TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG LUẬN
BỘ A-TỲ-ĐÀM

SỐ 1556 - LUẬN TÁT BÀ ĐA TÔNG NGŨ SỰ

Hán dịch: Đại Đức Tam Tạng Pháp Sư Sa-môn Pháp Thành nước Đại Thiên.


Pháp có năm thứ:

1. Sắc pháp.

2. Tâm pháp.

3. Pháp sở hữu của tâm.

4. Pháp bất tương ưng hành của tâm.

5. Pháp vô vi.

Thế nào là sắc pháp? Nghĩa là tất cả thứ đó đều từ bốn đại chủng, tức do bốn đại tạo tác sinh ra các sắc.

Bốn đại là gì? Đó là: giới đất, giới nước, giới lửa và giới gió.

Sao gọi là sắc tạo? Nghĩa là các căn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Các sắc là âm thanh, mùi hương, các vị và một phần xúc, gồm vô biểu sắc. Thế nào là tâm pháp? Là tâm, ý, thức. Tâm pháp đó là thế nào? Nghĩa là thân sáu thức: nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức.

Sao gọi là pháp sở của tâm? Nghĩa là các pháp tương ưng với tâm, các pháp ấy là gì? Là thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý, dục, thắng giải, tín, tinh tiến, niệm, định, tuệ, tầm, từ, buông lung, không buông lung, căn thiện, căn bất thiện, căn vô ký, các kiết phược hẹp, rộng, các tùy phiền não, triền nhiễu, an trụ, biết, thấy, tất cả hiện quán. Lại có pháp khác, những loại như vậy tương ưng với tâm, gọi là pháp sở hữu của tâm.

Sao gọi là hành pháp bất tương ưng của tâm? Nghĩa là có các pháp không tương ưng với tâm. Đó là: Đắc, đẳng chí vô tướng, đẳng chí diệt tận, vô tướng sở hữu, mạng căn, chúng đồng phần, đắc xứ sở, đắc sự, đắc xứ, sinh, già, trụ, tánh vô thường, danh thân, cú thân, và văn thân.

Lại có pháp khác không tương ưng với tâm, các loại như vậy, gọi là hành pháp bất tương ưng của tâm.

Sao gọi là pháp vô vi? Đó là ba thứ vô vi: hư không, phi trạch diệt và trạch diệt, đó gọi là pháp vô vi.

Thế nào là giới đất? Là tánh cứng chắc.

Thế nào là giới nước? Là tánh thấm nhuần.

Thế nào là giới lửa? Là tính chất nóng, ấm.

Thế nào là giới gió? Là tính chất nhẹ lay.

Thế nào là nhãn căn? Nghĩa là nhãn thức dựa vào sắc thanh tịnh.

Thế nào là nhĩ căn? Là nhĩ thức dựa vào sắc thanh tịnh.

Thế nào là tỷ căn? Nghĩa là tỷ thức nương sắc thanh tịnh.

Thế nào là thiệt căn? Nghĩa là tỷ thức dựa vào sắc thanh tịnh.

Thế nào là thân căn? Nghĩa là thân thức dựa vào sắc thanh tịnh.

Thế nào là các sắc? Nghĩa là các sắc đẹp, sắc không đẹp, các sắc ở giữa hai sắc đó và hiển sắc, v.v...

Một thức đầu tiên là nhãn thức đã biết, nhãn thức đã tiếp nhận, ý thức có thể biết, cho nên, các sắc do hai thức: Nhãn thức, ý thức biết rõ.

Thế nào là các âm thanh? Âm thanh có hai thứ: Chấp thọ nhân đại chủng sinh ra và không phải chấp thọ nhân đại chủng sinh ra.

Một thức đầu tiên là nhĩ thức đã biết, nhĩ thức đã tiếp nhận, ý thức có thể biết, cho nên, các âm thanh do hai thức: Nhĩ thức, ý thức biết rõ.

Thế nào là các mùi hương? Đó là mùi hương tốt, mùi hương xấu, mùi hương không tốt không xấu.

Một thức đầu tiên là tỷ thức đã biết, tỷ thức thọ nhận, ý thức có thể biết, cho nên, các mùi hương do hai thức: tỷ thức, ý thức biết rõ.

Thế nào là các vị? Đó là vị nếm vừa ý, không vừa ý và bình thường.

Một thức đầu tiên là thiệt thức đã biết, thiệt thức thọ nhận, ý thức có thể biết. Cho nên, các vị do hai thức: Thiệt thức, ý thức biết rõ.

Thế nào là một phần của xúc? Là tính chất trơn, nhám, nhẹ, nặng, lạnh, đói, khát, v.v...

Một thức đầu tiên là thân thức đã biết, thân thức đã tiếp nhận, ý thức có thể biết, cho nên, một phần của mọi sự tiếp xúc do hai thức: thân thức, ý thức đều biết rõ.

Những gì gọi là các sắc vô biểu? Nghĩa là thuộc về pháp xứ sắc.

Trong bất cứ lúc nào, chỉ có một ý thức đã biết rõ.

Thế nào là nhãn thức? Dựa vào nhãn căn, phân biệt riêng về sắc.

Thế nào là nhĩ thức? Dựa vào nhĩ căn, phân biệt riêng về tiếng.

Thế nào là tỷ thức? Dựa vào tỷ căn, phân biệt riêng về mùi.

Thế nào là thiệt thức? Dựa vào thiệt căn, phân biệt riêng về vị.

Thế nào là thân thức? Dựa vào thân căn, phân biệt riêng về xúc.

Thế nào là ý thức? Dựa vào ý căn, phân biệt riêng về pháp.

Thế nào là thọ? Nghĩa là tánh nhận lãnh. Thọ này có ba thứ: khổ, vui, không khổ không vui.

Thế nào là tưởng? Nghĩa là tánh biết khắp, tánh này có ba thứ: nhỏ, lớn, vô lượng.

Thế nào là tư? Nghĩa là tâm tạo hành động, nghiệp do ý đã gây tạo, nghiệp này có ba thứ: thiện, bất thiện và vô ký.

Thế nào là xúc? Nghĩa là ba sự hòa hợp. Sự này gồm có ba thứ: Thọ lạc, thọ khổ, thọ bất khổ bất lạc.

Thế nào là tác ý? Nghĩa là tâm sở chuyển biến, tâm sở này có ba thứ: học, vô học, phi học phi vô học.

Thế nào là dục? Nghĩa là tánh ưa tạo tác.

Thế nào là thắng giải? Nghĩa là tâm sở ưa vui, tánh ưa làm.

Thế nào là tín? Nghĩa là tâm rất thanh tịnh.

Thế nào là tinh tiến? Nghĩa là tâm ưa vui.

Thế nào là niệm? Tánh ghi nhớ rõ của tâm.

Thế nào là định? Tánh một cảnh của tâm.

Thế nào là tuệ? Liêm khiết lựa chọn pháp.

Thế nào là tầm? Tâm tra xứ là tánh.

Thế nào là tứ? Tâm tế nhị là tánh.

Thế nào là buông lung? Không tu các điều thiện. Thế nào là không buông lung? Tu các điều thiện.

Các căn thiện: Có ba căn thiện: Căn thiện không tham, căn thiện không sân, căn thiện không si.

Căn bất thiện: Có ba căn bất thiện: căn bất thiện tham, căn bất thiện sân, căn bất thiện si.

Căn vô ký: Có bốn căn vô ký: Vô ký ái, vô ký kiến, vô ký mạn, vô ký vô minh.

Thế nào là vô ký ái? Nghĩa là năm thứ sở tạo cõi Sắc, Vô Sắc.

Thế nào là vô ký kiến? Nghĩa là thân kiến và biên kiến hoạt động trong cõi Dục. Năm kiến đã hoạt động trong sắc, Vô Sắc.

Thế nào là vô ký mạn? Nghĩa là năm thứ hoạt động ở cõi Sắc, Vô Sắc.

Thế nào là vô ký vô minh? Nghĩa là thân kiến hoạt động cõi Dục và do vô minh trong tương ưng với biên kiến, năm thứ hoạt động trong cõi Sắc, Vô Sắc.

Nói các kiết: Có chín thứ kiết: Kiết tham, kiết sân, kiết mạn, kiết vô minh, kiết kiến, kiết thắng chấp, kiết nghi, kiết san, kiết tật.

Thế nào là kiết tham? Sự tham trong ba cõi.

Thế nào là kiết sân? Dựa vào tánh giận dữ của các hữu tình làm tánh.

Thế nào là kiết mạn? Là bảy thứ mạn gọi là kiết mạn: Mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, ty mạn, tà mạn.

Thế nào là mạn? Người thua mình mà chấp mình là hơn, người bằng mình chấp mình là bằng, chấp đó làm nhân. Mạn, là giữ tánh kiêu ngạo, tâm, tánh tự đề cao, tâm cố chấp, tâm kiêu mạn, đó gọi là mạn.

Thế nào là quá mạn? Đối với người bằng mình, mà chấp là mình hơn mà hoặc đối với người hơn, chấp là mình bằng, lấy đó làm nhân, giữ tánh khinh thường, tâm kiêu mạn, tâm cố chấp, đây gọi là mạn quá mạn.

Thế nào là ngã mạn? Nghĩa là đối với năm thủ uẩn, quán bất cứ một uẩn nào làm ngã, hoặc cho là thuộc về ta. Lấy đó làm nhân cho sự khinh mạn, ỷ thị, tâm cao cỡ, tâm kiêu mạn, tâm cố chấp, đó gọi là ngã mạn.

Thế nào là tăng thượng mạn? Chưa chứng được quả tốt đẹp trên hết mà cho là mình đã chứng được. Hoặc chưa xúc chứng, cũng chưa hiện tiền, chấp ta đã chứng. Những việc thù thắng ở trên lấy đó làm nhân. Sự khinh mạn, tánh kiêu mạn, tâm tự cao cử, tâm kiêu mạn, tâm cố chấp, đó gọi là tăng thượng mạn.

Thế nào là ty mạn? Nghĩa là đối với nhiều phần tốt đẹp, đặc biệt, chấp cho mình có một phần ít thấp kém đó, lấy đó làm nhân kiêu mạn, khinh miệt, tánh khinh mạn, tâm tự cao cử, tâm kiêu ngạo, tâm cố chấp, đó gọi là ty mạn.

Thế nào là tà mạn? Nghĩa là không có đủ đức mà chấp là mình đã có đủ đức, lấy đó làm nhân, với tánh kiêu mạn, khinh miệt, tâm, tự cao cử, tâm tự cố chấp, đó gọi là tà mạn.

Bảy thứ kiêu mạn trên đây gọi là kiết mạn.

Thế nào là kiết vô minh? Nghĩa là ba cõi vô tri, đó gọi là kiết vô minh.

Thế nào là kiết kiến? Nghĩa là ba thứ kiết gọi là kiết kiến.

Ba thứ đó là:

1. Thân kiến.

2. Biên chấp kiến.

3. Tà kiến.

Thế nào là thân kiến? Nghĩa là đối với năm thủ uẩn, quán bất cứ một uẩn nào là ngã, hoặc cho là của ta, lấy đó làm nhân, nhận vui tuệ quán và các chấp kiến gọi là thân kiến.

Thế nào là biên chấp kiến? Nghĩa là đối với năm thủ uẩn, quán bất cứ một uẩn nào là đoạn, thường, lấy đó làm nhân, nhẫn vui, tuệ quán và các chấp kiến, gọi là biên chấp kiến.

Thế nào là tà kiến? Nghĩa là chê bai nhân quả và tác dụng của nó, hoại hữu rồi lấy đó làm nhân, nhẫn vui, tuệ quán và các chấp kiến, gọi là tà kiến. Ba thứ kiến này gọi là kiết kiến.

Thế nào là kiết thắng chấp? Có hai thứ thắng chấp, gọi là kiết thắng chấp. Đó là:

1. Kiến thắng chấp.

2. Giới cấm thắng chấp.

Thế nào là kiến thắng chấp? Đối với năm thủ uẩn, quán bất cứ một uẩn nào là cao, là hơn hết, lấy đó làm nhân, nhẫn vui, tuệ quán. Các thứ chấp này, gọi là kiến thắng chấp.

Thế nào là giới cấm thắng chấp? Nghĩa là dựa vào năm thủ uẩn, quán bất cứu một uẩn nào là tịnh, là giải thoát, là xuất ly, lấy đó làm nhân, nhẫn vui, tuệ quán. Hai thứ chấp này, gọi là kiết thắng chấp. Thế nào là kiết nghi? Đối với các đế lấy do dự làm tánh. Thế nào là kiết tật? Tâm rối loạn làm tánh.

Thế nào là kiết san? Tâm chấp làm tánh, cho nên nói là các kiết.

Nói ràng buộc: Nghĩa là đã nói các kiết. Kiết đó cũng gọi là sự ràng buộc. Nhưng sự ràng buộc có ba thứ:

1. Tham ràng buộc.

2. Sân ràng buộc.

3. Si ràng buộc.

Nói nhỏ, rộng, nghĩa là bảy thứ nhỏ, rộng, bảy thứ đó là:

1. Tham nhỏ, rộng.

2. Sân nhỏ, rộng.

3. Hữu dục nhỏ, rộng.

4. Mạn nhỏ, rộng.

5. Vô minh nhỏ, rộng.

6. Kiến nhỏ, rộng.

7. Nghi nhỏ, rộng.

Thế nào là tham nhỏ, rộng? Năm thứ nhỏ, rộng gọi là tham nhỏ rộng. Năm thứ đó là: Tất cả tham dục thuộc cõi Dục do kiến khổ dứt trừ. Những tham dục thuộc cõi Dục do kiến tập, diệt, đạo dứt trừ. Năm thứ nhỏ, rộng này gọi là tham nhỏ, rộng.

Thế nào là sân nhỏ, rộng? Sân nhỏ, rộng có năm thứ: Đó là tất cả sân hận do kiến khổ dứt trừ. Tất cả sân hận do kiến tập, diệt, đạo và tu đạo dứt trừ. Năm thứ nhỏ, rộng này gọi là sân nhỏ rộng.

Thế nào là hữu dục nhỏ, rộng? Mười sự nhỏ, rộng này gọi là hữu dục nhỏ, rộng. Người thứ đó là năm thứ thuộc cõi Sắc, năm thứ thuộc cõi Vô Sắc.

Thế nào là hữu tham nhỏ, rộng? Thuộc cõi Sắc có năm thứ. Nghĩa là lệ thuộc cõi Sắc do kiến khổ dứt trừ. Tất cả tham dục và thuộc cõi Sắc, do kiến tập, diệt, đạo và tất cả dục tham do tu đạo dứt trừ. Như năm thứ thuộc cõi Sắc, năm thứ lệ thuộc cõi Vô Sắc cũng giống như vậy. Mười thứ nhỏ, rộng này gọi là nhỏ, rộng của hữu dục.

Thế nào là mạn nhỏ, rộng? Mạn nhỏ, rộng có mười lăm thứ nhỏ rộng gọi là mạn nhỏ rộng. Mười lăm thứ ấy là: Năm thứ thuộc cõi Dục, năm thứ thuộc cõi Sắc và năm thứ thuộc cõi Vô Sắc.

Năm thứ mạn nhỏ, rộng thuộc cõi Dục: Nghĩa là tất cả các mạn cõi Dục, do kiến khổ dứt trừ, tất cả các mạn cõi Dục do kiến tập, diệt, đạo và tu đạo dứt trừ. Các thứ mạn như năm thứ thuộc về cõi Dục, cõi Sắc năm thứ, cõi Vô Sắc năm thứ cũng giống như vậy. Mười lăm thứ nhỏ, rộng này gọi là mạn nhỏ rộng.

Thế nào là vô minh nhỏ, rộng? Mười lăm thứ nhỏ, rộng này là vô minh nhỏ, rộng. Mười lăm thứ ấy là: Cõi Dục có năm thứ, cõi Sắc có năm thứ và cõi Vô Sắc có năm thứ.

Năm thứ vô mạn nhỏ, rộng thuộc về cõi Dục. Nghĩa là tất cả vô minh thuộc về cõi Dục, do kiến khổ dứt trừ. Tất cả vô minh thuộc cõi Dục do kiến tập, diệt, đạo dứt trừ. Cũng như năm thứ thuộc cõi Dục, năm thứ thuộc cõi Sắc và năm thứ thuộc cõi Vô Sắc cũng giống như vậy. Mười lăm thứ nhỏ rộng này gọi là vô minh nhỏ, rộng.

Thế nào là kiến nhỏ, rộng? Có ba mươi sáu thứ nhỏ rộng, gọi là kiến nỏ rộng ba mươi sáu thứ ấy là: Có mười hai thứ thuộc cõi Dục, mười hai thứ thuộc cõi Sắc, và mười hai thứ thuộc cõi Vô Sắc.

Mười hai kiến nhỏ, rộng thuộc cõi Dục: Nghĩa là thân kiến, biên kiến thuộc cõi Dục và tất cả tà kiến, kiến thủ thuộc cõi Dục, do kiến khổ dứt trừ. Và tà kiến, cho đến kiến thủ thuộc cõi Dục do kiến diệt dứt trừ. Tất cả tà kiến cho đến kiến thủ, chấp cấm giới thủ thuộc cõi Dục do kiến đạo dứt trừ. Giống như cõi Dục, mười hai thứ thuộc cõi Dục, mười hai thứ thuộc cõi Sắc và mười hai thứ thuộc cõi Vô Sắc cũng vậy. Ba mươi sáu thứ nhỏ, rộng này gọi là kiến nhỏ, rộng.

Thế nào là nghi nhỏ, rộng? Nghi nhỏ, rộng có mười hai thứ, mười hai thứ ấy là: Cõi Dục có bốn thứ, cõi Sắc có bốn thứ và cõi Vô Sắc cũng có bốn thứ. Thế nào là bốn nghi nhỏ, rộng thuộc cõi Dục? Nghi thuộc cõi Dục do kiến khổ dứt trừ. Các nghi thuộc cõi Dục do kiến tập, diệt, đạo dứt trừ, cũng như thuộc cõi Dục có bốn thứ, cõi Sắc và cõi Vô Sắc mỗi cõi đều có bốn thứ, cũng giống như vậy. Mười hai thứ nhỏ, rộng này gọi là nghi nhỏ, rộng.

Nói các tùy phiền não, nghĩa là tất cả sự nhỏ, rộng, sự nhỏ rộng đó được gọi là các tùy phiền não. Có tùy phiền não này không phải nhỏ, rộng, nghĩa là dứt trừ sự nhỏ, rộng ấy, tâm khác sinh ra hành uẩn nhiễm ô.

Thế nào là ràng buộc ở yên? Có tám thứ ràng buộc ở yên, tám thứ ấy là:

1. Hôn trầm.

2. Thùy miên.

3. Trạo cử.

4. Ác tác.

5. Ganh ghét.

5. San (keo kiệt).

6. Vô tàm (không hổ).

7. Vô quý (không thẹn).

Thế nên gọi là ràng buộc ở yên.

Nói nhận biết, nghĩa là mười thứ trí:

1. Pháp trí.

2. Trí tùy loại.

3. Trí tha tâm.

4. Trí thế tục.

5. Khổ trí.

6. Tập trí.

7. Diệt trí.

8. Đạo trí.

9. Tận trí.

10. Trí vô sinh.

Thế nào là pháp trí? Nghĩa là trí vô lậu biết rõ các hành của cõi Dục, các trí vô lậu của nhân hành cõi Dục, các trí vô lậu của hành diệt thuộc cõi Dục, các trí vô lậu trong đoạn đạo thuộc cõi Dục.

Lại nữa, pháp trí, các trí vô lậu trong địa pháp trí, đây gọi là pháp trí.

Thế nào là trí tùy loại? Các trí vô lậu trong các hành thuộc cõi Sắc Vô Sắc. Các trí vô lậu trong các hạng mục thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Các trí vô lậu trong hành diệt thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Các trí vô lậu trong đoạn đạo thuộc cõi Sắc, Vô sắc.

Lại nữa, tùy thuận trí đã biết rõ, tùy thuận các trí vô lậu hiểu rõ trong địa. Những pháp này gọi là tùy loại trí.

Thế nào là trí tha tâm? Từ tu sinh trí, quả của pháp đã tu, dựa vào pháp đã tu, đã được không thối lui. Do trí tuệ của người đó, biết rõ sự ham muốn đã làm và sắc đã làm, giống như tâm, tâm pháp của người khác, chứng được một phần pháp vô lậu hiện tiền. Các pháp này được gọi là trí tha tâm biết rõ.

Thế nào là trí thế tục? Là trí hữu lậu, đó là trí thế tục.

Thế nào là khổ trí? Nhận biết rõ tính chất vô thường, tánh khổ, tánh không, tánh vô ngã ở năm thủ uẩn. Sự tác ý đã phát sinh trí vô lậu, đây gọi là khổ trí.

Thế nào là Tập trí? Ở nhân hữu lậu mà sinh khởi, nhân tập sinh duyên, tác ý trí vô lậu, đây gọi là tập trí.

Thế nào là diệt trí? Sinh, diệt trong diệt. Tác ý trí vô lậu, tịnh diệu, xuất ly. Trí vô lậu này gọi là diệt trí.

Thế nào là Đạo trí? Khởi đạo ở trong đạo, như hành nẩy sinh ra tác ý trí vô lậu, đây gọi là Đạo trí. Thế nào là Tận trí? Nghĩa là tự biết khổ khắp, tự biết dứt tập, tự biết chứng diệt, tự biết tu đạo, lấy đó làm nhân, tri kiến, giác tuệ, biết rõ phân minh, chứng đắc hiện tiền, đó gọi là Tận trí.

Thế nào là trí vô sinh? Nghĩa là tự biết rõ khắp các khổ. Lại, trí không thể biết, vì tự dứt trừ tập, lại không là trí không thể dứt trừ, vì tự chứng diệt. Lại trí không thể chứng, vì tự tu đạo. Lại trí không thể tu, lấy trí đó làm nhân, tri kiến, giác tuệ, biết rõ phân minh, chứng đắc hiện tiền. Đây gọi là trí vô sinh.

Nói kiến: Dù là trí của người đó cũng là kiến của họ, cũng lại có kiến, không phải tức là trí, từ bên hiện quán sinh ra tám thứ nhẫn, đó là biết khổ pháp nhẫn, biết khổ tùy loại nhẫn, biết tập pháp nhẫn, biết tập tùy loại nhẫn, biết diệt pháp nhẫn, biết đạo tùy loại nhẫn, biết đạo pháp nhẫn, biết đạo tùy loại nhẫn cho nên gọi là kiến.

Nói tất cả hiện quán, tức tri kiến kia cũng là hiện quán, cho nên nói là hiện quán.

Thế nào là đắc? Nghĩa là các pháp đã được.

Thế nào là đẳng chí Vô tưởng? Nghĩa là đã lìa tham biến tịnh, chưa lìa tham cõi trên. Do tác lý của tưởng xuất ly là trước lấy tâm pháp diệt làm tánh.

Thế nào là đẳng chí diệt tận? Nghĩa là đã lìa tham của vô sở hữu xứ, do ngừng dứt tác ý của tưởng là trước hết, và tâm lấy tâm pháp diệt làm tánh.

Thế nào là Vô tưởng sở hữu? Nghĩa là hữu tình sinh lên cõi trời Vô tưởng, tâm lấy tâm pháp diệt làm tánh.

Thế nào là mạng căn? Nghĩa là tuổi thọ của ba cõi.

Thế nào là chúng đồng phần? Nghĩa là tự loại của các hữu tình giống nhau.

Thế nào là đắc xứ sở? Nghĩa là được các cảnh.

Thế nào đắc sự? Nghĩa là được các uẩn.

Thế nào là đắc xứ? Nghĩa là được xứ trong, ngoài.

Thế nào là sinh? Nghĩa là thành tựu uẩn.

Thế nào là già? Nghĩa là các uẩn đã chín muồi. Thế nào là trụ? Nghĩa là các hành không hư hoại.

Thế nào là tánh vô thường? Nghĩa là các hành hư hoại.

Thế nào là danh thân? Tức là tăng ngữ kia.

Thế nào là cú thân? Nghĩa là văn đầy đủ.

Thế nào là văn thân? Tức chữ thân kia, gọi là văn thân.

Thế nào là xứ không? Là nhân của sở hành, tức là hư không, chẳng có chướng ngại. Chủng loại của các sắc không thể che khắp, gọi là hư không.

Thế nào là phi trạch diệt? Nghĩa là diệt chẳng lìa.

Thế nào là trạch diệt? Nghĩa là diệt cũng lìa, cho nên nói pháp có năm thứ:

1. Pháp sắc.

2. Pháp tâm.

3. Pháp sở hữu của tâm.

4. Hành pháp bất tương ưng của tâm.

5. Pháp vô vi.

SỐ 1557 - KINH A TỲ ĐÀM NGŨ PHÁP HÀNH

Hán dịch: Tam Tạng An Thế Cao, người nước An Tức, Đời Hậu Hán.

Trí khổ pháp, trí có thể đạt khổ pháp. Trí tập pháp, trí có thể đạt tập pháp. Trí tận pháp, trí có thể đạt tận pháp. Trí đạo pháp, trí có thể đạt đạo pháp. Pháp khổ: Nghĩa là hình thể muôn vật đều phải già suy, chết đi, đó là khổ. Người ngu si cho cơ thể thường còn, nên bảo vệ, gìn giữ. Đây là trí lạc, có thể biết đó là khổ nên không còn hướng về sinh tử, đó là trí khổ pháp.

Pháp có thể đạt tập, nghĩa là tập ham muốn, tập được, tập dâm, tập oán giận, tập ngu si, tập tốt đẹp. Trí có thể đạt như vậy là tập. Từ tập được tận (diệt) là không ham muốn, đây là trí tập pháp.

Pháp có thể tận, nghĩa là người, vật hội hợp sẽ phải tiêu tan, diệt hết. Tức là được cũng không mừng, mất cũng không lo, đây là trí tận pháp.

Pháp có thể được đạo, hành đạo được đạo, làm điều thiện được sinh lên cõi trời, làm việc ác đi vào đường ác.

Người có thể đến được đạo là người biết từ bỏ việc ác, đến với điều thiện, đó là trí đạo pháp.

Trí có thể đạt được, nghĩa là giác có thể nên biết, vốn không biết đó là khổ. Khổ là một ý, biết là khổ, đó là hai ý. Tập là một ý, biết là tập, đó là hai ý. Tận là một ý, biết là tận, đó là hai ý. Đạo là một ý, biết là đạo, đó là hai ý. Tám ý này ở bên ngoài.

Phi thường, khổ, không, phi thân, vốn tập phát sinh, nhân duyên dứt hết, chỉ như ý tiếp nhận quán chỗ đạo cốt yếu.

Tận, khổ, không, phi thân, do đâu mà được tận? Tận từ khổ đến, từ khổ được tận, nhân tận liền được không. Được không là biết thân là phi ngã (vô ngã). Bốn ý này là theo khổ đế.

Những gì là khổ? Tất cả ở trong sự sinh tử đều là khổ, gặp gỡ, ham muốn, cũng không ham muốn. Nghĩa là những điều ham muốn của người cũng không ham muốn, nghĩa là những cái không ham muốn của con người đều là khổ.

Tham từ tập mà ra, tùy theo ý phi thường, mong cầu diệt hết khổ từ tập được.

Những gì là pháp? Nghĩa là nhân duyên tạo ra cái đó, được cái đó, đó là pháp. Sẽ biết, đã biết, vì không vừa ý, phải biết trừ. Đó là khổ đế trong bốn đế.

Tập đế là chứng có đạo. Kiến khổ, biết từ tập khởi ra, kiến tập biết khổ, kiến tập đế, biết chẳng thường.

Những gì là có thể? Nghĩa là vui đạo không quên đạo, thường cầu đạo, vì đạo là có thể.

Những gì là trí tuệ? Thường hỏi đạo là trí tuệ. Đã hỏi xong, còn có thể thọ nhận, có thể thực hành, đó là trí tuệ. Tập cũng vậy, Tận, diệt đạo cũng như vậy, đạo cũng như vậy.

Khổ là pháp của tội, là kiết của hành vi, trí tuệ là ba mươi bảy phẩm kinh, có thể làm người thực hành, vì làm nên đạo trọn vẹn, vì tập như vậy, vì tận như vậy, vì đạo như vậy, đều vì tăng thượng.

Thứ nhất là khổ. Những gì là khổ? Tất cả điều ác không vừa ý là khổ. Đã biết khổ, không ham muốn liền hành đạo, không lìa đạo là có thể đạt được. Khổ sinh có gốc. Khổ là những gì? Gốc từ vạn vật. Vạn vật không có, cũng không tận cùng. Đã không tận cùng thì con người cũng không lo, đã không lo thì con người cũng không có khổ.

Thứ hai là tập. Những gì là tập? Ý thuận theo ái là tập, nếu cắt đứt ái, sẽ không có tập. Như vậy giữ lấy hành vi nào để cắt đứt ái? Muôn vật đều từ nhân duyên sinh, cắt đứt nhân duyên sẽ không sinh nữa. Nên dùng gì để cắt đứt nhân duyên? Giữ ý niệm đạo, đã giữ ý niệm đạo, ý không được có hai niệm là ở nơi đạo, đó là tập.

Thứ ba là tận (diệt). Pháp khổ là muôn vật. Vì sự thất bại là phải lo. Đã phải lo là già. Đã già là phải ốm đau, bệnh tật rồi chết. Đó gọi là pháp của khổ tận cùng bên ngoài. Vì sao? Vì pháp của khổ tận cùng bên ngoài, là do tội của mình chưa dứt bỏ. Vì sao? Vì tội của mình chưa trừ, vì sinh tử chưa diệt. Vì sao? Vì sinh tử chưa diệt vì không phải một ý. Vì sao? Vì không phải một ý thì không rơi vào thiền khí. Vì sao? Vì không rơi vào thiền khí thì không thọ hành như lời Phật dạy, đó gọi là ngoài tận. Thế nào là trong tận? Ý rơi vào sự giữ gìn, đã rơi vào sự giữ gìn rồi, thì ý khác sẽ không được sinh. Ý khác đã không sinh, đó là tiêu mất kiết. Kiết đã diệt rồi, thì tội sẽ hết. Tội đã hết, không còn hữu, đó là trong tận.

Thứ tư là đạo. Những gì là đạo? Đạo của khổ vừa ý, gọi là tám thứ, thứ tám là gì, An-ban-thủ-ý nói tám hành như vậy ý không rơi vào sanh tử, chỉ có rơi vào đạo, rơi vào đạo là đoạn ba việc đầu ở trên. Ba việc đó là khổ, tập, tận. Đã dứt khổ, tập, tận thì được định. Đã định, đã hướng đến là được đạo.

Những gì là được đạo? Khổ đã diệt, không còn sinh nữa, đó là được.

Có năm pháp hành:

1. Sắc.

2. Ý.

3. Sở niệm.

4. Lìa riêng ý hành.

5. Vô vi.

Sắc là những gì? Tất cả đối tượng sắc đều ở bốn hành. Cũng từ chỗ bốn hành, bốn hành là: Địa chủng, thủy chủng, hỏa chủng, phong chủng. Sắc được sinh ra nhân từ bốn hành này là: Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, sắc, thanh, hương, vị, tế hoạt (xúc), cũng một xứ không đổi.

Ý là những gì? Ý, tâm, thức là gì? Là sáu thức thân. Sáu thức thân là những gì? Là nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức và tâm thức.

Pháp sở niệm là những gì? Nếu pháp sở niệm và ý đi thì đó là những gì? Đó là thống (thọ), tưởng, hành, dương niệm dục và ý, định, tuệ, tín, tinh tiến, kế, niệm, tham, bất tham, thiện bổn, ác bổn, bất phân biệt bổn. Tất cả kiết phược đều làm cho nhọc mệt, từ đó khởi lên trí nhận biết, kiến giải, chỗ cần yếu, cũng sẵn có, ý của pháp đều cùng chung, đó gọi là pháp sở niệm của ý.

Ý hành biệt ly là những gì? Ý đã biệt ly không chung, đó là những gì? Được, không tư tưởng chính là hết, chánh là bất tư, tưởng, niệm tưởng đến chúng dưới, khổ đắc, xứ đắc, chủng đắc, nhập sinh, già chết, phi thường, danh tự. Tuyệt, đủ, đúng như vậy và phân biệt những pháp ý hành khác, gọi là phân biệt ý hành.

Vô vi là những gì? Không diệt, chưa lìa diệt, không cần thọ.

Địa chủng là những chất nào cứng chắc. Thủy chủng là những chất nào ẩm ướt, Hỏa chủng là những chất nào ấm. Phong chủng là những chất nào nổi dậy.

Nhãn căn là sắc căn mà nhãn thức nương gá. Nhĩ căn là sắc căn mà nhĩ thức nương gá, tỷ căn là sắc căn mà tỷ thức nương gá. Thiệt căn là sắc căn mà thiệt thức nương gá. Thân căn là sắc căn mà thân thức nương gá.

Thế nào là sắc? Nếu sắc đoan nghiêm, không đoan nghiêm, đều cùng có tưởng sắc trung ương. Từ trên đó, thức biến ra một hình tượng. Sắc của nhãn thức chính là ảnh tượng của tâm thức, là sắc của hai thức này. Lại biết như thế nào? Là hai thứ nhãn thức, tâm thức.

Thế nào là thanh? Có tiếng do hành động phát ra, cũng có tiếng không do hành động phát ra, từ bản thanh của thọ hành, cũng không từ bổn thọ của thọ hành. Nếu ở đấy phát ra thức liền biết, thì khi nhĩ thức biết rồi, tâm thức bèn biết đó là tiếng. Đối tượng đó do nhĩ thức và tâm thức biết.

Thế nào là hương? Hoặc rễ thơm, cộng thơm, hoa thơm, hoặc hương thật, mùi hương tốt, xấu, đó gọi là mùi. Nếu một thức ở trên ấy biến ra đối tượng để biết, thì đó là tỷ thức biết. Tỷ thức biết rồi, tâm thức biết. Hương như vậy là do tỷ thức, tâm thức biết.

Thế nào là vị? Hoặc vị chua, ngọt, mặn, đắng, cay, nhám, cũng là vị giác. Nếu ở trên ấy biến ra một đối tượng để biết thì đó là thiệt thức biết. Thiệt thức đã biết rồi, tâm thức biết là Vị, hai thức bèn biết thiệt tâm thức.

Thế nào là xúc (tế hoạt)? Hoặc trơn, hoặc thô, hoặc nhẹ, nặng, hoặc lạnh, nóng, hoặc đói, khát, ở trên đó, một thức biết thân thức, thân thức đã biết rồi, thì tâm thức liền biết. Một xứ lạc này là hai thức liền biết thân thức, tâm thức, tâm thức xứ không còn.

Sắc là thế nào? Nếu thức tưởng đắm chấp sắc pháp thì như thế nào? Nếu thân thiện, bất thiện không thay đổi, hoặc là thường một thức biết tâm thức.

Nhãn thức là thế nào? Nhẫn nương nhân sắc mà biết. Nhĩ thức là thế nào? Nhĩ căn nương thân hanh mà biết. Tỷ thức là thế nào? Tỷ căn nương hân mùi mà biết.

Thiện thức là thế nào? Nhân nương nơi thiệt căn mà biết được vị. Thân thức là thế nào? Thân căn nương lạc trước mà biết.

Tâm thức là thế nào? Tâm căn nương nhân pháp mà biết.

Thống (Thọ) là thế nào? Là niềm vui, đây cũng chia làm ba hạng, ít, nhiều, không có số lượng.

Tưởng là thế nào? Là đối lập với hành vi, những gì đã làm. Đây cũng là ba thứ, thiện, ác, không phân biệt phước hay họa.

Nguyện lạc là thế nào? Ba sự hội, cũng là ba hạng. Ưa thiện, ưa ác, cũng không thiện, cũng không ác, ý ưa thích niệm.

Ý niệm là những gì? Đây cũng là ba hạng: thiện, ác, không phân biệt thiện ác.

Dục là những gì? Dục là như thế nào? Vừa ý, không vừa ý là những gì?

Niệm tư duy là gì? Là một ý.

Tuệ là gì? Là pháp quán.

Tín là gì? Là vừa ý.

Tinh tiến là gì? Là quán niệm.

Kế (suy tính) là gì? Sở niệm, khiến mong cầu tăng thêm hy vọng, mong muốn. Mong muốn ở đây là suy tính.

Phân biệt niệm là gì? Sở quán, chủ thể quán tùy thuận nhau không đoạn tuyệt, đó gọi là niệm.

Chấp niệm là những gì? Ý khác to lớn, chấp ý nhỏ là niệm.

Tham là gì? Không theo pháp thiện, không tin chí thành. Không làm việc không nên làm, đó gọi là tham.

Không tham là những gì? Thuận theo pháp thiện, tin tưởng chí thành, làm những việc đáng làm, đó gọi là không tham.

Thiện bổn là gì? Có ba thiện bổn: Thiện bổn không tham, thiện bổn không sân, thiện bổn không si, đó gọi là thiện bổn.

Bất thiện bổn là gì? Bất thiện bổn có ba thứ: Tham là bất thiện bổn, sân hận là bất thiện bổn, ngu si là bất thiện bổn, đó gọi là bất thiện bổn.

Bất phân biệt bổn là những gì? Có năm thứ không phân biệt: Ái không phân biệt, kiến không phân biệt, kiêu mạn không phân biệt, si không phân biệt, nghi không phân biệt, đó gọi là bất phân biệt bổn.

Kiết là những gì? Có chín kiết:

1. Kiết trì niệm.

2. Kiết tắng.

3. Kiết kiêu mạn.

4. Kiết si.

5. Kiết tà.

6. Kiết thất nguyện.

7. Kiết nghi.

8. Kiết tật.

9. Kiết san.

Kiết trì niệm là gì? Là tham trong ba cõi.

Kiết tắng là gì? Là ở nhân gian không thể dứt.

Kiết kiêu mạn là gì? Kiết kiêu mạn có bảy thứ:

1. Kiêu mạn.

2. Mạn.

3. Tự mạn.

4. Tự chấp mạn.

5. Khi mạn.

6. Mạn không bằng.

7. Tà mạn.

Kiêu mạn là những gì? Không bằng ta, cho ta là hơn. Nếu bằng ta cho ta là bằng, từ đó, kiêu mạn, ý tự chấp khởi lên ý thức hợp với ý đó, gọi là kiêu mạn.

Mạn là những gì? Trong đồng nhóm cho ta là hơn. Trong hơn, cho ta là bằng, từ đó, sinh ra kiêu mạn, cũng tự chấp, tự chấp cho mình hơn là hơn, đó là tự mạn, cũng nói là kiêu mạn mạn, vì là hợp hội của tất cả, đó gọi là tự mạn.

Tự chấp mạn là những gì? Là năm ấm tự thân là ngã thân chấp tự niệm. Từ đó, tự khởi ra mạn mạn, tự biết ý sinh, ý khởi, hợp ý, đó là tự chấp mạn.

Khi mạn là những gì? Chưa được chấp là được, chưa biết chấp là biết, chưa hết chấp là hết. Từ sự kiêu mạn này, ý tự chấp, ý quán khởi hợp ý, đó là khi mạn.

Mạn không bằng là những gì? Mình thua người xa mà chấp là thua ít, hoặc hào phóng, hoặc nghề nghiệp, hoặc nghề nghiệp như thế nào. Hoặc tội, hoặc bệnh không bằng gấp mười lần, gấp trăm lần. Tự chấp như vậy là không bằng. Từ đó mà kiêu mạn, ý sinh ra tự chấp, tự thấy, ý khởi hợp ý, tự vì mình, đó gọi là mạn không bằng.

Thế nào là tà mạn? Người không hiền, tự chấp là người hiền, từ đó có sự kiêu mạn. Tự sinh ra ý, tự nghĩ, tự chấp, ý khởi hợp với niệm, đó gọi là tà mạn.

Bảy thứ mạn này gọi là kiết kiêu mạn.

Thế nào là kiết si? Những ngu si trong ba cõi, đó gọi là si kiết.

Thế nào là kiết tà? Kiết tà có ba thứ gọi là kiết tà:

1. Thân tà (thân kiến).

2. Biên tà (biên kiến).

3. Tà tà.

Thế nào là thân tà (thân kiến)? Cho thân này là thân ta, đó gọi là thân tà (thân kiến).

Biên tà (biên kiến) là gì?

1. Đoạn diệt.

2. Thường còn, đó gọi là biên tà (biên kiến).

Tà tà là gì? Tà tà là gốc của sự tranh cãi, làm hư hoại phước.

Trên đây là ba thứ tà.

Thế nào là kiết mất nguyện? Mất gốc, không thọ nhận công ân, đó gọi là kiết mất nguyện. Hai sự mất này gọi là kiết mất nguyện.

Thế nào là kiết trộm? Hai thứ trộm gọi là kiết trộm:

1. Vì trộm thọ.

2. Vì trộm giới.

Thế nào là trộm thọ? Là năm ấm nghĩ cho là tôn trọng không có chi hơn. Từ đó ý dục nẩy sinh, cho là có thể dùng, đây gọi là kiết trộm.

Thế nào là trộm giới? Từ đây tịnh, từ đây xuất ly, từ đây giải thoát, từ đây được dụng xuất ly, cho nên chỗ nhân, chỗ ý, chỗ khả, chỗ nguyện, chỗ có thể làm, đó là trộm giới. Hai thứ trộm này gọi là kiết trộm.

Thế nào là kiết nghi? Là nghi bốn đế, đó gọi là kiết nghi. Thế nào là kiết tật? Ý loạn là kiết tật.

Thế nào là kiết san? Là không thể chế phục ý, đó gọi là kiết san. Đó là tất cả kiết.

Vậy thế nào là phược? Bị cột chặt là phược, nên nói là phược.

Thế nào là sử? Có bảy sử, bảy sử gồm:

1. Sử dục.

2. Sử bất khả.

3. Sử dục thế gian.

4. Sử kiêu mạn.

5. Sử si.

6. Sử tà.

7. Sử nghi.

Thế nào là sử dục? Sử dục gồm năm sử: Năm sử ấy là: Từ kiến khổ dứt trừ dục, chấp trước dục từ kiến tập dứt trừ dục. Tham đắm dục từ kiến tận dứt trừ dục. Chấp trước dục từ kiến đạo dứt trừ dục, tham đắm dục là từ kiến tư duy dứt trừ dục. Đó gọi là năm sử, gọi là sử dục. Thế nào là sử bất khả? Có năm sử, gọi là sử bất kha, năm sử đó là: Từ những thứ kiến khổ không thể dứt trừ. Kiết tập không thể dứt trừ. Từ kiến tận không thể dứt trừ. Từ kiến đạo không thể dứt trừ. Từ kiến tư duy không thể dứt trừ, đó là năm sử, được gọi là sử bất khả.

Thế nào là sử thế gian dục khả? Có mười sử, gọi là sử thế gian dục khả mười sử ấy là Đắm chấp sắc là dục do kiến khổ dứt trừ. Đắm chấp sắc là dục do kiến tập dứt trừ. Đắm chấp sắc là dục do kiến tận dứt trừ, mê đắm sắc do kiến hành đạo dứt trừ. Nhân sắc đắm sắc là dục do tư duy dứt trừ. Từ nhân không có sắc đắm sắc là dục do kiến khổ dứt trừ. Từ nhân không có sắc mê đắm là dục do kiến tập dứt trừ. Từ nhân không có sắc mê đắm là dục do kiến tận dứt trừ. Từ nhân không có sắc mê đắm là dục do kiến đạo dứt trừ. Nhân không có sắc mê đắm là dục do tư duy dứt trừ. Đó là mười sử, gọi là sử dục thế gian.

Thế nào là sử kiêu mạn? Sử kiêu mạn có mười lăm thứ, mười lăm thứ ấy là: Mê đắm ham muốn do kiến khổ dứt trừ kiêu mạn. Mê đắm ham muốn do kiến tập dứt trừ kiêu mạn. Vướng mắc ham muốn do kiến tận dứt trừ kiêu mạn. Vướng mắc ham muốn do kiến đạo dứt trừ kiêu mạn. Vướng mắc ham muốn do tư duy dứt trừ kiêu mạn. Vướng sắc do kiến khổ dứt trừ kiêu mạn. Vướng sắc do kiến tập dứt trừ kiêu mạn. Vướng sắc do kiến tận dứt trừ kiêu mạn. Vướng sắc do kiến đạo dứt trừ kiêu mạn. Vướng sắc do tư duy dứt trừ kiêu mạn. Vướng không có sắc do kiến khổ dứt trừ kiêu mạn. Vướng không có sắc do kiến tập dứt trừ kiêu mạn.

Vướng không có sắc do kiến tận dứt trừ kiêu mạn. Vướng không có sắc do kiến đạo dứt trừ kiêu mạn. Vướng không có sắc do tư duy dứt trừ kiêu mạn. Mười lăm sử này gọi là sử kiêu mạn.

Thế nào là sử si? Có mười lăm sử gọi là sử si. Mười lăm sử ấy là: Vướng mắc ham muốn do kiến khổ dứt trừ si. Vướng mắc ham muốn do kiến tập dứt trừ si. Vướng mắc ham muốn do kiến tận dứt trừ si. Vướng mắc ham muốn do kiến đạo dứt trừ si. Vướng mắc ham muốn do tư duy dứt trừ si. Vướng sắc do kiến khổ dứt trừ si. Vướng sắc do kiến tập dứt trừ si. Vướng sắc do kiến tận dứt trừ si. Vướng sắc do kiến đạo dứt trừ si. Vướng sắc do tư duy dứt trừ si. Vướng không có sắc do kiến khổ dứt trừ si. Vướng không có sắc do kiến tập dứt trừ si. Vướng không có sắc do kiến tận dứt trừ si. Vướng không có sắc do kiến đạo dứt trừ si. Vướng không có sắc do tư duy si mà dứt trừ. Mười lăm sử này, gọi là si sử.

Thế nào là sử tà? Ba mươi sáu sử là sử tà: Trong đó gồm mười hai sử vướng mắc cõi Dục, mười hai sử vướng mắc cõi Sắc và mười hai sử vướng mắc cõi Vô Sắc. Đây gọi là ba mươi sáu sử.

Mười hai sử vướng mắc cõi Dục là gì? Vướng mắc cõi Dục do kiến khổ dứt trừ thân tà. Vướng mắc cõi Dục do kiến khổ dứt trừ yếu tà. Vướng mắc cõi Dục do kiến khổ dứt trừ tà tà. Vướng mắc cõi Dục do kiến tận dứt trừ tà tà. Vướng mắc cõi Dục do kiến tận dứt trừ tà tà. Vướng mắc cõi Dục do kiến đạo dứt trừ tà tà. Vướng mắc cõi Dục do kiến khổ dứt trừ trộm kiến. Vướng mắc cõi Dục do kiến tập dứt trừ trộm kiến. Vướng mắc cõi Dục do kiến tận dứt trừ trộm kiến. Vướng mắc cõi Dục do kiến đạo dứt trừ trộm kiến. Vướng mắc cõi Dục do kiến khổ dứt trừ trộm giới. Vướng mắc cõi Dục do kiến đạo dứt trừ trộm giới, đó gọi là mười hai sử vướng mắc cõi Dục.

Mười hai sử vướng mắc cõi Sắc là gì? Thân tà vướng mắc cõi Sắc do kiến khổ dứt trừ. Yếu tà vướng mắc cõi Sắc do kiến khổ dứt trừ. Tà tà vướng mắc cõi Sắc do kiến khổ dứt trừ. Tà tà vướng mắc cõi Sắc do kiến tập dứt trừ. Tà tà vướng mắc cõi Sắc do kiến tận dứt trừ. Tà tà vướng mắc cõi Sắc do kiến đạo dứt trừ. Trộm kiến vướng mắc cõi Sắc do kiến khổ dứt trừ. Trộm kiến vướng mắc cõi Sắc do kiến tập dứt trừ. Trộm kiến vướng mắc cõi Sắc do kiến tận dứt trừ. Trộm kiến vướng mắc cõi Sắc do kiến đạo dứt trừ. Trộm giới vướng mắc cõi Sắc do kiến khổ dứt trừ. Trộm giới vướng mắc cõi Sắc do kiến đạo dứt trừ. Đây là mười hai sử do vướng mắc sử cõi Sắc.

Mười hai sử vướng mắc cõi Vô Sắc là gì? Thân tà vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến khổ dứt trừ, yếu tà vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến khổ dứt trừ. Tà tà vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến khổ dứt trừ. Tà tà vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến tập dứt trừ. Tà tà vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến tận dứt trừ. Tà tà vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến đạo dứt trừ. Trộm kiến vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến khổ dứt trừ. Trộm kiến vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến tập dứt trừ. Trộm kiến vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến tận dứt trừ. Trộm kiến vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến đạo dứt trừ. Trộm giới vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến khổ dứt trừ. Trộm giới vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến đạo dứt trừ. Đó gọi là mười hai sử vướng mắc sử Vô Sắc.

Trên đây là ba mươi sáu sử, gọi là ba mươi sáu sử tà.

Thế nào là sử nghi? Mười hai sử gọi là sử nghi. Nghi vướng mắc cõi Dục do kiến khổ dứt trừ. Nghi vướng mắc cõi Dục do kiến tập dứt trừ. Nghi vướng mắc cõi Dục do kiến tận dứt trừ. Nghi vướng mắc cõi Dục do kiến đạo dứt trừ. Nghi vướng mắc cõi Sắc do kiến khổ dứt trừ. Nghi vướng mắc cõi Sắc do kiến tập dứt trừ. Nghi vướng mắc cõi Sắc do kiến tận dứt trừ. Nghi vướng mắc cõi Sắc do kiến đạo dứt trừ. Nghi vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến khổ dứt trừ. Nghi vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến tập dứt trừ. Nghi vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến tận dứt trừ. Nghi vướng mắc cõi Vô Sắc do kiến đạo dứt trừ. Đó gọi là mười hai sử nghi.

Sử là trần, hay là trần não. Có lúc có trần không có não. Trừ trần, những thứ khác là những pháp loạn ý niệm, đây là não không phải trần. Từ khởi đầu là tám thứ:

1. Thùy.

2. Minh.

3. Lạc.

4. Nghi.

5. Ỷ.

6. Tứ thái.

7. Bất quý. 8. Bất tàm.

Vì thế nói là tám thứ khởi.

Sở hiệt (trí) là những gì? Có mười trí:

1. Pháp trí.

2. Tỷ trí.

3. Tri nhân tâm trí.

4. Xảo trí.

5. Khổ trí.

6. Tập trí.

7. Diệt trí.

8. Đạo trí.

9. Tận trí.

10. Vô vi trí.

Pháp trí là gì? Ở sinh tử, ham muốn những gì không có kiết trí ở sanh tử dục bản sở vô mà có kiết trí, sanh tử sắp diệt mà không có kiết trí. Ở sinh tử dục hoại đạo hành không có kiết trí, cũng ở pháp trí, cũng ở địa pháp trí mà không có kiết trí, đó gọi là pháp trí.

Tỷ trí là gì? Ở sự hoạt động của cõi Sắc, Vô Sắc không có kiết trí, ở nơi gốc cõi Sắc, Vô Sắc không có kiết trí. Hành ở cõi Sắc, Vô Sắc diệt không có kiết trí. Ở đạo dứt hành sắc, Vô Sắc không có kiết trí, cũng ở tỷ trí, cũng ở tỷ địa không có kiết trí. Đó là tỷ trí.

Tri nhân tâm trí là gì? Hành động của trí, phước của trí, sự hòa hợp của trí. Đã được không mất, thường hiện ở trước, luôn nhớ không quên vì người nêu, vì người khác, vì tự hoạt động. Thế nên, ý niệm mà biết, gọi là tri nhân tâm trí.

Xảo trí là gì? Trí mà thế gian thực hành gọi là xảo trí. Khổ trí là gì? Thọ năm ấm niệm không phải thường, khổ không, phi thân, không có kiết trí, đó gọi là khổ trí.

Tập trí là gì? Gốc của thế gian, cũng vốn tập sinh nhân duyên tư duy, nhớ nghĩ không có kiết trí, đó gọi là tập trí.

Diệt trí là gì? Diệt trí là trí niệm, rất quan trọng, là trí không ràng buộc, gọi là diệt trí.

Đạo trí là gì? Đạo là đạo, như người nêu thọ quán thì niệm muốn xuất ly, không có kiết trí, đó gọi là đạo trí.

Tận trí là gì? Đã biết khổ, đã bỏ tập, tận đã chứng, đạo đã thật hành, từ trí này thấy biết, ý được đúng, đó gọi là tận trí.

Vô vi trí là gì? Khổ đã hết không còn nữa, tập đã xong, không còn nữa, tận đã chứng, không còn chứng nữa. Đạo đã thực hành không còn thực hành nữa. Từ trí này đã thấy, đã nhận biết, đã ý thức được, đó gọi là trí vô vi, nên nói là trí.

Thế nào là tất cả kiến? Nếu kiến có trí là có kiến. Có lúc kiến không phải trí là sao?

Tám cánh (tám nhẫn) có thể làm những gì? Tám cánh có thể là gì?

Khổ pháp trí có thể là khổ, thí như trí đạt được. Tập pháp trí có thể là tập, thí như trí đạt được. Tận pháp trí có thể là tận, thí như trí đạt được.

Đạo pháp trí có thể là đạo, thí như trí đạt được, nên nói là kiến.

Nếu được, đấy là trí, có lúc không được, không phải trí. Tám cánh đạt được như trên đã nói, nên nói là cánh.

Đức là những gì? Được pháp là đức. Không có tư tưởng, tư duy là gì? Một xứ trên cõi trời, gọi là tất cả tịnh, trước khi có dục, không có dục, có tư tưởng xuất ly, pháp ý đã nhớ nghĩ diệt, không thuận theo, đó gọi là không tư tưởng, tư duy.

Diệt tư duy là gì? Hai mươi tám tầng trời, gọi là sự đắc đạo trong không có dục. Nghĩa là trên hành ý niệm muốn pháp diệt đó gọi là diệt tư duy.

Không tư tưởng là sao? Người không có tư tưởng, hóa sinh trên cõi trời. Trên ý niệm cũng theo, khi ở trên cõi trời thì ý niệm dứt trừ, đó gọi là không tư tưởng.

Niệm căn là gì? Mạng trong ba cõi. Hội là gì?

Là người ta đồng ở.

Đắc xứ là gì? Là đồng quận, huyện.

Chủng đắc là gì? Là năm ấm.

Nhập đắc là gì? Là nội, ngoại đắc nhập, đó gọi là nhập đắc.

Sinh là gì? Được ấm.

Già là gì? Ấm chín muồi.

Chỉ hành là gì? Sự hoạt động của đời trước ngắm về tương lai.

Chẳng thường là gì? Là đã sinh lại mất.

Danh tự là gì? Biết phân biệt. Tuyệt là gì? Chữ đầy đủ.

Chánh dung là gì? Các chữ gom lại.

Không là gì? Hư không chẳng có gì cả, không có vướng mắc, không có màu sắc, đó là không.

Tận mà còn chưa lìa là gì? Đã hết, không còn nữa, không còn vướng mắc.

Tận là sao? Độ thế gian đến vô vi, đó gọi là năm pháp, năm hành, hành là nói đủ.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-Tỳ-Đàm][Mục lục tổng quát]