TẠNG LUẬN
BỘ THÍCH KINH
SỐ 1529 - LUẬN DI GIÁO KINH
Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân. Hán dịch: Tam tạng Pháp Sư Chân Đế.
Đảnh lễ chư Phật ba đời,
Biển rộng công đức vô thượng,
Thương xót cứu độ chúng sinh,
Cho nên con xin quy mạng.
Pháp tạng vô cùng thanh tịnh,
Tăng trưởng cho người tu hành,
Thế gian và xuất thế gian,
Chúng con đều xin cung kính.
Nay con soạn ra luận này,
Giải thích nghĩa kinh của Phật,
Giúp cho tất cả Bồ-tát,
Cùng biết về đạo phương tiện.
Nhờ biết đạo phương tiện ấy,
Phật pháp tồn tại lâu dài,
Diệt trừ lỗi lầm phàm-Thánh,
Thành tựu tự lợi-lợi tha.
Trong Kinh này thiết lập phương pháp tu hành của Bồ-tát, có bảy phần:
1. Phần tựa.
2. Phần tu tập công đức thế gian.
3. Phần thành tựu công đức của bậc Đại nhân xuất thế gian.
4. Phần hiển thị công đức vô cùng trọn vẹn.
5. Phần hiển thị quyết định tiến vào chứng ngộ.
6. Phần phân biệt chưa tiến vào chứng ngộ cao nhất để đoạn trừ nghi ngờ.
7. Phần tự tánh thanh tịnh vô ngã xa lìa các loại chấp trước.
Kinh: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bắt đầu chuyển pháp luân độ A Nhã Kiều Trần Như, cuối cùng thuyết pháp độ cho Tu Bạt Đà La. Những người cần độ đều đã độ xong. Ở giữa Sa La song thọ Ngài sắp nhập Niết bàn, lúc ấy vào giữa đêm khuya, lặng yên không một tiếng động, Ngài nói tóm tắt về pháp quan trọng cho các đệ tử.”
Luận: Đầu tiên trong phần tựa, Kinh nêu rõ về lợi ích được thành tựu trọn vẹn. Thành tựu trọn vẹn trong này có sáu loại công đức:
1. Công đức của Pháp sư thành tựu trọn vẹn.
2. Công đức khai mở pháp môn thành tựu trọn vẹn.
3. Công đức của đệ tử thành tựu trọn vẹn.
4. Công đức của Đại tổng tướng thành tựu trọn vẹn.
5. Công đức của tự tướng nhân quả thành tựu trọn vẹn.
6. Công đức phân biệt tổng tướng thành tựu trọn vẹn.
Đầu tiên là công đức của Pháp sư thành tựu trọn vẹn có ba loại tướng:
1. Tổng tướng.
2. Biệt tướng.
3. Tổng biệt tướng.
- Tổng tướng, như kinh nói “Mâu Ni”.
- Biệt tướng, như kinh nói “Thích Ca”.-Tổng biệt tướng là Phật. Trong này, Thích Ca là thị hiện phương tiện khéo léo hóa độ chúng sinh, còn là người thuộc dòng dõi tôn quý. Mâu Ni là công đức của hết thảy chư Phật, còn nêu rõ về tự Thể thanh tịnh.
Công đức khai mở pháp môn thành tựu trọn vẹn, có hai câu về pháp bạch tịnh (pháp thiện thanh tịnh):
1. Câu về pháp bạch tịnh của đạo tràng.
2. Câu về pháp bạch tịnh của Niết bàn. Hai câu trước-sau của hai pháp bạch tịnh này, giải thích rõ về chuyển pháp luân, nghĩa giải thích nên biết.
Pháp bạch tịnh của đạo tràng, như kinh nói: “Bắt đầu chuyển pháp luân”. Câu về pháp bạch tịnh của Niết bàn, như kinh nói: “Lần thuyết pháp cuối cùng”.
Công đức của đệ tử thành tựu trọn vẹn, nêu rõ người có năng lực thọ trì hai loại pháp môn bạch tịnh, cho nên thành tựu công hạnh lợi ích cho mình, biểu hiện rõ ràng Như Lai thẳng thắn nói về công đức của pháp môn. Như kinh nói: “Độ A Nhã Kiều Trần Như…, độ Tu Bạt Đà La”. Hai câu Kinh này nêu rõ tám loại thành tựu.
Thế nào là tám loại? Đó là: Thành tựu về hai loại thọ trì, thành tựu về hai loại pháp môn bạch tịnh, thành tựu về hai loại công hạnh tự lợi ích, thành tựu về hai loại thẳng thắn nói đến công đức của pháp môn.
Công đức của Đại tổng tướng thành tựu trọn vẹn, là thành tựu tất cả về tám loại thành tựu, như kinh nói: “Những người cần độ đều đã độ xong.”
Công đức của tự tướng nhân quả thành tựu trọn vẹn, có bốn loại tự tướng:
1. Tự tướng của nhân, như kinh nói: “Ở giữa Sa la song thọ”.
2. Tự tướng của nhân và quả, như kinh nói: “Ngài sắp nhập Niết bàn”.
3. Tự tướng chung, như kinh nói: “Lúc ấy vào giữa đêm khuya”.
4. Tự tướng của quả, như kinh nói: “Lặng yên không một tiếng động.”
Trong đó tự tướng chung, là xa lìa hai bên, thành tựu hai loại trung đạo:
1. Trung đạo Chánh giác.
2. Trung đạo xa lìa Chánh giác.
Trong này Trung đạo xa lìa Chánh giác, tức là tự tướng của quả, nên biết. Quả này có hai loại:
1. Quả Niết bàn là tự tánh không diễn đạt được, xa lìa mọi ý niệm.
2. Quả Niết bàn xa lìa sự giác quán.
Công đức phân biệt tổng tướng thành tựu trọn vẹn, là phân biệt hai phần vị của người và pháp có sai biệt. Phần vị sai biệt của người, là sai biệt về quyến thuộc của bậc Thượng thủ. Như kinh nói: “Cho các đệ tử”. Phần vị sai biệt của pháp, là các pháp thế gian và xuất thế gian. Như kinh nói: “Ngài nói tóm tắt về pháp quan trọng.”
Đã nói về phần Tựa. Tiếp theo nói về phần tu tập công đức thế gian. Công đức này có ba:
1. Công đức tu tập đối trị tà nghiệp.
2. Công đức tu tập đối trị ngăn lại khổ đau.
3. Công đức tu tập đối trị diệt trừ phiền não.
Thứ nhất là công đức tu tập đối trị tà nghiệp.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Sau khi Ta diệt độ, các thầy nên tôn trọng cung kính Ba-la-đề-mộcxoa, như đêm tối gặp đèn sáng, như người nghèo được vật báu. Nên biết giới pháp này chính là bậc Đại sư của các thầy, nếu Ta còn ở đời cũng không khác gì giới pháp này”.
Luận: Trong Kinh này, cứ mỗi khi nói đến Tỳ kheo, là nêu rõ về tướng xa lìa, lại nêu rõ đạo phương tiện của Đại thừa, cùng với Nhị thừa giống nhau, đồng thời đối với bốn chúng cũng cùng chung hạnh xa lìa. “Sau khi Ta diệt độ”, lời này nêu rõ về nghĩa Di giáo, là pháp không thể hoại diệt. Bởi vì pháp không diệt mất là Pháp thân thanh tịnh, thường làm phương tiện hóa độ đến cùng cho thế gian. Như kinh nói: “Nên tôn trọng cung kính Ba-la-đề-mộc-xoa”. Mộc-xoa này cũng là pháp thuận với tướng Tỳ ni, lại là nghĩa điều phục các hành. Như Lai là Pháp thân bất diệt, tự Thể giải thoát thuyết về Ba-la-đề-mộc-xoa. Dựa vào Pháp thân này, được vượt qua hai loại chướng ngại:
1. Chướng ngại vì Có là phiền não tối tăm.
2. Chướng ngại vì Không là không có thiện căn. Được vượt qua chướng ngại vì phiền não tối tăm, là như mù có được mắt sáng, pháp cũng tương tự. Như kinh nói: “Như đêm tối gặp đèn sáng”. Được vượt qua chướng ngại vì Không là không có thiện căn, bởi vì đầy đủ tài sản quý báu tương tự như pháp. Như kinh nói: “Như người nghèo được vật báu”. Còn lại là nêu rõ Ba-la-đềmộc-xoa, chính là bậc Đại sư của người tu hành, như kinh nói: “Nêu biết giới pháp này chính là bậc Đại sư của các thầy”. Lại nêu rõ pháp tương tự con người an trú duy trì làm lợi ích, như kinh nói: “Nếu Ta còn ở đời cũng không khác gì giới pháp này.”
Đã nói về phần dựa vào giới thanh tịnh căn bản. Tiếp theo nói về phần phương tiện xa lìa của giới thanh tịnh.
Kinh: “Người trì tịnh giới, không được mua bán trao đổi, sắp xếp ruộng đất, nuôi người và tôi tớ, nuôi các loài súc vật, tất cả mọi việc gieo trồng và các loại tài sản quý báu, đều nên xa rời như tránh hố lửa. Không được chặt phá cỏ cây, đào bới đất đai, pha chế thuốc thang, xem tướng lành dữ, ngước nhìn tinh tú, suy đoán thịnh suy, bói toán lịch số..., đều không phù hợp. Phải biết tiết chế tự thân, ăn uống đúng giờ, tự sống thanh tịnh. Không được tham dự việc đời, lãnh sứ mạng liên lạc. Chú thuật thuốc tiên, giao tiếp với người giàu sang, nồng hậu thân thiết rồi sinh kiêu mạn, đều không nên làm. Nên tự giữ tâm ngay thẳng, chánh niệm cầu mong tự độ. Không được che giấu lỗi lầm của mình, biểu hiện kỳ lạ mê hoặc mọi người. Đối với bốn sự cúng dường, phải biết mức độ lường xét vừa đủ. Nhận được đồ vật cúng dường, không nên tích góp cất giữ”.
Luận: Trong này nói về phương tiện xa lìa đạt được thanh tịnh, là giữ gìn giới thanh tịnh căn bản, như kinh nói: “Người trì tịnh giới”. Thế nào là giữ gìn căn bản? Điều gì là căn bản? Giữ gìn căn bản, nay nói về hai loại. Những gì là hai loại? Đó là:
1. Giữ gìn không giống như hàng phàm phu tăng thêm sai lầm.
2. Giữ gìn không giống như ngoại đạo làm hại đến trí.
Giữ gìn không giống như hàng phàm phu tăng thêm sai lầm, có mười một điều:
1. Phương tiện mong cầu lợi ích tăng thêm sai lầm, như kinh nói: “Không được mua bán.”
2. Hiện tại mong cầu lợi ích tăng thêm sai lầm, như kinh nói: “Không được mua bán.”
3. Giao dịch mong cầu lợi ích tăng thêm sai lầm, như kinh nói: “Không được trao đổi”. Nếu dựa theo giá trị của thế gian mà tâm không mong cầu lợi ích, thì không phạm vào lỗi mua bán, cách thức phương pháp như trong Tỳ ni giải thích rộng. 4. Nơi chốn sinh sống việc, mong cầu nhiều sự yên ổn tăng thêm sai lầm, như kinh nói: “Không được sắp xếp ruộng đất.”
5. Quyến thuộc tăng thêm sai lầm, như kinh nói: “Không được nuôi người”. Đây là nêu rõ người ngoài quyến thuộc không cùng chung ý muốn. Vì sao không chỉ nói đến người, mà còn nói đến dân? Bởi vì tất cả cùng ở trong loài người, đối với thiện pháp không hoàn toàn thuộc về loài súc sinh.
6. Hoạn nạn sinh tâm thấp hèn tăng thêm sai lầm, như kinh nói: “Không được nuôi tôi tớ.”
7. Nuôi sống cầu mong lợi ích tăng thêm sai lầm, như kinh nói: “Không được nuôi các loài súc vật.”
8. Nhiều sự việc tăng thêm sai lầm, như kinh nói: “Không được làm tất cả mọi việc gieo trồng.”
9. Tích chứa tụ tập tăng thêm sai lầm, như kinh nói: “Và các loại tài sản quý báu.”
10. Không hiểu biết tăng thêm sai lầm, như kinh nói: “Đều nên xa rời như tránh hố lửa.”
11. Không thuận với oai nghi và làm tổn hại chúng sinh tăng thêm sai lầm, như kinh nói:
“Không được chặt phá cỏ cây, đào bới đất đai.”
Mười một điều tăng thêm sai lầm này, người tu hạnh Bồ-tát nên mau chóng xa rời chứ không nên gần gũi, bởi vì pháp tương tự như tránh xa đống lửa lớn, như kinh nói: “Đều nên xa rời như tránh hố lửa.”
Giữ gìn không giống như ngoại đạo làm hại đến trí, nghĩa là kiến chấp phân biệt của thế gian. Kiến chấp phân biệt này có năm câu, mười loại phân biệt, như kinh nói: “Pha chế thuốc thang…” cho đến “…đều không phù hợp”. Vốn là ngăn chặn kiến chấp lạ lùng. Điều gì là căn bản? Ở đây nêu rõ căn bản có hai loại:
1. Hành pháp căn bản.
2. Hành xứ căn bản.
Hành pháp căn bản, là Ba-la-đề-mộc-xoa. Hành xứ căn bản, là thân-miệng-ý. Đối với hành xứ của thân-miệng-ý, luôn luôn thực hành theo Ba-la-đề-mộc-xoa. “Phải biết tiết chế tự thân, ăn uống đúng giờ…”, là nêu rõ hành xứ của thânmiệng-ý, bởi vì đó là Ba-la-đề-mộc-xoa. Người tu hạnh Bồ-tát nên biết rõ ba nơi thực hành Ba-la-đềmộc-xoa, bởi vì không còn có pháp giải thoát nào khác ngoài ba nơi này.
Thân xứ Ba-la-đề-mộc-xoa, có năm loại giải thoát-ba loại đối trị chướng ngại-hai loại không nên làm và không làm.
1. Chướng ngại vì mong cầu phóng túng theo nơi khác, để đối trị chướng ngại này, như kinh nói: “Phải biết tiết chế tự thân.”
2. Chướng ngại vì bên trong cung cấp không thỏa mãn, để đối trị chướng ngại này, như kinh nói: “Ăn uống đúng giờ.”
3. Chướng ngại vì cùng mong cầu theo nhau, để đối trị chướng ngại này, như kinh nói: “Tự sống thanh tịnh.”
4. Tự tánh ngăn lại nhiều sự việc, như kinh nói:
“Không được tham dự việc đời.”
5. Tôn trọng tự tánh, không gây ra điều tùy tiện thấp hèn, như kinh nói: “Không được lãnh sứ mạng liên lạc.”
Hai câu sau là nêu rõ hai loại không nên làm và không làm, ba câu trước là nêu rõ ba loại đối trị chướng ngại.
Thế nào là năm loại giải thoát của thân? Đó là:
1. Thân giải thoát mọi duyên bên ngoài.
2. Thân giải thoát mọi duyên bên trong.
3. Thân giải thoát mọi duyên của tự tướng.
4. Thân giải thoát mọi duyên của nhiều chuyện.
5. Thân giải thoát mọi duyên xa rời phương tiện sai khác. Trong năm loại giải thoát, câu thứ nhất là chung, bốn câu còn lại là riêng, nên biết.
Khẩu xứ Ba-la-đề-mộc-xoa, có hai loại tà ngữ không nên làm và không làm. Đó là:
- Dựa vào tà pháp mà nói, có hai loại không nên làm. Một là nói lời tà thuật làm não hại chúng sinh; hai là dựa vào thuốc thang tà vạy nói lời không đúng đắn để biện luận theo thế gian, như kinh nói: “Chú thuật thuốc tiên.”
- Dựa vào người tà vạy mà nói, cũng có hai loại không nên làm. Một là cùng với dòng họ tốt đẹp như nhau, nói nhiều lời thô bỉ xấu xa; hai là thân cận với dòng họ, nói nhiều lời ngạo mạn tự cao. Như kinh nói: “Giao tiếp với người giàu sang, nồng hậu thân thiết rồi sinh kiêu mạn, đều không nên làm.”
Ý xứ Ba-la-đề-mộc-xoa, có sáu câu nói về ba loại đối trị chướng ngại-ba loại không nên làm và không làm.
1. Chướng ngại gì thấy nhiều sai lầm của người khác, vốn phạm vào tâm thanh tịnh của mình, đối trị chướng ngại này, như kinh nói: “Nên tự giữ tâm ngay thẳng.”
2. Chướng ngại vì tư duy tà vạy, cho nên không có năng lực tự vượt qua phần vị dưới thấp, đối trị chướng ngại này, như kinh nói: “Chánh niệm cầu mong tự độ.”
3. Chướng ngại vì ở trong mọi thứ thọ dụng không biết hạn chế-không hề thỏa mãn, đối trị chướng ngại này, trong câu thứ năm nói: “Đối với bốn sự cúng dường, phải biết mức độ lường xét vừa đủ.” Sự cúng dường này có hai loại:
1. Đối với sự cúng dường trong phần thân, nghĩa là cung cấp ăn uống-áo quần-đồ nằm-thuốc thang, thuộc về cúng dường phần thân.
2. Đối với sự cúng dường trong phần tâm, nghĩa là tâm cúng dường không giống nhau, tâm cúng dường không thỏa mãn. Hai sự việc cúng dường với tâm trái ngược nhau, và tâm cúng dường phân biệt, bốn loại tâm cúng dường này, chúng sinh ngu si mê loạn thường tiếp nhận sử dụng, không biết tiết chế suy lường. Nếu tiến vào phạm vi Tam muội thì biết giới hạn, nếu tiến vào phạm vi của đạo thì biết vừa đủ. Ba loại không nên làm và không làm, đó là:
1. Không làm cho giới thanh tịnh bị vấy bẩn, không được giữ tâm cấu nhiễm, như kinh nói: “Không được che giấu lỗi lầm của mình.”
2. Xa lìa vô cớ biểu hiện việc làm khác lạ của mình, khiến cho người khác hiểu không đúng sự thật, như kinh nói: “Biểu hiện kỳ lạ mê hoặc mọi người.”
3. Xa lìa tâm tham lam tích trữ cất giữ mọi thứ vật dụng, như kinh nói: “Nhận được đồ vật cúng dường, không nên tích góp cất giữ.”
Đã nói về phần thuận theo giới căn bản. Tiếp theo nói về giới căn bản và thuận theo giới đều được giải thoát, có năng lực sinh ra mọi công đức.
Kinh: “Đây là nói vắn tắt về tướng trì giới. Giới là căn bản đích thực thuận với giải thoát, gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa. Dựa vào giới này, có thể phát sinh các pháp thiền định và trí tuệ diệt trừ khổ đau”.
Luận: Thuận theo giới là giới tướng, không thể nói rộng hết được mà chỉ nói vắn tắt để biểu hiện rõ ràng, nên biết. Như kinh nói: “Đây là nói vắn tắt về tướng trì giới.”
“Giới là đích thực thuận với”. Câu này nêu rõ nghĩa về thuận theo giới. Ở đây nói về thuận theo giới kia thì có hai loại:
1. Thuận theo giới căn bản.
2. Thuận theo căn bản mà phát khởi thành tựu về giới. Thuận theo giới căn bản, là nêu rõ thuận theo hạnh Vô tác căn bản, Ba-la-đề-mộc-xoa như trước đây đã nói. Thuận theo căn bản mà phát khởi thành tựu về giới, là nêu rõ nhân giải thoát của thời gian sau, trong thời gian hiện tại thuận theo giới mà phát sinh, như kinh nói: “Căn bản của giải thoát”. Giới là giải thoát, bởi vì Thể có năng lực đích thực độ thoát, như kinh nói: “Cho nên gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa”. Câu này nêu rõ có năng lực vượt qua ác hành của thân-miệng-ý, đến bờ bên kia thành tựu ba nghiệp giải thoát.
Có năng lực sinh ra mọi công đức, là nêu rõ công đức giải thoát có sắc tướng và công đức giải thoát không có sắc tướng, hai công đức giải thoát thuận với tướng-ngược với tướng ấy, đều từ trong giới mà sinh ra. Như kinh nói: “Dựa vào giới này, có thể phát sinh các pháp thiền định và trí tuệ diệt trừ khổ đau.”
Tiếp theo nói về phần lợi ích khuyến khích tu giới.
Kinh: “Vì vậy các thầy Tỳ kheo, nên giữ giới thanh tịnh, đừng làm cho hủy phạm thiếu sót. Nếu người luôn luôn giữ giới thanh tịnh, thì người này luôn luôn có thiện pháp. Nếu không có giới thanh tịnh, thì các công đức thiện pháp đều không có thể phát sinh. Vì vậy nên biết giới là trú xứ của công đức, là nơi an ổn bậc nhất”.
Luận: Thế nào là lợi ích khuyến khích tu giới? Trong đó có năm loại khuyến khích:
1. Khuyến khích không làm mất tự Thể, như kinh nói: “Nên giữ giới thanh tịnh.”
2. Khuyến khích không rời bỏ phương tiện, như kinh nói: “Đừng làm cho hủy phạm thiếu sót.”
3. Khuyến khích lìa xa những sai lầm của thânmiệng và ý nghiệp, thường quy tập công đức, như kinh nói: “Nếu người luôn luôn giữ giới thanh tịnh, thì người này luôn luôn có thiện pháp”.
4. Khuyến khích biết nhiều sai lầm xấu xa ở trong thân-miệng và ý, cho nên tất cả mọi lúc không có thể phát sinh công đức, như kinh nói: “Nếu không có giới thanh tịnh, thì các công đức thiện pháp đều không có thể phát sinh”.
5. Biểu hiện rõ ràng Bồ-tát trì giới, ở trong ba loại giới mà mình tu hành, có những điều đượcmất như vậy, thì mình nên trú vào nơi an ổn chứ không trú vào nơi không an ổn. Như kinh nói: “Vì vậy nên biết giới là trú xứ của công đức, là nơi an ổn bậc nhất”. Câu này đích thức nêu rõ nghĩa thù thắng về lợi ích khuyến khích tu giới.
Đã nói về công đức tu tập đối trị tà nghiệp. Tiếp theo nói về công đức tu tập đối trị ngăn lại khổ đau. Khổ trong này có ba loại:
1. Khổ vì căn ham muốn phóng túng.
2. Khổ vì ăn nhiều.
3. Khổ vì lười nhác, ham ngủ nghỉ. Ba loại khổ này lấy niềm vui của pháp môn Tam muội để đối trị, nên biết. Thế nào là đối trị với nỗi khổ vì căn ham muốn phóng túng?
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Đã có thể trú vào giới, thì nên chế ngự năm căn, đừng để cho phóng túng, chạy theo với năm dục. Ví như người chăn trâu, cầm roi mà theo sát, không để cho phóng túng, phạm vào lúa mạ của người. Nếu phóng túng năm căn, thì không những năm dục, mà còn lan rộng ra, không còn có giới hạn, không thể chế ngự được. Cũng như ngựa hung dữ, không dùng cương ghìm lại, thì sẽ kéo theo người, rơi vào trong hố hầm. Như bị giặc cướp hại, khổ sở chỉ một đời, còn giặc cướp năm căn, tai họa đến nhiều kiếp. Vì tổn hại rất nặng, không thể không cẩn thận. Vì vậy người có trí, kiềm chế mà không theo, giữ giống như giữ giặc, không để cho phóng túng, giả sử có phóng túng, thì cũng không bao lâu, thấy chúng đều diệt hết”.
Luận: Khổ vì căn ham muốn phóng túng, vốn là nhân của khổ và quả của khổ. Dựa vào giới thanh tịnh, dùng Tam muội làm phương tiện, thâu nhiếp ý niệm để đối trị. Như kinh nói: “Đã có thể trú vào giới, thì nên chế ngự năm căn”. Tại sao chỉ nói năm căn? Bởi vì nêu rõ sắc và phi sắc khác nhau. Vả lại, trong ý căn có đủ năm căn, vốn có hai loại đối trị. Thế nào là hai loại? Đó là:
1. Đối trị ý niệm dấy động.
2. Đối trị ý niệm bất động.
Nghĩ đến giới giữ gìn căn có lợi ích tương tự với pháp, như kinh nói: “Đừng để cho phóng túng…” cho đến “… phạm vào lúa mạ của người”. Thân giới thanh tịnh, cho nên không phóng túng theo các loại cảnh sắc, tương tự với pháp là chăn trâu. Chánh niệm thành tựu, cho nên không phát sinh các loại tâm niệm, tương tự với pháp là cầm roi theo sát. Nhờ vào sự nhớ nghĩ đến giới thành tựu, cho nên phương tiện Tam muội và công đức chánh thọ không hề giảm bớt-không hề mất đi, tương tự với pháp là không phạm vào lúa mạ của người. Lại còn nêu rõ không có sự nghĩ nhớ đến giới thì tâm sai lạc làm tổn hại vô cùng, vì tập khí thành tựu thì khó mà đối trị, như kinh nói: “Nếu phóng túng năm căn, thì không những năm dục, mà còn lan rộng ra, không còn có giới hạn, không thể chế ngự được.”
Tiếp đến nói về không có đối trị và khó đối trị, ngựa hung dữ tương tự như pháp, như kinh nói: “Cũng như ngựa hung dữ, không dùng cương ghìm lại, thì sẽ kéo theo người, rơi vào trong hố hầm.”
Lại nêu rõ sai lầm nặng nề tương tự và không tương tự, cũng bởi vì nhân quả sâu xa mà khổ đau trong vô lượng kiếp, nêu rõ trong thời gian trước cần phải cẩn thận. Như kinh nói: “Như bị giặc cướp hại, khổ sở chỉ một đời, còn giặc cướp năm căn, tai họa đến nhiều kiếp, vì tổn hại rất nặng, không thể không cẩn thận”.
Trước đã nói nghĩ đến giới để giữ gìn. Nay nói dùng trí để giữ gìn. Trí là quán sát Tam muội, năm căn là chướng ngại nặng nề đối với Tam muội, như kinh nói: “Vì vậy người có trí, kềm chế mà không theo”. Giữ gìn năm căn như giặc làm hại mạng mình, tương tự với pháp, như kinh nói: “Giữ giống như giữ giặc, không để cho phóng túng”. Lỗi nặng đã như vậy, lỗi nhẹ làm sao kềm chế? Lỗi nhẹ trong này, nghĩa là chướng ngại của tập khí rất vi tế, ở nơi này lúc có thì có, lúc không có thì không có, bởi vì không tác ý dấy khởi, như kinh nói: “Giả sử có phóng túng”. Bởi vì thế của nó không tự mình tồn tại, như kinh nói: “Thì cũng không bao lâu”. Bởi vì tánh của năm căn là không chướng ngại cho nên không trông thấy lẫn nhau, như kinh nói: “Thấy chúng đều diệt hết”. Trong này sao nói là thấy? Bởi vì nêu rõ dựa vào lúc nhìn thấy mà nói, năm căn không trông thấy tánh của nó cho nên diệt hết không còn thấy gì.
Tiếp theo nói về đối trị khổ vì ham muốn phóng túng.
Kinh: “Đối với năm căn này, tâm là chủ của chúng, vì vậy các thầy nên chế ngự tâm cho tốt. Tâm thật là đáng sợ, còn hơn cả rắn độc, thú dữ và giặc thù, ngọn lửa lớn lan ra, không đủ ví cho tâm. Ví như có một người, tay bưng bát mật đầy, chuyển động không dừng lại, chỉ nhìn vào bát mật, không trông thấy hố sâu. Ví như con voi say, không móc sắt kềm lại, vượn khỉ gặp cây rừng, nhảy nhót leo trèo mãi, khó mà kềm chế được. Nên gấp rút điều tâm, không để cho phóng túng. Phóng túng theo tâm này, mất việc thiện của người, chế ngự tâm một chỗ, không việc gì không thành. Vì vậy các thầy Tỳ kheo, nên chịu khó tinh tiến, điều phục tâm của mình!”
Luận: Trong này nói đến khổ vì ham muốn, là bởi vì tâm-tánh sai biệt, cũng là nhân của khổ và quả của khổ, nêu rõ khổ vì các loại sắc, dựa vào tâm mà có, như kinh nói: “Đối với năm căn này, tâm là chủ của chúng”. Nên biết như vậy. Nó phát sinh sai lầm cho mình và cho người, vì vậy phải chịu khó ngăn chặn, như kinh nói: “Vì vậy các thầy nên chế ngự tâm cho tốt”. Tại sao chịu khó ngăn chặn? Bởi vì nêu rõ tâm này là pháp chướng ngại đến Tam-muội. Thế nào là tướng của Tammuội? Thế nào là tướng của pháp chướng ngại?
Tướng của Tam-muội thì có ba loại:
1. Tướng của Tam-muội không có hai niệm.
2. Tướng của Tam-muội điều hòa mềm mỏng không lay động.
3. Tướng của Tam-muội phát sinh nhiều công đức. Tướng của pháp chướng ngại cũng có ba loại:
1. Chướng ngại vì tâm tánh sai biệt.
2. Chướng ngại vì dao động không điều hòa.
3. Chướng ngại vì mất các công đức.
Chướng ngại vì tâm tánh sai biệt, như kinh nói: “Tâm thật là đáng sợ, còn hơn cả rắn độc, thú dữ và giặc thù, ngọn lửa lớn lan ra, không đủ ví cho tâm”. Sai biệt nói đến trong này, là bốn loại sai biệt như tham… Tu pháp Tam-muội không có hai niệm, thì đối với sự sai biệt này thật là đáng sợ, nên biết. Bốn loại ví dụ bởi vì tương tự như pháp, còn nêu rõ pháp không tương tự cho nên thật là đáng sợ.
Chướng ngại vì dao động không điều hòa, như kinh nói: “Chuyển động không dừng lại…” Chuyển động nói đến trong này, là nêu rõ Thức dao động chuyển biến trong các căn, lại vô cùng nhanh chóng, bởi vì pháp tương tự với vượn khỉ. “Chỉ nhìn vào bát mật”, là nêu rõ bởi vì có màng che cho nên không thấy được vị lai. Hố sâu là nghĩa của chướng ngại. Chướng ngại này có hai loại:
1. Chướng ngại vì nơi sinh ra.
2. Chướng ngại vì lúc tu tập tất cả các hạnh gặp phải khốn khổ cho nên không thể nào thành tựu, bởi vì pháp tương tự với voi say. “Nên gấp rút điều tâm”, là nêu rõ sự kìm nén tâm vào nơi không còn lay động. “Không để cho phóng túng”, là biểu hiện rõ ràng thâu nhiếp đưa vào nơi tập trung để điều phục.
Chướng ngại vì mất các công đức, như kinh nói: “Phóng túng theo tâm này, mất việc thiện của người.”
Tướng của Tam-muội không có hai niệm, như kinh nói: “Chế ngự tâm một chỗ.”
Tướng của Tam-muội phát sinh nhiều công đức, như kinh nói: “Không việc gì không thành.” Tướng của Tam-muội điều hòa mềm mỏng không lay động, như kinh nói: “Nên chịu khó tinh tiến, điều phục tâm của mình.”
Đã nói về đối trị khổ vì căn ham muốn phóng túng. Tiếp theo nói về đối trị khổ vì ăn nhiều.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Dùng đồ ăn thức uống, nên giống như uống thuốc, thức ăn ngon hay dở, đừng sinh tâm thêm bớt, có được để nuôi thân, trừ hết mọi đói khát. Như ong hút nhụy hoa, chỉ lấy vị của hoa, không làm hại sắc-hương. Tỳ kheo cũng như vậy, nhận cúng dường của người, là tự trừ phiền não, không được cầu cho nhiều, mất thiện tâm của người. Ví như người có trí, biết lượng sức của trâu, có thể chịu bao nhiêu, không làm cho quá mức, mà cạn kiệt sức lực”.
Luận: Ăn nhiều thì chướng ngại đến Tammuội. Ăn có hai loại.
Những gì là hai loại? Đó là:
1. Ăn vì thân.
2. Ăn vì tâm-tâm sở pháp.
Nếu đoàn thực nhiều thì làm cho khó ngừng lại, cách xa với thiền định. Ăn vì tâm-tâm sở pháp, đây là trong pháp trái ngược nhau của cõi Dục, dùng phương tiện để đối trị. Lại có tâm Đệ nhất nghĩa cao nhất trong Tam-muội, cho nên thành tựu Tam-muội vô thực. Hai loại Tam-muội như vậy, có sáu loại công đức thành tựu. Những gì là sáu loại? Đó là:
1. Thành tựu công đức đối trị về thọ dụng.
2. Thành tựu công đức quán sát bình đẳng.
3. Thành tựu công đức đối trị cuối cùng.
4. Thành tựu tương tự công đức quán sát bình đẳng biểu hiện rõ ràng.
5. Thành tựu công đức thọ dụng không uổng phí.
6. Thành tựu công đức biết đúng giờ giấc.
Thành tựu sáu loại công đức này biểu hiện rõ ràng hai loại Tam-muội. Thành tựu công đức thứ nhất-thứ năm-thứ sáu, là biểu hiện rõ ràng về Tam-muội thiểu thực (ăn ít). Thành tựu ba loại công đức còn lại, là biểu hiện rõ ràng về Tam-muội vô thực (không ăn.)
Thành tựu công đức đối trị về thọ dụng, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Dùng đồ ăn thức uống, nên giống như uống thuốc.”
Thành tựu công đức quán sát bình đẳng, như kinh nói: “Thức ăn ngon hay dở, đừng sinh tâm thêm bớt.”
Thành tựu công đức đối trị cuối cùng, như kinh nói: “Có được để nuôi thân, trừ hết mọi đói khát”. Đây là nêu rõ Pháp thân bình đẳng thâu nhiếp quán sát bình đẳng, bởi vì cuối cùng không có mọi điều đói khát.
Thành tựu tương tự công đức quán sát bình đẳng biểu hiện rõ ràng, như kinh nói: “Như ong hút nhụy hoa, chỉ lấy vị của hoa, không làm hại sắc-hương, Tỳ kheo cũng như vậy.” Không làm hại nói đến trong này, là nêu rõ không làm hại đến pháp quán.
Thành tựu công đức thọ dụng không uổng phí, như kinh nói: “Nhận cúng dường của người, là tự trừ phiền não.”
Thành tựu công đức biết đúng giờ giấc, như kinh nói: “Không được cầu cho nhiều, mất thiện tâm của người”. Cầu nhiều, là nêu rõ tâm-tâm sở pháp có nhiều công đức của Tam-muội không hiện rõ trước mắt. Biết lượng sức của trâu…, là nêu rõ biết đúng giờ giấc tương tự với pháp.
Nêu rõ biết đúng giờ giấc có hai loại:
1. Phương tiện so sánh thời gian.
2. Thành tựu tương ưng với thời gian. Vốn là nêu rõ sai lầm vì ăn nhiều.
Đã nói về đối trị khổ vì ăn nhiều. Tiếp theo nói về đối trị khổ vì lười nhác ham ngủ nghỉ.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Ban ngày thì chịu khó, chuyên tâm vào tu tập, tất cả các thiện pháp, đừng lãng phí thời gian. Đầu đêm và cuối đêm, cũng đừng có bỏ dở, giữa đêm thì tụng Kinh, để tự tiêu nghiệp chướng. Đừng vì ham ngủ nghỉ, khiến một đời trôi qua, uổng phí và trống rỗng, không đạt được gì cả. Nên nghĩ đến vô thường, là ngọn lửa hừng hực, đốt cháy mọi thế gian, hãy sớm cầu tự độ, đừng ham ngủ nghỉ nhiều. Những loại giặc phiền não, thường rình rập giết người, còn hơn cả kẻ thù, sao có thể ngủ nghỉ, không tự mình tỉnh ngộ?
Phiền não là rắn độc, nằm ngủ trong tâm các thầy, ví như rắn hổ đen, ngủ trong phòng các thầy, nên dùng móc sắt trì giới, nhanh chóng loại trừ nó ra, rắn ngủ đã ra ngoài, mới có thể ngủ yên, rắn độc chưa ra khỏi, mà vẫn ham ngủ nghỉ, là người không hổ thẹn. Hổ thẹn là trang phục, tốt đẹp vào bậc nhất, trong các loại trang phục, hổ thẹn như móc sắt, có năng lực kềm chế, người làm điều phi pháp. Vì vậy các thầy Tỳ kheo, luôn luôn nên hổ thẹn, đừng bỏ qua chốc lát. Nếu xa rời hổ thẹn, thì mất các công đức. Người có lòng hổ thẹn, thì có mọi thiện pháp. Nếu không có hổ thẹn, thì cùng với cầm thú, không có gì khác nhau”.
Luận: Đối trị khổ vì lười nhác ham ngủ nghỉ, cho nên dùng sự tư duy không mệt mỏi để đối trị. Trong này tại sao lười nhác ham ngủ nghỉ mà cùng nói là pháp chướng ngại? Nêu rõ sự lười nhác, nghĩa là tâm uể oải nhác nhớm. Ham ngủ nghỉ là thân nặng nề khó chịu. Hai loại này thuận với nhau cùng làm thành một nỗi khổ. Trong năm loại chướng ngại đến Định, cùng nói đến nỗi khổ này.
Trong đó phát sinh ngủ nghỉ có ba loại:
1. Phát khởi từ ăn uống.
2. Phát khởi do thời tiết.
3. Phát khởi do tâm.
Nếu phát khởi do ăn uống và thời tiết, thì đó là sự ngủ nghỉ của A-la-hán, bởi vì sự ngủ nghỉ không từ trong tâm sinh ra, vốn không có gì che phủ.
Trong ba loại ngủ nghỉ này, hai loại đầu dùng sự tinh tiến để đối trị, bởi vì không có quan hệ đến thời tiết, từ vô thỉ đến nay chưa hề đoạn tuyệt. Lại nêu rõ Thánh đạo khó đạt được, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Ban ngày thì chịu khó, chuyên tâm vào tu tập, tất cả các thiện pháp, đừng lãng phí thời gian. Đầu tiên và cuối đêm, cũng đừng có bỏ dở, giữa đêm thì tụng Kinh, để tự tiêu nghiệp chướng. Đừng vì ham ngủ nghỉ, khiến một đời trôi qua, uổng phí và trống rỗng, không đạt được gì cả”. Từ Kinh khác, nêu rõ pháp đối trị với loại thứ ba là sự ngủ nghỉ từ trong tâm dấy lên.
Trong pháp đối trị này có hai loại:
1. Tư duy quán sát để đối trị, quán sát năm ấm là những chu kỳ của sự sinh diệt và hủy hoại. Như kinh nói: “Nên nghĩ đến vô thường, là ngọn lửa hừng hực, đốt cháy mọi thế gian”. Lại còn nêu rõ là cầu mong thiền định trí tuệ để độ mình và độ cho người, như kinh nói: “Hãy sớm cầu tự độ, đừng ham ngủ nghỉ nhiều”. Vả lại, quán sát rõ ràng ấm-giới-nhập luôn luôn làm tổn hại, trong thân năm ấm thật đáng sợ cho nên cầu mong tự mình giác ngộ đúng đắn. Như kinh nói: “Những loại giặc phiền não, thường rình rập giết người, còn hơn cả kẻ thù, sao có thể ngủ nghỉ, không tự mình tỉnh ngộ?”
2. Giữ giới thanh tịnh để đối trị, nghĩa là thiền định tương ưng với tâm giới, sáu loại cảnh giới của tâm vốn an trú trong tâm mình, cho nên pháp tương tự đáng sợ như rắn độc. Như kinh nói: “Phiền não là rắn độc, nằm ngủ trong tâm các thầy, ví như rắn hổ đen, ngủ trong phòng các thầy”. Dùng tâm giới thanh tịnh để đối trị, như kinh nói: “Nên dùng móc sắt trì giới, nhanh chóng loại trừ nó ra”. Lại còn nêu rõ hạnh xa lìa, sống an ổn, như kinh nói: “Rắn ngủ đã ra ngoài, mới có thể ngủ yên.”
Tiếp theo nói về phần vị bậc thấp tương tự an ổn không có gì đối trị, như kinh nói: “Rắn độc chưa ra khỏi, mà vẫn ham ngủ nghỉ, là người không hổ thẹn”. Đồng thời nêu rõ pháp đối trị thù thắng có năng lực làm cho phần vị của mình được thanh tịnh trang nghiêm, cũng làm cho phần vị của người không còn sai lầm, như kinh nói: “Hổ thẹn là trang phục, tốt đẹp vào bậc nhất, trong các loại trang phục, hổ thẹn như móc sắt, có năng lực kềm chế, người làm điều phi pháp”. Trang phục tốt đẹp vào bậc nhất nói đến trong này, là nêu rõ về giới trang nghiêm hơn mọi thứ tốt đẹp khác. “Vì vậy các thầy Tỳ kheo” là trình bày nghĩa gì? Đó là nêu rõ sự khuyến khích tu tập làm cho trang nghiêm tốt đẹp, bởi vì thường xuyên tu tập như vậy. Lại còn nêu rõ bởi vì xa rời cho nên làm tổn hại phần vị của mình, như kinh nói: “Nếu xa rời hổ thẹn, thì mất các công đức”. Lại nêu rõ về có-không và được-mất, như kinh nói rõ nên biết.
Đã nói về công đức tu tập đối trị ngăn lại khổ đau. Tiếp theo nói về công đức tu tập đối trị diệt trừ phiền não, trong đó có ba loại đối trị chướng ngại, nêu rõ về đạo, nghĩa ấy nên biết.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu như có người đến, cắt mọi phần thân thể, thì tự mình luôn luôn, nên thâu nhiếp tâm mình, không để cho oán hận. Cũng nên giữ miệng mình, đừng thốt lời thô thiển. Nếu tùy tâm giận dữ, thì tự trở ngại đạo, mất công đức lợi ích. Nhẫn nhục là phẩm đức, mà trì giớikhổ hạnh, đều không thể sánh bằng. Người nào có năng lực, thực hành hạnh nhẫn nhục, mới có thể gọi là người có nhiều sức mạnh. Nếu như không thể nào, hoan hỷ chịu nhẫn nhục, lời mắng chưởi hiểm ác, như uống vị cam lộ, thì không gọi là người có trí tuệ nhập đạo. Vì lẽ gì như vậy? Bởi vì tai hại của sự nóng nảy giận dữ, phá tan những thiện pháp, hủy hoại danh tiếng tốt, đời này và đời sau, người ta không thích gặp. Nên biết tâm giận dữ, còn hơn cả lửa mạnh, thường xuyên phải phòng hộ, không cho xen vào tâm. Giặc cướp hết công đức, không gì hơn sân hận. Hàng bạch y hưởng thụ, tất cả mọi ham muốn, không phải người hành đạo, không có cách kềm chế, sân hận của chính mình, hãy còn tha thứ được; người xuất gia hành đạo, không còn những ham muốn, mà lòng đầy sân hận, thật là điều không đáng. Ví như giữa bầu trời, trong xanh và mát mẻ, mà sấm sét nổi lửa, là điều không phù hợp”.
Luận: Trong đoạn này, đối trị chướng ngại đầu tiên, là đối trị chướng ngại của phiền não sân hận, nêu rõ đạo lý kham nhẫn. Tu theo hạnh Bồ-tát an trú trong phần vị kham nhẫn, có năng lực nhẫn chịu tất cả các loại khổ não, không còn tâm lý đối trị nặng-nhẹ, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu như có người đến, cắt mọi phần thân thể, thì tự mình luôn luôn, nên thâu nhiếp tâm mình, không để cho oán hận”. Đây là nêu rõ sự thành tựu Pháp thân huyễn hóa. Vả lại, khẩu hành thanh tịnh thường nói lời mềm mỏng, như kinh nói: “Cũng nên giữ miệng mình, đừng thốt lời thô thiển.”
Lại nói đến pháp chướng ngại cho đạo đức-lợi ích của mình và người, như kinh nói: “Nếu tùy tâm giận dữ, thì tự trở ngại đạo, mất công đức lợi ích”. Đây là biểu hiện rõ ràng hai loại tâm hạnh thanh tịnh là công đức và trí tuệ, so sánh thì thù thắng hơn các hạnh phụ thuộc, như kinh nói: “Nhẫn nhục là phẩm đức, mà trì giới-khổ hạnh, đều không thể sánh bằng”. Trong đó nói đến hành, là công đức Tam-muội đối trị khổ đau. Ba loại nghiệp khổ thanh tịnh, và so sánh tướng trạng thù thắng là nêu rõ về hạnh an ổn chịu đựng khổ nhọc vì đạo, nên biết.
Tiếp theo nói về quán sát Chân như thanh tịnh, biểu hiện rõ ràng về hạnh an lạc đối với đạo, cho nên thành tựu trí quán sát của người có nhiều sức mạnh, như kinh nói: “Người nào có nặng lực, thực hành hạnh nhẫn nhục, mới có thể gọi là người có nhiều sức mạnh”. Lại biểu hiện rõ ràng không thành tựu năng lực tiến vào của người dũng mãnh, bởi vì không có trí tuệ quán sát. Dựa vào sự trái ngược nhau để biểu hiện thù thắng, nên biết. Như kinh nói: “Nếu như không thể nào, hoan hỷ chịu nhẫn nhục…, thì không gọi là người, có trí tuệ nhập đạo”. Trong này nói đến không hoan hỷ, là bởi vì không có niềm tin thực sự tiến vào quán sát. Lời mắng chưởi hiểm ác, là nêu rõ trong tướng của pháp môn Vô sinh mà không thọ dụng đúng như pháp. Vị cam lộ là nêu rõ tướng của tự Thể pháp Vô sinh vốn tương tự như pháp. Trong này nói đến đạo, là nêu rõ tự Thể của trí tuệ. Lại nói đến những điều sai lầm tai hại cho nên phải luôn luôn giữ gìn, như kinh nói: “Vì lẽ gì như vậy? Bởi vì…” Những thiện pháp nói đến trong này, là tướng của trí tuệ tự lợi. Danh tiếng tốt đẹp, là thiện pháp làm lợi ích cho người, đó gọi là công đức tốt đẹp. Người ta không thích gặp, là bởi vì đời này hoặc đời khác không có được quả báo đáng vui. Trong đó sự phòng hộ có hai loại. Những gì là hai loại? Đó là:
1. Bảo vệ thiện pháp của mình giống như đề phòng ngọn lửa, pháp tương tự như vậy.
2. Bảo vệ công đức lợi ích cho người giống như đề phòng giặc cướp, pháp vốn tương tự như vậy.
Lại nêu rõ công đức thế gian trong pháp thuậnnghịch vốn có sự thọ dụng, chứ không hoàn toàn trái ngược với nhau. Như kinh nói: “Hàng bạch y hưởng thụ, tất cả mọi ham muốn, không phải người hành đạo, không có cách kềm chế sân hận của chính mình, hãy còn tha thứ được.”
Trong này nói không có cách, là bởi vì không có pháp thanh tịnh-thiện để đối trị.
Tiếp là nêu rõ đạo lý xuất thế gian, ở trong hai pháp thọ dụng của thế gian, luôn luôn trái ngược nhau. Như kinh nói: “Người xuất gia hành đạo, không còn những ham muốn, mà lòng đầy sân hận, thật là điều không đáng”. Còn lại là biểu hiện rõ ràng về điều không nên xảy ra trong phạm vi tu đạo, bởi vì pháp là tương tự. Như kinh nói: “Ví như giữa bầu trời trong xanh và mát mẻ, mà sấm sét nổi lửa là điều không phù hợp.”
Tiếp theo nói về đạo đối trị chướng ngại do phiền não thứ hai.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Nên tự xoa đầu mình, đã bỏ mọi trang sức, tốt đẹp của thế tục, thân mặc áo hoại sắc, tay ôm giữ bình bát, lấy xin ăn tự sống, tự nhìn mình như vậy. Nếu dấy tâm kiêu mạn, nên nhanh chóng diệt trừ. Tăng thêm tâm kiêu mạn, hàng bạch y thế tục, hãy còn không thích hợp, huống là người xuất gia, tiến vào đạo tu tập, để mong cầu giải thoát, tự hạ thấp chính mình, mà hành hạnh xin ăn?”
Luận: Đạo đối trị chướng ngại do phiền não thứ hai, là nêu rõ tự mình không có tâm niệm tôn quý hơn hẳn, mà hành hạnh coi nhẹ đối với thân tâm, rời xa phiền não cao ngạo xấu xa. Trong đoạn này có bảy câu nêu rõ thực hành hạnh rời xa, đó là:
1. Đối với nơi tôn quý hơn hẳn cao nhất, trước hết phải làm cho thuần phục, luôn luôn phải tự biết mình, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Nên tự xoa đầu mình.”
2. Không thọ dụng những đồ vật trang nghiêm khác, như kinh nói: “Đã bỏ mọi trang sức …”
3. Đối với y phục thì tâm phải đối trị ý niệm thích xa hoa, như kinh nói: “Thân mặc áo hoại sắc.”
4. Thường tự giữ gìn dụng cụ tiếp nhận sử dụng của mình, như kinh nói: “Tay ôm giữ bình bát.”
5. Đối với sự thọ dụng trong-ngoài, không thực hiện phương tiện sinh sống nào khác, và tự điều phục lấy mình, như kinh nói: “Lấy xin ăn tự sống.”
6. Thành tựu về trí tuệ cho nên thường tự quán sát mình, như kinh nói: “Tự nhìn mình như vậy.”
7. Thành tựu pháp đối trị cho nên rời xa sự dấy khởi vi tế, như kinh nói: “Nếu dấy tâm kiêu mạn, nên nhanh chóng diệt trừ.”
Phần còn lại là trình bày về nghĩa gì? Đó là nêu rõ sự so sánh. Tự hàng phục là không nên dấy khởi kiêu mạn, bởi vì chướng ngại đến công đức trong phạm vi trước và sau này, như kinh nói: “Tăng thêm tâm kiêu mạn, hàng bạch y thế tục…” Đều nói rõ nghĩa như vậy.
Tiếp là nói về đối trị chướng ngại thứ ba.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Tâm nịnh hót quanh co, trái ngược nhau với đạo, vì vậy nên thuận theo, giữ tâm luôn chất trực. Nên biết rằng nịnh hót, chỉ là do lừa dối. Người nhập đạo thực hành, thì không có điều này. Vì vậy các thầy cần phải giữ tâm ngay thẳng, lấy chất trực làm gốc”.
Luận: Đối trị chướng ngại thứ ba, là nêu rõ tâm chất trực căn bản, xa rời chướng ngại của phiền não nịnh hót quanh co, bởi vì ở trong miệng nói-ý nghĩ thì tự mình làm trái ngược với chính điều ấy, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Tâm nịnh hót quanh co, trái ngược nhau với đạo”. Lại nêu rõ vốn là đối trị chướng ngại vì trái với đạo, như kinh nói: “Vì vậy nên thuận theo, giữ tâm luôn chất trực”. Lại còn pháp trái ngược với hình tướng, vốn là điều không nên có trong lúc tu đạo, như kinh nói: “Nên biết rằng nịnh hót, chỉ là do lừa dối, người nhập đạo thực hành, thì không có điều này”. Lừa dối nói đến trong này, là do tâm và miệng đồng thời không có tác dụng thật sự. Phần còn lại là nêu rõ tâm ngay thẳng, vốn là căn bản của tâm đạo, như kinh nói: “Vì vậy các thầy cần phải giữ tâm ngay thẳng, lấy chất trực làm gốc.”
Đã nói về phần tu tập công đức thế gian. Tiếp theo nói đến phần tu tập công đức của bậc Đại nhân xuất thế gian. Phần công đức của bậc Đại nhân có tám loại, tất cả các bậc Đại nhân thường sử dụng công đức này để tự suy xét rõ ràng, nuôi lớn sự thành tựu phương tiện trọn vẹn.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Nên biết rằng người nào mà ham muốn quá nhiều, vì cầu nhiều lợi dưỡng thì khổ não cũng nhiều. Người không nhiều ham muốn, không mong cầu-ham muốn, thì không có họa này.
Ngay cả ít ham muốn, mà còn phải tu tập; huống là ít ham muốn, có năng lực sinh ra, tất cả các công đức? Người không nhiều ham muốn, thì không có nịnh hót, quanh co trái đạo lý, để cầu thuận ý người, lại cũng không để cho các căn dắt dẫn được. Người hành hạnh ít muốn, thì tâm luôn thản nhiên, không có gì lo sợ. Gặp những điều gì khác, luôn cảm thấy vừa đủ. Người có ít ham muốn, thì có được Niết bàn. Đây gọi là thực hành, công hạnh ít ham muốn”.
Luận: Trong đoạn này nói đến công đức thứ nhất của bậc Đại nhân, chính là thành tựu hạnh không mong cầu, bởi vì nhận thức rõ ràng về sai lầm của ham muốn quá nhiều. Trong đó nói về sự nhận thức rõ ràng có năm loại tướng trạng. Đó là:
1. Nhận thức rõ ràng về tướng chướng ngại, đó là ba loại chướng ngại do khổ-nghiệp và phiền não, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Nên biết rằng người nào mà ham muốn quá nhiều, vì cầu nhiều lợi dưỡng thì khổ não cũng nhiều”. Đây là nêu rõ sự trầm luân sinh tử không dứt.
2. Nhận thức rõ ràng về tướng đối trị, là thành tựu công hạnh xa lìa ba loại vọng tưởng điên đảo, như kinh nói: “Người không nhiều ham muốn, không mong cầu-ham muốn, thì không có họa này.”
3. Nhận thức rõ ràng về tướng tập khởi của nhân quả, là thành tựu vô lượng công hạnh, như kinh nói: “Ngay cả ít ham muốn, mà còn phải tu tập; huống là ít ham muốn, có năng lực sinh ra, tất cả các công đức?”
4. Nhận thức rõ ràng về tướng cuối cùng không có các chướng ngại, là ba chướng tiêu trừ tận cùng, như kinh nói: “Người không nhiều ham muốn, thì không có nịnh hót, quanh co trái đạo lý, để cầu thuận ý người, lại cũng không để cho các căn dắt dẫn được.”
5. Nhận thức rõ ràng về tướng thành tựu của quả, là thành tựu quả của ba loại công đức như Bát-nhã… Như kinh nói: “Người hành hạnh ít muốn, thì tâm luôn thản nhiên, không có gì lo sợ. Gặp những điều gì khác, luôn cảm thấy vừa đủ. Người có ít ham muốn, thì có được Niết bàn. Đây gọi là thực hành, công hạnh ít ham muốn.”
Tiếp theo nói về công đức thứ hai của bậc Đại nhân nhận thức rõ ràng.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu như muốn thoát khỏi, mọi khổ đau phiền não, thì cần phải quán sát, thực hành biết vừa đủ. Pháp hành biết vừa đủ, chính là xứ sở của vui sướng và yên ổn. Người luôn biết vừa đủ, cho dù nằm trên đất, vẫn cảm thấy an lạc. Người không biết vừa đủ, tuy ở chốn Thiên đường, mà cũng không hài lòng. Người không biết vừa đủ, tuy giàu mà lại nghèo. Người luôn biết vừa đủ, tuy nghèo mà lại giàu. Người không biết vừa đủ, thường xuyên bị năm dục, lôi kéo và dẫn dắt, để cho người biết vừa đủ phải thương xót họ. Đây gọi là thực hành, công hạnh biết vừa đủ”.
Luận: Công đức thứ hai của bậc Đại nhân nhận thức rõ ràng, là thành tựu công hạnh biết vừa đủ, chính là đối trị về nhân-quả của khổ đau, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu như muốn thoát khỏi, mọi khổ đau phiền não, thì cần phải quán sát, thực hành biết vừa đủ”. Trong này nói đến phiền não, là nêu rõ sai lầm phiền não từ đau khổ mà phát sinh. Lại nói đến nhân quả thanh tịnh vốn là Phật pháp đối trị thành tựu, như kinh nói: “Pháp hành biết vừa đủ, chính là xứ sở của vui sướng và yên ổn”. Nếu như vậy thì hai loại nhận thức rõ ràng khác nhau thế nào? Trong này nêu rõ sự nhận thức rõ ràng đầu tiên, là xa rời sự việc trong cảnh giới khác; người biết vừa đủ, là xa rời ngay trong sự việc của chính mình.
Lại còn có ba loại khác nhau, nêu rõ về biết vừa đủ và không biết vừa đủ.
1. Đối với bất cứ nơi chốn nào, hoàn cảnh nào đều có sự thọ dụng khác nhau.
2. Đối với bất cứ sự việc nào, xảy ra như thế nào, đều có sự thọ dụng khác nhau.
3. Ở trong bất cứ pháp nào, phát sinh như thế nào, đều có sự khác nhau về không có lợi cho mình, có lợi cho mình và lợi cho người. Như kinh nói: “Người luôn biết vừa đủ, cho dù nằm trên đất, vẫn cảm thấy an lạc…” Như trong Kinh nói rõ, nên biết.
Tiếp theo nói về công đức thứ ba của bậc Đại nhân là hạnh xa lìa.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Muốn cầu sự vắng lặng, vô vi và an lạc, nên xa chốn ồn náo, một mình sống thanh thản. Người ở chốn vắng lặng, Đế Thích và Chư Thiên, đều tôn trọng cung kính. Vì vậy nên rời bỏ, đồ chúng của chính mình, và đồ chúng của người, ở một mình vắng lặng, tư duy diệt gốc khổ. Nếu người thích đồ chúng, thì nhận chịu phiền não, do đồ chúng gây ra. Ví như cây cổ thụ, cả bầy chim tụ tập, thì phát sinh tai họa, cành nhánh bị khô gãy. Thế gian bị ràng buộc, chìm trong mọi khốn khổ, như voi già sa lầy, không thể nào tự mình, thoát ra khỏi bùn lầy. Đây gọi là thực hành, công hạnh phải xa lìa”.
Luận: Công đức thứ ba của bậc Đại nhân là hạnh xa lìa, trong đó nghĩa thuộc về ba phần, nên biết.
1. Phần tự tánh xa lìa, là Thể vượt ra.
2. Phần tu tập xa lìa, là phương tiện vượt ra.
3. Phần thọ dụng các kiến chấp, là luôn luôn ràng buộc. Phần tự tánh xa lìa, là nêu rõ bốn loại đối trị:
1. Chướng ngại vì chấp vào tướng Ngã, đối trị chướng ngại này, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Muốn cầu sự vắng lặng, vô vi và an lạc”. Sự vắng lặng nói đến trong này, là nêu rõ pháp vô ngã, vốn là Không. Vô vi là vô tướng, vốn là Không. An lạc là không có sự lấy-bỏ, vốn là nguyện Không.
2. Chướng ngại vì Ngã sở, là năm chúng dấy khởi hỗn loạn không có thứ tự, đối trị chướng ngại này, như kinh nói: “Nên xa chốn ồn náo.”
3. Chướng ngại cho hai loại vô tướng kia, để đối trị chướng ngại này, như kinh nói: “Một mình sống thanh thản.”
4. Chướng ngại cho công đức đứng đầu là vô vi, bởi vì pháp ấy được chư Thiên tôn trọng, đối trị chướng ngại này, như kinh nói: “Người ở chốn vắng lặng, Đế Thích và Chư Thiên, đều tôn trọng cung kính.”
Phần tu tập xa lìa, là xa lìa Ngã và Ngã sở không còn sống tụ tập, như kinh nói: “Vì vậy nên rời bỏ, đồ chúng của chính mình, và đồ chúng của người”. Thành tựu tuệ phương tiện, bởi vì đúng như pháp mà an trú, như kinh nói: “Ở một mình vắng lặng”. Bởi vì khéo léo lựa chọn trí thành tựu xa lìa nhân phát khởi, như kinh nói: “Tư duy diệt gốc khổ.”
Phần thọ dụng các kiến chấp, là vui với sự tập trung của Ngã và Ngã sở, cho nên sinh khởi tướng phiền não trong cảnh giới của tâm mình và tâm người; như kinh nói: “Nếu người thích đồ chúng, thì nhận chịu phiền não, do đồ chúng gây ra”. Các kiến chấp do Tập mà phát sinh, sinh rồi tự hại đến mình, bởi vì cây cổ thụ tương tự với pháp. Như kinh nói: “Ví như cây cổ thụ, cả bầy chim tụ tập, thì phát sinh tai họa, cành nhánh bị khô gãy”. Lại nêu rõ không có tướng lìa xa mà bởi vì nghiệp phiền não nhiễm trước phát sinh, cho nên voi già sa lầy tương tự với pháp. Như kinh nói: “Thế gian bị ràng buộc, chìm trong mọi khốn khổ, như voi già sa lầy, không thể nào tự mình, thoát ra khỏi bùn lầy. Đây gọi là thực hành, công hạnh phải xa lìa.”
Tiếp theo nói về công đức thứ tư của bậc Đại nhân là không mệt mỏi.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu chịu khó tinh tiến, thì không việc gì khó, vì vậy các thầy cần phải chịu khó tinh tiến. Ví như dòng nước nhỏ, luôn luôn chảy không ngừng, thì sẽ có năng lực, xuyên thủng cả đá cứng. Nếu tâm của hành giả, luôn luôn trong lười nhác, mà bỏ dở nửa chừng, thì ví như kéo lửa, chưa nóng mà ngừng lại, tuy mong có được lửa, nhưng lửa khó có được. Đây gọi là thực hành, công hạnh luôn tinh tiến”.
Luận: Không mệt mỏi nói đến trong này, là nêu rõ sự tinh tiến không giống như ngoại đạo, bởi vì đối với tất cả các pháp, tất cả các hạnh đều hướng đến thiện, vốn là thành tựu hạnh không thối chuyển. Như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu chịu khó tinh tiến, thì không việc gì khó”. Bởi vì có năng lực thành tựu không thối chuyển, cho nên cần phải tu tập nuôi dưỡng tốt thêm, như kinh nói: “Vì vậy các thầy cần phải chịu khó tinh tiến.”
Lại dùng thí dụ biểu hiện rõ ràng sự tinh tiến không dừng nghỉ, cho nên thành tựu năng lực có thừa, như kinh nói: “Ví như dòng nước nhỏ, luôn luôn chảy không ngừng, thì sẽ có năng lực, xuyên thủng cả đá cứng.”
Tiếp là nói đến sai lầm của sự lười nhác, không có năng lực thường xuyên tinh tiến cho nên bị thối chuyển mất đi niệm xứ, vì vậy tâm tuệ không thể thành tựu, dựa vào thí dụ biểu hiện rõ ràng, nên biết. Như kinh nói: “Nếu tâm của hành giả, luôn luôn trong lười nhác, mà bỏ dở nửa chừng…”
Tiếp theo nói về công đức thứ năm của bậc Đại nhân là không quên ý niệm.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Mong cầu thiện tri thức, mong cầu thiện hỗ trợ, không bằng người luôn luôn, không quên mất ý niệm. Nếu người có thực hành, không quên mất ý niệm, thì các giặc phiền não, không thể nào xâm nhập. Vì vậy các thầy thường xuyên cần phải thâu nhiếp ý niệm vào trong tâm. Nếu người mất ý niệm, thì mất các công đức. Nếu như người có được, sức nhớ nghĩ kiên cường, tuy vào giữa đám giặc nhiễm trước của năm dục, mà không bị làm hại. Ví như mang giáp trụ, tiến vào giữa trận chiến, thì không sợ hãi gì. Đây gọi là công hạnh, không quên mất ý niệm”
Luận: Công đức thứ năm của bậc Đại nhân là không quên mất ý niệm, nêu rõ hạnh này là đứng đầu trong tất cả các hạnh, vốn có năng lực phá tan mọi sự oán thù sâu nặng từ vô thỉ. Ở trong tất cả các hạnh, nói sơ lược về ba loại:
1. Hạnh mong cầu nghe pháp, như kinh nói:
“Các thầy Tỳ kheo! Mong cầu thiện tri thức.”
2. Hạnh bên trong khéo tư duy, như kinh nói:
“Mong cầu thiện hỗ trợ.”
3. Hạnh mong cầu như pháp tu tập, như kinh nói: “Mong cầu thiện hỗ trợ.”
Lại nêu rõ hạnh này là đứng đầu, là hơn hẳn trong các hạnh, như kinh nói: “Không bằng người luôn luôn, không quên mất ý niệm”. Có năng lực ngăn chặn oán thù sâu nặng từ vô thỉ, cho nên không làm tổn hại ba loại thiện căn. Như kinh nói: “Nếu người có thực hành, không quên mất ý niệm, thì các giặc phiền não, không thể nào xâm nhập”. Nói là phiền não, vốn nêu rõ sự mê hoặc rối loạn trong tâm mình. Giặc vốn là sai lầm từ bên ngoài tụ tập mà phát sinh. Còn nêu rõ khuyến khích tu tập khiến cho thành tựu ý niệm từ đầu đến cuối, cho nên nêu rõ để ngăn chặn tâm niệm không có trước sau, như kinh nói: “Vì vậy các thầy thường xuyên cần phải thâu nhiếp ý niệm vào trong tâm”. Không có trước sau cho nên lạc mất ý niệm mà gây ra nhiều sai lầm, như kinh nói: “Nếu người mất ý niệm, thì mất các công đức”. Đồng thời thành tựu nhiều công đức tập hợp các hạnh tùy thuận trong phần thế gian, như kinh nói: “Nếu như người có được, sức nhớ nghĩ kiên cường, tuy vào giữa đám giặc, nhiễm trước của năm dục, mà không bị làm hại”. Vốn có sức nhớ nghĩ kiên cường, dũng mãnh tiến vào trận chiến không có gì sợ hãi, tương tự như pháp vậy. Như kinh nói: “Ví như mang giáp trụ, tiến vào giữa trận chiến, thì không sợ hãi gì. Đây gọi là công hạnh, không quên mất ý niệm.”
Tiếp theo nói về công đức thứ sáu bậc Đại nhân là hạnh thiền định.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu như thâu nhiếp tâm, thì tâm thuộc về định, tâm đã thuộc về định, cho nên có năng lực, biết rõ tướng các pháp, sinhdiệt trong thế gian. Vì vậy các thầy luôn luôn cần phải tinh tiến, tu tập các pháp định. Nếu người đạt được định, thì tâm không phân tán. Ví như người làm ruộng, tiếc dòng nước hoang phí, khéo đắp đê ngăn đập, để giữ lại dòng nước. Người thực hành tu tập, vì dòng nước trí tuệ, cố gắng tu thiền định, khiến cho không rò mất. Đây gọi là công hạnh, thực hành các pháp định”.
Luận: Công đức thiền định của bậc Đại nhân, đó là tám loại thiền định…, nhờ vào sự thâu nhiếp ý niệm mà phát sinh, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu như thâu nhiếp tâm, thì tâm thuộc về định”. Thế nào là thâu nhiếp tâm thì có năng lực phát sinh thiền định? Bởi vì nêu rõ thâu nhiếp khắp tất cả mọi nơi của hành, vốn là duyên đối trị với mọi hoạt động của tâm. Sau đó tiến vào bên trong mềm mỏng giữ lấy sự việc, vốn là duyên đối trị với mọi hoạt động của tâm. Lúc thành tựu sự đối trị về nơi chốn của ba loại duyên này, thì tiếp cận thiền định. Thiền định thành tựu, cho nên phát sinh tác dụng của quả phương tiện. Như kinh nói: “Tâm đã thuộc về định, cho nên có năng lực, biết rõ tướng các pháp, sinh-diệt trong thế gian”. Nhưng lười nhác không tu tập, cho nên chướng ngại đến phương tiện, như kinh nói: “Vì vậy các thầy luôn luôn cần phải tinh tiến, tu tập các pháp định”.
Trong này nói đến lười nhác có ba loại:
1. Lười nhác vì không an ổn.
2. Lười nhác vì không có hứng thú.
3. Lười nhác vì không biết sợ hãi. Thế nào là tu tập để đối trị tất cả? Đây là nêu rõ sự tinh tiến tu tập tiết chế mức độ ăn uống-ngủ nghỉ, và điều hòa hơi thở (A-na-ba-na), tinh tiến tu tập hiểu biết về các pháp định, cho nên phát sinh công đức trí tuệ thông thái cho đến tận cùng nguồn gốc của khổ đau, vốn là điều rất hiếm có. Tinh tiến tu tập quán sát nỗi khổ đau của sinh-già-bệnh-chết và nỗi khổ đau của bốn nẻo ác, mà mình chưa có năng lực rời xa. Đây là pháp đối trị với ba chướng ngại vì lười nhác. Lại thành tựu công đức tu tập, cho nên không có gì để đối trị. Như kinh nói: “Nếu người đạt được định, thì tâm không phân tán”. Lại dùng thí dụ để nêu rõ công đức khéo tu tập, cho nên tăng trưởng đến mức cao nhất, như kinh nói nên biết.
Tiếp theo nói về công đức thứ bảy của bậc Đại nhân là hạnh trí tuệ.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu như có trí tuệ, thì không có tham trước, thường tự mình suy xét, không khiến có sai sót, vậy thì người như thế, ở trong pháp của Ta, có năng lực đạt được, giải thoát mọi phiền não. Nếu không hành như vậy, đã không phải đạo nhân, cũng không phải bạch y, không biết gọi là gì? Trí tuệ thật sự là con thuyền rất vững chắc, vượt qua biển mênh mông của sinh-giàbệnh-chết. Cũng là ngọn đèn sáng, phá bóng tối vô minh; là vị thuốc tuyệt diệu, chữa lành mọi căn bệnh; là chiếc rìu sắc bén, chặt tan cây phiền não. Vì vậy các thầy nên dùng văn-tư-tu tuệ, mà tự tăng trưởng mình. Nếu người có trí tuệ soi chiếu thật rõ ràng, tuy là mắt thịt mà chính là người sáng suốt, nhìn thấy mọi sự việc. Đây gọi là công hạnh, thực hành tu trí tuệ”.
Luận: Công đức trí tuệ nói đến trong này, là đối với chướng ngại về nghĩa chân thật và chướng ngại trong mọi sự việc của thế gian luôn luôn có năng lực xa lìa. Như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu như có trí tuệ, thì không có tham trước”. Ở trong tất cả mọi lúc thường tu dưỡng tâm tuệ, đó là điều khó có được, như kinh nói: “Thường tự mình suy xét, không khiến có sai sót.”
Lại nêu rõ điều khó có được mà có năng lực đạt được, thì đối với Đệ nhất nghĩa thành tựu được hạnh xa lìa. Như kinh nói: “Vậy thì người như thế, ở trong pháp của Ta, có năng lực đạt được, giải thoát mọi phiền não”. Lại nêu rõ không có tự tánh của tuệ thì không thể tiến vào trong pháp xuất thế gian và pháp của thế gian, bởi vì không thực hành cho nên không có được. Như kinh nói: “Nếu không hành như vậy, đã không phải đạo nhân, cũng không phải bạch y, không biết gọi là gì?” Lại dùng bốn loại thí dụ, biểu hiện rõ ràng bốn loại công đức, đó chính là văn-tư-tu-chứng, như kinh nói nên biết. Nói trí tuệ chân thật, là nêu rõ thật sự có năng lực đối trị. Ở trong bốn loại công đức, thì công đức thứ tư vốn có nghĩa thù thắng nhất về tự lợi ích cho mình. Đồng thời bốn loại công đức tu học, đối với cảnh giới bên trong mà có sự soi chiếu giác ngộ, như kinh nói: “Nếu người có trí tuệ soi chiếu thật rõ ràng, tuy là mắt thịt mà chính là người sáng suốt, nhìn thấy mọi sự việc. Đây gọi là công hạnh, thực hành tu trí tuệ.”
Đã nói về phần công đức của phương tiện trưởng dưỡng. Tiếp theo nói về công đức thứ tám của bậc Đại nhân là thành tựu trọn vẹn.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu chạy theo các loại hý luận thì tâm ý, luôn luôn bị hỗn loạn, tuy là xuất gia mà vẫn không được giải thoát. Vì vậy các thầy nên gấp rút xa lìa tâm, tán loạn và hý luận. Nếu các thầy mong muốn, được niềm vui tịch diệt, thì chỉ cần nhanh chóng, diệt tai họa hý luận. Đây gọi là công hạnh, thực hành không hý luận”
Luận: Công đức thành tựu trọn vẹn của bậc Đại nhân, là nêu rõ tự tánh xa lìa, vốn không phải là pháp đối trị. Pháp chướng ngại đến bốn loại trí sai biệt vốn là phân biệt và có thể phân biệt, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu chạy theo các loại hý luận thì tâm ý, luôn luôn bị hỗn loạn”. Trí tu đạo không phải là tự tánh, như kinh nói: “Tuy là xuất gia mà vẫn không được giải thoát”. Còn lại hai câu là khuyến khích tu hạnh xa lìa, vốn là thành tựu hạnh không có hý luận.
1. Xa lìa tướng có đối đãi, bởi vì có tướng của các loại công đức khác biệt, như kinh nói: “Vì vậy các thầy nên gấp rút xa lìa tâm, tán loạn và hý luận.”
2. Xa lìa tướng không có đối đãi, bởi vì không có tướng của các loại công đức khác biệt, như kinh nói: “Nếu các thầy mong muốn, được niềm vui tịch diệt, thì chỉ cần nhanh chóng, diệt tai họa hý luận”. Nêu rõ thực hành thành tựu khác với Thể tánh, như kinh nói: “Đây gọi là công hạnh, thực hành không hý luận.”
Đã nói về phần thành tựu công đức xuất thế gian của bậc Đại nhân. Tiếp theo nói về phần biểu hiện rõ ràng công đức rất sâu xa trọn vẹn.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Đối với những công đức, luôn luôn nên nhất tâm; từ bỏ mọi phóng túng, như xa rời giặc thù. Đức Thế Tôn Đại Bi đã nói về các loại, công đức và lợi ích, đều đã xong hết rồi, các thầy chỉ hết lòng siêng năng mà thực hành. Hoặc ở trong rừng núi, hoặc ở giữa đầm vắng, hoặc ở dưới tán cây, hay tịnh thất vắng lặng, nghĩ đến pháp đã thọ, đừng khiến cho quên mất, nên thường khuyên nhủ mình, tinh tiến mà tu tập; đừng làm gì tổn hại, để một đời luống qua, sau này đến lúc chết, phải buồn phiền ân hận! Ta như thầy thuốc giỏi, biết bệnh nói vị thuốc, uống hay không uống thuốc, không phải lỗi thầy thuốc. Lại như người dẫn đường, thông thạo mọi con đường, chỉ rõ rằng đường đi, nghe mà không chịu đi, lỗi thuộc người đi đường, chứ không phải người chỉ”.
1. Luận: Biểu hiện rõ ràng công đức rất sâu xa trọn vẹn, có hai loại trọn vẹn biểu hiện rõ ràng về hai loại công đức rất sâu xa. công đức trọn vẹn của Như Lai đã phân tích rõ ràng để giảng giải các pháp, biểu hiện rõ ràng công đức rất sâu xa về sự phân tích rõ ràng để giảng giải các pháp, chứ không phải là sự giảng giải bình thường.
2. Công đức trọn vẹn của sự tu hành các hạnh Bồ-tát và tu tập các pháp thế gian, biểu hiện rõ ràng về những công đức rất sâu xa khác vốn cũng thường xuyên tu tập.
Hai loại công đức tu hành này như trên đã nói, trong mỗi một loại đều tu hai loại công đức như vậy, nên biết.
Công đức thường tu tập nói trong đoạn này, là tu tập với tâm Đệ nhất nghĩa, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Đối với những công đức, luôn luôn nên nhất tâm”. Bởi vì xa lìa nhất tâm thì tương tự với việc làm trái ngược nhau, vốn như giặc thù, như kinh nói: “Từ bỏ mọi phóng túng, như xa rời giặc thù”. Tâm Đại Bi không giới hạn phân chia luôn luôn làm lợi ích trọn vẹn cho đến cuối cùng, như kinh nói: “Đức Thế Tôn Đại Bi đã nói về các loại, công đức và lợi ích, đều đã xong hết rồi.”
Tiếp theo lại nói rộng về công đức thường tu tập, có bảy loại về tướng tu tập:
1. Tu như thế nào? Nêu rõ thường tu tập chịu khó thực hành, như kinh nói: “Các thầy chỉ hết lòng siêng năng mà thực hành.”
2. Tu ở nơi chốn nào? Nêu rõ nơi không có gì rắc rối, như kinh nói: “Hoặc ở trong rừng núi, hoặc ở giữa đầm vắng, hoặc ở dưới tán cây, hay tịnh thất vắng lặng.”
3. Tu những điều gì? Nêu rõ tu pháp chân thật không có hai ý niệm, như kinh nói: “Nghĩ đến pháp đã thọ.”
4. Tại sao phải tu? Bởi vì tu khiến cho hiện rõ trước mắt, như kinh nói: “Đừng khiến cho quên mất.”
5. Tu theo phương pháp nào? Như kinh nói: “Nên thường khuyên nhủ mình, tinh tiến mà tu tập.”
6. Đối với pháp tương tự như sống cảnh thanh thản vắng lặng, tâm xa lìa đến mức cao nhất, như kinh nói: “Đừng làm gì tổn hại, để một đời luống qua.”
7. Vào lúc cuối đời tự biết thì mọi việc còn lại dù hối hận cũng không kịp nữa, như kinh nói:
“Sau này đến lúc chết, phải buồn phiền ân hận.”
Tiếp theo nói rộng về công đức trọn vẹn của Như Lai đã phân tích rõ ràng để giảng giải các pháp, nêu rõ hai loại tướng trọn vẹn:
1. Thuyết pháp giáo hóa trọn vẹn, vốn tương ưng không còn sót lại gì, như kinh nói: “Ta như thầy thuốc giỏi, biết bệnh nói vị thuốc, uống hay không uống thuốc, không phải lỗi thầy thuốc.”
2. Mang lại ý niệm trọn vẹn, bởi vì pháp cứu độ tương ưng không còn sót lại gì, như kinh nói: “Lại như người dẫn đường, thông thạo mọi con đường, chỉ rõ ràng đường đi, nghe mà không chịu đi, lỗi thuộc người đi đường, chứ không phải người chỉ.”
Uống và không uống… nói trong này, là nêu rõ Như Lai không có gì sai sót trong hai loại trọn vẹn, không hề phụ lòng đối với pháp thế gian của chúng sinh.
Tiếp theo nói về phần biểu hiện rõ ràng quyết định chứng nhập.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu đối với bốn Đế như Khổ…, ai còn có nghi ngờ thì có thể nhanh chóng mà hỏi, không được ôm lòng ngờ vực mà không mong cầu giải tỏa.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói lên ba lần như vậy, nhưng mọi người không có ai thưa hỏi điều gì. Vì sao như vậy? Bởi vì mọi người không có gì nghi ngờ.
Lúc ấy A Nậu Lâu Đà quán sát tâm tư mọi người, bèn thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng Đức Phật thuyết giảng bốn Đế thì không thể nào làm cho khác được, Đức Phật thuyết về Khổ đế thì thật sự là khổ chứ không thể làm cho vui được, Tập thật sự là nhân lại không có nhân nào khác được, nếu khổ trừ diệt thì chính là nhân trừ diệt, bởi vì nhân trừ diệt cho nên quả trừ diệt, đạo lý của sự diệt khổ thật sự là đạo lý chân thật chứ không có đạo lý nào khác nữa. Thưa Đức Thế Tôn! Các Tỳ kheo này ở trong bốn Đế quyết định không có gì nghi ngờ”.
Luận: Quyết định chứng nhập, là nêu rõ ở trong pháp đã chứng thành tựu quyết định không có gì nghi ngờ. Trong đoạn này có nghĩa thâu nhiếp ba phần, nêu rõ quyết định không có gi nghi ngờ:
1. Phần gợi mở rõ ràng phương tiện.
2. Phần thành tựu đầy đủ.
3. Phần thuyết giảng phân biệt.
Phần gợi mở rõ ràng phương tiện, vốn nêu rõ ở nơi các pháp chân thật đã gợi mở rõ ràng, bởi vì pháp ấy chính là người tu hành luôn luôn quán sát và dựa vào để phát khởi công hạnh, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo! Nếu đối với bốn Đế như Khổ…” Ở trong bốn Đế thì pháp có thực hành và không có thực hành, là nêu rõ phạm vi có nghi ngờ và không có nghi ngờ, như kinh nói: “Ai còn có nghi ngờ thì có thể nhanh chóng mà hỏi, không được ôm lòng ngờ vực mà không mong cầu giải tỏa”. Nhanh chóng hỏi là nêu rõ hai loại sắp đến lúc trọn vẹn, như trước đã nói về hai loại sự việc trọn vẹn. Không được ôm lòng ngờ vực, là đối với cách nhìn về bốn Đế không có thực hành và tu hành về bốn Đế có thực hành, hai vấn đề đó trái ngược nhau đều không được nghi ngờ. Phần thành tựu đầy đủ, nêu rõ có ba loại: Một-Nêu rõ pháp luân thành tựu đầy đủ bởi vì ba lần chuyển pháp luân thật sự, như kinh nói: “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói lên ba lần như vậy”. Hai-Nêu rõ pháp chứng ngộ thành tựu đầy đủ, như kinh nói: “Nhưng mọi người không có ai thưa hỏi điều gì”.
Ba-Nêu rõ sự quyết đoán thành tựu đầy đủ công đức, như kinh nói: “Vì sao như vậy? Bởi vì mọi người không có gì nghi ngờ”. Phần thuyết giảng phân biệt, nêu rõ bậc Thượng thủ trong Đại chúng ấy, biết rõ tâm hành của Đại chúng quyết định thành tựu. Lại còn biết rõ ràng đã chứng được nghĩa lý chân thật, giảng giải phân biệt những điều ấy để trả lời Đức Như Lai, như kinh nói: “Lúc ấy A Nậu Lâu Đà quán sát tâm tư mọi người…” Mặt trăng-mặt trời có thể làm cho nóng lên-lạnh đi, là nêu rõ đối với sự quán sát thực hành trái-thuận trong bốn Đế không thể nào khác được. Thật sự là khổ chứ không thể làm cho vui được, là bởi vì Đức Phật thuyết giảng về khổ-vui thì tất cả đều chân thật chứ không thể đổi khác. Lại không có nhân nào khác được, là nêu rõ khổ bị diệt trừ đều vốn có nhân của chính nó. Vả lại, nêu rõ diệt và đạo cùng là quán sát tự tánh. Quyết định là bởi vì nhân-quả của khổ-vui quyết định phù hợp với hành nghiệp. Không có nghi ngờ, là bởi vì nghĩa không có gì sai khác và không có gì sót lại.
Đã nói về phần biểu hiện rõ ràng quyết định chứng nhập. Tiếp theo nói về phần phân biệt chưa đến vào sự chứng ngộ cao nhất để đoạn trừ nghi ngờ.
Kinh: “Ở trong Đại chúng này, người nào đã làm chưa hoàn tất, thấy Đức Phật diệt độ thì đang phát sinh niềm bi cảm vô cùng. Nếu có người bắt đầu tiến vào pháp, nghe những lời Đức Phật đã dạy thì đều được độ thoát. Ví như đêm khuya được ánh sáng chớp lên thì thấy được đường đi.
Nếu người nào việc làm đã hoàn tất, đã vượt qua biển khổ thì họ chỉ nghĩ như vậy: Đức Thế Tôn diệt độ sao mà nhanh chóng quá!”
Luận: Phân biệt chưa tiến vào sự chứng ngộ cao nhất, có ba loại phân biệt, biểu hiện rõ ràng vì chưa tiến vào pháp cao nhất. Đó là:
1. Ở trong phạm vi thời gian tu bốn Đế có thực hành, chưa tiến vào trong pháp cao nhất, như kinh nói: “Ở trong Đại chúng này, người nào đã làm chưa hoàn tất, thấy Đức Phật diệt độ thì đang phát sinh niềm bi cảm vô cùng”.
2. Ở trong thời gian kiến đạo đối với bốn Đế không có thực hành thì nhanh chóng được quyết định, nêu rõ phần pháp tu tập không giống nhau, cách xa pháp cao nhất càng xa hơn, như kinh nói: “Nếu có người bắt đầu tiến vào pháp, nghe những lời Đức Phật đã dạy thì đều được độ thoát”. Lại dùng thí dụ nêu rõ về nghĩa kiến đạo nhanh chóng được quyết định, nên biết. Như kinh nói: “Ví như đêm khuya được ánh sáng chớp lên thì thấy được đường đi”.
3. Ở trong phần vị không còn dụng công-không còn học đạo, thì hai tướng trái ngược ấy đối với cảnh giới của pháp cao nhất, vẫn có sự nghi ngờ vi tế. Lại có nghĩa khác, bởi vì ở trong phần vị của mình thấy Đức Phật diệt độ nhanh chóng quá, như kinh nói: “Nếu người nào việc làm đã hoàn tất, đã vượt qua biển khổ thì họ chỉ nghĩ như vậy: Đức Thế Tôn diệt độ sao mà nhanh chóng quá!”
Tiếp theo nói về phần giúp đoạn trừ mọi sự nghi ngờ.
Kinh: “A Nậu Lâu Đà tuy nói là trong Đại chúng thảy đều hiểu rõ ràng nghĩa lý của bốn Thánh Đế, nhưng Đức Thế Tôn muốn làm cho các Đại chúng này đều được kiên cố, cho nên Ngài đem tâm Đại bi tiếp tục giải thích cho mọi người:
Các thầy Tỳ kheo, đừng ôm lòng đau thương buồn phiền! Nếu Ta trú ở thế gian một kiếp thì đến lúc cũng sẽ hoại diệt, hội tụ mà không chia ly thì rốt cuộc không thể nào có được. Pháp lợi mình và lợi cho người đều đầy đủ, nếu Ta trú lâu dài thì cũng không lợi ích gì. Những ai cần phải độ, hoặc trên cõi trời hay giữa loài người, Ta đều đã hóa độ tất cả. Những người chưa được độ thì Ta cũng đã làm cho họ có nhân duyên được độ. Từ nay về sau các đệ tử của Ta lần lượt trao nhau mà thực hành, vậy thì Pháp thân của Như Lai mãi mãi thường trú mà không hoại diệt”.
Luận: Trong đoạn này nói đến đoạn trừ nghi ngờ, là đoạn trừ nghi ngờ của những người siêu việt trong Đại chúng, ở trong phần vị của mình trước đó đã có sự thành tựu, như kinh nói: “A Nậu Lâu Đà tuy nói là trong Đại chúng thảy đều hiểu rõ ràng nghĩa lý của bốn Thánh Đế”. Lại khiến cho thành tựu đến mức cao nhất, đối với sự giác ngộ ấy cuối cùng trọn vẹn không lui sụt, vì vậy Như Lai dùng tâm Đại Bi vô cùng cao cả, không giữ lấy pháp cao nhất cho riêng mình, như kinh nói: “Nhưng Đức Thế Tôn muốn làm cho các Đại chúng này đều kiên cố, cho nên Ngài đem tâm Đại Bi tiếp tục giải thích cho mọi người”. Giải thích thế nào? Giải thích về công đức hữu vi, bởi vì mình và người đều hoại diệt. Mình và người là sự khác biệt giữa người nói và người nghe, như kinh nói: “Các thầy Tỳ kheo, đừng ôm lòng đau thương buồn phiền! Nếu Ta trú ở thế gian một kiếp thì đến lúc cũng sẽ hoại diệt, hội tụ mà không chia ly thì rốt cuộc không thể nào có được”. Lại giải thích về pháp môn thường trú bất diệt, như kinh nói: “Pháp lợi mình và lợi cho người đều đầy đủ”. Lại giải thích về việc làm lợi ích cho người đã trọn vẹn không làm thêm điều gì nữa, như kinh nói: “Nếu Ta trú lâu dài thì cũng không ích lợi gì”. Lại giải thích về việc làm lợi ích cho mình thì từ trong tất cả mọi người, đã trọn vẹn không làm thêm điều gì nữa, như kinh nói: “Những ai cần phải độ, hoặc trên cõi trời hay giữa loài người Ta đều đã hóa độ tất cả”. Lại giải thích về những ai chưa tu tập, dựa vào pháp môn bất diệt, có thể làm nhân duyên được hóa độ, như kinh nói: “Những người chưa được độ thì Ta cũng đã làm cho họ có nhân duyên được độ”. Lại có nghĩa khác là ở trong pháp cao nhất nếu người nào chưa được hóa độ, thì dựa vào pháp môn thường trú mà được hóa độ. Lại giải thích về công đức trú trì không hoại diệt, trong đó có hai loại:
1. Trú trì ở trong phần nhân, bởi vì luôn luôn tu tập không hoại diệt, tu tập không gián đoạn, như kinh nói: “Từ nay về sau các đệ tử của Ta lần lượt trao nhau mà thực hành”.
2. Trú trì ở trong phần quả, là biểu hiện luôn luôn không hoại diệt, như kinh nói: “Vậy thì Pháp thân của Như Lai thường trú mà không hoại diệt”. Công đức của hai loại trú trì không hoại diệt này, nêu rõ về pháp cao nhất có năng lực đoạn trừ nghi ngờ, nên biết.
Tiếp theo là nói lại tướng vô thường của công đức hữu vi.
Kinh: “Vì vậy, các thầy nên biết rằng cuộc đời đều là vô thường, hội tụ chắc chắn có chia ly, đừng ôm nặng ưu sầu phiền muộn! Tướng trạng cuộc đời như vậy, nên chịu khó tinh tiến sớm cầu được giải thoát, dùng ánh sáng trí tuệ diệt trừ mọi bóng tối si mê, cuộc đời thật sự nguy khốn mong manh, không có gì bền vững an toàn, nay Ta được diệt độ giống như trừ được căn bệnh tai ác. Đây là đồ vật đầy tội lỗi xấu xa cần phải xả bỏ, giả danh là thân, chìm trong biển rộng của sinh-già-bệnh-chết, có người nào trí tuệ được trừ diệt nó, giống như giết chết giặc thù mà không hoan hỷ?”
Luận: Trong đoạn này vì sao nói lại tướng vô thường của công đức hữu vi? Bởi vì nêu rõ ở tại nơi này khuyến khích tu hạnh chán ngán mà xa lìa sự sống của thế gian, cho nên được giải thoát ngay trong tướng hữu vi, như kinh nói: “Vì vậy, các thầy nên biết rằng cuộc đời đều là vô thường…” cho đến “… sớm cầu được giải thoát”. Lại nêu rõ sự thành tựu về quán sát vô Ngã đúng như thật, cho nên có năng lực diệt trừ kiến chấp căn bản về Ngã và Ngã sở, như kinh nói: “Dùng ánh sáng trí tuệ diệt trừ mọi bóng tối si mê”. Bởi vì các pháp như Ấm-Nhập… thật sự không hề có thật, như kinh nói: “Cuộc đời thật sự nguy khốn mong manh, không có gì bền vững an toàn”. Lại nêu rõ Như Lai là bậc Đại Sư cứu độ thế gian đã chứng ngộ rõ ràng tai họa đáng lo sợ ấy, như kinh nói: “Nay Ta được diệt độ giống như trừ được căn bệnh tai ác”. Lại nói về tướng tai họa đáng nhàm chán vô cùng, chỉ có trí tuệ mới có năng lực trừ diệt, nêu rõ khuyến khích tu trí tuệ diệt trừ pháp đối đãi, đạt được pháp không có đối đãi hiện rõ trước mắt, như kinh nói: “Đây là đồ vật đầy tội lỗi xấu xa…”
Tiếp theo nói về phần Vô Ngã thanh tịnh xa lìa các loại tự tánh.
Kinh: “Các thầy Tỳ kheo! Luôn luôn nên nhất tâm, chịu khó cầu mong đạo, xuất thế gian cao cả! Tất cả các pháp động-bất động của thế gian, đều là tướng mục nát, hủy hoại không an toàn. Các thầy hãy dừng lại, đừng nói thêm gì nữa, thời giờ sắp đi qua, Ta đang muốn diệt độ! Đây là lời dạy bảo, khuyên nhủ lần cuối cùng, cho đệ tử của Ta!”
Luận: Trong này nói đến các loại tự tánh, là ở trong pháp năm Ấm của thân, gây ra các loại kiến chấp tai họa, vốn là chướng ngại do vọng tưởng về tự tánh, để đối trị chướng ngại này, như kinh nói: “Các thầy
Tỳ kheo! Luôn luôn nên nhất tâm”. Lại bởi vì nhất tâm với trí tuệ đúng như thật thì khó có thể đạt được, như kinh nói: “Chịu khó cầu mong đạo, xuất thế gian cao cả”. Lại nêu rõ trừ ra trí tuệ đúng như thật thì tất cả các pháp đối đãi nhau đều là vô thường, là nêu rõ về danh tướng của các pháp, nên biết. Như kinh nói: “Tất cả các pháp động-bất động của thế gian, đều là tướng mục nát, hủy hoại không an toàn”. Động và bất động nói trong này, nghĩa là sự khác biệt về tướng tĩnh-loạn của ba cõi. Vô Ngã thanh tịnh là nêu rõ cảnh giới vắng lặng ở trong pháp vắng lặng sâu thẳm vô cùng, như kinh nói: “Các thầy hãy dừng lại…” Hãy dừng lại đừng nói gì, là khuyên nhủ mà nêu rõ về ba nghiệp không còn dao động, đây là Vô Ngã tịch diệt tương ưng với căn khí của thân. Lời dạy bảo khuyên nhủ lần cuối cùng, là chính thức biểu hiện về nghĩa của Di Giáo, nghĩa của lời Di Giáo này ở trong pháp trú trì là thù thắng cao cả, bởi vì đó là giáo pháp để lại cho đời sau.