TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG LUẬN

BỘ DU GIÀ

SỐ 1613 - LUẬN ĐẠI THỪA QUẢNG NGŨ UẨN

Tác giả: Bồ-tát An Tuệ Hán dịch: Tam Tạng Địa-bà-hA-la vâng chiếu dịch đời Đường


Phật nói năm uẩn, là:

1. Sắc uẩn.

2. Thọ uẩn.

3. Tưởng uẩn.

4. Hành uẩn.

5. Thức uẩn.

Hỏi: Thế nào là Sắc uẩn?

Đáp: Là bốn đại chủng và Sắc do bốn đại chủng tạo ra.

Hỏi: Thế nào là bốn đại chủng?

Đáp: Là Địa giới, Thủy giới, Hoả giới, Phong giới.

Hỏi: Có giới nầy là thế nào?

Đáp: Địa có tánh cứng chắc, Thủy có tánh ướt, Hoả có tánh nóng, Phong có tánh nhẹ. Giới là Sắc sở tạo có thể giữ được tự tánh.

Hỏi: Thế nào là Sắc do bốn đại tạo?

Đáp: Là Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn, Sắc, Thanh, Hương, Vị, một phần Xúc và Vô biểu sắc...

Tạo nghĩa là Nhân: Căn nghĩa là tự tại trên hết, có nghĩa là Chủ, nghĩa là tăng thượng. Đó là nghĩa Căn.

Hỏi: Cái gọi là nghĩa Chủ, là làm Chủ với ai?

Đáp: Tức Nhãn căn làm Chủ với Nhãn thức, vì sinh Nhãn thức. Như vậy cho đến Thân căn làm Chủ với Thân thức, vì sinh Thân thức.

Hỏi: Thế nào là Nhãn căn?

Đáp: Lấy Sắc làm Cảnh, Sắc tịnh là Tánh, là một phần Sắc tịnh trong Nhãn (mắt), như Đề-hồ thanh tịnh. Vì tánh nầy có nên Nhãn thức được sinh, không có tức thì chẳng Sinh.

Hỏi: Thế nào là Nhĩ căn?

Đáp: Lấy Thanh làm Cảnh, Sắc tịnh làm tánh, là một phần Sắc tịnh trong Nhĩ (tai). Vì Tánh nầy có nên Nhĩ Thức được sinh, không có thì chẳng sinh.

Hỏi: Thế nào là Tỷ căn?

Đáp: Lấy Hương làm Cảnh, Sắc tịnh làm tánh, là một phần Sắc tịnh trong Tỷ (mũi). Vì Tánh nầy có nên Tỷ thức được sinh, không có thì chẳng sinh.

Hỏi: Thế nào là Thiệt căn?

Đáp: Lấy Vị làm Cảnh, Sắc tịnh làm tánh, Sắc tịnh hiện bày khắp trên Thiệt (lưỡi). Nghĩa là: trên lưỡi nầy có chút phần bất biến, như đầu sợi lông. Vì tánh ấy có nên thiệt thức được sinh, không có thì chẳng sinh.

Hỏi: Thế nào là Thân căn?

Đáp: Lấy Xúc làm Cảnh, Sắc tịnh làm tánh, là Sắc tịnh hiện bày khắp trong thân. Vì tánh nầy có nên Thân thức được sinh, không có thì chẳng sinh.

Hỏi: Thế nào là Sắc?

Đáp: Là cảnh của Nhãn gồm: Hiển sắc, Hình sắc và

Biểu sắc… Hiển sắc có 4 thứ là sanh vàng đỏ trắng. Hình

Sắc là dài, ngắn…

Hỏi: Thế nào là Thanh (tiếng)?

Đáp: Là cảnh của Nhĩ gồm: Thanh chấp thọ nhân đại chủng. Thanh không chấp thọ nhân đại chủng và Thanh cùng nhân nơi đại chủng. Các Tâm, Tâm Pháp là năng chấp thọ. Các loài bò bay máy cựa là sở chấp thọ.

Thanh chấp thọ nhân đại chủng, như tiếng vỗ tay, tiếng nói năng…

Thanh không chấp thọ nhân đại chủng, như tiếng gió, rừng, vó ngựa, tiếng nước chảy…

Thanh cùng nhân nơi Đại chủng: Là như tiếng tay đánh trống…

Hỏi: Thế nào là Hương?

Đáp: Là cảnh của Tỷ gồm: Hương tốt, hương xấu và hương bình đẳng.

Hương tốt, là hương khi hòa hợp với Tỷ, đối với Uẩn nối tiếp có thuận hợp lợi ích.

Hương xấu, là khi hòa hợp với Tỷ, đối với Uẩn nối tiếp có trái nghịch, tổn hại.

Hương bình đẳng, là hương khi hòa hợp với Tỷ không có bị tổn và ích.

Hỏi: Thế nào là Vị?

Đáp: Là cảnh của lưỡi gồm: ngọt, chua, mặn, cay, đắng, lạt.

Hỏi: Thế nào là một phần Xúc?

Đáp: Là cảnh của thân: Trừ đại chủng ra, là tánh trơn, Tánh nhám, Tánh nặng, Tánh nhẹ, lạnh, đói, Khát…

Hoạt là mịn nhuyễn. Sáp là thô nhám. Nặng là có thể cân lượng. Nhẹ trái với nặng. Nóng thì muốn làm cho mát mẻ, Xúc là nhân của lạnh. Đây là đối với nhân mà lập quả. Như nói vui chư Phật xuất thế, vui giảng nói Chánh pháp, vui chúng Tăng hòa hợp, vui đồng tu tinh tấn, tinh tấn siêng khổ là nhân của vui, thì nói là vui. Ở đây cũng như vậy: Muốn ăn là vì đói, muốn uống là vì khát. Đã nói bảy thứ tạo Xúc và mười một thứ bốn đại ở trước.

Hỏi: Thế nào là Vô biểu sắc…?

Đáp: Là Tam-ma-địa đã sinh hữu biểu nghiệp, là Sắc không thấy, không đối. Nghiệp hữu biểu, là thân ngữ biểu. Nghiệp nầy có cả, Thiện, Bất thiện và Vô ký.

Sắc đã sinh là sắc được sinh do Thiện và Bất thiện kia biểu bày, Sắc nầy không thể hiển thị nên gọi là Vô biểu. Sắc do Tam-ma-địa sinh là Sắc do bốn tĩnh Lự sinh, Vô biểu sắc nầy là Tánh được tạo, gọi là Luật nghi thiện, Luật nghi bất thiện cũng gọi là Nghiệp, cũng gọi là hạt giống. Các Sắc như vậy lược nêu có ba thứ:

1. Có thể thấy, có đối.

2. Không thể thấy có đối.

3. Không thể thấy không đối. Đó là Vô biểu sắc… Hỏi: Thế nào là Thọ Uẩn?

Đáp: Thọ có ba thứ: 1. Vui thọ. 2. Khổ thọ. 3. Bất khổ Bất vui thọ. Vui thọ là Thọ nầy khi diệt thì có hòa hợp với Dục. Khổ thọ là thọ nầy khi sinh thì có trái với lìa Dục. Bất khổ bất vui là thọ không có hai thứ Dục trên. Không có hai Dục, là không có Dục hòa hợp và trái nghịch. Thọ là sự lãnh nạp của thức.

Hỏi: Thế nào là Tưởng uẩn?

Đáp: Là có thể tăng thắng giữ lấy tướng các cảnh. Tăng thắng giữ lấy: Là thắng lực có thể giữ lấy, như người có sức mạnh, gọi là thắng lực.

Hỏi: Thế nào là Hành uẩn?

Đáp: Trừ thọ và tưởng ra, là các Tâm Pháp và Tâm Bất tương ưng hành.

Hỏi: Thế nào là các Tâm Pháp?

Đáp: Là các hành pháp tương ưng với Tâm: Xúc, Tác ý, Tư, Dục, Thắng Giải, Niệm Tam-ma-địa, Tuệ, Tín, Tàm, Quí, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, không buông lung, Xả, Bất hại, Tham, Sân, Mạn, Vô minh, Kiến, Nghi, Vô tàm, Vô quí, Hôn trầm, Trạo cử, Bất tín, biếng nhác, buông lung, thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri, Ác tác, Thuỳ miên, Tầm, Tứ. Đó là các Tâm Pháp.

Có năm thứ là Biến hành. Đây là hiện hữu khắp tất cả tâm Thiện, Bất thiện, và Vô ký nên gọi là Biến hành.

Có năm thứ là Biệt cảnh. Mỗi thứ trong năm biệt cảnh nầy là các cảnh riêng biệt, lần lượt quyết định, trong đó có một thì chắc chắn có tất cả.

Có mười một thứ là Thiện, có sáu thứ là Phiền não, còn lại là Tùy phiền não. Có bốn thứ là Bất định. Bốn thứ Bất định nầy không phải chánh, tùy phiền não vì chung có cả tánh thiện và tánh Vô ký. Thể tánh của Xúc… và Nghiệp sẽ giải thích.

Hỏi: Thế nào là Xúc?

Đáp: Là ba hòa hợp, phân biệt làm tánh.

Ba hòa hợp: Là nhãn, sắc và thức. Như vậy ba hòa hợp nầy là tâm tâm pháp sinh nên gọi là xúc, cùng với chỗ nương của thọ làm nghiệp.

Hỏi: Thế nào là Tác ý?

Đáp: Là khiến cho Tâm phát khởi tỏ ngộ làm tánh. Khiến cho tâm, tâm pháp hiện tiền thức tỉnh khởi động, đó là nghĩa nhớ nghĩ, tâm nhậm trì phan duyên làm nghiệp.

Hỏi: Thế nào là tư?

Đáp: Là đối với công đức, tội lỗi và có cả hai thứ, khiến tâm tạo tác ý nghiệp làm tánh.

Nếu tánh nầy có, thì dụng của thức phan duyên liền hiện tiền, cũng như đá nam châm hấp dẫn kim loại khiến dao động, hay thúc đẩy tâm, thiện bất thiện và vô ký làm nghiệp.

Hỏi: Thế nào là Dục?

Đáp: Là đối với việc đáng yêu thích, lấy hy vọng làm tánh. Việc đáng yêu thích: Là các việc thấy nghe… đáng ưa thích. Đó là nghĩa ưa thích mong mỏi, nguyện cầu, có thể cùng với chỗ nương của tinh tấn làm nghiệp.

Hỏi: Thế nào là Thắng giải?

Đáp: Là đối với cảnh quyết định, như điều hiểu biết rõ chấp thuận làm tánh. Cảnh quyết định: Là năm uẩn… như ngài Thế Thân nói: "Sắc như chùm bọt. Thọ như bong bóng nước. Tưởng như sóng nắng. Hành như cây chuối, thức như cảnh huyễn. Như vậy quyết định, hoặc như chỗ trụ nơi tự tướng các pháp, tức ngay trên tự tướng như vậy mà sinh quyết định. Quyết định là nghĩa chấp thọ, các pháp khác không có dẫn chuyển làm nghiệp, vì pháp nầy là tăng thắng nên các pháp khác không thể dẫn dắt.

Hỏi: Thế nào là Niệm?

Đáp: Là đối với các sự tập quen, tâm không quên, ghi nhớ rõ ràng làm tánh. Sự tập quen là điều đã từng luyện tập, cùng với chỗ nương của không tán loạn làm nghiệp.

Hỏi: Thế nào là Tam-ma-địa?

Đáp: Là đối với việc sở quán, tâm một tánh cảnh. Sự sở quán: Là năm uẩn… và Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã…

Tâm Nhất cảnh: Là nghĩa chuyên chú cùng với chỗ nương của trí làm nghiệp. Do tâm định mà nhận biết rõ đúng như thật.

Hỏi: Thế nào là Tuệ?

Đáp: Là sự chọn lựa pháp làm tánh, hoặc được dẫn bằng như lý, hoặc được dẫn bằng không đúng như Lý, hoặc được dẫn bằng cả hai.

Ngay trên sự chọn lựa Pháp kia: Là Sự sở quán.

Chọn lựa Pháp: Là Tự tướng và Cộng tướng của các pháp do tuệ lựa chọn để được quyết định. Được dẫn bằng như lý: Là đệ tử Phật, được dẫn bằng không như lý là các ngoại đạo.

Được dẫn bằng cả hai: Là các chúng sinh khác, dứt trừ nghi làm nghiệp, vì tuệ có thể chọn lựa nhận xét nơi các pháp mà được quyết định.

Hỏi: Thế nào là Tín?

Đáp: Là đối với các Đế, báu của nghiệp quả rất phù hợp nhau, tâm tịnh làm tánh.

Nghiệp: Là nghiệp Phước, nghiệp Phi Phước và nghiệp Bất động. Quả, là quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Đế, là bốn Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bảo là Tam bảo Phật, Pháp và Tăng. Các pháp như vậy rất phù hợp nhau, cũng gọi là thanh tịnh và có nghĩa là mong cầu, cùng với chỗ nương của dục làm nghiệp.

Hỏi: Thế nào là Tàm?

Đáp: Là tự tăng thượng và pháp tăng thượng, đối với tội lỗi đã gây, hổ thẹn làm tánh. Tội lỗi, là các việc làm sai lầm, là điều mà người trí nhàm chán. Hổ thẹn, là không gây nhiều tội, ngăn dứt các hành vi ác, chỗ nương làm nghiệp.

Hỏi: Thế nào là Quí?

Đáp: Là tha tăng thượng, đối với tội lỗi đã gây ra, xấu hổ làm tánh. Tha tăng thượng: Là sợ bị trách phạt và bàn tán, tất cả tội lỗi đều hổ thẹn với mọi người. Nghiệp như Tàm.

Hỏi: Thế nào là Vô tham?

Đáp: Là đối trị tham, khiến nhàm chán sâu xa, không mê đắm làm tánh. Là đối với các hữu và các tài sản đắm nhiễm là tham, đối trị tham ấy gọi là vô tham. Vô tham nầy đối với hữu và tài sản của hữu không có nghĩa đắm nhiễm, vì biết khắp tội lỗi của sinh tử, gọi là nhàm chán.

Nghiệp làm chỗ nương hành vi ác không khởi.

Hỏi: Thế nào là Vô sân?

Đáp: Là đối trị sân, lấy từ làm tánh. nghĩa là đối với chúng sinh không gây tổn hại. Nghiệp như vô tham đã nói.

Hỏi: Thế nào là Vô si?

Đáp: Là đối trị si, lấy chánh hạnh như thật làm tánh. Như thật, là nói sơ lược, là bốn thánh đế nói rộng, là mười hai duyên khởi. Đối với mười hai duyên khởi đó tạo gia hạnh, nghĩa là chánh tri. Nghiệp cũng như vô tham.

Hỏi: Thế nào là Tinh tấn?

Đáp: Là đối trị biếng nhác, phẩm thiện hiện tiền, siêng năng mạnh mẽ, làm tánh. Nghĩa là hoặc mặc áo giáp, hoặc gia hạnh, hoặc không khiếp nhược, hoặc là không thoái chuyển, hoặc không vui đủ, các nghĩa như vậy, đều thành tựu tròn đầy, pháp thiện làm nghiệp.

Hỏi: Thế nào là Khinh an?

Đáp: Là đối trị thô nặng, thân tâm điều hòa thư thái, có thể chịu đựng làm tánh. Là có thể từ bỏ mười hành vi bất thiện, trừ chướng làm nghiệp, do nghiệp lực nầy mà dứt trừ tất cả chướng, chuyển xả thô nặng.

Hỏi: Thế nào là không buông lung?

Đáp: Là đối trị buông lung, nương dựa nơi vô tham cho đến tinh tấn, bỏ các pháp bất thiện, tu các pháp thiện, đối trị các thứ bất thiện kia, tức là tham sân si cho đến biếng nhác gọi là buông lung, đối trị các pháp bất thiện đó gọi là không buông lung. Nghĩa là dựa vào bốn pháp vô tham, vô sân, vô si và tinh tấn đối trị pháp bất thiện, tu tập pháp thiện. Nghiệp làm chỗ nương cho chánh hành xuất thế gian.

Hỏi: Thế nào là Xả?

Đáp: Là nương vào vô tham, vô sân… như vậy cho đến tinh tấn, đạt được tánh của tâm bình đẳng, tánh của tâm ngay thẳng, tánh của tâm vô công dụng. Lại cũng do xả nầy mà lìa các pháp tạp nhiễm, an trụ trong pháp thanh tịnh, là vì nương vào tánh vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, hoặc khi xa lìa tội lỗi của hôn trầm, trạo cử mới đạt được tâm bình đẳng, hoặc có khi tự nhiên không cố gắng mà kế đó đạt được tâm ngay thẳng, hoặc có khi xa lìa các tạp nhiễm, cuối cùng đạt được tâm vô công dụng.

Nghiệp như Không buông lung.

Hỏi: Thế nào là Bất hại?

Đáp: Là đối trị hại lấy Bi làm tánh. Là do bi nên không hại chúng sinh, là không có phần Sân. Nghiệp không gây tổn não.

Hỏi: Thế nào là Tham?

Đáp: Là đối với năm Thủ uẩn, nhiễm ái đam mê làm tánh. Đây là sự trói buộc luân hồi trong ba cõi. Sanh khổ là nghiệp, do năng lực của Ái nên sinh năm thủ uẩn.

Hỏi: Thế nào là Sân?

Đáp: Là đối với chúng sinh, tổn hại làm tánh, trụ nơi không an ổn và nghiệp làm chỗ nương cho hành ác. Nơi không an ổn, là tổn hại người khác, tự ở trong khổ.

Hỏi: Thế nào là Mạn?

Đáp: Mạn có bảy thứ: 1. Mạn. 2. Quá mạn. 3. Quá quá mạn. 4. Ngã mạn. 5. Tăng thượng mạn. 6. Ty mạn.

7. Tà mạn.

Hỏi: Thế nào là Mạn?

Đáp: Đối với người kém hơn mình, tự cho mình là hơn, hoặc đối với người bằng mình, tự cho mình bằng người, Tâm cao cử làm tánh.

Hỏi: Thế nào là quá mạn?

Đáp: Là đối với người bằng mình, tự cho mình hơn người; hoặc đối với người hơn mình, tự cho mình bằng người, Tâm cao cử làm tánh.

Hỏi: Thế nào là Quá quá mạn?

Đáp: Là đối với người hơn mình, tự cho mình hơn người, Tâm cao cử làm tánh.

Hỏi: Thế nào là Ngã mạn?

Đáp: Là đối với năm Thủ uẩn, hễ quán Uẩn nào thì chấp Uẩn đó làm Ngã, hoặc làm Ngã Sở. Tâm cao cử như vậy làm tánh.

Hỏi: Thế nào là Tăng thượng mạn?

Đáp: Là sự chứng pháp chưa được tăng thượng cao siêu, mà cho là đã chứng đắc. Tâm cao cử như vậy làm tánh. Sự chứng Pháp tăng thượng cao siêu, là các quả Thánh và Tam-ma-địa, Tam-ma-bát-để… Đối với các thắng quả đó chưa đắc, cho là đã chứng đắc tự khoe khoang kêu căng.

Hỏi: Thế nào là Ty mạn?

Đáp: Là đối với phần nhiều hơn mình mà, tự cho mình chỉ thua chút ít. Tâm cao cử như vậy làm tánh.

Hỏi: Thế nào là tà mạn?

Đáp: Là thật không có đức, mà chấp cho mình có đức, tâm cao cử như vậy làm tánh. Nghiệp làm chỗ nương không sinh kính trọng, đối với bậc tôn trưởng và các bậc hữu đức, sinh khởi kiêu ngạo, không sinh kính trọng.

Hỏi: Thế nào là Vô minh?

Đáp: Là đối với nghiệp quả nơi Đế, Báu, Vô trí làm tánh. Vô minh nầy có hai thứ: 1. Câu Sinh. 2. Phân Biệt. Lại nữa, Tham Sân của cõi Dục cho đến Vô minh, là ba thứ Căn Bất Thiện: 1. Căn bất thiện tham.

2. Căn bất thiện Sân. 3. Căn Bất thiện si. Ba thứ nầy lại là đã khởi câu sinh, Bất câu sinh và Phân biệt. Câu Sinh, là cầm thú… Bất câu sinh, là tương ưng Tham … Phân biệt, là các Kiến tương ưng cùng với quyết định hư vọng. Nghiệp làm chỗ nương cho phiền não nghi.

Hỏi: Thế nào là Kiến?

Đáp: Kiến có năm thứ: 1. Tát-ca-da Kiến (thân kiến).

2. Biên Chấp Kiến. 3. Tà kiến. 4. Kiến thủ. 5. Giới thủ. Hỏi: Thế nào là Tát-ca-da kiến?

Đáp: Là đối với năm thủ uẩn, chấp bất cứ uẩn nào đó làm ngã, hoặc ngã sở. Nhiễm ô tuệ làm tánh. tát, nghĩa là hư hoại; Ca-da, nghĩa là Hòa hợp, chứa nhóm. Tức là ngay trong uẩn đó thấy một chấp là thường, đối với Uẩn khác thì có Uẩn của Ngã, nên làm Ngã sở. Tại sao lại nói như vậy? Nghĩa là Tát, là phá Tưởng thường; Ca-da, là phá Tưởng nhất, vì Vô thường chứa nhóm, trong đó không có Ngã và Ngã sở. Nhiễm ô Tuệ: Là phiền não câu sinh. Nghiệp làm chỗ nương của tất cả phẩm kiến.

Hỏi: Thế nào là Biên chấp kiến?

Đáp: Là năng lực tăng thượng của Tát-ca-da kiến, tức là đối với sở thủ, hoặc chấp là thường, hoặc chấp là đoạn, nhiễm tuệ làm tánh. Thường biên, tức chấp ngã tự tại là thường hiện bày khắp. Đoạn biên là chấp có tác giả, trượng phu… chết rồi không được sinh trở lại, như bình chậu… bị vỡ rồi không còn dùng được nữa. Nghiệp làm chướng ngại trung đạo và xuất ly.

Hỏi: Thế nào là Tà kiến?

Đáp: Hoặc chê bai nhân quả, hoặc chê bai tác dụng, hoặc phá hoại việc lành. Nhiễm tuệ làm tánh.

Chê bai Nhân: Nhân là Tánh của nghiệp phiền não, hợp chung có năm chi, là Vô minh, Ái, Thủ, Hành, Hữu. Phiền não có ba thứ: 1. Vô Minh. 2. Ái. 3. Thủ.

Nghiệp có hai thứ: 1. Hành. 2. Hữu. Hữu là dựa vào các hạt giống nghiệp của Thức A-lại-da, Hữu nầy cũng gọi là Nghiệp. Như Thế Tôn nói: "Này A-Nan! Nếu Nghiệp có thể đưa đến quả vị lai, thì Nghiệp đó cũng gọi là Hữu". Như vậy, chê bai Hữu nầy gọi là chê bai Nhân.

Chê bai Quả: Quả có bảy chi, là Thức, Danh sắc, sáu Xứ, Xúc, Thọ, Sinh, Già chết. Hủy bang những pháp nầy gọi là chê bai quả. Hoặc chê bai không có hành thiện, hành ác gọi là chê bai nhân. Chê bai không bỏ quả báo của hành thiện, hành ác gọi là chê bai quả. Chê bai không có đời nầy và đời khác, không có cha, không có mẹ, không có, chúng sinh hóa sinh, chê bai những thứ nầy gọi là chê bai tác dụng. Là tác dụng từ đời nầy đến đời khác, tác dụng của hạt giống chấp thọ, tác dụng của kiết sanh nối tiếp. Chê bai không có A-la-hán của Thế Gian, là phá hoại Sự Thiện. Nghiệp là dứt gốc lành, làm chỗ nương kiên cố cho căn bất thiện. Nghiệp cũng là sinh bất thiện, không sinh thiện.

Hỏi: Thế nào là Kiến thủ?

Đáp: Là đối với ba Kiến và các uẩn làm chỗ nương, tùy chấp uẩn nào đó làm tối thượng, làm thù thắng, làm tột bậc. Nhiễm tuệ làm tánh. Ba Kiến, là: 1. Tát-ca-da Kiến. 2. Biên Chấp Kiến. 3. Tà Kiến. Uẩn làm chỗ nương: Tức Uẩn là chỗ nương của ba Kiến đó. Nghiệp nói như Tà kiến.

Hỏi: Thế nào là Giới cấm thủ?

Đáp: Là đối với Giới cấm và Uẩn làm chỗ nương, tùy chấp Uẩn nào đó cho là thanh tịnh, là giải thoát, là xuất ly. Tuệ nhiễm làm tánh. Giới là lấy Ác kiến làm đầu, lìa bảy thứ Ác. Cấm, là cấm các thứ bò, chó, và tự nhổ tóc, chấp ba chi, dựa vào Định Tuệ của Tăng-khư… Đây chẳng phải là nhân giải thoát. Lại chấp Đại tự tại, hoặc chấp Thế chủ, và đi vào nước, lửa… Đây chẳng phải nhân sinh lên cõi trời, chấp những thứ như vậy làm nhân.

Uẩn làm chỗ nương là Uẩn làm chỗ nương cho Giới cấm.

Thanh tịnh, tức là nói là phương tiện vô gián nầy, cho là thanh tịnh.

Giải thoát, tức cho giới cấm nầy là giải thoát. Xuất ly, phiền não là nhờ giới cấm đó mà ra khỏi sinh tử, là như nghĩa nầy, có thể đưa đến không quả, lao nhọc uổng phí, chỗ nương của khổ nhọc làm nghiệp. Không có quả luống nhọc: Là quả ấy không thể đạt được nghĩa lìa khỏi khổ.

Hỏi: Thế nào là Nghi?

Đáp: Là đối với Đế, Báu… cho là có, là không, do dự làm tánh, Nghiệp làm chỗ nương cho việc không sinh pháp thiện. Trong các phiền não, ba Kiến sau và Nghi, chỉ có Phân biệt khởi, còn lại thì chung với Câu Sinh và Phân biệt khởi.

Hỏi: Thế nào là Phẫn?

Đáp: Là dựa vào các sự không lợi ích trước mắt, Tâm gây tổn hại làm tánh, có thể đem lại bạo ác. Nghiệp làm chỗ nương cho việc sử dụng roi, gậy.

Hỏi: Thế nào là Hận?

Đáp: Là Phẫn làm đầu, kết oán không xả bỏ làm tánh, có thể tạo nên chỗ nương của bất nhẫn làm nghiệp. Hỏi: Thế nào là Phú?

Đáp: Là đối với tội lỗi che giấu làm tánh. Nghĩa là che giấu tội lỗi, nên khi có người dạy răn thì không thể phát lồ là phần của si, có thể tạo nên sự hối tiếc, Nghiệp là chỗ nương cho trụ không an ổn.

Hỏi: Thế nào là Não?

Đáp: Là phát ra lời nói bạo ác, lăng mạ hủy phạm làm tánh. Phẫn Hận làm đầu, Tâm khởi tổn hại. Lời nói bạo ác: Là lời nói bức hại, thô ác, hay đưa đến lo khổ. Nghiệp làm chỗ nương cho hạt giống không an ổn trụ. Lại cũng có thể làm phát sinh Phi phước là nghiệp khởi Danh xưng thô ác.

Hỏi: Thế nào là Tật?

Đáp: Là đối với sự tốt đẹp của người khác, tâm ganh ghét làm tánh. Vì danh, lợi nên đối với sự tốt đẹp của người không thể nhẫn nại, tâm đố kỵ sinh. Nghiệp là chỗ nương cho tự trụ trong lo khổ.

Hỏi: Thế nào là San?

Đáp: Là trái với bố thí, tâm bỏn xẻn làm tánh. Là đối với của cải sinh Tâm keo kiệt, không thể tuệ thí, như vậy gọi là San. Tâm mê đắm các vật dụng lợi dưỡng, là phần của Tham. Nghiệp làm chỗ nương cho tâm không biết chán. Không thỏa mãn, là do tiếc lẫn, không phải vật sử dụng, vẫn thường chứa nhóm.

Hỏi: Thế nào là Cuống?

Đáp: Là giả bộ để lừa gạt đối với người khác, giả hiện công đức không thật làm tánh, là phần của Tham. Nghiệp làm chỗ nương có thể tạo ra Tà mạng.

Hỏi: Thế nào là Siểm?

Đáp: Là giả bày phương tiện để che giấu tội ác của tự mình, Tâm dua nịnh làm tánh. Đối với danh, lợi bị mê đắm, là phần của tham, si. Nghiệp làm chỗ nương cho chướng ngại chỉ dạy chân chánh. Lại vì có tội, mà không tự mình như thật phát lồ quy y sám hối, không đảm đương nổi lời dạy trao.

Hỏi: Thế nào là Kiêu?

Đáp: Là đối với sự tốt đẹp, đắm nhiễm kiêu ngạo, có thể dứt hết làm tánh. Sự tốt đẹp, là sự tốt đẹp hữu lậu. Đắm nhiễm kiêu ngạo là ưa thích khoe khoang, ỷ lại, là phần của Tham. Có thể dứt hết, là sự tốt đẹp ấy có thể dứt hết các gốc lành.

Hỏi: Thế nào là Hại?

Đáp: Tánh là tổn não đối với chúng sinh, là một phần của Sân. Tổn não là tăng thêm roi gậy. Nghiệp là chỗ nương cho hành động cầm roi gậy.

Hỏi: Thế nào là Vô tàm?

Đáp: Là tội lỗi đã gây, không tự hổ thẹn làm tánh. Nghiệp làm trợ giúp cho tất cả phiền não và tùy phiền não.

Hỏi: Thế nào là Vô quí?

Đáp: Là đối với tội lỗi đã gây ra, không hổ thẹn với người làm tánh. Nghiệp như Vô tàm đã nói.

Hỏi: Thế nào là Hôn trầm?

Đáp: Là tâm không điều hòa thư thái, không thể gánh vác, mê muội làm tánh, là phần của Si. Nghiệp làm chỗ nương cho tất cả phiền não và Tùy phiền não.

Hỏi: Thế nào là Trạo cử?

Đáp: Là đuổi theo việc nhớ nghĩ các sự như Hỷ, Vui v.v…, tâm không vắng lặng làm tánh. Phải biết nhớ nghĩ trước hết là các việc dạo chơi vui đùa. Tâm không vắng lặng là một phần của Tham. Nghiệp làm chướng ngại cho Xa-ma-tha.

Hỏi: Thế nào là Bất tín?

Đáp: Là sự đối trị của Tín, đối với nghiệp quả… không chánh tín thuận theo, tâm không thanh tịnh làm tánh. Nghiệp làm chỗ nương có thể đưa đến biếng nhác. Hỏi: Thế nào là Biếng nhác?

Đáp: Là dùng tinh tấn đối trị, đối với thiện phẩm, tâm không dũng tiến làm tánh. Nghiệp làm chướng ngại việc siêng tu các pháp thiện.

Thế nào là Buông lung?

Là nương vào tham sân si, biếng nhác, đối với các phiền não, tâm không ngăn ngừa, đối với phẩm thiện, tâm không thể tu tập làm tánh. Nghiệp làm chỗ nương cho bất thiện thêm lớn, pháp thiện lui mất.

Hỏi: Thế nào là thất niệm?

Đáp: Là Niệm nhiễm ô. Đối với các pháp thiện không thể nhớ rõ làm tánh. Nhiễm ô niệm, là Phiền não đồng thời hiện hành. Đối với pháp thiện không thể nhớ rõ, là đối với các điều dạy chân chánh, không thể nhớ giữ nghĩa. Nghiệp làm chỗ nương có thể đưa đến tán loạn.

Hỏi: Thế nào là Tán loạn?

Đáp: Là một phần của Tham Sân Si, khiến cho Tâm rong ruổi phân tán làm tánh. Nghiệp có thể làm chướng ngại việc lìa Dục.

Hỏi: Thế nào là Bất chánh tri?

Đáp: Là phiền não tương ưng Tuệ, có thể khởi các hành Thân Ngữ Ý bất chánh làm tánh. Nghiệp là chỗ nương cho trái phạm luật hạnh, vì đối với quá khứ, vị lai quán sát bất chánh, nên không thể biết là hay không nên làm, đưa đến phạm Luật nghi.

Hỏi: Thế nào là Ác tác?

Đáp: Là Tâm biến đổi ăn năn làm tánh. Là chán ghét điều đã làm nên gọi là Ác tác. Thể của Ác tác nầy không phải biến đổi ăn năn hối hận ngay, vì trước hết là chán ghét việc đã làm, sau đó mới ăn năn hối hận. Đây là cho rằng quả từ nhân làm mục đích, nên gọi là Ác tác. Ví như sáu Xúc Xứ nói là Nghiệp trước, Nghiệp nầy có hai vị, là Thiện và Bất thiện. Trong hai vị nầy lại mỗi vị đều có hai thứ: 1. Hoặc trong Thiện vị trước không làm Thiện, sau mới khởi Tâm hối hận, nhân đó là Thiện thì hối hận cũng là Thiện. Nếu trước làm Ác, sau đó khởi Tâm hối hận, nhân Bất thiện thì hối hận tức là Thiện. 2. Hoặc trong Vị bất thiện, trước không làm Ác, sau đó khởi Tâm hối hận, nhân Bất Thiện thì hối hận cũng bất thiện. Nếu trước làm thiện, sau đó khởi Tâm hối hận, nhân là Thiện hối hận là Bất thiện.

Hỏi: Thế nào là ngủ nghỉ?

Đáp: Là không tự tại chuyển, mờ tối làm tánh. Không tự tại, là khiến cho tâm… không tự tại chuyển, là phần của si. Lại vì Tự Tánh nầy không tự tại, nên khiến cho tâm và tâm pháp hoàn toàn thành mê muội. Nghiệp làm chỗ nương cho tánh thiện, tánh bất thiện và tánh Vô ký có thể dẫn đến lỗi lầm. Hỏi: Thế nào là Tầm?

Đáp: Là sự khác nhau giữa Tư và Tuệ, Ý nên tìm cầu khiến cho tướng thô của tâm phân biệt làm tánh. Ý nêu, là ý thức trong đó hoặc nương vào Tư hoặc nương vào Tuệ mà khởi. Tướng thô phân biệt, là tìm kiếm tướng thô của các thứ như bình chậu, y phục, xe cộ… Nghiệp làm chỗ nương cho tiếp xúc với vui, tiếp xúc với khổ.

Hỏi: Thế nào là Từ?

Đáp: Là sự sai khác giữa Tư và Tuệ, ý nêu dò xét khiến cho tướng tế tâm phân biệt làm tánh. Tướng tế, là đối với các thứ bình chậu, y phục… phân biệt nghĩa sai khác của tướng tế thành hay không thành…

Thế nào là Tâm Bất tương ưng hành?

Là nương vào phần vị giả lập của Sắc, Tâm… là tâm đây cùng với sắc kia không thể nêu ra tánh khác hay tánh không khác. Các Sắc, tâm nầy thế nào? Là đắc định Vô tưởng, định Diệt tận, trời Vô tưởng, Mạng căn, Chúng đồng phần, Sinh, già, Trụ, Vô thường, Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân, Dị sanh tánh… các loại như vậy.

Hỏi: Thế nào là Đắc?

Đáp: Là hoặc đạt được, hoặc thành tựu. Thành tựu nầy lại có ba thứ: 1. Hạt giống thành tựu. 2. Tự tại thành tựu. 3. Hiện khởi thành tựu. Như sự thích ứng của nó.

Hỏi: Thế nào là định Vô tưởng?

Đáp: Là đã lìa cõi Nhiễm Biến Tịnh, chưa lìa nhiễm cõi trên, do ra khỏi tưởng và tác y làm đầu, tất cả không hiện hành Tâm, Tâm pháp diệt làm tánh.

Hỏi: Thế nào là định Diệt tận?

Đáp: Là đã lìa nhiễm Vô sở hữu xứ, từ đệ Nhất hữu lại khởi thắng tấn, tạm ngưng dứt tưởng và tác ý làm đầu. Tất cả không thường hiện hành và một phần thường hiện hành, Tâm, Tâm Pháp diệt làm tánh. Không thường hiện hành: Là sáu chuyển thức, thường hiện hành, là thuộc về tạng thức và ý nhiễm ô, trong đó sáu chuyển thức phẩm và ý nhiễm ô diệt, đều là định Diệt tận.

Hỏi: Thế nào là trời Vô tưởng?

Đáp: Là quả do định Vô tưởng đạt được. Đã sinh lên cõi trời ấy rồi, thì tất cả không thường hiện hành, Tâm, Tâm Pháp diệt làm tánh.

Thế nào là Mạng căn?

Là đối với Chúng đồng phần, sự dẫn của nghiệp trước, khi trụ thì có phần hạn làm tánh.

Hỏi: Thế nào là Chúng đồng phần?

Đáp: Là các chúng sinh mỗi tự loại có tương tợ làm tánh.

Hỏi: Thế nào là Sinh?

Đáp: Đối với Chúng đồng phần, tất cả các hành, xưa không nay có làm tánh.

Hỏi: Thế nào là Già?

Đáp: Là các hành ấy, nối tiếp biến hoại làm tánh.

Hỏi: Thế nào là Trụ?

Đáp: Là các hành ấy, nối tiếp tùy chuyển làm tánh.

Hỏi: Thế nào là Vô thường?

Đáp: Là các hành ấy, nối tiếp diệt mất làm tánh.

Hỏi: Thế nào là Danh thân?

Đáp: Là đối với tự tánh các pháp, tăng ngữ làm tánh, như nói Nhãn…

Hỏi: Thế nào là Cú thân?

Đáp: Là đối với các pháp sai khác, tăng ngữ làm tánh, như nói các hành pháp Vô thường… Hỏi: Thế nào là Văn thân?

Đáp: Là các chữ làm tánh, vì chữ nầy có thể nêu rõ Tánh của hai Tánh (Danh, Cú) trên. Cũng gọi là hiển bày, là chỗ nương của Danh, Cú để hiển rõ nghĩa. Cũng gọi là chữ, vì không có chuyển khác. Hai tánh trên, là giải thích tự tánh và sai khác. Hiển là hiển rõ.

Thế nào là Tánh Dị sanh?

Là đối với các Thánh pháp, không đắc làm tánh.

Hỏi: Thế nào là Thức uẩn?

Đáp: Là đối với sở duyên, phân biệt rõ làm tánh. Cũng gọi là Tâm, vì có thể chứa nhóm. Cũng gọi là Ý, vì là sự thâu nhiếp của ý, hoặc là trên hết tâm, tức là thức A-lại-da, vì Thức nầy có thể chứa nhóm các hạt giống hiện hành.

Lại hành tướng nầy không thể phân biệt, trước sau một loại nối tiếp mà chuyển. Cũng do thức nầy nên từ định diệt tận, định Vô Tưởng, trời Vô Tưởng mà khởi, là chuyển thức của cảnh giới sinh phân biệt biết rõ trở lại, vì chờ duyên của sở duyên sai khác chuyển, nên Niệm Niệm gián đoạn sinh trở lại, cũng khiến cho Sinh tử trôi lăn, xoay vần.

Thức A-lại-da, là chủ thể thâu nhiếp tất cả hạt giống, cũng là năng nhiếp ngã tướng mạn. Lại nữa, duyên vào thân làm cảnh giới. Thức nầy cũng gọi là Thức A-đà-na, vì chấp giữ thân.

Ý trên hết: Là Thức duyên theo tạng thức làm cảnh, thường tương ưng với Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn và Ngã Ái, trước sau một loại nối tiếp tùy chuyển, trừ Thánh Đạo của A-la-hán và Định Diệt hiện tiền vị. Như vậy sáu chuyển thức, ý nhiễm ô và thức A-lại-da, tám thức nầy gọi là thức uẩn.

Hỏi: Uẩn nghĩa là gì?

Đáp: Chứa nhóm là nghĩa của Uẩn. Là thâu nhiếp chung, lược các sắc… của cõi, xứ sai khác, nối tiếp, nơi phẩm loại của thế gian. Như đức Thế Tôn nói: "Này các Tỳ-kheo! Tất cả sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc hơn, hoặc kém, hoặc gần, hoặc xa, như vậy thâu nhiếp chung làm một sắc uẩn".

Lại nữa, có mười hai Xứ: 1. Nhãn xứ. 2. Sắc xứ. 3. Nhĩ xứ. 4. Thanh xứ. 5. Tỷ xứ. 6. Hương xứ. 7. Thiệt xứ. 8. Vị xứ. 9. Thân xứ. 10/. Xúc xứ. 11. Ý xứ. 12. Pháp xứ.

Năm Xứ: là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, bốn Xứ: là Sắc, Thanh, Hương, Vị, đã giải thích như trước.

Xúc xứ, là bốn đại chủng và một phần Xúc nói trước. Ý xứ, tức là thức uẩn.

Pháp xứ, tức là Thọ uẩn, Tưởng uẩn và Hành uẩn, Vô biểu sắc… và các Vô vi.

Hỏi: Thế nào là Vô vi?

Đáp: Là Hư không Vô vi, Phi trạch diệt vô vi, Trạch diệt vô vi, và Chân như… Hư không là dung chứa thọ lãnh các sắc, Phi trạch diệt là diệt thì không lìa lệ thuộc (Tâm pháp không lìa trói buộc).

Hỏi: Thế nào là không lìa lệ thuộc?

Đáp: Là lìa Phiền Não được đối trị, các Uẩn rốt ráo bất sinh.

Hỏi: Thế nào là Trạch Diệt?

Đáp: Là diệt lìa lệ thuộc đó.

Hỏi: Thế nào là lìa lệ thuộc?

Đáp: Là phiền não được đối trị, các uẩn rốt ráo không sinh.

Hỏi: Thế nào là Chân như?

Đáp: Là pháp tánh của các pháp, là tánh vô ngã của pháp.

Hỏi: Xứ là nghĩa gì?

Đáp: Là môn sinh trưởng của các thức, là nghĩa của Xứ.

Lại có mười tám giới: 1. Nhãn giới. 1. Sắc giới. 3. Nhãn Thức giới. 4. Nhĩ giới. 5. Thanh giới. 6. Nhĩ Thức giới. 7. Tỷ giới. 8/. Hương giới. 9. Tỷ Thức giới. 10. Thiệt giới. 11. Vị giới. 12. Thiệt Thức giới. 13. Thân giới. 14. Xúc giới. 15. Thân Thức giới. 16. Ý giới. 17. Pháp giới. 18. Ý Thức giới.

Các giới của Nhãn Nhĩ Tỷ Thiệt Thân, các giới của Sắc Thanh Hương Vị Xúc, cũng nói như Xứ.

Sáu Thức giới, là nương vào các căn như Nhãn (Mắt)… mà duyên theo các cảnh như Sắc…, phân biệt làm tánh.

Ý giới, tức là Diệt Vô Gián, để hiển bày chỗ nương của Ý Thức thứ sáu và kiến lập rộng mười tám giới. Như vậy, sắc uẩn tức là mười xứ, mười giới và một phần của pháp xứ pháp giới. thức uẩn tức là ý xứ và bảy tâm giới, ba uẩn còn lại và một phần của sắc uẩn, gồm các vô vi tức là pháp xứ, pháp giới.

Hỏi: giới là nghĩa gì?

Đáp: Chấp thọ tự tướng của tánh vô tác dụng, là nghĩa của giới.

Hỏi: Lấy nghĩa gì để nói Uẩn Giới Xứ?

Đáp: Để đối trị ba thứ Ngã chấp, đó là: 1. Ngã chấp nhất tánh. 2. Ngã chấp thọ giả. 3. Ngã chấp tác giả. Như thứ lớp.

Hỏi: Lại nữa, mười tám giới nầy có bao nhiêu giới có Sắc?

Đáp: Là một phần ít của mười giới, tức là tự tánh của sắc uẩn.

Hỏi: Có bao nhiêu giới Vô sắc?

Đáp: Là chỗ các giới còn lại.

Hỏi: Có bao nhiêu giới Hữu kiến?

Đáp: Là một Sắc giới.

Hỏi: Có bao nhiêu giới Vô kiến?

Đáp: Là các giới còn lại.

Hỏi: Có bao nhiêu giới Hữu đối?

Đáp: Là mười Sắc giới, hoặc kia đối với đây có chướng ngại.

Hỏi: Có bao nhiêu giới Vô đối?

Đáp: Là các giới còn lại.

Hỏi: Có bao nhiêu giới Hữu lậu?

Đáp: Là mười lăm giới và phần ít của ba giới sau, là xứ đó phiền não khởi, nên là xứ của đối tượng hành hiện bày.

Hỏi: Có bao nhiêu giới Vô lậu?

Đáp: Là phần ít của ba giới sau.

Hỏi: Có bao nhiêu giới lệ thuộc cõi Dục?

Đáp: Là tất cả.

Hỏi: Có bao nhiêu giới lệ thuộc cõi Sắc?

Đáp: Có mười bốn thứ, trừ Hương, Vị, Tỷ và Thiệt Thức ra.

Hỏi: Có bao nhiêu giới lệ thuộc cõi Vô Sắc?

Đáp: Là phần ít của ba giới sau.

Hỏi: Có bao nhiêu giới không lệ thuộc?

Đáp: Tức là Vô lậu.

Hỏi: Có bao nhiêu giới chỗ thuộc về uẩn?

Đáp: Trừ Vô vi.

Hỏi: Có bao nhiêu giới thuộc về Thủ uẩn?

Đáp: Là Hữu Lậu.

Hỏi: Có bao nhiêu giới Thiện, bao nhiêu bất thiện, bao nhiêu vô ký?

Đáp: Có mười Thông, ba Tánh, bảy Tâm giới, Sắc giới, Thanh giới, một phần Pháp giới và tám Tánh Vô ký.

Hỏi: Có bao nhiêu giới là trong?

Đáp: Có mười hai thứ, trừ Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp giới.

Hỏi: Có bao nhiêu giới là Ngoại? Đáp: Chỗ còn lại là sáu.

Hỏi: Có bao nhiêu giới có duyên?

Đáp: Là bảy Tâm giới, phần ít của pháp giới và tánh của pháp Tâm sở.

Hỏi: Có bao nhiêu giới không Duyên?

Đáp: Là mười thứ còn lại và phần ít của Pháp giới. Hỏi: Có bao nhiêu giới có Phân biệt?

Đáp: Là Ý Thức giới, Ý giới và phần ít của Pháp giới. Hỏi: Có bao nhiêu giới chấp thọ?

Đáp: Là năm Nội giới và phần ít của bốn giới, Sắc, Hương, Vị, Xúc.

Hỏi: Có bao nhiêu giới không chấp thọ?

Đáp: Là chín giới còn lại và phần ít của bốn giới.

Hỏi: Có bao nhiêu giới Đồng phần?

Đáp: Là năm Nội giới có Sắc, vì đồng cảnh giới với Tự thức.

Hỏi: Có bao nhiêu giới Bỉ đồng phần?

Đáp: Là khi Tự thức kia là không, thì cùng hiện với Tự loại.

 


[Đầu trang][Mục lục Bộ Du Già][Mục lục tổng quát]