TẠNG LUẬN
SỐ 1642 - LUẬN KIM CANG KẾ
Tác giả: Bồ-tát Pháp Xứng Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Thiên.
Theo các Bà-la-môn nói, bên trong những kinh điển của họ, thì bốn bộ Vi Đà là chánh: trong đó niệm là chánh, nơi niệm đó thì chủ thể nêu giảng (năng thuyên) và đối tượng được nêu giảng (sở thuyên) là chánh. Lại trong chủ thể và đối tượng thì chủ thể nêu giảng là chánh, chỉ vì nó cao tột không pháp nào vượt qua nó. Ở đời, không có nghiệp đó thì làm sao tạo? Do chủ thể nêu giảng đó, nên hoặc yêu hoặc tức giận đều từ đó mà sanh. Cũng như hết thảy họ tộc thì tộc Bà-la-môn ở trên. Nay chủ thể nêu giảng đây cũng lại như vậy.
Lý đó không đúng. Vì sao? Bà-la-môn kia tánh tộc gì? Mạng sống thế nào? Làm sao biết? Hành nghiệp như thế nào? Vì sao lại được tên là Bà-la-môn? Với lại Vi Đà đó, vì sao gọi là chánh? Đế thích là nhân thứ nhất, bàng sanh là thế nào? Thế nào là bàng sanh? Sanh ở tháng nào? Ngày nào là nguyên nhân lại sanh bàng sanh? Gió trời, lửa trời, nước trời là nhân thứ nhất? Lần lượt qua lại, như vậy là sao?
Những kẻ kia lại có những vọng chấp: Ở trong cõi trời, chết rồi, lại sanh trong cõi trời. Ở cõi người chết rồi lại cùng sanh trong cõi người, hàng bàng sanh cũng vậy.
Nội dung của bốn Vi Đà đều nói như thế. Đều chẳng phải là chánh lý. Mạng đó là gì? Nhân gì mà tên gọi là mạng? Các Bà-la-môn cũng lại như vậy.
Lại có kẻ ngoại đạo Bà-la-môn nói: Chánh kinh điển đã nói, núi Bà-la-đế sinh ra bảy cầm thú, nhiều Na-sa-lađà và đặc biệt là nai và Ca-lăng-tần-già ở núi Nhạ Lý. Núi đó có đủ các loài như: Anh vũ, cò trắng, ngỗng, nai… sanh trong cõi người thì Câu-lỗ-khất-sái! Từ đó chết đi rồi sanh trong Bà-la-môn.
Bây giờ thì luận giải về bốn Vi Đà đó.
Những loài cầm thú như là chim anh vũ, nai, ngỗng, cò trắng… được sanh ra trong cõi người, thì mạng của chúng là Bà-la-môn, hay không phải Bà-la-môn? Tại sao vậy? Mạng kia nếu đúng, thì không phải là cầm thú. Mạng kia nếu không phải, thì sanh kia là Bà-la-môn. Nói như thế là phi lý.
Bà-la-môn chấp: Bốn luận Vi Đà là gốc của vạn pháp, cũng hiệu là Chân như, chẳng ở họ tộc nào khác nhưng thuận theo sự thọ thực.
Đối với những xứ Thủ-đà, luôn luôn nhận lấy lợi lạc. Chánh trái tự tông, làm sao gọi là tịnh hạnh! Do đó cũng chẳng phải là Bà-la-môn chân thật.
Bốn Vi Đà là pháp của Bà-la-môn là những vọng chấp về chánh mạng, và đối với chánh pháp, chủng loại Bà-la-môn cũng lại phi lý. Làm sao mà pháp chân chánh được? Chủng tánh xen tạp, sao gọi là tối thượng! Sở dĩ vì sao không phải tối thượng? Vì xen tạp. Việc đó thế nào?
Như thông thường, tên cha là Na-lạc-khất-xoa, thì tên con Binh-nga-la-tiên. Lại như tên cha là A-nga-tấtđế thì con cũng gọi là A-nga-tất-đế. Lại như tên cha là Bố-diệu-dã-tả, thì con đều gọi là Kiều-thi-ca. Lại như tên cha Câu-xá-tử, thì tên con là Tăng-tát-đa-nga. Lại như tên cha là Ca-si-na, thì con cũng gọi là Ca-si-na. Lại như tên cha là Bà-tả-ngu-lạp-ma, thì con lại gọi Kiềuđát-ma. Lại như tên cha là Ca-la-xá, tên con lại là Nộtlỗ-noa-tả-lí dã. Lại như tên cha là Để-dật-để-lý, tên con là Để-đế-lý-như-ca. Lại như tên cha là Nại-la-hàm, tên con là Tiên-giác. Lại như tên mẹ là Dã-lộc-thải-ngưnhân-sanh, tên con gọi là Phạ dã tăng tử giác khất sái. Cha thuộc dòng họ Thủ-đà, đến đời con tên là Vĩ thấp di đát lãm. Mẹ là Chiên-đà-la, tên con là Phạ-sắt-xá. Tên mẹ Ô-lý-phạ thi là nữ do trời sinh ra thì chẳng phải là Bà-la-môn.
Như trên đã nói, thì nhân vào đâu mà cố chấp, Bàla-môn là tối thượng ở nhân gian. Lại như nội dung chính của kinh Tuất-lỗ-để đã chấp cũng chẳng có lý! Cho nên những pháp mà Bà-la-môn có, đều sai đạo lý.
Lại như pháp Bà-la-môn đều đã cho: Tân, nhục, tử, khoáng và diêm là những vật, Tuất-đà thì nên thọ. Bàla-môn các ông chớ nên thọ nó. Nay vì sao không như vậy?
Lại như họ chấp: Bà-la-môn đi bán sữa đi qua hư không rớt xuống thì chẳng phải Bà-la-môn! Ăn thịt đọa nơi "không" phi lý cũng như vậy. Cho nên phải biết, Bàla-môn mua bán sữa thịt, chẳng phải là pháp của Tuấtđà. Từ đó nên biết, tất cả những ai chẳng ăn uống sữa thịt và chẳng mua bán những thứ đó, đều gọi chung là Bà-la-môn. Cũng nên biết, tìm cách để bán sữa thịt thì chẳng phải là Bà-la-môn. Đó là những vọng chấp phi pháp.
Trở lại việc vọng chấp họ tộc ở thế gian là tối thượng, cũng chẳng phải pháp chân chánh. Ví như Sát-đế-lợi, Tỳ-xá, Thú-đạt, đều cho là tối thượng. Nếu vậy nên gọi chung là họ Bà-la-môn?
Lại chấp thân khổ mới gọi là Bà-la-môn. Nếu vậy có bao nhiêu thân khổ, thì hết thảy nên gọi Bà-la-môn?
Lại vọng chấp: Giết Bà-la-môn thì bị tội nặng, giết hại quyến thuộc Bà-la-môn bị tội cũng vậy.
Lại cho từ miệng Trời tịnh mà sanh ra. Họ Sát-đếlợi sinh từ thân trời kia. Tỳ-xá, Thủ-đà từ nơi chân mà sanh. nếu sát hại những thân kia, thì bị trọng tội.
Những quan niệm như vậy đều phi lý. Vì sao? Vì cho sát hại những họ khác thì tội đó chẳng có. Hại những quyến thuộc khác cũng vậy, chẳng có tội! Do những quan niệm sai lầm như vậy, mà không thể khế hợp chánh lý được.
Lại cho: Phá hoại sự tu hành của kẻ kia, phá hoại việc đang thực hành bố thí, và phá cả những kẻ thọ nhận bố thí… hoặc trí, hoặc thân… của họ đều bị tội lớn. Điều đó không thể như vậy. Vì sao? Vì trong thân và trí làm gì có được danh hiệu Bà-la-môn. Hơn nữa những Thủđà đều có thân, trí, tất thảy đều có được tên Bà-la-môn sao?
Lại cho: Hiểu được bốn luận Vi Đà, hợp với Thanh luận luận Tăng Khư, Vĩ thế sử ca, cho đến các luận đều thấu đạt, gọi là Bà-la-môn. Lý đó cũng không đúng. Ví như những Thủ-đà cũng hiểu luận kia, cũng hiểu rõ ràng các nghĩa kia, há đều được gọi là Bà-la-môn hết chăng? Nếu tu tập khổ hạnh thì gọi là Bà-la-môn, các Thủđà cũng có khả năng như vậy thì gọi là Bà-la-môn?
Hiểu rõ các thuật số thì gọi là Bà-la-môn. Vậy những người bắt cá và các nhạc nhân (nhạc sĩ), họ đều hiểu rõ mọi sai biệt của thuật số, cũng có thể được gọi là Bà-lamôn sao? Cho nên phải biết: Hành chẳng phải Bà-lamôn, nghiệp chẳng phải Bà-la-môn, người hành bố thí và người thọ nhận chẳng phải Bà-la-môn.
Sát-đế-lợi kia, Tỳ-xá Thủ-đà kia, cũng có khả năng hành vậy nên đều được gọi là Bà-la-môn sao?! Cho nên phải biết: Chẳng phải họ tộc, chẳng phải nghiệp, chẳng phải hành, chẳng phải đời sống, thậm chí với đức, gọi là Bà-la-môn.
Phải lìa hết thảy nhiễm, khéo tu hành các hạnh cao cả, oai nghi không thiếu sót, giới hạnh đầy đủ, khéo hàng phục các căn, dứt trừ phiền não, vô ngã vô nhân, lìa xa những vướng mắc và tham sân si hết thảy lìa xa, như vậy mới gọi là Bà-la-môn chân chánh.
Lại nữa, lìa xa nhiễm ái, thậm chí với cả hàng súc sanh. Không sanh tham đắm, tu hạnh thanh tịnh, mới gọi là Bà-la-môn. Cho nên biết được lời nói của đại tiên Tốccốt-lỗ rằng: Bà-la-môn đó chẳng phải tánh, chẳng phải nghiệp, chẳng phải đức, chẳng phải hạnh, cũng chẳng phải khéo làm! Như Chiên đà la rất khéo léo đối với công xảo nghệ của bốn Vi Đà, nên có khả năng làm cho đức hạnh đầy đủ, vậy có thể được gọi là Bà-la-môn sao? Cho nên phải biết: Chẳng phải mạng, chẳng phải trí, chẳng phải thân, cũng chẳng phải hành, nghiệp thì gọi là Bàla-môn.
Lại như Thủ-đà, tu học khổ hạnh để hiểu được bốn Vi Đà, đạt năm thông của bậc tiên, Bà-la-môn các ông phải phụng sự như thế nào, vì đó là chủng tánh thấp. Vả lại đạo tiên kia bốn tánh đều được. Tại sao những tộc họ khác gọi là không tối thượng?
Lại như Đế thích, đã qua giai đoạn tu nghiệp thiện, mới được sanh ở cõi trời ấy, vốn là chủng tánh thấp. Chánh văn của kinh kia nói như thế này: Bà-già-bà đó và với Đế thích, họ là chủng tánh thấp. Như vậy là phải trưng dẫn để hỏi cho cặn kẽ. Căn cứ ở trước, kinh kia đã nói, trời Đại tự tại, ở trong miệng Thiên hậu, đã sinh ra các trời Đế thích và khí thế gian, chứ chẳng phải từ thế gian mà sanh trời Đại tự tại và Thiên hậu. Vì gốc sanh ra ngọn, chẳng thể nào ngọn sanh ra gốc. Cho nên lời nói đó trái với chánh thuyết kia. Gốc là chủng tánh thấp, làm sao vọng chấp có thể cho là từ đó sanh ra? Nên biết đó là phi lý. Ví như Thủ-đà mạng chung, sanh vào trời Đại tự tại kia sao? Bà-la-môn các ông vì sao lại phụng sự những chủng tánh thấp kia?!
Theo như các ông nói: Pháp của Bà-la-môn là những vấn đề về áo mặc, hơi thở, bánh bổ, thuốc men, khổ hạnh và tuyệt thực, gọi là Bà-la-môn. Vậy thì, những Thủ-đà kia cũng có khả năng hành như vậy, nên cũng được gọi là Bà-la-môn sao? Kinh kia còn cho: Ở trong xứ Thủ-đà, tay nhận lấy thức ăn trải qua một tháng, hiện thân biến hóa làm thân của Thủ-đà, quả báo đời sau nhất định sanh ra trong loài chó.
Lại nói về Bà-la-môn cưới con gái Thủ-đà làm vợ mình, thì cha mẹ, các thần nhà cửa, đều lánh xa, chết phải vào địa ngục. Quan niệm như vậy thật là phi lý. Họ Bà-la-môn và Thủ-đà có gì sai biệt? Như đại tiên Ca-sina, từ thai nai sanh ra, tu học khổ hạnh cho đến khi chứng được đạo tiên. Ông tiên đó có từ Bà-la-môn sanh không? Như đại tiên Phạ-dã-sa, từ người đàn bà bắt cá sanh ra, tu học khổ hạnh mới thành đạo tiên. Tiên đó há phải là tánh Bà-la-môn sao?! Cho nên những quan niệm sai trái không thật không thể khế hợp với chánh lý được. Lại như đại tiên Phạ-tư-sắt-trá, từ nơi thiên nữ Ô-lý-Phạ thi sanh ra, tu học khổ hạnh mới được đạo tiên. Tiên đó có phải từ Bà-la-môn sanh ư?
Lại như đại tiên Lộc giác, sanh từ bào thai nai, tu tập khổ hạnh mà thành đạo tiên. Tiên đó là Bà-la-môn sao?
Lại như đại tiên Vĩ-thấp-phạ-di-đát-lỗ, sanh từ trong nhà người nữ Chiên-đà-la. Tiên đó là Bà-la-môn sao? Cho nên phải biết: Điều phục các căn, không vướng mắc vào ngã, nhân, chuyên cần tu tập phạm hạnh, xa lìa nhiễm dục, vĩnh viễn chặn đứng các mê hoặc, được vậy mới là Bà-la-môn đích thực, chứ chẳng phải từ tộc tánh sanh ra.
Như thế nào là vọng chấp họ Bà-la-môn trong thế gian là tối thượng? Bà-la-môn cho: Giới hạnh tinh khiết, dòng họ không lẫn lộn, lấy đó vọng chấp chẳng phải nhất cho là nhất. Cho nên phải biết Bà-la-môn là chẳng phải tánh, chẳng phải mạng, chẳng phải tộc, chẳng phải hành, chẳng phải nghiệp, chẳng phải sanh.
Lại nữa, trong loài người phần đông là chủng tánh thấp. Họ trì giới tu phước để được sanh thiên, đâu thể nhân nơi tộc tánh mới được sanh thiên!
Lại nữa, theo tông chỉ của các ông, thì Đại tiên Casi-nẵng, Đại tiên Vĩ-dã-sa, đại tiên Phạ-thi-sắt-trá, đại tiên Giác thiện, đại tiên Vĩ-thấp-phạ, đại tiên Di-đátphạ, đại tiên Nẵng-phạ-na… những đại tiên này đều từ những họ tộc dòng dõi thấp sanh ra. Nhờ khổ hạnh tu tập mới được đạo tiên, tại sao lại vọng chấp chủng tánh ở thế gian chẳng tạp loạn, là tối thượng? Cho nên lời nói đã không thật nên chẳng thể nào tin nhận!
Lại còn cho: Họ Bà-la-môn sanh ra từ miệng của Phạm thiên. Họ Sát-đế-lợi sanh ra từ cánh tay Phạm thiên. Chủng tánh Tỳ-xá sanh từ bụng của Phạm thiên. Từ nơi chân của Phạm thiên mới sanh ra Thủ-đà, quá ư là hư vọng! Càng nhiều hư vọng nên mới tạo thành chấp những quan niệm như vậy.
Lại còn cho: Càng vững vàng khổ hạnh giữ được chí khí, đó là Bà-la-môn. Nếu vậy, thì người câu cá, thợ nhuộm, thuộc da và những Thủ-đà quyết chí khổ hạnh đều gọi chung là Bà-la-môn sao?
Lại chấp chặt hình tướng bên ngoài, như việc búi tóc, dải áo ở lưng buộc bằng dây tơ, tay cầm trượng gỗ, mặc áo đẹp, ăn uống thiếu thốn gọi là Bà-la-môn. Những Tuất-đà khác cũng có khả năng làm như vậy, chẳng lẽ những người đó cũng gọi chung là Bà-la-môn?
Lại còn quan niệm bốn họ lớn đều do Phạm sanh. Ví như có họ của người con nào mà lại khác biệt cha. Nếu vậy, thì những Thủ-đà, thậm chí cả những dòng họ khác, họ của con cùng một cha sanh ra phải khác sao? Việc này đã không như vậy, việc kia làm sao đúng?
Lại cho rằng: Bà-la-môn sanh từ trong miệng của Phạm thiên. Chị em anh em đều có thể giao kết; thế gian đã mắng la chán ngán, các ông thì có thể thực hành! Vậy làm sao mà trong sạch được! Đó là vọng chấp, cho cái không sạch là sạch! Như một cha một mẹ, sanh bốn con, không thể có khác biệt về họ. Sao lại có vọng chấp, cho đây là Bà-la-môn đó, Sát-đế-lợi đây là, đây là Tỳ-xá, đây là Thủ-đà… cha con một họ đều khác. Cho nên vọng chấp về bốn tánh là sai biệt. Lại chẳng phải như hình dáng, chân của voi, ngựa, bò, dê, lạc đà, nai, sư tử, hổ, báo, mỗi mỗi khác nhau, nên đây là vết chân bò, cho đến vết chân voi có thể phân rõ sự sai khác. Lại như một cây, có thể sanh ra nhiều hoa quả, có thể không có sự khác biệt, chẳng phải các loại hoa cỏ khác, nơi sanh không giống nhau không thể khiến cho giống được. Nay, các ông cho đạo lý bốn họ cũng vậy. Hoặc Bà-la-môn, hoặc Sát-đế-lợi, thậm chí là Thủ-đà đều từ một cha sanh ra, thì làm sao có thể vọng chấp bốn họ sai khác được?
Lại có vua trời tên là Dụ-địa-sắt-trí-la, cung kính chắp tay đến chỗ tiên nhân Phệ-sa-ba-lệ, đầu mặt thân thể quỳ cúi thưa với đại tiên: Làm sao để được gọi là đức của Bà-la-môn? Lại được gọi là tướng Bà-la-môn? Tướng sai biệt có bao nhiêu loại? Nay mong đại điện diễn giải, giúp tôi được hiểu. Bấy giờ tiên nhân Phệ-saba-lệ nói với nhà vua: Nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, những cái đó là đức của Bà-la-môn. Xa lìa tham sân và không giết hại hữu tình, đó là tướng thứ nhất của
Bà-la-môn. Đối với hết thảy của cải người khác, không sanh lòng tham lấy, đó là tướng thứ hai của Bà-la-môn. Xa lìa tánh xấu ác, có hành động ôn hòa, không kết chặt ngã nhân, xả bỏ các hệ lụy trói buộc và các dục nhiễm ô, đó là tướng thứ ba của Bà-la-môn. Đối với người con gái cõi người hay cõi trời, thậm chí loài bàng sanh, vĩnh viễn xa lìa nhiễm đắm, đó là tướng thứ tư của Bà-la-môn. Lại phải làm cho hữu tình thành thục thường khởi lên lòng thương xót, điều phục các căn thanh tịnh cho tốt hơn, đó là tướng thứ năm của Bà-la-môn. Năm loại đó mà đầy đủ cả, thì gọi là Bà-la-môn. Nếu còn kết buộc ta, người, không đủ với năm tướng đó, đều gọi là Thủ-đà. Tiên nhân lại còn nói với nhà vua Dụ-địa-sắt-sỉ-la: Chẳng phải dòng dõi, chẳng phải họ tộc và tu khổ hạnh mà thành Bà-la-môn. Những Chiên-đà kia, đủ năm tướng, cũng được gọi là Bà-la-môn chân chánh. Do lý như vậy, nên Bà-la-môn kia cũng được gọi là Thủ-đà, và Thủ-đà cũng được gọi là Bà-la-môn.
Vua Dụ địa sắt sỉ la lại bạch với tiên nhân: Hạnh của các Bà-la-môn kia là không sát hại, quả thu được từ hạnh là thanh tịnh, những cái đó có được phần nhỏ nào của danh Bà-la-môn chăng?
Tiên nhân trả lời nhà vua: Bốn họ tộc đó có sai biệt, là do quá khứ, nhân duyên và nghiệp của đời trước, giống như loài hữu tình trong thế gian sanh từ thai, hết thảy đều sanh ra từ căn nhơ uế. Có những sai biệt nào? Đó là giới hạnh với lại nghiệp tu đức, thì gọi Bà-la-môn, thậm chí Thủ-đà chỉ tu đức hạnh, cũng thành Bà-la-môn. Nếu Bà-la-môn không tu nghiệp đức, thì cũng gọi là hàng Thủ-đà thấp kém. Nếu năm căn thường khởi những nghiệp ác, thì luôn phải lo điều phục. Giống như hữu tình bị chìm đắm trong biển lớn, phải luôn cầu mong có người cứu giúp để có thể vượt đến bờ bên kia.
Nhà vua Dụ-địa-sắt-sỉ-la nghe tiên nhân nói như thế, lòng vui sướng vì đã hiểu được sự việc rõ ràng, bèn đem những điều đã nghe thấy mà hồi hướng và bố thí cho hết thảy vô biên hữu tình, để đều được tỏ ngộ. Chẳng phải vì tự thân hay vì tham mạng của chính mình, ta nay ngày đêm tu tập nhẫn nhục, xa lìa sự quyến luyến của bà con, dứt hẳn mọi ganh ghét hiềm khích, hết thảy những cảnh dục không hề ham mê chìm đắm, chỉ một hướng mong cầu giải thoát, mãi mãi tu tập hạnh thanh tịnh.
Tiên nhân lại nói tiếp cho nhà vua nghe: Không giết hại hữu tình, xa lìa tham sân, thanh tịnh không gì so sánh, như vậy mới gọi là hạnh Bà-la-môn. Điều phục các căn, bố thí và nhẫn nhục, phạm hạnh chân thật, luôn nhớ nghĩ đến tất cả hữu tình với lòng thương xót sâu xa muốn bảo hộ, tu tập trí tuệ, như vậy mới gọi là hạnh Bà-lamôn. Xa lìa loại khổ tà đạo, phải biết những cái khổ mà hữu tình gánh chịu, như vậy mới là hạnh Bà-la-môn.
Lại nữa, Kinh Nga-Dã-Đát-Lý của Bà-la-môn, trong phần chú, có nói: "Chịu khó tu hành, lìa chấp, điều phục các căn, bốn thời hành thí, ái niệm hữu tình, dứt bỏ tùy miên, hằng tu tịnh hạnh, trải qua ngàn kiếp, mới được gọi là Bà-la-môn" chân chính.
Tiên nhân lại nói với nhà vua: Nếu có người hiểu rõ bốn luận Vi Đà, thì gọi là Bà-la-môn, được ca tụng là dòng họ cao tột. Các dòng họ Thủ-đà kia cũng có khả năng hiểu rõ, sao không phải là cao tột? Ví như bốn dòng họ cùng dạo chơi nơi cảnh Thánh, để lại những vết tích của chân, thì không thể phân biệt đâu là dấu chân người này, đâu là vết chân người kia! Một họ, bốn họ cũng lại như vậy thôi! Tất cả đều giả tạm, tự bày tự đặt ra chứ vốn không sai biệt. Ví như bò ngựa trong thế gian, hình dáng bề ngoài tuy khác, nhưng căn nam nữ thì cùng loại, chẳng có gì khác! Bà-la-môn với Sát-đế-lợi, Tỳ-xá và Thủ-đà, một họ, bốn họ, trông hình tướng đều cũng vậy. Lại như một người thì cũng máu, thịt, phân, nước tiểu, tay, chân và các căn… mà có nhiều người thì máu thịt đều cùng một loại như nhau.
Lại như hoa sen, hoa sát đát lý, ánh trăng chiếu vào, thì màu sắc có thể phân biệt rõ, nhưng với bốn họ tộc thì sắc tướng không khác. Không sai biệt là như thế nào? Như bò, ngựa, thậm chí là nai, voi, khi đến giai đoạn nhiễm dục, thì tự hành động, và không cần phải giao phối mới có thể phân biệt rõ! Nay các họ Bà-la-môn, cùng Sát-đế-lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà cùng nhau giao kết thực hành nhiễm dục, thì đều thai sanh, có gì là sai biệt đâu?
Lại như, Bà-la-môn có sanh một con gái, đối trước các Bà-la-môn khác, là cùng họ hàng, chị em, làm sao giao kết? Chị em, anh em không thể thành chồng vợ! Trong thế gian, như cả Thủ-đà cũng chẳng thực hành pháp đó.
Ví như thế gian có cây Ưu-đàm bát, hoa quả nhánh lá tuy rất nhiều che phủ cả rễ thân, nhưng không có gì khác biệt. Chẳng thế nào mà phân biệt hoa này hoa kia. Bà-la-môn các ông, cũng lại như vậy. Chẳng có thể giao hội với chị em đồng họ tộc, vì là việc mà thế gian phỉ báng, ghê tởm chẳng có thể thực hành.
Nói xả bỏ, lìa xa thân và ngữ không tốt, luôn tu tập nghiệp trong sạch, đó là Bà-la-môn. Những họ tộc Tỳxá kia, cũng có thể làm như vậy, để được như đại tiên tên Phạ-tư-sắt-xá kia. Như lửa ở thế gian có thể thiêu đốt mọi thứ củi cỏ mà không hề có sự phân biệt nào! Nay Bà-la-môn đối trước các họ tộc khác cũng vậy, không có gì sai biệt.
Như đại tiên Tông di dã sa kia, vốn sanh ra từ người cha đánh bắt cá, cũng đâu phải là Bà-la-môn kia sanh!
Như vua Bán-noa-phạ, anh em năm người, cùng một mẹ sanh ra, nhưng cha đều khác nhau. Đó là do nghiệp đời trước cùng mẹ, khác cha, chứ đâu phải là do họ tộc, mà vọng chấp là sai biệt!
Như ở thế gian, chỗ muối ở nước, (nước muối) tuy hình dạng bề ngoài của muối ẩn kín, nhưng vị mặn thì chẳng phải là không có. Nghiệp đời trước đi theo thân, ẩn hiện cũng giống vậy. Hết thảy đều là vọng chấp. Những người có trí phải thẩm xét kỹ, chứ chẳng thể nào dựa vào đó để tin.