KINH PHÁP CÚ

BẮC TRUYỀN

Hán dịch:

ĐỜI NGÔ, THIÊN TRÚC SA-MÔN DUY-KỲ-NAN

Việt dịch:

THÍCH ĐỒNG NGỘ - THÍCH NGUYÊN HÙNG

 

MỤC LỤC

 

LỜI THƯA

BÀI TỰA

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 1: VÔ THƯỜNG

Phẩm 2 KHUYẾN HỌC

Phẩm 3: NGHE NHIỀU

Phẩm 4: DỐC LÒNG TIN

Phẩm 5: GIỮ GIỚI CẨN THẬN

Phẩm 6: QUÁN NIỆM

Phẩm 7: NHÂN TỪ

Phẩm 8: NÓI NĂNG

Phẩm 9: SONG YẾU

Phẩm 10: PHÓNG DẬT

Phẩm 11: TÂM Ý

Phẩm 12: HƯƠNG HOA

Phẩm 13: NGU TỐI

Phẩm 14: MINH TRIẾT

Phẩm 15: A LA HÁN

Phẩm 16: MỘT VÀ NHIỀU

Phẩm 17: LÀM ÁC

Phẩm 18: DAO GẬY

Phẩm 19: GIÀ SUY

Phẩm 20: YÊU BẢN THÂN

Phẩm 21: THẾ TỤC

(HẾT QUYỂN THƯỢNG)

QUYỂN HẠ

Phẩm 22 ĐỨC PHẬT

Phẩm 23 AN NINH

Phẩm 24 HAM VUI

Phẩm 25 TỨC GIẬN

Phẩm 26 TRẦN CẤU

Phẩm 27 PHỤNG TRÌ

Phẩm 28: CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Phẩm 29: QUẢNG DIỄN

Phẩm 30: ĐỊA NGỤC

Phẩm 31: VÍ DỤ CON VOI

Phẩm 32: ÁI DỤC

Phẩm 33: LỢI DƯỠNG

Phẩm 34: SA MÔN

Phẩm 35: PHẠM CHÍ

Phẩm 36: NIẾT BÀN

Phẩm 37: SINH TỬ

Phẩm 38: NẾP SỐNG ĐẠO

Phẩm 39: ĐIỀU LÀNH

(HẾT QUYỂN HẠ)


 

LỜI THƯA

Cùng Pháp lữ xa gần quý mến!

Kinh Pháp cú Nam truyền đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Riêng tiếng Việt, bản dịch sớm nhất là của hai vị cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu, (năm 1959, dựa trên bản dịch Hán văn của Pháp sư Liễu Tham) và cố Hòa thượng Thích Minh Châu, (năm 1969, dịch từ nguyên bản Pāli). Cả hai bản dịch này hiện đã được tập hợp và in chung

thành bộ Kinh Pháp Cú – Lời Phật dạy, nxb. Hồng Đức ấn hành năm 2014.

Đến nay, Kinh Pháp cú Nam truyền đã có nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật khác. Tiêu biểu có Thi kệ Pháp cú kinh của Thích Tịnh Minh; Kinh Pháp cú của Phạm Kim Khánh; Kinh Lời Vàng - Thi hóa Dhammapada, của Tỳ-kheo Giới Đức (Minh Đức - Triều Tâm Ảnh); Kinh Pháp Cú, của Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển dịch thơ… Ngoài ra, còn nhiều tác phẩm thi hóa, thi lược khác, như Lời vàng vi diệu của Thích Giác Toàn, Thi lược lời kinh Pháp cú của Triều Nguyên, Pháp cú tinh hoa của Vũ Anh Sương… Có thể nói, Pháp cú Nam truyền đã tạo nguồn cảm hứng vô tận cho giới học Phật, hình thành nên nghệ thuật, thi ca đầy sáng tạo, khiến cho hương hoa chánh pháp ngào ngạt muôn phương!

Trong khi đó, Kinh Pháp cú Bắc truyền, vốn được dịch từ Phạn sang Hán, hiện đang lưu giữ trong Đại tạng kinh Đại chánh tân tu, tập IV, số hiệu 0210, mới chỉ có hai công trình dịch thuật bằng văn xuôi (Kết một tràng hoa của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, Đọc pháp cú Bắc tông của Hòa thượng Thích Trí Quang) và một bản kệ tụng trong Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng kinh.

Nhận thấy, Pháp cú Bắc truyền có 39 phẩm, 759 bài kệ, không những chứa đủ nội dung Pháp cú Nam truyền (gồm 26 phẩm, 423 bài kệ), mà còn nhiều hơn 13 phẩm, 336 bài kệ với nhiều ý nghĩa sâu xa, thí dụ sinh động, chúng tôi mạo muội chuyển dịch tác phẩm này ra tiếng Việt với tựa đề KINH PHÁP CÚ BẮC TRUYỀN để Tăng Ni và Phật tử có cơ hội tiếp xúc, đối chiếu kinh điển giữa hai truyền thống, ngỏ hầu hái được những đóa hoa sắc hương trong vườn hoa Tuệ giác, làm đẹp cho đời.

Bản dịch này căn cứ trên bản Đại chánh và tham cứu thêm bản Nam Bắc truyền Pháp cú kinh kệ cú đối chiếu biểu của Hội xá Thất diệp Phật giáo để phân chia  kệ  tụng. Chúng tôi cũng cho in nguyên bản ở cuối bản dịch để bạn đọc tiện đối chiếu.

Trong quá trình phiên dịch, chúng tôi nhận được nhiều khích lệ từ chư tôn đức và quý pháp hữu am tường Hán tạng; nơi đây, xin chân thành tri ân chư tôn đức và quý bằng hữu.

Trong vài thập niên đầu công nguyên, khi Phật pháp mới du nhập Trung quốc, do vốn dụng ngữ Phật học chưa nhiều, nên các dịch giả kinh Phật nói chung và dịch giả kinh Pháp cú nói riêng phải vay mượn nhiều khái niệm bản ngữ để diễn tả. Đây là một thử thách không nhỏ đối với chúng tôi, và cũng do đó nên bản dịch không sao tránh khỏi sai sót, vụng về. Kính lạy Thiện tri thức mười phương hỷ xả và chỉ dạy thêm cho.

Am Vô Nguyện

Cuối thu Bính Thân, Phật lịch 2560

Thích Nguyên Hùng


 

BÀI TỰA

Kệ Đàm-bát là nghĩa lý cốt lõi của các kinh. Đàm nghĩa là Pháp; Bát nghĩa là Cú. Pháp cú cũng có mấy bộ khác nhau, có bộ gồm 900 bài kệ, có bộ 700 bài, có bộ 500 bài.

Kệ hay Thi tụng tức là lời kết. Những bài kệ này do Thế Tôn gặp việc tuỳ nghi diễn thuyết chứ không phải nói ra trong một lúc. Mỗi bài kệ đều có mở đầu, kết thúc và nằm rải rác trong kinh. Đức Thế Tôn vì lòng đại từ thương xót chúng sinh mà thị hiện ở đời, khai mở chân lý nhằm giải thoát cho họ. Giáo nghĩa Phật thuyết gói gọn trong mười hai phần giáo và được phân thành nhiều bộ. Như bốn bộ A-hàm là bộ kinh do Tôn giả A-nan khẩu truyền sau khi Phật nhập diệt. Bất luận bài kinh dài ngắn, phần mở đầu đều có câu “Tôi nghe như vầy” nhằm khẳng định đây là nghĩa lý nhiệm mầu từ kim khẩu Phật nói ra lúc Ngài còn tại thế. Về sau, sa-môn của năm bộ phái tự sao chép những bài kệ 4 câu hoặc 6 câu trong các kinh, dựa trên nội dung từng bài kệ đó rồi đặt tên phẩm. So với mười hai phần giáo, nội dung của các bài kệ này quá ngắn gọn, không có tên kinh thỏa đáng, nên gọi chung là Pháp cú.

Lời kinh gọi là Pháp ngôn, Pháp cú được hình thành dựa trên Pháp ngôn này. Gần đây Cát-thị[1] truyền lại 700 câu kệ nghĩa lý sâu xa, rất tiếc người dịch đã làm lẫn lộn nghĩa lý đôi chút. Phật đã khó gặp, lời Phật lại càng khó được nghe, hơn nữa Ngài thị hiện ở Thiên Trúc, mà ngôn ngữ Thiên Trúc lại không đồng âm với Hán ngữ. Sách của Thiên Trúc được gọi là Phạn thư, ngôn ngữ được gọi là Phạn ngữ, danh vật

không đồng nên chuyển dịch cho chính xác là điều không dễ. Xưa chỉ có An Thế Cao, Đô uý Phật Điều chuyển dịch từ Phạn sang Hán là chính xác nhất, từ đó về sau khó ai tiếp bước[2]. Dịch giả sau này dù không thể nêu bật được nghĩa lý sâu kín, nhưng vẫn giữ được giá trị và chỉ thú của tác phẩm.

Duy-kỳ-nan (Vighna) là người đầu tiên chuyển dịch từ Phạn sang Hán. Ngài vốn người Thiên Trúc, đến Vũ Xương vào năm Hòang Vũ thứ 3 (224 Tây lịch), mang theo bản Pháp cú gồm 500 kệ tụng, mời đồng đạo Trúc Tương Diễm cùng chuyển dịch. Diễm tuy giỏi Phạn văn nhưng lại không rành Hán ngữ, thành thử bản dịch của ngài có những chữ để nguyên Phạn ngữ, hoặc dựa trên nghĩa đặt âm, cốt chuyển tải được tính chân thật chứ văn từ thì không mấy bác học. Hồi ấy, Khiêm tôi cho rằng, ngôn từ ngài dịch chưa mấy nhuần nhuyễn, Duy-kỳ-nan nói: “Phật dạy: Nương nghĩa lý đừng quá cầu trau chuốt, chọn pháp chứ đừng chạy theo tính nghiêm mật”, những bản kinh truyền lại cho đời cần phải dễ hiểu và không đánh mất nghĩa lý của nó, như vậy gọi là thiện. Hầu hết người dịch đều cho rằng, Lão tử bảo: “Lời đẹp thì không đáng tin, lời đáng tin thì không đẹp”; Khổng tử cũng bảo: “Sách không truyền tải hết lời, lời không chuyển tải hết ý”, đủ thấy ý của thánh nhân thâm thuý vô cùng.

Pháp cú bản Phạn hiện nay lưu hành, nghĩa lý thật chính xác với khế kinh, bởi đây là những kệ tụng được khẩu truyền và khẩu dịch. Cổ đức đã từng hiệu đính nhưng không thêm thắt văn từ, những bản dịch khó hiểu thì không lưu truyền nữa, vì thế có rất nhiều bài kệ đã bị bỏ đi. Văn từ Pháp cú mộc mạc nhưng ý chỉ lại thâm sâu, câu chữ ngắn gọn nhưng nghĩa lý nhiệm mầu, cốt chuyện liên quan đến khế kinh, mỗi bài kệ đều có nguyên do, từng câu đều có nghĩa. Người xuất gia ở Thiên Trúc nếu không học Pháp cú là đi sai trình tự tu học. Pháp cú chính là nấc thang cần thiết giúp những người xuất gia tu tập thâm nhập vào pháp tạng sâu xa, khéo khai mở cho kẻ mông muội, biện rõ chánh tà, khuyến hóa người học trở về sống với chính mình, dù học ít nhưng kiến giải mênh mông, có thể nói Pháp cú là nghĩa lý mầu nhiệm, cốt yếu tột bậc.

Lúc kinh mới truyền, có rất nhiều chỗ không hiểu. Gặp Tương Diễm đến, lại học hỏi thêm, mới có bản kệ đây, lại thêm 13 phẩm mới. So những bản khác, số lượng kệ tụng có tăng lên nhiều. Xếp theo phẩm mục, tổng có một bộ gồm 39 phẩm, cả thảy hơn 750 bài kệ.

Với việc làm ấy có bao ích lợi, đều san sẻ ra, ngỏ hầu gần xa cùng nhau học hỏi!

Chi Khiêm

Cẩn bút


 

QUYỂN THƯỢNG

(Gồm 21 phẩm, 357 bài kệ)

Việt dịch: Thích Đồng Ngộ

Phẩm 1: VÔ THƯỜNG[3]

 

[559a] Phẩm VÔ THƯỜNG gồm 21 bài kệ[4] , nói về: tỉnh ngộ dục, mê, loạn; công danh, mạng khó bền, chỉ đạo là chân thật.

 

001.

Ngủ nghỉ vừa thức dậy
Nên sinh lòng mừng vui
Lắng nghe lời ta dạy
Soạn chép lời Phật-đà.

 

002.

Các Hành [5] đều vô thường
Toàn là pháp thịnh suy
Sinh ra phải chết đi
Tịch diệt mới an lạc.

 

003.

Như thợ gốm giỏi giang
Lấy đất nặn đồ dùng
Sinh mạng ta rốt cuộc
Như đồ vật vỡ tan.

 

004.

Như dòng sông chảy xiết
Nước cứ mãi trôi xa
Cũng vậy, thân mạng ta
Ra đi nào quay lại.

 

005.

Như gậy người chăn bò
Lùa chúng ra đồng cỏ
Già chết cũng thế đó
Xua người đến tử vong[6].

 

006.

Đến trăm ngàn chủng tộc
Bất luận gái hay trai
Ai tích chứa tiền tài
Đều lụi tàn, tan mất.

 

007.

Sự sống ngày đêm vơi
Tiêu tan cả cuộc đời
Như nước dần bốc hơi.

 

008.

Thường hằng rồi cũng đổi
Cao mấy cũng lụi tàn
Có hợp ắt có tan
Có sống phải có chết.

 

009.

Muôn loài xâu xé nhau
Khiến tan thân mất mạng
Hạnh phúc hay khổ đau
Đều tuỳ nơi nghiệp cảm.

 

010.

Già đến, khổ dày vò
Chết đến, thức rời xa
Cửa nhà giam cầm họ
Vì tham, phải luân hồi.

 

011.

Than ôi! Già đến rồi
Thần thái, sắc kém suy
Mấy khi được như ý
Về già dò dẫm đi.

 

012.

Dù sống thọ trăm tuổi
Chết đến sẽ lôi đi
Khỏe mạnh được mấy khi
Toàn già nua vây bức.

 

013.

Một ngày nữa qua mau
Mạng ta dần ngắn lại
Như bầy cá thiếu nước
Hỏi có gì vui đâu?

 

014.

Già đến sắc lực suy
Bệnh triền miên huỷ hoại
Thân già nua, tiều tụy
Chết là lẽ tự nhiên. [7]

 

015.

Thân này có gì đẹp
Thường tuôn chất bẩn dơ
Bệnh tật luôn vây bức
Họa già, chết chực chờ.

 

016.

Ai tham lam phóng túng
Càng chuốc lấy não phiền
Chẳng biết đời biến chuyển
Mạng cũng đổi thay theo.

 

017.

Chẳng con cái cậy nhờ
Chẳng cha, anh chở che
Một khi thần chết ghé
Chẳng người thân nương nhờ. [8]

 

018.

Ngày đêm thường biếng nhác
Già chẳng hết trăng hoa
Giàu có chẳng ban ra
Không nghe lời Phật dạy
Ai đủ bốn thói ấy
Là tự hủy đời mình.

 

019.

Dẫu hư không, biển cả
Dù núi thẳm hang sâu
Nhưng không một nơi nào
Thoát chết khi nghiệp đến.

 

020.

Việc này của ta làm
Phải làm cho kết quả
Ai bị nó quấy phá
Giẫm đạp khổ chết, già.

 

021.

Biết thế, khéo thanh tịnh
Là dứt đường tử sinh
Tỳ-kheo ngán ma binh
Nên vượt ra sống chết.

 

Phẩm 2 KHUYẾN HỌC[9]

 

[559b] phẩm khuyến học gồm 29 bài kệ: làm chủ mọi hành vi, bản thân bỏ ngu tối, ắt thấy đạo sáng ngời.

 

022. Thương thay! Kẻ ham ngủ
Như rận, ốc cuộn mình
Vùi đời trong bất tịnh
Mê muội chấp làm thân.

 

023.

Nào phải bị chém chặt
Như trẻ đau liệt giường
Sao cứ nằm chán chường
Gây chi bao tai ách?

 

024.

Nghĩ suy không phóng dật
Học theo hạnh thánh hiền
Nhờ vậy hết não phiền
Thường niệm, tự vắng lặng.

 

025.

Chánh kiến, tăng sở học
Soi sáng cho thế nhân
Sống, phước tăng ngàn lần
Chết, không đọa đường ác.

 

026.

Đừng học nghĩa lý nhỏ
Dễ tin vào pháp tà
Đừng tập thói buông thả
Dễ khiến lòng dục tăng;

 

027.

Khéo tu, thực hành pháp
Giữ giới, đọc tụng luôn
Đến, đi không phiền muộn
Đời đời thường tịnh an.

 

028.

Siêng học, nhiếp thủ thân
Cẩn thận ý, nói năng
Là đến nơi vắng lặng
Hết tạo tác, thường an.

 

029.

Việc không đáng chớ học
Điều đáng làm nên làm
Ghi sâu điều đã học
Các lậu diệt trừ nhanh.

 

030.

Thấy pháp, thân lợi lạc
Sẽ đến nơi an lành
Biết lợi phải làm nhanh
Mới là người sáng suốt.

 

031.

Ai khởi tâm thức tỉnh
Học đạo, thật vững bền
Đắm diệt, tự buông mình
Thụt lùi, chẳng lợi ích.

 

032.

Chọn hướng đi, thẳng tới
Học, tu phải cân bằng
Tỏ thông nghĩa thù thắng
Nhớ ghi và thực hành.

 

033.

Học đạo trước diệt si [10]
Diệt thường kiến, đoạn kiến [11]
Tịnh sáu căn, sáu trần [12]
Là đạo nhân chánh chân.[13]

 

034.

Học mà không bạn tốt
Thiện hữu sách tấn mình
Thà thủ chí một mình
Đừng kết thân kẻ dốt.

 

035.

Giữ giới, siêng học hành
Bè bạn nhiều, ích chi
Thuần thiện, không phiền não
Như voi, một mình đi.

 

036.

Giữ giới, nghe đều thiện
Cả hai quý như nhau
Nghe, song hành giữ giới
Học, vận dụng cho sâu.

 

037.

Học trước phải giữ giới
Cốt nắm vững giá, khai
Cho, chẳng mong nhận lại
Siêng năng, đừng nằm dài.

 

038.

Nếu người sống trăm tuổi
Tà học, chí chẳng ngay
Chẳng bằng sống một ngày
Siêng năng học chánh pháp.

 

039.

Nếu người sống trăm tuổi
Thờ lửa, tu dị thuật
Chẳng bằng trong phút giây
Giữ giới tạo phước đức.

 

040.

Làm được rồi hãy nói
Đừng nói lời rỗng suông
Dối lừa, không đáng tin
Người trí chẳng hề muốn.

 

041.

Học, trước cầu thông hiểu
Phân biệt rõ đúng sai
Tỏ tường rồi dạy dỗ
Phát tuệ, chẳng lầm sai. [14]

 

042.

Búi tóc, học đạo tà
Lòng cấu nhiễm, đắp y
Mê chẳng thấy thật lý
Như người điếc nghe âm.

 

043.

Học phải xả ba độc
Pháp dược điều phục mình
Dõng mãnh vượt tử sinh
Như rắn thay da cũ.

 

044.

Ai học và nghe nhiều
Giữ giới luật trọn vẹn
Hai đời đều được khen
Sở nguyện được viên mãn.

 

045.

Ai học nhưng nghe ít
Giữ giới chẳng hòan toàn
Hai đời đều chuốc khổ
Sở nguyện cũng tiêu tan.

 

046.

Căn bản học có hai:
Thân cận bậc nghe nhiều
Nắm thật lý, thông hiểu
Tuy khổ, chẳng lầm sai.

 

047.

Cỏ dại hại lúa tốt
Dục nhiều ngăn học hành
Xấu ác cày nhổ sạch
Ắt thu lắm quả lành.

 

048.

Nghĩ kỹ hãy mở lời
Ngôn từ đừng thô bạo
Luận pháp hay giảng đạo
Nói năng chớ trái nhau.

 

049.

Khéo học, không phạm giới
Sợ pháp, hiểu cử kiêng
Ý thức điều nhỏ nhiệm
Đời sau hết não phiền.

 

050.

Xa lìa mọi tội phước
Phạm hạnh thường huân tu
Thân trọn đời nhiếp thủ
Là người khéo học, tu.

 

Phẩm 3: NGHE NHIỀU[15]

 

[560a] phẩm nghe nhiều gồm 19 bài kệ : khuyên người nghe và học, nghe nhiều phát thánh trí, chánh giác tự thẳng sang.

 

051.

Nghe nhiều lại giữ vững
Lấy pháp làm tường thành
Tiến tu, không huỷ phạm
Giới, tuệ sẽ tiến nhanh.

 

052.

Nghe nhiều khiến chí sáng
Đã sáng, trí tuệ tăng
Thấu triệt nghĩa sâu rộng
Hiểu nghĩa, đời sống an.

 

053.

Nghe nhiều dứt lo âu
Hằng vui trong tịnh lạc
Khéo tuyên dương diệu pháp
Tự thể nhập nê-hoàn.

 

054.

Nghe nhiều thông giới luật
Chánh kiến diệt nghi ngờ
Phi pháp hết phủ mờ
Đến được nơi tịch diệt.

 

055.

Làm bậc thầy mẫu mực
Khiến người sáng, dứt nghi
Khơi bản tâm thanh tịnh
Tạng pháp khéo duy trì.

 

056.

Khéo giữ nên tỏ nghĩa
Nhờ vậy chẳng lỗi lầm
Ai thọ trì đúng pháp
Chóng an lạc thân tâm.

 

057.

Dù nghe ít hay nhiều
Cống cao khinh người khác
Như người mù soi đuốc
Người sáng, mình tối tăm.

 

058.

Cầu tước vị, tiền tài
Tôn quý, phước sinh thiên
Trí thế gian hùng biện
Đâu bằng người nghe nhiều.

 

059.

Nghe được vua ban tặng
Chư thiên khen hết lời
Nghe là đệ nhất tạng
Mạnh giàu nhất cuộc đời.

 

060.

Người trí chăm nghe học
Người thích đạo vui lây
Đế vương hết lòng kính
Thích, phạm bằng người này.

 

061.

Tiên nhân còn kính nghe
Huống chi người quyền quý
Cao thượng thay, bậc trí
Lạy họ, chẳng lỗi lầm.

 

062.

Thờ mặt trời vì sáng
Thờ cha mẹ vì ân
Thờ vua phải ra sức
Học đạo, thờ đạo nhân.

 

063.

Vì bệnh, kính thầy thuốc
Muốn thắng, dựa mạnh giàu
Người trí diễn pháp mầu
Đời đời thêm phước trí.

 

064.

Mưu cao, hiểu bằng hữu
Hiểm nguy, tỏ bạn thù
Khi vui, rõ tính vợ
Nói năng, biết trí ngu.

 

065.

Nghe có ích đời này
Đến vợ con bè bạn
Phước đời sau vô vàn
Nghe nhiều thành thánh trí.

 

066.

Nhờ nghe dứt lo, giận
Khổ, bất hạnh tan mau
Muốn an lạc dài lâu
Nên gần bậc nghe nhiều.

 

067.

Sầu, đau hơn ung nhọt
Ngu, khổ hơn bị thương
Dùng sức đâu diệt được
Nhờ nghe nhiều dứt mau.

 

068.

Mù nhờ đây mắt sáng
Tối cũng hết mờ lu
Dẫn dắt người trần thế
Như sáng dẫn người mù.

 

069.

Nhờ vậy ngu si dứt
Lìa mạn, giàu an vui
Học, kính người nghe nhiều
Là người tích phước đức.

 

Phẩm 4: DỐC LÒNG TIN[16]

 

[560b] phẩm dốc lòng tin có 18 bài kệ : luận về gốc lập đạo, chánh kiến quả nhờ nhân, thực hành luôn thẳng tiến.

 

070.

Tín, tàm, giới, ý tài
Là pháp hiền thánh khen
Ai nói được như vậy
Người ấy liền sinh thiên.

 

071.

Kẻ ngu bỏ thiên hạnh [17]
Chẳng khen pháp bố thí
Tín, thí giúp điều lành
Đến bờ kia an lạc.

 

072.

Lòng tin, người trường thọ
Niệm pháp, trụ an nhiên
Thân gần, ý trên hết
Trí, thọ như thánh hiền.

 

073.

Lòng tin, khiến đắc đạo
Pháp, rũ mọi đeo mang
Nghe pháp phát sinh trí
Đến đâu cũng rõ ràng.

 

074.

Lòng tin vượt vực thẳm
Vững như người lái đò
Tinh tấn diệt khổ lo
Phát tuệ lên bờ giác.

 

075.

Ai có hạnh dốc tín
Thì được thánh ngợi khen
Ai vui hạnh vô vi
Thì dứt mọi gút mắc.

 

076.

Lòng tin và giới luật
Tâm tuệ luôn thực hành
Dõng mãnh diệt sân giận
Thoát hố thẳm rất nhanh.

 

077.

Lòng tin giúp giới thành
Trí tuệ cũng tiến nhanh  
Ở đâu luôn thực hành
Đến đâu cũng được cúng.

 

078.

Lợi lộc ở trên đời
Tín, tuệ đứng bậc nhất
Là bảo vật vô thượng
Là gia nghiệp phi thường.

 

079.

Muốn thấy lẽ huyền vi
Phải ưa nghe, giảng pháp
Xả mọi niệm xan tham
Là đức tin dõng mãnh.

 

080.

Lòng tin vượt sông sâu
Phước ấy ai đọat được
Ngăn chặn nghiệp trộm cướp
Hạnh sa-môn vui cầu.

 

081.

Đừng gần kẻ vô tín
Thích nói lời thẳng ngay
Như khơi bùn dưới suối
Ắt được mạch nước đầy.

 

082.

Người hiền trau dồi trí
Vui nhìn nguồn nước trong
Như người khéo lấy nước
Không để cho đục dòng.

 

083.

Lòng tin, thuần không nhiễm
Chỉ hiền, nhân gần ta
Điều đáng học thì học
Không đáng, hãy tránh xa.

 

084.

Tín, cỗ xe chở ta
Khó biết đi bao ngả
Như điều phục voi lớn
Điều phục mình lớn hơn.

 

085.

Tín, giới là của báu
Tàm, quý là trân châu
Nghe, bố thí cũng vậy
Tuệ nữa là bảy báu.

 

086.

Lòng tin giữ được giới
Quán các pháp tịnh, thường
Trí tuệ là lợi hành
Thành kính giữ chẳng quên.

 

087.

Người trí biết chắc thật
Bất luận gái hay trai
Sinh ra có thất tài[18]
Không một ai nghèo khó.

 

Phẩm 5: GIỮ GIỚI CẨN THẬN[19]

 

[560c] Phẩm GIỮ GIỚI CẨN THẬN có 16 bài kệ: trao cho con đường thiện, ngăn cấm mọi tà phi, về sau không hối tiếc.

 

088.

Ai tâm thường thanh tịnh
Trì luật đến trọn đời
Tịnh tu các thiện hạnh
Nhờ  đó giới tất thành.

 

089.

Người trí hộ trì giới
Phước tam bảo sáng ngời
Được tiếng thơm, lợi dưỡng
Đời sau vui cõi trời.

 

090.

Ai trì giới thanh tịnh
Chỗ ấy pháp hiện tiền
Thấy chánh đạo thường nhiên
An lạc nhất trong chúng.

 

091.

Giữ giới tâm an lạc
Thân thể không não phiền
Ngủ nghỉ tâm an nhiên
Thức dậy lòng thư thái.

 

092.

Giữ giới, hành bố thí
Làm phước, phước theo mau
Đi bất cứ nơi đâu
Lòng tràn đầy an lạc.

 

093.

Vẹn toàn gì tốt nhất
Điều thiện nào an vui
Điều gì đáng quý nhất
Lạm dụng gì đừng nhận?

 

094.

Giới vẹn toàn mãi an
Giới thiện an lạc nhất
Trí tuệ là tột bậc
Lạm dụng phước đừng làm.

 

095.

Tỳ-kheo nghiêm trì giới
Giữ gìn kỹ các căn
Chừng mực với uống ăn
Thường sống trong tỉnh giác.

 

096.

Lấy giới chiết phục tâm
Luôn sống trong chánh định
Đừng quên chánh trí mình
Thường vận tâm quán sát.

 

097.

Người minh triết giữ giới
Chánh trí thường hiện tiền
Hành đạo tâm như nhiên
Đạm bạc dứt các khổ.

 

098.

Tẩy trừ mọi cấu nhiễm
Đừng để ngã mạn sinh
Trọn đời cầu chánh pháp
Sống với tuệ trí mình.

 

099.

Giới, định, tuệ giải thoát
Cần phải khéo duy trì
Mọi cấu nhiễm viễn ly
Không họa hoạn, vướng mắc.

 

100.

Thấu triệt liền giải thoát
Nẻo sống chết vượt qua
Thoát mọi cảnh giới ma
Như vầng dương rạng tỏa.

 

101.

Mê lầm và phóng túng
Thường lạc mất lối về
Chánh hạnh giới, định, tuệ
Cần cầu, chớ lìa xa.

 

102.

Người trì giới thanh tịnh
Tâm chẳng từng buông lung
Chánh trí đã tỏ thông
Lìa xa mọi tà chúng.

 

103.

Trụ nơi an lạc đó
Sẽ lìa xa đường tà
Rũ sạch cảnh giới ma.
Là chánh đạo vô thượng.

 

Phẩm 6: QUÁN NIỆM[20]

 

[561a] Phẩm QUÁN NIỆM gồm 12 bài kệ, bàn về: Nền tảng giữ ý niệm[21], bên trong quán hơi thở, ắt mở thông mối đạo.

 

104.

Cần quán niệm thật kỹ
Từng hơi thở vào ra
Trước sau thông đạt cả
Sống đúng lời Phật-đà.

 

105.

Soi sáng cho thế gian
Như mây tan trăng hiện
Đi, đứng phải tư duy
Ngồi, nằm nên nhớ kỹ.

 

106.

Tỳ-kheo lập quán hạnh
Mỗi một ngày tiến nhanh
Trước sau đều vượt bậc
Chẳng còn thấy tử sanh.

 

107.

Ta chẳng ở đâu xa
Chỉ ngay trong sáu thời
Tỳ-kheo thấy nê-hoàn
Nhờ nhất tâm thẳng tới.

 

108.

Một khi có chánh quán
Tự thân luôn hành trì
Không thực hành, ngẫm nghĩ
Trọn chẳng được tịnh an.

 

109.

Ai thực hành được vậy
Biển ái dục vượt qua
Khéo tỉnh giác chánh niệm
Biết, hiểu tâm an hòa
Thường quán niệm như vậy
Khổ già, chết lùi xa.

 

110.

Tỳ-kheo sống tỉnh giác
Phải quán niệm như vầy
Khổ sở dĩ đọa đày
Vì chưa dứt sinh tử.

 

111.

Muốn khai mở tâm mình
Phải thường nghe diệu pháp
Hay thay! Bậc chân giác
Trọn không còn đến, đi.

 

112.

Hễ là người tỉnh giác
Ngày đêm chăm học hành
Thấu triệt nghĩa giải thoát
Khiến các lậu hết nhanh.

 

113.

Ai người gặp duyên lành
Hãy về nương tựa Phật
Ngày đêm luôn nỗ lực
Thường niệm Phật, pháp, tăng.

 

114.

Ai làm chủ ý mình
Đó là đệ tử Phật
Ngày đêm luôn nỗ lực
Thường niệm Phật, pháp, tăng.

 

115.

Ngày đêm luôn quán tưởng
Niệm thân, niệm vô thường
Niệm giới, niệm bố thí
Không, vô nguyện, vô tướng.

 

Phẩm 7: NHÂN TỪ[22]

 

[561b] Phẩm NHÂN TỪ gồm 18 bài kệ: nói về những công hạnh; bậc Đại nhân, Thánh nhân; đức trải ra vô lượng.

 

116.

Nhân từ không hại vật
Luôn khéo nhiếp thủ thân
Trụ pháp không sinh diệt
Đến đâu cũng an nhiên.

 

117.

Nhân từ không hại vật
Cẩn thận ý, nói năng
Trụ pháp không sinh diệt
Đến đâu cũng an nhiên.

 

118.

Người loạn, ta chánh niệm
Hằng giữ lòng nhân từ
Biết giằn cơn giận dữ
Đó là hạnh thanh cao.

 

119.

Chí thành và thong dong
Đừng buông lời cộc cằn
Chuyện người đừng nổi nóng
Đó là hạnh thanh cao.

 

120.

An nhàn đừng tạo tác
Chẳng sát hại mọi loài
Thân tâm không nhiễu loạn
Đó là hạnh thanh cao.

 

121.

Thường giữ lòng từ ái
Sống đúng lời Phật khuyên
Biết đủ, biết dừng lại
Sẽ thoát dòng tử sinh.

 

122.

Ít muốn, siêng học hành
Đừng đắm trong lợi danh
Nhân từ đừng phạm ác
Ở đời được thanh danh.

 

123.

Nhân từ đừng phạm ác
Chớ hiện tướng vui buồn
Bị người khác não phiền
Phải dùng trí lắng xuống.

 

124.

Lo lắng khắp bạn hiền
Xót thương mọi chủng tính
Lòng từ luôn thể hiện
Đến đâu cũng an nhiên.

 

125.

Người trí thích nhân từ
Học rộng và chánh tín
Biết đủ chẳng âu lo
Được chư thiên gìn giữ.

 

126.

Ngày đêm sống nhân từ
Tâm không nghĩ đấu tranh
Chẳng hại mọi chủng tánh
Oan gia chẳng đến tìm.

 

127.

Không nỡ lòng, cứ giết
Phạm giới lại dối lừa
Lỗi lầm, sợ người biết
Chẳng nhìn ra muôn loài.

 

128.

Rượu làm mất ý chí
Sống phóng túng hành vi
Chết rồi, đường ác đi
Há chưa từng ngẫm nghĩ ?

 

129 và 130.

Sống nhân từ đạo đức
Thương mọi loài chúng sinh
Người người đều ca ngợi:

Phước quả luôn theo mình
(1) Ngủ, thức đều yên tịnh
(2,3) Ác mộng thảy lánh xa.
(4) Trời hộ, người yêu kính
(5,6) Thoát khổ độc đao binh
(7) Nước, lửa chẳng hại được
(8,9) Có phước báu hiện tiền
(10) Chết sinh về Phạm thiên
(11) Đạt mười một phước quả.

 

131.

Lòng từ luôn trải ban
Không chối bỏ muôn loài
Biển tử sinh dần cạn
Mau chóng xuất thế gian.

 

132.

Đức Nhân nung nấu chí
Tâm Từ luôn dẫn đầu
Thương muôn loài như nhau
Phước ấy đâu kể xiết.

 

133.

Dẫu cho cả cuộc đời
Tế trời bằng voi ngựa
Vì thiên hạ phụng sự
Đâu bằng tu niệm Từ.

 

PHẨM 8: NÓI NĂNG

 

[561c] phẩm nói năng gồm 12 bài kệ. Nội dung phẩm này: cẩn thận giữ khẩu nghiệp, nói năng hay luận bàn, phải nằm trong đạo lý.

 

134.

Thô tục chửi, nhục mạ
Hống hách khinh người ta
Ai khởi ác hạnh ấy
Oán ghét liền sinh ra.

 

135.

Từ tốn và dịu dàng
Luôn kính trọng người khác
An nhiên, nhẫn điều ác
Oán ghét chóng tiêu tan.

 

136.

Con người sống ở đời
Búa bén nằm trong miệng
Bị chém vào thân mình
Bởi những lời bất thiện.

 

137.

Ganh đua chút lợi nhỏ
Vùi chôn cả gia tài
Giam mình trong cự cãi
Khiến ý chuốc họa tai.

 

138.

Khen ác, ác ca ngợi
Cả hai xấu như nhau
Háo thắng ưa đấu khẩu
Đời sau chuốc khổ sầu.

 

139.

Vô đạo, đọa đường ác
Khổ địa ngục tăng mau
Lìa ngu, tu pháp nhẫn
Nhớ kỹ, thoát khổ sầu.

 

140.

Làm thiện được giải thoát
Tạo ác tự đeo gông
Bậc trí khéo thông đạt
Khổ não hết chất chồng.

 

141.

Bỏ tật xấu hơn thua
Xuất ngôn đừng hiếu thắng
Như chánh pháp nói năng
Dịu dàng thay! Lời nói.

 

142.

Ai nói năng hòa nhã
Lòng sẽ chẳng lo phiền
Chẳng trách cứ người ta
Là nói lời hiền thiện.

 

143.

Nói năng hợp ý người
Khiến ai cũng hoan hỷ
Nói lời không ác ý
Người người đều vâng theo.

 

144.

Lời ích lợi chân thành
Không lầm lỗi, chánh chơn
Tỏ thật nghĩa, đúng pháp
Là gần diệu đạo hơn.

 

145.

Nói năng như phật-đà
Hạnh này mau chứng quả
Khơi nguồn mọi thiện pháp
Bậc trung thiên là ta.

 

Phẩm 9: SONG YẾU[23]

 

[562a] Phẩm SONG YẾU gồm 22 bài kệ, luận về: thiện và ác đối nghịch, cùng nêu bật cả hai, diệu nghĩa cũng song hành.

 

146.

Tâm là gốc các pháp
Dẫn đầu, khiến đảo điên
Ai nói năng, hành động
Với tâm niệm bất thiện
Khổ não sẽ đi liền
Như xe lăn theo vết.

 

147.

Tâm là gốc các pháp
Dẫn đầu, khiến đảo điên
Ai nói năng, hành động
Với tâm niệm thiện tịnh
Phước lạc sẽ theo sau
Tựa như bóng theo hình.

 

148.

Hành động với ý loạn
Ngu trói, đọa vô minh
Bê tha, chỉ biết mình
Đâu hiểu lời tốt đẹp.

 

149.

Hành động với ý định
Trí sáng lại thông minh
Chẳng bị người ganh ghét
Thông đạt lời an lành.

 

150.

Nuôi oán với kẻ oán
Oán đối mãi chất chồng
Ai diệt tâm oán giận
Hạnh này ai cũng mong.

 

151.

Đừng ưa trách người khác
Cốt luôn cảnh tỉnh mình
Hạnh này ai thông đạt
Trọn đời không khổ lo.

 

152.

Ai thấy thân này tịnh
Chẳng nhiếp thủ các căn
Không chừng mực uống ăn
Yếu hèn lại lười nhác
Bị tà ma nghiền nát
Như gió thổi rạp cây.

 

153.

Ai quán thân bất tịnh
Siêng nhiếp thủ các căn
Chừng mực trong uống ăn
An lạc và tinh tấn
Chẳng bị tà ma lấn
Như gió gặp núi cao.

 

154.

Ai chẳng dứt cấu nhiễm
Tâm dục còn bôn ba
Bản thân luôn buông thả
Đừng nên mặc ca-sa.

 

155.

Ai gột rửa cấu nhiễm
Giới, định thường nghiêm trì
Thân tâm đã điều phục
Xứng đáng mặc pháp y.

 

156.

Ai cho thật là giả
Nhầm lấy giả làm thật
Đó là kẻ chấp tà
Chẳng mảy may lợi ích.

 

157.

Biết thật rõ là thật
Gặp giả biết giả ngay
Ai thấy biết như vậy
Lợi ích mãi đong đầy.

 

158.

Như nhà lợp không kín
Nước mưa thấm dột vào
Kẻ buông thả đời mình
Tham dục vào mọi chỗ.

 

159.

Như nhà lợp thật kín
Nước mưa chẳng rỉ vào
Người giữ tâm ý mình
Nước tham dục khô ráo.

 

160.

Ai sống gần kẻ ngu
Như gần vật hôi hám
Quen thói xấu, đui mù
Chẳng biết mình tạo nghiệp.

 

161.

Ai sống gần bậc trí
Như xông ướp hoa hương
Siêng làm lành, phát trí
Đức hạnh ngát muôn phương.

 

162.

Nay buồn, đời sau buồn
Làm ác, buồn hai đời
Hắn đau buồn, khiếp sợ
Chịu tội, thẹn ngút trời.

 

163.

Nay vui, đời sau vui
Làm thiện, vui hai đời
Hắn vui, luôn khoan khoái
Được phước, tâm thảnh thơi.

 

164.

Nay than, đời sau than
Làm ác, hai đời than
Hắn than: Ta làm ác
Chuốc khổ não ngập tràn.

 

165.

Nay mừng, đời sau mừng
Làm phước, hai đời mừng
Hắn mừng: Ta làm phước
Được phước thêm vui mừng.

 

166.

Kẻ dẻo miệng, tham cầu
Buông lung, không giới đức
Dâm, nộ, si hừng hực
Chưa từng sách tấn nhau
Tụ tập như bầy trâu
Không xứng đệ tử Phật.

 

167.

Nói đúng thời, thiểu dục
Như chánh pháp thực hành
Dâm, nộ, si dứt sạch
Trí sáng, sống thanh nhàn
Khiêm cung và dịu dàng
Đáng là đệ tử Phật.

 

Phẩm 10: PHÓNG DẬT[24]

 

[562b] Phẩm PHÓNG DẬT gồm 20 bài kệ, bàn về: dẫn luật để ngăn tình; phòng tà ngừa lầm lỗi, đem đạo khuyên thành hiền.

 

168.

Giới là nẻo an lành
Phóng dật là cửa tử
Không tham thì bất tử
Mất đạo tự vùi mình.

 

169.

Người trí luôn giữ đạo
Chẳng buông thả đời mình
Lòng vui mừng thanh tịnh
Nhờ đó đạo quả thành.

 

170.

Thường tư duy chánh đạo
Chánh hạnh luôn trau dồi
Tinh tấn vượt cõi đời
An lạc không gì sánh.

 

171.

Thường tư duy chánh niệm
Thanh tịnh, ác diệt nhanh
Hằng sống trong chánh pháp
Thiện quả ắt chóng thành.

 

172.

Đi, không hề phóng túng
Ở, luôn điều phục mình
Trí khéo làm định sáng
Chẳng lạc hố vô minh.

 

173.

Kẻ ngu, ý thô tháo
Tham lam cự cãi nhau
Người trí thường cẩn trọng
Giữ mình như giữ châu.

 

174.

Đừng tham lam, giành giật
Dục lạc chẳng đam mê
Tâm chẳng hề phóng dật
An lạc trên lối về.

 

175.

Giữ mình không phóng dật
Khéo chế phục mới tài
Ngự trí tuệ lầu đài
Nguy hết, liền an lạc.

 

176.

Người trí thấy kẻ ngu
Như non cao, mặt đất
Trong loạn, thân đoan chánh
Thường tỉnh giác bản thân
Sức ấy hơn sư tử
Bỏ ác, trí sáng ngần.

 

177.

Ngủ ỳ như đá tảng
Ngu mê lấp hình hài
Nằm dài, không thấy khổ
Bởi vậy mãi đầu thai.

 

178.

Không lúc nào phóng túng
Khéo ngăn lậu dừng trôi
Như sư tử vồ mồi.

 

179.

Ai chẳng hề phóng túng
Là Tỳ-kheo chánh chân
Tâm thanh tịnh vô ngần
Bởi thường hộ tâm ý.

 

180.

Tỳ-kheo cần quán kỹ
Phóng dật khổ triền miên
Ganh đua nghiệp lớn liền
Tích ác vào lửa dữ.

 

181.

Giữ giới, phước tăng hoài
Phạm giới lòng sợ hãi
Khéo dứt lậu ba cõi
Chắc chắn gần nê-hoàn.

 

182.

Ai đã từng phóng dật
Sau biết kiềm chế mình
Là soi sáng nhân sinh
Chắc chắn lòng an định.

 

183.

Ai lầm lỗi tạo ác
Đem thiện nghiệp sửa mình
Là soi sáng nhân sinh
Chắc chắn lòng thiện tịnh.

 

184.

Ai sớm xa trần tục
Thực hành lời Phật-đà
Là soi sáng Ta-bà

Như mây tan, trăng hiện.

 

185.

Ai trước từng làm ác
Sau thức tỉnh làm lành
Là soi sáng nhân gian
Như mây tan, trăng hiện.

 

186.

Sống không gây khổ não
Chết chẳng chuốc ưu phiền
Thấy đạo, tâm an nhiên
Biển ưu sầu vơi cạn.

 

187.

Ai đoạn pháp uế trược
Học, tư duy pháp mầu
Vực khổ vượt qua mau
Hết gá nương chấp trước
Lại chẳng còn lầm bước
Đoạn dục, hết sầu lo.

 

Phẩm 11: TÂM Ý[25]

 

[563a] Phẩm TÂM Ý gồm 12 bài kệ: nói ý và tinh thần, dù không hình không tướng, nhưng tạo tác vô hạn.

 

188.

Ý khiến đọa súc sinh
Buông lung khó chiết phục
Người trí giữ tâm mình
Sẽ sáng suốt bậc nhất.

 

189.

Ý buông lung khó giữ
Thường lao theo dục trần
Dẫn nó vào đường lành
Điều phục, thường an lạc.

 

190.

Ý nhỏ nhiệm khó thấy
Thường lao theo dục trần
Người trí thường hộ thân
Khéo giữ, liền an lạc.

 

191.

Một mình vượt đường xa
Khuất mờ không thấy bóng
Phải giữ ý, gần đạo
Mới thoát khỏi lưới ma.

 

192.

Tâm chưa từng dừng nghỉ
Chánh đạo chẳng theo về
Việc đời cũng ngu mê
Không một chút chánh trí.

 

193.

Niệm chưa từng dừng nghỉ
Rong ruổi khắp muôn phương
Phước khiến nghiệp cùng đường
Tỉnh giác là bậc trí.

 

194.

Tâm pháp mà Phật giảng
Khó nhận diện vô cùng
Luôn tỉnh giác điều phục
Chớ để tâm buông lung.

 

195.

Thấy pháp an lạc nhất
Sở nguyện ắt viên thành
Người trí giữ ý mình
Đoạn nhân duyên sinh khổ.

 

196.

Đời người chẳng dài lâu
Đều trả về cát bụi
Thân hoại, thức đi mau
Ham gì thân tạm bợ.

 

197.

Tâm, như voi lung chạy
Sống thác, không mối manh
Niệm đa phần bất chánh
Tự chuốc khổ vào thân.

 

198.

Ý tác tạo thân ta
Nào phải do mẹ cha
Nỗ lực hướng chánh pháp
Phước thiện đừng rời xa.

 

199.

Giữ sáu căn như rùa
Phòng hộ ý vững chãi
Người trí khiến ma thua
Nên tâm luôn thư thái.

 

Phẩm 12: HƯƠNG HOA[26]

 

[563a] Phẩm HƯƠNG HOA gồm 17 bài kệ, nói về việc: Học cần phải thực hành, như từ hoa được quả, khiến nguỵ trở thành chân.

 

200.

Ai khéo chọn đất tốt [27]

Vượt thoát cả chư
Thiên Ai khéo giảng Pháp cú
Như khéo hái hoa thơm.

 

201.

Bậc Thánh chọn đất tốt
Vượt thoát cả chư Thiên
Ai khéo nói Pháp cú
Như khéo hái hoa thơm.

 

202.

Đời như ngói chưa nung
Pháp huyễn tựa bọt bèo
Đoạn mầm hoa dục vọng [28]
Sống chết chẳng dõi theo.

 

203.

Thân này như bọt nổi
Pháp huyễn như bọt bèo
Đoạn mầm hoa dục vọng
Sống chết chẳng dõi theo.

 

204.

Bệnh đến thân tiều tuỵ
Như hoa héo rụng rơi
Một khi thần chết tới
Thân như nước cuốn trôi.

 

205.

Kẻ tham muốn vô độ
Khiến người ta lánh xa
Giàu có nhờ nghiệp tà
Ắt bị người khinh miệt.

 

206.

Tỳ-kheo vào làng xóm
Như ong vào vườn hoa
Lấy vị rồi bay ra
Không làm hại hương sắc.

 

207.

Việc người đừng nhòm ngó
Họ đã làm hay chưa
Phải xét ta sớm trưa
Việc làm tà hay chánh.

 

208.

Ví như bông hoa đẹp
Có sắc, chẳng có hương
Nói hay, làm không được
Chỉ là lời tầm thường.

 

209.

Ví như bông hoa đẹp
Có sắc lại thêm hương
Nói hay và làm được
Ắt được phước khôn lường.

 

210.

Gom hoa quý đẹp tươi
Kết thành tràng thơm phức
Người rộng bồi phước đức
Đời đời hưởng an vui.

 

211.

Hương thơm hoa cỏ lạ
Không tỏa ngược chiều gió
Hương chân nhân tỏa ra
Đức hạnh thơm khắp chốn.

 

212.

Như hương thơm chiên-đàn
Hay hương hoa sen xanh
Dù không hương nào sánh
Nhưng chẳng bằng giới hương.

 

213.

Hương hoa dù thơm mấy
Vẫn chưa nhất cõi đời
Nhưng hương người trì giới
Khiến mọi loài thơm lây.

 

214.

Ai giữ đủ giới cấm
Đời sống chẳng bê tha
Ý chánh định giải thoát
Thường lìa hẳn lối ma.

 

215.

Như đóa sen thơm ngát
Mọc trong những rãnh mương
Nhưng tỏa hương ngào ngạt
Đẹp lòng khách qua đường.

 

216.

Biển sống chết cũng vậy
Phàm phu mãi trôi lăn
Bậc trí vui thoát hẳn
Xứng là con Phật-đà.

 

Phẩm 13: NGU TỐI[29]

 

[563b] Phẩm NGU TỐI gồm 21 bài kệ. Nội dung phẩm này: khai mở người mông muội, nên bày tướng trạng ra, muốn khiến họ sáng tỏ.

 

217.

Mất ngủ thấy đêm dài
Mệt mỏi thấy đường xa
Ngu, sống chết dài ra
Nào biết đâu chánh pháp.

 

218.

Ngu si thường tăm tối
Trôi mãi như sông dài
Một mình đi một lối
Biết làm bạn cùng ai.

 

219.

Lân la với kẻ ngu
Ưu sầu thêm dai dẳng
Ở chung càng cay đắng
Tợ oan gia nhiều đời.

 

220.

Nào con, nào tài sản
Kẻ ngu mãi lo xa
Chính ta còn không có
Thứ kia ở đâu ra?

 

221.

Ta ở đây mùa nóng
Mùa lạnh cũng chẳng đi
Kẻ ngu luôn nghĩ vậy
Nào biết lẽ thịnh suy.

 

222.

Kẻ ngu biết mình ngu
Dần dà cũng phát trí
Ngu si cho mình trí
Thì chẳng ai ngu bằng.

 

223.

Ngu si gần người trí
Như gáo múc nước kia
Dù gần mãi chẳng lìa
Vẫn không biết pháp vị.

 

224.

Kẻ trí gần người trí
Như lưỡi nếm mùi vị
Dù chỉ trong phút giây
Liền hiểu thông đạo ý.

 

225.

Việc làm của kẻ ngu
Khiến thân thêm tai hại
Việc ác càng hăng hái
Càng chuốc lắm tai ương.

 

226.

Người làm việc bất thiện
Làm xong tâm hối tiếc
Mắt đẫm lệ thở than
Ôi! Quả báo cay nghiệt!

 

227.

Người làm việc phước đức
Làm xong tâm mừng vui
Nhận phước quả không dứt
Lòng hớn hở tươi cười.

 

228.

Quả ác chưa chín tới
Kẻ ngu tưởng mật đường
Một khi nó thuần thục
Tự chuốc lắm tai ương.

 

229.

Kẻ ngu luôn mơ tưởng
Không thấy ra khổ đau
Đến lúc đọa ngục sâu
Mới hay toàn ác nghiệp.

 

230.

Ngu xuẩn gây nghiệp chướng
Mà chẳng tự thoát ra
Tai ương luôn thiêu nướng
Tội khổ càng cháy bừng.

 

231.

Kẻ ngu thích ăn ngon
Tháng ngày càng khóai khẩu
Chưa bằng phần mười sáu
Người tư duy pháp mầu.

 

232.

Kẻ ngu luôn khát vọng
Trọn đời vẫn huyễn hư
Chuốc nỗi đau dao gậy
Quả báo chẳng dối hư.

 

233.

Hãy nhìn kẻ ngu si
Keo kiệt lại tham cầu
Nẻo ác họ thường đi
Sống không chút đạo trí.

 

234.

Kẻ xa đạo, gần dục
Chết ngộp trong hư danh
Sản nghiệp dứt không đành
Tham nhiều nhà cúng thí.

 

235.

Đừng nhiễm hai tham muốn:
Làm sa-môn tại gia
Trái thánh giáo, tham nhà
Ngày sau thiếu trí tuệ.

 

236.

Hạnh này đồng kẻ ngu
Khiến tăng dục, kiêu mạn
Cầu lợi tâm đã khác
Cầu đạo há như nhau?

 

237.

Bởi vậy, những người trí
Đệ tử Phật xuất gia
Thói đời thường buông xả
Trọn không đọa tử sinh.

 

Phẩm 14: MINH TRIẾT[30]

 

[563c] Phẩm MINH TRIẾT gồm 17 bài kệ: nêu hành giả có trí, tu phước và tiến đạo, lấy pháp làm gương soi.

 

238 và 239.

Nhận diện kỹ thiện ác
Tâm biết sợ tránh xa
Sợ, không phạm nghiệp tà
Hết sầu, mãi an ổn;
Thế nên phước hiện đời
Hãy nghĩ suy làm mãi
Khiến sở nguyện viên mãn
Phước lộc một thành hai.

 

240.

Khởi lòng tin làm phước
Tích chứa chẳng nghỉ ngơi
Bền lâu lại sáng ngời
Nhờ biết tin âm đức.

 

241.

Tránh xa điều vô nghĩa
Đừng gần kẻ ngu si
Bạn tốt đừng xa lìa
Thân gần bậc hiền trí.

 

242.

Vui pháp thường an ổn
Tâm vui, ý lắng sâu
Thánh nhân diễn pháp mầu
Người trí luôn vui thích.

 

243.

Bậc chân nhân, trí giả
Giữ trai giới, hành đạo
Như trăng giữa ngàn sao
Sáng soi cả thiên hạ.

 

244.

Như thợ giỏi vuốt cung
Người đi thuyền khéo chống
Thợ mộc chuyên gỗ, cây
Bậc trí rõ thân này.

 

245.

Ví như tảng đá nặng
Gió chẳng làm lắc lư
Bậc trí, tâm nhất như
Khen chê chẳng lay động.

 

246.

Như hồ nước thẳm sâu
Lắng trong và tinh khiết
Người trí nghe chánh pháp
Tâm thanh tịnh an nhiên.

 

247.

Bậc chân nhân vô dục
Ngời sáng giữa cuộc đời
Tâm ý chẳng đổi dời
Dù gặp vui hay khổ.

 

248.

Bậc hiền buông thế sự
Của cải, nước non, con.
Giữ giới, tuệ vàng son
Không tham giàu phi nghĩa.

 

249.

Bậc trí biết động, lay
Như cây giữa cát dày
Bạn bè chưa vững chãi
Dễ vấy nhiễm nạn tai.

 

250.

Người đời đều chìm đắm
Mấy kẻ sang bờ kia
Như ai muốn thoát lìa
Đi nhanh kẻo không kịp.

 

251.

Người chí thành tu tập
Giáo pháp chẳng xa lìa
Là đến gần bờ kia
Thoát khổ đau chắc chắn.

 

252.

Dứt trừ pháp năm ấm
Trí tuệ thường tư duy
Hố thẳm đã viễn ly
Xả dục, tánh linh sáng.

 

253.

Chận đứng mọi dục tình
Tâm tịnh lạc vô vi
Khéo tự cứu lấy mình
Khiến ý luôn sáng suốt.

 

254.

Cần học pháp chánh trí
Chánh đạo thường tư duy
Phải lắng lòng nghe kỹ
Đừng khởi tâm mong cầu
Đoạn sạch nhân khổ đau
Thoát cõi trần mau chóng.

 

Phẩm 15: A LA HÁN[31]

 

[564a] Phẩm A LA HÁN gồm 10 bài kệ. Nội dung phẩm này nói về: bản tính của chân nhân, thoát dục không chấp trước, tâm chẳng hề động lay.

 

255.

Rũ bỏ mọi âu lo
Diệt trừ tất cả khổ
Giải thoát mọi buộc ràng
Tâm không còn nhiệt não.

 

256.

Tâm thanh tịnh chánh niệm
Chẳng tham đắm trần lao
Vượt hố sâu ngu tối
Như ngỗng trời bỏ ao.

 

257.

Uống ăn có chừng mực
Chẳng tích chứa tiền tài
Không, vô tướng tự tại
Ai đi lộ trình ấy
Như chim liệng trời cao
Bay xa không ngăn ngại.

 

258.

Nghiệp thế gian dứt sạch
Uống ăn chẳng tranh giành
Tâm chẳng còn mối manh
Đi trên đường giải thoát
Như chim trời tung cánh
Liệng xuống lại bay nhanh.

 

259.

Khéo nhiếp phục các căn
Như ngựa hoang thuần phục
Tâm kiêu mạn đoạn trừ
Được chư thiên kính phục.

 

260.

Như đất không giận dữ
Như núi chẳng đổi dời
Bậc chân nhân vô nhiễm
Biển sống chết đã vơi.

 

261.

Tâm chẳng còn tạo tác
Ngôn hành cũng tịnh an
Bậc chân thật giải thoát
An lạc vào niết-bàn.

 

262.

Bỏ dục, không đắm trước
Chướng ba cõi dần mòn
Tâm mong cầu đã đoạn
Đó là bậc thượng nhân.

 

263.

Đồng hoang hay làng mạc
Đất bằng hoặc núi cao
La-hán đến nơi nào
Chúng sinh đều lợi lạc.

 

264.

Mọi người không thích sống
Chốn vắng vẻ núi rừng
A-la-hán vui mừng
Vì không cầu dục lạc.

 

Phẩm 16: MỘT VÀ NHIỀU[32]

 

[564b] Phẩm này có tên chữ Hán là THUẬT NGÀN gồm 16 bài kệ, khuyên: người học ham học nhiều, không nắm được cốt yếu; chẳng bằng gọn mà tinh.

 

265.

Dù đọc tụng cả ngàn
Những câu chữ vô dụng
Đâu bằng một nghĩa đúng
Nghe xong tâm bình an.

 

266.

Dù đọc tụng cả ngàn
Vô nghĩa, có ích chi
Đâu bằng một thật lý
Nghe, làm liền thẳng sang.

 

267.

Đọc tụng rất nhiều kinh
Không hiểu, có ích gì
Hiểu một câu thật lý
Thực hành, giải thoát ngay.

 

268.

Một mình ta đánh tan
Ngàn vạn quân vây bức
Nhưng chiến công bậc nhất
Là thắng bản thân mình.

 

269.

Tự thắng mình hay nhất
Đoạn nguồn gốc thăng trầm
Khéo điều phục thân tâm
Là trượng phu tột bậc.

 

270.

Cho dù đấng thiên tôn
Thần, ma hay Phạm thích
Vẫn không sao chuyển dịch
Người tự thắng chính mình.

 

271.

Ai ngàn thu bận rộn
Tế thần không hở tay
Chẳng bằng trong phút giây
Một lòng nghĩ về pháp
Phước của một niệm đây
Hơn phước kia trọn đời.

 

272.

Ai sống đến trăm năm
Thờ thần lửa miên mật
Không bằng trong khoảnh khắc
Cúng dường ngôi tam tôn
Một lần thôi cũng vốn
Hơn phước kia trăm đời.

 

273.

Tế thần để cầu phước
Mong đời sau an nhiên
Không bằng một phần bốn
Phước lạy bậc thánh hiền.

 

274.

Ai sống đời lễ nghĩa
Kính trọng bậc cao minh
Bốn phước đến với mình :
Sống thọ, khỏe, đẹp, an.

 

275.

Người sống đến trăm năm
Phá giới, xa đường chính
Chẳng bằng sống một ngày
Giữ giới, tu thiền định.

 

276.

Người sống đến trăm năm
Ngu si và tà nguỵ
Chẳng bằng sống một ngày
Miệt mài học chánh trí.

 

277.

Người sống đến trăm năm
Biếng lười, không tinh tấn
Chẳng bằng sống một ngày
Tu hành luôn vượt bậc.

 

278.

Người sống đến trăm năm
Không biết đời hưng phế
Chẳng bằng sống một ngày
Tâm tỉnh giác triệt để.

 

279.

Người sống đến trăm năm
Không thấy đạo giải thoát
Chẳng bằng sống một ngày
Nếm được vị an lạc.

 

280.

Người sống đến trăm năm
Không biết nghĩa Phật pháp
Chẳng bằng sống một ngày
Học, xiển dương chánh pháp.

 

Phẩm 17: LÀM ÁC[33]

 

[564c] Phẩm LÀM ÁC gồm 22 bài kệ. Nội dung phẩm này: xót thương người làm ác; hễ làm, chuốc tội báo; đừng tạo, hết tai ương.

 

281.

Thấy điều thiện chẳng theo
Lại theo tâm niệm ác
Cầu phước, bảo không đáng
Trái lại thích dâm tà.

 

282.

Những kẻ nào làm ác
Mà chẳng tự tỉnh ra
Ý ngu si quá đà
Về sau chuốc độc họa.

 

283.

Kẻ ác hành bạo ngược 
Ác tiêm nhiễm triền miên
Lún sâu trong dục lạc
Ác báo lẽ đương nhiên.

 

284.

Người hiền siêng tích đức
Đức tăng trưởng liên miên
Ai chuyên cần tạo tác
Phước ứng lẽ đương nhiên.

 

285.

Kẻ làm ác gặp may
Vì nghiệp chưa chín tới
Khi ác nghiệp chín tới
Sẽ chuốc tội khổ ngay.

 

286.

Người làm thiện gặp nguy
Vì thiện quả chưa chín
Một khi thiện quả chín
Ắt được phước tức thì.

 

287.

Đánh người, người đánh lại
Gây oán, oán vây ta
Mắng người, người mắng trả
Chọc giận, thêm giận hờn.

 

288.

Đời mấy người được biết
Và được nghe đạo mầu
Thọ mạng có bao lâu  
Sao vẫn hoài tạo ác?

 

289.

Chớ khinh điều ác nhỏ
Cho rằng không tai ương
Nước từng giọt tuy nhỏ
Dần dần đầy vại to  
Phàm tội lỗi ngập tràn
Do tích chứa mà có.

 

290.

Chớ khinh điều thiện nhỏ
Cho rằng phước không nhiều
Nước từng giọt tuy nhỏ
Dần dần đầy vại to
Phàm phước thiện tràn đầy
Nhờ góp gom mà có.

 

291.

Hành vi của con người
Làm lành hay làm ác
Quả báo đến với mình
Trọn không hề sai, mất.

 

292.

Những kẻ chỉ biết mình
Tự cho mình chính đáng
Vòng luân hồi sống thác
Kiếp người cũng hoại tan.

 

293.

Ác báo đâu đến nhanh
Như sữa bò đông gấp
Tội khổ luôn rình rập
Như lửa nấp dưới tro.

 

294.

Cười giỡn quen làm ác
Làm thói sống thân ta
Chịu quả báo khóc la
Theo hành vi nghiệp đến.

 

295.

Kẻ tạo nhiều oan nghiệt
Như binh cắt đường về
Bị kéo lê mới biết
Đọa đày trong ác nghiệp
Chịu khổ báo về sau  
Bởi thói quen từ trước.

 

296.

Như độc nhiễm bào mòn
Như thuyền lạc nước xoáy
Người nghiệp ác ngập tràn
Tổn thương cũng thế đấy.

 

297.

Vu khống bậc hiền lương
Ô nhục người thanh tịnh
Ác báo dội lại mình
Như tung bụi ngược gió.

 

298.

Những tội lỗi mình gây
Biết ăn năn hối cải
Như mặt trời không mây
Sáng soi cả đại địa.

 

299.

Những gì mình tạo tác
Sau đó tự thấy ra
Làm thiện được an hòa
Gây ác chuốc khổ họa.

 

300.

Có thức thì nhập thai
Kẻ ác chịu ngục hình
Làm lành lên thiên giới
La-hán chứng vô sinh.

 

301.

Dẫu hư không, biển cả
Dù núi thẳm, hang sâu
Nhưng không một nơi nào
Thoát khổ khi nghiệp đến.

 

302.

Chúng sanh gây khổ luỵ
Chẳng thoát khỏi tử sinh
Người nhân từ, chánh trí
Thường thoát mọi ngục hình.

 

Phẩm 18: DAO GẬY[34]

 

[565a] Phẩm DAO GẬY gồm 14 bài kệ: dạy người hành Nhân từ, đừng dùng dao gậy gộc, sát hại mọi sinh linh.

 

303.

Muôn loài đều sợ chết
Sợ đòn roi đớn đau
Hãy dung thứ cho nhau
Chớ đánh, chớ bảo giết.

 

304.

Khéo an ổn chúng sanh
Đừng thêm độc dập vùi
Đời này hại xa lánh
Đời sau mãi an vui.

 

305.

Lời thô ác đừng buông
Sợ quả báo lời nói
Cho ác thì nhận họa
Tự chuốc lấy đòn roi.

 

306.

Hãy nói lời tao nhã
Như chuông khánh ngân vang
Đừng buông lời cự cãi
Thoát trần gian dễ dàng.

 

307.

Đánh đập kẻ hiền lương
Vu oan người vô tội 
Tai ương tăng gấp bội
Họa hoạn đến khôn lường :

 

308, 309, 310.

Sống tràn ngập khổ đau (1)
Tay chân hay sứt, gãy (2)
Muộn phiền, đau bệnh mãi  (3)
Tâm hoảng loạn, điên cuồng ; (4)

 

Hoặc bị người vu khống (5)
Bức khổ trong ngục quan (6)
Gia sản sẽ lụi tàn (7)
Người thân thường ly tán ; (8)

 

Nhà cửa đến ruộng vườn

Bị hỏa hoạn thiêu nướng (9)
Chết đọa sâu ngục thảm (10)
Như vậy, mười tai ương.

 

311.

Dù cắt tóc, lõa hình
Đắp lá, mặc vỏ cây
Dìm trong nước, ngồi xổm
Há thoát kiếp đọa đày?

 

312.

Ai yêu mến người khác
Chẳng đánh, giết, nướng thiêu
Chẳng mong mình được nhiều
Đến đâu cũng không oán.

 

313.

Ai sống ở trên đời
Thường sinh lòng hổ thẹn
Là người khéo tiến thẳng
Như ngựa hiền thấy roi.

 

314.

Như ngựa hiền thấy roi
Luôn dốc lòng thẳng tới
Ai tín tâm giữ giới
Thẳng tiến cảnh giới thiền
Trọn thành tuệ chân thật
Dứt kiếp khổ triền miên.

 

315.

Diệt ác, tu phạm hạnh
Chánh pháp trang nghiêm mình
Chẳng đày đọa quần sinh
Là sa-môn, hiền trí.

 

316.

Không tổn hại người ta
Trọn đời không bị hại
Thường bao dung tất cả
Ai chuốc oán với ta ?

 

Phẩm 19: GIÀ SUY[35]

 

[565b] Phẩm GIÀ SUY gồm 14 bài kệ: dạy người hãy gắng sức, đừng để mạng luống qua, đợi đến lúc già nua, than tiếc ích gì nữa.

 

317.

Đời có gì cười vui
Khi thân luôn nung đốt
Bị tối tăm vùi nhốt
Sao không tìm ánh dương?

 

318.

Hình hài xinh đẹp này
Gá nương tạm phút giây
Lo nghĩ nhiều sinh bệnh
Đâu biết sẽ khô gầy.

 

319.

Già đến, sắc suy tàn
Bệnh làm thân kiệt quệ
Da nhăn, thịt co rút
Thần chết đã gần kề.

 

320.

Thân chết, thần rời đi
Như phu xe vứt xe
Xương thịt chẳng còn gì
Thân bám đâu nương gá?

 

321.

Thân này như thành quách
Tô đắp bởi thịt xương
Từ sinh đến già chết
Toàn sân, mạn gá nương.

 

322.

Về già, thân tiều tuỵ
Như xe cũ khác chi
Các pháp đoạn khổ lo
Nên gắng lòng ngẫm nghĩ.

 

323.

Người không màng nghe học
Khi lớn tựa trâu già
Chỉ được xương, thịt, da
Không một chút phước, trí.

 

324.

Sống, chết mãi đau buồn
Trôi nổi lắm truân chuyên
Ý dựa thân tham muốn
Kiếp sống khổ vô biên.

 

325.

Nhờ tuệ thấy rõ khổ
Nên xả bỏ thân hình
Ý dứt, đoạn tạo tác
Ái diệt, chứng vô sinh.

 

326.

Trẻ chẳng tu phạm hạnh
Biếng nhác, chẳng tiền tài
Già, như cò thảm hại
Đứng giữ ao trống không.

 

327.

Trẻ chẳng biết giữ giới
Chẳng dành dụm của tiền
Lúc già suy, lực kiệt
Than vãn nào ích chi!

 

328.

Già như lá mùa thu
Nhớp nhơ và rách rưới
Mạng dứt, hết kiếp người
Hối hận làm chi nữa!

 

329.

Ngày đêm mạng qua mau
Cần kịp thời nỗ lực
Đời không gì chắc thật
Chớ lầm đọa hang sâu.

 

330.

Phải cần cầu trí tuệ
Học thắp sáng tánh linh
Đừng để nhiễm ô mình
Dùng tuệ quán diệu đạo.

 

Phẩm 20: YÊU BẢN THÂN[36]

 

[565c] Phẩm YÊU BẢN THÂN gồm 13 bài kệ: cốt khuyên răn người học, trọn ích lợi bản thân, nhằm diệt tội tăng phước.

 

331.

Ai yêu bản thân mình
Cẩn thận, luôn nhiếp thủ
Giải thoát, hằng mong cầu
Siêng học, đừng ham ngủ.

 

332.

Với mình thì trước hết
Thường nỗ lực học hành
Khiến trí tuệ tiến nhanh
Dạy người không mỏi mệt.

 

333.

Trước, học sửa bản thân
Sau, dạy người đoan chánh
Đặt mình trong trí tuệ
Ngôi cao chắc chắn thành.

 

334.

Bản thân chưa lợi ích Há lợi lạc cho người? Điều phục thân tâm rồi Việc gì chẳng viên mãn.

 

335.

Những gì mình tạo tác
Sau tự chuốc khổ đau
Nó trở lại hại mau
Như kim cương mài ngọc.

 

336.

Tội lỗi kẻ phá giới
Tràn lan như dây leo
Dục tình nối gót theo
Nghiệp ác ngày thêm lớn.

 

337.

Làm ác, khiến thân tàn
Người ngu cho là dễ
Làm thiện, thân an lạc
Họ lại bảo khó ghê!

 

338.

Bậc chân nhân thường dạy
Lấy đạo nuôi pháp thân
Kẻ ngu sinh ác kiến
Khinh miệt lời thánh hiền
Làm ác, khổ vô ngần
Như gieo hạt giống đắng.

 

339.

Kẻ gieo ác chuốc họa
Người làm thiện an hòa
Họa phước tự chín muồi
Nào ai thay đổi được
Làm thiện, thiện đơm hoa
Như gieo hạt giống ngọt.

 

340.

Lợi mình và lợi người
Một đời không uổng phí
Muốn biết mình an vui
Nghe pháp, giữ giới kỹ.

 

341.

Muốn sinh về thiên giới
Để dứt khổ thân ta
Hãy vui ưa nghe pháp
Ghi nhớ lời Phật-đà.

 

342.

Cuộc sống phải lo xa
Nhưng đừng quên thức tỉnh
Tâm ý thường thanh tịnh
Mỗi giờ khắc trôi qua.

 

343.

Ai đảm đương nhiều việc
Lâu xa mới tựu thành
Việc lợi mình làm nhanh
Sở nguyện ắt viên mãn.

 

Phẩm 21: THẾ TỤC[37]

 

[566a] Phẩm THẾ TỤC gồm 14 bài kệ, bàn về: Cõi đời toàn hư huyễn, cần bỏ mọi phù hoa, gắng tu tập hoằng hóa.

 

344.

Như xe bỏ đường lớn
Phẳng bằng và tốt đẹp
Vào đường cong, nhỏ hẹp
Trục xe gãy, ưu sầu.

 

345.

Lìa chánh pháp cũng vậy
Phi pháp sẽ tăng mau
Sẽ chuốc khổ đớn đau
Ngu si cho đến chết.

 

346.

Ai thuận theo chánh đạo
Không chạy theo nghiệp tà
Đi, đứng, nằm an hòa
Đời đời không chuốc khổ.

 

347.

Muôn vật như bọt nổi
Ý, ngựa chạy cuối trời
Đời sống mãi đổi dời
Vui chi khi chìm nổi?

 

348.

Ai dứt tâm đắm chấp
Nhổ cội gốc huyễn hư
Ngày đêm cứ nhất như
Sẽ thành tựu chánh định.

 

349.

Thi thoảng có niềm tin
Tựa như người an lạc
Khi buồn bực, biếng nhác
Chỉ giỏi biết uống ăn
Bọn người ấy ngày đêm
Thân tâm luôn loạn động.

 

350.

Phàm phu do mù quáng
Chẳng thấy đạo thật chân
Giả như thấy chút phần
Cần dốc tâm trưởng dưỡng.

 

351.

Như nhạn dẫn bầy đàn
Thoát cạm bẫy vút cao
Người trí dạy thế gian
Vượt thoát mọi tà giáo.

 

352.

Đâu có ai sống mãi
Ba cõi chẳng gì an
Cõi trời dù vui thật
Phước hết cũng hoại tan.

 

353.

Hãy nhìn cuộc đời xem
Không ai sống chẳng chết
Muốn chuyện này chấm hết
Phải hành đạo thật chân.

 

354.

Phàm phu trong thiên hạ
Lòng tham khiến đui mù
Tà, nghi chối bỏ đạo
Do khổ, ngu mà ra.

 

355.

Kẻ ăn nói ngông cuồng
Phỉ báng chân thật đạo
Chắc chắn trong đời sau
Không ác nào không tạo.

 

356.

Cho dù ông gom chứa
Của cải ngất trời cao
Trải khắp cả đất dày
Đâu bằng ông thấy đạo.

 

357.

Với phàm phu ngu muội
Làm ác, tưởng làm lành
Ái, ngỡ không tham ái
Chấp khổ lấy làm vui.

(HẾT QUYỂN THƯỢNG)

 

QUYỂN HẠ

(gồm 18 phẩm, 402 bài kệ)

Việt dịch: Thích Nguyên Hùng

 

Phẩm 22 ĐỨC PHẬT[38]

 

[567a] Phẩm ĐỨC PHẬT gồm 21 bài kệ, nói về: Minh và Hạnh của Phật, làm quy tắc sáng soi, lợi lạc cả trời người.

 

358.

Tự thắng, không dư tàn
Phật hơn cả thế gian
Trí sáng suốt không lường
Dẫn kẻ mù vào đạo.

 

359.

Lưới ái đã rách toang
Hết buộc ràng, neo đậu
Trí Phật quá sâu mầu
Chẳng ai tìm được dấu[39].

 

360.

Dũng mãnh quyết một lòng Ngày đêm chẳng luống không Xuất gia đoạn ái dục

Học chánh niệm sáng trong.

 

361.

Thấy chân lý, vô nhiễm
Vượt cả năm đường hiểm [40]
Phật soi sáng muôn phương
Trừ khổ đau sầu tưởng.

 

362.

Được làm người, đã khó
Sống trường thọ, khó hơn
Phật ra đời, hiếm có
Được nghe pháp, khó hơn.

 

363.

Ta chẳng thầy dạy bảo
Không bằng hữu, cô thân
Chuyên thiền định, thành Phật
Thánh đạo tự nhiên thông.

 

364.

Thuyền sư [41]khéo qua sông
Lấy tinh tấn làm cầu.
Người bị họ hàng buộc [42]

Ai thoát là kiện hùng.

 

365.

Phật, đoạn mọi nẻo ác
Phạm chí, chăm hành thiền
Pháp học, trừ đói khát
Tăng, đoạn ái dục duyên.

 

366.

Phật nói niết-bàn cao
Các hạnh, nhẫn đứng đầu
Sa-môn trừ điều ác
Không nhiễu hại ai đâu.

 

367.

Không nhiễu hại đến ai
Đúng giới luật nghiêm trì
Bỏ tham thân, ăn ít
Sống ẩn cư núi rừng
Ngộ chân lý, tuệ sáng
Là lời Phật kính vâng !

 

368.

Chớ tạo các điều ác
Siêng làm các hạnh lành
Giữ tâm ý tịnh thanh
Là lời chư Phật dạy.

 

369.

Phật là bậc tôn quý
Lậu tận, sạch lỗi lầm
Pháp vương dòng họ Thích
Muôn loài đều ngưỡng tôn.

 

370.

Vui thay, nhờ phước báo
Sở nguyện được viên thành
Chứng tịch tịnh thật nhanh
Niết-bàn tự mình đến.

 

371 và 372.

Tìm nhiều chỗ gá nương
Như thần cây, sông, núi
Lập miếu thờ, họa tượng
Cúng tế để cầu may

 

Ai gá nương như vậy
Không tối thượng nhiệm mầu
Bởi thần kia đâu đến
Giúp ta hết khổ đau! [43]

 

373.

Ai phát nguyện nương về
Phật, Pháp, Tăng thanh tịnh
Nương theo tứ Thánh đế [44]
Chánh tuệ rạng tâm mình.

 

374.

Nẻo sanh tử khổ đau
Lấy tứ đế làm cầu
Độ đời, bát chánh đạo
Mọi đau khổ qua mau.

 

375.

Nương tựa nơi Tam bảo
Là tối thượng an lành
Mọi đau khổ qua nhanh
Vì nơi đây thuần tịnh.

 

376.

Trí thức hay trung lưu
Vô tham, chí hướng đạo
Người ấy nhiệm mầu thay
Vì đã quy y Phật!

 

377.

Người trí rất khó tầm
Cũng khó được kết thân
Chủng tộc nào họ đến
Lớn nhỏ được bình an.

 

378.

Vui thay Phật ra đời
Vui thay Pháp được thuyết
Vui thay Tăng hòa hợp
Hòa hợp thường an vui.

 

Phẩm 23 AN NINH[45]

 

[567b] Phẩm AN NINH gồm 14 bài kệ: so sánh an và nguy; bỏ điều ác liền thiện, vui mà chẳng đọa lạc.

 

379.

Ta sống rất an vui
Không giận hờn oán hận
Giữa những người oán giận
Ta sống không giận hờn.

 

380.

Ta sống rất an vui 
Không bệnh giữa ốm đau
Giữa những người ốm đau
Ta sống không đau ốm.

 

381.

Ta sống rất an vui
Không lo giữa lo buồn

Giữa những người lo buồn
Ta sống chẳng buồn lo.

 

382.

Ta sống rất an nhàn
Vô vi và thanh tịnh
Thức ăn là hỷ lạc[46]
Như cõi trời Quang Âm.

 

383.

Ta sống rất an vui
Đạm bạc và vô sự
Dù ở trong lửa dữ
Nào thiêu đốt được Ta?

 

384.

Hơn người thì chuốc oán
Thua người ta thở than
Tâm không còn háo thắng
Lòng ta tự bình an.

 

385.

Lửa nào bằng lửa dâm
Độc nào hơn tức giận
Khổ nào bằng khổ thân
Vui nào hơn tịch tịnh.

 

386.

Ưa chi niềm vui nhỏ
Cần chi chút biện tài
Phải cầu mong đại trí
Mới an ổn lâu dài.

 

387.

Ta là đấng Pháp vương
Thấu triệt lẽ vô thường
Chân thật vượt ba cõi
Một mình hàng ma vương.

 

388.

Vui thay được trông thấy
Và nương tựa Thánh nhân
Lìa xa kẻ ngu đần
Ở một mình cũng tốt.

 

389.

Vui thay giữ chánh đạo
Đem pháp diễn muôn nơi
Không đua tranh với đời
Trì giới thường an lạc.

 

390.

Ở chung với Thánh hiền
Vui như gặp người thân
Gần với bậc trí nhân
Thấy nghe càng cao rộng.

 

391.

Thọ mạng thật ngắn ngủi
Biết bao kẻ lìa đời
Cần phải học pháp yếu
Khiến suốt đời an vui.

 

392.

Muốn được vị cam lồ
Lìa dục, vui diệt đế.
Muốn thoát sanh tử khổ
Đoạn dục, nếm cam lồ.

 

Phẩm 24 HAM VUI[47]

 

[567c] Phẩm này có tên chữ Hán là Hảo hỷ, gồm 12 bài kệ: cấm người vui thái quá ; nếu không còn tham dục thì chẳng chuốc ưu phiền.

 

393.

Trái đạo, thuận ý mình
Thuận đạo, trái ý mình
Đam mê, bỏ điều nghĩa
Là thuận theo ái tình.

 

394.

Đừng chạy theo người thương
Đừng lánh xa kẻ ghét
Thương không gặp, lo buồn
Ghét gần nhau, cũng khổ.

 

395.

Đừng kết dây luyến ái
Thương ghét khổ dằng dai
Muốn đoạn dây ràng buộc
Đừng thương ghét một ai.

 

396.

Luyến ái sanh lo buồn
Luyến ái sanh sợ hãi
Ai luyến ái không còn
Đâu buồn lo sợ hãi?

 

397.

Ham vui sanh lo buồn
Ham vui sanh sợ hãi
Ai dục lạc không còn
Đâu buồn lo sợ hãi?

 

398.

Tham dục sanh buồn lo
Tham dục sanh sợ hãi
Giải thoát khỏi tham dục
Đâu sợ hãi buồn lo?

 

399.

Ưa học pháp, giữ giới
Biết hổ thẹn, chí thành
Thân cận đạo thực hành
Được mọi người thương kính.

 

400.

Tâm ái dục không sinh
Chánh tư duy rồi nói
Tâm không còn tham ái
Là cắt dòng tử sinh.

 

401 và 402

Như người đã đi xa
Bình an trở về nhà
Người thân đều hoan hỷ
Lớn nhỏ mừng hoan ca.

 

Người tu phước cũng vậy
Từ đây đến bờ kia
Phước ấy chẳng xa lìa
Như người thân đoàn tụ.

 

403.

Mới bước chân vào đạo
Ngừng dứt mọi ý tà
Kẻ ác phải lánh xa
Thân gần thiện tri thức.

 

404.

Gần đạo và xa đạo
Khoảng cách thật khác nhau
Xa đạo, đọa địa ngục.
Gần đạo, được lên cao..

 

Phẩm 25 TỨC GIẬN[48]

 

[568a] Phẩm này có tên chữ Hán là Phẫn nộ, gồm 26 bài kệ. Nội dung nói về: thấy tai hại sân hận, hãy khoan dung nhân từ; trời hộ vệ, người thương.

 

405.

Tức giận không thấy pháp
Tức giận không biết đạo
Ai trừ được tức giận
Phước lạc thường theo thân.

 

406.

Tham dục không thấy pháp
Ngu si chuốc luỵ phiền
Tham sân si diệt hết
Phước đức lớn vô biên.

 

407.

Ai kềm được cơn giận
Như hãm xe lao nhanh
Là người đánh xe rành
Khéo bỏ tối vào sáng.

 

408.

Nhẫn nhục thắng sân hận
Hiền thiện thắng hung tàn
Bố thí thắng xan tham
Chân thật thắng hư dối.

 

409.

Tâm không giận, không dối
Không tham tranh với đời
Được ba việc ấy rồi
Chết sanh về thiên giới.

 

410.

Ai khéo giữ thân mình
Tâm từ, không sát hại
Chết sinh về thiên giới
Đến đó, hết bi ai.

 

411.

Tâm ý thường tỉnh giác
Siêng tu học ngày đêm
Lậu hết, tâm giải thoát
Là đến được niết-bàn.

 

412.

Người ta ưa chỉ trích
Vốn là lẽ trong đời
Đã chê kẻ lắm lời
Lại khinh người ít nói
Ghét luôn người hòa nhã
Thiên hạ chẳng chừa ai.

 

413.

Phàm phu còn ham muốn
Chẳng điều phục tâm mình
Bởi lợi danh trói buộc
Nên khen chê nảy sinh.

 

414.

Người minh triết mở lời
Ngợi khen bậc hiền thiện
Người trí tuệ giữ giới
Không nói lời thị phi.

 

415.

Chớ buông lời phỉ báng
Bậc La-hán chơn thường
Vì Đế Thích, Phạm vương
Và cõi Người xưng tụng.

 

416.

Thường cẩn trọng giữ thân
Để ngăn ngừa sân giận
Thân từ bỏ việc ác
Tiến tu đức hạnh lành.

 

417.

Cẩn trọng khi nói năng
Để ngăn ngừa sân giận
Từ bỏ lời nói ác
Thường tụng tập pháp lành.

 

418.

Cẩn trọng giữ tâm mình
Để ngăn ngừa sân giận
Từ bỏ tâm niệm ác
Chỉ tư duy niệm lành.

 

419.

Giữ khẩu nghiệp, bản thân
Thường chế phục tâm ý
Hành đạo bỏ tâm sân
Nhẫn nhục là bậc nhất.

 

420.

Diệt sân, lìa kiêu mạn
Dứt tham ái buộc ràng
Không vương vào danh sắc
Khổ hết trú niết-bàn.

 

421.

Hóa giải mọi sân giận
Chế ngự tính tham dâm
Trút bỏ mọi si ám
Người này luôn được an.

 

422.

Hết giận ngủ ngon giấc
Lòng thanh thản bình an
Giận hờn, gốc rễ độc
Người tu tâm dịu dàng
Lời hay được xưng tán
Đoạn dứt hết nguy nan.

 

423.

Cùng chí hướng, thân gần[49]
Mới hay toàn làm ác
Sau lại nổi tức giận
Lửa bức não thiêu thân.

 

424.

Ai không biết hổ thẹn
Phá giới, hay giận hờn
Bị giận hờn dẫn dắt
Như mùa vụ quay vòng.

 

425.

Có sức làm quân gia
Gầy hao chọn nhu hòa
Nhẫn nhục hơn tất cả
Nên thường hay nhẫn nhục.

 

426.

Bị mọi người phỉ nhổ
Có sức, hãy khiêm cung
Nhẫn nhục mạnh vô cùng
Nên thường hay nhẫn nhục.

 

427.

Người tranh giành với ta
Có ba điều đáng sợ[50]
Khi họ đầy sân nhuế
Phải diệt giận trong ta.

 

428.

Cả hai cùng thân cận
Ta khuyên nhủ người kia
Biết họ còn tức giận
Ta phải kiềm chế thân.

 

429.

Kẻ ngu dùng lời ác  
Muốn hơn bậc thánh hiền
Ai muốn điều phục họ
Giữ im lặng mặc nhiên.

 

430.

Phàm những người xấu ác
Lấy giận trả oán hờn
Không lấy giận trả giận
Là người sáng suốt hơn..

 

Phẩm 26 TRẦN CẤU[51]

 

[568b] Phẩm TRẦN CẤU gồm có 19 bài kệ: phân biệt pháp đục, trong; học cần luôn sáng sạch, điều ô nhục chớ làm.

 

431.

Sống không làm điều lành
Chết rơi vào đường ác
Đến đó chẳng tư trang
Chịu khổ không gián đoạn.

 

432.

Trí tuệ, chăm cần cầu
Thắp sáng tâm thiền định
Trừ cấu uế, vô nhiễm
Thoát khỏi thân khổ đau.

 

433.

Người trí, bước thong dong
An nhiên và tinh tiến
Tâm cấu uế lắng đọng
Như thợ luyện vàng ròng.

 

434.

Xấu ác từ tâm sinh
Trở lại hại thân mình
Như sắt sinh rỉ sét
Lại ăn dần chính mình.

 

435.

Không tụng, lời sẽ bẩn
Biếng nhác, nhà bụi nhơ
Không nghiêm, thân ta bẩn
Buông lung, hỏng mọi việc.

 

436.

Keo kiệt, huệ thí mờ
Bất thiện, nghiệp lành nhơ
Đời này, đời sau nữa
Ác pháp luôn phủ mờ.

 

437.

Trong các loại bẩn ấy
Ngu si, bẩn khôn lường
Hãy học bỏ điều ác
Thành tỳ-kheo cao thượng.

 

438.

Sống lỗ mãng, vô sỉ
Như con quạ mỏ dài
Mặt dày, cam phận nhục
Là đời sống bẩn thay.

 

439.

Liêm sỉ đời tuy khổ
Vì nghĩa, sống thanh bần
Sợ nhục, nên không dối
Xứng danh đời tịnh thanh.

 

440.

Người ngu ưa giết hại
Lời nói luôn dối lừa
Của không cho cũng lấy
Vợ người ta, chẳng chừa.

 

441.

Cứ mặc tình phạm giới
Say sưa trong rượu chè
Người này muôn đời kiếp
Tự đào gốc rễ mình.

 

442.

Người sống trong tỉnh giác
Điều ác dám nghĩ đâu
Kẻ ngu làm việc xấu
Tự đốt mình dài lâu.

 

443.

Hãy tín tâm bố thí
Chớ đừng vì hư danh
Ưa tô phết hư danh
Không vào dòng định tĩnh.

 

444.

Đoạn trừ mọi tham muốn
Tận ý căn ngọn nguồn
Ngày đêm luôn một lòng
Tất vào dòng định tĩnh.

 

445.

Đắm dục nhiễm bụi trần
Bụi trần sinh phiền não
Ai không nhiễm, không hành
Hết ngu thành thanh tịnh.

 

446.

Thấy người bị sa ngã
Ta phải chợt giật mình
Vướng dục, tự dối mình
Lậu tận, mới thanh tịnh.

 

447.

Sức lửa nào hừng hực
Cho bằng lửa dâm tà
Con đường nào nhanh qua
Cho bằng cơn phẫn nộ
Lưới nào đan dày kín
Cho bằng lưới ngu si
Sông nào cuồn cuộn đi
Cho bằng sông ái dục.

 

448.

Hư không không vết dấu
Sa-môn không ngoại cầu[52]
Chúng sanh đều ưa - ghét
Phật thanh tịnh nhiệm mầu.

 

449.

Hư không không vết dấu
Sa-môn không ngoại cầu
Thế gian, đều hư huyễn
Phật thanh tịnh nhiệm mầu !

 

Phẩm 27 PHỤNG TRÌ[53]

[568c] Phẩm PHỤNG TRÌ có 17 bài kệ: giải thích ý nghĩa đạo; pháp quý nơi đức hạnh; đừng phung phí, tham lam.

 

450.

Kẻ mến đạo tu hành
Không tranh đua lợi danh
Có lợi hay không lợi
Không tham đắm, mê lầm.

 

451.

Thường ham ưa việc học
Tâm ngay thẳng thực hành
Nuôi hoài bão tuệ giác
Là tu học chánh chân.

 

452.

Được gọi bậc trí nhân
Chưa hẳn do khéo thuyết
Tâm không còn khiếp nhược
Thuần thiện mới trí nhân.

 

453.

Người phụng trì Phật pháp
Chẳng phải do nói nhiều
Dù chẳng nghe bao nhiêu
Nhưng y pháp tu tập
Giữ mối đạo chẳng mất
Là phụng pháp chân thành.

 

454.

Được gọi là trưởng lão
Đâu hẳn vì tuổi cao
Dù già nua, tóc bạc
Ngu dốt được chi nào?

 

455.

Thường nhớ nghĩ chánh pháp
Minh đạt và thanh cao
Theo nếp sống nhân từ
Mới xứng danh trưởng lão.

 

456.

Dù xinh đẹp như hoa
Nhưng tham, ganh, dối trá
Nói, làm đều điêu ngoa
Đâu ra người đoan chánh?

 

457.

Ai dứt trừ việc ác
Tận gốc rễ ngọn ngành
Trí tuệ, không giận hờn
Mới ra người đoan chánh.

 

458.

Được gọi là sa-môn
Không phải vì cạo đầu
Nếu dối, tham, chấp thủ
Có khác người phàm đâu ?

 

459.

Ai ngừng dứt việc ác
Hoằng Phật đạo rộng sâu
Tâm tịnh, ý tịch lặng
Là sa-môn đứng đầu.

 

460.

Dù được gọi tỳ-kheo
Hành khất thực phi thời
Tà hạnh và phóng đãng
Tỳ-kheo danh huyễn thôi!

 

461.

Ai siêu việt tội phước
Đời phạm hạnh trong veo
Trí tuệ phá nghiệp ác
Đó mới là tỳ-kheo.

 

462.

Được gọi là hiền minh
Đâu phải vì câm nín
Nếu dụng tâm bất tịnh
Chỉ cái vỏ hiền minh!

 

463.

Người đạt tới vô ngã
Nội tâm đã rỗng rang
Trong ngoài đều thênh thang
Xứng danh bậc minh triết.

 

464.

Chẳng phải cứu một loại
Mà cứu khắp muôn loài
Đi trên đường bất hại
Mới xứng bậc thanh cao !

 

465.

Giữ giới, chẳng ai bình
Ta tu hành chân thật
Và đạt được thiền định
Là do khéo khép mình !

 

466.

Ý muốn cầu được an
Chớ tập pháp thế gian.
Kết sử chưa đoạn tận
Há thoát được cõi trần?

 

Phẩm 28: CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT[54]

 

[569a] Phẩm này có tên chữ Hán là Đạo Hành, gồm 28 bài kệ: đại ý thuần chỉ bày, mở con đường giải thoát, vốn vô cùng mầu nhiệm.

 

467.

Bốn đế, tám thánh đạo
Pháp tích[55]  vô thượng tôn
Phạm hạnh, không gì hơn

Cúng đèn được pháp nhãn [56].

 

468.

Đường này hết sợ hãi
Kiến tịnh[57] , độ muôn sinh
Đường này hoại ma binh
Gắng thực hành, hết khổ.

 

469.

Ta đã mở con đường
Đường lớn, sáng lạ thường
Nghe rồi lo tu tập
Tu tập thoát tai ương.

 

470.

Hãy dùng tuệ quán chiếu
Sanh tử - khổ - vô thường
Muốn thoát mọi đau thương
Phải siêng năng hành đạo.

 

471.

Hãy dùng tuệ quán chiếu
Sanh tử - không - vô thường
Muốn thoát mọi đau thương
Phải siêng năng hành đạo.

 

472.

Lúc dậy cần mau dậy
Đừng ngu si vùi thây
Mắt không mở ra được
Làm sao tu được đây?

 

473.

Niệm đáng niệm là chánh
Niệm không đáng là tà
Tuệ quán, tà không khởi
Chánh niệm thật cao xa.

 

474.

Khéo giữ ý, giữ lời
Thân hành chẳng buông lơi
Ba nghiệp ác trừ rồi
Phật nói bậc đắc đạo.

 

475.

Chặt cây không tận gốc
Chồi nhánh sẽ lại sanh
Bứng gốc hết ngọn cành
Tỳ-kheo chứng tịch diệt.

 

476.

Không đốn tận gốc rễ
Cội luyến ái họ hàng
Ái dục thêm buộc ràng
Như nghé con nhớ mẹ.

 

477.

Đoạn tận gốc ý dục
Sinh tử hết bến bờ
Đạo quả ắt đang chờ
Mau chóng đắc tịch tịnh.

 

478.

Tham dục khiến mau già
Bệnh do giận mà ra
Ngu si mở cửa chết
Đắc đạo, trừ cả ba.

 

479.

Buông niệm trước, giữa, sau
Vượt sang bờ tịch tĩnh
Mọi ý niệm lắng định
Già chết hết theo nhau.

 

480.

Ai đắm luyến vợ con
Không quán thấy tật bệnh
Khi cái chết đến gần
Nhanh như dòng nước xiết.

 

481.

Cha không cứu được con[58]
Còn trông chi thân bằng?
Khi mạng hết nhờ họ
Như kẻ mù nhờ đèn.

 

482.

Tuệ, giải thoát do tâm
Nên siêng tu kinh, giới
Chăm cứu thế, độ đời
Vơi đi bao đau khổ.

 

483.

Xa lìa mọi vực thẳm
Như gió thoảng mây trôi
Đã diệt vọng tưởng rồi
Được tri kiến thanh tịnh.

 

484.

Lấy tuệ làm sự nghiệp
Sống đạm bạc, vô vi
Như chánh pháp thọ trì
Cắt đứt dòng sinh tử.

 

485.

Bằng cái nhìn tuệ giác
Thấy các hành [59] là không[60]
Nhàm chán thế gian khổ
Nhập chánh đạo vào dòng.

 

486.

Bằng cái nhìn tuệ giác
Thấy các hành đều khổ
Nhàm chán thế gian khổ
Nhập chánh đạo vào dòng.

 

487.

Bằng cái nhìn tuệ giác
Thấy các hành vô ngã
Nhàm chán thế gian khổ
Nhập chánh đạo vào dòng.

 

488.

Tâm thế ngươi hiện nay
Bị trúng mũi tên ái
Nên hãy tự gắng sức
Thọ trì lời Như lai.

 

489.

Như Lai đã vắng lặng
Hết sanh tử đến đi
Chẳng còn dây ái gì
Giáo nghĩa là mắt pháp.[61]

 

490.

Biển ôm trọn muôn dòng
Đủ đầy bao hương vị
Pháp dành cho người trí
Chỉ thuần vị cam lồ.

 

491.

Trước chưa nghe Pháp âm
Thương chúng sanh, Phật chuyển
Ai tôn kính, phụng hành
Sẽ vượt thoát tử sanh.

 

492.

Ba niệm ý, miệng, thân
Dù thiện hay bất thiện
Do niệm nên nghiệp chuyển
Hãy diệt bằng Chánh cần.

 

493.

Ba định [62] làm nhân duyên
Buông xả [63], hành vô lượng [64]
Ba định diệt ba nghiệp [65]
Kết sử đoạn hết liền.

 

494.

Biết lấy giới ngăn ác
Vui chánh niệm, tuệ giác
Đã biết đời bại thành
Tịnh tâm đạt giải thoát.

 

Phẩm 29: QUẢNG DIỄN[66]

 

[569c] Phẩm QUẢNG DIỄN có 14 bài kệ: luận về thiện và ác, tích nhỏ mà thành to, minh chứng qua Pháp cú.

 

495.

Tặng niềm vui dù nhỏ
Phước báo lại rất to
Tặng tuệ giác dù nhỏ
Hưởng phước trí thêm to.

 

496.

Gây khổ cho người khác
Mà mong được bình an
Thì rước họa vào thân
Tự gây thêm thù hận.

 

497.

Làm toàn chuyện bao đồng
Việc nào cũng viển vông
Lại buông lung ca hát
Nghiệp ác thêm ngập dòng.

 

498.

Tập tinh tiến, tu thân
Làm việc đáng nên làm
Tỉnh giác, không làm ác
Là chánh nghiệp tu hành.

 

499.

Tư chất vốn thông minh
Lại học hỏi thật tình
Như dầu loang mặt nước
Người ấy càng thông minh.

 

500.

Vốn chẳng mấy trí tuệ
Lại biếng nhác hỏi han
Tâm trí càng xơ cứng
Bơ vào nước há tan ?

 

501.

Gần đạo trí sáng ngời
Như lên núi tuyết cao
Xa đạo đời đen tối
Như tên bay trong đêm.

 

502.

Đệ tử Phật nhớ rằng
Phải thường xuyên tỉnh giác
Ngày đêm luôn niệm Phật
Niệm Pháp và niệm Tăng.

 

503.

Đệ tử Phật nhớ rằng
Phải thường xuyên tỉnh giác
Ngày đêm tu thiền quán  
Đạt an lạc nhất tâm.

 

504.

Ai muốn được sống lâu
Mỗi lần ăn biết đủ
Bệnh khổ sẽ giảm mau
Nhờ uống ăn điều độ.

 

505.

Học khó, bỏ lỗi khó
Tu tại gia khó hơn
Hội họp đồng lợi khó
Khó nhất, không lỗi lầm.

 

506.

Tỳ-kheo khất thực khó
Sao không tự vươn lên
Tinh tấn đạt tự tại
Sau khỏi cầu cạnh ai?

 

507.

Có tín, giới sẽ thành
Từ giới, phước quả sanh
Khi tín, giới song hành
Nơi nơi người kính phụng.[67]

 

508.

Ai đi, đứng, nằm, ngồi

Chánh niệm chẳng buông xuôi Điều phục thân chuyên nhất Tâm vui giữa núi đồi.

 

Phẩm 30: ĐỊA NGỤC[68]

 

[570a] Phẩm ĐỊA NGỤC có 16 bài kệ: rằng việc nơi địa ngục, làm ác thọ tai ương, nghiệp dẫn không dừng bước.

 

509.

Vọng ngữ rơi địa ngục
Làm rồi lại chối phăng
Đời sau tội càng tăng
Nghiệp đã gieo tự gánh.

 

510.

Dẫu thân mặc pháp y
Việc ác không kiềm chế
Làm ác chẳng kiêng nể
Chết địa ngục phải đi.

 

511.

Phá giới, nhận vật thực
Lẽ nào chẳng hại thân?
Chết nuốt hòn sắt nóng
Lửa thiêu cháy thành than.

 

512.

Buông lung có bốn họa:
Dễ tơ tưởng vợ người (1)
Bất lợi ở mọi nơi (2)
Bị người đời phỉ nhổ (3)
Tính dục lại tăng thêm (4).

 

 

513.

Không phước lợi, đọa lạc
Hoảng sợ, hết niềm vui
Bị vương pháp dập vùi

Chết tan xương địa ngục.[69]

 

514.

Thí như nhổ cỏ may [70]
Nắm vào dễ đứt tay
Thọ giới không giữ giới
Địa ngục mình tự gây.

 

515.

Kẻ biếng lười, tự cao
Chẳng trừ được trần lao
Phạm hạnh không trọn vẹn
Chẳng được chút phước nào.

 

516.

Siêng làm việc chính đáng
Và làm hết khả năng
Bọn ngoại đạo chớ gần
Bụi trần đâu dính dáng.

 

517.

Làm những điều vô bổ
Ngày sau ắt ăn năn
Làm lành thường may mắn
Không hối hận, luôn an.

 

518.

Ở trong các hạnh ác
Muốn làm, hoặc đã làm
Thì khổ không thể thoát
Nghiệp đến khó được an.

 

519.

Nhận hối lộ, dối gian
Bẻ cong điều chân chính
Gièm pha người lương thiện
Bức hiếp hàng thư sinh
Kẻ tạo tội điêu linh
Tự mình rơi ngục tối.

 

520.

Như phòng bị biên cương
Trong ngoài đều vững chắc
Tự phòng hộ tâm mình
Đừng để phi pháp sinh
Cẩu thả ắt chuốc họa
Khiến rơi vào ngục hình.

 

521.

Không đáng thẹn, lại thẹn
Đáng thẹn, lại tỉnh bơ
Sống như kẻ ngu ngơ
Chết rơi vào địa ngục.

 

522.

Không đáng sợ, lại sợ
Đáng sợ, lại coi thường
Sống tin vào tà kiến
Chết đọa ngục thảm thương.

 

523.

Điều nên gần, không gần
Việc đáng kiêng, không kiêng
Do huân tập tà kiến
Chết rơi vào địa ngục.

 

524.

Điều đáng gần nên gần
Việc đáng xa nên xa
Chánh kiến chẳng rời ta
Chết đi vào nẻo thiện..

 

Phẩm 31: VÍ DỤ CON VOI[71]

 

[570b] Phẩm này có tên chữ Hán là Tượng Dụ, gồm 18 bài kệ: dạy người đoan chánh thân, làm thiện được quả thiện, hưởng phước báo an vui.

 

525.

Ta như voi xung trận
Không hề sợ trúng tên
Thường lấy lòng tín thành
Độ người không giới hạnh.

 

526.

Như voi đã thuần hóa
Được nhà vua thân nghinh
Ai thuần hóa được mình
Mọi người tin, kính trọng.

 

527.

Dù thường xuyên huấn luyện
Voi giỏi, chạy thật nhanh
Không bằng người khéo léo
Tự điều phục chính mình.

 

528.

Voi ngựa không thể chở
Người đi khắp muôn nơi
Chỉ người tự điều phục
Đi khắp cả chân trời.

 

529.

Như voi tên Tài thủ [72]
Hung dữ khó bảo ban
Trói nó, không cho ăn
Vẫn hung dữ, nhớ đàn.

 

530.

Cũng vậy, người làm ác
Lấy dây tham buộc mình
Như voi chẳng biết sợ
Nên cứ hoài tái sinh.

 

531.

Muốn tâm ý chín muồi
Và đến chỗ an vui
Phải hàng phục kết sử
Như luyện voi bằng dùi.

 

532.

Vui đạo, không phóng túng
Thường khéo giữ tâm này
Như voi hết sa lầy.

 

533.

Làm bạn với người tốt
Cùng đi chung đường lành
Thấy nghe chuyển hóa nhanh
Đến nơi không lầm lỗi.

 

534.

Không gặp bạn hiền minh
Thà quyết sống một mình
Như vua bỏ thành ấp
Lánh xa phường bất minh.

 

535.

Thà mình ta lương thiện
Hơn kết bạn kẻ ngu
Một mình, không làm ác
Như voi tự phòng hộ.

 

536.

Một cuộc đời hạnh phúc:
Có bạn tốt, nhu hòa
Cả đời luôn làm phước
Những điều ác lánh xa.

 

537.

Vui thay ai còn mẹ
Vui thay ai còn cha
Vui thay đời có Đạo
Vui thay đời còn Tăng!

 

538.

Một cuộc đời an lạc:
Giữ giới, vững niềm tin
Đạt được tuệ giải thoát
Không làm ác vui thay!

 

539.

Như ngựa đã thuần thục
Điều phục theo ý mình

Đầy đủ các pháp hành.

 

540.

Hiểu và hành vững chãi
Nhẫn, hòa, và định tâm
Đoạn trừ tất cả khổ
Ta mặc tình thong dong.

 

541.

Nhập vào dòng chánh định
Như ngựa luyện đã tinh
Đoạn sân, sạch hết lậu
Hưởng phước trời an lành.

 

542.

Tự mình chẳng buông lung
Hằng sống trong tỉnh thức
Như ngựa gầy nỗ lực
Bỏ ác thành hiền lương.

 

Phẩm 32: ÁI DỤC[73]

 

[570c] Phẩm ÁI DỤC gồm 33 bài kệ. Nội dung phẩm này: khinh miệt ân ái dâm; người đời bị nó dắt, sinh tai họa khôn lường.

 

543.

Rong ruổi theo tà hạnh
Dục ái thêm nhánh cành
Như khỉ chuyền hái trái.

 

544.

Vì ái, khổ muôn vàn
Tham dục vướng thế gian
Ngày đêm lo buồn mãi
Như cỏ tranh mọc tràn.

 

545.

Người say đắm ái ân
Chưa từng dứt dục tình
Buồn lo, thêm sầu não
Tí tách ngập ao sâu.

 

546.

Đời sở dĩ buồn lo
Bởi khổ đau muôn hướng
Do ái kia triền phược
Lìa ái hết buồn lo.

 

547.

Không lo, tâm an lạc
Không ái, hết trần gian
Không lo, không vướng lụy
Không ái, sống bình an.

 

548.

Ái buộc ràng đến chết
Bởi quyến thuộc họ hàng
Suốt dặm dài buồn tủi
Ái khổ mãi đeo mang.

 

549.

Người vì đạo tu hành
Chớ say đắm ái ân
Phải nhổ tận gốc ái
Đừng để rễ nảy cành
Chớ như cắt lau sậy
Khiến tâm dục lại sanh.

 

550.

Như gốc cây sâu, chắc
Dù chặt, vẫn còn lên
Tâm ái chưa trừ hết
Đau khổ còn chịu thêm.

 

551.

Khỉ vượn bắt khỏi rừng
Thoát lại về chốn ấy
Chúng sanh cũng thế đấy
Thoát ngục, lại chui vào.

 

552.

Dòng ái dục chảy hoài
Cùng kiêu mạn trần ai
Tư tưởng nhuốm dục vọng
Đâu còn thấy đúng sai.

 

553.

Dòng tâm ý chảy tràn
Ái kết tựa dây đan
Chỉ có tuệ chân thật
Mới chận dòng tràn lan.

 

554.

Lặn hụp trong bể ái
Tâm tư cứ miên man
Bể ái sâu không đáy
Già chết còn thêm tăng.

 

555.

Nhánh cành ái chưa dứt
Lấy tham dục bón thêm
Oán thù nuôi chồng chất
Cuốn kẻ ngu ngày đêm.

 

556.

Dẫu gông cùm địa ngục
Dẫu vách sắt tường đồng
Nghiệp ái nhiễm vợ con
Còn chắc bền hơn thế.

 

557.

Ngục ái quá bền chặt
Mấy ai thoát được ra
Chỉ có người đoạn ái
Mới hay thường lìa xa.

 

558.

Thấy sắc tâm vấn vương
Đâu thấy lẽ vô thường
Kẻ ngu mê sắc đẹp
Nào biết sắc tợ sương.

 

559.

Cuộn mình trong dục lạc
Như kén quấn thân tằm
Bậc trí khéo đoạn dứt
Mọi thống khổ mất tăm.

 

560.

Kẻ buông thả tâm mình
Thấy dâm dục là tịnh
Nghiệp ái càng thêm nặng
Tự xây ngục cho mình.

 

561.

Bậc trí khéo đoạn dục
Thường nhớ nó nhiễm ô
Phá dâm tà hang ổ
Đoạn nỗi lo luân hồi.

 

562.

Vây mình trong lưới ái
Trùm kín cả thân tâm
Trói buộc mình ở đó
Như cá rúc vào nơm.

 

563.

Bị già chết rập rình
Như nghé con khát sữa
Lìa dục, diệt ái ân
Ái dục đâu tìm nữa.

 

564.

Bậc đại trí đi trọn
Con đường phá ngục tù
Thoát nhị biên rối mù
Bước lên bờ giải thoát.

 

565.

Kẻ phi pháp chớ thân
Ái dục cũng đừng gần
Người chưa vượt ba cõi
Sẽ còn mãi tái sanh.

 

566.

Thấy rõ tất cả pháp
Mà không vướng pháp nào
Tâm thoát ly ái dục
Tỏ thông thánh ý cao.

 

567.

Thí nào hơn pháp thí
Vị nào hơn pháp vị
Lạc nào hơn pháp lạc
Ái tận hết khổ đau.

 

568.

Kẻ bị dây tham buộc
Không thể đến bờ kia
Tham dục gây tai họa
Cho mình và muôn loài.

 

569.

Tâm ái dục là ruộng
Hạt giống, dâm, nộ, si
Ai vượt qua tức thì
Được phước không hạn lượng.

 

570.

Ít bạn, nhiều của cải
Mối họa cho người buôn.
Tránh giặc dục hại thân
Người trí diệt tham muốn.

 

571.

Tham muốn của thân tâm
Đâu chỉ có ngũ dục [74]
Người khéo đoạn tuyệt nó
Mới xứng danh anh hùng.

 

572.

Không dục, không lo sợ
Lòng một cõi thênh thang
Ái dục thôi gút mắc
Thoát khỏi vực nguy nan.

 

573.

Dục, ta biết gốc ngươi
Ngươi từ tư tưởng sanh
Ta không còn tơ tưởng
Thì ngươi hết chỗ sanh.

 

574.

Đốn cây không tận gốc
Chồi nhánh sẽ lại sanh
Đốn cây luôn gốc, ngọn
Tỳ-kheo vào niết-bàn.

 

575.

Gốc ái chưa đoạn tận
Ít nhiều còn nhánh cành
Tâm vướng mắc càng nhanh
Như nghé con tìm mẹ.

 

Phẩm 33: LỢI DƯỠNG[75]

 

[571b] Phẩm LỢI DƯỠNG có 20 bài kệ: gắng giữ mình, ngừa tham; thấy đức, nghĩ đạo nghĩa; đừng để uế tạp sinh.

 

576.

Chuối trổ buồng rồi chết
Lau đơm bông cũng tàn
La mang thai mất mạng
Người chết bởi lòng tham. [76]

 

577.

Tham tai hại như thế
Từ gốc si ra đời
Ngu si hại kẻ trí
Đến cổ đứt, đầu rơi.

 

578.

Bậc hiền trí thấy rõ
Tham vui ít, khổ nhiều
Dù trời mưa bảy báu
Tham chưa đầy bao nhiêu. [77]

 

579.

Đệ tử của Phật đà
Vui niềm vui vô dục
Tỉnh giác và lánh xa

Những dục lạc cõi trời. [78]

 

580.

Tỳ-kheo tham lợi dưỡng Xa đạo, lạc nẻo tà

Dẫu có ban phát ra Cũng keo kiệt, hạn hẹp.

 

581.

Chớ vì chút lợi dưỡng
Khoe mình hạnh tu cao
Xứng tán, ca ngợi nào
Chỉ nhọc tâm, phiền não ?[79]

 

582.

Ngu bày kế cho ngu
Dục, mạn thêm tăng trưởng
Lạ thay, mất lợi dưỡng
Đường niết-bàn mất luôn.

 

 

583.

Tỳ-kheo đệ tử Phật
Thấy sự thật rõ ràng
Lợi dưỡng lòng không màng
Lắng lòng nơi thôn dã.

 

584.

Được cúng, đừng cầu cạnh
Đừng ỷ lại, ngóng trông
Tỳ-kheo còn dựa dẫm
Không định tâm tu hành.

 

585.

Muốn an thân tuệ mạng
Tự tỉnh giác, lắng tâm
Không lo toan, tính toán
Chuyện y áo, uống, ăn.

 

586.

Muốn an thân tuệ mạng
Tự tỉnh giác, lắng tâm
Giữ một pháp tu hành
Là sống đời tri túc.

 

587.

Muốn an thân tuệ mạng
Tự tỉnh giác, lắng tâm
Như chuột nấp trong hang
Ẩn cư, thực hành pháp.

 

588.

Bớt hưởng thụ, bớt nghe
Giữ giới, tu thiền định
Không biếng lười, thanh tịnh
Được bậc trí ngợi khen.

 

589.

Nếu thành tựu tam minh
Được vô lậu, giải thoát.
Nếu trí tuệ cỏn con
Thì hiểu, nhớ được gì?

 

590.

Cũng vì việc uống ăn
Mà theo người cầu cạnh
Bao tánh xấu nảy sanh
Cũng vì tham lợi dưỡng.

 

591.

Không vâng lời Phật dạy
Chỉ ngưỡng cầu uống ăn
Lợi danh, oán kết tăng
Hạng giả trang thiền tướng.

 

592.

Phải biết lỗi lầm này
Lợi dưỡng đáng sợ thay!
Tỳ-kheo nhận vừa đủ
Tâm thoát khổ buồn vây.

 

593.

Sống phải nhờ vật thực
Ai nhịn mãi được đâu?
Có thân, luỵ cơm, rau
Biết vậy đừng ganh ghét[80].

 

594.

Ganh ghét hại mình trước
Sau lại hại thêm người
Đánh người, người đánh trả
Nên hận thù không nguôi.

 

595.

Thà nuốt hòn đá nóng
Hay uống nước đồng sôi
Đừng đem thân phá giới
Nhận thức ăn của người. [81]

 

Phẩm 34: SA MÔN[82]

 

[571c] Phẩm SA MÔN có 32 bài kệ: dạy dỗ bằng chánh pháp; đệ tử nhận, phụng hành; đắc đạo giải thanh tịnh.

 

596.

Giữ mắt, tai, mũi, miệng
Thân, ý luôn thẳng ngay
Tỳ-kheo hành thế đấy
Thoát được mọi khổ đau.

 

597.

Tay, chân chớ làm bừa
Thiền định tâm thường ưa
Kiệm lời, việc như pháp
Hạnh vắng lặng có thừa.

 

598.

Tu học phải giữ miệng
Từ tốn, dứt điêu ngoa
Nói pháp là chuẩn mực
Thuyết giảng lời nhu hòa.

 

599.

Thích pháp, thực hành pháp
Tư duy pháp an lạc
Tỳ-kheo nương tựa pháp
Chân chính, không uổng đời.

 

600.

Học đạo đừng cầu lợi
Không tơ tưởng của người
Tỳ-kheo hướng ra ngoài
Khó dừng tâm, định ý.

 

601.

Tỳ-kheo được cúng dường
Không tham lam, thủ lợi
Sống thanh tịnh một đời
Được trời người khen ngợi.

 

602.

Tỳ-kheo sống từ bi
Yêu kính lời Phật dạy
Hành sâu pháp chỉ, quán
Tâm lắng dịu, được an.

 

603.

Hết thảy danh và sắc
Không phải ngã, ngã sở
Không gần, không lo sợ
Mới chính là tỳ-kheo.

 

604.

Tỳ-kheo chèo thuyền không
Thuyền không trôi nhẹ nhàng
Trừ sạch si, dâm, nộ
Xuôi dòng đến niết-bàn.

 

605.

Bỏ năm, đoạn trừ năm [83]
Tu năm căn vô lậu [84]
Lại nhận rõ năm kết [85]
Là vượt thoát bộc lưu. [86]

 

606.

Tỳ-kheo không dục loạn
Thiền định, chẳng buông lung
Nước đồng sôi không uống
Chẳng đốt hại thân mình.

 

607.

Không tập thiền, không trí
Không trí, chẳng tập thiền.
Đạo đến từ thiền, trí
Đạt niết-bàn an nhiên.

 

 

608.

Học đạo vào cửa Không
Tĩnh cư và thiền định
Một mình vui chỗ vắng
Quán các pháp tỏ thông.

 

609.

Thường chế ngự năm uẩn
Tâm thuần như nước xuôi
Thanh tịnh và an vui
Nếm cam lộ thượng vị.

 

610.

Không sở hữu vật gì
Nhiếp căn và biết đủ
Giới luật luôn nghiêm trì
Là tỳ-kheo trí tuệ.

 

611.

Tỳ-kheo sống thanh tịnh
Tìm thầy lành, bạn tốt
Phước trí sẽ chóng thành
Thoát khổ, đến an lạc.

 

612.

Như đóa hoa vệ-sư [87]

Héo tàn tự rụng xuống
Tỳ-kheo hết kết sử
Sanh tử tự rụng rơi.

 

613.

Thân miệng luôn lắng dịu
Tâm thấu lẽ diệu huyền
Buông bỏ chuyện thị phi
Tỳ-kheo luôn tịch diệt.

 

614.

Thân luôn tự trang nghiêm
Tâm thường xuyên tĩnh giác
Giữ thân trong chánh niệm
Tỳ-kheo sống an lành.

 

615.

Ta hãy vì chính ta
Dù rằng ta vô ngã
Điều phục ta, diệt ngã
Hiền giả ắt tự thành!

 

616.

Sống vui trong lời Phật
Niềm hoan hỷ càng tăng
Sẽ đến nơi vắng lặng

Hành diệt, [88] mãi khinh an.

 

617.

Tỳ-kheo tuổi chưa nhiều
Làm đúng lời Phật dạy
Chiếu sáng thế gian này
Như trời quang mây tạnh.

 

618.

Bỏ mạn, dứt kiêu căng
Như sen làm sạch nước
Tỳ-kheo không chấp trước
Ngát hơn cả hoa sen.

 

619.

Cắt ái, đoạn luyến tiếc
Như sen chẳng nhiễm bùn
Tỳ-kheo vượt ái dục
Sáng hơn cả hoa sen.

 

620.

Cắt đứt dòng vọng tưởng
Trừ ái quyết một lòng
Dòng ái dục chưa dứt
Tâm ý còn ruổi rong.

 

621.

Việc làm hãy làm ngay
Quyết vững lòng gánh vác
Xuất gia mà biếng nhác
Thì tâm còn nhiễm ô.

 

622.

Kẻ tu học lười nhác
Chẳng gột rửa tâm mình
Phạm hạnh không trong sạch
Làm sao đến niết-bàn ?

 

623.

Tỳ-kheo mà phóng túng
Đi đứng chẳng dè chừng
Mặc tâm ý buông lung
Từng bước thêm nhiễm bẩn.

 

624.

Cà-sa khoác trên vai
Lại không từ việc ác
Làm ác bồi nghiệp ác
Ắt đọa lạc mà thôi.

 

625.

Dạy kẻ khó thuần hóa
Như gió thổi cây khô.
Gây khổ, mình chuốc khổ
Mà sao không gắng tu ?

 

626.

Cạo đầu, tâm chưa yên
Khi dục, mạn vẫn còn.
Bỏ tham, nghĩ về đạo
Mới có thể định tâm.

 

627.

Cạo tóc, tâm chưa yên
Phóng dật, bất tín còn.
Ai diệt sạch các khổ
Mới xứng bậc sa-môn.

 

Phẩm 35: PHẠM CHÍ[89]

 

[572b] Phẩm PHẠM CHÍ có 40 bài kệ, bàn về: nói và làm thanh tịnh, học lý không tạp dơ, đáng gọi bậc đạo sĩ.

 

 

628.

Ai cắt dòng[90], vượt thoát Vô dục như Phạm thiên Các hành [91] hết phan duyên Là xứng danh Phạm chí.

 

629.

Xả phiền, hành bất hại Thanh tịnh, hướng an nhiên Ái dục hết đảo điên

Xứng danh bậc Phạm chí.[92]

 

630.

Không bờ này, bến nọ
Cả hai bờ rỗng rang
Tham ái hết buộc ràng
Xứng danh bậc Phạm chí.

 

631.

Tư duy không nhiễm bẩn
Hành xử không lỗi lầm
Không cầu muốn gì thêm
Xứng danh bậc Phạm chí.

 

632.

Ban ngày mặt trời rạng
Ban đêm trăng chiếu soi
Giáp binh, quân trận sáng
Thiền định rạng người tu
Phật xuất hiện thế gian
Là sáng soi tất cả!

 

633.

Cạo đầu, há sa-môn
Tụng chú, há phạm chí
Ai trừ mọi điều ác
Xứng danh bậc đạo nhân.

 

634.

Đoạn ác là phạm chí
Chánh hạnh là sa-môn
Ngã, cấu uế sạch không
Bậc xuất gia lý tưởng.

 

635.

Ai sống giữa ái ân
Tâm không hề vướng bận
Đã xả, đã chánh chân
Là bậc hết đau khổ.

 

636.

Thân, miệng, và tâm ý
Thanh tịnh không lỗi lầm
Khéo nhiếp phục ba nghiệp
Là phạm chí chân nhân.

 

637.

Ai nội tâm hiểu rõ
Pháp mà Phật tuyên dương
Tâm quán, tự về nương
Như lấy nước gội sạch.

 

638.

Không phải cứ búi tóc
Là trở thành phạm chí
Ai chí thành hành pháp
Thanh bạch mới hiền nhân.

 

639.

Búi tóc, không trí tuệ
Mặc áo cỏ ích chi?
Trong không lìa nhiễm trước
Xả bên ngoài được gì?

 

640.

Dù mặc áo xấu rách
Nhưng y pháp thực hành
Núi rừng tu thiền định
Là Phạm chí đích danh.

 

641.

Phật không dạy bảo ai
Tự khen hay ca ngợi
Ai đúng pháp, không dối
Là Phạm chí thật danh.

 

642.

Dứt tuyệt mọi tham muốn
Tâm quyết không luỵ tình
Cắt bỏ lưới dục tình
Là xứng danh phạm chí.

 

643.

Cắt đứt dòng sanh tử
Khéo nhẫn nhục vượt qua
Tự giác, thoát đường ma
Là xứng danh phạm chí.

 

644.

Bị mắng chửi, đánh đập
Nhẫn chịu không giận hờn
Không pháp nhẫn nào hơn
Là xứng danh phạm chí.

 

645.

Bị tổn hại, coi khinh
Chỉ một lòng giữ giới
Đoan chánh giữ thân mình
Là xứng danh phạm chí.

 

646.

Tâm trút bỏ pháp ác
Giống như rắn thay da
Dục chẳng làm sa đà
Là xứng danh phạm chí.

 

647.

Biết cuộc đời khổ đau
Đặt mình nơi vắng lặng
Buông bỏ được gánh nặng
Là xứng danh phạm chí.

 

648.

Người trí tuệ sâu xa
Biết rõ nẻo chánh, tà
Đạt lý mầu cao cả
Là xứng danh phạm chí.

 

649.

Không phiền luỵ người đời
Không vướng bận người tu
Ít mong cầu, biết đủ
Phạm chí này chân tu.

 

650.

Bỏ gậy gộc, vũ khí
Tâm ý không hại ai
Chẳng tổn hại muôn loài
Là xứng danh phạm chí.

 

651.

Tránh xa chốn tranh giành
Bị xúc xiểm không ganh
Lấy thiện hóa giải ác
Là xứng danh phạm chí.

 

652.

Bỏ dâm, nộ, si, ác
Kiêu mạn cũng lìa xa
Như rắn đã thay da
Đó chính là phạm chí.

 

653.

Miệng không nói lời ác
Tâm chẳng luỵ việc đời
Bát chánh đạo rạng ngời
Mới xứng danh phạm chí.

 

654.

Bao việc ác ở đời  
Dù dài, ngắn, nhỏ, to
Tâm không giữ, không bỏ
Là Phạm chí đích danh.

 

655.

Đời này sống trong sạch
Đời sau không xấu xa
Không huân tập, không xả
Đó chính là Phạm chí.

 

656.

Thân chẳng cần nương tựa
Miệng chẳng đọc tụng bừa
Đặt mình trong tịch tĩnh
Là Phạm chí xứng danh.

 

657.

Lỗi lầm hay phước phận
Đã siêu việt cả hai
Hết ưu phiền vấy bẩn
Là Phạm chí xứng danh.

 

658.

Tâm hoan hỷ, vô nhiễm
Như trăng sáng tròn đầy
Không huỷ báng, trách ai
Là chính danh Phạm chí.

 

659.

Thấy kẻ ngu chìm nổi
Đọa lạc khổ khôn lường
Muốn tìm phương vượt thoát
Không ham bàn gì khác
Ngoài việc cầu niết-bàn
Gọi là bậc Phạm chí.

 

660.

Nghiệp ân ái đã đoạn
Vô dục, đời xuất gia
Ái, hữu đã thoát ra
Là xứng danh Phạm chí.

 

661.

Đã thoát chốn loài người
Không vướng vào cõi trời
Không nương vào ba cõi [93]

Là Phạm chí sáng ngời !

 

662.

Bỏ những điều ghét, ưa
Diệt hết không còn thừa
Nhiếp phục mọi thế giới
Gọi là bậc Phạm chí.

 

663.

Chỗ thọ sanh đã hết
Chết không còn đường đi
An ổn chốn vô y
Gọi là bậc Phạm chí.

 

664.

Đã vượt thoát năm đường
Biết không còn đọa lạc
Sạch nghiệp, không dư tàn
Là xứng danh Phạm chí.

 

665.

Ai quá, hiện, vị lai
Chẳng vướng thời nào cả
Không thủ cũng không xả
Là Phạm chí xứng danh.

 

666.

Người đại hùng, dõng mãnh
Tự giải thoát, vượt qua  
Tâm tĩnh giác, chẳng động
Là Phạm chí xứng danh.

 

667.

Biết gốc của mạng căn
Do đâu tái sanh lại
Muốn dứt kiếp trôi lăn
Thấu đạo mầu vắng lặng
Sáng soi mà tĩnh mặc
Là Phạm chí xứng danh.

 

Phẩm 36: NIẾT BÀN[94]

 

[573a] Phẩm NIẾT BÀN có 36 bài kệ[95]: nêu đường về đạo lớn, yên lặng và tịch diệt, thoát nỗi sợ tử sinh.

 

 

668.

Nhẫn là pháp tối thượng
Phật nói niết-bàn cao
Xuất gia không phạm giới
Tâm lặng hại ai nào ? [96]

 

669.

Không bệnh, lợi lạc nhất
Biết đủ cực giàu sang
Thành tín là họ hàng
Niết-bàn an lạc nhất. [97]

 

670.

Đói khát, bệnh nặng nhất
Các hành, gây khổ nhất
Hiểu sự thật như vậy
Niết-bàn hạnh phúc nhất. [98]

 

671.

Đường lành ít người tới
Nẻo dữ lắm kẻ qua
Một khi đã nghiệm ra
Niết-bàn an ổn nhất.

 

672.

Do nhân sanh nẻo thiện
Do nhân đọa đường ác
Do nhân đến niết-bàn
Các duyên đều như vậy.

 

673.

Hươu, nai sống giữa đồng
Chim liệng giữa tầng không
Pháp nào theo pháp đó
Chân nhân về chốn Không.

 

674.

Vạn pháp vốn là Không
Không tự tánh, sở hữu
Làm sao để nắm bắt
Và có thể suy lường? [99]

 

675

Tâm lành khó nhận ra
Thói xấu xa dễ lường
Bậc liễu ngộ về dục
Thấy cả hai tỏ tường.
Không nơi đâu yên vui
Vì khổ sở vun đầy
Ái dục khi chưa cạn
Khổ đau còn đoanh vây.

 

676.

Biết nhiễm, lấy tịnh ngăn
Xa nhiễm, khổ liền diệt.
Thấy nghe, thật thấy nghe
Nhớ biết, thật nhớ biết. [100]

 

677.

Thấy nghe không dính mắc,
Tâm tư hết buộc ràng
Mọi chấp trước phá tan
Tận trừ tất cả khổ.
Đã diệt trừ ngã tưởng
Thân khổ hết chỗ nương
Thức phân biệt đã đoạn
Mọi thống khổ hết vương. [101]

 

678.

Tựa nương là chốn động,
Rỗng rang chốn yên lành
Chốn động chớ nên gần
Vì không sanh hỷ lạc.
Hỷ lạc thôi thân cận ,[102]
Tịnh yên sẽ quay về
Tịch tịnh an trú rồi
Hết đến đi sanh diệt.

 

679.

Vòng luân hồi chấm dứt
Sanh tử đã ngừng quay
Sống chết hết bủa vây
Không còn đó đây nữa.
Tử sanh, luân hồi dứt
Cả hai đã diệt xong [103]
Không còn chút mảy lông
Là trừ xong các khổ.

 

680.

Tỳ-kheo còn sinh mạng [104]
Tạo tác, nghiệp vẫn mang [105]
Chứng vô sanh, vô hữu [106]
Dục, tác hết buộc ràng. [107]

 

681.

Chỉ những ai vô niệm
Mới có thể đạt thành
Vô sanh, không còn hữu
Vô tác, chẳng còn hành.

 

682.

Còn sanh, hữu, tác hành
Là chưa đạt pháp yếu
Nếu đã hiểu vô sanh
Không còn hữu, tác hành.

 

683.

Có hữu mới có sanh
Từ sanh, hữu lại khởi
Tạo nghiệp chết rồi sanh
Mở bày ra các pháp.

 

684.

Do ăn mà tồn tại
Do ăn sinh vui buồn
Thức ăn này đoạn tuyệt
Hết dấu vết sống còn.

 

685.

Các pháp khổ đã tận
Hành diệt tự nhiên dừng
Tỳ-kheo đã biết mình
Không trở lại các cõi.

 

686.

Không vào cõi hư không
Không còn nơi để trú
Không vào tưởng, phi tưởng
Không đời này, đời sau.

 

687.

Ta không còn trở lại
Không còn tưởng trăng sao
Không bám víu chỗ nào
Không còn đi và đến.

 

688.

Không ẩn cũng không hiện
Đó là bến niết-bàn
Đó là tướng vô tướng
Khổ, vui hết buộc ràng.

 

689.

Cái thấy hết sợ hãi
Không nói, nói không nghi
Bẻ gãy mũi tên hữu
Kẻ ngu hết gá nương
Đạt hạnh phúc chơn thường
Tịch diệt là tối thượng !

 

690.

Tâm nhẫn như mặt đất
Hạnh nhẫn tợ tường thành
Lắng trong như nước sạch
Hết sống chết trôi lăn. [108]

 

691.

Lợi lạc chưa đủ cậy
Còn khổ bám theo mình
Phải mong tự thắng mình
Thắng rồi khổ diệt tận.

 

692.

Đừng mượn khi nợ hết
Chán thai đừng hành dâm
Hạt cháy không nảy mầm
Dục hết như lửa tắt.

 

693.

Bào thai là biển uế
Sao còn ưa hành dâm?
Dẫu có cõi thiện hơn
Cũng đâu bằng tịch diệt!

 

694.

Biết tất cả đã đoạn
Thế gian hết buộc ràng
Đã buông hết, vượt sang
Con đường này đẹp nhất.

 

695.

Phật đã dạy chân lý
Kẻ trí dũng phụng trì
Sống phạm hạnh, vô nhiễm
Tự biết đến vô vi.

 

696.

Học đạo, trước ly dục
Giữ giới pháp Phật đà
Diệt hết mọi xấu xa
Như chim bay trời rộng.

 

697.

Nếu đã hiểu Pháp cú
Hãy chí tâm thực hành
Vượt qua bờ tử sanh
Hết buồn lo thống khổ.

 

698.

Pháp phật không sâu cạn
Lẽ nào có nhu cương
Cốt đừng còn vọng tưởng
Giải kết cho sạch trong.

 

699.

Bậc trí chán thân này
Thấy mong manh, chẳng thật
Vui ít mà khổ nhiều
Chín lỗ[109], không chút sạch.

 

700.

Có trí nguy thành an
Xả thân, thoát gian nan
Thân mục, tan thành bọt
Người trí, thân chẳng màng.

 

701.

Quán thân một khối khổ
Sanh, già, chết, ốm đau
Sống thanh tịnh, ly cấu
Mới được an vui lâu.

 

702.

Nương tuệ, xé lưới tà
Không thọ[110], lậu sạch tan
Sáng sạch, vượt thế gian
Trời người đều cung kính.

 

Phẩm 37: SINH TỬ[111]

 

[574a] Phẩm SINH TỬ có 18 bài kệ: nói linh thức con người, mạng mất nó tồn tại, tùy nghiệp thức chuyển sanh.

 

703.

Mạng như trái chín muồi
Thường sợ bị rụng rơi
Có sinh ắt có khổ
Ai thoát chết trong đời.

 

704.

Từ khi vui ân ái
Hành dâm mà nhập thai
Ngày đêm luôn trôi mãi
Thân mạng há lâu dài?

 

705.

Thân này như vật chết
Tánh linh lại vô hình
Giả sử chết rồi sinh
Tội phước không hề mất.

 

706.

Đâu chỉ sống một đời
Bởi ái, si kéo mãi
Chuốc vui khổ dằng dai
Thân chết, thức còn hoài.

 

707.

Thân bốn đại là sắc
Bốn ấm thức [112] là danh
Vọng tình mười tám giới [113]
Nối mười hai duyên sanh.

 

708.

Thức đi qua chín cõi [114]
Dòng sinh tử mãi trôi
Kẻ ngu tối trong đời
Không thiên nhãn để thấy.

 

709.

Đui mù do ba độc
Không mắt tuệ nên lầm
Rằng chết sống cũng đồng
Hoặc bảo chết là hết.

 

710.

Thần thức tạo tam giới
Thiện bất thiện, năm đường
Ấm hành lặng lẽ tới
Đi chẳng khác tiếng vang.

 

711.

Thác sinh trong ba cõi
Do nhân đời trước gây
Hạt nào lên cây nấy
Quả báo tự nhiên thôi.

 

712.

Thức dựa căn đặt tên[115]
Như lửa, tùy vật đốt
Ở đuốc, gọi lửa đuốc

Cỏ, phân, củi,… lửa than.

 

713.

Tâm khởi, pháp liền khởi
Tâm lặng, pháp lặng yên
Sinh diệt bủa khắp miền
Đổi thay không tự biết.

 

714.

Thần thức ruổi năm đường
Bất kể vực, hang sâu
Xả rồi thọ thân sau
Như xe lăn mặt đất.

 

715.

Như người trú trong nhà
Bỏ nhà cũ đi ra
Thức mượn thân làm nhà
Thân hoại, vẫn còn thức.

 

716.

Thần thức trú hình hài
Như chim nằm trong tổ
Nó bay khi vỡ ổ
Thân hoại, thức đầu thai.

 

717.

Kẻ ngu si lầm tưởng
Đắm ngã, lạc, tịnh, thường
Ghét, ưa không chính đáng
Phật bảo thật đáng thương!

 

718.

Vô minh sinh danh sắc
Ba độc, năm đường dài
Các biển có mười hai [116]
Ai vượt tất an lạc.

 

719.

Hơi thở, hơi ấm, thức
Một khi đã rã mòn
Biết thân sắp chẳng còn
Phải qua kiếp sống khác.

 

720.

Thân xác vùi xuống đất
Như cỏ rác vô tri
Phải biết chẳng còn gì
Kẻ ngu mới tham chấp.

 

Phẩm 38: NẾP SỐNG ĐẠO[117]

 

[574b] Phẩm này có tên chữ Hán là Đạo lợi, gồm 19 bài kệ[118], nói: vua, cha, thầy thực hành; chỉ bày con đường thiện; dẫn dắt bởi thẳng ngay.

 

721.

Ai kính bậc trưởng thượng
Vua, cha, thầy, đạo sĩ
Tín, giới, văn, tuệ, thí
Chết sinh chốn an khương.

 

722.

Nhờ phước lành đời trước
Sinh làm người cao sang
Đem đạo chuyển thế gian
Tu tập, người tiếp bước.

 

723.

Vua là chủ thần dân
Thường ban từ ái khắp
Tự thân giữ giới pháp
Đất nước hết đao binh.

 

724.

Lúc an không quên nguy
Lo nghĩ vun bồi phước
Phước này ai cũng hưởng
Không phân biệt sang hèn.

 

725.

Luận làm tướng thế gian
Phải tu thân, ngay thẳng.
Điều tâm, thắng mọi ác

Là đúng bậc quân vương.

 

726.

Chánh kiến, khéo bố thí
Nhân ái, giúp kẻ nghèo
Có lợi chia đồng đều
Mọi người theo, gần gũi.

 

727.

Như bầy trâu lội nước
Theo bước con đầu đàn
Người phụng pháp tâm an
Chúng dân đều lợi lạc.

 

728.

Đừng phá phách tượng thần
Kẻo chuốc khổ vào thân
Ác tâm là tự
Chết chẳng sanh nẻo lành.

 

729.

Sống nương vào giới đức
Phước báu thường theo ta
Quân vương thấy lẽ đạo
Đường ác ắt lìa xa.

 

730.

Giữ giới trừ khổ, sợ
Phước đức ba cõi thờ
Quỷ, rồng, tà độc dữ
Không hại người trì giới.

 

731.

Lánh xa kẻ ngu tối
Bất nghĩa, không chân thành
Dối gạt, ưa đấu tranh
Gần họ thêm lầm lỗi.

 

732.

Hãy gần bậc hiền nhân
Đủ trí tuệ, giới hạnh
Lời nói luôn chân thành
Gần họ thêm điều thiện.

 

733.

Nói hay, không giới hạnh
Ý loạn, không làm lành
Dù ẩn cư hẻo lánh
Chắc gì bậc tu hành?

 

734.

Lời đẹp, đúng, dẫn đầu
Thuyết pháp đứng kế sau
Thứ ba là ái ngữ
Lời thành thật thứ tư.

 

735.

Không khéo cầm dao bén
Sẽ tự cắt thân mình
Kẻ ngu học dối nịnh
Tự đày đọa đời mình.

 

736.

Tham dâm, sân giận, si
Là ba gốc bất chánh
Thân tự làm tự gánh
Quả báo từ ái, si.

 

737.

Có phước làm trời, người
Vô phước, đọa nẻo ác
Thánh nhân thấy rõ vậy
Lời Phật thường nhớ ghi.

 

738.

Phước giới đức đã tạo
Theo mình đến đời sau
Trời, người đều khen ngợi
Tâm chánh, đâu cũng an.

 

739.

Chẳng nghĩ dừng làm ác
Mỗi ngày tự trói gông
Mạng trôi như nhánh sông
Hãy sợ mà giữ giới.

 

740.

Nay tóc ta đã bạc
Tuổi trẻ đã trôi qua
Tiếng thiên sứ vẳng xa
Thời xuất gia đã đến!

 

Phẩm 39: ĐIỀU LÀNH[119]

 

[574c] Phẩm này có tên chữ Hán là Cát tường, gồm 19 bài kệ[120], nói: cách tu sửa bản thân, bỏ ác nhắm đến thiện, hưởng phước báu sâu dày.

 

741.

Phật tôn quý ba cõi
Khéo giảng nghĩa chơn thường.
Có đạo sĩ Phạm chí
Đến hỏi lẽ cát tường?

 

742.

Phật vì lòng xót thương
Giảng pháp yếu chân thật:
Tín sâu, vui chánh pháp
Là việc lành lớn nhất!

 

743.

Không cậy nhờ trời, người
Vọng xin điều may mắn
Không cầu đảo thánh thần
Là việc lành lớn nhất.

 

744.

Bạn tốt, sống đất lành
Việc phước đức làm nhanh
Giữ thân mình đoan chánh
Là việc lành lớn nhất.

 

745.

Lìa ác, sống chân thật
Bỏ rượu, tiết chế thân
Không đắm say sắc dục
Là việc lành lớn nhất.

 

746.

Đa văn, hành trì pháp
Tinh tiến học luật nghi
Chánh niệm từng bước đi
Là việc lành lớn nhất.

 

747.

Hiếu dưỡng, thờ mẹ cha
Chăm vợ con, gia đình
Không làm việc vô ích
Là việc lành lớn nhất.

 

748.

Không kiêu căng, tự đại
Biết đủ, thường xét suy
Khế kinh hay nhớ nghĩ
Là việc lành lớn nhất.

 

749.

Thấy nghe thường nhẫn nhục
Thích gần người tu hành
Nghe pháp xong thực hành
Là việc lành lớn nhất.

 

750.

Ăn chay, tu phạm hạnh
Thường muốn gần thánh nhân
Nương tựa bậc chân nhân
Là việc lành lớn nhất.

 

751.

Chánh tín, có đạo đức
Chánh ý, chẳng niệm nghi
Ba nẻo ác chẳng đi
Là việc lành lớn nhất.

 

752.

Tâm bình đẳng bố thí
Với trời người khiêm cung
Cúng dường bậc Ly dục
Là việc lành lớn nhất.

 

753.

Thường muốn lìa tham dục
Sân giận và ngu si
Tu học, thông chánh lý
Là việc lành lớn nhất.

 

754.

Làm những việc đáng làm
Tránh xa điều vô bổ
Nỗ lực tu thánh đạo
Là việc lành lớn nhất.

 

755.

Vận tâm đại từ bi
Trải đều khắp thiên hạ
Thương xót, an chúng sanh
Là việc lành lớn nhất.

 

756 và 757

Muốn được phước cát tường
Phải kính tin Tam bảo  
Muốn cầu phước cát tường
Phải học nghĩa Pháp cú;

 

Muốn cầu phước cát tường
Phải cúng dường Tăng bảo
Người tịnh giới thanh cao
Là việc lành lớn nhất.

 

758.

Sống ở đời, người trí
Thường tập các hạnh lành
Từ đó tuệ phát sanh
Là việc lành lớn nhất.

 

759.

Phạm chí nghe Phật dạy
Tâm hoan hỷ dâng trào
Liền lạy tạ Như lai
Quy kính ngôi Tam bảo.

 

(HẾT QUYỂN HẠ)

 



[1] Cát-thị 葛氏. Chưa khảo cứu được!

[2] Tức là tính đến khoảng 222-253 Tây lịch, giai đoạn Chi Khiêm tận lực phiên dịch kinh điển.

[3] Phẩm vô thường 無常, không có Pāli tương đương.

[4] Kệ: Nguyên bản ghi là Chương 章.

[5] Hành: pháp hữu vi.

[6] Pāli, kệ 135

[7] Pāli, kệ 148.

[8] Pāli, kệ 288.

[9] Phẩm Khuyến học (tức Giáo học 教學), không có Pāli tương đương.

[10] Diệt si. Nguyên bản ghi đoạn mẫu 斷母.

[11] Thường kiến, đoạn kiến. Nguyên bản ghi quân nhị thần 君二臣.

[12] Sáu căn, sáu trần. Nguyên bản ghi chư doanh tùng 諸營從.

[13] Pāli, kệ 295.

[14] Pāli, kệ 158.

[15] Phẩm Nghe nhiều (tức Đa văn 多聞), không có Pāli tương đương.

[16] Phẩm Dốc lòng tin (tức Đốc tín 篤信), không có Pāli tương đương.

[17] Thiên hạnh 天行: tức Phạm hạnh.

[18] Thất tài 七財: bảy thánh tài gồm tín, giới, tàm, quý, niệm, bố thí, tuệ (Từ điển Đinh Phúc Bảo).

[19] Phẩm Giữ giới cẩn thận (tức giới thận戒慎), không có Pāli tương đương.

[20] Phẩm Quán niệm (tức duy niệm 惟念), không có Pāli tương đương.

[21] Nguyên văn: Thủ vi chi thỉ, nghĩa là nền tảng của việc giữ những ý niệm vi tế khi nó chưa manh nha, chưa hiện hình thành tướng (Đạo đức kinh-Thủ vi- Chương 64).

[22] Phẩm Nhân từ 慈仁: không có Pāli tương đương.

[23] Phẩm song yếu 雙要, tương đương Pāli, phẩm 1, Yamakavagga.

[24] Phẩm phóng dật 放逸, tương đương Pāli, phẩm 2, Appamādavgga.

[25] Phẩm tâm ý 心意, tương đương Pāli, phẩm 3, Citta vagga.

[26] Phẩm Hương hoa (tức hoa hương 華香), tương đương Pāli, phẩm 4, Puppha vagga.

[27] Nguyên bản ghi Trạch địa, nghĩa là chọn đất không bị giống ái nảy mầm. Tham chiếu kinh Xuất diệu, 19 : 云何名為地?所謂地者,愛種是也。Thế nào gọi là đất? Cái được gọi Đất là ái được trồng lên đó.

[28] Đoạn tận các kết sử. Tham chiếu Kinh Xuất diệu, 19: 斷 魔 華 敷 者,見 諦 思 惟 所 斷 結 使 永 盡 無 餘,更 不 適 彼 言 而 親 近 之,是 故 說,斷 魔 華 敷 也.

[29] Phẩm Ngu tối (tức ngu ám 愚闇), tương đương Pāli, phẩm 5. Bāla vagga.

[30] Phẩm Minh triết 明哲, tương đương Pāli, phẩm 6, Pandita vagga.

[31] Phẩm A-la-hán (tức La-hán phẩm 羅漢品), tương đương Pāli, phẩm 7, Arahanta vagga.

[32] Phẩm Thuật ngàn (tức thuật thiên 述千), tương đương Pāli, phẩm 8, Sahassa vagga.

[33] Phẩm Làm ác (tức Ác hành 惡行), tương đương Pāli phẩm 9, Pāpa vagga.

[34] Phẩm Dao gậy (tức đao trượng 刀杖), tương đương Pāli, phẩm 10, Daṇḍa vagga.

[35] Phẩm Già suy (tức lão hao 老耗), không có Pāli tương đương.

[36] Phẩm Yêu bản thân (tức ái thân 愛身), tương đương Pāli, phẩm 12, Atta vagga.

[37] Phẩm thế tục 世俗, tương đương Pāli, phẩm 13, Loka vagga.

[38] Thuật Phật phẩm. Tương đương Pāli, phẩm 14, Buddhavagga.

[39] Tham chiếu Pāli: apadaṃ kena padena nessatha? HT. Minh Châu dịch: Ai dùng chân theo dõi/ Bậc không để dấu tích

[40] Năm đường (tức ngũ đạo 五道, ngũ thú 五趣): năm con đường mà chúng sanh phải đi qua, tùy theo nghiệp của mình, gồm địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người và trời.

[41] Thuyền sư 船師: một danh hiệu khác của Phật. Phật giáo hoá chúng sinh, khiến cho tất cả đều vượt qua biển sinh tử, đến bờ niết-bàn, giống người thuyền trưởng đưa người qua sông, vượt biển, nên tôn xưng Phật là Đại thuyền sư.

[42] Tham chiếu Trường A-hàm, kinh Du hành : Phật là hải thuyền sư/ Pháp là cầu sang sông/ Là chiếc xe Đại thừa/ Đưa hết thảy trời, người./ Cũng tự mình cởi trói,/ Sang sông, lên bậc Thánh/ Khiến tất cả đệ tử,/ Cởi trói, đến Niết-bàn.

[43] Hai bài kệ này giống bài kệ 743.

[44] Nguyên bản ghi 道德四諦. Từ 道德, trong thời kỳ đầu dịch kinh, từ này dùng thay thế cho chữ Thánh. Ví dụ: 道德弟子 (Ariyasāvaka), tức Thánh đệ tử. Xem, kinh Tứ đế, kinh Ấm trì nhập, do An Thế Cao dịch, đã dùng chữ này.

[45] Tương đương Pāli, phẩm 15, Sukhavagga.

[46] Dĩ lạc vi thực: Lấy niềm vui làm thức ăn.

[47] Tương đương Pāli, phẩm 16, Piyavagga.

[48] Tương đương Pāli, phẩm 17, Kodhavagga.

[49] Tham khảo : 志 同 道 合 之 人(本来)相 互 亲 近,(却)假 装 不 知 故 意 为 恶;後来分别之後留下愤恨,(余恨)之火燃烧自我烦恼不已 (https://site.douban.com)。Xem thêm Pháp cú Nhật ngữ : あしきなかまを もつゆえに , http://www.geocities.jp/higefuji2767/hokku-25.htm.

[50] Giữa ta và người kia có ba cái sợ lớn: hoặc mình, hoặc người kia, hoặc cả hai sẽ bị tổn thất bởi cái giận.

[51] Tương đương Pāli, phẩm 18, Malavagga.

[52] Sa-môn không tìm cầu cái gì ở bên ngoài. Tham chiếu Pháp cú Pāli, phẩm 18. Malavagga : Ngoại đạo không sa-môn

[53] Tương đương Pāli, phẩm 19, Dhammaṭṭhavagga.

[54] Tương đương Pāli, phẩm 20, Maggavagga.

[55] Pháp tích: Dấu tích của của Pháp. Con đường dẫn đến quả thánh.

[56] Nguyên bản chép: 施燈必得眼. Nghi nhầm. Câu này không liên hệ với ba câu trên. Tham chiếu Pā   cli: dvipadānaṃ ca cakkhumā, pháp nhãn đấng siêu quần.

[57] Kiến tịnh 見淨. Pāli: diṭṭhivisuddha. Thấy biết rõ ràng, nhãn quan trong sáng, đã được tịnh hóa.

[58] Cha không cứu được con, hay bà con cứu nhau (Xem Kinh Tập, kinh Mũi tên, Sn.112 : Na pitā tāyate puttaṃ, ñātī vā pana ñātake).

[59] Hành 行 (S: saṃskāra): chỉ các pháp hữu vi, do nhân duyên tạo thành.

[60] Pāli, kệ 277 : Tất cả hành vô thường.

[61] Sở diễn vi đạo nhãn 所演為道眼: Pháp Phật nói ra từ sự chứng ngộ, từ con mắt đã thấy đạo.

[62] Ba định: 1. Định có tầm có tứ; 2. Định không tầm, có tứ; 3. Định không tầm, không tứ.

[63] Nguyên tác ghi khí ỷ, 棄猗, xả niệm thanh tịnh.

[64] Phát huy Tứ vô lượng tâm.

[65] Trụ ở Tứ thiền, nhập vào định thanh tịnh, không còn khởi tưởng chấp trước, tất cả kết sử sẽ nhanh chóng được diệt trừ.

[66] Tương đương Pāli: phẩm 21, Pakiṇṇakavagga.

[67] Bài này giống kệ 077.

[68] Tương đương Pāli, phẩm 22, Nirayavagga.

[69] Tham chiếu Pāli, kệ 310.

[70] Cỏ may (tức gian thảo 菅草): cỏ gian, cỏ may. Pāli: Kuso yathā duggahīto: như vụng nắm cỏ kusa. Cỏ Kusa có danh pháp khoa học là Desmostachya Bipinnata. Kusa là loài cỏ được mô tả trong kinh điển Phật giáo với hai cạnh bên sắc bén, có thể làm đứt tay (Dhp. 311), hoặc dễ bị giật đứt (S.iii,137), hoặc dùng làm áo mặc (D.i, 166; M.ii,162)… Cỏ may và cỏ kusa cùng bộ (Poales) và họ (Poaceae) nhưng khác chi và khác loài. Cỏ may không làm đứt tay, nên trường hợp này phải hiểu là cỏ kusa.

[71] Tương đương Pāli, phẩm 23, Nāgavagga.

[72] Tên Pāli là Dhanapalaka, còn gọi là Tài hộ.

[73] Tương đương Pāli, phẩm 24, Taṇhāvagga.

[74] Ngũ dục, năm đối tượng của sự tham muốn (ngũ dục): tài, sắc, danh, thực, thuỳ.

[75] Không có Pāli tương đương.

[76] Tham cứu: Tiểu phẩm (Cullavagga), chương 7, chia sẻ hội chúng, đoạn 359.

[77] Pāli, kệ 186.

[78] Pāli, kệ 187.

[79] Tham chiếu kinh Xuất diệu, 15. ĐTK/ĐCTT, T.4, N°. 0212.

[80] Tham chiếu kinh Xuất diệu, 15. ĐTK/ĐCTT, T.4, N°. 0212.

[81] Pāli, kệ 308.

[82] Tương đương Pāli, phẩm 25, Bhikkhuvagga.

[83] Xả bỏ ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thuỳ). Đoạn năm triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử và hoài nghi. Xem Kinh Tương Ưng, tập 1, chương 1, Tương ưng chư Thiên, S.i,5; tương đương Tạp A-hàm, tập 36, kinh số 1002.

[84] Năm căn vô lậu: Tín, tấn, niệm, định, tuệ.

[85] Năm kết: Tham kết, sân kết, mạn kết, tật kết, xan kết. Xem Trung A-hàm, A- tì-đạt-ma phát trí luận, Tập di môn túc luận, Đại tì-bà-sa luận. Theo Kinh Xuất Diệu, năm kết gồm tham dục, sân khuể, thuỳ miên, điệu hí (trạo cử), nghi. Theo Thanh tịnh đạo luận, ngũ kết là tham, sân, si, mạn, kiến.

[86] Tham chiếu Trưởng lão Tăng kệ, Kunda Dhàna, chương 1 kệ,  Sona-Kolivisa, chương 13 kệ.

[87] Hoa vệ-sư (tức vệ-sư hoa 衛師華, Pāli: vassikā). HT. Minh Châu chú thích là hoa lài.

[88] Các pháp hữu vi đã được nhiếp phục.

[89] Tương đương Pāli, phẩm 26, Brāhmaṇavagga.

[90] Cắt đứt dòng ái dục.

[91] Hành: các pháp hữu vi.

[92] Tham chiếu Kinh Xuất diệu, quyển 29. ĐTK/ĐCTT, tập 4, kinh số 212.

[93] Tham chiếu Pāli: sabbayogavisaṃyuttaṃ: giải thoát mọi buộc ràng.

[94] Không có Pāli tương đương.

[95] Thực ra chỉ có 35 bài kệ.

[96] Pāli, kệ 184.

[97] Pāli, kệ 204.

[98] Pāli, kệ 203.

[99] Tham chiếu : 《法句經》譯文及解讀--36泥洹品: 始 無 如 不, 始 不 如 無:此 兩 句 甚 為 難 解。姚 秦 譯 本 此 章 雲:我 有 本 以 無,本 有 我 今 無,非 無 亦 非 有,如 今 不 可 穫。依 此,則 大 意 為,當 初 之 無 如 萬 物 不 是 當 下 表 象 之 有,當 初 什 麼 也 不 是 之 萬 物 如 同 無 壹 般;不,乃 是 無 自 性,是 空;無,是   無  所   有。此   乃  以   無  解  空,屬早期翻譯之結果 (http://quanxue.cn/ct_fojia/FaJu/FaJu79.html)。Tham chiếu bản dịch Tạng ngữ: 勘 藏 译

本,意 谓:“前 有 今 无,前 无 当 有,前 当 皆无,今亦不起。”乃 言 生 死 是 三 世 有 法;涅 槃 出离生死,与之相反也。Trước có mà nay không/ Trước không mà nay có/ Trước đã hoàn toàn không/ Thì nay cũng chẳng khởi.

[100] Tham khảo:《法句經》譯文及解讀: 見 有 見:見 解 之 外 亦 有 見 解。意 謂 對 某 壹 見 解 仍 然 可 以 提 出 見 解。下 文 句 式 同 此 (http://quanxue.cn/ct_fojia/FaJu/FaJu79.html). Tham chiếu Kinh Xuất diệu : 見 而 實 而 見,聞 而 實 而 聞,知 而 實 而 知,是 謂 名 苦 際 (ĐTK/ĐCTT, tập 4, kinh số 212).

[101] Tham khảo, 北傳法句經新譯: 睹 無 著 亦 無 識,一 切 舍 為 得 際,除 身 想 滅 痛 行,識 已 盡 為 苦 竟。白 話 新 譯:無 論 是 眼 見、耳 聽、意 念 乃 至 心 識,皆 應 遠 離 其 染 著,遠離 染 著 者 不 再 執 著,不 再 執 著 者 自 然 清 徹 寂 靜,所 以 捨 離 一 切 的 執 著,自 然 能 得 清 淨 智 慧,滅 除 身 心 的 妄 念,自 然 能 滅 除 由 行 為 所 造 作 的 煩 惱 痛 苦,若 能 滅 除 心 識 的 妄 起 流 竄,必 能 滅 除 一 切 的 煩 惱 痛 苦 (http://www.mbh.idv.tw/index.php?mod=articles&ID=21&page=5&pid=2202)

[102] Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh.

[103] Tham khảo《法句經》譯文及解讀. 為 兩 滅:兩,兩 兩 相 對 之 意 也。來 與 往,生 與 死,彼 與 此,皆「兩」也。然 關 鍵 在 於 生 死 輪 回,故「兩滅」在此即指斷生死輪回

[104] Tham khảo: 《法句經》譯 文 及 解 讀. 有 世 生:擁 有 同 世 人 壹 樣 的 生 命。

[105] Tham khảo: 《法句經》譯 文 及 解 讀. 有 有:前 面「有」字 為 動 詞,後 面「有」字為名詞,指存有著的生命

[106] Tham khảo: 《法句經》譯 文 及 解 讀. 有 無:存 有 的 生 命 沒 有 了。無,消失了、沒有了。

[107] Tham khảo: 《法句經》譯 文 及 解 讀. 無 作 無 所 行:沒 有 任何要做的事,沒有任何做事的慾望。

[108] Pāli, kệ 95.

[109] Chín lỗ (tức cửu khổng 九孔): chín cơ quan bài tiết, gồm hai mắt, hai tai, hai mũi, miệng và hai đường đại tiểu tiện.

[110] Sáu căn không tiếp thọ sáu trần.

[111] Không có Pāli tương đương.

[112] Bốn ấm thức: tức thọ, tưởng, hành, thức.

[113] Mười tám giới: 6 căn, 6 trần, 6 thức.

[114] Chín cõi, tức 9 nơi chúng sinh cư trú, còn gọi là cửu hữu, cửu hữu tình cư, cửu chúng sinh cư, cữu cư. Trong tam giới, có tất cả 9 nơi mà chúng sinh vui thích sống, đó là: 1. Trời và người ở Dục giới; 2. Trời sơ thiền; 3. Trời nhị thiền; 4. Trời tam thiền; 5. Trời vô tưởng trong cõi tứ thiền; 6. Trời không; 7. Trời thức; 8. Trời vô sở hữu; 9. Trời phi tưởng phi phi tưởng.

[115] Như thức nương nơi căn là con mắt thì gọi tên là nhãn thức.

[116] Mười hai nhập được ví như 12 biển lớn. Nhãn nhập là biển, đối tượng của mắt là sắc cũng là biển (Xem A-tì-đàm bát kiền độ luận).

[117] Không có Pāli tương đương.

[118] Thực ra có 20 bài kệ.

[119] Phẩm này không có Pháp cú Pāli tương đương, nhưng nội dung đồng nhất với kinh Mangala sutta, được ghi trong bộ Sutta nipata và Khuddaka nikaya.

[120] Có bản chia 18 bài kệ.


[Mục lục chung]