TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG LUẬN

BỘ DU GIÀ

SỐ 1607 - LUẬN LỤC MÔN GIÁO THỌ TẬP ĐỊNH

Tác giả: Bồ-tát Vô Trước Soạn Bồ-Tát Thế Thân giải thích Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh Đời Đường


Nay muốn làm lợi ích cho tất cả hữu tình, khiến tu tập định Thế gian và định Xuất thế, có thể nhanh chóng xả lìa bỏ tất cả phiền não, nên thuật lại phương tiện nầy.

Tụng rằng:

Người cầu thoát chứa nhóm
Nơi trụ, siêng tu tập,
Được ba viên mãn rồi,
Hữu y tu định nhân.

Giải thích: Bài tụng thứ nhất nầy nêu chung sáu môn. Nói: "Người cầu thoát", là người cầu giải thoát. "Chứa nhóm", là có thể chứa nhóm tư lương thắng hạnh. "Nơi trụ siêng tu tập", là đối với xứ sở duyên khiến cho tâm khéo trụ, gọi là Định, vì không tán loạn và không dao động.

Hỏi: Thế nào là tu tập?

Đáp: Là "đắc ba viên mãn rồi, có người nương tu định". Viên mãn có ba thứ:

1. Thầy trò viên mãn.

2. Sở duyên viên mãn.

3. Tác ý viên mãn. "Hữu y", là ba định:

1. Định hữu tầm hữu tứ.

2. Định vô tầm duy tứ.

3. Định vô tầm vô tứ.

"Người Tu định", là người có thể tu tập Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na, hoặc người có thể giải thoát mà phát khởi tâm nguyện lạc, đã từng chứa nhóm tâm giải thoát tư lương nương vào định có ba thứ như thầy trò v.v… mà làm chỗ nương cho hữu y để tu tập, do tu định nên có thể đạt được các phước của thế gian cho đến quả thù thắng viên mãn, trước hết khởi an lập thứ lớp như vậy, nên gọi là "nêu chung".

Tụng rằng:

Nơi ba thừa lạc thoát, Gọi người cầu giải thoát, Hai thứ chướng dứt hoàn toàn, Đó gọi là giải thoát.

Phải biết chấp thọ thức, Là hai chướng thể tánh,

Hoặc chủng, Nhất thiết chủng, Vì trói buộc hai người.

Đã trừ phiền não chướng, Tập khí chưa dứt trừ, Đây là thanh văn thừa, Chỉ có phật năng đoạn.

Nếu hoặc kia không có, Làm dáng như có hoặc, Là tập khí đời trước, Nếu trừ thì khác đây.

Giải thích: Bốn bài tụng nầy giải thích người cầu giải thoát, là đối với Thanh văn thừa… Có khác nhau, trong ba thừa thì tâm ưa giải thoát, gọi là cầu giải thoát.

Hỏi: Thế nào là giải thoát?

Đáp: Hai chướng hoàn toàn dứt, đó gọi là giải thoát. Hỏi: Cái gì là hai chướng?

Đáp: Dứt nó thì gọi là thoát, phải biết chấp thọ thức là thể tánh của hai chướng. Thức, tức là thức A-lại-da. Chấp thọ, là nghĩa nương dựa, là thể tánh của Phiền não chướng và Sở tri chướng.

Hỏi: Hai chướng nầy lại thế nào?

Đáp: Hoặc chủng tức là tự tánh của Phiền não chướng, Nhất thiết chủng tức là tự tánh của Sở tri chướng. Lại nữa, Nhất thiết chủng, tức là hạt giống của hai chướng, trói buộc hai người. Hạt giống của Phiền não chướng trói buộc Thanh văn, Nhất thiết hạt giống có thể trói buộc Bồ-tát, vì cùng với Thanh văn và Bồ-tát tạo lệ thuộc.

Hỏi: Thế nào là hai giải thoát nầy sai khác?

Đáp: Là người Thanh văn tập khí chưa trừ, dứt Phiền não chướng mà chứng giải thoát thì chỉ có Phật Thế Tôn mới có thể trừ hết.

Hỏi: Thế nào là Tập khí?

Đáp: Hoặc kia tuy không được tạo tác hình ảnh oai nghi, nhưng như người có hoặc thì gọi là tập khí. Trong đây lẽ ra phải nói: "Nếu hoặc tuy không có, nhưng khiến tạo tác hình tướng như người có hoặc", đây là nói "tạo tác oai nghi như người có hoặc", tức là đối với nhân mà gọi là quả. Hoặc kia, là hoặc của Thanh văn Độc giác.

Hỏi: Vậy đây là tập khí của ai?

Đáp: Đó là tất cả các sự tập quen ở đời trước còn thừa lại âm hưởng, hiện tại tuy Hoặc đã hết, nhưng việc đã làm tướng trạng tương tự nơi hình tướng oai nghi nhiễm ô, gọi là tập khí, nếu trừ dứt thì bất đồng với Hoặc nầy, phải nói: "Nếu tập khí đều không có, thì không tạo tác oai nghi như hoặc".

Tụng rằng:

Gieo trồng các gốc lành,
Vô nghi, trừ nhiệt não,
Trong dòng pháp thanh tịnh,
Gọi đó là chứa nhóm.
Năng trì, ưa nghe pháp,
Khéo trừ hai kiến đó,
Chỉ nghe tâm hỷ túc,
Phải biết là bốn việc.

Giải thích: Hai bài tụng nầy giải thích nghĩa chứa nhóm. Như trong kinh nói: "Người nầy trước kia lẽ ra tu tập đa văn, lại nghe chánh pháp, các kiến và nhiệt não đã chánh thức dứt trừ, triền cái của tâm có thể chánh hàng phục, nương vào văn nghĩa nầy nên nói bài tụng thứ nhất".

Hỏi: Thế nào là chứa nhóm tất cả thiện căn?

Đáp: Là năng lực thọ trì chánh pháp, lấy đây làm đầu, khiến cho tín… đối với các pháp thiện tăng trưởng. Hỏi: Thế nào không nghi?

Đáp: Là ưa nghe pháp, vì biết pháp nên tất cả nghi hoặc đã sinh hoặc chưa sinh đều được trừ diệt.

Hỏi: Thế nào là trừ nhiệt não?

Đáp: Là trừ hai kiến. Hai kiến là:

1. Muốn khiến kẻ kia biết tri kiến.

2. Tự khởi kiến cao cử.

Nếu nghĩ rằng: "Làm sao khiến cho người khác biết được ta là người đủ đức", đó là muốn khiến kẻ kia biết tri kiến. Nương vào kiến nầy muốn tự đề cao mình lên gọi là tự cao kiến. Hai kiến ấy khiến cho tâm nóng bức nên gọi là nhiệt não.

Hỏi: Thế nào là pháp lưu thanh tịnh?

Đáp: Là có khả năng dứt trừ tâm sinh hỷ túc chỉ khi nghe pháp, chữ trừ của trừ nhiệt não trong câu trên là lưu nhập vào thanh tịnh nầy. Trong dòng pháp thanh tịnh, là khi nghe pháp, tâm không tán loạn mà lưu thông nối tiếp, vì tâm thanh tịnh nên triền cái dứt mất. Nếu nghe pháp mà không thỏa, lại có thể tinh tấn tư duy siêng năng tu hành không nghĩ mới được gọi là dòng pháp thanh tịnh, phải biết đây là y cứ theo các vị của Văn Tư Tu, như thứ lớp mà biết.

Kế là có mười sáu bài tụng giải thích về trụ, cần, tu tập. Bài tụng thứ nhất là nêu chung, các bài tụng còn lại là giải thích riêng.

Tụng rằng:

Sở duyên và tự thể,
Sai khác gồm tác ý,
Tâm loạn trụ tư lương,
Tu định xuất ly quả.

Nói Sở duyên có ba thứ:

Ngoại, thượng cho đến nội,
Do ba sở duyên sinh,
Phải biết có ba trụ,
Tự thể tâm không loạn.

Giải thích: Nói ba thứ: 1. Ngoại duyên. 2. Thượng duyên. 3. Nội duyên. Ngoại duyên là sự hiển hiện ảnh tượng của các pháp quán xương trắng… là cảnh giới sơ học. Thượng duyên là định vị chí duyên theo tướng Tĩnh lự. Nội duyên là từ việc hiện tướng trong ý ngôn của nó mà làm cảnh sở duyên. Tự thể là trong tâm không có tướng tán loạn, gọi là trụ. Tâm không tán loạn, là khi đối với ba duyên, thì tùy sở duyên mà tâm không loạn động.

Tụng rằng:

Thứ nhất trụ tương ưng,
Định tâm là năng kiến,
Nơi cảnh không dời niệm,
Nối tiếp, người sáng suốt.
Thứ hai trụ tương ưng,
Tâm nhàm lìa vắng lặng,
Chuyên ý không dời niệm,
Nối tiếp, người sáng suốt.
Thứ ba trụ tương ưng,
Nơi tiền cảnh ngưng trụ,
Định ý không dời niệm,
Nối tiếp, người sáng suốt.

Giải thích: Ba bài tụng nầy như thứ lớp, phối hợp theo ba duyên ngoại thượng nội. "Nơi cảnh không dời niệm", là đối với các cảnh khác tâm không tán loạn, nên gọi là không dời niệm. "Nối tiếp", là giữ lấy tâm bền chặt không để dứt mất. "Người sáng suốt", hoặc là do theo tư duy của mình, hoặc do người khác dạy mà đối với pháp Tĩnh lự khởi gia hạnh, gọi là người sáng suốt, phải biết như tiếp theo đó là chủng tánh của tùy pháp hạnh và tùy tín hạnh. "Chán lìa tâm vắng lặng, chuyên ý không dời niệm": Là đối với cảnh sinh tâm chán lìa, trụ thứ nhất trước chỉ có quán cảnh nên chưa thể sinh chán, trụ thứ hai nầy là tâm chuyên chú sinh chán lìa mà không tán động. "Nơi tiền cảnh ngưng trụ", là việc hiện cảnh trong ý ngôn, khi duyên cảnh nầy thì tâm đó tập trung trong định, nên nói định ý không dời niệm, nối tiếp người sáng suốt.

Tụng rằng:

Chấp chặt và chánh lưu,
Gồm xét kỹ ý đó,
Chuyển đắc tâm vui mừng,
Khi phẩm đối trị sinh.
Hoặc sinh có thể trừ,
Gia hạnh thường vô gián,
Thực hành đạo nhậm vận,
Bất tán chín nên biết.

Giải thích: Trong trụ kia, sai khác có chín thứ:

1. Tối sơ trụ.

2. Chánh niệm trụ.

3. Phúc thẩm trụ.

4. Hậu biệt trụ.

5. Điều nhu trụ.

6. Vắng lặng trụ.

7. Hàng phục trụ.

8. Công dụng trụ.

9. Nhậm vận trụ.

Các sai khác nầy dựa vào kinh A-cấp-ma, tùy theo thứ lớp câu mà tu tập. Nếu khi mới bắt đầu nghiên cứu học duyên cảnh thì tâm đó còn chấp chặt nên gọi là sơ trụ, kế sau là khiến cho chánh niệm được trôi mãi không dứt, gọi là Chánh niệm tru. Nếu dựa vào đây mà có tâm loạn sinh khởi thì liền quán sát ngược lại duyên cảnh mà trụ, gọi là Phúc thẩm trụ. Sau đó là chuyển đắc sai khác, gọi là Hậu biệt trụ, kế là đối trị tâm sinh khởi, khi được tự tại sinh vui mừng, gọi là Điều nhu trụ. Đối với hỷ ái nầy khi dùng tâm vô ái đối trị sinh, thì sự ái lạc không có, tâm đó an tĩnh, gọi là Vắng lặng trụ. Kế là tất cả trọng chướng của phiền não hoặc đã sinh hoặc chưa sinh đều bị hàng phục, gọi là Hàng phục trụ, kế sau dùng tâm gia hạnh đối với cảnh của sở duyên liên tục tùy chuyển một duyên mà trụ, gọi là Công dụng trụ. Kế sau, đối với cảnh của sở duyên, tâm không có gia hạnh, nhậm vận tùy lưu vô gián nhập định duyên theo đạo quán tập, gọi là Nhậm vận trụ. Chín thứ tâm bất lưu tán nầy, gọi là Trụ. Phải biết dùng hai chữ Bất tán nầy cùng với Chấp chặt… phối hợp tương thuộc với nhau.

Tụng rằng:

Cố gắng có kẽ hở,
Hữu dụng và vô dụng,
Trong đây một sáu hai,
Bốn tác ý phải biết.
Là ngoại nội tà duyên,
Thô nặng gồm tác ý,
Loạn tâm nầy có năm,
Đó là trái với định.
Nơi kia trụ tâm duyên,
Bất tĩnh ngoại tán loạn,
Trạo trầm tâm vị chấp,
Nội tán loạn phải biết.
Ứng thức tướng tà duyên,
Là tư duy thân tộc,
Sinh hai thứ ngã chấp,
Gọi là thô nặng loạn.
Thấy cảnh trước rõ ràng,
Quán phân biệt tướng ấy,
Là Tác ý tán loạn,
Khác với niệm tâm nầy.
Trong tác ý tán loạn,
Lại có tướng loạn đó,
Với thừa và Tĩnh lự,
Hai thứ Đầu, phải dứt.

Giải thích: Phải biết tác ý có bốn thứ:

1. Lệ năng lực hà phụ tác ý (gắng sức đảm đương).

2. Hữu gián hà phụ tác ý.

3. Hữu công dụng hà phụ tác ý.

4. Vô công dụng hà phụ tác ý.

Trong đây chấp chặt, bất tán là lệ năng lực hà phụ tác ý, vì ban đầu thì dùng công năng lực đảm đương; kế đó là sáu thứ bất tán như chánh lưu… là hữu gián hà phụ tác ý, trung gian thường có tâm loạn khởi; gia hạnh vô gián là hữu công dụng hạnh hà phụ tác ý; nhập đạo quán tập là vô công dụng hạnh hà phụ tác ý. Như vậy đã nhiếp rồi là một sáu hai, phải biết tức là bốn thứ tác ý.

Lại nữa, tâm tán loạn có năm thứ:

1. Ngoại tâm tán loạn.

2. Nội tâm tán loạn.

3. Tà duyên tâm tán loạn.

4. Thô nặng tâm tán loạn.

5. Tác ý tâm tán loạn.

-     Ngoại tâm tán loạn: Là khi trụ tâm cảnh khởi duyên mà lại duyên việc khác, vì tâm lưu tán.

-     Nội tâm tán loạn: Là ba thứ như trạo cử… trong cảnh sở duyên tạp loạn khởi.

-     Tà duyên tâm tán loạn: Là trong khi tu định thì các hữu tầm cầu, các sự gần với thức… sinh đoái hoài lưu luyến.

-     Thô nặng tâm tán loạn: Là có hai ngã chấp khiến tâm đó tán loạn, khi tu định thì có hai việc nầy, là ích và tổn. Nếu thân an ổn thì gọi là ích, thân thể suy yếu thì đó là tổn, hoặc nói ta nay được vui, hoặc nói nay ta bị khổ, hoặc nói là vui của ta, hoặc nói là khổ của ta. Ngã trong đây là nghĩa chấp giữ.

-     Tác ý tâm tán loạn: có ba thứ, là đối với tướng của sở duyên rõ ràng mà trụ, là tánh tư duy quán sát, hoặc từ thừa nầy lại tiến đến thừa khác, hoặc từ định nầy lại tiến đến định khác, là khi cực phân biệt định tư sát, bèn sai khiến tâm loạn, tâm tán loạn, khác với tâm nầy thì chỉ có niệm tâm, niệm tâm nầy có thể đối trị tác ý tán loạn khi mới bắt đầu, do không phân biệt mà duyên theo cảnh thì chỉ có niệm tâm, đây là nói thành tựu tâm không quên niệm. Ba thứ tán loạn nầy, hai thứ trước nên xả bỏ, tán loạn thứ ba là do từ định đến định, hy vọng thù thắng tăng thượng nên cũng không phải là lỗi.

Tụng rằng:

Trụ giới, giới thanh tịnh,
Là tư lương, trụ xứ,
Khéo giữ gìn các căn,
Bốn nhân tịnh phải biết.
Chánh hạnh nơi pháp giới,
Cùng hợp với sở y,
Đối việc thiện siêng tu,
Có thể trừ tội lỗi.
Tối sơ đắc tác ý,
Kế đắc thế gian tịnh,
Lại thêm xuất thế trụ,
Ba định siêu ba cõi.

Giải thích: Trụ tư lương là giới, tức là chỗ nương của vô biên công đức, trước phải trụ trong giới. Giới hạnh thanh tịnh không có thiếu phạm, nếu cầu giới tịnh thì có bốn thứ nhân:

1.     Khéo hộ các căn.

2.     Ăn uống vừa no.

3.     Đầu hôm gần sáng tự tỉnh thức tương ưng với Định.

4.     Trong bốn oai nghi, chánh niệm mà trụ.

Hỏi: Thế nào là khéo giữ gì các căn khiến cho giới thanh tịnh?

Đáp: Do chánh hạnh đối với cảnh hợp với chỗ nương, nên việc thiện siêng tu thường trừ lỗi. Nhân thứ nhất tức là đối với cảnh sở hành, hành thanh tịnh, nhân thứ hai là đối với thân chỗ nương, cộng tướng phù hợp, đối với thọ ăn uống thì lìa nhiều ít, nhân thứ ba là đối với sự thiện phát khởi tinh tấn, nhân thứ tư là trừ tội lỗi, oai nghi đi đứng nằm ngồi đều khéo dụng tâm, do bốn nhân nầy mà giới được thanh tịnh. Như vậy nên biết do ba thứ định mà đắc ba thứ xuất ly, khi duyên ngoại cảnh thì tác ý trụ, khi duyên thượng cảnh thì đắc thanh tịnh thế gian, khi duyên nội tâm thì đắc thanh tịnh xuất thế gian. Trụ, tức là được ra khỏi hẳn, chắc chắn tiến đến Niết-bàn, không còn thoái chuyển. Đã giải thích đối với trụ, siêng năng, tu tập.

Tụng rằng:

Học rộng và thấy đế,
Khéo nói có Từ bi,
Thường sinh tâm vui mừng,
Người nầy kham dạy định;
Tất cả những việc ấy
Như tất cả mà nói,
Khéo hiểu cảnh sở tri,
Đây là khéo dạy người.
Do văn sinh ý ngôn,
Nói là nhân vắng lặng,
Là nhân tịch tác ý,
Gọi là thiện viên mãn.

Giải thích: viên mãn có ba thứ:

1. Thầy trò viên mãn.

2. Sở duyên viên mãn.

3. Tác ý viên mãn.

Trong đây, bài tụng thứ nhất nói về thầy trò viên mãn, có ý hiển bày người đó là giỏi dạy viên mãn, chứng ngộ viên mãn, thiện ngữ viên mãn, tâm vô nhiễm viên mãn, nói pháp nối tiếp, gia hạnh viên mãn. Đây là nói giáo thọ sư các đức viên mãn, do sư nầy mà được nghe chánh pháp, có sự chứng ngộ.

Kế là bài tụng thứ hai nói về sở duyên viên mãn, tất cả mọi việc thì như sự mà nói. Khéo biết cảnh sở tri gọi là khéo nói, là nói sư tư có thể nêu các việc cùng tận mà không tiếc, nên gọi là sở duyên viên mãn.

Kế là bài tụng thứ ba nói về tác ý viên mãn. Đây là nói lấy đã khởi ý ngôn của văn làm nhân, có thể cùng với thánh đạo Niết-bàn làm nhân chánh, duyên ý ngôn nầy thì tất cả tác ý đều được viên mãn, trong đây nương vào ngôn để hiển bài văn, tức là nhân của ý ngôn. Vắng lặng, là Niết-bàn cho đến Đạo đế, tự thể Vắng lặng và có thể tiến đến vắng lặng, nên nói chung đó là tác ý tịch nhân, là để nói tác ý nầy duyên nhân vắng lặng.

Hỏi: Thế nào gọi là sở duyên rõ pháp Vô tánh?

Đáp: Khi duyên như vậy thì nhân cũng là vắng lặng, nên tác ý nầy gọi là nhân tịch, là giải thích nhất thể. Lại, duyên tác ý nầy cũng gọi là tịch nhân, đây là giải thích biệt cú.

Tụng: căn cứ theo giải thích như vậy thì phải nói là tác ý tịch nhân, xưa dịch là tác ý như lý thì không phải dịch đúng rằng:

Là tầm cầu ý ngôn,
Sau phải quán sát kỹ,
Ý ngôn không phải định,
Tướng Tĩnh lự có ba.
Không khác duyên vô tướng,
Tâm duyên tự mà trụ,
Đây là tâm tịch xứ,
Gọi là Xa-ma-tha.
Quán các thứ cảnh kia,
Là Tỳ-bát-xá-na,
Lại là một Du-già,
Là một hai phần định.
Chướng thô nặng chướng kiến,
Phải biết hai thứ định,
Đối trị được chướng nầy,
Làm lớn phương tiện thiện.

Giải thích: Tiếp theo thuyết minh các tu định có nương tựa, chắc chắn có chỗ nương gá, là nương vào ba định mà nói tầm cầu v.v... "Tầm cầu", là hiển hữu tầm, đã nói hữu tứ, cứ theo đó mà biết hữu tứ. "Quán sát kỹ", là hiển vô tầm, chỉ có tứ, ý nói không có, là muốn nói vô tầm và vô tứ. Tầm tứ đều lấy ý ngôn làm tánh, đây là căn cứ theo pháp Xa-ma-tha để thuyết minh định nghĩa của nó. Nói không khác duyên, là nói về nghĩa không sai khác, chỉ duyên tự (chữ) của nó mà tâm được trụ, gọi là không khác duyên, cũng gọi là vô tướng, chỉ duyên tự của nó đối với chỗ có tác ý quán nghĩa tướng chẳng phải là tướng kia, trụ nầy gọi là Xa-ma-tha. "Xa-ma" nghĩa là tịch chỉ, "tha" nghĩa là xứ, không phải chỉ riêng Xa-ma mà đắc tất cả sự, là căn cứ theo tâm của nó, là xứ của tịch chỉ, tâm được ngưng trụ nương tựa vào định, định nầy tức là trụ xứ ngưng tâm, nên gọi là Xa-ma-tha, khác với Xa-ma-tha nầy thì liền không có. Kế là căn cứ theo pháp Tỳ-bát-xá-na để nói về định nghĩa, nói một bài tụng kế là dựa vào nhiều cảnh gọi là chúng quán. Cái gọi là "kia", là cùng với cảnh và quán tương thuộc lẫn nhau, tức là Xa-ma-tha và sở duyên là tự (chữ), là dựa vào Xama-tha đắc Tỳ-bát-xá-na, dựa vào tất cả tự xứ (xứ của chữ), tất cả các nghĩa khởi các quán. Đối với tất cả các nghĩa của xứ tịch chỉ nhờ vào tự (chữ) là duyên các nghĩa mà khởi quán sát, gọi là các quán. Là một, hai phần định, có khi chỉ có tịch xứ mà không có các quán, hoặc có các quán mà chẳng phải tịch xứ, hoặc có khi có cả hai, phải biết đó là chỉ quán cùng vận hành. Lại nữa, Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na có hai thứ chướng: 1. Chướng thô nặng. 2. Kiến chướng. Phải biết hai định là đối trị hai chướng nầy, như thứ lớp phối hợp.

Hỏi: Vì sao hai định nầy gọi là nuôi lớn phương tiện thiện?

Đáp: Là phương tiện có thể nuôi lớn pháp thiện.

Hỏi: Thế nào khiến cho pháp phương tiện đắc thanh tịnh thiện?

Đáp: Tụng rằng:

Thanh tịnh nầy phải biết,
Là tu ba thứ tướng,
Tịch chỉ, sách, cử, xả,
Phải biết theo thứ lớp.
Hoặc tâm trầm sợ chìm,
Nơi diệu sự khởi duyên,
Hoặc trạo sợ cử sinh,
Chán trái khiến trừ diệt.
Xa lìa các trầm, trạo,
Tâm đó trụ trong xả,
Vô công nhậm vận lưu,
Thường tu ba thứ tướng.
Định thì tu ba tướng,
Không tu riêng một bên,
Vì ngăn lỗi trầm thảy,
Lại vì tịnh tâm đó.

Giải thích: Để đáp câu hỏi trước, là người cầu định tịnh thì tu ba thứ tướng, Ba tướng là: 1. Chỉ. 2. Cử. 3. Xả.

Hỏi: Thế nào là tu?

Đáp: Phải biết tùy theo thứ lớp, tùy khi hoặc chướng của nó sinh khởi, phải thứ lớp tu tập.

Hỏi: Trong khi nào và phải tu tướng gì?

Đáp: Lại nói về tướng của sách và cử. Hoặc tâm hôn trầm sợ định chìm mất thì tu ba tướng, nên biết như dưới đây. Nếu tâm chìm lặng xuống thì có thể tu tướng hăng hái nỗi lên.

Hỏi: Thế nào là tướng sách cử?

Đáp: Đối với diệu sự khởi duyên khiến cho tâm hỷ làm tướng. Lại nữa, tướng tịch chỉ, nếu tâm trạo cử, hoặc sợ trạo cử thì phải tu tịch chỉ.

Hỏi: Tịch chỉ nầy làm sao tu chán nghịch để khiến trừ diệt?

Đáp: Đối với cảnh của sở duyên rất sinh chán ghét, đối với tự nội tâm khiến cho tội lỗi ngưng dứt. Tướng xả, là lìa trầm trạo.

Hỏi: Trầm trạo trong tâm nào?

Đáp: Là tâm trụ xả. Tướng xả nầy tức là không công dụng tự nhiên lưu hành hằng tu ba thứ tướng. Như vậy thứ lớp khi tu ba thứ tướng, thì những người tu định đắc tướng thanh tịnh. Lại nữa, Xa-ma-tha tức là định, đối với ba tướng nầy không tu riêng một tướng. Vì sao? Vì ngăn lỗi của trầm, lại tâm vì tịnh đó. Hoặc chỉ tu đình chỉ nội tâm chìm lặn, khi đã chìm lặn thì phải sách cử, hoặc do sách cử mà tâm trạo cử tán loạn thì quán cảnh bất tịnh khiến sinh chán lìa, đối với tướng xả nầy khi chánh tu tập thì gọi là Chánh định, có thể dứt hết hữu lậu, do đây có thể khiến cho tâm rất thanh tịnh. Phải biết trong đây đều là thuận theo văn cú chánh kinh, nên tư duy như lý.

Tụng rằng:

Xuất ly gồm ái lạc,
Chánh trụ có kham năng,
Chướng hoặc nầy đều trừ,
Định là tâm thanh tịnh.

Giải thích: Đây là nói về lợi ích của tâm thanh tịnh, dựa vào kinh Khử Trần nói: "Phật bảo các Bí-sô! Nếu người muốn cầu nội tâm thanh tịnh, khi có hoặc chướng hiện tiền thì không thể trừ diệt. Nếu muốn trừ diệt, thì trước hết đối với nghiệp đạo bất thiện không gây ra đại tội, dứt tội ác kiến mà cầu xuất gia, mong cầu xuất ly. Hoặc phiền não trong xứ ý muốn sân hại, khởi tầm tư ác, chướng ái lạc thù thắng, có thể trừ chướng nầy mà nói ái lạc hấp dẫn. Nếu có quyến thuộc tầm tư, thế gian tầm tư, bất tử tầm tư nhỏ nhiệm thì chướng chánh trụ". Để đối trị chướng nầy nên nói "chánh trụ". Nếu có công dụng mới nhập định, thì định nầy tức là tánh không thể chịu đựng, nếu có thể trừ tánh nầy để nói có thể chịu đựng thì có thể trừ đối với hoặc nên nói có thể chịu đựng. Đây là nói người tịnh định đắc bốn thứ thắng ích.

Hỏi: Thế nào là quả của người tu định? Tụng rằng:

Ngay trong môn Định nầy,
Đã nói chánh tu tập,
Tục định đều sáng tỏ,
Cũng biết định xuất thế.

Đáp: Ý bài tụng nầy nói người tu tập Xa-ma-tha Tỳbát-xá-na đạt được hiện quả. Nếu người có thể dựa vào điều nói tướng định, khi tu tập thì được các thắng quả viên mãn của thế gian và xuất thế gian. Như trước đã nói.

Hỏi: Như trên đã nói có ý muốn nói việc gì?

Tụng rằng:

Hiển ý lạc Y xứ,
Bản y và Chánh y,
Định thế gian viên mãn,
Đều rõ nơi xuất thế.

Giải thích: Lược nói nghĩa đầy đủ, để lãnh hội các việc trước nên nói bài tụng nầy. Như bài tụng đầu tiên nói cầu thoát, là để nói ý lạc viên mãn. Chứa nhóm, là chỗ nương viên mãn. Đây là thuyết minh có tâm tu định cần phải dựa vào sự chứa nhóm tư lương. Đối với trụ, cần, tu tập, là hiển gốc dựa viên mãn. Như kinh nói: "Phật bảo các Tỳ-kheo! Các thầy trước phải nương vào định để có thể dứt hết hữu lậu, đó là điều mà ta nói".

Nếu người muốn cầu ra khỏi biển sinh tử, mà lìa bỏ chánh định thì không còn phương tiện nào khác.

Đắc ba viên mãn: Là hiển chánh, là y viên mãn nói thầy trò thừa lãnh quyết định đáng nương tựa. Người tu định Hữu y, đây là hiển tu tập viên mãn. Những người hiểu biết, nên như đã nói ở trước, xa lìa buông lung, chánh tu hành thì các định của thế gian đều được tròn đầy, và định xuất thế gian đều có thể chứng ngộ, đây là nói đắc quả viên mãn.


[Đầu trang][Mục lục Bộ Du Già][Mục lục tổng quát]