TẠNG LUẬN
SỐ 1588 - DUY THỨC LUẬN
(Còn gọi là PHÁ SẮC TÂM LUẬN)
Tác Giả: Thiên Thân Bồ-tát. Dịch Phạn-Hán: Đời Hậu Ngụy, Cù-đàm Bát-nhã-lưu-chi
Duy Thức không Cảnh giới,
Không trần-do vọng thấy
Như người bị bệnh mắt
Thấy lông trắng… các sư
Nếu chỉ tâm, không trần (cảnh trần).
Lìa ngoại cảnh, vọng thấy
Xứ, Thời định, bất định
Người và sự tạo tác
Sự việc ở Xứ, Thời v.v..
Không có pháp ngoài (như) sắc v.v…
Người, mộng và Ngạ quỷ
Tùy nghiệp hư vọng thấy
Như trong mộng không nữ
Động thân lỗi bất tịnh
Địa ngục, các loại khổ
Bức não tội nhân kia
Súc sinh sinh ở trời
Địa ngục không như vậy
Bởi ở trên trời ấy
Không thọ khổ súc sinh
Nếu dựa nghiệp chúng sinh
Bốn đại biến như thế
Sao không nói dựa nghiệp
Mà tâm chuyển biến vậy?
Nghiệp huân tập pháp này,
Thọ quả sao chỗ kia?
Thiện ác huân tập tâm,
Sao nói quả ngoài tâm?
Phật nói các sắc Nhập v.v…
Để hóa độ chúng sanh
Dựa người thọ pháp trước (đời trước)
Nói rằng có hóa sinh.
Nương theo trí bản tâm
Thức Vọng lấy ngoại cảnh
Vì thế Như Lai nói:
Có các nội, ngoại Nhập
Quán hư vọng, không thật
Sẽ hội nhập Ngã “Không”
Quán các pháp không thật
Hội nhập Pháp vô ngã
Kia là một, chẳng thấy
Là nhiều, chẳng thể thấy
Là hợp (hòa hợp) chẳng thể thấy
Nên không có pháp trần (vi trần)
Sáu trần đồng thời hợp
Trần ắt có sáu phương
Sáu trần nếu một xứ
Các đại tức một trần
Nếu ví trần không hợp
Đại hợp thành từ đâu?
Nói vi trần không phương
Nhưng năng thành có phương?!
Pháp hữu, phương sở khác
Nên chẳng được nói (là) một
Bóng che nếu khác (không phải) đại (Thì)
Hai kia chẳng được thành.
Nếu một (thì) hành như nhau
Thủ, xả cũng phải đồng
Vô lượng xứ không khác
Vi tế cũng phải thấy!
Kinh (nói):
Hiện thấy như trong mộng
Thấy, cảnh thấy không cùng
Khi thấy, không phân biệt
Tại sao nói hiện thấy?
Trước nói hư vọng nhớ
Người mộng thấy hư vọng
Chưa thức không biết vọng.
Cùng chung tăng thượng nhân
Tâm đây kia duyên hợp
Vô minh che ở tâm
Nên quả mộng, thức khác
Chết do tâm người khác
Cũng do ở tâm mình
Nước Đàn-noa-ca,
Ca lăng và Ma đăng
Tiên nhân giận giết hết
Thế nên tâm nghiệp nặng.
Tâm là gốc muôn pháp
Lìa tâm không có pháp
Chỉ tâm. Thân khẩu (là) tên.
Tha tâm biết về cảnh
Không nhận biết như thật
Bởi không lìa Thức, Cảnh.
Chỉ Phật biết như thật.
Tạo Luận Duy Thức này
Chẳng phải nghĩa Tôn suy (suy lường)
(Mà là) cảnh giới diệu của chư Phật,
Phước đức cho chúng sinh.
Hỏi: Bài Kệ thứ nhất làm rõ những nghĩa gì?
Đáp: Phàm tạo luận, đều có ba nghĩa. Những gì là ba: 1. Lập Nghĩa. 2. Dẫn chứng. 3. Ví dụ. Về Lập nghĩa, như Kệ nói: “Duy Thức không cảnh giới”. Về Dẫn Chứng, như kệ nói: “Vì Vọng kiến vô trần”. Về Ví dụ, như Kệ nói: “Như người mắt có mày, thấy hoa đốm, thấy trăng”. Lại có nghĩa nữa, như trong Kinh Đại thừa nói: “Tam giới duy tâm”, chỉ có tâm đó, tức là chỉ có nội tâm, không có sắc hương… các cảnh giới bên ngoài. Điều này làm sao biết được? Như Kinh Thập Địa nói: “Tam giới hư vọng, chỉ một tâm ấy tạo tác. Tâm, Ý, Thức và Liễu biệt, bốn pháp như vậy, nghĩa thì một, tên thì khác”. Đây là dựa vào tâm tương ưng mà nói, không phải dựa vào tâm bất tương ưng. Tâm có hai thứ, những gì là hai? Một là tâm tương ưng, hai là Tâm Bất tương ưng. Tâm tương ưng, nghĩa là tâm tương ưng với tất cả phiền não, Kết, Sử, Thọ, Tưởng, Hành, Thức…, do đó cho nên nói nghĩa của Tâm, Ý, Thức và Liễu biệt là một mà tên gọi khác. Tâm bất tương ưng, nghĩa là tâm Đệ nhất nghĩa đế, thường trụ bất biến tự tánh thanh tịnh. Nói Tam giới hư vọng, chỉ một tâm tạo tác, cho nên Kệ nói: “Chỉ có Thức không cảnh giới”. Đã thuyết minh về Lập nghĩa, tiếp theo biện luận về Dẫn chứng.
Hỏi: Do đây nghiệm biết được cảnh giới bên ngoài như sắc... là không có, mà chỉ có nội tâm thường hư vọng thấy cảnh giới ấy hiện tiền?
Do nghĩa của Kệ nói: “Không có cảnh trần, chỉ là vọng thấy” (Dĩ vô trần vọng kiến). Đây tức rõ cho đến cuối cùng là không có cảnh giới bên ngoài như Sắc... chỉ có nội tâm vọng sinh phân biệt, thường thấy các cảnh giới bên ngoài. Đã thuyết minh dẫn chứng rồi, tiếp theo hiển bày Thí dụ.
Hỏi: Không có cảnh giới... bên ngoài như sắc... ấy là chỉ dựa vào ngôn thuyết hay cũng có thí dụ so sánh?
Đáp: Kệ nói: “Như người mắt có mãng (nhặm), thấy hoa đốm, thấy trăng”. Đây là thuyết minh về Thí dụ, ví như mắt có màng, bệnh nóng hư vọng thấy nhiều loại sự vật: trong hư không thấy hoa đốm, thấy mặt trăng thứ hai... cho đến cá sự vật huyễn ảo trong mộng thấy thành Càn-thát-bà v.v... các pháp như vậy thật ra không có sự vật hiện tiền chỉ là hư vọng nhận thấy mà có thọ dụng các sắc, hương, vị... Các cảnh giới bên ngoài cũng như vậy, từ đời vô thuỷ đến nay, đều chỉ là Nội tâm điên đảo mê hoặc hư vọng nhân thấy mà có thọ dụng, thật ra các cảnh giới Sắc… bên ngoài không có.
Hỏi: Kệ nói: “Nếu có tâm không trần, lìa vọng kiến ngoại cảnh, xứ, thời, định, bất định, người và sự tạo tác”. Kệ này thuyết minh nghĩa gì? Nếu lìa bỏ cảnh giới bên ngoài như sắc... chỉ là hư vọng thấy (thấy hư giả, chẳng phải chân thật thì vì nghĩa gì mà đối với xứ có sắc, mắt thấy sắc, xứ không có sắc khác thì không thấy sắc?
Lại hỏi tiếp: Nếu không có cảnh giới bên ngoài như sắc... chỉ là hư vọng thấy, thì vì nghĩa gì mà ngay Kiến xứ (cảnh thấy) kia khi có sắc thì mắt thấy Sắc, khi không sắc thì mắt không thấy sắc?
Lại hỏi: Nếu không có cảnh giới… bên ngoài như sắc... chỉ là hư vọng thấy, như vậy thì phải mọi lúc đều thấy; hoặc ngược lại phải mọi lúc đều không thấy? Cho nên, Kệ nói rằng: “Nếu có tâm không trần, lìa ngoại cảnh, chỉ vong thấy thì Xứ, Thời định, bất định”.
Lại hỏi: Nếu không có cảnh giới bên ngoài như sắc... chỉ là hư vọng thấy, thì vì nghĩa gì mà nhiều người cùng tụ tập cùng Xứ đồng Thời, đối với xứ có sắc thì cùng thấy sắc, đối với xứ không có sắc thì cùng không thấy?
Lại hỏi: Nếu không có cảnh giới bên ngoài như sắc v.v... chỉ là hư vọng đến, thì vì nghĩa gì mà người mắt có ngày vọng thấy mặt trời, mặt trăng, hoa đốm, vòng tròn, ruồi nhặng, người mắt sáng thì không hư vọng thấy?
Lại hỏi: Nếu cảnh bên ngoài như sắc, hương, vị... đều không có, chỉ là hư vọng thấy thì vì nghĩa gì mà người mắt có màng nhìn thấy mặt trời, mặt trăng, hoa đốm, vòng tròn, ruồi nhặng… đều vô dụng, người mắt sáng thì thấy đều hữu dụng?
Lại hỏi: Nếu cảnh giới bên ngoài như sắc, hương, vị... đều không có, chỉ là hư vọng thấy, thì vì nghĩa gì mà các sự việc như ăn uống, đói no, dao gậy, độc dược… thấy ở trong mộng đều là vô dụng, cũng sự việc ấy thấy lúc tỉnh giấc đều có tác dụng?
Lại hỏi: Nếu cảnh giới bên ngoài như sắc, hương vị... đều không có, chỉ là hư vọng thấy, thì vì nghĩa gì mà thành Càn-thát-bà, thật sự không có thành và không có dụng của thành, còn các thành khác thì đều thật có thành và có dụng của thành? Do nghĩa đó, cho nên mắt bệnh, các cảnh giới ngoài như sắc hương, vị... đều là pháp có, thật, không giống như các sự việc được nhà nhận khi mắt bệnh, trong mộng, như thành càn thát bà v.v... Vì thế cho nên, con người, sự việc, sự việc hoạt động ở mọi xứ, thời đều là thật có không đồng như mộng…
Cho nên Kệ nói: Người và sự việc ở xứ, thời có nhất định, không Nhất định.
Đáp: Kệ nói rằng: “Sự việc ở xứ thời, không có pháp ngoài (như) sắc... Người, mộng và Ngạ quỷ, tùy nghiệp hư vọng thấy”.
Kệ này thuyết minh nghĩa gì? Ông nói, vì nghĩa gì mà đối với xứ có sắc thì mắt thấy Sắc, xứ không có sắc khác thì không thấy sắc? Nghĩa nầy không đúng! Tại sao vậy? Vì trong mộng kia, đối với xứ không có sắc thì thấy có sắc, đối với xứ có sắc thì mắt không thấy sắc.
Lại nữa, ông nói, vì nghĩa gì mà ngay Kiến xứ kia khi có sắc thì thấy sắc, còn khi không sắc thì không thấy sắc? Ông vì nghĩa gì mà nói như thế? Như một xứ trong mộng đó thấy xóm làng, thành ấp, nam nữ, hoặc cũng ngay xứ đó, xóm làng, thành ấp, nam nữ đó đều không thấy, hoặc có khi thấy, hoặc có khi không thấy, không phải là thường thấy.
Lại nữa, ông nói, nếu cảnh giới bên ngoài như sắc v.v... không có, chỉ là hư vọng thấy, như vậy thì phải luôn luôn thấy. Nghĩa nầy không đúng! Tại sao vậy? Vì có khi ở xứ ấy, thời ấy không có các cảnh giới bên ngoài như sắc, hương, vị... cũng có khi đồng xứ, đồng thời, đồng thấy, cũng có khi đồng xứ, đồng thời, không thấy. Cho nên Kệ nói rằng: “Người mộng và ngạ quỷ, nương nghiệp hư vọng thấy”. Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Vì ông trước nói, nếu không có các cảnh giới sắc bên ngoài như sắc... tại sao có thời, xứ thấy hoặc không thấy? Nghĩa nầy không đúng, chỉ là lời nói hư vọng! Tại sao vậy? Vì lìa các cảnh giới bên ngoài như sắc thì nghĩa Thời và Xứ được thành tựu.
Lại nữa, ông nói, vì nghĩa gì mà nhiều người tụ tập đồng một thời, đồng một xứ đối với xứ có sắc thì đồng thấy sắc, đối với xứ không sắc thì đồng không thấy!
Lại nữa, ông nói, người mắt có màng thì hư vọng thấy các mặt trời, mặt trăng, hoa đốm, vòng tròn, ruồi nhặng... người mắt sáng thì không hư vọng đấy. Các nghĩa nầy không đúng! Tại sao vậy? Như Ngạ quỷ v.v... lìa các cảnh giới sắc, hương, vị bên ngoài, nhưng các sự ở Xứ, Thời và Người... đều thành. Nghĩa nầy là thế nào? Như loài Ngạ quỷ, dù một trăm, một ngàn quỷ nhưng đồng một nghiệp ngạ quỉ thì đều thấy trong sông là mủ, hoặc đều thấy là máu, hoặc thấy tiểu tiện, hoặc thấy đại tiện, hoặc thấy sắt chảy, hoặc thấy nước chảy, và có nhiều người hai bên bờ sông, cầm dao gậy trong tay canh giữ không cho uống nước. Đây là xa lìa các cảnh giới sắc thanh hương... bên ngoài chỉ là hư vọng thấy. Cho nên Kệ nói: “Người mộng và Ngạ quỷ, tùy nghiệp hư vọng thấy” (tùy theo nghiệp mà hư vọng thấy).
Lại nữa, ông nói, vì nghĩa gì mà người mắt có màn... nhìn thấy mặt trời, mặt trăng, hoa đốm, vòng tròn, ruồi nhặng… thì đều vô dụng, người mắt sáng thì đều hữu dụng! Sự ăn uống, đói no, dao gậy, độc dược v.v... được thấy trong mộng, như vậy đều là vô dụng, cũng sự việc thấy đó ở lúc thức đều là hữu dụng!
Lại nữa, ông nói, vì nghĩa gì mà thành Càn-thát-bà thật ra không có thành và không có cái dụng của thành, còn các thành khác thì thật có thành và có cái dụng của thành. Các nghĩa nầy đều không đúng! Tại sao vậy? Vì Kệ nói: “Trong mộng không người nữ, động thân lỗi bất tịnh, Địa ngục các thứ khổ, bức não tội nhân kia”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Như người trong mộng thật sự không có người nữ mà thấy người nữ cùng với thân giao hợp lại bài tiết bất tịnh. Chúng sinh cũng vậy, từ đời vô thuỷ đến nay hư vọng thọ dụng các cảnh giới sắc hương vị… bên ngoài, thật sự chúng không có mà thành giả có. Vì các thứ thí dụ như vậy nên tuy lìa các cảnh giới sắc, hương… bên ngoài mà có bốn thứ sự Xứ, Thời, Người và Nghiệp tạo tác được thành tựu.
Lại có một thứ thí dụ nữa, lìa các cảnh giới sắc hương… bên ngoài bốn thứ sự được thành, đều là hư vọng không thật, như Kệ nói: “Trong Ngục các thứ khổ, bị khổ đó bức não”. Đây là thuyết minh nghĩa gì? Nghĩa là bốn thứ sự kia lìa các cảnh giới sắc, hương... bên ngoài thì tất cả vẫn đều được thành. Tại sao đều được thành? Như trong địa ngục, không có khổ Địa ngục, nhưng chúng sinh Địa ngục y cứ vào tội nghiệp chính họ tạo mà thấy khổ Địa ngục. Khổ Địa ngục của họ cùng với các thứ khổ mà khởi tâm thấy đây là Địa ngục: Đây là xứ Địa ngục, đây là thời gian Địa ngục, đây là ban đêm, đây là ban ngày, trong đây là thời trước, trong đây là thời sau, đó là chủ Địa ngục, ta là tội nhân. Vì ác nghiệp cho nên thấy chó thấy quạ, hoặc thấy móc sắt, hoặc thấy hai con dê, hoặc thấy hai quả núi từ hai bên ép lại bức não thân người tội, hoặc thấy gươm giáo dựng đứng, khi tội nhân bay lên thì gươm nhọn chĩa xuống, khi tội nhân rơi xuống thì gươm nhọn chĩa lên, xung quanh đều có. Tại sao vậy? Vì nghiệp đồng nhau, cùng chung tụ tập thì đều đồng thấy, đồng thọ quả báo. Nếu nghiệp không đồng, thì không đồng tụ tập, cũng không đồng thấy, không đồng thọ khổ.
Do nghĩa đó, cho nên ông nói Xứ, Thời, định, bất định, Người và sự tạo tác tức bốn loại sự phải có các cảnh giới sắc… bên ngoài! Đều thật ư? Không phải! Chúng cũng đều là hư vọng. Do nghĩa đó, bốn thứ sự Xứ, Thời, thân Người và Nghiệp tạo tác nầy, chỉ lấy một thứ thí dụ Địa ngục chứng minh chúng đều trở thành hư vọng. Phải nên biết như vậy!
Hỏi: Chủ, quạ, chó, dê… trong Địa ngục đó là chúng sinh hay là Phi chúng sinh?
Đáp: Không phải là chúng sinh.
Hỏi: Vì nghĩa gì mà không phải là chúng sinh?
Đáp: Vì không tương ưng với chúng sinh. Đây là vì nghĩa gì? Có năm nghĩa mà chủ, quạ, chó… trong Địa ngục kia không phải là chúng sinh. Những gì là năm:
1. Như các chúng sinh thọ các thứ khổ trong Địa ngục, nếu chủ Địa ngục là chúng sinh, thì cũng phải thọ khổ như vậy, nhưng chủ kia hoàn toàn không thọ các thứ khổ não như vậy. Do nghĩa đó, chủ kia không phải chúng sinh.
2. Chủ Địa ngục nếu là chúng sinh, thì đáng lẽ phải sát hại lẫn nhau, không thể phân biệt đây là tội nhân, đây là chủ, nhưng thật ra không có sát hại lẫn nhau mà có thể phân biệt được đây là tội nhân và đây là chủ. Do nghĩa đó, cho nên không phải là chúng sinh.
3. Chủ Địa ngục nếu là chúng sinh, thì hình thể và thế lực phải triệt hạ lẫn nhau, không nên chú trọng làm cho tội nhân kinh sợ, nhưng thật ra chỉ chú trọng về làm cho tội nhân kinh sợ. Do nghĩa đó, cho nên không phải là chúng sinh.
4. Đất của Địa ngục kia nếu thường là sắt nóng, chủ Địa ngục kia là chúng sinh thì không thể chịu khổ được, làm sao có thể hại người tội được, nhưng thật ra có thể hại người thọ tội. Do nghĩa đó, cho nên không phải là chúng sinh.
5. Chủ Địa ngục nếu là chúng sinh, không phải người thọ tội thì không được sinh vào Địa ngục đó, nhưng thật ra đã sinh vào Địa ngục kia. Do nghĩa đó, cho nên không phải chúng sinh. Đây là nghĩa gì? Chúng sinh thọ khổ trong Địa ngục đó, là những người tạo tội nghiệp ác ngũ nghịch... sinh vào trong đó. Chủ Địa ngục… không tạo ác nghiệp, làm sao sinh vào đó! Năm thứ nghĩa như vậy gọi là không tương ưng với chúng sinh.
Hỏi: Nếu chủ Đại Ngục... không phải là chúng sinh, không tạo tội nghiệp thì không sinh vào đó, thế tại sao trong cõi trời lại có súc sinh, đây là nghĩa gì? Như trong cõi trời kia có các thứ quạ, các loại, súc sinh sinh ở đó, trong Địa ngục tại sao không như vậy? Hơn nữa, súc sinh, Ngạ quỷ… các loại tạp sinh khiến cho làm chủ Địa ngục?
Đáp: Kệ nêu: “Súc sinh sinh ở trời, Địa ngục không như vậy, bởi ở trên trời ấy, không thọ khổ súc sinh”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Các Súc Sinh kia sinh lên cõi Thiên, là do có tạo chút ít nghiệp về thế giới của chư Thiên (khí thế gian), nên thọ nhận quả báo vui trên cõi ấy. Cũng như vậy, Chủ, quạ, chó ở Địa ngục kia không thọ các khổ. Do nghĩa đó, cho nên trong Địa ngục kia chúng không là chủ thật, ngoại trừ chúng sinh có tội(nhìn nhận).
Hỏi: Nếu như vậy, chúng sinh Địa ngục vì dựa vào nghiệp có tội nên mọi chuyển biến của bốn Đại, bên ngoài, các hình sắc thế lực ưu việt hơn thì gọi là chủ và quạ chó… Thế nào gọi là mọi chuyển biến của bốn đại? Nghĩa là mọi các thứ chuyển biến của bốn Đại ở xứ kia, như động tay, chân miệng nói năng, khiến cho người tội sinh ra kinh sợ, như có hai con dê từ hai phía cùng tiến đến sát hại; chúng sinh Địa ngục kia, thấy có những quả núi hoặc tới hoặc lui sát hại chúng sinh, thấy rừng cọc sắt, thấy rừng gai nhọn, khi người tội bay lên thì gai nhọn chĩa xuống, khi người tội rơi xuống thì cọc chĩa lên. Do nghĩa đó, không nên nói chỉ có nội tâm, không có cảnh giới bên ngoài?
Đáp: Kệ nói rằng: “Nếu nương nghiệp chúng sinh, bốn đại biến như vậy, sao không nói nương nghiệp, Tâm chuyển biến như vậy”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Ông trước đã nói vì dựa vào nghiệp của tội nhân, nên bốn bên ngoài chuyển biến như vậy, tại sao không nói dựa vào nghiệp lực có tội của chúng sinh kia nên tự tâm thức bên trong chuyển biến như vậy! Và cũng chính tâm hư vọng phân biệt mới nói bốn đại bên ngoài chuyển biến như vậy.
Lại nữa, Kệ nói: “Nghiệp huân tập pháp này, thọ quả sao xứ khác!
Thiện ác huân tập tâm, sao nói qua ngoài tâm”?
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Vì ông hư vọng phân biệt nói rằng, dựa vào nghiệp lực có tội của chúng sinh kia nên bốn đại bên ngoài chuyển biến như vậy, sinh ra các thứ kinh sợ cho tội nhân kia. Vì nghĩa gì, không thể nói thế này. Vì dựa vào nghiệp lực có tội của chúng sinh kia mà tự tâm thức bên trong chuyển biến như vậy. Cho nên, kệ nói: “Nghiệp huân vào pháp khác, quả làm sao xứ khác”! nghĩa là: trong Địa ngục kia, mỗi nghiệp tội của chúng sinh thọ khổ sở hữu đều dựa vào bản thân (tâm trước đầy) đã tạo tác trở lại hiện hữu trong tâm không lìa nơi tâm. Do nghĩa đó, nên nghiệp ác huân tập nơi tâm, thì trở lại ứng với tâm nay thọ quả báo khổ. Tại sao vậy? Vì nghiệp thiện, ác huân tập vào tâm thức, mà không huân tập vào bốn đại bên ngoài kia, vì trong bốn đại không là đối tượng được huân tập. Tại sao lại hư vọng phân biệt nói rằng bốn đại chuyển biến? Trong bốn đại thọ quả báo Khổ? Thế nên Kệ nói: “Thiện ác huân vào tâm, tại sao nói lìa tâm”?
Hỏi: Như ông vừa nói, tại sao không nói dựa vào nghiệp lực có tội của chúng sinh kia cho nên tự tâm thức bên trong chuyển biến như vậy, mà tâm hư vọng phân biệt nói bốn đại bên ngoài chuyển biến như vậy, đây là vì nghĩa gì? Vì có A-hàm chứng nghiệm biết. Nói Ahàm là nói ngôn giáo do Phật thuyết. Nghĩa thế nào? Nghĩa là nếu chỉ có tâm thức hư vọng phân biệt thấy cảnh giới bên ngoài, không từ cảnh giới bên ngoài như sắc... mà sinh nhãn thức… thì tạo sao? trong Kinh Như Lai nói: “Nhãn Sắc… mười hai thứ Nhập”. Vì Như Lai có nói mười hai Nhập, cho nên biết rõ có cảnh giới sắc, hương vị bên ngoài.
Đáp: Kệ nói: Phật nói các sắc nhập... để hóa độ chúng sinh, dựa người thọ pháp trước (dời trước) nên nói có hóa sinh”.
Kệ nầy có nghĩa gì? Vì ông vừa nói, có A-hàm chứng nghiệm biết các cảnh giới bên ngoài mười hai Nhập sắc, hương, vị... đều là có, nếu như vậy thì ông dẫn nghĩa của kinh không đúng! Tại sao vậy? Vì còn có trong các Tuđa-la khác Như Lai, dựa vào tâm nghiệp không đoạn không dứt, của chúng sinh kia mà nói có chúng sinh Hóa sinh. Lại nữa, trong Tu-đa-la khác nói: “không có Ngã, không có chúng sinh, không có người thọ nhận” (Vô ngã, vô chúng sinh, vô thọ giả), chỉ nhân duyên hoà hợp mới có các pháp sinh khởi. Do vậy, Kệ nói: Y cứ vào đối tượng hiện tiền thọ pháp nên nói có chúng sinh được hóa độ. Như Lai nói các Nhập sắc… như vậy để khiến cho các đối tượng được thọ pháp, vì họ chưa hiểu lý nhân duyên, thể tánh của các pháp vốn Không chứ không phải nói các cảnh giới sắc, hương vị bên ngoài. Là có thật. Bởi lẽ ấy, nên Kệ nói: “Nói các Nhập như sắc... vì Hóa độ chúng sinh”.
Hỏi: Nếu thật sự các Nhập như sắc… là không có, thì vì nghĩa gì, trong Kinh, Như Lai nói là có?
Đáp: Kệ nói: “Nương theo trí bản tâm, Thức vọng lấy ngoại cảnh, cho nên Như Lai nói, có các nội ngoại nhập”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Đó chỉ là nội tâm hư vọng phân biệt, thấy có các cảnh giới bên ngoài như sắc... Đây là nương vào chủng tử của tâm ý thức... vô thỉ chuyển biến mà hư vọng thấy các cảnh giới sắc, hương, vị... bên ngoài. Thế nên Như Lai dự vào hai thứ pháp hư vọng nầy mà nói như thế. Những gì là hai: 1. Chủng tử của Bản Thức.
2. Các cảnh giới bên ngoài hư vọng. Dựa vào hai pháp nầy mà Như Lai nói có các Nhập nhãn sắc…, thứ tự như vậy cho đến thân xúc. Vì tâm hư vọng nương vào chủng tử của tâm ý thức từ vô thuỷ đến nay chuyển biến, mà hư vọng thấy các cảnh giới sắc, hương, vị bên ngoài, nên Như Lai căn cứ vào hai pháp hư vọng nầy mà nói như vậy. Những gì là hai:
1. Chủng tử của Bản Thức. 2. Các cảnh giới hư vọng bên ngoài. Dựa vào hai Pháp nầy mà Như Lai nói có Nhập như thân xúc v.v... thứ tự như vậy. Cho nên Kệ nói: “Nương bản tâm trí kia, Thức vọng lấy ngoại cảnh, cho nên Như Lai nói, có các nội ngoại Nhập”.
Hỏi: Nếu y theo nghĩa nầy mà nói thì có công đức lợi ích gì? Đáp: Kệ nói: “Quán hư vọng không thật, sẽ hội nhập Ngã “không”,
Quán các pháp không thật, hội nhập pháp vô ngã”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Là giúp cho Thanhvăn hiểu biết thấu đáo nương theo sáu Căn, sáu Trần sinh ra sáu Thức. Nhãn, thức và sắc được thấy, cho đến Thân, thức và xúc được biết, không có một pháp nào là người thấy thật, cho đến không có một pháp nào là người biết thật, nhằm giúp cho các chúng sinh có thể Hóa độ v.v... kia khởi quán như vậy để hội nhập lý con người là rỗng không, không có gì là Ngã (Vô ngã, không, vì thế, kệ nói: “Quán hư vọng không thật, sẽ hỏi nhập Ngã “không”. Hai câu dưới của bài kệ nầy: Quán đối với pháp khác, nhập chư pháp vô ngã, lại thuyết minh nghĩa gì? Quán sát thế nào? Nghĩa là Bồ-tát quán sát các pháp khác là không có, tức không có sáu Trần bên ngoài mà chỉ có nội thức hư vọng thấy có nội căn ngoại trần. Thật sự không có một pháp trần sắc bên ngoài nào là đối tượng để thấy, cho đến thật sự không có một xúc nào là đối tượng được biết. Quán sát như vậy gọi là đạt được lý nhân duyên, thể tánh của các pháp là “không”.
Hỏi: Nếu tất cả pháp cuối cùng đều không có, tại sao trên nói chỉ có thức? Nếu như thế thì những thức đó cũng phải là không có, tại sao nói rằng chỉ có nội thức?
Đáp: Tôi không nói rằng tất cả các pháp đều rốt ráo không có, như vậy là hội nhập lý chư pháp Vô ngã.
Hỏi: Nếu như vậy, thì làm thế nào nhập pháp Vô ngã?
Đáp: Vì ngăn cản pháp hư vọng chấp pháp. Ngăn cản hư vọng chấp pháp, là vì ngoại đạo và tất cả phàm phu hư vọng phân biệt, thật có thể của các pháp là sắc... Vì muốn ngăn chận hư vọng phân biệt đó, cho nên nói tất cả mọi pháp như sắc v.v... rốt ráo “Không”, không có, chứ không phải nói đến hành xứ Vô ngôn (vượt ngoài ngôn từ phân biệt diễn đạt) thảy đều là không, không có. Hành xử “Vô ngôn”, ấy chính là hành xứ của chư Phật Như Lai. Như vậy chỉ có một Chân thức, không có thức nào khác cũng không thể như thế mà phân biệt quán sát cho rằng hội nhập lý Thức cũng rỗng không, không có. Phải biết nương vào thức mà nói hội nhập lý tất cả các pháp Vô ngã, không có nghĩa là hoàn toàn phủ định Ngã của Chân Thức, hay nói không có gì là Phật tánh, không có thức chân thật.
Hỏi: Như ông vừa nói chỉ có nội thức, không có cảnh giới bên ngoài. Nếu như thế thì nội thức là các có thể nhận lấy hay là cái không thể nhận lấy? Nếu có thể nhận lấy thì giống với các cảnh giới sắc, hương v.v... bên ngoài, nếu không thể nhận lấy thì tức là không có pháp, thế thì làm sao nói được rằng chỉ có nội thức, không có cảnh giới bên ngoài?
Đáp: Đức Như Lai phương tiện giáo hóa từng bước giúp cho chúng sinh được nhập ngã “Không” rồi đến Pháp “Không” cho nên nói có nội thức, nhưng thật ra không có nội thức có thể nắm bắt được. Nếu không phương tiện như vậy thì không thể nói được lý Ngã “Không” và Pháp “Không”. Do nghĩa đó mà hư xong phân biệt, tâm nầy biết tâm kia, tâm kia biết tâm này.
Hỏi: Lại có người hỏi rằng: Làm sao biết được chư Phật Như Lai dựa vào nghĩa nầy nói có tất cả các Nhập như sắc v.v... mà không phải thật có các Nhập như sắc v.v...? Vả lại, các thức có thể nhận lấy cảnh giới. Do nghĩa đó cho nên không được nói rằng không có các nhập như sắc v.v...?
Đáp: Kệ nói: “Kia là một không thấy, là nhiều cũng không thấy, hoà hợp cũng không thấy, nên không có pháp trần”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Ông vừa nói, các Nhập như sắc v.v... đều là thật có, bởi vì thức có thể nhận lấy cảnh giới bên ngoài; nghĩa nầy không đúng! Tại sao? Có ba nghĩa quyết định không có Nhập như... Những gì là ba:
1. Một vi trần là có thật, như các sư ngoại đạo Vệ Thế kia... hư vọng phân biệt lìa ngoài các phần thân đầu mắt ra thì thật có thần Ngã. Vi trần cũng vậy, lìa sắc, hương ra thì thật có không?
2. Nhiều vi trần khác nhau là có thật. Chúng có thể thấy (nhận biết) được không?
3. Nhiều vi trần hoà hợp là có thật. Chúng có thể thấy được không? Đây là thuyết minh nghĩa gì? Nếu một vi trần là có thật, thì không thể thấy được. Vì sao? Các sư ngoại đạo Vệ Thế kia, hư vọng lìa phân biệt, lìa ngoài các phần thân đầu mắt ra, có một thần Ngã không thể thấy được. Vi trần cũng như thế, lìa sắc, hương v.v... ra thì không thể được thấy, cho nên không có một Trần nào là thật, có thể thấy, cho nên Kệ nói: “Một kia không thể thấy”. Nếu nhiều vi trần khác nhau là thật có thì nên từng vi trần rõ ràng có thể thấy, nhưng không thể thấy. Do nghĩa đó, nên nhiều vi trần khác nhau cũng không thể thấy, cho nên Kệ nói: “Nhiều cũng không thể thấy”. Nếu nhiều vi trần hoà hợp là thật có, có thể thấy thì nghĩa nầy cũng không đúng. Tại sao? Vì một vi trần thật sự đã không có vật thì làm sao hoà hợp được, cho nên không thành! Do đó Kệ nói: “Hoà hợp không thấy được, nên không có pháp trần”.
Hỏi: Thế nào là không? Có pháp trần được thành lập?
Đáp: Kệ nói rằng: “Sáu trần đồng thời hợp, Trần ắt có sáu phương, nếu sáu phương một xứ, các đại tức một trần”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Nếu các vi trần từ sáu phương đến sáu Trần hoà hợp, như vậy thì Trần có sáu phương, nếu có sáu phương thì có sáu phía. Lại nữa, nếu vi trần có sáu xứ sở thì không dung chứa các Trần khác, do đó Kệ nói: “Sáu Trần đồng thời hợp, Trần thì có sáu phương”. Nếu sáu vi trần chỉ có một xứ, thì Xứ, một vi trần có sáu vi trần. Nếu như vậy thì sáu vi trần một Xứ nếu một Xứ là sáu vi trần thì không thể thấy được. Tại sao? Vì vi trần kia và đây đều không có sai biệt. Nếu như vậy thì tất cả các sự vật thô như núi sông... cũng không thể thấy được, do đó Kệ nói: “Nếu sáu phương một Xứ, các Đại là một Trần”. Một Trần, là không có vật như trước đã đáp, một, nhiều hoà hợp không thể thấy được.
Sư Tỳ-bà-sa nước Kế-tân hỏi: Tôi không có lỗi như thế, tại sao vậy? Vì chủ trương của tôi là vi trần không có sáu phương, tuy lìa sắc, hương, vị, xúc mà cùng với vật thô hoà hợp thành tất cả vật thô như bốn đại v.v...
Đáp: Kệ nói rằng: “Nếu vi Trần không hợp, Đại kia chỗ nào thành?
Nói vi trần không phương, nhưng nặng thành (chủ thể), có phương”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Là vi trần hoà hợp thành bốn đại hay là lìa vi trần mà riêng thành bốn đại? Đây là thuyết minh nghĩa gì? Nếu nói vi trần hòa hợp thành bốn đại thì không được nói vi trần không có phương, không có tướng mà hoà hợp nhau. Nếu nói lìa vi trần mà riêng thành bốn đại, thì bốn đại đó là bốn đại của pháp nào? Nếu như vậy thì không nên nói vi trần không có sáu phương. Cho nên Kệ nói: “Nếu vi trần không hợp, đại hợp kia chỗ nào thành?”. Đây là thuyết minh nghĩa gì? Nghĩa là nếu vi trần kia không hoà hợp nhau để thành bốn Đại, thì không nên nói Trần không có sáu phương cùng với vật thô hợp thành bốn đại. Ông nói vật thô hợp thành bốn đại, là chỉ có ngôn thuyết, đều không có sự thật. Thế nên, vi trần không thể thành một vật. Nếu vi trần đó không thành một vật mà nói tạo thành vật như bốn đại... kia thì, đều là hư vọng. Vì vậy, hai câu dưới của Kệ nầy có ý nói: “Vi trần không có sáu phương, nhưng năng thành thì có phương”.
Lại nữa, Kệ nói: “Pháp hữu phương sở khác, không được nói là một, bóng che không phải đại, hai thứ kia không thành”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Ông trước đã nói vi trần hoà hợp, nghĩa nầy không đúng? Tại sao? Kệ nói: “Pháp hữu hương sở khác, không được nói là một”.
Nghĩa là: Phương xứ vi trần, của phương Đông sở hữu khác với phương, xứ, vi trần của phương Tây sở hữu, phương Tây sở hữu phương xứ vi trần cũng khác với phương xứ, vi trần của phương Đông sở hữu. Như vậy cho đến phương, vi trần của các phương Thượng hạ cũng đều khác biệt. Thể của vi trần sai biệt như vậy, thì làm sao nói là một được? Cho nên Kệ nói: “Pháp hữu phương sở khác, không được nói là một”. “Bóng che nếu không phải đại”, đây là thuyết minh nghĩa gì? Nếu mỗi vi trần không có phương xứ, thì vì nghĩa gì mà phương Đông mặt trời mọc thì phương Tây có ảnh bóng, mặt trời về phương Tây thì phương Đông có bóng? Nếu vi trần không có tướng phương Đông, Tây, thì vì nghĩa gì mà mặt trời chỉ chiếu một phương, không chiếu các phương khác? Cho nên vi trần không thành các đại. Kệ nói: “Bóng che không phải Đại, Hai thứ kia không thành”, “Hai thứ” là nghĩa gì? Một là xứ của ánh nắng chiếu, hai là xứ của bóng che. Đây thuyết minh nghĩa gì? Nếu vi trần kia không che chướng Trần nầy, thì được nói Trần có phương sở, tại sao vậy? Vì vi trần không có phương sở và phân xứ mười phương sai biệt, vi trần từ phương Đông kia đến thì không thể che chướng với vi trần phương Tây nầy, vi trần phương Tây cũng không thể che chướng vi trần phương Đông, nếu Trần ở đây, kia không che chướng lẫn nhau thì tất cả Trần tụ tập tại một xứ, nếu tất cả Trần tụ tập tại một xứ, thì đó là không có xứ. Do nghĩa đó, tất cả bốn Đại đều là vi trần, nếu đều là vi trần thì không thể thấy, như đã nói ở trên.
Hỏi: Tại sao không nói bóng che của bốn đại, mà nói vi trần có bóng che?
Đáp: Tôi hỏi lại ông, là lìa vi trần riêng có bốn đại, mà chỉ nói bốn đại có bóng che hay sao?
Hỏi: Người vấn nạn giải thích: Không lìa vi trần mà có bóng che.
Đáp: Không lìa vi trần mà có bốn đại, thì không phải bốn đại có bóng che. Vì nghĩa gì mà không nói vi trần tự có bóng che, không phải bốn đại có bóng che!
Hỏi: Là vi trần có bóng che hay là bốn Đại có bóng che? Hãy để việc đó không cần phải phân biệt, nhưng tướng của Nhập như sắc... không thể hoàn toàn khiến nó không có.
Đáp: Tôi lại hỏi ông, những pháp gì là tướng của Nhập?
Hỏi: Người vấn nạn giải thích: Cảnh giới xanh, vàng, đỏ, trắng… của Nhãn… các pháp như vậy gọi là tướng của cả Nhập.
Đáp: Ý của tôi chính suy nghĩ việc nầy là muốn lợi ích chúng sinh, tại sao các nội Nhập như căn mắt... nhận lấy cảnh giới bên ngoài (Ngoại nhập) như xanh, vàng...? Cảnh giới ấy là một vật hay là nhiều vật? Nếu nhiều vật thì vừa nói không thể thấy được, nếu là một vật thì cũng không thể nhân lấy được.
Kệ nói: “Nếu một (thì) hành không thứ tự, thủ, xả cũng phải đồng, vô lượng xứ không khác, vi tế cũng phải thấy”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Nếu (cảnh giới) là một vật thuần màu xanh, không xen tạp các màu vàng…, thì người phân biệt cảnh giới của mắt, thì hành trong địa không được nói rằng có hành thứ tự. Cho nên kệ nói rằng: “Một, hành không thứ tự”. Câu nầy thuyết minh nghĩa gì? Nếu thuần một màu xanh là một vật, khi nhấc chân một lần bước đi thì khắp tất cả chỗ màu xanh, nhưng vì không khắp cho nên không phải là một. Kệ nói: “Thủ, xả cũng phải đồng”. Câu nầy thuyết minh nghĩa gì? Nếu thuần một vật màu xanh, thì khi nhấc chân bước đi, tại sao chỉ có nơi chỗ của bước chân đặt xuống, và có khoảng trống của những chỗ chưa bước tới và khoảng giữa của các bước chân? Vì nghĩa gì mà không phải một bước thì được đến nơi, một bước khác thì không có đến nơi? Lại nữa, nếu là một vật thì không được nói rằng chân bước chỗ nầy, không bước chỗ kia (đồng một lúc), cho nên Kệ nói rằng: “Thủ, xả cũng phải đồng”. Vô lượng xứ không khác “. Câu nầy thuyết minh nghĩa gì? Nếu thuần màu xanh một đoạn là một vật thì vì nghĩa gì mà có nhiều sai biệt như voi, ngựa, xe, không cùng một xứ. Nếu cùng một xứ thì chỗ voi đứng cũng phải có ngựa đứng, và như thế thì không nên có chỗ đứng sai biệt của voi và ngựa... Lại nữa, nếu là một thì vì nghĩa gì mà chỗ đến của voi thì ngựa không đến? Lại nữa, nếu là một thì giữa voi và ngựa tại sao có khoảng trống? Do đó Kệ nói rằng: “Vô lượng xứ không khác.” Vi tế cũng nên thấy”. Câu nầy thuyết minh nghĩa gì? Nếu màu xanh v.v... kia là một vật, thì các vật màu xanh trong nước kia, có các côn trùng lớn nhỏ màu xanh, vì nghĩa gì mà chỉ thấy trùng lớn, không thấy trùng nhỏ? Cho nên Kệ nói: “Vi tế cũng nên thấy”. Do vậy, không có những trường hợp trên (hành không thứ tự, thủ xả....) thì cảnh hẳn nhiên không thể là một vật.
Hỏi: Vì nghĩa gì mà ý thức tư duy màu xanh, vàng kia?
Đáp: Vì ông hư vọng phân biệt nói cảnh giới xanh, vàng... là tướng của Nhập là thật có, cho nên tôi quán sát sự sai biệt của vi trần, nhưng vi trần kia không thành một vật, vì không thành một cho nên cảnh giới của sắc... mắt... không nhận lấy được. Do đó thành tựu nghĩa của Tôi nói: chỉ có nội thức, không có cảnh giới bên ngoài.
Hỏi: Y cứ vào lòng tin mà nói có, có bốn loại để tin: 1. Hiện thấy.
2. So sánh biết. 3. Thí dụ. 4. A-hàm. Trong các loại tin nầy thì tự nhiên thấy là tối thắng, nếu không có các cảnh giới sắc bên ngoài như sắc... tại sao người đời nói “tôi hiện thấy vật nầy màu xanh”?
Đáp: Kệ nói: “Hiện thấy như trong mộng, thấy cảnh thấy không cùng khi thấy, không phân biệt, làm sao nói hiện thấy”?
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Như trước tôi dã nói mộng thấy hư vọng. Các phàm phu, phiền não, các sự việc thấy ở trong mộng cũng đều là hư vọng, cho nên Kệ nói rằng: “Hiện thấy như trong mộng”. “Thấy cảnh thấy không cùng”. Câu nầy thuyết minh nghĩa gì? Như hiện thấy sắc mà không biết nghĩa của sắc (màu gì). Đây là thuyết minh nghĩa gì? Như người kia khi hiện thấy màu xanh, vàng v.v... khởi nghĩ thế này: “Ta tuy hiện thấy màu xanh vàng”, nhưng lúc đó không thấy nghĩa của màu xanh vàng. Tại sao vậy? Vì sau khi ý thức phân biệt rồi mới biết rõ, khi ý thức phân biệt thì không cùng thời có nhãn thức, vì nhãn thức… đã diệt trước. Vậy sao có thể nói “Ta hiện thấy màu xanh vàng kia”? Trong Phật pháp không có nghĩa như vậy. Tại sao? Vì tất cả pháp niệm niệm không dừng trụ, vì khi thấy sắc, thì không có ý thức theo nhân lấy cảnh giới, khi ý thức khởi thì không có nhãn thức… theo nhận lấy cảnh giới. Do nghĩa đó, không được nói tin hiệu thấy là tối thắng trong bốn loại tin. Vì thế, nên Kệ nói: “Thấy, cảnh thấy không cùng, khi thấy, không phân biệt, làm sao nói hiện thấy “.
Hỏi: Nghĩa nầy không đúng, tại sao? Vì phàm cảnh giới bên ngoài trước hết là là do nhãn thức thấy, sau đó ý thức nhớ nghĩ phân biệt rõ, cho nên chắc chắn có các cảnh giới bên ngoài như sắc, hương, vị... Do nghĩa đó, không được nói rằng không có cảnh giới bên ngoài. Tại sao? Vì thấy các cảnh giới bên ngoài như màu xanh... gọi là hiện thấy cảnh giới màu xanh...
Đáp: Nghĩa nầy không đúng? Tại sao vậy? Ông vừa nói, nhãn thức thấy trước hết, sau đó ý thức nhớ nghĩ phân biệt rõ, nghĩa nầy cũng không thành. Tại sao? Trước tôi đã nói, là do tự tâm thức bên trong hư vọng phân biệt có Cảnh giới bên ngoài, chứ thật sự không có các cảnh giới bên ngoài. Nghĩa là hướng đến nói nhãn thức hư vọng phân biệt. Như nói tất cả những gì thấy trong mộng, nương vào hư vọng phân biệt của thời gian trước kia, thời gian sau, ý thức tư duy nhớ nghĩ. Đây là nghĩa gì? Nghĩa là dựa vào thời gian trước đó hư vọng phân biệt cảnh giới sắc, nên nhãn thức hư vọng dấy khởi tâm tương ưng với ý thức hư vọng thân phân biệt, tư duy: “Ta phân biệt biết cảnh giới xanh…”, vì vậy không được nói mắt thấy cảnh giới, ý thức thì phân biệt. Cho nên, nhãn thức thấy sắc trước, sau đó ý thức nhớ nghĩa phân biệt; nghĩa này không thành.
Hỏi: Như khi mộng thấy sắc thì hư vọng nhớ nghĩ, khi thức dậy thì cũng hư vọng phân biệt như vậy. Nếu như vậy thì vì nghĩa gì, người đời mộng thấy đều biết là hư vọng, nhưng khi thức dậy thì những gì đã thấy đều không hư vọng? Cho nên cảnh sắc.... được thấy khi thức dậy, không đồng cảnh thấy hư vọng trong khi mộng.
Đáp: Kệ nói: “Trước nói hư vọng thấy, là nương vọng tưởng nhớ, người mộng thấy hư vọng, chưa thức thì không biết vọng”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Ông vừa nói, như mộng thấy sắc đều là hư vọng, khi thức dậy thì những gì đã thấy đều không phải như vậy, nghĩa so sánh quyết định nầy không tương ưng. Tại sao vậy? Vì người thấy mộng đang khi chưa thức dậy thì đều cho là thật, đến khi thức dậy mới biết hư vọng, cho nên Kệ nói rằng: “Người thấy mộng hư vọng, chưa thức thì không biết”. Như vậy, những người phàm phu thế gian, từ vô thuỷ đến nay hư vọng điên đảo phân biệt huân tập vào giấc mộng vô minh, thấy cảnh giới bên ngoài không thật cho là thật, do mộng đã thức tỉnh thì thấy các cảnh giới kia đều là hư vọng. Đây là vì nghĩa gì? Vì để đạt được thật trí đối trị của pháp xuất thế không còn phân biệt, hiểu và nhận biết rõ như thật về tất cả pháp sắc v.v... bên ngoài của thế gian đều là hư vọng. Nương vào thật trí, thanh tịnh xuất thế đó liền đạt được trí huệ thù thắng của thế gian và xuất thế gian hiện tiền; như thật thấy biết tất cả cảnh giới đều là hư vọng. Người đã hiểu biết như thật nghĩa, thì cảnh mộng, thức không khác.
Hỏi: Nếu chỉ có tự tâm chuyển biến, hư vọng phân biệt thấy cảnh giới bên ngoài như vậy, thì cảnh giới đó không có thật. Vì nghĩa gì mà gặp thiện tri thức nghe thuyết pháp thiện, gặp ác tri thức nghe thuyết pháp ác? Nếu tất cả cảnh giới bên ngoài không có thì kia làm sao nói? Nếu không nói thì đây làm sao được nghe? Nếu không được nghe thì nghĩa nầy làm sao thành?
Đáp: Kệ nói: “Cùng chung tăng thượng nhân, tâm đây kia duyên hợp, vô minh che lấp tâm nên quả mộng, tỉnh khác”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Tất cả chúng sinh hư vọng phân biệt tư duy nhớ nghĩ, người kia nói thì ta nghe. Y thức nương vào người nói trước đây, ý thức nương vào người nghe sau đó, khởi tâm trước, sau như vậy, người kia nói thì ta nghe, mà thật ra không có cảnh giới trước kia, cho nên Kệ nói rằng: “Cùng chung tăng thượng nhân, tâm kia đây duyên hợp”.
Hỏi: Nếu như trong mộng, tâm thức hư vọng không có cảnh giới thật, thức dậy cũng như thế thì vì nghĩa gì, trong mộng và trong tỉnh thực hành các pháp thiện, pháp ác, quả báo ái và quả báo không ái không giống nhau?
Đáp: Kệ nói: “Vô minh che lấp tâm, nên quả mộng tỉnh khác”. Đây là thuyết minh nghĩa gì? Như tôi đã nói: Chỉ có nội tâm, không có ngoại cảnh. Vì tâm của mộng và tỉnh khác nhau, cho nên không y cứ vào cảnh giới bên ngoài để thành tựu thiện nghiệp và bất thiện nghiệp.
Hỏi: Nếu tam giới kia chỉ là nội tâm, không có thân, khẩu nghiệp, cảnh giới bên ngoài, thì vì nghĩa gì mà người đồ tể săn bắn giết hại heo dê và trâu ngựa? Nếu họ không phải là thợ săn giết hại heo dê trâu ngựa, thì vì nghĩa gì mà những người đồ tể đó bị tội sát sinh? Cho nên phải có cảnh giới của thân khẩu nghiệp như sắc, hương... bên ngoài?
Đáp: Kệ nói rằng: “Chết do tâm người khác, cũng do ở tự tâm, nương các thứ nhân duyên, phá mất tự tâm thức”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Như người dựa vào Quỉ Tỳ-xá-xà, do đó mà mất tâm, hoặc dựa vào tự tâm mà mất tâm, hoặc nhớ nghĩ đến sự yêu mến và không yêu mến mà mất tâm, hoặc mộng thấy bị quỉ bắt mà mất tâm, hoặc Thánh nhân thần thông chuyển biến hiện tiền, người đó mất tâm, như trong Kinh nói: “Tỳ-kheo Đại Ca-chiên-diên, làm cho vua Bà-la-na thấy ác mộng”. Lại nữa, trong Tỳ-ni, (Luật) kể: Có một Tỳ-kheo, ban đêm trợt vỏ dưa làm chết con ễnh ương mà đọa vào ác đạo. Cho nên Kệ nói: “Nương các thứ nhân duyên, phá mất tự tâm thức”. Hai câu kệ “Chết do tâm nương người khác, cũng do ở tự tâm”, Nghĩa này thế nào? Tức do tâm của Tiên nhân sân hận với Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-Đa-la nên giết hại các chúng sinh khác, đây gọi là nương vào tâm người khác và tâm chúng sinh khác mà hư vọng phân biệt mạng căn diệt mất, vì thân mạng kia có tương tục, đoạn tuyệt, phải nên biết như vậy. Lại kệ nói: “Kinh nói nước Đàn-noa-ca, Ca-lăng và Ma-đăng, Tiên nhân giận giết hết, cho nên tâm nghiệp nặng”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Nếu có người chết không nương vào tự tâm, không nương vào tha tâm, nếu người như vậy, thì vì nghĩa gì mà Như Lai muốn cho họ trở thành tâm nghiệp nặng? Do đó trong Kinh Phật hỏi Trưởng giả Ưu-ba-ly: “Này Trưởng giả! Ông đã từng nghe vì nhân duyên gì mà nước Đàn-noa-ca, nước Calăng-ca, nước Ma-đăng-già đồng hoang trống vắng, không có chúng sinh và cây cỏ hay không”? Trưởng giả Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thưa Ngài Cù-đàm: Tôi trước kia đã từng nghe, Tiên nhân kia dựa vào tâm sân, sát hại vô lượng chúng sinh như vậy”. Do đó, nên biết chỉ có ý nghiệp. Nếu không như vậy thì tại sao Như Lai trong các Kinh nói như thế. Cho nên Kệ nói rằng: “Kinh nói nước Đàn-noa-ca, Ca-lăng và Ma-đăng, Tiên nhân giận giết hết”.
Hỏi: Tiên nhân nổi tâm sân, dựa vào tâm sân của Tiên nhân mà Quỉ sát hại chúng sinh của ba nước như vậy, chứ không phải chết vì tâm sân của Tiên nhân ư?
Đáp: Đức Như Lai hỏi bậc học vấn lâu năm Ni-kiềntử: Theo Kinh ngoại đạo của các ông, “trong ba nghiệp, nghiệp nào là nặng”? Ni-kiền-tử đáp: “Thân nghiệp là nặng”. Phật bảo nầy Ni-kiền-tử! “Trong mỗi mỗi thành đó, sở hữu chúng sinh là nhiều hay ít”? Ni-kiền-tử đáp: “Vô lượng vô biên, không thể tính biết”. Phật nói: “Này Ni-kiền-tử. Nếu có người ác muốn giết hại những chúng sinh nầy, thì mấy ngày có thể giết hết”? Ni-kiền-tử nói: “Không dễ gì một năm, hai năm mà có thể giết hết”. Phật bảo Ni-kiền-tử: “Chúng sinh ba nước Ma-đăng-già..., ông đã từng nghe qua tại sao mà chết không? Vì Thân nghiệp giết chết hay Ý nghiệp giết chết”? Ni-kiền-tử nói: “Thưa Cù-đàm: Tôi trước kia đã từng nghe, Tiên nhân nổi tâm sân, dùng ý nghiệp mà giết chết số chúng sinh như vậy”. Phật nói: “Ni-kiền-tử! Nếu như vậy, tại sao lại nói thân nghiệp là nặng”? Ni-kiền-tử nói: “Đúng vậy, đúng vậy! Vì tôi không suy xét kỹ nghe lầm mà nói”. Do nghĩa đó, chứng minh nghĩa của tôi nói được thành tựu. Tam giới duy tâm, không có thân nghiệp và khẩu nghiệp. Đây là vì nghĩa gì? Như người đời nói, giặc cướp thiêu đốt núi rừng, xóm làng, thành ấp, nhưng không nói lửa đốt, nghĩa nầy cũng vậy, chỉ dựa vào tâm mà nghiệp thiện, ác đều thành.
Do nghĩa đó, Kệ nói: “ Tâm là gốc muôn pháp, tâm là hơn trong pháp, lìa tâm không có pháp, Duy tâm, thân, khẩu danh” (thân khẩu chỉ là danh).
“Duy tâm thân, khẩu danh”, là chỉ có tâm thức, không có thân nghiệp và khẩu nghiệp. Thân khẩu nghiệp là chỉ có tên gọi. Thật sự là “ý nghiệp, mà gọi là thân, khẩu”. Nghe rằng: “Nếu bảo chỉ có tâm, không có cảnh bên ngoài”, nghĩa nầy không đúng. Tại sao vậy? Vì tha tâm trí, là quán sát tâm mọi người mọi chúng sinh khác tức, là cảnh giới bên ngoài. Tại sao nói rằng không có cảnh giới bên ngoài? Lại hỏi: tha tâm trí, là tâm thật biết hay là không thật biết? Nếu không thật biết thì tại sao nói biết tha tâm? Nếu thật biết thì tại sao nói rằng không có cảnh giới bên ngoài? Đáp: Kệ nói: “Tha tâm biết về cảnh, không như thật nhận biết, vì không lên thức cảnh, chỉ Phật biết như thật “.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Tha tâm trí là sự nhận biết (tri) không như thật, tại sao vậy? Vì tự nội tâm hư vọng phân biệt, vì là tha tâm thì không thể biết rõ. Tại sao vậy? Vì tự tâm, ý, ý thức xen tạp, cho nên Kệ nói rằng: “Tha tâm biết ở cảnh, không như thật giác tri, vì không lìa thức, cảnh”.
Hỏi: Tất cả Thánh nhân đều không thể biết tâm chúng sinh khác hay là có biết?
Đáp: Kệ nói: “Chỉ Phật biết như thật “. Đây là thuyết minh nghĩa gì? Như cõi Phật, quả Phật, cảnh giới thể tánh như thật, không có ngôn ngữ nào có thể diễn đạt thù thắng, vi diệu chỉ có Phật biết được, không ai có thể biết. Bởi tha tâm trí của thế gian không thể biết như thật hai pháp,(Thức và Cảnh) nên hư vọng phân biệt cảnh giới được nhận lấy (khả thủ) và thức chủ thể nhận lấy (năng thủ). Người thế gian lại hư vọng phân biệt đây chỉ là Thức. (cảnh giới của thức). Tuy nhiên cảnh giới thâm sâu, vô lượng vô biên, không phải do tâm thức đó có thể đo lường được. Cho nên kệ nói: “Tạo Duy thức luận nầy, nghĩa không thể suy lường, cảnh giới diệu của Phật, phước đức cho quần sinh”.
Kệ nầy thuyết minh nghĩa gì? Đây là cảnh giới rất sâu xa của chư Phật, không phải chúng ta có thể suy lường biết. Tại sao vậy? Vì đó không phải là cảnh giới suy lường của tâm, ý, ý thức. Nếu như vậy thì đó là cảnh giới nào? Kệ nói: “ Cảnh giới diệu của Phật”. Đây là thuyết minh nghĩa gì? Chỉ có chư Phật Như Lai dùng Nhất thiết chủng trí, biết như thật hết thảy mọi cảnh giới.