TẠNG KINH
BỘ MẬT GIÁO (848 - 1420)
GIỚI THIỆU PHẦN BỘ MẬT GIÁO
Mật giáo là đoạn phát triển thứ 3 của tư tưởng Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ. (Giai đoạn thứ 1 là Bát nhã, giai đoạn thứ 2 là Duy thức). Giai đoạn nầy bắt đầu từ thế kỷ thứ 4 Tây lịch, trở nên hưng thịnh từ đầu thế kỷ thứ 6, đến giữa thế kỷ thứ 8 thì được hệ thống hóa trong một truyền thống gọi là Kim cương thừa (Vajrayāna). Từ Kim cương thừa xuất hiện nhiều hệ thống Mật giáo, trong đó có hệ thống Sahajayāna (Tát cáp ca thừa?) mà giáo lý và sự hành trì rất giống với Thiền: nhấn mạnh đến sự quan trọng của thiền tọa, của trực giác Bồ đề, sử dụng những hình ảnh cụ thể và những mật ngữ để khai mở tuệ giác ngộ.
Mật giáo bắt nguồn từ tư tưởng sâu xa của Bát nhã, đồng thời cũng bắt nguồn từ những tín ngưỡng dân gian của Ấn Độ. Về phương diện sau nầy, Mật giáo chấp nhận sự có mặt của những thần linh được thờ phụng trong dân gian và như thế khiến cho đạo Phật phát triển rất rộng trong sinh hoạt quần chúng. Về phương diện tư tưởng, Mật giáo là một phản ứng đối với khuynh hướng quá thiên trọng về tri thức và nghiên cứu của các hệ thống Bát nhã và Duy thức. Theo Mật giáo, trong vũ trụ có ẩn tàng những uy lực siêu nhiên, nếu ta biết sử dụng chúng thì ta có thể đi rất mau trên con đường giác ngộ thành đạo, khỏi phải đi tuần tự từng bước. Sự giác ngộ có thể thực hiện trong giây phút hiện tại. Việc sử dụng uy lực của thần linh, sử dụng thần chú, ấn quyết và các hình ảnh mạn đồ la có thể hỗ trợ đắc lực cho sự thiền quán, hành đạo (*).
(*) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận T.1 của Nguyễn Lang, bản in 1992, trang 138-139.
Mật giáo được truyền vào Trung Quốc khoảng cuối thập kỷ 2 của thế kỷ thứ 8 Tây lịch với công sức của các vị Đại sư: Thiện Vô Úy (Subhākarasimha 637-735), Kim Cương Trí (Vajrabodhi 671-741) và Bất Không
(Amoghavajra 705-774). Các vị Đại sư nầy vừa là nhà truyền đạo, vừa là những dịch giả đã đóng góp nhiều trong quá trình dịch thuật kinh sách Mật giáo ra chữ Hán. Vị Đại sư Trung Quốc có nhiều hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của Mật giáo ở Trung Hoa trong giai đoạn đầu là Đại sư Nhất Hành (683-727).
Mật giáo được truyền vào Tây Tạng từ hậu bán thế kỷ thứ 8 Tây lịch, do công đầu của Đại sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava).
Mật giáo cũng đã có mặt ở Việt Nam khá sớm và có ảnh hưởng ít nhiều đến cả hai Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi cùng Vô Ngôn Thông (*).
(*) Sđd (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận T.1 của Nguyễn Lang, bản in 1992), trang 140…, 199…
Kinh điển, Nghi quỹ, Pháp thức, Đà la ni của Mật giáo được Hán dịch phải nói là rất nhiều (Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu – ĐTK/ ĐCTT, tập 18-21, các số hiệu từ 848-1420), trong đó, 3 bộ kinh được xem là căn bản của Mật giáo, là:
1. Kinh Đại Nhật: Gọi đủ là Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì. (Phạn: Mahāvairocanābhisambodhi – Vikurvitādhisthāna – Vaipulya – Sūtrendra – Vājanāmadharmaparyāya) gồm 7 quyển, 36 phẩm, do 2 Đại sư Thiện Vô Úy và Nhất Hành dịch. (ĐTK/ ĐCTT, T18, No 848).
2. Kinh Kim Cương Đảnh: Kinh nầy có 3 bản Hán dịch:
a. Bản dịch của Đại sư Bất Không (705-774) mang tên: Kinh Kim Cương Đảnh Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương, gồm 3 quyển. (ĐTK/ĐCTT, T18, No 865).
b. Bản dịch của Đại sư Kim Cương Trí (671741), mang tên: Kinh Kim Cương Đảnh Du Già Trung Lược Xuất Niệm Tụng, gồm 4 quyển. (ĐTK/ĐCTT, T18, No 866).
c. Bản dịch của Đại sư Thi Hộ (Thế kỷ 10 TL), mang tên: Kinh Nhứt Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Tam Muội Đại Giáo
Vương, gồm 30 quyển (ĐTK/ĐCTT, T18, No 882).
3. Kinh Tô Tất Địa: (Phạn: Susiddhikara – Mahātantra – Sād-hanopāyikapatala) do Đại sư Thiện Vô Úy dịch, gồm 3 quyển (ĐTK/ ĐCTT, T18, No 893).
Về Luật, có thể xem Kinh Tô Bà Hô Đồng Tử Thỉnh Vấn (Phạn: Suvāhupariprcchā) do Đại sư Thiện Vô Úy Hán dịch là Luật Tạng của Mật giáo (ĐTK/ĐCTT, T18, No 895)
Luận Thích Ma Ha Diễn: Tương truyền tác giả là Bồ tát Long Thọ, Hán dịch là Đại sư Phù Đề Ma Đa, dịch vào đời Diêu Tần (384-417) gồm 10 quyển (ĐTK/ĐCTT, T32, No 1668), với quyển thứ 10 nói về “Biển tánh đức viên mãn”, được xem là Luận Tạng của Mật giáo.
Giáo pháp cơ bản của Mật giáo được thuyết minh qua các pháp môn: Tam đại, Tam mật, bốn thứ Mạn đồ la, Ngũ tướng…
* Tam đại: Tức Thể, Tướng, Dụng của vũ trụ pháp giới là rộng lớn vô hạn:
+ Thể đại (Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Thức)
+ Tướng đại (Đại mạn đồ la, Tam muội da mạn đồ la, Pháp mạn đồ la, Yết ma mạn đồ la) + Dụng đại (Tác dụng của 3 mật thân, ngữ, ý).
* Tam mật: Tức tính chất bí mật của 3 nghiệp: Thân mật, Khẩu mật (Ngữ mật) và Ý mật (Tâm mật).
* Bốn thứ Mạn đồ la: Mạn đồ la (Mạn da la) Hán dịch là Luân viên cụ túc (Vòng tròn đầy đủ), là biểu tượng về vũ trụ cùng năng lực trong vũ trụ được trình bày bằng các hình vẽ. Về mặt triết lý, Mạn đồ la là cơ sở hợp nhất thế giới hiện tượng và thế giới bản thể, là đối tượng của Thiền quán. Trong ý nghĩa thực tiễn, Mạn đồ la là đàn tràng bằng đất để hành giả bày biện các lễ vật hay pháp khí phục vụ cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu tập. Mạn-đồ-la có 4 loại:
+ Đại Mạn-đồ-la (Mahā mandala) còn gọi là Tôn hình Mạn-đồ-la.
+ Tam muội da Mạn đồ la (Samaya mandala)
+ Pháp Mạn đồ la (Pharma mandala) còn gọi là chủng tử Mạn đồ la.
+ Yết ma Mạn đồ la (Karma mandala).
* Ngũ tướng: Gọi đủ là Ngũ tướng thành thân quán, còn gọi là
Ngũ chuyển thành thân, Ngũ pháp thành thân, là pháp hành quán của Mật giáo, gồm:
+ Thông đạt tâm Bồ đề.
+ Tu tập tâm Bồ đề.
+ Thành tựu tâm kim cương.
+ Chứng đắc thân kim cương.
+ Phật thân viên mãn.
Nêu bày tóm lược về Mật giáo như thế là đứng ở phương diện thuần lý và hoàn toàn tích cực. Thực tế lịch sử đã cho thấy Mật giáo, dù là Thừa nào, cũng đã có những diễn biến hết sức tiêu cực không thể không chú ý. Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận T2 của giáo sư Nguyễn Lang đã nói đến hậu quả nơi “Sự biến dạng của Mật giáo” ở Việt Nam:
“Ta cũng biết, Mật giáo nếu không khéo duy trì thì có thể biến dạng trở thành phù thủy, mê tín, dị đoan. Cuối đời Lý, đạo Phật đã hầu như bị những biến dạng của Mật giáo làm cho lu mờ sắc thái. May thay, các vị lãnh đạo Phật giáo đời Trần đã thanh lọc được Phật giáo và lấy ra hết những hình thái mê tín dị đoan.
Phật học của Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Đại Đăng và Thánh Tông rất thuần túy Thiền học, không bị mờ ám do những hình thức biến dạng của Mật giáo. Đến đời Pháp Loa và Huyền Quang, dưới ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa và Tây Tạng, Mật giáo lại được khôi phục. Cùng với thời đại nhiễu nhương, Mật giáo được mau chóng biến chất và phủ lên trên sinh hoạt tín ngưỡng bình dân một lớp màn mê tín và dị đoan. Sự phê phán Phật giáo của các Nho gia một phần được căn cứ trên những hình thái sinh hoạt rườm rà ấy của Phật tử”. (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, T.2, bản in 1992, trang 54).
Ở Trung Hoa, Pháp sư Ấn Thuận (1906-2005) hầu như là người quan tâm nhất đến khía cạnh tiêu cực của Mật giáo, không chỉ là sự biến dạng dẫn về nẻo mê tín dị đoan mà là từ căn bản của pháp hành trì, từ khởi nguyên của giáo pháp: Mở đầu bài “Dâm dục là đạo”, Pháp sư Ấn Thuận viết: “Du già vô thượng trong Đại thừa bí mật có nội dung hết sức phong phú, nhưng cũng có đủ tính chất giống với Phái Tính lực ( Sākta) trong Ấn Độ giáo. Đó là sự bí mật về nam nữ hòa hợp”. (Hoa Vũ tập 4, trang 201)
“Dung nạp sắc là tánh. Loài người lưu chuyển trong sinh tử đúng là có bản năng và nhu yếu ấy. Cho nên, do ở tính người có khuynh hướng thấp (không hoàn thiện), Phật pháp trong sự phát triển, lần hồi có điều tương tợ với phái Tính lực của Ấn Độ, cùng với sự xuất hiện thuật Phòng trung của Đạo gia Trung Quốc. Ban đầu là lưu hành tiềm ẩn, hoặc biểu thị hằng những việc làm thần bí, mơ hồ, đến thế kỷ thứ 4, 5 Tây lịch mới dần dần lưu hành công khai”. (Bài đã dẫn, Hoa Vũ tập 4, trang 208). Đoạn sau của bài viết, tác giả đã dựa vào một số tài liệu đáng tin cậy để chỉ rõ những tác hại quá mức của người ưa thích sử dụng và lạm dụng chú thuật, mà trường hợp của Đại sư Đàm Vô Sấm (385-433) một nhà dịch thuật Kinh-Luận nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc, là một thí dụ điển hình nhất.
Nơi bài “Sự hưng khởi của Mật giáo và sự hoại diệt của Phật giáo”, in trong Diệu Vân tập 16, các vấn đề chính của Mật giáo và liên quan tới Mật giáo đã được Pháp sư Ấn Thuận khảo xét khá đầy đủ. Bài viết gồm 4 phần:
1. Khởi nguồn của tư tưởng bí mật.
2. Sự truyền bá của bí mật giáo.
3. Điểm đặc sắc của bí mật giáo.
4. Sự suy vong của Phật giáo Ấn Độ.
Chúng tôi xin trích dẫn một số đoạn tiêu biểu nơi phần 1 và nhất là phần 3 để người đọc rộng đường tham khảo.
* Phần 1: Mở đầu cho phần 1: “Khởi nguồn của tư tưởng bí mật”, Pháp sư Ấn Thuật nêu rõ: “Từ thế kỷ thứ 8 Phật lịch về sau, Bí mật giáo ngày càng thịnh hành, lấy việc hành trì ba Mật thân, ngữ, ý tương ưng để cầu được thành tựu việc chứng quả nơi thế và xuất thế. Nguồn gốc xa của Mật chú là ở trong chú thuật của Phệ đà, tin tưởng ngôn ngữ của chú có năng lực thần bí, mượn vật biểu trưng và chú lực, để lợi dụng thần quỷ, khiến đạt được mục đích. Vật biểu trưng và mật chú, cho đến động tác của thân thể thường giống như có thần lực trong đó. Tác dụng của chú pháp phân ra làm 4 loại: Tức tai, Chú tổ, Khai vận, hoặc thêm “Huyễn thuật”, bốn loại này cùng với Tức tai, Điều phục, Tăng ích của Bí mật giáo gần như là tương đồng”… “Phật giáo Đại thừa và Bí mật giáo không có quan hệ tất nhiên, nhưng sự hưng khởi của Phật giáo Đại thừa chắc chắn là cơ hội cho tư tưởng bí mật hoạt động và phát triển”…
* Phần 2: “Tự môn Đà la ni của Bát Nhã, Hoa Nghiêm cũng giúp cho pháp Bí mật lấy làm căn cứ chủ lực. Đại chúng bộ hết lời tán trợ, là mở đầu với âm thanh hành Phật sự. Đến tự môn Đà la ni thì mượn ý nghĩa hàm tàng của tự mẫu, nghe âm thanh, suy nghĩ về nghĩa, nhân đấy ngộ nhập thật tướng của tất cả các pháp…”
“Mật giáo cũng gọi là Du già giáo, có quan hệ đặc biệt sâu xa với hành giả Du già. Giải thích rõ về đạo giải thoát chỉ có Bát chánh đạo tức là ba tăng thượng học: Lấy tuệ học chánh kiến, chánh tư làm mắt, lấy giới học chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng làm chân, ắt hẳn lòng dạ trong sáng, hành động không lỗi lầm, sau đó mới lấy tâm dũng mãnh tinh tấn, nhân nơi chánh niệm để chánh định (Định học). Chỉ, quán tương ưng mới có thể đoạn hoặc chứng chân. Đoạn chứng dựa vào thiền định, nhưng Phật pháp không lấy thiền định làm yếu tố đầu tiên, cũng không lấy thiền định làm tối thượng, chỉ lấy sự thâu giữ tâm minh tịnh mà thôi. Bằng không, lìa giới, tuệ để nhập thiền định, chưa chắc không sa vào đường nhỏ của ngoại ma… Người ở nơi yên tĩnh nhập thiền mà giới hạnh của họ bất tịnh, tuệ nhãn bất minh, động cơ bất chính hoặc dụng tâm bất thiện thì thường sanh ra nhiều bệnh của thân tâm, có nhiều cảnh giới đáng vui, đáng sợ hiện ra trước mắt. Gốc của chân chính, cội nguồn của thanh tịnh không gì bằng giới, tuệ. Hoặc có người không thực hành gốc mà theo ngọn: Treo tượng Thánh Hiền, tượng thiện thần, đốt hương rải hoa để cầu có người hộ vệ, bản luận về sao tốt xấu, ngày giờ lành dữ, núi sông lợi hại v.v… để cầu giải miễn, mượn chú lực, vật biểu trưng, thỉnh thần Hộ pháp để xua đuổi ma quỷ thì thiền bệnh ngày một nặng, bị ảnh hưởng của thần bí ngày một thêm lớn…”
* Phần 3: Điểm đặc sắc của Bí mật giáo:
Mật giáo có nhiều đặc sắc, thừa kế khuynh hướng cố hữu, lưu hành đến độ cực đoan, dung thâu cả ngoại đạo. Tin sư trưởng đến mức cực đoan, tức tự thân, thê, nữ cũng phụng hiến mà không nghi ngờ. Sát sư mạng, không dám không sát, dâm mạng không dám không dâm. Đây là điều cố hữu của Bà la môn, mà Phật giáo đồ trong giai đoạn sau lại lấy sử dụng. Đức Phật bác bỏ ngoại đạo thờ lửa, chỉ dạy lấy căn bản hỏa (Cúng dường cha mẹ) cư gia hỏa (Cúng dường gia thuộc)… Người học Mật thừa lại chuyển mà thờ lửa (Hộ ma): Cầu tử, cầu tài, cầu thọ, cầu quan, tất cả không gì không ở trong lửa mà cầu, bơ, mật, y phục, châu báu, đều cử hành dùng một bó đuốc lửa để cúng dường nhằm mong cầu những mong muốn lớn lao của họ. Đức Phật ở đời thì y giáo phụng hành là sự cúng dường tối thắng, sau thời Phật cũng cúng dường bằng thắp đèn sáng, hương hoa mà thôi. Mật giáo lấy biểu tượng sùng bái là tướng quỷ thần, nên cúng phẩm của họ mới có rượu thịt… Đệ tử Thanh văn của Phật xuất gia xem năm dục giống như oán độc, cho dâm dục là pháp chướng đạo, cố nhiên không phải đệ tử tại gia nhất định phải thực hành. Nhưng lấy tính giao làm phương tiện mầu nhiệm để trở thành Phật thì chỉ duy Mật thừa mới có. Trước lấy dục dẫn dắt, sau khiến nhập Phật trí là phương tiện gồm thâu giáo hóa của Đại thừa. Nói phương tiện tức là tạm thời, dùng pháp nầy để dẫn dắt thâu phục họ, không phải là cứu cánh, nhưng cũng không phải tùy tiện không có tiêu chuẩn. Hoặc hiểu lầm nói lấy lạc được lạc, chính là ngược lại với tánh chất ngay thẳng, nghiêm minh của Phật giáo, muốn ở trong sự sung mãn dục lạc thành tựu thường lạc của Phật quả cứu cánh. Trong dục lạc của dục giới thì dâm lạc là nặng nhất. Hoặc lấy điều nầy làm phương tiện, hơn nữa còn xem là phương tiện vô thượng thì chính dâm dục là đạo.
Mật tông trước truyền vào Trung Quốc, lưu nhập vào Nhật Bản, cũng chưa từng có thuyết rõ ràng, cho nên thường bài xích pháp “Song thân” của Du già vô thượng là Mật giáo tả đạo. Nhưng Lạt ma Tây Tạng đặc biệt hoằng truyền Du già vô thượng thì khăng khăng cho là diệu pháp và chỉ mỗi mình ta vốn có đủ. Bình tâm mà luận, đây tức là lấy dục làm phương tiện đến mức cực đoan, và chắc chắn ba bộ trước (Sự bộ, Hành bộ, Du già bộ) cũng thấy được nguyên nhân của nó.
Đối tượng tôn sùng phụng thờ là Phật của thân trời. Trời có Minh phi (Thiên hậu), Phật cũng phỏng theo đó mà có Phật mẫu, Minh phi. Đây tức xen lẫn vào lý nghĩa Đại thừa: Phương tiện (Bi hành) là cha. Bát nhã (Trí tuệ) là mẹ. Kim cang tiêu biểu cho sự dũng mãnh để chiết phục. Liên hoa tiêu biểu cho sự từ hòa thâu dẫn, cũng nhất chuyển nhưng là tên gọi khác của sinh thực khí. Bản tôn của sự tôn sùng trong Mật giáo không thể không có Minh phi. Sự bộ thì mình và người hòa lẫn nhau mà tâm vui thích. Hành bộ thì bắt tay nhau. Du già bộ thì ôm hôn nhau. Du già vô thượng thì giao hợp. Điều nầy cố nhiên là thuận với thứ tự của các sử dục ở dục giới để thành lập. Ba bộ trước tuy có các việc nhìn nhau, ôm nhau, mà hành giả thường giải thích việc đó là biểu thị cho Bi, Trí hòa hợp, nhưng Du già vô thượng chỉ thực hành của việc trao cho… Du già vô thượng lấy dục lạc làm diệu đạo, đã lấy Kim cang, Liên hoa là sinh thực khí đẹp đẽ, lại lấy nữ tử làm Minh phi, nữ âm là Bà già Mạn đồ la, lấy tính giao làm nhập định, lấy tinh nam huyết nữ làm hai tâm Bồ đề đỏ trắng, để tinh được tan xuất và duy trì lâu không xuất thì lạc xuất sinh ra là đại lạc. Bên ngoài huyễn hoặc gọi là Phật giáo, thực chất bên trong giống như phương pháp ngự nữ! Người học Mật trước hết trải qua sự Quán đảnh, trong đó có Mật quán đảnh, Tuệ quán đảnh, tức là người trao, nhận pháp nầy. Pháp nầy, người đệ tử trước hết được một Minh phi thanh tịnh dẫn đến đàn tràng. Đệ tử lấy vải che mắt, để Minh phi lõa thể cúng dường sư trưởng. Sư cùng Minh phi đến sau tấm màn thực hành đại định hòa hợp, đệ tử ở ngoài lẳng lặng chờ đợi. Việc xong, Thượng sư cùng Minh phi đến trước màn, lấy tinh nam huyết nữ cho là tâm Bồ đề đặt trên đầu lưỡi của đệ tử. Đệ tử lúc nầy có sự xúc chạm của lưỡi, sinh khoái lạc ở lưỡi, ở cổ họng có thể dẫn sinh đại lạc. Vì thưởng thức cam lồ bí mật của sư trưởng trao cho, nên gọi là Mật quán đảnh. Nếm vị cam lồ rồi, bỏ đi tấm vải che mặt của đệ tử, vị sư đem Minh phi tặng cho đệ tử, chỉ vào Bà già của Minh phi, dạy đệ tử: Nơi nầy là đạo tràng thành Phật của người, nên ở trong đây mà cầu. Đồng thời chỉ dạy tất cả sự thiết thực khiến đệ tử cùng với Minh phi (Trí tuệ) nhập định, dẫn sanh đại lạc, việc nầy tức là Tuệ quán đảnh. Trải qua Quán đảnh ấy, đệ tử mới được tu Du già vô thượng. Minh phi của họ có thể nhiều đến chín người.
Tông Khách Ba (1357-1419) của Tây Tạng dường như đã cảm nhận đạo nầy khó thực hiện, nên đối với pháp “Song thân” của Du già vô thượng, từ Quán đảnh cho đến tu hành, phần nhiều dùng trí ấn, tức lấy quán tưởng để thực hành, nhưng “tập tục” vẫn còn chưa hết.
Về sắc diện của chư vị Trời, Thần, Quỷ… dữ tợn, phẫn nộ, ẩn chứa sự nhu hòa bên trong, để thuận theo người cần chiết phục thì chiết phục, đó là hạnh Bồ tát. Hành giả Mật Thừa, đặc biệt ở Du già vô thượng, Bản tôn của họ tôn thờ, sùng bái không thể không có nhiều đầu, nhiều tay, nhiều sừng, chân giậm xuống, miệng bặm lại, khí thế hừng hực, nắm binh khí trong tay, tuy khéo vẽ hình quỷ, cũng khó mà không tưởng tượng về sự đáng sợ của Bản tôn. Nhưng vì ta nhìn ngắm, đại trượng phu một khi phẫn nộ mà an được thiên hạ, cũng nên nói không phải diện mục dữ tợn mà so sánh với sự dũng mãnh của Bồ tát.
… “Tóm lại, Bí mật giáo lấy Phật, Bồ tát hóa thân trời làm căn bản tôn kính, lấy dục lạc để thâu tóm, dẫn dắt, lấy dữ tợn làm chiết phục, hòa hợp chung của đại sân, đại tham, đại mạn. Người đời ai có tin tưởng thì lấy lý luận sâu xa khó hiểu làm chỗ tiêu biểu thay cho biện luận, lấy niềm tin nhiệt thành kế thừa sư tổ mà sùng bái, thuận theo sự ham muốn của chúng sinh để thâu dẫn đó thôi. Xem xét tư tưởng xưa nay của nó, động cơ ra đời, giá trị, sở tại, thật là bệnh nay khó có thể khỏi được”.
* Phần 4: Phần thứ 4 của bài viết là nói về “Sự suy vong của Phật giáo Ấn Độ” có tính chất tóm tắt nên ngắn hơn nhiều so với 3 phần trên, tác giả đã gián tiếp cho thấy, cùng với sự phát triển của Bí mật giáo là truyền thống của Phật giáo Ấn Độ càng ngày càng bị sai lạc, suy đốn, may có vương triều Ba La nên Phật giáo được hồi sinh tạm bình an trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sự hồi sinh nầy cũng chỉ là hình thức, là cái vẻ của một thứ Phật giáo bên trong vẫn tiếp tục sự suy đốn đã có từ trước. Đến khi vương triều kia suy yếu, Ấn Độ bị ngoại xâm, Hồi giáo dần dần xâm nhập vào nội địa Ấn Độ, đốt phá tự viện v.v… thì sự tổn hại mà Phật giáo phải nhận chịu là quá rõ. Tác giả kết luận: “Phật giáo diệt vong ở đại lục Ấn Độ, lúc ấy là thế kỷ 16 của Phật lịch. Phật giáo hưng khởi ở phương Đông, dần dần đi khắp Ấn Độ, kế đến lại ngày một thu hẹp dần và cuối cùng là suy vong ở phương Đông. Người ta lấy làm tiếc cho Phật giáo Ấn Độ, nhưng đối với Phật giáo ở thời kỳ sau, không ai là không cảm thấy nó như đã có con đường dẫn đến diệt vong”.
Tại Nhật Bản, có thể xem bài khảo cứu: “Ghi chép về sự phát triển của Mật giáo” của Đại Thôn Tây Nhai là tiểu biểu cho quan điểm đả kích sự hiện hữu và phát triển của Mật giáo vì hậu quả của nó là càng làm cho Phật giáo truyền thống càng bị sai lạc, suy bại. Bài khảo cứu gồm các phần chính:
Thứ 1: Bàn về truyền thuyết phó pháp của Mật giáo:
Truyền thuyết phó pháp của Mật giáo từ Đức Phật Tỳ Lô Giá Na đến Kim Cương Trí (671-741) đã được “biên soạn” mãi về sau nầy, cụ thể là từ các vị đệ tử của Đại sư Bất Không (705-774)
Thứ 2: Về Đức Phật Tỳ Lô Giá Na:
Không thể có, ngoài Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, còn có Đức Như Lai Đại Nhất xuất thế giáo hóa độ sanh, thuyết giảng kinh Đại Nhật, Kim Cang Đảnh… và như thế là mâu thuẫn.
Thứ 3: Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni bài xích chú thuật:
Những dẫn chứng từ các Kinh Trường A Hàm (quyển 14, quyển 16). Kinh Ma Đăng Già, Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả, Kinh Tăng Nhất A Hàm (quyển 12), Luật Tứ Phần (quyển 27), Luật Thập Tụng (quyển 9) để khẳng định điều nêu trên.
Thứ 4: Bàn về đầu mối của việc chú thuật xâm nhập Phật giáo.
Chú thuật đã manh nha và có ảnh hưởng đến Phật giáo khi Đức Phật còn tại thế, nhưng Đức Phật đã chế giới cấm chú thuật.
Trong 4 Bộ kinh A Hàm không có Đà la ni.
Kinh Phương Đẳng có xen tạp Mật chú: Phương Đẳng còn gọi là Phương Quảng, vốn có nghĩa là diễn nói rộng, rõ ràng chẳng phải là lời Phật trực tiếp nói. Vì vậy trong các kinh ấy thường có Mật chú, niên đại kiết tập càng về sau thì Mật chú càng nhiều…
Thứ 5: Thần vật ngoại đạo nhập vào Phật giáo: Hậu quả là: Về mặt hình thức, không thể phân biệt được đâu là Bà la môn giáo, đâu là Mật giáo:
Người viết đã cố gắng dựa theo sử liệu để ghi nhận về tiến trình của sự xâm nhập kể trên.
Thứ 6: Bồ tát Long Thọ không phải là Tổ của Mật giáo.
Tác giả đã dựa theo nhiều tư liệu, cùng khảo xét về các tác phẩm đích thực của Bồ tát Long Thọ, để bác bỏ truyền thuyết của Mật giáo cho Bồ tát Long Thọ là Tổ của Tông phái nầy…
Kết luận: Từ những tư liệu đã được nêu dẫn, nhất là tư liệu của Pháp sư Ấn Thuận, Ban Phiên dịch Pháp Bảo Đại Tạng Kinh đã đi đến quyết định: Đối với phần “Bộ Mật giáo” (ĐTK/ĐCTT, Tập 18-21, No 848 đến No 1420) chỉ chọn dịch:
* Kinh Thủ Lăng Nghiêm: (ĐTK/ĐCTT, Tập 19, No 945, 10 quyển, Hán dịch là Đại sư Bát Lạt Mật Đế) sử dụng bản Việt dịch-giải của Cư sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám.
* Chú Đại Bi và ….
Phụ chú
Tôi có, đệ tử pháp danh là Minh-Tánh vào học lớp Phật học nghiên cứu sở (lớp mở ban đêm) , xem “Sự Hưng khởi của mật giáo cùng với sự hoại diệt của Phật giáo về phẩm ba điểm đặc sắc của bí mật giáo” của Đại sư Ấn Thuận, liền nói rằng không hiểu mật tông mà phê bình “bậy” . sau đó có diệp đi Ấn độ, Népal học mật tông 7 năm. Về nói với tôi rằng: Đúng y như Đại sư Ấn Thuận nói một trăm phần trăm. Thầy Minh Tánh nói rằng: Thầy học Mật thì nhiều, bây giờ chưa trì chú Lăng Nghiêm thôi”.
[Mục lục bộ Mật giáo][Kinh thủ lăng nghiêm][Chú đại bi]