TẠNG LUẬN
SỐ 1653 - LUẬN ĐẠI THỪA DUYÊN SINH
Tạo luận: Thánh giả Uất Lăng Già. Hán dịch: Tam Tạng Sa-môn Bất Không
Từ một sinh ra ba
Từ ba chuyển sinh sáu
Sáu hai, hai lại sáu
Từ sáu cũng sinh sáu
Từ sáu có ra ba
Ba này lại có ba
Ba lại sinh ra bốn
Bốn lại sinh ra ba
Từ ba sinh ra một
Một kia lại sinh bảy
Tất cả khổ trong đó
Mâu-ni nói đều gồm
Mười hai loại sai biệt
Người trí nói là không
Vì sức chi duyên sinh
Nên biết mười hai pháp
Vô tri và nghiệp thức
Danh sắc, căn, ba hòa
Lãnh khát cùng do thủ
Tập sinh thục tiếp chung
Một, tám, chín: phiền não
Thứ hai, mười là nghiệp
Còn lại bảy là khổ
Ba thâu mười hai pháp
Một, hai là quá khứ
Hai sau thời vị lai
Tám còn lại: hiện tại
Đây là pháp ba thời
Phiền não nghiệp cảm báo
Báo lại sinh phiền não
Phiền não lại sinh nghiệp
Do nghiệp nên có báo
Lìa não đâu có nghiệp
Lìa nghiệp đâu có báo
Không báo thì lìa não
Cả ba đều tịch diệt
Năm chi nhân sinh quả
Gọi là phiền não nghiệp
Bảy chi kia làm quả
Nên biết bảy loại khổ
Trong nhân nói không quả
Trong quả cũng không nhân.
Trong nhân không có nhân
Trong quả cũng không quả
Người trí tương ưng "không"
Bốn thứ chi trong đời
Nhân quả hợp nên có
Phiền não nghiệp quả hợp
Liên kết thành sáu phần
Do Hữu tiết gồm thâu
Hai tiết và ba lược
Nhân quả hợp thành tiết
Ba tiết bốn tổng lược
Hai ba hai ba hai
Trong khổ có năm pháp
Người tạo cùng thai giới
Cảnh chuyển sinh lưu hành
Mê hoặc phát khởi quả
Quả Đẳng lưu là hai
Tương ứng với căn phần
Một, một ba hai phần
Quả nhiệt não, khuyết đoản
Chuyển sinh quả đẳng lưu
Tương ưng các phần khác
Hai một một một pháp
Đây có mười hai loại
Hòa hợp nên duyên sinh
Không chúng sinh, thọ mạng
Là không, dùng tuệ biết
Không ngã, không ngã sở
Trong vô ngã không ngã
Bốn loại vô tri "không"
Chi khác cũng như vậy
Lìa hai biên đoạn, thường
Đây chính là Trung đạo
Nếu biết, đã thành tựu
Biết Thể là chư Phật
Biết rồi ở trong chúng
Tiên Thánh nói vô ngã
Ở trong kinh Thành Dụ
Đạo Sư nói nghĩa này
Kinh Ca-chiên-diên nêu
Chánh kiến và không kiến
Kinh Phá La Cụ Noa
Cũng nói "không" thù thắng
Nếu biết đúng duyên sinh
Biết tương ưng "không" kia
Nếu không biết duyên sinh
Thì không biết "không" kia
Trong "không" nếu khởi mạn
Nơi uẩn chẳng nhàm chán
Đấy gọi "không" thuộc ác (cõi ác)
Tức mê nghĩa duyên sinh
Do chẳng mê duyên sinh
Lìa mạn biết rõ "không"
Và nhàm chán các uẩn
Nên chẳng mê nghiệp quả
Tạo nghiệp duyên sinh tiếp
Đều duyên theo chỗ này
Duyên "không" sẽ có đủ
Nghiệp báo và thọ dụng
Mười hai chi sai biệt
Trước đã nói duyên sinh
Phiền não nghiệp khổ kia
Cả ba như pháp thâu
Từ ba sinh ra hai
Từ hai sinh ra bảy
Từ bảy lại sinh ba
Cứ vần xoay như vậy
Tất cả do nhân quả
Từ "không" sinh ra "không"
Từ pháp sinh ra pháp
Nương duyên sinh phiền não
Nương duyên cũng sinh nghiệp
Nương duyên sinh ra báo
Tất cả đều do duyên
Tụng đèn, ấn, gương, tiếng
Mặt trời, giống, nước bọt
Nối tiếp chẳng đổi thay
Người trí xét cả hai.
Nay tôi xin lần lượt giải thích bộ
Luận Duyên Sanh Tam Thập này.
Từ một sinh ra ba
Từ ba chuyển sinh sáu
Sáu hai hai lại sáu
Từ sáu cũng sinh sáu.
Từ một sinh ra ba: Một là vô tri. Vô tri này tức là vô minh. Do không biết Khổ, Tập, Diệt, Đạo nên gọi là vô tri. Do vô tri nên có phước, phi phước, bất động, gọi là ba Hành. Đến như Thân hành, Khẩu hành, Tâm hành cũng từ đấy phát sinh.
Từ ba chuyển sinh sáu, tức là từ ba Hành sinh ra sáu Thân thức, đó là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.
Sáu hai, tức là sáu thân thức chuyển sinh ra hai loại là Danh và Sắc. Hai lại sáu tức là hai loại Danh sắc chuyển sinh ra sáu Xứ, là Nhãn xứ, Nhĩ xứ, Tỷ xứ, Thiệt xứ, Thân xứ, Ý xứ.
Từ sáu cũng sinh sáu, tức là từ sáu Xứ chuyển sinh ra sáu Xúc, đó là Nhãn xúc, Nhĩ xúc, Tỷ xúc, Thiệt xúc, Thân xúc, Ý xúc.
Từ sáu sinh ra ba
Ba này lại có ba
Ba lại sinh ra bốn
Bốn lại sinh ra ba.
Từ sáu sinh ra ba tức là từ sáu xúc chuyển sinh ra ba thọ đó là Lạc thọ, Khổ thọ, Bất khổ bất lạc thọ. Ba này lại có ba tức là từ ba thọ chuyển sinh ra ba ái, là Dục ái, Hữu ái và Vô hữu ái. Từ ba lại sinh bốn, tức là từ ba ái chuyển sinh ra bốn Thủ, đó là Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ và Ngã ngữ thủ. Bốn lại sinh ra ba, tức là từ bốn Thủ chuyển sinh ra ba Hữu, là Dục hữu, Sắc hữu và Vô sắc hữu.
Từ ba sinh ra một
Từ một lại sinh bảy
Tất cả khổ trong đó
Mâu-ni nói đều gồm.
Từ ba sinh ra một, tức là từ ba Hữu này làm duyên sinh ra một loại Sinh trong vị lai (tức Vô minh). Một này lại sinh bảy, tức là từ một này sẽ có bảy loại: Già, chết, sầu, than, khổ, ưu, não. Tất cả khổ trong đó, Mâu-ni nói đều gồm, nghĩa là trong đó bắt đầu là vô minh, kết thúc là khổ, vô lượng sự khổ mà Đức Thế Tôn nói đều có đủ trong ấy.
Mười hai loại sai biệt
Người trí nói là không
Do sức phần duyên sinh
Nên biết mười hai pháp.
Mười hai loại sai biệt, người trí nói là " không", nghĩa là: Những vô tri này gồm mười hai chi, mười hai chi ấy đều là cái không của tự tính. Biết được như vậy nên Phật nói nó chỉ là không. Từ không sinh ra không, từ pháp sinh ra pháp.
Do sức chi duyên sinh, nên biết mười hai pháp, tức là nếu theo thứ lớp thì có mười hai chi, trong đó, tướng mê hoặc là vô minh. Tướng tích tập sẽ có là Hành. Tướng thọ sinh, lưu chuyển là Thức. Tướng danh thân, sắc thân hòa hợp là Danh sắc. Tướng an trí cho căn là Lục xứ. Tướng cộng tụ của nhãn sắc thức là Xúc. Tướng thọ dụng ái, phi ái điên đảo là thọ. Tướng không biết nhàm chán đủ là Ái. Tướng chấp giữ, thâu lấy là Thủ. Tướng của danh thân, sắc thân là Hữu. Tướng sinh khởi của Uẩn là sinh. Tướng thành thục là Lão. Mạng căn dứt là Tử. Tướng phiền muộn ủ rũ là sầu. Tiếng than khóc là Than. Tướng bức bách, khổ não của thân là khổ. Tướng bức bách, khổ não của tâm là ưu. Tướng tổn hại là Não.
Vô tri và nghiệp thức
Danh sắc, căn, ba hòa
Lãnh khát cùng do thủ
Tập xuất thục biên sau.
Trong đó, vô tri là vô minh. Nghiệp là hành. Thức là phân biệt. Danh sắc là năm uẩn tích tụ lại. Căn là xứ. Ba hòa chính là xúc. Lãnh nạp tức là thọ. Khát tức là khát ái. Thủ tức là chấp trì. Thọ dụng tức là Hữu. Khởi là sinh khởi. Thục là lão. Biên sau tức là tử.
Các tướng sai biệt ấy cùng gồm thâu nhau, nay tôi xin lần lượt giải thích. Trong đó có: Phiền não, nghiệp sai biệt:
Một, tám, chín: Phiền não
Thứ hai, mười là nghiệp
Còn lại bảy là khổ
Ba thâu mười hai pháp.
Phiền não có ba chi là Vô minh, Ái, Thủ. Nghiệp có hai là Hành và Hữu. Báo có bảy chi là: Thức, Danh sắc, Lục xứ, Xúc, Thọ, Sinh, Lão tử. Mười hai pháp này do ba loại thâu tóm.
Lại có thời sai biệt:
Một hai là quá khứ
Hai sau thời vị lai
Tám còn lại: hiện tại
Đây là pháp ba thời.
Hai chi Vô minh và Hành thuộc về quá khứ. Hai chi sau cùng là Sanh là Lão tử thuộc về vị lai. Tám chi còn lại là Danh sắc, Lục xứ, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu thuộc về hiện tại.
Lại nữa, mỗi mỗi chi đều theo thứ lớp sinh:
Phiền não nghiệp cảm báo
Báo lại sinh phiền não
Phiền não lại sinh nghiệp
Do nghiệp nên có báo.
Ba thứ phiền não, nghiệp, báo như trước đã nói, do phiền não nên có nghiệp, do có nghiệp nên có báo, lại do có báo nên có phiền não, do có phiền não nên có nghiệp, do có nghiệp nên có báo.
Hỏi: Nếu phiền não, mỗi mỗi đều tịch diệt thì thế nào?
Đáp:
Lìa não sao có nghiệp
Lìa nghiệp đâu có báo
Không báo thì lìa não
Cả ba đều tịch diệt.
Nếu tâm mình không nhiễm phiền não thì sẽ không tích chứa nghiệp. Nếu không tạo nghiệp thì không chịu quả báo. Nếu diệt được quả báo thì không sinh phiền não, như vậy cả ba đều tịch diệt.
Ở đây lại có nhân và quả:
Năm chi nhân sinh quả
Gọi là phiền não, nghiệp
Bảy chi kia làm quả
Phải biết bảy loại khổ.
Năm thứ nhân được gọi là phiền não, nghiệp, như đoạn trước đã nói, đó chính là Vô minh, Hành, Ái, Thủ, Hữu. Bảy loại quả chuyển sinh gồm: Thức, Danh sắc, Lục xứ, Xúc, Thọ, Sinh. Lão tử. Đây chính là bảy thứ khổ.
Lại nữa nhân quả đều không:
Trong nhân nói không quả Trong quả cũng không nhân Trong nhân không có nhân Trong quả cũng không quả Người trí tương ưng không.
(Bản Phạn là một kệ, nay chia thành một kệ và một câu)
Nhân và quả ở đây nói, nếu nhân "không" thì quả cũng "không", quả "không" thì nhân cũng "không". Nhân của nhân "không" đã không, thì quả của quả "không" cũng không. Giai đoạn chuyển tiếp giữa bốn câu này tương ưng với nhau.
Lại còn có Hữu sai biệt:
Bốn thứ chi trong đời
Nhân quả hợp nên có
Phiền não nghiệp quả hợp
Liên kết thành sáu phần.
Bốn thứ chi trong đời, Nhân quả hợp nên có, nghĩa là: Ba đời năm loại nhân, bảy thứ quả đã nói đó tóm lược chung thành bốn loại. Theo thứ lớp nó sẽ có bốn chi: Vô minh, Hành, hai pháp thuộc quá khứ là chi thứ nhất. Thức, Danh sắc, sáu Xứ, Xúc, Thọ, thuộc về hiện tại là chi thứ hai. Ái, Thủ, Hữu cũng thuộc hiện tại là chi thứ ba. Sinh, Lão tử, hai pháp thuộc về vị lai là chi thứ tư. Đây gọi là bốn thứ chi, hay bốn loại phần.
Phiền não, nghiệp, quả hợp, liên kết thành sáu phần, nghĩa là: Ba thứ phiền não, nghiệp và báo liên kết nhau thành hai gốc và nó có sáu phần. Từ Vô minh cho đến Ái, phần này lấy Vô minh là gốc. Từ Ái cho đến Lão tử, phần này lấy Ái làm gốc. Trong gốc Vô minh thì vô minh là phiền não. Hành là nghiệp. Thức, Danh sắc, sáu Xứ, Xúc, Thọ là báo. Trong gốc Ái thì Ái, Thủ là phiền não. Hữu là nghiệp. Sinh, Lão tử là báo.
Lại có tiết và tổng lược:
Do Hữu tiết gồm thâu
Hai tiết và ba lược
Nhân quả hợp làm tiết
Ba tiết, bốn tổng lược.
Hữu tiết làm gốc, phát khởi ra hai tiết. Giữa Hữu và Sinh là Tiết thứ nhất. Giữa Hành và Thức là Tiết thứ hai. Hai tiết này đều là Tiết của nghiệp quả. Trong Thọ và Ái, khi nhân quả hòa hợp là Tiết thứ ba. Ba tiết này lại có bốn loại tổng lược. Vô minh, Hành là tổng lược thứ nhất. Thức, Danh sắc, sáu Xứ, Xúc, Thọ là tổng lược thứ hai. Ái, Thủ, Hữu là tổng lược thứ ba. Sinh, Lão tử là tổng lược thứ tư. Đây gọi là ba Tiết và bốn Tổng lược.
Trong các pháp này lại có Thời sai biệt:
Hai ba hai ba hai
Trong khổ có năm pháp
Kẻ tạo cùng thai giới
Cảnh chuyển sinh lưu hành.
Các pháp ở đây gồm: Vô minh, Hành là hai loại. Thức, Danh sắc, Lục xứ là ba loại. Xúc, Thọ là hai loại. Ái, Thủ, Hữu là ba loại. Sinh, Lão tử là hai loại. Năm pháp này là chủ thể tạo tác trong khổ. Nó hình thành cảnh giới thai tạng và lưu hành, chuyển vận ngay trong đó. Vô minh, Hành là chủ thể tạo tác trong khổ. Thức, Danh sắc, Lục xứ là thai tạng của khổ. Xúc, Thọ, là cảnh giới của khổ. Ái, Thủ, Hữu là phát khởi của khổ. Sinh, Lão tử là lưu hành của khổ.
Lại có quả sai biệt:
Mê hoặc phát khởi quả
Quả Đẳng lưu là hai
Tương ưng với phần căn
Một một ba hai phần.
Như trước đã nói, trong gốc Vô minh và gốc Ái, phần đầu tiên trong gốc Vô minh mê hoặc mà phát khởi quả Đẳng lưu và có bốn loại quả. Một, một, ba, hai là số phần của nó, tùy theo thứ lớp mà nó tương ưng, trong đó vô minh là quả mê hoặc, Hành là quả phát khởi, Thức,
Danh sắc, Lục xứ và quả báo, Xúc, Thọ là quả Đẳng lưu.
Lại có các quả thấp kém hơn nữa:
Quả nhiệt não, khuyết đoản
Chuyển sanh quả Đẳng lưu
Tương ưng các phần khác
Hai một một một pháp.
Như trước đã nói, trong gốc Ái, nhiệt não và khuyết đoản (thiếu thốn) chuyển sinh ra quả Đẳng lưu, tùy theo số phần gồm: hai, một, một, một, nó sẽ tương ưng với các phần ấy. Trong đó, Ái Thủ là quả nhiệt não, Hữu là quả khuyết đoản, Sinh là quả Chuyển xuất, Lão tử là quả Đẳng lưu. Như vậy sẽ có tám quả.
Đây có mười hai loại
Hòa hợp nên duyên sinh
Không chúng sinh, thọ mạng
Là không dùng tuệ biết.
Đầu tiên là vô minh, cuối cùng là Lão tử, mười hai chi này ngang bằng nhau, hòa hợp nhau nên là duyên sinh, nhưng không có chúng sinh, không có thọ mạng, không tạo tác, phải dùng tuệ thấy biết như vậy. Không có chúng sinh vì không bền chắc, không có thọ mạng vì vô ngã, là không vì không có tạo tác, vì không có chủ thể tạo tác.
Không ngã, không ngã sở
Trong vô ngã không ngã
Bốn loại vô tri không
Chi khác cũng như vậy.
Vô tri là vô ngã. Ở đây vô tri là vô ngã sở. Vì vô ngã, nên trong vô ngã không có vô tri. Trong bốn loại vô tri, vô ngã sở nay không có cái "không" của vô tri. Bốn loại vô tri này đã "không", nên các chi khác cũng như vậy, chúng đều là "không".
Lìa hai biên đoạn, thường
Đây chính là Trung đạo
Nếu biết, đã thành tựu
Biết Thể là chư Phật.
"Có" là chấp thường, "không" là chấp đoạn. Cả hai biên này hễ duyên biên nào thì các Hữu sẽ sinh ở biên ấy. Lìa hai biên này thì khế hợp với Trung đạo. Do không biết nghĩa này nên ngoại đạo rơi vào hai biên, do thấu tỏ được nghĩa này nên tất cả chư Phật có thể thành tựu ngay trong thế gian này chứ không phải ở đâu khác.
Biết rồi ở trong chúng
Tiên Thánh nói vô ngã
Ở nơi kinh Thành Dụ
Đạo sư nói nghĩa này.
Khi đã nhận ra Trung đạo, trong chúng hội Phật thường nói vô ngã và vô ngã sở. Phật nói: Này các thầy Tỳ khưu! Các thầy nên biết, hạng phàm phụ hiểu không biết, hễ nghe nói đến ngã, ngã sở thì chạy theo cái giả danh nêu đặt đó, lại dựng lập thêm ngã và ngã sở. Này các thầy Tỳ khưu! Lúc sinh chỉ là khổ sinh, lúc diệt chỉ là khổ diệt, như trong kinh Thành Dụ, Đạo sư đã nói nghĩa này rồi.
Kinh Ca-chiên-diên nêu
Chánh kiến và không kiến
Kinh Phá La Cụ Noa
Cũng nói "không" thù thắng.
Trong ba bộ kinh này và những kinh luận khác, Đức Thế Tôn đều diễn nói tướng đó.
Nếu biết đúng duyên sinh
Biết tương ưng "không" kia
Nếu chẳng biết Duyên sinh
Cũng không biết "không" kia.
Duyên sinh đoạn trước nói đến, nếu biết đúng, biết nó không phải cái gì khác, mà chính là không. Nếu không biết duyên sinh, thì không biết nó không, nghĩa là không biết được nghĩa của duyên sinh sẽ không hiểu và không thể nhập vào tính "không" ấy được.
Trong "không" nếu khởi mạn
Thì chẳng nhàm chán uẩn
Nếu không biết như vậy
Thì mê nghĩa duyên sinh.
Trong "không" nếu khởi mạn, thì chẳng nhàm các uẩn, nghĩa là nếu ta khởi tâm coi thường tính "không" thì không bao giờ sinh tâm nhàm chán, xa lìa các uẩn. Nếu không biết như vậy, thì mê nghĩa duyên sinh, nghĩa là do không thấy biết như vậy, nên mê lầm nghĩa của duyên sinh, và nhận lấy một trong bốn loại thấy biết sau:
1. Đoạn kiến.
2. Thường kiến.
3. Cho trời Tự Tại biến hóa.
4. Chỉ dựa vào những gì tạo tác từ trước.
Do chẳng mê duyên sinh
Lìa mạn biết nó "không"
Và nhàm chán các uẩn
Nên không mê nghiệp quả.
Do chẳng mê duyên sinh, Lìa mạn biết nó "không", như trước đã nói, trong mỗi một duyên, nếu không có tâm mê lầm, không chấp chặt ngã, ngã sở, nếu lìa được tâm coi thường thì thường thể nhập cái "không" ấy đúng như pháp. Và nhàm chán các uẩn, nên chẳng mê nghiệp quả, nghĩa là trong năm uẩn, do chấp chặt ngã, ngã sở nên lưu chuyển không ngừng trong khắp thế gian. Nếu khởi tâm nhàm chán xa lìa năm uẩn đó, thì dù nghiệp quả tương tục, ta vẫn không điên đảo, không bị mê lầm
Tạo nghiệp, duyên sinh tiếp
Đều duyên theo chỗ này
Không duyên đây sẽ có
Nghiệp báo và thọ dụng.
Tạo nghiệp, duyên sinh tiếp, Đều duyên theo chỗ này, nghĩa là phiền não, nghiệp, báo trước đã nói, lấy nghiệp thiện, bất thiện xô đẩy chúng sinh thác sinh nơi này, đọa lạc nơi kia, cứ thế tương tục lưu chuyển. Nếu không phải vậy, thì không tạo nghiệp vẫn chịu báo, tạo nghiệp rồi báo liền mất. Không duyên đây sẽ có, Nghiệp báo và thọ dụng, nghĩa là: Do nghiệp thiện bất thiện này nên có báo, có thọ dụng, tự tính là không, vốn không có ngã, làm duyên phát sinh. Tự tính không của nó cũng vậy.
Mười hai chi sai biệt
Trước đã nói duyên sinh
Phiền não nghiệp khổ kia
Cả ba như pháp gồm.
Đầu tiên là Vô minh, cuối cùng là Lão tử, đây là mười hai chi duyên sinh khác nhau. Trong đó phiền não có ba chi, nghiệp có hai chi, khổ có bảy chi. Mười hai chi này đều nằm trong phiền não, nghiệp, khổ.
Từ ba sinh ra hai
Từ hai sinh ra bảy
Từ bảy sinh ra ba
Cứ xoay vần như vậy.
Vô minh, Ái, Thủ, ba loại này sanh ra hai loại là Hành và Thức. Hai loại Hành, Thức lại sinh ra bảy chi là: Thức, Danh sắc, Lục xứ, Xúc, Thọ, Sanh, Lão tử. Trong bảy chi này, như đoạn trước đã nói, lại sinh ra ba loại, ba loại này lại sinh ra hai loại và bảy loại. Do vậy, hai loại này tương tục không gián đoạn, chúng xoay vần như bánh xe quay.
Nhân quả và các đời
Không chúng sinh nào khác
Chỉ ở trong pháp "không"
Lại tự sinh pháp "không".
Nhân quả và các đời, Không chúng sinh nào khác, nghĩa là Vô minh, Hành, Ái, Thủ, Hữu, năm loại này là Nhân, Thức, Danh sắc, Lục xứ, Xúc, Thọ, Sinh, Lão tử, bảy loại này là quả. Tất cả nhân quả này có khắp thế gian. Dù là ngã, là chúng sinh, là thọ mạng, dù sinh ra, dù trượng phu, dù là người, dù là người tạo tác, tất cả những thứ đó nếu ta phân biệt ra thì nó chỉ là giả hợp, không thật. Đó chỉ là trong pháp "không", tự sinh ra pháp "không", nghĩa là trong cái "không" của tự tính giả danh, phiền não, nghiệp quả chỉ do pháp "không" giả lập tên gọi phiền não, nghiệp quả sinh ra.
Nương duyên sinh phiền não
Nương duyên sinh ra nghiệp
Nương duyên sinh ra báo
Tất cả đều do duyên.
Nếu có phiền não thì sẽ có vô lượng vô số nghiệp, sẽ có vô số quả báo do nghiệp sinh ra. Chúng cùng làm nhân, làm duyên cho nhau, phải biết, không có pháp nào chẳng từ nhân duyên mà có.
Vì để làm rõ nghĩa này
Nay xin đưa ra thí dụ:
Tụng đèn, ấn, gương, tiếng
Mặt trời, giống, nước bọt
Nối tiếp chẳng đổi thay
Người trí xét cả hai.
Ở đây có Giáo tụng và Thọ tụng (đọc). Tất cả Giáo tụng đều không bằng Thọ tụng. Vì sao? Vì Giáo tụng ở yên. Do ở yên nên không tương tục sinh tiếp, vì nó không tự sinh. Như đèn lần lượt đốt sang đèn khác, thì đèn khác này không nằm ngoài cây đèn ban đầu, cũng không phải lìa cái ban đầu mà có cái thứ hai, cũng không phải không do nhân mà có. Như ấn và hình, gương mặt và gương, tiếng và âm hưởng, mặt trời và lửa, hạt giống và mầm, nước bọt và nước miếng, tất cả những thứ này đều không vượt ra ngoài (không đổi thay), cũng không phải tự sinh, cũng không phải không do nhân mà có. Khi năm uẩn tương tục sinh chuyển, không phải vượt ngoài uẩn ban đầu mà có uẩn thứ hai, uẩn thứ hai này cũng không phải tự sinh ra, cũng không phải không do nhân mà có. Khi năm uẩn lần lượt phát sinh, người trí cần phải xét kỹ. Lại phải biết, nội thọ dụng và ngoại thọ dụng đều có mười loại.
Mười loại Ngoại thọ dụng gồm:
1. Chẳng phải thường.
2. Chẳng phải đoạn.
3. Không vượt ngoài.
4. Nhân quả tương tục không có khoảng giữa.
5. Chẳng phải thể khác.
6. Chẳng phải biệt dị.
7. Không có chủ thể tạo tác.
8. Không phải không có nhân.
9. Sát na đều diệt.
10. Quả đồng loại liên kết nhau.
Tất cả chủng tử nằm ngoài thọ dụng này đều không tồn tại. Chẳng phải do mầm thường sinh ra, chẳng phải do hạt giống đoạn diệt mất, mầm ấy vốn không, nhưng nay phát sinh rõ ràng không nằm ngoài hạt giống. Nó nối tiếp không đoạn dứt, nhân quả tương tục nên không có khoảng giữa. Hạt giống và mầm khác nhau nhưng không phải vật khác phát sinh ra nó. Không phải biệt dị vì từ giống sinh ra. Nhân duyên hòa hợp nên không có chủ thể tạo tác. Hạt giống là nhân nên không phải không có nhân. Hạt giống, mầm, nhành cành, lá hoa quả v.v.. liên tục sinh nên sát na đều diệt. Ngọt, mặn, đắng cay đều tùy vào nhân sai biệt mà có, nên quả đồng loại liên kết nhau.
Mười loại Nội thọ dụng gồm:
1. Chết rồi thì các uẩn cũng diệt hết, nên chẳng phải thường.
2. Được sinh lại và thọ uẩn lại, nên chẳng phải đoạn.
3. Chết rồi thì các uẩn cũng diệt hết, thọ sinh lại và tiếp tục thọ uẩn, nó vốn không nhưng nay lại có, nên không vượt ngoài.
4. Các uẩn tương tục không có đoạn dứt, nhân quả liên tục, nên không có khoảng giữa.
5. Chết rồi, sinh lại và thọ uẩn sai biệt, nên không phải "thể" khác.
6. Từ đó sinh ra, nên không phải biệt dị.
7. Nhân duyên hòa hợp, nên không có chủ thể tạo tác.
8. Phiền não, nghiệp là nhân nên không phải không có nhân.
9. Từ Ca-la-la, Át-phù-đà, Bế-thi, Già-na, Xa-khư, ra khỏi thai, trẻ con, đồng tử, thiếu niên, trưởng thành, già, cứ thế mà liên tục phát triển nên sát na đều diệt.
10. Huân tập thiện, bất thiện tùy theo nhân sai biệt mà chuyển sinh ra quả, nên quả đồng loại liên kết nhau.
Lại có ba bài kệ:
Như lửa đèn chuyển sinh
Thức thân cũng như vậy
Khoảng trước và khoảng sau
Cũng không có tích tập.
Không sinh và có sinh
Hư hoại không hòa hợp
Sinh rồi lại không trụ
Do đấy tạo nghiệp chuyển.
Nếu ngay trong duyên sinh
Mà quán biết là "không"
Biết đó là nêu bày,
Thì hợp với Trung đạo.
Trong đó, Vô minh, Hành, Ái, Thủ, Hữu là Tập đế. Thức, Danh sắc, Lục xứ, Xúc, Thọ, Sinh, Lão tử là Khổ đế. Khi diệt được mười hai chi này và chứng được phương tiện là Đạo đế, tức chứng Niệm xứ, Chánh cần, Như ý túc, Căn, Lực và Giác chi, bát Thánh đạo.