SỐ 1670 A

KINH NA TIÊN TỲ KHEO

Mất tên người dịch - Dựa theo bản thời Đông Tấn ghi chép.

QUYỂN THƯỢNG

Vào lúc Đức Phật an trú tại vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc ở nước Xá vệ, bấy giờ các Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu bà di, chư Thiên, Đại thần, Trưởng giả, nhân dân và những người theo chín mươi sáu loại ngoại đạo cùng tham gia, tất cả hơn một vạn người, hàng ngày hướng về trước Phật nghe giảng kinh. Đức Phật tự nghĩ: "Mọi người ngày càng nhiều, thân không được yên ổn". Ý Phật muốn rời bỏ mọi người đi đến ngồi nơi yên lặng tư duy về đạo. Đức Phật liền rời bỏ mọi người ra đi vào núi đến giữa rừng cây, cây lớn đó có vị thần cư trú. Đức Phật ngồi dưới cây đó tư duy về đạo. Cách cây lớn không xa có đàn voi khoảng năm, sáu trăm con, đứng giữa có voi chúa Hiền Thiện biết rõ mọi chuyện thiện ác, ví như hình dáng con người, đàn voi rất nhiều vây tròn xung quanh voi chúa. Những con voi nhỏ chạy ở chỗ có nước phía trước, chạy giỡn đùa nghịch khuấy động nước làm cho đục ngầu. Những chú voi nhỏ lại di chuyển về phía trước tranh nhau ăn những lùm cỏ ngon, chạy nhảy đùa giỡn giẫm đạp trên đó. Vì những con voi và đàn voi con bé nhỏ kia, khua động mặt nước làm cho đục ngầu - làm cho cỏ xanh không còn sạch sẽ, mà trái lại thường khi đói thì ăn cỏ mà chân mình giẫm đạp, khát thì uống nước mình đã khuấy lên đục ngầu. Voi chúa tự nghĩ: "Ta muốn bỏ đàn voi này để đi đến một nơi hoang vắng thư thái hơn". Voi chúa liền bỏ đàn voi mà đi, chuyển hướng đi vào núi đến giữa rừng cây Đầu la. Voi chúa trông thấy Đức Phật, tâm rất vui mừng, liền đến trước Phật cúi đầu quỳ gối để làm lễ Đức Phật, sau đó lùi lại đứng ở một bên. Đức Phật tự nghĩ: "Ta rời bỏ mọi người đến ở giữa rừng cây này, voi chúa cũng rời bỏ đàn voi để đến giữa rừng cây này, nghĩa đó thích hợp như nhau!"

Đức Phật vì voi chúa thuyết kinh rằng: "Phật ở giữa loài người là tôn quý nhất, voi chúa ở giữa loài voi là tôn quý nhất. Tâm Ta và trong tâm voi chúa thích hợp với nhau, nay Ta với voi chúa cùng ưa ở giữa rừng cây này". Voi chúa nghe kinh tâm ý lập tức khai mở hiểu biết ý Đức Phật. Voi chúa liền nhìn chỗ của Phật ngồi, thấy hơi giống như chỗ kinh hành, bèn dùng mũi lấy nước vẫy trên đất, dùng vòi vơ cỏ quét sạch đất, dùng chân giẫm đất làm cho thật bằng phẳng. Voi chúa nói: "Sớm tối luôn luôn hầu hạ Đức Phật như vậy". Sau đó Đức Phật nhập Niết-bàn, voi chúa không biết Đức Phật ở nơi nào, vì đi vòng quanh khắp nơi cầu tìm Đức Phật không được, bèn rống lên tuôn nước mắt ưu sầu không vui, không thể nào ăn uống được. Lúc ấy trong nước có ngôi chùa Phật ở trên núi tên gọi là Gia La Hoàn, trong chùa có năm trăm vị Sa-môn thường cư trú trong đó, đều là những vị đã đạt được đạo quả A-la-hán. Luôn luôn theo các ngày mồng 8, 14, 15, 23, 29 và 30 hằng tháng, lấy những ngày này làm thường lệ tụng kinh. Đến một sáng nọ voi chúa cũng đang trên núi và dừng lại ở trong chùa, voi chúa biết là có sáu ngày tụng kinh, đến ngày đó là đi vào trong chùa nghe kinh. Các vị Sa-môn biết ý voi chúa nghe kinh, lúc muốn tụng kinh chờ voi chúa đến mới tụng kinh. Voi chúa nghe kinh đến sáng không ngủ, không nằm, không cử động không lung lay, bởi vì voi chúa nhiều lần nghe kinh và được hầu hạ Đức Phật. Sau đó voi chúa vì thọ mạng đã hết mà chết. Sau khi chết liền hóa sanh làm người, đầu thai làm con sanh trong gia đình Bà-la-môn. Về sau tuổi trưởng thành không nghe kinh Phật cũng không tiếp xúc với Sa môn, liền bỏ nhà đi vào núi sâu theo học đạo khác, cư trú ở trên núi. Gần đó cũng có một đạo nhân Bà-la-môn cùng ở trên núi, đi lại với nhau làm tri thức cho nhau. Một người trong họ tự nghĩ rằng: "Mình không thể ở tại thế gian với đầy sầu lo khổ não già bệnh trước mắt, sau khi chết phải đi vào trong cảnh địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, và bần cùng khốn khổ, vì vậy cho nên mình cần phải cạo bỏ râu tóc mặc ca sa, mong cầu đạo quả La hán đi vào Niết-bàn". Một người còn lại tự nghĩ rằng: "Mình mong muốn và cầu được làm Quốc Vương một cách tự tại, khiến cho dân chúng thiên hạ thuận theo lời mình chỉ dẫn như vậy". Về sau cả hai người đều mạng chung, cùng sanh làm người ở thế gian. Một người trước kia có cầu mong được làm Quốc Vương, thì sanh ở tại vùng ven biển làm Thái tử của Quốc Vương tên gọi Di Lan Đà. Một người ở đời trước kia mong muốn cạo bỏ râu tóc làm Sa môn cầu đạo quả La hán đi vào Niết-bàn, thì sanh ở tại Thiên Trúc tự là Đà Liệp, khi sanh ra có Ca sa dính vào mình. Khi ấy tại nhà đó có một con voi lớn cùng sanh một ngày, theo phong tục Thiên Trúc chữ "Voi “nghĩa là Na. Cha mẹ Ngài nhân đó đặt tên cho Ngài là Na Tiên. Năm mười lăm, mười sáu tuổi, Na Tiên có người cậu tên là Lâu Hán, học đạo làm Sa môn có tài năng rất cao thế gian không ai sánh được, đã đạt được đạo quả A-la-hán, có thể đi ra từ nơi không có khe hở , đi vào được nơi không có lỗ hổng, biến hóa tự tại không có gì không làm được, nhân dân trên trời dưới đất và các loại bò bay máy cựa, tâm tư nghĩ gì đều biết rõ ràng dù họ không nói ra, cũng biết rõ họ sanh ra từ đâu, chết đi vào đường nào. Na Tiên đến chỗ người cậu và tự nói rằng: "Con thích đạo Phật muốn được làm Sa môn, con làm đệ tử cậu, cậu có thể giữ con lại làm Sa môn được chăng?" Lâu Hán thương xót cho đứa cháu, trước mắt quyết định cho làm Sa di thọ mười giới, hàng ngày tụng kinh tư duy về Giới kinh đã đạt được Tứ thiền, biết hết các kinh quan trọng.

Lúc ấy trong nước có ngôi chùa Phật tên gọi Hòa Đan, trong chùa có năm trăm vị Sa môn đều đạt được đạo quả La hán. Trong đó có vị La hán thứ nhất tên gọi Át-ba-viết, có năng lực biết rõ mọi chuyện trên trời dưới đất, quá khứ hiện tại vị lai đều thông. Na Tiên đến tuổi hai mươi thì thọ Đại giới thành một Sa môn, liền đi vào trong chùa Hòa Đan đến nơi của Át-ba-viết. Lúc ấy năm trăm La hán vừa dịp vào ngày mười lăm thuyết Giới kinh của Đại Sa môn. Các Đại Sa môn đều ngồi xuống, Át- ba-viết nhìn biết các vị Sa môn trong chỗ ngồi, đều là La hán, chỉ một mình Na Tiên chưa đạt được quả vị La hán. Át-ba-viết nói: "Ví như trong thúng gạo, giữa thúng gạo đang trắng có một hạt gạo đen, thì thúng gạo sẽ không còn thuần khiết. Nay trong chỗ Ta ngồi đều là gạo trắng thanh tịnh, chỉ có Na Tiên là gạo đen chưa đạt đến La hán mà thôi". Na Tiên nghe Át-ba-viết nói như vậy, lòng rất ưu sầu đứng dậy làm lễ với năm trăm vị Sa môn rồi đi ra, tự nghĩ rằng mình không nên vào ngồi trong chỗ ngồi này, giống như trong đàn sư tử có một con chó, từ nay về sau nếu mình không đắc đạo thì không vào ngồi trong đó. Át- ba-viết biết rõ ý của Na Tiên, đưa tay xoa đầu Na Tiên và nói: "Không bao lâu ông sẽ đạt được đạo quả La hán chớ ưu sầu làm gì!" Trước mắt làm cho Na Tiên ở lại. Na Tiên lại có một vị Thầy tuổi khoảng tám mươi-chín mươi tên là Gia-duy-viết. Lúc ấy, có một người Ưu-bà-tắc tên Đại Hiền Thiện, ngày ngày chu cấp cơm cho vị Thầy Ca-duy-viết. Một hôm, Na Tiên tạm thời thay Thầy ôm bình bát đi lấy cơm và thức ăn. Thầy bảo Na Tiên miệng ngậm nước, đi đến nhà Ưu-bà-tắc lấy cơm và thức ăn đã chuẩn bị. Ưu-bà-tắc trông thấy Na Tiên trẻ tuổi mà đoan chánh khác hẳn so với người có tên tuổi, trí tuệ xa rộng có chí hướng và có năng lực giảng giải kinh pháp. Ưu-bà-tắc thấy Na Tiên bèn tiến lên phía trước để làm lễ và vòng tay nói: "Các vị Sa môn nhận cơm lâu ngày, chưa từng có vị nào thuyết kinh cho tôi cả, nay tôi đi theo Na Tiên thỉnh cầu thương xót, giảng giải kinh pháp cho tôi để tôi hiểu rõ tâm ý mình!" Na Tiên tự nghĩ: "Mình nhận lời căn dặn của Thầy khiến mình miệng ngậm nước không được nói, nay mình nhổ nước ra là phạm đến yêu cầu của Thầy, như vậy nên làm thế nào?" Na Tiên biết Ưu-bà-tắc ấy cũng có tài năng chí hướng cao cả, mình giảng giải kinh pháp cho người ấy là muốn họ ngay lập tức được giác ngộ. Na Tiên liền nhổ nước đi rồi ngồi xuống để thuyết kinh rằng: "Con người nên bố thí làm mọi điều phước thiện và vâng mạng thực hành kinh giới của Phật, sau khi chết sanh ở thế gian thì được giàu sang. Người không phạm kinh giới, đời sau không đi vào trong đường địa ngục quỉ súc sanh và trong những nơi nghèo túng, nhất định sanh lên cõi trời". Ưu- bà-tắc nghe Na Tiên giảng giải kinh pháp thì tâm tư rất hoan hỷ. Na Tiên biết tâm tư của Ưu-bà-tắc hoan hỷ, thì tiếp tục thuyết kinh cho người ấy nghe: "Mọi vật ở thế gian đều là quá khứ vốn không có gì thường còn, những gì đã tạo ra đều là luôn luôn đau khổ, mọi vật đều không được tự tại, chỉ có con đường Niết-bàn là không sanh, không già, không bệnh, không chết, không tất cả mọi điều sầu lo khổ não, mọi điều xấu ác đau khổ đều tiêu diệt hết". Na Tiên thuyết kinh xong, Ưu-bà-tắc liền đạt được đạo quả thứ nhất là Tu đà hoàn. Na Tiên cũng đạt được đạo quả Tu đà hoàn. Ưu- bà-tắc vô cùng hoan hỷ, liền nhanh chóng làm cơm có đủ những món ăn ngon nhất cúng cho Na Tiên. Na Tiên bảo với Ưu-bà-tắc: "Trước hết hãy lấy cơm và đồ ăn đặt vào trong bình bát của Thầy!" Na Tiên ăn cơm xong rửa mặt súc miệng đàng hoàng sạch sẽ, mang cơm thức ăn trở về với Thầy. Thầy trông thấy liền nói: "Hôm nay ông mang cơm thức ăn ngon về, đã phạm vào điều quan trọng của mọi người, phải đuổi ông ra!" Na Tiên rất ưu sầu không vui. Thầy bảo rằng: "Tỳ kheo Tăng tập hợp!" Tất cả tập hợp lại cùng ngồi yên lặng. Thầy nói: "Na Tiên phạm vào điều quan trọng của mọi người chúng ta rồi, nên đuổi ra không cho ở lại trong chúng."

Át-ba-viết muốn giữ Na Tiên lại bèn thuyết kinh rằng: "Ví như có người bắn một mũi tên trúng hai điểm chuẩn, Na Tiên tự đắc đạo, cũng lại khiến cho Ưu-bà-tắc đắc đạo, không nên đuổi ra!" Thầy Ca- duy-viết nói: "Cho dù dùng một mũi tên bắn trúng trăm điểm chuẩn, mà hội tụ vi phạm đến nhiều người quyết không được giữ lại. Người khác giữ giới không có thể giống như Na Tiên mà đắc đạo, nếu như bắt chước Na Tiên thì thì về sau không cách gì bỏ được". Trong chúng đều ngồi lặng lẽ, Thầy bảo lập tức đuổi Na Tiên ra!" Na Tiên liền dập đầu mặt lạy dưới chân Thầy, đứng lên làm lễ tất cả các vị Tỳ kheo Tăng xong, rồi ra đi hướng vào núi sâu ngồi dưới tán cây, ngày đêm tinh tiến tư duy về đạo không lơi lỏng, tự thành tựu đạt được đạo quả La hán, có năng lực bay đi giữa không trung và nhìn rất rõ, nghe rất rõ, biết mọi ý niệm thiện ác trong tâm tư người khác, tự biết đời trước mình đã sanh ra trải qua những nơi nào. Đã đạt được đạo quả La hán, rồi bèn trở về vào trong chùa Hòa Đan, đến nơi các vị Tỳ kheo, trước họ cúi đầu hối hận về sai lầm của mình cầu xin hòa giải. Các vị Tỳ kheo Tăng liền tùy hỷ chấp thuận. Na Tiên làm lễ xong, thì ra ngoài tiếp tục đi đến hướng vào các quận huyện, những nơi đường sá khúc khuỷu làng xóm hoang vắng, giảng giải kinh giới cho mọi người, dạy bảo mọi người làm điều thiện. Trong đó có người thọ Ngũ giới, có người đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, có người đạt được quả vị Tư- đà-hàm, có người đạt được quả vị A-na-hàm, có người làm Sa môn đạt được quả vị La hán. Đế Thích cõi trời Đao Lợi thứ hai, Phạm Vương cõi trời thứ bảy, Thiên Vương cõi trời thứ tư đều đến trú sở của Na Tiên để làm lễ, gập đầu mặt sát vào chân Na Tiên rồi lùi lại ngồi xuống. Na Tiên liền giảng giải kinh pháp cho chư Thiên. Tên tuổi Na Tiên nổi tiếng khắp nơi. Những nơi Na Tiên đi qua, chư Thiên nhân dân quỉ thần và mọi loài khác trông thấy Na Tiên không có ai là không hoan hỷ, tất cả đều có được phước duyên của mình.

Na Tiên tiếp tục chuyển đến nước Xá Kiệt vùng Thiên Trúc, dừng lại trong chùa Tiết-để-ca, vì nhân duyên đời trước nên có một người tri thức tại miền ven biển, làm con trai của Quốc Vương tên là Di Lan Đà. Di Lan Đà thuở niên thiếu ít thích đọc kinh Phật mà học theo đạo khác, kinh pháp của ngoại đạo đều biết, người ngoại đạo không có ai hơn được. Sau khi vua cha băng hà, Di Lan Đà lên ngôi trị vì. Nhà vua hỏi quần thần tả hữu rằng: "Đạo sĩ và nhân dân trong nước ta ai là người có thể cùng trẫm chất vấn kinh đạo?" Quần thần thưa rằng: "Có vị theo học Phật đạo, người ta gọi là Sa môn, trí tuệ người đó uyên thâm tuyệt vời, có thể cùng với Đại Vương chất vấn về kinh đạo. Nước chư hầu lớn ở phương Bắc tên là Sa Kiệt, vốn là cung điện của Đại Vương xưa kia, trong ngoài đất nước đó an ổn và nhân dân đều lương thiện. Bốn phía của thành đó đều có đường lưu thông, các cửa thành đều có chạm khắc tinh xảo, và các nước chư hầu nhỏ đều có nhiều người tài giỏi, nhân dân mặc áo quần nhiều màu rực rỡ sáng ngời. Cõi nước cao ráo rất nhiều châu báu, người buôn bán khắp nơi mua bán trao đổi đều dùng tiền vàng. Ngũ cốc dồi dào và rẻ, trong nhà có những loại vật nuôi, vui sướng không thể nói hết.

Vua Di Lan Đà lấy chánh pháp quản lý đất nước, tài cao có trí tuệ sáng tỏ mọi chuyện triều chính, binh thư chiến lược không loại nào không thông suốt, có thể biết rõ chín mươi sáu loại ngoại đạo, sự hỏi han không cùng tận, người vừa nói ra, vua biết trước được ý định của họ. Nhà vua nói với cận thần rằng: "Trong nước này đâu thể có vị Sa môn nào thông hiểu kinh pháp, có thể cùng với Trẫm chất vấn giảng giải về kinh pháp đạo lý, đúng không?" Cận thần của nhà vua tên là Triêm Di Lợi Vọng Quần, thưa với nhà vua rằng: "Đúng vậy. Nhưng có vị Sa môn tên gọi Dã Hòa La, thông hiểu kinh pháp đạo lý có năng lực cùng với Đại Vương chất vấn về kinh pháp đạo lý. Nhà vua liền truyền cho Triêm Di Lợi Vọng Quần, lập tức đi đến mời thỉnh Dã Hòa La rằng: "Đại Vương muốn gặp Đại Sư!" Dã Hòa La nói: "Nhà vua muốn gặp nhau thì rất tốt, nhưng nhà vua hãy tự mình đến, Ta không thể đến đó". Triêm Di Vọng Quần liền trở về thưa với nhà vua như vậy". Nhà vua lập tức lên xe cùng với năm trăm tùy tùng đi đến trong chùa, để gặp Dã Hòa La. Trước tiên chào hỏi nhau rồi ngồi xuống, năm trăm kỵ binh tùy tùng đều ngồi theo.

Nhà vua hỏi Dã Hòa La: "Khanh vì những nguyên cớ nào mà bỏ gia đình xa vợ con, cạo đầu mặc ca sa làm Sa môn?" Khanh đã cầu mong những đạo lý như thế nào?" Dã Hòa La nói: "Tôi theo học Phật đạo thực hành hợp với phép tắc, ở tại đời này có được phước đức đó, ở đời sau cũng có được phước đó, vì nguyên cớ này mà tôi cạo đầu khoác ca sa làm Sa môn. Nhà vua hỏi Dã Hòa La: "Nếu như có người bình thường ở nhà, có vợ con thực hành hợp với phép tắc, ở đời này có được phước đức đó, vào đời sau cũng có được phước đó hay không?" Dã Hòa La nói: "Người bình thường ở nhà có con cái vợ chồng mà thực hành hợp với phép tắc, thì ở đời này có được phước đức đó, vào đời sau cũng có được phước ấy". Nhà vua nói: "Vì sao khanh bỏ gia đình, bỏ vợ con, cạo đầu khoác ca sa làm Sa môn để làm gì?" Dã Hòa La lặng thinh không thể trả lời nhà vua. Cận thần cạnh nhà vua thưa rằng: "Vị Sa môn này là người có trí tuệ rất rõ ràng thông suốt, bức bách quá không kịp nói mà thôi, rồi đều giơ tay nói: "Đại Vương được thắng rồi!" Dã Hòa La lặng thinh chịu thua". Nhà vua quay nhìn mọi nơi, thấy nét mặt của các Ưu-bà-tắc cũng chẳng chút hỗ thẹn. Nhà vua tự nghĩ: "Những Ưu-bà-tắc này nét mặt chẳng có chút xấu hỗ, tức còn có Sa môn sáng tỏ hơn mức bình thường có thể cùng với mình chất vấn nhau vậy". Nhà vua bảo với cận thần Triêm Di Lợi: "Đây còn vị Sa môn nào có trí tuệ sáng suốt có thể cùng chất vấn kinh pháp đạo lý với Ta đúng không?" Na Tiên là thầy của các vị Sa môn, biết nhiều kinh pháp cần phải chất vấn, Na tiên khéo léo giảng giải mười hai phẩm kinh, hiểu rõ các loại phân chương ngắt câu khác biệt, biết rõ đạo lý của Niết- bàn, không có ai có năng lực triệt để, không có ai có năng lực thắng được, trí tuệ giống như sông biển, có thể hàng phục chín mươi sáu loại ngoại đạo, được hàng đệ tử Phật rất yêu quý và tôn kính, lấy kinh pháp đạo lý để giảng dạy, Na Tiên đến nước Xá Kiệt, những đệ tử ở đi theo Ngài đều là người tài giỏi, Na Tiên giống như con sư tử dũng mãnh.

Triêm Di Lợi thưa với nhà vua: "Có Sa môn tên là Na Tiên, trí tuệ rất vi diệu, biết rõ nội dung quan trọng của các kinh pháp đạo lý, có thể giải tỏa sự nghi ngờ cho người khác không điều gì không thông suốt, có thể cùng với Đại Vương chất vấn kinh pháp giảng giải về đạo lý". Nhà vua hỏi Triêm Di Lợi: "Đích xác là có thể cùng chất vấn kinh pháp đạo lý với Trẫm hay không?" Triêm Di Lợi thưa: "Vâng!" Vị Sa môn ấy thường cùng Phạm Thiên ở cõi trời thứ bảy chất vấn kinh pháp giảng giải đạo lý với nhau, huống là đối với vua ở cõi người. Nhà vua lập tức truyền cho Triêm Di Lợi đi thỉnh Na Tiên đến. Triêm Di Lợi liền đến chỗ của Na Tiên thưa rằng: "Đại Vương muốn gặp Ngài!" Na Tiên nói: "Tốt lắm!" Lập tức cùng với đệ tử theo nhau đi đến chỗ nhà vua. Tuy nhà vua chưa từng gặp mặt, nhưng Na Tiên khoác pháp phục bước đi ở giữa mọi người, có dáng dấp khác hẳn cùng với người khác. Nhà vua thấy từ xa ngầm biết là Na Tiên, nhà vua tự nói rằng: "Từ trước đến nay mình đã thấy qua rất nhiều người, rất nhiều lần vào trong chỗ ngồi lớn, chưa từng tự cảm thấy sợ hãi như hôm nay trông thấy Na Tiên. Hôm nay Na Tiên chắc chắn thắng được mình, tâm mình lo sợ không yên". Triêm Di Lợi dừng lại phía trước thưa với nhà vua rằng: "Na Tiên đã khởi hành từ sáng sớm tới giờ". Nhà vua liền hỏi Triêm Di Lợi: "Người nào là Na Tiên?" Triêm Di Lợi, nhân đó chỉ rõ cho nhà vua biết. Vua vô cùng hoan hỷ, thật đúng như ý mình đã ngầm biết.

Na Tiên đã đến, nhà vua nhân đó tiến lên chào hỏi nhau đôi lời, nhà vua quả là rất hoan hỷ, tiện thể cùng nhau ngồi đối diện. Na Tiên nói với nhà vua rằng: "Kinh Phật thuyết như vầy: "Lợi ích lớn nhất của con người là an ổn, giàu có lớn nhất của con người là biết đủ, giá trị lớn nhất của con người là có niềm tin, và niềm vui sướng lớn nhất là đạo quả Niết-bàn". Nhà vua liền hỏi Na Tiên: "Tên của khanh như thế nào?" Na Tiên nói: "Cha mẹ đặt tên tôi là Na Tiên, mọi người gọi tôi là Na Tiên, có lúc cha mẹ gọi tôi là Thủ Na Tiên, có lúc cha mẹ gọi tôi là Duy Na Tiên, vì vậy cho nên mọi người đều nhận biết tôi, người thế gian đều có đặt tên cho cái "Tôi" như thế. Nhà vua hỏi Na Tiên: "Ai là Na Tiên?" Nhà vua lại hỏi rằng: "Đầu là Na Tiên chăng?" Đáp: "Không phải là Na Tiên". Nhà vua lại nói: "Tai mũi miệng là Na Tiên chăng?" Đáp: "Không phải là Na Tiên. Nhà vua lại nói: "Má gáy vai tay chân là Na Tiên chăng?" Đáp : "Không phải là Na Tiên". Nhà vua lại nói: "Đùi chân là Na tiên chăng?" Đáp: "Không phải là Na tiên". Nhà vua lại nói: "Nhan sắc là Na Tiên chăng?" Đáp: "Không phải là Na Tiên". Nhà vua lại nói: "Khổ vui là Na Tiên chăng?" Đáp: "Không phải là Na Tiên. Nhà vua lại nói: "Thiện ác là Na Tiên chăng?" Đáp: "Không phải là Na Tiên". Nhà vua lại hỏi: "Thân là Na Tiên chăng?" Đáp: "Không phải là Na Tiên". Nhà vua lại hỏi: "Tim gan phổi thận ruột già ruột non là Na Tiên chăng?" Đáp: "Không phải là Na Tiên". Nhà vua lại hỏi: "Mặt mũi tay chân hợp lại là Na Tiên chăng?" Đáp: "Không phải là Na Tiên". Nhà vua lại hỏi: "Khổ vui thiện ác thân tâm hợp lại, điều này lẽ nào là Na Tiên chăng?" Đáp: "Không phải là Na Tiên. Nhà vua lại hỏi: "Không có khổ vui, không có nhan sắc, không có thiện ác, không có thân tâm, không có năm điều này, có phải là Na Tiên chăng?" Na Tiên nói: "Không phải là Na Tiên. Nhà vua lại hỏi: "Âm hưởng của hơi thở hổn hển có phải là Na Tiên chăng?" Na Tiên nói: "Không phải là Na Tiên". Nhà vua nói: "Vậy thì như thế nào là Na Tiên?"

Na Tiên hỏi nhà vua: "Ở nơi đâu là chiếc xe vậy, cái trục là chiếc xe ư?" Nhà vua nói: "Không là chiếc xe. Na Tiên nói: "Cái bánh là chiếc xe ư?" Nhà vua nói: "Cái bánh không phải là chiếc xe. Na Tiên nói: "Nan vành là là xe ư?" Đáp: "Không phải là xe. Na Tiên nói: "Vành bánh xe là xe ư?" Đáp: "Không Không phải là xe. Na Tiên nói: "Gọng càng là xe ư?" Đáp: "Không phải là xe. Na Tiên nói: "Cái mui là xe ư?" Đáp: "Không phải là xe. Na Tiên nói: "Gọng càng là xe ư?" Đáp: "Không phải là xe". Cái ách là xe ư?" Đáp: "Không phải là xe". Na Tiên nói: "Cái thùng là xe ư?" Đáp: "Không phải là xe". Na Tiên nói: "Cái mui là xe ư?" Đáp: "Không phải là xe". Na Tiên nói: "Tập hợp tất cả các thứ bằng gỗ này lại một phía, có phải là xe ư?" Đáp: "Không phải là xe". Na Tiên nói: "Tiếng lộc cộc là xe ư?" Đáp: "Không phải là xe. Na Tiên nói. Vậy như thế nào là xe?" Nhà vua lặng lẽ không nói gì. Na Tiên nói: "Kinh Phật thuyết là tập hợp tất cả các thứ bằng gỗ này, dùng để làm xe nhờ đó có được chiếc xe. Con người cũng như vậy, tập hợp toàn bộ đầu mặt mắt tai mũi miệng môi má cổ gáy vai đùi xương thịt tay chân tim gan phổi thận ruột già ruột non diện mạo nhan sắc âm vang hơi thở khổ vui thiện ác cùng làm thành một con người. Nhà vua nói: "Hay quá!" Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi rằng: "Na Tiên có thể cùng với Trẫm chất vấn kinh pháp giảng giải đạo lý hay không?" Na Tiên nói: "Nếu như nhà vua làm một người trí tuệ để hỏi thì tôi có thể cùng đối đáp với nhà vua, nếu làm một vị vua để hỏi hay là một người ngu dốt để hỏi, thì tôi không thể đối đáp với nhau được. Nhà vua nói: "Người trí tuệ hỏi, vị vua hỏi và kẻ ngu dốt hỏi?" Na Tiên nói: "Người trí tuệ nói thì đối với tướng vặn hỏi tự mình xét lời nói trước cùng với lời nói sau, lời nói có thắng bại thì tự mình biết; đây là lời của người trí tuệ. Hàng vua chúa nói thì nói tự do, người nào dám có sự chống đối không giống như vua nói, thì vua lập tức dùng quyền hành trách phạt người đó; đây là lời của hàng vua chúa. Người ngu dốt nói thì nói đúng không thể tự mình biết được, nói sai cũng không thể tự mình biết được, u mê đần độn tự cho mình là hơn hẳn mà thôi; đây là lời của kẻ ngu dốt."

Nhà vua nói: "Xin dùng lời nói của người trí tuệ, không dùng lời nói của hàng vua chúa và kẻ ngu dốt, không giữ ý đối với của hàng vua chúa mà nói với trẫm, nên nói như nói với các vị Sa môn, nên nói như nói với các đệ tử của Sa môn, hãy nói giống như lời nói với các Ưu-bà-tắc, hãy nói giống như lời nói với người giúp việc, hãy vì khai ngộ cho nhau!" Na Tiên nói: "Tốt lắm!"

Nhà vua nói: "Trẫm có những điều muốn hỏi". Na Tiên nói: "Nhà vua cứ hỏi". Nhà vua nói: "Trẫm đã hỏi". Na Tiên nói: "Tôi đã trả lời". Nhà vua nói: "Trả lời Trẫm những lời nói như thế nào?" Na Tiên nói: "Nhà vua hỏi tôi những lời như thế nào?" Nhà vua nói: "Trẫm không hề hỏi gì". Na Tiên nói: "Tôi cũng không hề trả lời gì". Nhà vua đã biết Na Tiên là người trí tuệ sáng suốt vô cùng. Nhà vua nói: "Trẫm vừa mới hướng đến nhiều điều đã hỏi, ngày lại sắp hết nên làm sao ngày mai phải thỉnh mời Na Tiên vào trong cung để dễ dàng cùng nhau hỏi han cặn kẽ?" Triêm Di Lợi Vọng Quần liền thưa với Na Tiên rằng: "Ngày đã tối và nhà vua phải hồi cung, ngày mai nhà vua sẽ thỉnh tiếp Na Tiên. Na Tiên nói: "Tốt lắm!"

Nhà vua liền làm lễ với Na Tiên lên xe trở về hoàng cung, ngồi trên xe cứ mãi nghĩ đến Na tiên. Đến ngày mai Triêm Di Lợi Vọng Quần và cận thần thưa với nhà vua rằng: "Nên thỉnh Na Tiên hay không?" Nhà vua nói: "Phải thỉnh!" Triêm Di Lợi Vọng Quần thưa rằng: "Thỉnh mời nên để cho bao nhiêu vị Sa môn cùng đến?" Nhà vua nói: "Tùy ý, Na Tiên cùng với bao nhiêu Sa môn cùng đến cũng được". Viên quan chủ kho tên là Xan, thưa với nhà vua rằng: "Lệnh cho Na Tiên cùng với mười vị Sa môn đến được không?" Như vậy thưa đến ba lần. Nhà vua nổi giận quát rằng: "Tại vì sao phải nhất định lệnh cho Na Tiên cùng với mười vị Sa môn đến?" Nhà vua nói: "Ngươi tên là Xan (bủn xỉn), không thể vọng cưỡng tiếc vật của nhà vua như của chính ngươi, ngươi có biết chống lại ý vua sẽ như thế nào không?" Sẽ bị trừng phạt tội rất nặng. Tuy nói vậy mà Ta cũng có thể thương xót tha tội cho ngươi. Ta làm vua một nước lẽ nào không thể đãi các vị Sa môn bữa cơm hay sao?" Xan vô cùng khiếp sợ không dám nói nữa. Triêm Di Lợi Vọng Quần đến chỗ ở của Na tiên, làm lễ xong thưa rằng: "Đại Vương thỉnh Ngài đến!" Na Tiên nói: "Nhà vua ra lệnh cho tôi mang theo bao nhiêu Sa môn cùng đến?" Triêm Di Lợi Vọng Quần nói: "Tùy ý Ngài mang theo bao nhiêu vị Sa môn cũng được". Na Tiên liền cùng với Dã Hòa La và tám mươi Sa môn cùng đi. Triêm Di Lợi Vọng Quần muốn vào thành lúc sáng sớm, ở giữa đường đi cùng với Na Tiên hỏi: "Hôm qua, đối diện nhà vua Ngài nói không có Na Tiên, là tại vì sao?" Na Tiên bèn hỏi Triêm Di Lợi: "Vậy theo ý của ông thì nơi nào là Na Tiên?" Triêm Di Lợi Vọng Quần nói: "Tôi cho rằng hơi thở ra vào làm cho thọ mạng tồn tại là Na tiên. Na Tiên hỏi rằng: "Hơi thở con người một khi đi ra mà không trở vào lại, con người đó há còn sống hay không?" Triêm Di Lợi Vọng Quần nói: "Hơi thở đi ra không trở vào lại thì nhất định là chết". Na Tiên nói: "Như người thổi quả kèn, hơi thở đi ra không trở vào lại; như người thợ rèn dùng ống vàng thổi hơi cho lửa cháy to, lúc vừa đi ra có thể trở vào lại không?" Triêm Di Lợi Vọng Quần nói: "Không thể trở lại. Na Tiên nói: "Cùng hơi thở đi ra không trở vào lại , tại vì sao con người hãy còn không chết?" Triêm Di Lợi Vọng Quần nói: "Giữa hơi thở với nhau tôi không biết, mong rằng Na Tiên giải thích điều ấy cho bọn tôi!" Na Tiên nói: "Hơi thở vào ra hổn hển đều là việc ở trong thân, như người ta có những ý nghĩ trong tâm thì lưỡi là cái nói ra, đều là việc của lưỡi; ý có những tâm niệm nghi ngờ, đó là việc của tâm, tất cả đều có trách nhiệm của mình, vì thế coi như hư không chẳng có gì là Na Tiên". Triêm Di Lợi Vọng Quần liền được mở rộng tâm tư thông suốt, thọ năm giới trở thành một Ưu-bà-tắc.

Na Tiên bèn tiến vào cung đến trên điện của nhà vua, nhà vua liền đến trước làm lễ Na Tiên rồi lùi lại, Na Tiên bắt đầu ngồi xuống, tám mươi vị Sa môn đều cùng nhau ngồi xuống. Nhà vua tự tay bưng cơm nước thức ăn đặt trước Na Tiên. Bữa cơm đã xong, rửa tay uống nước rồi, nhà vua tặng các vị Sa môn mỗi người một chiếc ca sa vải bông và một đôi giày da, tặng Na Tiên và Dã Hòa La mỗi vị ba chiếc ca sa cùng một đôi giày da. Nhà vua nói với Na Tiên và Dã Hòa La rằng: "Thỉnh mười người cùng ở lại, còn những người khác đều cho phép trở về trú xứ". Na Tiên liền cho phép những Sa môn khác trở về, chỉ giữ lại mười vị cùng tham dự. Nhà vua truyền cho các kỹ nữ, người quyền quý ở Hậu cung, tất cả ra nơi chính điện, ngồi đằng trong buông rèm nghe nhà vua cùng với Na Tiên chất vấn về kinh pháp đạo lý. Lúc ấy các kỹ nữ, quý nhân đều bước ra chính điện, ngồi sau rèm nghe Na Tiên thuyết kinh. Lúc này nhà vua mang toà ngồi ở phía trước mặt Na Tiên, nhà vua hỏi Na Tiên rằng: "Nên nói về những đạo lý nào đây?" Na Tiên nói: "Năm dục tùy theo muốn nói điều gì thì sẽ nói về điều cần phải nói". Nhà vua nói: "Đạo của các khanh cho điều gì là tốt đẹp nhất?" Vì nguyên nhân gì mà làm Sa môn?" Na Tiên nói: "Đạo của chúng tôi mong muốn từ bỏ khổ não của thế gian, không muốn đời sau lại phải chịu khổ não cho nên chúng tôi làm Sa môn. Nhà vua nói: "Hàng Sa môn đều như vậy sao?" Na Tiên nói: "Không hoàn toàn vì nguyên cớ này, mà làm Sa môn có nhiều hạng. Trong đó có người mắc phải nợ nần mà làm Sa môn, có người sợ quan chức uy quyền mà làm Sa môn, có người vì nghèo túng khốn khổ mà mà làm Sa-môn. Na Tiên nói tiếp: "Nay tôi chỉ nói đến hạng mong muốn thoát khỏi ái dục khổ não diệt trừ khổ đau trong đời này, chí tâm cầu đạo cho đời sau mà làm Sa môn thôi. Nhà vua nói: "Hiện tại khanh vì nguyên cớ này mà làm Sa môn ư?" Na Tiên nói: "Tuổi nhỏ thích làm Sa môn bởi có biết kinh pháp đạo lý của Phật, vì vậy mong muốn trừ bỏ khổ não của đời này và đời sau, do đó tôi làm Sa môn. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua hỏi rằng: "Có phải có người sau khi chết rồi sanh trở lại hay sao?" Na Tiên nói: "Con người có ân ái tham dục, đời sau vẫn trở lại sanh làm người. Người không còn ân ái tham dục thì đời sau sẽ không sanh trở lại". Nhà vua nói: "Người nào đem hết tâm tư nghĩ đến Chánh pháp, đời sau không sanh trở lại sao?" Na Tiên nói: "Người hết lòng nghĩ đến Chánh pháp, đến trí tuệ và các điều thiện khác, thì đời sau không sanh trở lại. Nhà vua nói: "Con người lấy thiện tâm nghĩ đến Chánh pháp cùng với trí tuệ thông minh, hai điều này lẽ nào có nghĩa như nhau hay sao?" Na Tiên nói: "Nghĩa đó hoàn toàn khác nhau chứ không thể như nhau. Nhà vua nói: "Các loại gia súc như trâu bò dê ngựa… đều tự nó có mưu trí mà tâm của chúng không giống nhau. Na Tiên nói: "Nhà vua đã từng thấy người gặt lúa hay không, tay trái cầm cây lúa tay phải cắt gốc lúa". Na Tiên tiếp: "Người trí tuệ thông minh đoạn tuyệt ái dục, giống như người gặt hái lúa chín vậy". Nhà vua nói: "Hay lắm!" Hay lắm!"

Nhà vua lại hỏi: "Này Na tiên!" Như thế nào là những điều thiện khác?" Na Tiên nói: "Niềm tin đích xác, hiếu thuận, tinh tiến, nghĩ đến điều thiện, nhất tâm, trí tuệ đều là những việc thiện". Nhà vua nói: "Như thế nào là có niềm tin đích xác?" Na Tiên nói: "Niềm tin đích xác giải tỏa sự nghi ngờ của con người, tin có Phật, tin vào kinh Pháp, tin vào Tỳ kheo Tăng, tin có đạo quả La hán, tin có đời này, tin có đời sau, tin vào sự hiếu thuận với cha mẹ, tin làm điều thiện được phước thiện, tin làm điều ác phải chịu quả ác. Có niềm tin thì từ nay về sau tâm sẽ thanh tịnh mà xa rời năm điều ác. Như thế nào là năm điều ác?" Đó là:

1. Tham dâm

2. Nóng nảy giận dữ

3. Lười biếng ham ngủ

4. Đàn ca xướng hát

5. Nghi ngờ.

Người nào không rời bỏ năm điều ác này thì tâm ý không ổn định, rời bỏ năm điều ác này thì tâm tư sẽ thanh tịnh. Na Tiên tiếp: "Ví dụ như Giác Ca Việt Vương, người ngựa xe cộ theo nhau vượt qua con rạch, khiến cho nước đục ngầu dơ bẩn, khi vượt qua hết rồi thì nhà vua khát nước muốn có được nước uống, nhà vua có viên ngọc làm sạch nước đặt vào trong nước thì lập tức trở nên trong sạch, nhà vua đã có được nước sạch để uống". Tâm con người có năm điều ác giống như nước đục, các đệ tử Phật vượt qua và thoát khỏi con đường sanh tử, tâm con người thanh tịnh giống như viên ngọc làm sạch nước. Con người đẩy lùi các điều ác thì niềm tin đích xác thanh tịnh giống như viên ngọc sáng dưới ánh trăng rạng ngời. Nhà vua nói: "Hay quá!" Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Tinh tiến với niềm tin đích xác ấy là thế nào?" Na Tiên nói: "Các đệ tử Phật từ trong hàng ngũ tiếp xúc với nhau giảng giải cho nhau nghe về những gì thanh tịnh. Trong đó có người đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, có người đạt được quả vị Tư-đà-hàm, có người đạt được quả vị A-na-hàm, có người đạt được quả vị A-la-hán. Nhờ đó cần phải tự mình thực hành hiệu quả cùng với niềm tin đích xác thì đạt được quả vị giải thoát. Na Tiên nói: "Ví như trên núi mưa to, nước trên núi chảy xuống mênh mông, người hai bên bờ hoàn toàn không biết mức nước cạn sâu, sợ không dám tiến lên. Nếu như có người ở phương xa đến, nhìn mức nước ngầm biết là nước rộng hẹp sâu cạn, tự biết sức lực với thế chủ động đi vào nước thì có thể vượt qua để đi tiếp. Người hai bên bờ liền đi theo sau vượt qua được tất cả. Các đệ tử Phật cũng như vậy, tâm con người thanh tịnh thì đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, đạt được quả vị Tư-đà-hàm, đạt được quả vị A-na-hàm, đạt được quả vị A-la-hán, thiện tâm tinh tiến đạt được quả vị là như vậy. Trong kinh Đức Phật có dạy rằng: "Người có tâm tin tưởng đích xác có thể tự độ được mình thoát khỏi luân hồi. Người thế gian có thể tự mình chặn đứng và đẩy lùi năm điều dục của mình, người ấy tự biết được nỗi khổ não của mình thì có thể tự mình được giải thoát. Mọi người đều dùng trí tuệ để thành tựu đạo đức của chính mình". Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là người hiếu thuận?" Na Tiên nói: "Những người tốt đều là hiếu thuận. Có bốn điều thiện làm cho tâm ý dừng lại. Bốn điều gì làm cho tâm ý dừng lại?" Na Tiên nói. Đó là:

1. Tự quán tưởng trong ngoài của phạm vi thân mình.

2. Biết rõ ý khổ vui.

3. Biết rõ tâm thiện ác.

4. Nhận chân được Chánh pháp.

Đây là bốn điều thiện. Lại có bốn sự việc. Những gì là bốn sự việc? Đó là:

1. Kiềm chế ý mình.

2. Có những điều ác không để cho đi vào trong tâm.

3. Trong tâm có điều ác lập tức trừ diệt để tìm lại các điều thiện.

4. Trong tâm mình có điều thiện thì giữ chặt không buông bỏ.

Đây là bốn sự việc. Lại có bốn sự việc tự tại muốn tạo tác. Những gì là bốn sự việc? Đó là:

1. Rời bỏ ham muốn.

2. Tinh tiến.

3. Kiềm chế tâm.

4. Tư duy.

Lại có năm việc cần làm theo. Đó là:

1. Niềm tin đích thực.

2. Hiếu thuận với cha mẹ.

3. Tinh tiến.

4. Hết lòng nghĩ đến điều thiện.

5. Trí tuệ.

Đây là năm sự việc. Lại có bảy sự việc từ bỏ các điều ác, gọi là bảy điều thiện, cũng gọi là bảy giác ý. Lại có tám loại Đạo hành, cũng gọi là A Hậu Kì. Tất cả ba mươi bảy phẩm kinh đều lấy hiếu thuận làm căn bản. Tất cả những người gánh vàng đi đến nơi xa có được sự vững vàng, đều dựa vào mặt đất mà đạt được. Ngũ cốc và tất cả các loại cây cối mọc lên đều là từ mặt đất sinh ra. Ví như người thợ bậc thầy toan tính cho việc xây dựng thành trì to lớn, trước hết phải đo đạc lường tính làm nền móng rồi mới bắt đầu xây thành. Ví như người ca kỹ muốn biểu diễn, trước hết phải làm sạch mặt đất rồi mới biểu diễn. Đệ tử Phật cầu đạo giải thoát thì trước hết phải thực hành kinh pháp giới hạnh, làm nhân tố tốt lành biết rõ mọi khổ đau day dứt thì mới loại bỏ các ái dục, chính là tư duy nghĩ đến tám loại đạo hạnh". Nhà vua nói: "Hay quá!" Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên nói: "Như thế nào là tinh tiến vậy?" Na Tiên nói: "Hỗ trợ điều thiện chính là tinh tiến. Ví như bức tường bằng phẳng, sắp đổ sụp xuống thì làm trụ chống đỡ kề sát bức tường, ngôi nhà sắp đổ thì cũng dùng trụ chống đỡ để khỏi hư hỏng. Ví như Quốc Vương điều binh khi có sự tấn công, thế trận ác hiểm binh ít lại yếu sắp thua đến nơi, nhà vua lại phái thêm binh lính đến hỗ trợ thì nhất định thắng trận. Con người có những điều ác giống như binh lính yếu thế, người giữ thiện tâm tiêu diệt ác tâm, ví như Quốc Vương thêm binh hỗ trợ thì nhất định thắng trận. Người giữ năm giới ví như chiến đấu được thắng trận. Như vậy chính là tinh tiến hỗ trợ điều thiện. Tinh tiến đã hỗ trợ dẫn người vào đường thiện, người đã đến đường thiện không có gì giữ được họ". Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là ý đang nghĩ đến các điều thiện?" Na Tiên nói: "Ví như lấy hoa thơm, dùng sợi chỉ xâu lại nối liền với nhau gió thổi vào không thể làm cho rơi vãi được. Ví như quan giữ kho của nhà vua, biết rõ trong kho có bao nhiêu vàng bạc châu báu ngọc ngà mà mình phải trông coi cẩn thận. Người tu đạo muốn đắc đạo thì luôn nghĩ tới kinh ba mươi bảy phẩm, ý niệm Phật đạo nên đúng như vậy, đó gọi là người có ý niệm thoát khỏi luân hồi sanh tử giữa loài người, nhờ đó biết rõ thiện ác và biết thực hành một cách thích hợp, tư duy phân biệt biết rõ trắng đen, sau đó thì bỏ ác hướng thiện. Na Tiên nói: "Ví như nhà vua có người gác cổng, biết rõ người nào có sự cung kính đối với nhà vua, người nào có sự bất kính đối với nhà vua, biết rõ người nào có sự bất lợi đối với nhà vua, người nào có lợi đối với nhà vua. Những người nào cung kính, có lợi đối với nhà vua thì họ cho vào trong, người nào bất kính, bất lợi đối với nhà vua thì dứt khoát không cho vào. Người giữ ý cũng như vậy, nếu các điều thiện thì sẽ cho vào, những điều bất thiện thì không cho vào. Người kiềm chế tâm ý thiện ác cũng như vậy". Na Tiên thuyết kinh rằng: "Người nên tự mình kiên quyết canh giữ ý mình, và sáu ái dục của thân, giữ ý thật kiên quyết, tự mình sẽ có lúc giải thoát". Nhà vua nói: "Hay quá hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là tâm tư chuyên nhất?" Na Tiên nói: "Tất cả mọi điều thiện chỉ có nhất tâm là quan trọng nhất, tâm tư chuyên nhất thì mọi điều thiện đều thuận theo. Ví như bậc thềm lên lầu gác phải có nơi tựa vào, mọi thiện đạo đều gắn chặt vào nhất tâm. Ví như nhà vua chủ quản bốn loại binh lính ra trận chiến đấu, tất cả lính voi, lính ngựa, lính xe, lính bộ đều do nhà vua đích thân điều khiển các loại quân binh xuất trận, đều theo sự hướng dẫn trước sau. Mọi điều thiện nói trong kinh Phật đều thuận theo nhất tâm như vậy". Na Tiên thuyết kinh rằng: "Các điều thiện lấy nhất tâm làm quan trọng nhất, người học đạo rất nhiều đều nên quy về nhất tâm, thân người sống chết từ quá khứ, như dòng nước chảy trước sau nối tiếp nhau liên tục". Nhà vua nói: "Hay quá ! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là trí?" Na Tiên nói: "Trước kia đã nói với nhà vua, là người có trí tuệ đoạn trừ các nghi ngờ và sáng tỏ các điều thiện. Ví như người cầm đèn vào trong nhà tối, bóng tối liền mất và tự nhiên sáng. Người có trí cũng như thế. Ví như người cầm đao bén chặt đứt cây. Người dùng trí tuệ chặt đứt các điều ác cũng như thế. Con người ở tại thế gian thì trí tuệ là quan trọng bậc nhất, có trí tuệ thì con người có thể vượt thoát nẻo đường sanh tử". Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!" Từ đầu đến cuối đã nói qua nhiều loại trí thật tốt đẹp vô cùng!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Trong kinh Phật chỉ là hướng đến mong muốn loại bỏ các điều ác thôi sao?" Na Tiên nói: "Đúng vậy!" Các loại điều thiện đã nói ấy là chỉ muốn loại trừ tất cả mọi điều ác. Ví như nhà vua phát lệnh cho bốn loại lính voi, lính ngựa, lính xe, lính bộ lên đường tham gia chiến trận, lúc đầu xuất phát thì ý niệm chỉ muốn tấn công đối phương mà thôi. Trong kinh Phật thuyết ra nhiều loại về các điều thiện như vậy, chỉ muốn cùng nhau tấn công loại trừ những điều ác mà thôi.

Nhà vua nói: "Hay quá!" Hay quá!" Na Tiên giảng kinh rất hay!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên rằng: "Tâm con người hướng về đường thiện ác, liên tục giữ lấy thân cho nên thần thức đi đầu thai chăng?" Hay là thay đổi thần thức khác để đi đầu thai chăng?" Na Tiên nói: "Cũng không phải là thần thức của thân trước kia, cũng không xa rời thần thức của thân trước kia. Lúc nhà vua còn bé thì lúc ấy bú vú mẹ, thân đến lúc trưởng thành, nối tiếp thân trước kia có gì khác nhau không?" Nhà vua nói: "Khác với thân lúc bé. Na Tiên nói: "Con người ở trong bụng mẹ lúc ban đầu là tinh, đến lúc trộn lẫn thì là tinh trước kia?" hay khác?" Lúc cứng lại trở thành xương thịt là tinh trước kia hay khác? Lúc mới sinh ra đến lúc tuổi vừa năm-sáu là tinh trước kia?" Hay khác?" Như người học sách, có phải có người bên cạnh thay công sức của người học sách đúng không?" Nhà vua nói: "Không thể nào thay công sức đó được". Na Tiên nói: "Như người phạm pháp có tội, nhưng vua không thể hiểu biết điều ấy". Nhà vua nói: "Nếu như người hỏi, Na Tiên giải thích điều đó thế nào?" Na Tiên nói: "Tôi trước đây vào lúc còn bé từ trẻ thơ đến trưởng thành liên tục một thân mà thôi. Từ nhỏ đến lớn hợp lại làm một thân, là mạng thọ đã được nuôi dưỡng trải qua nhiều giai đoạn cuộc đời". Na Tiên hỏi nhà vua: "Như người thắp ngọn đèn từ đầu đêm, nó có thể cháy mãi đến lúc trời sáng không?" Nhà vua nói: "Người ta vẫn thắp ngọn đèn dầu từ đêm đến lúc trời sáng". Na Tiên nói: "Lửa trong ngọn đèn thắp lên từ đầu đêm liên tục cháy là ánh lửa đã thắp lên phải không?" Ánh lửa lúc nửa đêm và ánh lửa lúc trời sáng là một phải không?" Nhà vua nói: "Không phải là ánh lửa trước đây". Na Tiên nói: "Như vậy ngọn đèn đốt từ đầu đêm đến nửa đêm, lại thay đổi ngọn đèn nào khác phải không?" Mãi đến sáng lại thay đổi ngọn đèn khác phải không?" Nhà vua nói: "Không, trong một đêm ngọn lửa đã thắp lên cháy liên tục trải qua thời gian cho đến sáng chỉ là một ngọn lửa đã đốt ban đầu. Na Tiên nói: "Tinh thần con người triển chuyển tương tục như vậy, pháp thứ nhất đi thì pháp thứ hai đến, bắt đầu từ tinh thần cho đến lão tử, tinh thần sau hướng về một đời sống khác, sự triển chuyển tương tục này không phải là tinh thần trước kia mà, cũng không tách rời tinh thần trước kia. Khi con người chết về sau thì tinh thần mới có nơi hướng sanh đến. Ví như sữa ủ lâu thành sữa đặc, nấu chín sữa đặc thành bơ, lấy lớp váng phía trên nấu thành tinh chất sữa. Tinh chất sữa cùng với sữa đặc, bơ và váng sữa trở lại tên gọi làm thành từ sữa tươi. Người ta nói vậy há có thể dùng được không?" Nhà vua nói: "Người đó nói rằng không thể sử dụng". Na Tiên nói: "Thần thức con người giống như sữa tươi mới vắt, từ sữa tươi mới vắt ủ thành sữa đặc, từ sữa đặc nấu thành bơ sống, từ bơ sống nấu thành tinh chất sữa. Con người cũng như vậy, bắt đầu từ tinh thần trôi nổi đến sanh ra, từ sanh ra đến trưởng thành, từ trưởng thành đến già đến chết , sau khi chết tinh thần lại tiếp nhận thân thể và sinh ra. Thân con người chết đi sẽ trở lại sanh ra và nhận chịu một thân khác, ví như hai bấc đèn lại châm đốt thắp sáng cho nhau". Nhà vua nói: "Hay quá!" Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Con người không sanh trở lại đời sau, người đó há có thể tự mình biết rõ là không sanh trở lại hay sao?" Na Tiên nói: "Đúng là có người có thể tự mình biết rõ là không sanh trở lại đời sau. Nhà vua nói: "Bằng cách nào biết được điều đó?" Na Tiên nói: "Người đó tự biết mình không còn có ân ái, không còn có tham dục, không còn có những điều ác, vì vậy tự biết mình không sanh trở lại vào đời sau. Ví như người làm ruộng gieo hạt giống, thu hoạch được nhiều hoa màu lúa má cất trữ chứa đầy trong kho vựa; còn như năm sau không tiếp tục cày bừa gieo giống, lẽ nào lại hy vọng thu hoạch lúa mè thóc gạo được sao?" Nhà vua nói: "Không thể hy vọng có được thóc lúa ngũ cốc. Na Tiên nói: "Người tu đạo cũng như vậy, loại bỏ khổ vui ân ái không còn có những tham dục, vì vậy tự mình biết đời sau không sanh trở lại. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi: "Người ấy ở đời sau không sanh trở lại, thì đối với hiện tại có phải có trí khác với người bình thường không?" Na Tiên nói: "Đúng là khác với mọi người. Nhà vua nói: "Thông minh cùng với trí giống nhau không?" Na Tiên nói: "Trí và thông minh đều bình đẳng vậy. Nhà vua nói: "Người có trí thông minh lẽ nào có thể biết hết mọi việc, làm một việc thành năm việc chăng?" Na Tiên nói: "Làm nhiều việc và được thành tựu không phải là một. Ví như một khoảng đất gieo trồng hạt giống, lúc thích hợp sẽ đâm chồi lớn lên, tất cả đều có sự thành tựu của mỗi loại". Nhà vua nói: "Hay quá!" Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Người thế gian đều có đủ đầu mặt tai mắt thân thể tay chân, tại sao có người sống lâu, có người chết sớm, có người hèn hạ, có người đoan chánh, có người xấu xa, có người làm cho người ta tin tưởng, có người làm cho người ta nghi ngờ, có người thông minh sáng suốt, có người ngu muội tối tăm…, tại vì sao không như nhau?" Na Tiên nói: "Ví như rất nhiều cây cối sinh ra trái quả, có cây trái chua, có cây trái đắng, có cây trái cay, có cây trái ngọt. Những loại cây cối như vậy tại vì sao không như nhau?" Nhà vua nói: "Không như nhau là bởi cội rễ cây trồng đều khác nhau". Na Tiên nói: "Con người đã làm ra tất cả các nghiệp hành đều khác nhau, cho nên có người sống lâu, có người chết sớm, có người nhiều bệnh tật, có người ít bệnh tật, có người giàu, người nghèo, có người sang, người hèn, có người đoan chánh, người xấu xa, có người sáng suốt, người ngu muội tối tăm. Trong kinh Phật dạy: "Giàu sang nghèo khó đẹp hay xấu, đều do kiếp trước tự mình đã làm những điều lành dữ, nghiệp lực đó tự đi theo bên mình mà dấy lên báo ứng như thế". Nhà vua nói: "Hay quá!" Hay quá!"

-oOo-

QUYỂN HẠ

Nhà vua lại hỏi Na Tiên rằng: "Người muốn làm điều thiện thì cần nên trước làm hay sau đó mới làm?" Na Tiên nói: "Làm trước, vì làm sau không thể lợi ích cho người". Lúc nhà vua khát nước mới đào đất làm giếng, có thể đợi đến khát mới đào giếng không?" Nhà vua nói: "Không thể đợi đến khát, mà nên đào giếng trước vậy". Na Tiên nói: "Vì thế, việc thiện phải nên làm trước. Lúc đói mới bảo người ta cày bừa gieo giống, đợi đến khi lúa mè rau đậu chín muồi mới ăn phải không?" Nhà vua nói: "Không thể. Trước phải cần có nhiều thứ. Na Tiên nói: "Con người cũng như vậy, cần phải làm điều thiện trước, khi việc cấp bách xảy ra mới làm điều thiện thì không ích lợi gì cho bản thân. Ví như nhà vua có oán thù, đến lúc việc xảy ra trước mắt mới xuất quân chiến đấu có đủ không?" Nhà vua nói: "Không thể, cần phải có sự chuẩn bị từ lâu. Na Tiên nói: "Đức Phật thuyết kinh rằng: "Con người trước hết nên tự nghĩ làm điều thiện, về sau làm thiện không có lợi ích, chớ bỏ Đại đạo đi theo tà đạo, đừng bắt chước người ngu bỏ điều thiện làm điều ác, mai sau ngồi khóc lóc không ích gì. Đó là hạng người rời bỏ điều hay lẽ phải đi vào con đường bất chánh đến lúc đứng trước cái chết mới hối hận mà thôi.

Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Các Sa-môn như khanh thường nói rằng ngọn lửa thế gian không bằng ngọn lửa cháy bỏng trong địa ngục. Lại nói: "Đem hòn đá nhỏ bỏ vào trong ngọn lửa thế gian từ sáng sớm đến chiều tối vẫn không thể nào tiêu hết, lấy hòn đá lớn đặt vào trong ngọn lửa địa ngục thì lập tức tiêu tan; vì vậy Trẫm không tin. Lại nói: "Người làm điều ác chết đi vào trong địa ngục, hàng ngàn hàng vạn năm mà người chết ấy không mất đi; vì vậy Trẫm càng không tin nổi lời nói này". Na Tiên hỏi nhà vua: "Nhà vua có nghe thấy trong nước có loài mãng xà, thuồng luồng, rồng, cá, ba ba rất lớn, dùng cát đá làm thức ăn hay không?" Nhà vua nói: "Không sai, đúng là lấy những thứ này làm thức ăn. Na Tiên hỏi: "Thế cát đá trong bụng chúng có tiêu không?" Vua đáp: "Đều tiêu. Na Tiên hỏi: "Trong bụng loài đó mang thai há lại tiêu mất hay sao?" Nhà vua nói: "Không thể mất được. Na Tiên hỏi nhà vua: "Vì sao không tiêu mất?" Nhà vua nói: "Chỉ có phước nghiệp của hình thể thì lẽ đương nhiên là khiến cho không tiêu mất. Na Tiên nói: "Người trong địa ngục hàng ngàn hàng vạn năm không mất chết đi, bởi vì làm điều gì?" Nhà vua nói: "Tội ác chưa hết cho nên không tiêu mất, chết đi". Na Tiên hỏi nhà vua rằng: "Sư tử cọp beo lang sói đều ăn thịt nuốt xương, lúc vào trong bụng lẽ nào tiêu hết hay sao?" Nhà vua nói: "Tiêu hết". Na Tiên hỏi nhà vua: "Trong bụng loài đó mang thai lẽ nào lại tiêu hết hay sao?" Nhà vua nói: "Không thể tiêu được. Na Tiên nói: "Vì lý do gì mà không tiêu mất?" Nhà vua nói: "Chỉ có duyên nghiệp với nhau cho nên không tiêu mất. Na Tiên hỏi nhà vua rằng: "Bò ngựa lừa nai đều dùng cỏ cây làm thức ăn phải không?" Nhà vua nói: "Không sai. Na Tiên nói: "Cỏ cây đó lẽ nào vào trong bụng chúng đều tiêu hết hay sao?" Nhà vua nói: "Đều tiêu hết". Na Tiên nói: "Trong bụng loài đó mang thai há tiêu hết hay sao?" Nhà vua nói: "Không tiêu được. Na Tiên nói: "Tại vì sao không tiêu được?" Nhà vua nói: "Chỉ bởi nghiệp duyên với nhau thì đương nhiên sẽ làm cho không tiêu mất". Na Tiên nói: "Người trong địa ngục cũng như vậy, tội ác chưa hết cho nên cũng không tiêu mất". Na Tiên hỏi nhà vua rằng: "Hàng phụ nữ sang trọng ở thế gian ăn uống đều là những món cao lương mỹ vị, ăn vào trong bụng há tiêu mất hay không?" Nhà vua nói: "Đều tiêu hết". Na Tiên nói: "Trong bụng họ mang thai há có tiêu mất hay không?" Nhà vua nói: "Thai nhi không thể tiêu mất. Na Tiên nói: "Tại vì sao không tiêu mất?" Nhà vua nói: "Chỉ có do phước lộc của hình thể nên đương nhiên làm cho không thể tiêu mất". Na Tiên nói: "Người trong địa ngục cũng như vậy, cho nên mấy ngàn mấy vạn năm họ vẫn không tiêu mất, bởi vì trước kia làm ác chưa giải trừ được do đó không thể tiêu mất được". Người sanh ra ở trong địa ngục, tội lỗi trừ hết mới được chết đi". Nhà vua nói: "Thật hay!" Thật hay!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Những Sa-môn các khanh nói: "Thế giới đại địa ở trên nước; nước ở trên gió, gió ở trên hư không; Trẫm không tin điều này. Na Tiên lấy nước viết chữ phía trước nhà vua, đồng thời dùng câu hỏi tóm tắt lại để chỉ ra cho nhà vua biết rằng: "Gió giữ nước là như vậy. Nhà vua nói: "Hay lắm!" Nhà vua lại hỏi Na Tiên rằng: "Đại Niết-bàn đều là quá khứ, không có gì có trở lại chăng?" Na Tiên nói: "Đạo Niết-bàn là không có gì phát sinh trở lại. Hạng người ngu si tham đắm quý trọng thân này, bởi vì nguyên nhân này mà không thể nào thoát khỏi sanh lão bệnh tử được. Người học đạo có trí thì trong thân ngoài thân không có gì đáng quý trọng, thì không còn ân ái, không còn ân ái thì không có tham dục, không có tham dục thì không có bào thai, không có bào thai thì không sanh ra, không sanh ra thì không già đi, không già đi thì không bệnh tật, không bệnh tật thì không chết, không chết thì không ưu sầu, không ưu sầu thì không khóc lóc, không khóc lóc thì không đau thương, chính là đạt được đạo quả Niết-bàn. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Những người học đạo đều có thể đạt được đạo quả Niết-bàn hay sao?" Na Tiên nói: "Không có thể người nào cũng đạt được đạo quả Niết- bàn, người nào đích thực hợp với thiện đạo tu học biết rõ mọi điều chính xác, nên thực hành phụng sự những gì cần phải thực hành phụng sự, gạt bỏ rời xa những gì không nên thực hành phụng sự, nên nghĩ nhớ những gì cần phải nghĩ nhớ, gạt bỏ những gì không nên nghĩ nhớ; như vậy thì có thể đạt được đạo quả Niết-bàn. Nhà vua lại hỏi Na Tiên rằng: "Những người không đạt được đạo quả Niết-bàn, há biết được đạo quả Niết-bàn là vui sướng hay không?" Na Tiên nói: "Không sai, tuy chưa đạt được đạo quả Niết-bàn, nhưng vẫn biết rằng đạo quả Niết-bàn là vui sướng. Nhà vua nói: "Người chưa đạt được đạo quả Niết-bàn, tại vì sao biết là vui sướng?" Na

Tiên hỏi nhà vua rằng: "Người sống chưa từng bị chặt đứt tay chân, có biết rằng tay chân bị chặt đứt là đau đớn lắm hay không?" Nhà vua nói: "Tuy chưa từng trải qua bị chặt đứt tay chân, mà giống như biết là rất đau đớn. Na Tiên nói: "Vì sao biết là đau đớn?" Nhà vua nói: "Trông thấy người ta bị chặt đứt tay chân gào thét bi thảm, vì lý do này mà biết là đau đớn. Na Tiên nói: "Người đi trước có người đạt được đạo quả Niết-bàn, chuyển sang nói với nhau là đạo quả Niết-bàn rất vui sướng. Vì nguyên cớ này mà tin chắc điều ấy. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Khanh đã từng trông thấy Phật hay chưa?" Na Tiên nói: "Chưa từng thấy được. Nhà vua nói: "Những bậc Thầy của Na Tiên có vị nào thấy Phật hay không?" Na Tiên nói: "Những bậc Thầy cũng chưa từng thấy Phật. Nhà vua nói: "Nếu như Na Tiên và những bậc Thầy không ai thấy Phật, thì chắc chắn là không có Phật. Na Tiên nói: "Nhà vua thấy nơi tụ hội của năm trăm khe nước chảy từ núi ra hay không?" Nhà vua nói: "Trẫm không thấy. Na Tiên hỏi: "Thân phụ và Tổ phụ của nhà vua đều thấy nguồn nước chảy ra hay không?" Nhà vua nói: "Các vị đều không thấy". Na Tiên hỏi: "Thân phụ và Tổ phụ của nhà vua đều không thấy nguồn nước chảy này, thì thế giới chắc chắn là không có nơi tụ hội của năm trăm khe nước chảy ra từ núi này phải không?" Nhà vua nói: "Tuy Trẫm không thấy, Thân phụ và Tổ phụ đều không thấy nguồn nước này, mà thật sự có nguồn nước này. Na Tiên nói: "Tuy tôi và những Thầy của tôi không ai thấy Phật, mà thật sự là có Phật".

Nhà vua lại hỏi rằng: "Không còn có ai hơn được Phật chăng?" Na Tiên nói: "Không sai, không có ai hơn được Đức Phật". Nhà vua lại hỏi: "Tại vì sao không ai có năng lực hơn được Phật?" Na Tiên hỏi nhà vua rằng: "Giống như người chưa từng đi vào trong biển lớn, thì có biết rằng nước biển là mênh mông hay không?" Họ có biết rằng có năm con sông, mỗi con sông có năm trăm dòng sông nhỏ chảy hòa vào con sông lớn hay không?" Những con sông lớn là:

1. Hằng Hà.

2. Tín Tha.

3. Tư Tha.

4. Bát Xoa.

5. Thí Phi Di.

Nước của năm con sông ngày đêm chảy vào biển, nước biển cũng không thêm bớt. Nhà vua há có thể nghe biết hay không?" Nhà vua nói: "Thật sự biết. Na Tiên bảo rằng: "Bởi vì người đạt được đạo quả cùng nói như nhau là không có ai có thể hơn được Đức Phật, vì vậy tôi tin chắc điều đó. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên rằng: "Phải dùng cách nào để biết không có ai hơn được Đức Phật?" Na Tiên hỏi nhà vua: "Bậc thầy biên chép thành sách ấy là ai?" Nhà vua nói: "Bậc thầy biên chép thành sách ấy tên là Chất. Na Tiên nói: "Nhà vua có phải đã từng thấy người tên là Chất ấy hay không?" Nhà vua nói: "Người tên là Chất ấy đã chết từ lâu và chưa từng thấy". Na Tiên nói: "Nhà vua chưa từng thấy người tên là Chất, vì sao biết Chất là bậc thầy biên chép thành sách?" Nhà vua nói: "Cầm sách và chữ viết thời xưa chuyển cho nhau nói cho nhau biết, vì vậy cho nên Trẫm biết tên gọi là Chất. Na Tiên nói: "Vì nguyên nhân này chúng tôi thấy kinh giới của Phật giống như thấy Phật không có gì khác, kinh pháp đạo lý Đức Phật đã thuyết ra rất sâu sắc và làm cho người ta thư thái hẳn, biết rõ kinh giới của Phật về sau càng có hiệu quả đích thực hơn, vì lý do này mà tôi biết là có Phật trên thế gian này không ai có thể sánh được. Nhà vua lại hỏi: "Na Tiên tự mình xem kinh pháp đạo lý của Phật có thể thực hành lâu không?" Na Tiên nói: "Thực hành giáo pháp với luật kinh điển của Phật rất nhanh, nên vâng theo để thực hành cho đến trọn đời. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Con người sau khi chết thì thân của họ không theo đến đời sau sanh chăng?" Na Tiên nói: "Con người sau khi chết lại nhận thân mới chứ không mang theo thân cũ. Ví như cái bấc đèn thay đổi thắp sáng nhau, bấc đèn cũ nối bấc đèn mới lại đốt cháy; thân con người cũng như vậy, thân cũ không đi theo mà lại thay đổi nhận lấy thân mới. Na Tiên hỏi nhà vua: "Thuở bé nhà vua theo Thầy học hành đọc kinh xem sách đúng không?" Nhà vua nói: "Đúng vậy, Trẫm vẫn nghĩ đến điều ấy. Na Tiên hỏi nhà vua: "Nhà vua đã tiếp nhận sự hiểu biết kinh sách từ thầy dạy có phải thầy dạy biết kinh sách đầu tiên không?" Nhà vua có lấy hết tất cả những kinh sách đầu tiên đó được không?" Nhà vua nói: "Không thể được. Thầy nối tiếp tự mình biết kinh sách đầu tiên mà thôi. Na Tiên nói: "Thân con người cũng như vậy, thân trước mất đi thì lại phải nhận lấy thân mới.

Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Đích xác là có trí (Vedagũ) hay không?" Na Tiên nói: "không có trí. Lại nữa, ví như người ăn trộm quả dưa của người khác, người ăn trộm há có tội lỗi hay không?" Nhà vua nói: "Có tội rõ ràng. Na Tiên nói: "Lúc mới ươm hạt giống của cây thì trước đó không có quả trái, nguyên nhân gì mà người ăn trộm phải có tội?" Nhà vua nói: "Giả sử không ươm hạt giống thì do đâu mà có trái quả?" Vì vậy người ăn trộm không có gì để hái trộm. Na Tiên nói: "Con người cũng như vậy, dùng thân đời này làm ra những nghiệp thiện ác, đời sau sanh ra lại nhận lấy thân hình mới. Nhà vua nói: "Con người vì nguyên nhân này mà các việc làm thiện ác của thân trước vẫn còn tồn tại?" Na Tiên nói: "Con người đã làm những việc thiện ác thì những nghiệp này đi theo con người như hình với bóng, con người chết đi chỉ mất đi thân hình của mình chứ hành nghiệp đã tạo không mất được. Ví như thắp đèn đọc sách trong đêm, khi đèn tắt mà chữ trong sách vẫn còn, châm đèn lên lại thì chữ trong sách đã có sẵn. Nghiệp hành đã làm ở đời này đến đời sau có sẵn như vậy và cứ thê mà nhận lấy. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua nói: "Na Tiên có thể phân biệt chỉ ra rõ ràng tất cả thiện ác ở chỗ nào hay không?" Na Tiên nói: "Không thể nào biết được nơi ở của thiện ác". Na Tiên hỏi nhà vua: "Lúc cây cối chưa có trái, nhà vua há có thể phân biệt chỉ ra rõ ràng và nói rằng trong cành đó có trái, trong cành đó không có trái hay sao?" Có thể biết trước điều ấy không vậy?" Nhà vua nói: "Không thể nào biết được. Na Tiên nói: "Người chưa đắc đạo không thể nào biết trước được thiện ác ở chỗ nào. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi: "Con người sẽ sanh ra ở đời sau, họ có thể tự biết hay không?" Na Tiên nói: "Người sẽ sanh trở lại tự biết mình sẽ sanh ra. Nhà vua nói: "Bằng cách nào biết được điều ấy?" Na Tiên nói: "Ví như người nông phu cày đất gieo trồng, thời tiết mưa nắng thế nào thì người ấy có thể biết trước là sẽ được mùa hay mất mùa chăng?" Nhà vua nói: "Đương nhiên là biết, mà còn biết là ruộng sẽ thu hoạch được ít nhiều nữa kia". Na Tiên nói: "Con người cũng như vậy, họ sẽ tự mình biết trước sanh trở lại vào đời sau. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Đích xác là có Niết-bàn hay không?" Na Tiên nói: "Đích xác là có. Nhà vua nói: "Na Tiên có thể chỉ ra rõ ràng Đức Phật của chúng ta đang ở nơi nào hay không?" Na Tiên nói: "Không thể nào chỉ ra rõ ràng nơi an trú của Phật được, Phật đã đi vào Niết-bàn, mà Niết-bàn là nơi không thể nhìn thấy và không thể chỉ ra rõ ràng được. Ví như người đốt đống lửa lớn, sau khi ngọn lửa ấy đã tắt, thì có thể chỉ ra rõ ràng cho người ta biết là ánh sáng đó ở nơi nào chăng?" Nhà vua nói: "Không thể biết được ở nơi nào. Na Tiên nói: "Đức Phật đã vào Niết-bàn thì không thể nào biết Ngài đang ở nơi nào. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!" Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Các vị Sa-môn có thể tự mình cưng chiều thân hình của mình hay không?" Na Tiên nói: "Là hàng Sa-môn thì không nên tự mình yêu quý cưng chiều thân hình của mình. Nhà vua nói: "Nếu như nói các vị Sa môn không thể tự mình yêu quý cưng chiều thân hình của họ, thì tại vì sao chính họ nghỉ ngơi nằm ngồi cần phải được yên ổn ấm áp, ăn uống cần phải được ngon lành, tự mình bảo vệ rất quan trọng?" Na Tiên nói: "Nhà vua đã từng vào trong trận chiến phải không?" Nhà vua nói: "Đúng vậy, đã từng vào trong chiến trận. Na Tiên nói: "Lúc ở giữa trận chiến, đã từng bị đao kiếm mâu thương tên bắn, trúng phải không?" Nhà vua nói: "Trẫm nhiều lần bị đao kiếm làm cho thương tổn. Na Tiên hỏi nhà vua: "Bị đao kiếm giáo mác làm thương tổn thì phải làm thế nào?" Nhà vua nói: "Trẫm dùng thuốc cao chữa trị liên tục mà thôi. Na Tiên hỏi nhà vua rằng: "Bởi vì yêu quý vết thương, cho nên dùng thuốc cao thoa bông tơ rịt lại chữa trị liên tục chăng?" Nhà vua nói: "Trẫm không yêu quý vết thương. Na Tiên nói: "Thật lạ. Nếu không yêu quý vết thương thì tại sao lại dùng thuốc cao, bông tơ chữa trị liên tục để bảo vệ nó?" Nhà vua nói: "Trẫm muốn làm cho vết thương mau lành thôi. Na Tiên nói: "Các vị Sa-môn cũng như vậy, không yêu quý cưng chiều thân hình của họ, tuy rằng ăn uống mà tâm không vui với những thứ ngon lành tốt đẹp, không chán bỏ những thứ tầm thường dở dang, không muốn làm cho hình hài tiều tụy mà chỉ muốn bảo vệ thân thể mình, phụng hành kinh giới của Phật mà thôi. Trong kinh Đức Phật dạy rằng: "Thân người có chín lỗ ví như là chín vết thương do cung tên, những lỗ này đều chảy ra chất dơ bẩn hôi hám. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Đức Phật là bậc có ba mươi hai tướng trang nghiêm và tám mươi vẻ đẹp, toàn thân đều vàng rực và có ánh sáng tỏa ra chăng?" Na Tiên nói: "Thân tướng của Đức Phật đích xác là có ba mươi hai tướng trang nghiêm và tám mươi vẻ đẹp, toàn thân đều vàng rực và có ánh sáng tỏa ra. Nhà vua nói: "Cha mẹ của Đức Phật cũng có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, toàn thân đều có sắc vàng và có ánh sáng tỏa ra chăng?" Na Tiên nói: "Cha mẹ của Đức Phật không có những tướng này". Nhà vua nói: "Tướng tốt như vậy mà cha mẹ không có thì Đức Phật cũng không có những tướng này. Con người sinh con thì giống với chủng loại của mình, cha mẹ không có những tướng này thì Đức Phật chắc chắn không có những tướng này". Na Tiên nói: "Cha mẹ của Đức Phật tuy không có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và thân sắc vàng rực rỡ như vậy, nhưng Đức Phật đích thực có những đức tướng này. Nhà vua đã từng thấy hoa sen phải không?" Nhà vua nói: "Thường thấy hoa sen. Na Tiên nói: "Hoa sen này mọc lên từ đất lớn lên từ trong nước bùn, màu sắc loài hoa rất đẹp, lẽ nào lại tương tự màu sắc của nước bùn hay sao?" Nhà vua nói: "Không giống như màu sắc của đất và nước bùn. Na Tiên nói: "Tuy cha mẹ của Đức Phật không có những tướng này, nhưng Đức Phật đích xác là có những tướng này, bởi vì Đức Phật sanh ra ở tại thế gian lớn lên từ thế gian, mà không giống như những sự việc của thế gian. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Đức Phật đích xác là bậc phạm hạnh giống như Phạm Vương cõi trời thứ bảy, không hề giao hội cùng với phụ nữ phải không?" Na

Tiên nói: "Đúng vậy, đích thực xa rời đối với người nữ, thanh tịnh thuần khiết không vấy nhiễm tựa như ngọc sáng. Nhà vua nói: "Phạm hạnh của Đức Phật trong sáng giống như phạm hạnh của Phạm Vương cõi trời thứ bảy, vậy thì Phật là đệ tử của Phạm Vương cõi trời thứ bảy chăng?" Na Tiên hỏi nhà vua: "Phạm Vương cõi trời thứ bảy có tâm niệm hay không?" Vua đáp: "Có. Na Tiên nói: "Vì vậy Phạm Vương cõi trời thứ bảy và các cõi trời phía trên, đều là đệ tử của Phật. Na Tiên hỏi nhà vua rằng: "Tiếng loài voi gầm lên giống như những loài nào?" Nhà vua nói: "Tiếng loài voi gầm lên giống như tiếng kêu của chim nhạn. Na Tiên nói: "Như vậy loài voi là đệ tử của chim nhạn phải không?" Mỗi loại đều có chủng loại khác biệt của mình, Đức Phật cũng như vậy, Ngài không phải là đệ tử của Phạm Vương cõi trời thứ bảy. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Đức Phật hẳn là học biết tất cả kinh giới phải không?" Na Tiên nói: "Đức Phật học biết và phụng hành hết thảy kinh giới". Nhà vua nói: "Đức Phật thuận theo ai làm Thầy để thọ trì kinh giới?" Na Tiên nói: "Đức Phật không có Thầy, lúc Đức Phật đắc đạo thì tự mình biết tất cả các kinh pháp đạo lý, Đức Phật không giống như hàng đệ tử có học mới biết được, lời Đức Phật đã dạy các đệ tử đều phải phụng hành cho đến trọn đời". Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Người ta vào lúc cha mẹ chết thì đau xót khóc lóc nước mắt tuôn trào, có những người nghe kinh Phật, cũng lại đau xót khóc lóc rơi lệ đều như vậy, há có gì sai khác hay không?" Na Tiên nói: "Người ta vì cha mẹ khóc lóc rơi lệ đều là tình cảm ân ái, ân ái ưu sầu đau khổ thì chính là hạng người ưu sầu trong sự ngu si. Có người nghe kinh pháp đạo lý của Phật mà tuôn nước mắt, đó đều là người có tâm đau xót, nghĩ đến thế gian đau khổ chất chồng, vì thế mà tuôn trào nước mắt, phước thiện người đó đạt được rất lớn. Nhà vua nói: "Hay quá!" Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Người đã được độ thoát và người chưa được độ thoát có sai khác như thế nào?" Na Tiên nói: "Người chưa được độ thoát bởi tâm họ còn tham dục, người được độ thoát bởi tâm họ không còn tham dục, chỉ muốn nhờ vào cơm nước để điều khiển mạng sống mà thôi". Nhà vua nói: "Trẫm thấy người thế gian đều muốn thân mình vui sướng, muốn được ăn ngon, không biết chán, đủ. Na Tiên nói: "Người chưa được độ thoát thì đồ ăn thức uống của họ cần phải làm từ những thứ cao lương mỹ vị; người được độ thoát rồi tuy ăn uống mà không lấy đó làm ham thích, không lấy đó làm ngon miệng, chỉ cốt để nuôi mạng sống". Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Người ta đang có những việc làm mà có thể nghĩ đến những việc từ xa xưa hay không?" Na Tiên nói: "Lúc người ta ưu sầu đều nghĩ đến những sự việc từ lâu xa". Nhà vua nói: "Dùng cách nào để nghĩ đến?" Dùng ý chí để nghĩ đến hay dùng ý nghĩ để nghĩ đến vậy?" Na Tiên hỏi nhà vua rằng: "Có phải nhà vua từng có lúc đối với điều đã học và đã biết về sau vẫn nhớ lại chẳng sao?" Nhà vua nói: "Nhưng mà Trẫm từng có lúc đối với điều đã học và đã biết về sau bỗng nhiên quên mất. Na Tiên nói: "Chính lúc đó nhà vua không có chí hướng mà quên mất chăng?" Nhà vua nói:

"Lúc ấy Trẫm quên nghĩ đến". Na Tiên nói: "Nhưng không hợp với lời nhà vua nói là có ý nghĩ. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Người ta có làm thì đều nhớ lại chăng?" Nếu vừa mới làm thấy những việc làm hiện tại đều dùng ý nghĩ biết được chăng?" Na Tiên nói: "Việc đã đi qua đều dùng ý nghĩ mà biết được, việc hiện tại trước mắt cũng dùng ý nghĩ mà biết được. Nhà vua nói: "Như vậy thì người ta chỉ nghĩ đến việc đã qua, không thể nhớ lại việc mới xảy ra. Na Tiên nói: "Giả sử việc mới ấy đã có làm, nhưng không thể nhớ lại cũng bởi vì không nghĩ đến. Nhà vua nói: "Những người mới học tập hay học nghề nghiệp tinh xảo là uổng công vô ích sao?" Na Tiên nói: "Những người mới học chữ hay học vẽ, họ đều có nhớ lại cho nên dạy lại cho đệ tử học theo họ cũng biết như họ, bởi vì tất cả đều có ý nghĩ mà thôi. Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Người ta sử dụng bao nhiêu sự việc để phát sinh ý nghĩ nhớ lại?" Na Tiên nói: "Con người có tất cả mười sáu sự việc để phát sinh ý nhớ lại. Đó là:

1. Việc đã làm từ lâu sẽ phát sinh ý nhớ lại.

2. Có những điều mới hoặc đã học sẽ phát sanh ý nhớ lại.

3. Nếu như có sự việc quan trọng thì sẽ phát sanh ý nhớ lại.

4. Tư duy về điều tốt sẽ phát sanh ý nhớ lại.

5. Từng trải qua đau khổ sẽ phát sanh ý nhớ lại.

6. Tự mình tư duy sẽ phát sanh ý nhớ lại.

7. Từng có những việc làm xen lẫn sẽ phát sanh ý nhớ lại.

8. Dạy dỗ người ta sẽ phát sanh ý nhớ lại.

9. Dáng vẻ phát sanh ý nhớ lại.

10. Từng có những điều quên mất sẽ phát sanh ý nhớ lại.

11. Nhờ vào hiểu biết sẽ phát sanh ý nhớ lại.

12. Dạy dỗ tính toán sẽ phát sanh ý nhớ lại.

13. Gánh vác trách nhiệm sẽ phát sanh ý nhớ lại.

14. Tâm tư chuyên nhất sẽ phát sanh ý nhớ lại

15. Học tập hay đọc sách sẽ phát sanh ý nhớ lại.

16. Từng có những sự truyền đạt nay thấy lại sẽ phát sanh ý nhớ lại.

Đây là mười sáu quan hệ để phát sanh ý nhớ lại. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là người có ý nhớ lại rất lâu?" Na Tiên nói: "Đệ tử Phật là A nan và nữ đệ tử là Ưu bà di tên Cưu thù đan bãi nhớ sự việc trong kiếp sống có từ ngàn ức đời quá khứ, của mình và những đạo nhãn khác, đều có thể nghĩ nhớ sự việc của đời trước đây. Như A-nan và nữ đệ tử, rất nhiều người như vậy, ý nghĩ đến chỗ này rồi thì sẽ phát sanh nhớ lại."

Nhà vua lại hỏi: "Như thế nào là những điều mới hoặc đã học sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Như người đã từng học và biết tính toán, về sau lại quên mất, thấy người ta tính toán thì lại nảy sinh và nhớ đến điều đã học. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là nếu như có sự việc quan trọng thì sẽ phát sanh ý nghĩ?" Na Tiên nói: "Ví như Thái tử lên ngôi làm vua, tự nghĩ là giàu sang sự việc quan trọng này sẽ phát sanh ý nhớ lại. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là tư duy về điều tốt sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Ví như có người được người khác mời mọc kêu gọi, ý rất tốt cứ mãi lưu giữ người khách ở lại để có cơ hội tiếp đãi, người ấy tự nhớ lại rằng: "Ngày xưa, mình được người đó mời mọc kêu gọi, ý thân mật tiếp đãi người ta, vì thế mà nghĩ đến điều tốt sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là từng trải qua đau khổ sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Ví như người từng bị người khác đánh đập làm cho khốn đốn trong chốn lao tù, vì thế mà trải qua đau khổ sẽ phát sanh ý nhớ lại. Nhà vua lại hỏi Na Tiên rằng: "Như thế nào là tự mình tư duy sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Ví như người từng có những sự tiếp xúc với gia đình cha mẹ bà con thân thích, hoặc là những loài gia cầm đã nuôi trong nhà, vì vậy khi nhìn thấy tự mình tư duy mà phát sinh ý nhớ lại". Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là từng có những việc làm xen lẫn sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Ví như tên người, tên mọi vật và màu sắc mùi vị thơm hôi chua đắng…, nghĩ đến những điều này thì chính là từng có những việc làm xen lẫn sẽ phát sanh ý nhớ lại. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là có người dạy dỗ (chỉ bảo) sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Con người tự nhiên vui nên quên mất người bên cạnh, hoặc có người nghĩ đến hoặc có người quên mất, nếu có người nhắc thì phát sanh ý nhớ lại nhớ lại. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là dáng vẻ (làm dấu) sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Người, ngựa, trâu bò tất cả đều tự có riêng dáng vẻ, đây là nhờ vào dáng vẻ sẽ phát sanh ý nhớ lại. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là từng có những điều quên mất sẽ phát sanh ý nghĩ?" Na Tiên nói: "Ví như người bất ngờ có những điều quên mất, nhiều lần được nhắc nhở nên một mình nhớ lại được điều ấy, đây gọi là có những điều quên mất mà phát sanh ý nhớ lại". Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là nhờ vào hiểu biết ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Người học sách rèn luyện chữ viết, về sau nhìn chữ viết, có thể nhớ lại, đây chính là nhờ vào hiểu biết mà phát sanh ý nhớ lại". Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là ghi chép tính toán sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Như người cùng nhau ghi chép tính toán, thành tựu biết hết kế sách kỹ thuật rõ ràng, đây chính là nhờ vào tính toán ghi chép mà phát sanh ý nhớ lại". Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là gánh vác trách nhiệm sẽ phát sanh sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Như người đã nhận trách nhiệm, đã thuộc phần chủ quản của mình thì phải có bổn phận, đây chính là bởi vì gánh vác trách nhiệm mà phát sanh ý nhớ lại. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là tâm tư chuyên nhất sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Sa-môn chuyên nhất tâm tâm tư của mình, mà tự nhớ lại những sự việc xảy ra trong nhiều đời kiếp từ xa xưa đến nay, đều là do mình, vì vậy mà chuyên nhất tâm tư của mình để phát sanh ý nhớ lại. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Như thế nào là học tập hay đọc sách sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Hoàng đế có sánh rất cổ xưa, nhớ lại sách đó nói về vị hoàng đế nào đó hay là quan lại thời kỳ nào đó, đây chính là nhờ đọc sách mà phát sanh ý nhớ lại. Nhà vua hỏi Na Tiên: "Như thế nào là từng có những sự truyền đạt nay thấy lại sẽ phát sanh ý nhớ lại?" Na Tiên nói: "Như người có những sự truyền đạt, nay lại thấy thì phát sinh ý nhớ lại, đây chính là nhờ vào sự truyền đạt mà phát sanh ý nhớ lại. Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên rằng: "Đức Phật hẳn biết hết mọi việc đã xảy ra, vừa mới xảy ra và sẽ xảy ra chăng?" Na Tiên nói: "Đúng vậy, Đức Phật biết hết mọi việc. Nhà vua nói: "Giả sử Đức Phật là bậc biết hết mọi điều, tại sao không giáo hóa đệ tử ngay một lúc, tại sao chỉ giáo hóa dần dần?" Na Tiên hỏi nhà vua: "Trong nước hẳn là có thầy thuốc giỏi phải không?" Nhà vua nói: "Đúng vậy, có thầy thuốc giỏi. Na Tiên nói: "Thầy thuốc giỏi đó hẳn là có thể biết tất cả những vị thuốc trong thiên hạ hay không?" Nhà vua nói: "Có thể biết tất cả các loại thuốc". Na Tiên hỏi nhà vua: "Bậc thầy về thuốc ấy chữa bệnh cho người ta là cho thuốc ngay một lúc hay là cho thuốc dần dần?" Nhà vua nói: "Không bệnh thì không thể nào cho thuốc trước, đúng bệnh mới cho thuốc mà thôi". Na Tiên nói: "Đức Phật tuy rằng biết hết mọi việc quá khứ hiện tại và vị lai, nhưng Ngài cũng không thể giáo hóa người khắp thiên hạ ngay một lúc được, phải từ từ để giảng dạy kinh giới khiến cho mọi người phụng hành mà thôi. Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Hàng Sa môn các khanh nói: "Người ở thế gian làm điều ác thậm chí cả trăm năm, đến lúc sắp chết niệm Phật, sau khi chết đều sanh lên cõi trời. Trẫm không tin lời nói này. Lại nói: "Giết hại một mạng sống thì chết sẽ vào trong địa ngục. Trẫm không tin điều này. Na Tiên hỏi nhà vua: "Như người cầm hòn đá nhỏ bỏ vào trong nước, hòn đá nổi lên hay chìm xuống?" Nhà vua nói: "Hòn đá đó chìm xuống. Na Tiên nói: "Nếu như mang tảng đá lớn bằng trăm gốc cây đặt lên trên chiếc thuyền lớn, chiếc thuyền ấy chìm xuống hay không?" Nhà vua nói: "Không chìm được. Na Tiên nói: "Trong thuyền có tảng đá lớn bằng trăm gốc cây, vì sao mà thuyền không thể chìm được?" Bởi vì người ta tuy vốn có làm điều ác nhưng trong một lúc niệm Phật, biết hối hận tội lỗi đã tạo và nhờ uy lực của Phật gia hộ, vì vậy mà không vào trong địa ngục, sẽ được sanh lên cõi trời. Hòn đá nhỏ ấy chìm xuống, giống như người làm điều ác, không biết đến kinh Phật thì sau khi chết sẽ rơi vào địa ngục. Nhà vua nói: "Hay quá! hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Hàng Sa-môn các Khanh, dùng ý nghĩ gì mà tu hành học đạo làm Sa-môn?" Na Tiên nói: "Chúng tôi nay vì quá khứ khổ đau, hiện tại khổ đau và vị lai khổ đau, mong muốn loại bỏ các khổ đau này, không muốn tiếp tục nhận chịu thêm nữa, cho nên học đạo tu hành làm Sa-môn". Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Đau khổ là ở đời sau vì sao phải học đạo làm Sa- môn trước như vậy?" Na Tiên hỏi nhà vua: "Nhà vua hẳn là có oan gia đối địch với nước khác, muốn tấn công lẫn nhau phải không?" Nhà vua nói: "Không sai, có oan gia đối địch với nước khác luôn luôn muốn tấn công lẫn nhau". Na Tiên hỏi nhà vua: "Lúc quân địch tấn công thì nhà vua mới rèn đúc binh khí đào hào đắp lũy để chống cự, hay là phải chuẩn bị sẵn trước?" Nhà vua nói: "Phải lo chuẩn bị mọi thứ từ trước. Na Tiên hỏi nhà vua: "Tại vì sao phải chuẩn bị trước làm gì?" Nhà vua nói: "Bởi vì quân địch tấn công bất ngờ. Na Tiên lại hỏi nhà vua: "Quân địch hãy còn chưa đến vì sao phải chuẩn bị mọi thứ từ trước?" Na Tiên lại hỏi nhà vua: "Đến khi đói mới gieo trồng, khát mới đào giếng, tại vì sao phải làm những việc đó trước khi chưa đói chưa khát?" Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Tầng trời thứ bảy cách nơi chúng ta cư trú này bao xa?" Na Tiên nói: "Rất xa. Giả sử có một người mang tảng đá lớn bằng cả cung điện của nhà vua, từ trên cõi Phạm Thiên thứ bảy ném xuống thì sáu ngày sau mới rơi vào mặt đất của thế gian này. Nhà vua nói: "Những Sa-môn như các khanh nói: "đạt được đạo quả La Hán thì có thể bay lên trên cõi Phạm Thiên thứ bảy, chỉ trong thời gian người ta co duỗi cánh tay. Nhà vua nói: "Trẫm không tin điều này, bởi vì đi một đoạn đường mấy ngàn vạn ức dặm, tại sao nhanh đến vậy!" Na Tiên hỏi nhà vua: "Nhà vua sanh ra từ nước nào?" Nhà vua nói: "Trẫm vốn sanh ra ở nước Đại Tần, trong một nước nhỏ tên là A-lệ-tán. Na Tiên hỏi nhà vua: "A-lệ-tán cách nơi này trong khoảng bao nhiêu dặm?" Nhà vua nói: "Cách nơi này hai ngàn do tuần tức là khoảng tám vạn dặm. Na Tiên hỏi nhà vua: "Có khi nào nhà vua nghĩ đến những sự việc xảy ra trong đất nước mình từ nơi xa này không?" Nhà vua nói: "Đương nhiên rồi, Trẫm luôn luôn nhớ đến những sự việc xảy ra trong đất nước mình. Na Tiên nói: "Nhà vua thử nhớ lại những sự việc xảy ra trong đất nước mình, đã từng làm một việc nào đó hay chăng!" Nhà vua nói: "Trẫm đã nhớ rồi. Na Tiên nói: "Nhà vua đi tám vạn dặm đường sao quay về nhanh chóng như vậy?" Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Nếu như có hai người cùng chết tại đây, một người sanh lên cõi Phạm Thiên ở tầng trời thứ bảy, một người sanh đến nước Kế Tân, nước Kế Tân cách đây bảy trăm hai mươi dặm, thì ai là người đến trước?" Na Tiên nói: "Hãy thử nghĩ đến nước A-lệ- tán!" Nhà vua nói: "Trẫm đã nghĩ đến. Na Tiên hỏi nhà vua: "Nghĩ đến hai nước này thì nơi nào nhanh hơn?" Nhà vua nói: "Đều như nhau mà thôi!" Na Tiên nói: "Hai người chết cùng lúc, một người sanh lên cõi Phạm Thiên ở tầng trời thứ bảy, một người sanh đến nước Kế Tân, cũng như nhau mà thôi. Na Tiên hỏi nhà vua: "Một đôi chim bay, một con hướng về đậu trên một cây cao, một con hướng về đậu trên cây thấp, hai con chim cùng bay, bóng con nào in xuống mặt đất trước?" Nhà vua nói: "Bóng hai con chim đó cùng in xuống mặt đất một lượt như nhau mà thôi". Na Tiên nói: "Hai người chết cùng một lúc, một người sanh lên cõi Phạm Thiên ở tầng trời thứ bảy, một người sanh đến nước Kế Tân, cũng đến cùng một lúc mà thôi. Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Con người phải sử dụng bao nhiêu sự việc để học hỏi biết về đạo?" Na Tiên nói: "Sử dụng bảy sự việc để học hỏi biết về đạo. Như thế nào là bảy sự việc?" Đó là:

1. Phân biệt được điều thiện điều ác.

2. Luôn luôn siêng năng.

3. Vui với đạo.

4. Buộc ý phải làm điều thiện.

5. Luôn nghĩ đến đạo ấy.

6. Chuyên nhất tâm ý.

7. Tự nhiên không có gì yêu ghét.

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Con người dùng bảy sự việc này sẽ học hỏi biết được đạo chăng?" Na Tiên nói: "Không phải ai dùng bảy sự việc này đều học hỏi biết được đạo đâu, người biết chỉ giữ một điều là biết rõ điều thiện điều ác, chỉ sử dụng một sự việc này thì phân biệt biết rõ mà thôi". Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Giả như dùng một việc để biết, thì tại sao phải nói đến bảy loại làm gì?" Na Tiên hỏi nhà vua: "Như người cầm dao cất vào trong bao da mà đứng tựa lưng vào tường, con dao có thể tự nó cắt đứt được cái gì không?" Nhà vua nói: "Con dao không thể nào cắt đứt được cái gì cả. Na Tiên nói: "Tâm con người tuy sáng tỏ lĩnh hội được vấn đề, nhưng cần phải có sáu quan hệ này để cùng nhau thành tựu trí tuệ mà thôi. Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Người ta làm điều thiện có được phước thiện to lớn, làm điều ác phải chịu tai họa to lớn phải không?" Na Tiên nói: "Con người làm điều thiện có được phước thiện to lớn, làm điều ác phải chịu tai họa nhỏ thôi, nếu như người làm điều ác ngày ngày tự hối hận về sai lầm của mình, do đó lỗi lầm của họ ngày càng ít lại; người làm điều thiện (tuy nhỏ) mà ngày đêm tự nghĩ đến và vô cùng hoan hỷ, vì thế cho nên có được phước thiện to lớn. Ngày xưa lúc Đức Phật còn tại thế, trong nước đó có người tàn tật không toàn vẹn tay chân, mà lại hái hoa sen mang đến dâng lên Đức Phật, Đức Phật liền bảo cho các Tỳ kheo biết rằng: "Người tay chân không toàn vẹn này, trong chín mươi mốt kiếp về sau không đọa vào trong địa ngục, không đọa vào trong đường súc sanh ngạ quỉ, sẽ được sanh lên cõi trời, thọ mạng ở cõi trời kết thúc tiếp tục trở lại làm người". Vì thế mà tôi biết người làm điều thiện nhỏ có được phước thiện to lớn; người làm điều ác tự hối hận về sai lầm của mình thì ngày dần tiêu diệt rồi mất hẳn nghiệp chướng, vì thế mà tôi biết người làm điều ác phải chịu tai họa nhỏ thôi. Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Người trí làm điều ác và người ngu làm điều ác, lỗi lầm tai họa của hai người này, thì ai nhận chịu nhiều hơn ai?" Na Tiên nói: "Người ngu làm điều ác nhận chịu tai họa to lớn, người trí làm điều ác nhận chịu tai họa nhỏ hơn, đúng vậy không?" Nhà vua nói: "Không biết chắc. Na Tiên nói: "Nhà vua nói theo pháp sửa trị trong đất nước của mình, thì quan lớn có tội phải trị tội rất nặng, dân thường có tội thì phạt nhẹ thôi. Vì vậy nhà vua biết chắc người trí gây ra lỗi lầm tai ác thì phải chịu tai họa rất lớn, người ngu làm điều sai trái thì gặp tai họa nhỏ thôi!" Na Tiên hỏi nhà vua: "Ví như hòn sắt nóng nằm trên đất, một người biết là sắt nóng, một người không biết gì cả, hai người cùng tiến đến cầm lấy hòn sắt nóng, ai là người bỏng tay nhiều hơn?" Nhà vua nói: "Người không biết gì bỏng tay nhiều hơn. Người không kềm chế thân khẩu của mình, họ không thể nào giữ gìn kinh giới, hạng người như vậy cũng không vui gì với thân của mình. Na Tiên nói: "Người có học đạo, họ có thể kềm chế thân của họ - có thể kềm chế khẩu của họ và có thể giữ gìn kinh giới, có thể chuyên nhất tâm tư của họ đạt đến Tứ thiền, thì có thể không trở lại đời sống sanh diệt của hơi thở ra vào. Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Cái gọi là biển thì biển là tên của nước hay của biển, dùng sự việc khác nên nói là biển chăng?" Na Tiên nói: "Sở dĩ người ta gọi là biển, bởi vì nước và muối hòa với nhau mỗi bên đều một nửa, vì vậy gọi là biển mà thôi. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Tại vì sao biển đều mặn giống như vị muối vậy?" Na Tiên nói: "Sở dĩ nước biển mặn là bởi vì tích chứa từ xa xưa đến nay, và rất nhiều loài tôm cua cá rùa chết ngâm trong nước cùng tan ra, vì thế cho nên nước biển trở nên mặn mà thôi. Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Người đắc đạo rồi hẳn là có thể tư duy biết nhiều sự việc sâu sắc phải không?" Na Tiên nói: "Đúng vậy, người đắc đạo rồi có thể tư duy biết mọi điều sâu sắc, kinh Phật sâu sắc nhất phân tích biết rõ mọi điều, những sự việc không thể cân nhắc suy lường, đều dùng trí tuệ để bình xét được điều ấy. Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Thần thức của con người - trí và pháp (tự nhiên), ba sự việc này giống nhau hay là đều khác nhau?" Na Tiên nói: "Thần thức của con người (nhân thần) thì phát sinh giác, Trí tuệ thì hiểu rõ về đạo, pháp là hư không chẳng có con người trong đó". Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Người ta nói được làm thân người thì như thế nào là được làm thân người?" Hiện tại mắt nhìn thấy Sắc, tai nghe thấy Thanh, mũi ngửi thấy Hương, miệng biết được Vị, thân biết được Xúc có mềm cứng, ý biết rõ mọi điều thiện ác, nơi nào là Đại chủng làm thân người?" Na Tiên nói: "Người ngu làm điều ác không có thể tự mình hối hận cho nên tai họa họ phải chịu rất lớn; người trí làm điều ác biết rằng lẽ ra không nên làm, hàng ngày tự hối hận về sai lầm của mình, vì thế tai họa của họ ít hơn". Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Có người nào có thể mang thân này bay lên phía trên đến cõi Phạm Thiên ở tầng trời thứ bảy, và đến Bắc Cu Lô Châu (Uttarakuru), cho đến muốn hướng về một nơi nào đó hay không?" Na Tiên nói: "Có thể. Nhà vua nói: "Làm thế nào mang thân này lên đến cõi Phạm Thiên ở tầng trời thứ bảy, đến cõi Bắc Cu Lô Châu, cho đến muốn hướng về một nơi nào đó vậy?" Na Tiên hỏi nhà vua: "Nhà vua hẳn là tự nghĩ đến lúc còn bé dại chơi trò nhảy xa trên mặt đất một trượng (bằng mười thước Tàu) hay không?" Nhà vua nói: "Lúc trẫm còn bé ý nghĩ rằng muốn nhảy, thì nhảy xa hơn một trượng rất dễ dàng. Na Tiên nói: "Người đắc đạo ý muốn nhảy lên đến cõi trời thứ bảy, cho đến cõi Bắc Câu Lô Châu ấy cũng như vậy. Nhà vua nói: "Hay quá " Hay quá!"

Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Những Sa môn như các khanh nói: "Có đốt xương dài bốn ngàn dặm, thân hình như thế nào mà đốt xương dài bốn ngàn dặm?" Na Tiên hỏi nhà vua: "Nhà vua từng nghe nói trong biển lớn có loài cá lớn tên là Chất, thân dài hai vạn tám ngàn dặm hay không?" Nhà vua nói: "Đúng là có loài cá này, Trẫm đã từng nghe nói. Na Tiên nói: "Như vậy thì con cá hai vạn tám ngàn dặm, xương sườn của nó dài bốn ngàn dặm, vua nào cảm thấy quái lạ!" Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Hàng Sa môn các khanh nói rằng: "Có thể ngưng được hơi thở. Làm thế nào có thể ngưng được hơi thở vậy?" Na Tiên hỏi nhà vua: "Hẳn nhà vua đã từng nghe đến ý chí không?" Nhà vua nói: "Trẫm có nghe. Na Tiên nói: "Nhà vua cho rằng ý chí ở trong thân người chăng?" Nhà vua nói: "Trẫm cho rằng ý chí ở trong thân người". Na Tiên nói: "Nhà vua cho rằng người ngu không thể có ý chí ư?" Giống như bây giờ khép mở dùng mắt nhìn, nếu vất bỏ con ngươi đi há có thể nhìn xa rộng hay không, banh lỗ tai đó to ra để nghe tiếng há có thể nghe được xa rộng hay không, banh lỗ mũi khiến cho to ra thì ngửi được mùi thơm đó há có thể nhiều hơn hay không, môi miệng làm cho to ra thì biết mùi vị đó có thể nhiều hơn hay không, cắt xẻ da thịt có thể làm cho biết chính xác sự xúc chạm mềm cứng hay không, rút hết ý nghĩ tràn đầy niệm tưởng đó có thể nghĩ được nhiều hay không?" Nhà vua nói: "Không thể nào!" Na Tiên nói: "Đức Phật đã làm việc rất khó làm, Đức Phật đã biết việc rất vi diệu. Nhà vua lại hỏi Na Tiên: "Đã làm việc rất khó làm như thế nào, đã biết việc rất vi diệu như thế nào?" Na Tiên nói: "Đức Phật có năng lực biết rõ trong bụng con người, những sự việc mà mắt con người không thấy được nhưng Ngài đều có năng lực hiểu rõ, Ngài có năng lực hiểu rõ sự việc của mắt thấy, Ngài có năng lực hiểu rõ sự việc của tai nghe, Ngài có năng lực hiểu rõ sự việc của mũi ngửi, Ngài có năng lực hiểu rõ sự việc của miệng nếm, Ngài có năng lực hiểu rõ sự việc của thân xúc chạm, Ngài có năng lực hiểu rõ sự việc của những ý niệm, Ngài có năng lực hiểu rõ sự việc của thần thức, Ngài là Đấng Đại Giác Thế Tôn!" Ví như có người lấy nước biển ngậm trong miệng, có thể phân biệt là nước suối nào đó - là nước khe nào đó - là nước sông nào đó hay không?" Nhà vua nói: "Nhiều loại nước hòa lại làm một thì khó phân biệt biết rõ từng loại được". Na Tiên nói: "Đức Phật đã làm việc rất khó làm, tất cả mọi điều Ngài đều có năng lực phân biệt biết rõ; trước mắt thần thức của con người không nhìn thấy trong thân con người có sáu điều không thể nhìn thấy. Vậy mà Đức Phật hiểu rõ tất cả, từ tâm niệm đến mắt nhìn thấy được, từ tâm niệm đến tai nghe thấy được, từ tâm niệm đến mũi ngửi thấy được, từ tâm niệm đến miệng biết rõ mùi vị, từ tâm niệm đến thân biết rõ khổ vui lạnh ấm thô cứng, từ tâm niệm có những nơi hướng tới, Đức Phật đều biết rõ và Ngài phân biệt giảng giải rõ ràng từng pháp một thật tường tận. Nhà vua nói: "Hay quá! Hay quá!"

Na Tiên nói: "Đã nửa đêm! Tôi muốn trở về!" Nhà vua liền truyền cho cận thần, lấy bốn xấp vải bông quấn lại tẩm dầu vừng trong đó để làm đuốc, đưa tiễn Na Tiên trở về, cung kính với Na Tiên giống như chăm sóc cho bản thân mình, cận thần đều răm rắp tuân lệnh không chút chậm trễ. Nhà vua nói: "Có bậc Thầy như Na Tiên, làm đệ tử như Trẫm, thì có thể mau chóng hiểu được đạo lý!" Những câu hỏi của nhà vua đều được Na Tiên nhanh chóng trả lời tường tận từng điều một, nhà vua vô cùng hoan hỷ. Nhà vua liền truyền lệnh mở kho lấy chiếc áo tốt nhất trị giá mười vạn tiền dâng cúng Na Tiên. Nhà vua nói với Na Tiên: "Từ nay trở đi nguyện xin cúng dường Na Tiên hàng ngày và xin được cúng dường cho tám trăm vị Sa-môn ở tại cung điện này, hễ muốn điều gì thì Trẫm đều thuận lòng lấy ngay thứ ấy". Na Tiên trả lời trả lời nhà vua: "Tôi là người tu hành chẳng ham muốn gì cả". Nhà vua nói: "Na Tiên nên tự bảo vệ, cũng nên bảo vệ cho Trẫm nữa". Na Tiên nói: "Thế nào là tự bảo vệ và bảo vệ luôn cho nhà vua?" Nhà vua trả lời rằng: "E rằng mọi người bàn tán gọi Trẫm là người keo kiệt, Na Tiên đã giải thích rõ ràng mọi điều thắc mắc, mà không thể ban tặng để đền đáp; hoặc là sợ người ta nói Na Tiên không thể giải thích mọi nghi ngờ của Trẫm cho nên Trẫm không ban thưởng. Na Tiên nhận sự cúng dường là làm cho Trẫm có được phước thiện ấy, Na Tiên cũng bảo vệ được danh tiếng của mình. Ví như sư tử ở trong lồng vàng, bởi vì bị giam giữ cho nên luôn luôn có tâm tư muốn được thoát ra, nay Trẫm tuy là địa vị Đế Vương ở trong cung điện vẫn tỉnh ngộ được, nhưng ý Trẫm không vui, chỉ muốn rời bỏ quyền uy để thực hành tu học đạo pháp!" Nhà vua nói xong thì Na Tiên cáo từ trở về chùa.

Na Tiên vừa rời khỏi thì nhà vua thầm nghĩ: "Mình đã hỏi Na Tiên những điều như thế nào?" Na Tiên giải thích cho mình những điều như thế nào?" Những gì mình hỏi Na Tiên đều giải thích rõ ràng làm cho mình sáng tỏ. Na Tiên trở về chùa cũng tự nghĩ: "Nhà vua hỏi mình những điều gì?" Mình cũng trả lời nhà vua những điều gì?" Những gì nhà vua hỏi mình cũng giải thích cả rồi.

Suy nghĩ việc này cho đến lúc trời sáng. Sáng hôm ấy Na Tiên khoác ca sa ôm bình bát đi thẳng vào cung lên chính điện ngồi. Nhà vua tiến lên làm lễ với Na Tiên rồi lùi lại ngồi xuống. Nhà vua thưa với Na Tiên: "Lúc Na Tiên vừa rời xa thì Trẫm tự nghĩ mình đã hỏi Na Tiên những lời gì Na Tiên đã đáp lại mình những lời gì Trẫm lại tự nghĩ mình đã hỏi Na Tiên, Na Tiên đều giải thích rõ ràng làm cho mình sáng tỏ. Nghĩ đến những điều này thì vô cùng hoan hỷ ngủ yên giấc đến sáng". Na Tiên nói: "Tôi đi về chùa cũng tự nghĩ: "Nhà vua đã hỏi mình những điều gì Mình cũng đã giải thích cho nhà vua những điều gì Bần đạo lại tự nghĩ nhà vua đã hỏi điều gì thì bần đạo đã giải thích rõ ràng điều ấy rồi. Vì lý do này mà hoan hỷ mãi đến sáng". Chia xẻ với nhau xong, Na Tiên ngỏ lời muốn về, nhà vua liền đứng lên làm lễ Na Tiên và cung kính tiễn bước.

-oOo-


[Mục lục tổng quát][Quyển thượng][Quyển hạ]