giữa trời, trước đã thọ nhận lời thỉnh mời của vị đó.

Bấy giờ Đức Phật thuyết pháp cho vua A-xàthế nghe, khiến tâm vua khai mở. Đức Phật nói kệ:

Đem lửa tế miếu thờ
Tối thượng trong tế tự
Vua tôn quý loài người
Biển là gốc các sông
Trăng sáng nhất tinh tú
Mặt trời chiếu ban ngày
Đã qua lại trên dưới
Giúp các mầm sinh trưởng
Trên trời, tại cõi người
Phật đạo là tối thượng.

Đức Phật nói kinh xong, vua A-xà-thế, chư Tỳ-kheo, chư Thiên, A-tu-la nghe kinh hoan hỷ, đảnh lễ lui ra.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]