TẠNG LUẬN
BỘ THÍCH KINH
SỐ: 1508 - KINH A HÀM KHẨU GIẢI THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Ưu Bà Tắc An Huyền, cùng Sa-môn Nghiêm Phật Điều.
Muốn dứt dòng sinh tử, vượt khỏi thế đạo, thì phải nhớ nghĩ đến mười hai nhân duyên là:
1. Gốc là si mê (Vô minh)
2. Từ Si tạo ra Hành (Hành)
3. Từ Hành đưa đến Thức (Thức),
4. Từ Thức mà có Danh sắc (Danh sắc),
5. Từ Danh sắc có sáu Suy (Sáu nhập),
6. Từ sáu Suy đưa đến Sở cánh (Xúc),
7. Từ Sở cánh (Xúc) mà có Thống (Thọ)
8. Từ Thống (Thọ) mà có Ái (Ái),
9. Từ Ái mà có Cầu (Thủ),
10. Từ Cầu mà có Đắc (Hữu),
11. Từ Đắc (Hữu) mà có Sinh (Sinh),
12. Từ Sinh mà có già bịnh chết (Lão, Tử).
Đó là hoạt động của mười hai nhân duyên. Mười hai nhân duyên nầy, khởi lên từ lòng ham muốn. Cần phải sử dụng bốn thứ phi thường (bốn đế) để chấm dứt nó. Thế nào là bốn thứ phi thường?
1. Nhận biết về khổ (Tri khổ).
2. Từ bỏ Tập (đoạn Tập).
3. Chứng biết về Tận (chứng Diệt)
4. Thực hành đạo (Tu đạo).
Còn nói thêm, là cần phải nhớ nghĩ về sinh, về già, về bịnh, về chết. Phải nhớ nghĩ bốn lãnh vực đó, thì từ mười hai nhân duyên nầy mà thành đạo. Đạo nhơn nhớ nghĩ bốn việc đó, muốn vượt qua thế gian, phải cắt đứt hoạt động của mười hai nhân duyên. Đó là cắt đứt gốc của sinh tử. Mười hai nhân duyên có phần trong, ngoài.
1. Trong là Si (Vô minh) ngoài là đất,
2. Trong là Hành, ngoài là nước,
3. Trong là Thức, ngoài là lửa,
4. Trong là Danh sắc, ngoài là gió,
5. Trong là Lục nhập, ngoài là không,
6. Trong là Tài (Xúc), ngoài là chủng,
7. Trong là Thống (Thọ), ngoài là căn (gốc rễ).
8. Trong là Ái, ngoài là cành.
9. Trong là Thọ (Thủ), ngoài là lá.
10. Trong là Hữu, ngoài là lóng, đốt.
11. Trong là Sinh, ngoài là hoa, 12. Trong là già, chết, ngoài là hạt.
Con người sinh tử là từ bên trong của mười hai nhân duyên. Vạn vật sinh tử là từ mười hai thứ bên ngoài của mười hai nhân duyên.
Si (Vô minh) là gì? Là không kính cha mẹ, không phân biệt đen trắng. Từ nhân duyên ấy mà có nhận lãnh. Không muốn từ bỏ, không tin nơi đời nay, đời sau đã tạo sự ấy nên theo hành mà làm. Không làm theo Hành thì cũng không đắc (Hữu). Do có Si (vô minh) nên có Hành. Có Hành thì có Thức. Đã có Thức thì có Danh sắc. Có Danh sắc thì có lục nhập. Có lục nhập thì có Tài (Xúc). Có Tài (Xúc) thì có Thống (Thọ). Có Thống thì có ái. Có ái thì có Thọ (Thủ). Có Thủ thì có Hữu. Có Hữu thì có Sinh. Có Sinh thì có già chết. Người ta sinh là do chấp giữ lấy mười hai nhân duyên. Có mười hai nhân duyên là có sinh, không có nhân duyên thì không sinh… Vạn vật đều vậy. Không cắt đứt mười hai nhân duyên thì không ra khỏi sinh tử. Tu ba mươi bảy phẩm kinh, từ đấy mà được đạo. Mười hai nhân duyên có năm việc:
1. Si (vô minh).
2. Sinh tử luôn gắn với Hành. Là nhân duyên của đời trước.
3. Thức từ Thức thọ thân sinh ra.
4. Danh sắc: Sắc thân lại hình thành năm ấm. Là nhân duyên của đời nầy.
5. Sáu suy: Lại tạo sinh tử gắn với Hành, tiếp xúc là nhân duyên cho đời sau. Trước, sau ba đời cùng chuyển biến với nhân duyên, cho nên nói có năm việc.
Mười hai nhân duyên gốc từ thân có mười việc. Mười việc xuất phát từ thân: bảy việc thành một, ba việc từ bốn. Bảy việc thành một: Giết hại, ăn trộm, dâm, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói dối, nói thêu dệt, đều từ sắc, chung làm một.
Ba việc từ bốn tham ganh, giận dữ, si mê đều từ Thống dương (Thọ) Tư tưởng (Tưởng) Sanh tử (Hành) và Thức (Thức). Đó là mười việc hợp làm năm ấm nên là mười hai nhân duyên. Đất gọi là Si (vô minh) Hành là tấu thạnh nên tạo hành sanh tử. Từ tạo xúc gọi là Hành. Đã có Hành thì có Thức, thân nhận lấy sinh tử. Có thức thì có Danh sắc. Thân lại tạo mười việc, thành ra năm ấm. Đã có Danh sắc, thì có Lục nhập, lại tạo ra ấm thịnh. Hành xúc, nên sau nhận lấy sự lưu chuyển, làm điều kiện cho sinh tử, gọi là nhân duyên.
Mười việc của thân trong mười hai nhân duyên: thì Ganh ghét là Si (Vô minh). Giận dữ là sinh tử (Hành). Nghi ngờ là Thức. Giết hại là Danh sắc. Ăn trộm là sáu suy (Sáu nhập). Dâm là Cánh (Xúc). Nói hai lưỡi là Thống (Thọ). Nói dối là Ái. Nói lời ác là thành (Thủ). Nói thêu dệt là mong ước. Sinh có không nên gọi là Hữu. Mười hai nhân duyên, vì sao? Dâm là si (vô minh). Giận dữ là sinh tử (Hành). Nghi ngờ là Thức (Thức). Ba việc ở bên trong nên là gốc. Đã có ba việc nên có bảy việc mà thành năm ấm thịnh. Ganh ghét là gốc của năm ấm nên là si (vô minh). Năm ấm hoạt động cái gì vừa ý thì vui, trái ý thì giận. Tạo ra mười việc chuyên vào sinh tử. Bên ngoài là từ thân, bên trong là từ ý. Si (vô minh) là không phân biệt đen trắng, không nhận biết sinh tử. Đạo nhơn muốn đoạn trừ mười hai nhân duyên thì trước hết phải dứt bỏ mười việc của Thân, bắt đầu từ Si. Si diệt thì năm ấm diệt, mười hai nhân duyên cũng diệt.
Cắt đứt mười việc của thân, bên ngoài thì từ thân, bên trong từ ý. Nói giữ cho thân ý, là không giết hại, cũng gọi bên ngoài thì từ miệng.
Ganh ghét bên trong bị cắt đứt, ý không khởi lên trong vạn vật thì giận dữ chấm dứt. Giận dữ chấm dứt thì chấm dứt giết hại. Giết hại chấm dứt thì ham muốn chấm dứt. Ham muốn chấm dứt thì dâm chấm dứt. Ngoài miệng là tiếng. Ngưng dứt tiếng thì nói hai lưỡi, nói lời ác, nói dối, nói thêu dệt cũng chấm dứt. Không còn si, nên bước vào đạo. Đó là một vòng năm ấm cắt đứt gốc của mười hai nhân duyên.
Con người nhận lãnh thân có ba việc khác nhau:
1. Năm ấm thành ấm thịnh.
2. Mười tám thứ.
3. Mười hai nhân duyên hoạt động.
Đó là ba chỗ khác nhau mà thân nầy có.
Một: Năm ấm thành ấm thịnh nghĩa là năm ấm từ mười việc của thân sinh ra. Từ mắt mà có Sắc ấm. Từ tai mà có Thọ ấm. Từ mũi mà có tưởng ấm. Từ miệng mà có Hành ấm. Từ ý mà có Thức ấm. Phải chú tâm suy nghiệm sáu việc căn bản nầy. Đó là lãnh vực của năm ấm.
Hai: Mười tám thứ nhập mười chín căn.
Mười tám thứ là năm ấm hoạt động là ấm thịnh, có đối, có nhập là gốc của mười hai nhập, sáu tình (căn) làm thành mười tám thứ! Có Thức nên là mười chín căn. Nói mười tám thứ là không nói đến Thức. Đó là nói thịnh ấm hoạt động sanh khởi mười tám thứ, mười chín căn.
Ba: Mười hai nhân duyên là năm ấm, năm thịnh ấm hoạt động do mười hai nhân duyên nên mới có thân, là đồng với mười sự của thân, đều phân biệt rõ. Từ sắc mà có thân, từ bốn ấm là có danh tự (danh). Từ danh sắc có Ái, Thủ. Từ Thủ mà có hành Si. Từ Hành Si (vô minh) mà có mười hai nhân duyên. Người hành đạo phải dứt bỏ sắc, không vì dứt bỏ thân. Thân chỉ là tên gọi. Tai, mắt, mũi, lưỡi, ý, ấy cũng chẳng phải là thân… Tại sao? Nếu tai là người, thì nó phải nghe hết thảy. Từ hình mà có tên gọi, như gọi là vàng, lấy vàng làm vật, từ đó có tên gọi món nầy đồ nọ. Đất-nước-gió-lửakhông, là năm yếu tố tạo thân nầy. Thân nầy cũng chẳng phải là thân. Tại sao? Thân thì biết tiếp xúc, người chết rồi đâu biết tiếp xúc là gì. Do vậy, đấtnước-gió-lửa-không, chẳng phải là thân. Thân cũng không, ý cũng không cả thảy không, không nắm được cái gì, cũng không có Thống dương (Thọ). Tại sao? Thân người chết không còn biết thọ nhận. Như vậy là không. Ý đã lìa thân cũng không còn thọ. Chỉ là nhân duyên hợp lại, nên trở về với không. Trong thân có mười hai thứ gió, thượng khí phong, hạ khí phong, gió mắt, gió tai, gió mũi, gió lưng, gió hông, gió rún, gió vai, gió chân, gió uốn khúc, gió đao. Gió đao đưa bệnh cho người; Gió đao giết hại; Gió đao cắt đứt mạng sống, là sinh lão bịnh tử. Sinh nghĩa là ra khỏi thai mẹ. Đã sinh nên có già. Ngừng là ý ngừng. Tác dụng của ngừng, nên khí ra vào mất, thấy rõ gốc của thân chỉ là tập họp của mười việc cũng không còn.
Trong thân có năm yếu tố: Đất-nước-gió-lửakhông. Cái gì cứng là thuộc về đất, mềm thuộc nước, nóng thuộc lửa, khí thuộc gió, ăn uống ra vào là không. Cũng còn những điều kiện khác hợp làm thân, rồi cho là thân của ta. Nếu cho vạn vật nên có thân thì cũng do năm yếu tố, cùng hợp lại là Sắc, Thọ , tưởng, sinh tử (Hành) thức. Mười yếu tố cùng tập hợp liền có sinh tử. Về yếu tố thì có thiện-ác. Hành thiện có hai nhóm. Không phạm thì gồm thân ba miệng bốn, ý ba. Đó là một nhóm thiện. Nhóm thiện thứ hai là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, không nghi. Đó là nhóm thiện hai. Ác cũng có hai nhóm. Về phạm, thì thân ba miệng bốn, ý ba, đó là nhóm ác một. Nghi, ganh ghét, tham, keo kiệt làm nhóm ác hai. Phòng hộ thânmiệng-ý là việc làm của đạo nhơn. Từ phước mà sinh. Từ Hành mà có lão bệnh tử. Khi thân liền tan rã. Khi người nằm ngủ ý lìa thân là nhân duyên ở đất, tại sao không chết? Vì còn bốn yếu tố kia họp nhau chống giữ chưa tan mất. Người ta làm mười việc thành ba việc. Người làm ba việc thành hai việc, người làm hai việc thành một việc. Mười việc là gì? Đó là mười ác, tức ba việc của thân, miệng, ý. Đã có ba việc là có hai yếu tố Danh sắc. Đã có Danh sắc, thì rơi vào si (vô minh); hàng trăm kiếp mới được làm người, làm người cũng khó đủ căn. Người ta sống thì thức hoạt động là gốc. Năm thức khác tên, nhưng cùng chung một thức. Khi vào một thức thì mất nơi nương tựa kia. Biết người được sinh lên cõi trời, là đem thức của người nhập vào thức trời, liền quên mọi chuyện trần gian. Người ta từ không sinh, từ có chết. Đã không, tại sao sinh? Không nhận biết cái không, nên mới sinh. Có, tại sao chết? Không nhận biết cái có, cho nên chết. Nhận biết không nên không còn sinh. Nhận biết có nên không còn chết.
Ý có chỗ để nhớ nghĩ thì diệt, lại đến chỗ làm nơi sinh ra. Niệm cũ, ý không diệt, cũng không được Hành sinh ý trên. Ý đầu tiên khởi đã diệt, thì nó lại nghĩ đến những niệm khác, dù nhiều nhưng cũng trở lại, rồi từ ý đầu tiên, nhận lấy nhân duyên.
Người ta sinh vốn từ nữ. Nam, nữ hành bất tịnh nên có thân nầy. Khi lớn tùy theo tri thức ác dẫn dắt Năm ấm, Sáu chỉ, Mười hai suy (trần) lừa dối, mà có già bịnh chết lo khổ. Sinh tử là so Si (vô minh). Người trí tuệ cần phải cắt đứt Sáu chỉ, là đất-nước-gió-lửa-không-thức. Mười hai suy là sắc-thanh-hương-vị-xúc-niệm dục, bên trong có giặc ẩn núp (năm căn) đó là mười hai suy.
Người ta sống có ba nhân duyên:
1. Hội họp.
2. Chứa nhóm.
3. Tâm-ý-thức.
Thống dương (Thọ), tư tưởng (Tưởng), sinh tử (Hành) thức, đó là hội họp. Ái dục là chứa nhóm. Từ cái ban đầu là tâm, trung ương của tâm là ý, đầu sau là thức. Người ta mới vào thai mẹ như trứng gà có tròng đỏ. Đến ba bảy tuần thì có đầu, mặt, tay, chân, ngón đầy đủ. Trước khi sinh bốn ngày, thì đầu lộn xuống. Khi ở trong thai mẹ, khổ không thể nói được. Người trong thai mẹ mạng ngày càng tăng, thức ngày càng lớn. Thân hơi già, đến nửa năm thì thân và thức ngày một giảm.
Được thân nầy cũng là phước, mà cũng là tội. Tại sao? Vì do được thân người là phước. Vì đói khát, nóng, lạnh, tham, dâm, ganh ghét là tội. Người ta sinh con, có năm nhân duyên:
1. Có bản nguyện.
2. Cùng nghiệp.
3. Hiểu lễ.
4. Nợ đến.
5. Nợ đền.
- Bản nguyện là sao? Là đời trước, thấy con người khác đoan nghiêm, liền mong ước: Con ta cũng như vậy.
- Cùng nghiệp là cùng toan tính để được lợi cùng nhau.
- Hiểu lễ là cùng nhau yêu mến quý chuộng.
- Nợ đến là cha mẹ lo làm ăn sinh sống, con tha hồ thọ dụng.
- Nợ đền là con làm ăn, giúp đỡ lại cha mẹ. Con, do ba nhân duyên mà sinh ra:
1. Đời trước cha mẹ mắc nợ con về tiền bạc. 2. Đời trước con mắc nợ cha mẹ về tiền bạc.
3. Kẻ thù đến làm con.
- Cha mẹ cực khổ kiếm đồng tiền, nhưng rồi qua đời, con được thọ dụng. Đó là đời trước cha mẹ mắc nợ con về tiền bạc.
- Con cực khổ kiếm tiền nhưng rồi chết, để cha mẹ dùng. Đó là con mắc nợ cha mẹ về tiền bạc.
- Có lúc sinh con được trăm ngày, ngàn ngày thì nó chết. Cha mẹ buồn rầu áo não. Đó là kẻ thù theo sinh làm con.
Con sinh ra có ba nhóm:
Con có phước.
Con chân chánh.
Con không chân chánh.
- Con có phước là sao? Là cha mẹ trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, hành đạo, thì con cũng làm như vậy. Đó là con có phước.
- Con chân chánh là sao? Là cha mẹ không tin đạo, nhưng con thì phụng thờ đạo giáo. Đó là con chân chánh.
- Con không chân chánh: là cha mẹ theo nghiệp đạo, theo pháp hành, nhưng con thì chỉ uống rượu, làm ác. Người ta không muốn thấy có loại con không chân chánh như vậy.
Con theo cha mẹ sống, là có sự đồng ý, đồng hành, đồng niệm. Cùng đầy đủ tuổi thọ, giàu sang, đoan nghiêm; đó là đồng hành. Cùng tham lam, dâm dục, giận dữ, đó là đồng ý. Cùng tinh tấn hành đạo, đó là đồng niệm. Vốn hành động theo cha, thì phần nhiều giống cha, vốn hành động theo mẹ thì phần nhiều giống mẹ. Không đồng hành, thì con với cha mẹ khác nhau. Con người ta khi mới lọt lòng, biết gì đâu, nhưng vui thích hướng về người mẹ, đó là do nhân duyên của ý thức gốc.
Con người lúc sinh nơi đời sau, là có nhân duyên. Thân (trung hữu) có thể ra vào không gián đoạn, đến bảy ngày thì lại hủy hoại thân ấy. Nó cũng có đất-nước-gió-lửa-không, nhưng tinh tế khó thấy. Người ta khi tuổi già thì biết ít quên nhiều. Thức chuyển dần đến nơi sinh ra sau nầy. Tại sao? Là do không dự tính nơi sinh là đâu, chưa biết nơi đến. Người khác sinh, người khác tới, người khác đến chỗ người khác. Người khác lo rầu chỗ người khác. Điều ấy từ muôn xưa đến giờ, đã thành thói quen, mà không biết thân có ba Thọ, ý có ba Thọ.
Thân thọ là bị dao gậy, ngói gạch đá rơi đụng, bị đánh đập. Hai là bịnh ốm. Ba là chết. Ý thọ, thì một là: Lo cha, mẹ, anh, em, vợ con bạn bè. Hai là lo về tiền của. Ba là lo kẻ thù. Tai sao là thọ nhận? Thân thể bất an là bệnh. Tại sao chết? Như trái chín phải rụng, là chết. Hết thảy bịnh đều do ý tạo ra. Thân chết không còn biết gì nên không tạo ra bệnh. Tại sao thân bịnh?. Do bốn nhân không cân bằng. Tại sao lo sầu? Là do không như ý điều mình muốn. Tại sao không ổn định? Là do bịnh tật ở quá khứ. Tại sao gấp rút? Vì sắp tan rã đến nơi. Tại sao tiều tụy? Già là chất độc của thân. Tại sao già chết? Là do hoại diệt. Tại sao vô thường? Là do không được tự tại. Tại sao khổ? Là do gấp rút. Tại sao không? Là do không có chủ. Nói ta làm là sao? Vì đó không phải là thân. Không có khả năng lìa khổ, không được nhận lãnh khổ đó là mười việc.
Những mong muốn của con người, có ba thứ: Cái gì người ta yêu thích thì mong muốn lấy cho được.
Mạnh khỏe.
An ổn.
Sống lâu.
Như vậy thì lại có ba thứ oán thù:
1. Tuổi già, là kẻ thù của khỏe mạnh.
2. Bịnh tật là kẻ thù của an ổn.
3. Chết là kẻ thù của sống lâu.
Rồi cũng có ba thứ cứu độ:
1. Quy mạng về Phật.
2. Quy mạng về với Pháp.
3. Quy mạng về với Tỳ-kheo Tăng.
Có bốn việc đáng sợ: là sanh-lão-bệnh-tử. Người mặt đỏ, có năm nhân duyên:
1. Gần lửa.
2. Uống rượu.
3. Lo sợ.
4. Nhớ đến giận dữ.
5. Nhiều xấu hổ. Tóc bạc có bốn lý do:
1. Sức nóng nhiều.
2. Lo sầu nhiều.
3. Bịnh nhiều.
4. Loại máu sớm bạc.
Người bịnh ốm gầy có bốn lý do:
1. Ăn ít.
2. Có nỗi buồn lo.
3. Nhiều sầu tư.
4. Bịnh.
Thân không được điều hòa có bốn việc mà không nói trước với con người. 1. Đầu bạc. 2. Già. 3. Bịnh. 4. Chết. Đó là bốn việc không trốn tránh được, không thể lìa được; cũng không thể trút bỏ được.
Có bốn việc không thể chịu đựng:
1. Đói. 2. Khát. 3. Lạnh. 4. Nóng.
Thân lại có bốn việc:
1. Không đủ. 2. Không đầy. 3. Không no. 4. Không chán.
Thân lại có bốn thọ khổ là: Khổ khi sinh, khổ khi già, khổ khi bịnh, khổ khi chết.
Hết thảy mùi vị không quá tám thứ:
1. Đắng. 2. Chát. 3. Cay. 4. Mặn. 5. Lạt. 6. Ngọt. 7. Mùi rượu. 8. Không biết là mùi gì.
Đắng tăng thêm nóng bức. Chát tăng thêm gió trừ lạnh. Cay trừ nước. Rượu trừ gió, khiến người ta tối mắt.
Ăn có ba lý do: tất vào tới cốt tủy máu huyết:
1. Chất béo.
2. Chất độc.
3. Rượu. Là ba thứ, cùng khắp châu thân, không đâu là không có nó. Mọi thức ăn uống đều có chất béo, chỉ có ăn uống đạm bạc là ít có.
Người ta có bốn chủng loại:
Hàng trưởng giả.
Hàng đạo thuật.
Hàng thầy pháp, thầy bùa.
4. Hàng nông gia. Có bốn thứ sinh:
1. Sinh từ bụng mẹ.
2. Sinh do nóng lạnh hòa hợp.
3. Hoá sinh.
4. Sinh từ trứng.
Sinh ở bụng như người và súc sinh. Nóng lạnh hòa hợp sinh là trùng, ngài bướm. Hóa sinh là cõi trời, địa ngục… Sinh bằng trứng là chim, cá, rùa.
Đầu người ta có bốn mươi lăm xương. Từ lưng trở lên có năm mươi mốt xương. Tứ chi có trăm lẻ bốn xương, gộp thành hai trăm xương. Thân người có bảy mươi vạn mạch máu, chín mươi chín vạn lỗ chân lông. Quán sát thì thấy, phân biệt thì biết. Có vị A-la-hán dùng thiên nhãn thấy đọa địa ngục phần nhiều là nữ nhân, Thầy mới hỏi Phật: Tại sao vậy? Phật nói: Có bốn lý do:
1. Tham có nhiều châu báu và y phục.
2. Cùng ganh ghét nhau.
3. Lắm mồm miệng.
4. Có nhiều tính dâm.
Vì những lý do ấy nên phần nhiều đọa địa ngục.