TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG LUẬN

BỘ LUẬN SỚ

SỐ 1656 - LUẬN BẢO HÀNH VƯƠNG CHÁNH

Hán dịch: Đời Trần Tam Tạng Chân Đế.

MỤC LỤC

Phẩm Thứ Nhất: AN LẠC GIẢI THOÁT

Phẩm Thứ Hai: TẠP

Phẩm Thứ Ba: TƯ LƯƠNG BỒ ĐỀ

Phẩm Thứ Tư: CHÍNH GIÁO VƯƠNG

Phẩm Thứ Năm: XUẤT GIA CHÍNH HẠNH

 


Phẩm Thứ Nhất: AN LẠC GIẢI THOÁT

Giải thoát tất cả chướng
Đức viên mãn trang nghiêm
Lạy bậc Nhất thiết trí
Bạn lành của chúng sinh
Chánh pháp quyết định thiện.
Đại vương yêu quý pháp,
Nên nay Tôi sẽ nói:
Nhờ pháp chảy vào bình,
Bình như người chứa pháp (Pháp khí)
Vậy trước nói nhân lạc (an lạc)
Sau luận về giải thoát
Chúng sinh an lạc trước
Rồi sau được giải thoát
Thiện đạo đủ là lạc (an lạc)
Giải thoát là hết Hoặc (phiền não)
Tóm lược hai nhân này
Chỉ là căn tín, trí (Tín căn, Tuệ căn)
Do tín, thường trì pháp
Do trí hiểu như thật
Trong đó trí trên hết
Trước nhờ tin phát hành
Do sợ tham, sân, si,
Mà chẳng thường hoại pháp,
Biết đó là có tin.
Vui, an lành là khí,
Do luôn chọn lựa kỹ
Nên nghiệp thân, khẩu, ý
Thường lợi ích mình, người
Đây là người có trí.
Sát sinh, trộm, tà dâm
Nói dối, nói hai lưỡi
Chửi mắng, chẳng đúng lời
Tham, sân và tà kiến
Đây gọi là Mười ác
Trái lại là Mười thiện
Bỏ rượu, thân trong sạch,
Không não tâm bố thí,
Cúng dường người đáng kính
Nói lược pháp nên vậy.
Nếu chỉ hành khổ hạnh
Trọn chẳng sinh pháp thiện
Do lìa trí và bi
Nên chỉ có khổ hạnh
Chẳng thể trừ tổn hại,
Lợi ích cứu giúp người.
Thí, giới như đã nói,
Là đại lộ chánh pháp.
Nếu bỏ, hành tà đạo
Tự chuốc khổ, trâu đày.
Sinh tử ấy mênh mông,
Không cơm, nước, bóng cây
Hoặc bị sói ăn thịt
Cứ đi hoài trong đó
Sát sinh nên yểu mạng
Khổ não và bịnh nhiều
Vì trộm nên nghèo túng
Chiếm đoạt, nên nhiều oán
Nói dối bị phỉ báng
Hai lưỡi, (nên) xa người thân
Ác khẩu, (nên) nghe không ưa
Thêu dệt, người ta ghét
Tham tổn hại ước mong,
Sân hận, thường khiếp sợ
Tà kiến sinh thiên chấp
Uống rượu, (nên) tâm mê loạn
Không bố thí: (nên) nghèo cùng
Tà mạng: (nên) bị lừa dối
Chẳng kính nên ti tiện
Ganh ghét: (nên) không uy đức
Thường hận: (nên) mặt mày xấu
Chẳng học nên ngu si
Báo này trong loài người
Trước đã vào đường ác
Những tội như sát sinh
Quả báo như đã nói.
Những nghiệp như vô tham…
Đây là tập nhân thiện
Làm ác và chịu khổ
Đều do tà pháp sinh
Mọi an lạc Thiện đạo
Đều từ pháp thiện khởi
Thường lìa tất cả ác
Thường làm tất cả thiện
Từ nghiệp thân, khẩu ý,
Phải biết hai pháp này
Pháp đầu thường ra khỏi
Bốn đường như địa ngục
Pháp thứ hai thọ nhận
Giàu vui, vua trời người
Nếu an trụ Phạm thiên
Được cái vui cõi ấy.
Nói lược tên nhân vui,
Và quả vui như thế.
Lại nữa pháp giải thoát
Vi tế rất khó thấy
Phàm phu không từng nghe
Nghe ắt sinh hoảng sợ
Hiện đời ngã đã không
Vị lai không ngã sở
Phàm phu nghe liền sợ
Người trí dứt hết sợ
Thế gian sinh ngã kiến
Chấp trói buộc việc, người
Phật vì chứng được đạo
Thương xót nói họ nghe
Ngã, ngã sở có ấy
Cả hai đều hư dối
Do thấy như thật lý
Hai chấp chẳng còn sinh
Các ấm, ngã chấp sinh
Ngã chấp vốn không thật
Nếu chủng tử không thật
Mầm ấy làm sao chân
Nếu thấy ấm không thật
Thì ngã kiến chẳng sinh
Do ngã kiến diệt hết
Các ấm chẳng sinh nữa
Như nhìn vào gương sạch
Thấy được khuôn mặt mình
Hình ấy tuy thấy được
Nhưng vốn không phải thật
Ngã kiến cũng như vậy
Nhờ ấm được hiển hiện
Như thật giữ, chẳng có
Giống như bóng trong gương
Nếu người chẳng cầm gương
Thì không thấy bóng mình
Nên nếu phân tích ấm
Thì chẳng có ngã kiến
Nhân nghe nghĩa thế này
Nên Phật khiến A nan
Liền được mắt thanh tịnh
Thường vì người diễn nói
Nếu như còn chấp ấm
Thì ngã kiến còn hoài
Bởi vì có ngã kiến
Nên có Nghiệp, Hữu mãi
Ba phần vòng sinh tử
Không đầu, giữa, cuối chuyển
Chẳng khác vòng tròn lửa
Sống chết cứ vần xoay
Lại tự mình và người
Ba đời chẳng thật có
Chứng được ngã kiến diệt
Và nghiệp báo cũng thế
Thấy nhân quả như vậy
Sinh và diệt đều hết
Nên không chấp thật có
Có, không của thế gian
Người ngu nghe pháp này
Có thể dứt các khổ
Do vô trí nên sợ
Những nơi không sợ hãi
Niết Bàn không như vầy
Vì sao ông hoảng sợ?
Kỳ thật nó rỗng lặng
Vì sao khiến ông sợ?
Giải thoát không ngã, ấm
Nếu ông ưa pháp này
Xả ngã và các ấm
Vì sao ông chẳng vui
Không chẳng phải Niết bàn
Huống gì cho là có
Chấp có, không đều tịnh
Phật gọi là Niết Bàn
Nếu lược nói tà kiến
Tức bác không nhân quả
Nó khiến phước chẳng có
Cõi ác nhân nặng nhất
Nếu lược nói chính kiến
Tức tin có nhân quả
Thường làm phước đức đầy
Cõi thiện nhân tối thượng
Có trí bặt có, không
Vượt khỏi phước chẳng phước
Nên lìa đường thiện, ác
Phật gọi là giải thoát
Nếu thấy Sinh có nhân
Người trí xả chấp "Không"
Vì thấy Diệt cùng nhân
Nên xả bỏ chấp "có"
Hai nhân câu sanh trước
Thật nghĩa thì không nhân
Giả danh, không chỗ tựa
Nên sinh chẳng phải thật
Nếu đây có kia có
Như có ngắn và dài
Đây sinh nên kia sinh
Như đèn có ánh sáng
Trước dài, sau thành ngắn
Nếu không, chẳng phải tính
Do ánh sáng chẳng sinh
Đèn cũng chẳng thật có
Như vậy, nhân quả sinh
Thấy thì, chẳng chấp "không"
Thế gian đã tin thật,
là do tâm loạn sinh.
Thấy diệt, chẳng hư dối
thì chứng đắc Chân như
Bởi vậy chẳng chấp "có"
Chẳng nương hai, giải thoát,
Sắc là thấy từ xa
Nếu gần rất rõ ràng
Bóng nước nếu thật có
Sao đến gần không thấy
Nếu không có thật trí
Liền thấy có thế gian
Chứng thật thì chẳng thấy
Không tướng, như hươu khát
Nhìn dợn nắng tưởng nước
Chẳng phải nước, vật thật
Như vậy, ấm giống người
Chẳng phải người, pháp thật
Hươu khát chấp là nước
Chạy đến kia để uống.
Không mà chấp có nước
Người ngu si như đây,
Thế gian như hươu khát.
Nếu chấp thật có, không
Đây chính là vô minh
Ngu nên không giải thoát
Chấp "không", đọa đường ác
Chấp "có", sinh nẻo thiện
Nếu thường biết như thật,
Nương chẳng hai, giải thoát
Chẳng ưa chấp có, không
Nhờ chọn nghĩa chân thật
Nếu rơi vào chấp "không"
Sao không nói đọa "có"
Nếu nói do phá "có"
Nghĩ phải đến đọa "không"
Như đây phá chấp "không"
Sao chẳng rơi vào "có"?
Không nói, làm, khởi tâm
Vì nương vào Bồ đề
Nếu nói rơi vào "không"
Tại sao chẳng rơi "có"
Tăng khư, Tỳ Thế sư
Ni kiền nói người, ấm
Đứng về đời hỏi rằng
Nếu nói tội có, không
Không thể gọi là pháp
Do vì tội có, không
Ông phải biết thật sâu
Phật dạy rất rõ ràng
Hiểu rõ không đến, đi
Một niệm cũng chẳng trụ
Hiểu được tội ba đời
Đời nào là có thật?
Hai đời không đến, đi
Hiện tại cũng chẳng trụ
Đời sinh trụ và diệt
Đây nói gì là thật?
Nếu thường bị đổi thay
Pháp nào niệm chẳng diệt
Nếu niệm niệm không diệt
Tại sao có đổi thay?
Nếu nói niệm niệm diệt
Tức tất cả đều diệt
Chẳng cùng phải chứng kiến
Cả hai đều không đúng
Nếu niệm, diệt đều hết
Tại sao có vật cũ?
Nếu thật niệm không diệt
Vật cũ tại sao thành
Như sát na sau cùng
Khoảng trước đó vẫn có
Sát na có ba phần
Nên đời, niệm không trụ
Một niệm có ba khoảng
Phải lựa khoảng mà niệm
Ba khoảng trước, giữa, sau
Chẳng do tự, tha thành
Chẳng phải một, nhiều phần
Không phần làm sao có
Lìa một, nhiều thì sao?
Lìa có, pháp nào không
Do diệt và đối trị
Nếu nói có thành không
Không này và đối trị
Pháp nào còn có, không
Bởi vậy đời, Niết Bàn
Do nghĩa chẳng thành có
Thế gian có đời sau?
Ai hỏi, Phật im lặng
Vì Nhất thiết trí tôn (tôn kính)
Chỉ người trí biết Phật
Do đó pháp sâu xa
Chẳng nói hạng không trí (phi pháp khí)
Như pháp giải thoát này
Sâu xa không nắm được
Nhất thiết trí chư Phật
Nói pháp không chỗ nương
Pháp không nương chấp ấy
Vượt hai biên "có, không"
Người đời ưa nương, chấp,
Do ngu nên sợ mất:
Mất tự minh, hoại người
Hoảng sợ, không chỗ nương
Mong Vua chẳng động tâm
Đừng do tự hoại kia.
Nay tôi nói chân lý
Để ông thành chẳng hoại.
Do nương không điên đảo
Lìa hai chấp có, không
Vượt qua, phước, phi phước
Nghĩa sâu xa tỏ rõ
Chẳng thân kiến, sợ "không"
Sẽ nói người và cảnh
Bốn đại và không, thức
Tụ lại chẳng phải người
Lìa, hợp chẳng phải người
Tại sao chấp có người
Sáu giới chẳng phải người
Tụ nên giả không thật
Mỗi mỗi cõi đều vậy
Do tụ nên chẳng thật
Ấm không ngã, ngã sở
Lìa ấm, chẳng thấy ngã
Nếu củi không bén lửa
Nương đâu ấm thành ngã
Địa giới chẳng ba đại,
Trong địa không có ba
Trong ba cũng không địa
Lìa nhau thì chẳng thành
Địa, thủy, hỏa, phong đại
Tự tánh riêng không thành
Lìa một, chẳng thành ba
Ba lìa một cũng vậy
Một ba và ba một
Nếu lìa nhau chẳng thành
Mỗi mỗi tự chẳng thành
Còn lìa thì thế nào?
Nếu lìa mà tự thành
Lìa củi sao không lửa
Động, ngại và tích tụ
Nước, gió, đất cũng vậy.
Nếu lửa chẳng tự thành
Ba làm sao đứng riêng
Nghĩa duyên sinh ba đại
Chống nhau làm sao thành
Nếu mỗi đại tự thành
Tại sao cùng nhau có?
Nếu nó chẳng tự thành
Tại sao hợp thành có?
Nếu nói chẳng lìa nhau
Các đại tự nó thành
Chẳng lìa thì chẳng chung
Nếu lìa chẳng thành riêng
Các đại chẳng tự thành
Tại sao tính tướng khác?
Tự thành chẳng riêng nhiều
Nên tướng là giả danh
Sắc, thanh, hương, vị, xúc
Lựa chọn nghĩa như đại
Nhãn, sắc, thức, vô minh
Nghiệp sinh chọn cũng vậy
Tác giả, nghiệp và sự
Hợp thành nhân quả, đời
Ngắn, dài, và danh, tưởng
Chẳng tưởng chọn cũng vậy.
Đất, nước, gió và lửa
Ngắn dài cùng nhỏ lớn
Nào thiện, ác, thức, trí
Trong trí diệt không sót
Như Thức xứ vô hình
Vô biên, hiện bày khắp
Trong đây nào đất, nước...
Tất cả đều diệt sạch
Ngay trí vô tướng này
Ngắn, dài, nghiệp thiện, ác
Danh, sắc và các ấm
Đều diệt sạch không còn
Như đây… đối với thức
Do vô minh có trước
Từ thức nếu khởi trí
Thì sau thức… đều dứt
Các pháp đời như thế
Lửa thức, đốt cháy củi
Do thật lường lửa sáng
Thức đời củi cháy hết
Do ngu thấy có, không
Sau lựa chọn Chân như
Tìm có đã không được
Thì làm sao được không?
Từ không sắc mà thành
"Không" chỉ là danh tự
Lìa đại, gì là sắc
Nên sắc chỉ là danh
Thọ, tưởng, hành và thức
Tư duy như bốn đại
Bốn đại rỗng như ngã
Sáu giới chẳng người pháp.

-----------------

Phẩm Thứ Hai: TẠP

Như lột dần cây chuối
Cuối cùng chẳng có gì
Dựa sáu giới phân tích
Rỗng không cũng như thế
Do vậy Phật chính nói
Tất cả pháp vô ngã
Sáu giới gọi là pháp
Nhưng rõ ràng vô ngã.
Hai nghĩa ngã, vô ngã
Thật chẳng nắm bắt được
Nên Như Lai ngăn ngừa
Hai biên ngã, vô ngã
Thấy, nghe, hiểu, biết, nói
Phật nêu: đều không thật
Hai tướng đối đãi thành
Cả hai như thật không.
Như thật nắm thế gian
Vượt thật cũng vượt giả
Thì thế gian nương thật
Nên rơi vào "có, không"
Nếu pháp chẳng như vậy
Thì tại sao Phật nói
Hữu biên và vô biên
Có hai và không hai.
Phật quá khứ vô lượng
Nay, sau cũng vô số
Nhiều hơn cả chúng sinh
Ba đời do Phật hiển
Thế gian không lâu dài
Đứng về đời mà nói
Thế gian vượt có, không
Sao Phật nói biên hạn
Pháp sâu xa như vậy
Chẳng nói phàm phu nghe
Nói đời như huyễn hóa
Là Phật phương tiện dạy
Ví như hình huyễn hóa
Sinh diệt vẫn thấy được
Hình này và sinh diệt
Nghĩa thật nắm chẳng có.
Thế gian như huyễn hóa
Sinh diệt có thể thấy
Thế gian và sinh diệt
Về thật nghĩa đều hư
Hình huyễn chẳng hề có
Nơi đến và nơi đi
Chỉ tâm chúng sinh mê,
Do thật có chẳng trụ.
Đời vốn vượt ba đời
Nếu vậy đời nào thật
Lìa ngôn thuyết, có không
"Có, không" thật không nghĩa
Phật dựa nơi Tứ cú
Chẳng hề nói thế gian
Do có, không đều dối
Dối này chẳng hề dối.
Tướng bất tịnh thân này
Cảnh giới trí thô chứng
Thường thường nhìn thấy được
Còn chẳng trụ nơi tâm
Huống chính pháp vi tế!
Sâu xa không chỗ nương
Tán tâm làm sao chứng
Làm sao vào dễ dàng
Nên Phật mới thành đạo
Liền muốn nhập Niết Bàn.
Do thấy chính pháp này
Sâu xa thật khó hiểu.
Nếu chẳng hiểu đúng pháp
Là làm hại người ngu
Do không nắm như vậy
Rơi vào hố tà kiến
Người biết pháp không rõ
Tự cao khinh thường pháp.
Hủy báng hoại thân mình
Cuối cùng vào Địa ngục
Ví như thức ăn ngon
Ăn nhiều sẽ nguy hại
Nếu như ăn vừa phải
Khỏe mạnh, vui, sống lâu
Nếu chỉ hiểu chính pháp
Gặp khổ cũng như vậy.
Nếu thường hiểu như lý
An lạc và Bồ đề
Người trí đối chính pháp
Lìa hủy báng tà chấp
Từ chánh trí khởi dụng
Nên thành việc như ý
Do chẳng hiểu pháp này
Con người khởi ngã kiến.
Vì thế tạo ba nghiệp
Sinh vào đường thiện, ác
Cho đến chưa chứng pháp
Thường trừ diệt ngã kiến
Thường kính, khởi chánh cần
Tu giới, thí nhẫn nhục…
Làm việc, pháp đứng đầu
Rồi đến khoảng giữa, sau.
Chân lý không luống dối
Nay sau chẳng trầm luân
Hiện đời được tiếng thơm
Vui, chết không hoảng sợ
Đời sau được giàu vui
Nên thường cung kính pháp
Chỉ pháp là đường chính
Nếu thiên hạ ưa pháp.
Nhà vua theo lòng dân
Nay, sau chẳng bị lừa
Dùng tà pháp trị dân
Vua bị dân chán ghét
Vì thế gian oán ghét
Nay, sau chẳng an vui
Phép vua lừa dối người
Là nạn lớn cõi ác.
Trí ác và mạng tà
Làm sao gọi là chính
Nếu người chuyên lừa người
Sao gọi là việc chính
Bởi vậy nên muôn đời
Thường bị người lừa dối
Làm người ta oán, lo
Là đánh mất đức mình.
Do chỉ biết lợi minh
Nên khiến oán, buồn, não
Bố thí và ái ngữ
Lợi hành và đồng sự
Lấy đó mà trị đời
Là hoằng dương chính pháp
Một lời thật của vua
Như muôn dân tin chắc.
Trọng vọng ngữ như vầy
Đừng để người tin dối
Nói thật ý không trái
Đẹp lòng thường lợi người
Đây gọi là nói thật
Trái lại là nói dối
Như bỏ tiền và trí
Như giấu kín lỗi vua.
Như vậy, vua gian lận
Hại cả đức độ mình
Nếu vua dứt việc xấu
Đức cao, người yêu kính
Bởi vậy dạy minh quân
Nên ưa việc vắng lặng
Nhờ trí, vua khó động
Tự rõ chẳng tin người.
Trọn không bị lừa dối
Nên quyết phải tu trí
Nương đế bỏ trí tĩnh
Thì vua đủ bốn thiện
Như chính pháp bốn đức
Trời người đều tán dương
Điều phục nói thanh tịnh
Do Bi, Trí không nhiễm.
Thường ở cùng người trí
Trí pháp vua tăng trưởng
Thuyết thiện người kháo được
Nghe lời thiện cũng khó
Người thứ ba tối thắng
Thường mau hành giáo thiện
Nếu thiện không như ái
Biết rồi phải tu mau
Như vị thuốc tuy đắng
Vì bệnh phải uống vào
Ngôi vua thọ, không bịnh
Thường nhớ nghĩ vô thường.
Kế sinh tâm chán sợ
Sau, chuyên tâm tu tập
Thấy nhất định phải chết
Chết do ác kiến khổ
Người trí hiện tại vui,
Nên chẳng tạo tội lỗi
Thoạt thấy thì không sợ
Thấy rồi sau mới sợ
Nếu một niệm tâm an
Niệm sau sao chẳng sợ
Uống rượu bị người khinh
Hư việc hại sức khỏe
Si mê tạo tội lỗi
Nên người trí bỏ rượu
Những thứ vui cờ bạc
Sinh tham sân dối lừa
Ác khẩu và nói dối
Nên cần phải rời xa
Dâm dục sinh lỗi lầm
Vì nghĩ thân nữ sạch
Tìm xét trong thân nữ
Thật chẳng mảy may sạch
Miệng chứa đầy đờm dãi
Răng, lưỡi dơ, hôi hám.
Mũi hôi, nước mũi chảy
Mắt ghèn, chảy nước mắt
Bụng ruột đầy phẩn tiểu
Xương thịt hợp thành hình
Người ngu, do không thấy
Nên mê đắm thân này
Các căn rất ô uế
Là nhân thân chán ghét.
Trong ấy nếu sinh ái
Thì làm sao lìa dục
Ví như đồ phẩn tiểu
Heo thích đùa trong đó
Cửa bất tịnh của thân
Đa dục đùa cũng vậy
Sở dĩ cửa này sinh
Vì bỏ thân, cõi dơ.
Người mê, chấp tà ái
Chẳng nhìn lại thân mình
Ông tự thấy một phần
Nào phẩn tiểu chẳng sạch
Tụ lại gọi là thân
Vì sao ông ưa đắm.
Đỏ, trắng là giống sinh
Nước dơ nuôi dưỡng nó.
Nếu biết thân chẳng sạch
Cớ sao sinh đắm ưa
Khối dơ, thật đáng ghét
Da bao bọc nước dơ
Nếu hay nằm trong đó
Thì mê đắm thân nữ
Dù đáng ghét, đáng ưa
Già suy và trai trẻ.
Thân nữ đều chẳng sạch
Ông mê đắm chỗ nào?
Bày dơ, tụ sắc đẹp
Tướng đoan chính, mềm mại
Không nên khởi mê đắm
Thích thân nữ cũng vậy
Trong hôi hám bất tịnh
Ngoài túi da bao quanh.
Đó là tính thây chết
Thấy rồi sao chẳng biết
Da chẳng sạch như áo
Đâu thể tạm cởi giặt
Muôn dơ hợp thành da
Tùy thời rửa thành sạch
Trong chứa đầy ô uế
Ngoài trang sức đáng ghê
Thân này đầy thứ uế
Ông không gớm vì sao?
Nếu ông ghét bất tịnh
Tại sao không chán thân
Hương thơm đồ ăn, uống
Vốn sạch mà thường dơ
Nếu ông thảy chán ghét
Với ô uế mình, người
Tại sao ông không chán
Thân mình, người chẳng sạch.
Như thân nữ chẳng sạch
Thân mình dơ cũng thế
Bởi vậy người lìa dục
Gọi tướng trong ngoài là
Chín cửa chảy đồ dơ
Tự thấy, tự tẩy rửa
Nếu không biết chẳng sạch
Mà nói về ái dục.
Hiếm thấy người không biết
Không thẹn và khinh người
Đối thân rất bất tịnh
Nào có lợi cho ông
Muôn chúng sinh do đây
Vô minh che tâm trí
Vì trần dục kết oán
Như chó giành phẩn dơ
Như ruồi ưa mụt ghẻ
Không ghẻ mới an vui
Như vậy có dục lạc
Người vô dục vui nhất
Nếu ông nghĩ nghĩa này
Chẳng thể nào lìa dục
Do nghĩ dục thấp hèn
Không tạo tội dâm dục.
Săn bắn nên yểu mạng
Sợ, khổ cùng bức bách
Đời sau ắt chịu báo
Nên phải hành từ bi
Hoặc có người khi thấy
Sinh lòng rất khiếp sợ
Như phẩn làm dơ thân
Sinh ra rắn ác độc.
Người này nếu đến đâu
Mà chúng sinh an lạc
Như mùa hạ đầy mây
Nông phu thấy muốn mưa
Nên ông xả pháp ác
Quyết tâm tu hạnh thiện
Mình, người đều chứng được
Quả Bồ đề Vô thượng.
Nền tảng của Bồ đề
Tâm vững như núi chúa
Tâm bi khắp mười phương
Và trí nương "không hai"
Đại Vương ông nghe kỹ
Ta sẽ nói ông nghe
Cảm ba mươi hai tướng
Thường trang nghiêm thân ông
Tháp, Thánh, người tôn kính
Cúng dường thường hầu cận.
Chân tay có Luân tướng
Sẽ thành Chuyển Luân Vương
Tay chân mềm, uyển chuyển
Thân có bảy chỗ cao
Do ban thức ăn ngon
Làm người khác no đủ
Thân ngay thẳng đầy đặn
Tay, gót chân tròn dài.
Ông sẽ được sống lâu
Nhờ thương kẻ tù, chết
Đại Vương gìn giữ pháp
Khiến thanh tịnh lâu bền
Do đó chân bằng phẳng
Và sẽ thành Bồ tát
Hành bố thí, ái ngữ
Lợi hành và đồng sự.
Nhờ vậy tay có màng
Tám mươi chỉ tay chân
Gót chân cao đáng yêu
Lông xoay vần hướng lên
Do thường không từ bỏ
Gốc pháp đã thụ trì
Do cung kính lãnh thụ
Thấu tỏ và khéo léo.
Nên đùi như nai chúa
Có trí lớn, thông minh
Ta có vật người cần
Nay mau chóng ban cho
Nhờ vậy cánh tay lớn
Được làm vua ở đời
Nếu người thân xa nhau
Bồ tát khiến hòa hợp.
Nhờ vậy tướng âm tàng
Thường mặc áo hổ thẹn
Thường ban lầu đài, điện
Da mịn màng đáng ưa
Nên cảm thân sắc trời
Trơn, mịn, sáng, rất đẹp
Nhờ ban sự che chở
Như tôn trọng trưởng thượng.
Được chân lông một sợi
Lông trắng, mặt đoan nghiêm
Thường nói lời ái, thiện
Lại thường thuận chính giáo
Thân trên như Sư tử
Cổ tròn như Cam phù
Xem bệnh cho thuốc thang
Hoặc cấp người nuôi dưỡng.
Nên được tướng nách đầy
Muôn mạch có trăm vị
Pháp sự của mình, người
Thường đứng ra gánh vác
Xương đảnh đầu, nhục kế
Vuông cao hơn gò má
Lúc nào cũng khéo nói
Lời êm dịu dễ nghe.
Được tám tướng Phạm âm
Và tướng lưỡi dài rộng.
Đã biết việc có lợi
Thường nói cho người nghe
Tướng đẹp như Sư tử
Mặt vuông thật đáng ưa
Do kính trọng người khác
Thuận theo, làm lý đúng
Răng trắng, đều và khít
Chẳng khác ngọc trân châu.
Do thường nói lời thật
Không nói dối, hai lưỡi
Nên đủ bốn mươi răng
Bằng, trơn, chắc, sạch trắng
Do nhìn thấy chúng sinh
Đẹp, không tham, sân, si
Nên mắt xanh tròn sáng
Khép mở như Ngưu vương
Do lược nói như thế
Tướng đại nhân và nhân
Chuyển Luân Vương, Bồ tát
Đẹp diệu đến như vậy
Có tám mươi vẻ đẹp
Do từ bi sinh ra
Đại Vương! Tôi không nói
Vì tránh phải dài dòng.
Dù các Chuyển Luân Vương
Đều có tướng tốt này
Sáng sạch và đáng yêu
Nhưng trọn không bằng
Phật Từ tâm thiện Bồ tát
Một niệm sinh một phần
Tướng tốt của Luân Vương
Còn chưa bằng đấy vậy.
Một người muôn ức kiếp
Tu, căn lành tăng trưởng
Với một tướng lông Phật
Còn chưa thể cảm được
Chư Phật và Luân Vương
Mỗi phần trong các tướng
Như đèn đốm mặt trời
Sáng, đẹp khác rất xa.

---------------

Phẩm Thứ Ba: TƯ LƯƠNG BỒ ĐỀ

Chư Phật tướng rất tốt
Từ phước khó nghĩ sinh
Nay tôi nói ông nghe
Nương A hàm, Đại thừa
Tất cả phước Duyên giác
Phước Hữu học, Vô học
Phước thế gian mười phương
Phước thế gian khó lường
Phước này gấp mười lần
Được một tướng lông Phật
Chín vạn chín ngàn lông
Mỗi một phước đều vậy
Vô lượng phước như vậy
Sinh tất cả lông Phật
Lại gấp hơn trăm lần
Mới thành một tướng tốt.
Và nhiều lần như vậy
Tướng hảo lần lượt thành
Cho đến đủ tám mươi
Trang sức một tướng lớn
Nhóm phước đức như thế
Thường cảm tám mươi tướng
Hợp lại trăm dần tăng
Cảm Phật một tướng đại
Nhiều phước đức như vậy
Thường cảm ba mươi tướng
Lại tăng gấp trăm lần
Được tướng như trăng tròn.
Muốn được phước lông trắng
Phải gấp ngàn lần nữa
Phước này rất khó gặp
Tướng Nhục kế trên đỉnh
Vô lượng phước như vậy
Phương tiện nói hữu lượng
Trong tất cả mười phương
Nói gấp mười lần đời.
Nhân sắc thân chư Phật
Còn như đời vô lượng
Huống Pháp thân chư Phật
Lẽ nào có bến bờ
Nhân thế gian tuy nhỏ
Mà quả lớn khó lường
Nhân Phật đã vô lượng
Có thể lường quả chăng.
Chư Phật có sắc thân
Đều từ phước hạnh khởi
Còn Pháp thân chư Phật
Do trí tuệ mà thành
Do phước tuệ của Phật
Là chính nhân Bồ đề
Nên mong ông thường hành
Hạnh phước tuệ Bồ đề.
Thành tựu phước Bồ đề
Ông chớ lo chìm đắm.
Với A hàm hữu lý
Thường khiến tâm tin, an
Như mười phương vô biên
Không và đất, nước, lửa
Các chúng sinh có khổ
Nó vô biên cũng vậy.
Chúng sinh vô biên này
Bồ tát nương Đại bi
Từ khổ mà cứu tế
Mong họ vào Niết Bàn
Do phát tâm kiên cố
Đi đứng nằm ngồi biết
Có lúc chợt phóng túng
Vô lượng phước thường chuyển
Phước nhiều như chúng sinh
Hằng chuyển không kẽ hở
Nhân quả đã tương xứng
Nên Bồ đề chẳng khó
Thời tiết và chúng sinh
Bồ đề và phước đức.
Do bốn vô lượng này
Bồ tát kiên tâm làm
Bồ đề tuy vô lượng
Nhân bốn vô lượng trước
Tu hai hạnh phước, tuệ
Sao bảo là khó được?
Tu hai hạnh phước, tuệ
Như vậy không bến bờ.
Bồ tát thân tâm khổ
Nên mau chóng tiêu trừ
Nào đường ác, đói, khát
Thân khổ, nghiệp ác sinh
Bồ tát thường lìa ác
Làm thiện, khổ không sinh
Nào dục, sân, sợ hãi
Tâm khổ do si sinh
Do nương trí "không hai"
Bồ tát lìa tâm khổ
Nếu chút khổ ập đến
Khó nhẫn, huống gì nhiều
Lúc nào cũng không khổ
Có vui, nào khó gì
Trọn chẳng có khổ thân
Giả nói có tâm khổ.
Thương hai khổ thế gian
Nên thường ở sinh tử
Nhờ đó Bồ đề lớn
Người trí, tâm chẳng chìm
Vì diệt ác sinh thiện
Lúc này liên tục tu
Thâm sân và vô minh
Mong ông biết xả, lìa.
Các thiện như không tham…
Cần phải cung kính làm
Do tham sinh ngạ quỷ
Do sân đọa địa ngục
Do si sinh súc sinh
Trái đây, vào trời người
Bỏ ác và tu thiện
Đây là nhân an vui.
Nếu là pháp giải thoát
Do trí bỏ hai chấp
Tượng Phật và tháp miếu
Điện đền cùng chùa viện
Vật cúng dường tối thắng
Ông nên thành tâm dâng
Ngồi trên hoa sen báu
Sắc đẹp rất nhiệm mầu.
Tất cả thứ của báu
Ông nên tạo tượng Phật
Chính pháp và Thánh chúng
Dùng thân mau hộ trì
Vàng bạc làm lọng báu
Dâng hiến che tháp Phật
Vàng bạc muôn hoa báu
Ngọc san hô, lưu ly
Đế Thích Thanh Đại Thanh
Kim cương làm tháp báu.
Người thường nói chính pháp
Dùng bốn sự cúng dường
Pháp như Sáu hòa kính …
Phải thường chuyên tu hành
Cung kính nghe tôn trưởng
Ân cần thờ, hầu hạ
Bồ tát phải nên làm
Chết rồi vẫn cúng dường.
Ở trong chúng ngoại đạo
Chẳng nên thân, thờ lạy
Đối vô tri tin tà
Chớ thờ tri thức ác
A Hàm và Luận Phật
Ghi chép, đọc tụng, giảng
Và ban cấp giấy mực
Ông nên tu phước này.
Trong nước dựng trường học
Nuôi thầy và học sĩ
Dựng cơ nghiệp lâu dài
Để phước tuệ tăng trưởng
Chữa bệnh, xem lịch số
Đều là lập ruộng tốt
Giúp trẻ già bệnh khổ
Có lợi cho nước nhà.
Dựng chùa, sửa đường sá
Đắp đê, hồ, làm nhà
Rồi cung cấp cho họ
Đủ gạo, muối, tương, củi
Với quốc độ lớn nhỏ
Nên dựng chùa, đình, quán
Đường xa thiếu nước uống
Đào ao giếng cấp nước.
Bệnh khổ, nghèo, bơ vơ
Kẻ ti tiện, sợ sệt
Dùng từ bi thâu nhận
Chuyên tâm lo cho họ
Cho đồ ăn thức uống
Rau trái và thóc gạo
Đại chúng và người cầu
Chưa cho, đừng dùng trước.
Nào giày dép, vải vóc
Gương, quạt và kim chỉ
Đồ ngủ nghỉ, đơm bắt
Để trong chùa, đình, quán
Trái cây, rau gạo muối
Mật đường, sữa, thuốc men.
Phải thường để tâm xét
Lo cầu nguyện, thuốc thang.
Hương thơm, dầu xoa thân,
Đèn đuốc, rau, gạo nếp
Thùng, gàu, dao, búa, rìu
Nên để trong đình quán
Thức ăn và thức uống
Lúa gạo, đường, tương, dầu
Phải để nơi mát thoáng
Hay trong chỗ nước sạch
Những nơi có kiến, chuột
Nếu có để thức ăn.
Phải sai người tin cậy
Ngày ngày phân tán đi
Trước và sau khi ăn
Phải cùng cho quỷ đói
Chó chuột, chim và kiến
Mong ông thường cho ăn
Lúc bệnh dịch, đói khát
Hạn hán và cướp bóc.
Nước thua phải cứu giúp
Mong ông thường thương tưởng
Nông dân gặp mất mùa
Hãy cấp lương, dụng cụ
Tùy lúc mà thu thuế
Nặng, nhẹ phải theo mùa
Giúp đỡ kẻ nợ, nghèo
Ra, vào chớ khinh khi.
Đề phòng, chớ ngủ nghỉ
Tùy lúc tiếp đãi khách
Trong, ngoài nước trộm cắp
Phương tiện khiến dứt ngay
Phải thường khuyên lái buôn
Giữ vật giá thăng bằng
Ngồi nơi cao phán việc
Phải xét đúng như lý.
Những việc lợi muôn dân
Thường cung kính tu hành
Cần làm gì lợi mình
Như ông thường suy nghĩ
Lợi người làm sao thành
Ông nên gấp nghĩ suy
Nào đất nước gió lửa
Cỏ thuốc và cây hoang.
Như thế hoặc tạm thời
Chịu người khuyên chẳng ngại
Bảy bước chợt khởi tâm
Nên bỏ hết của cải
Phước đức Bồ tát thành
Như hư không khó lượng
Đồng nữ sắc nghiêm, đẹp
Nhờ bố thí mà có
Nên được Đà-la-ni
Luôn trì tất cả pháp
Yêu, đẹp đủ trang nghiêm.
Cùng tất cả vật dụng
Cho tám muôn đồng nữ
Thuở xưa Phật Thích-ca
Quang minh vô số màu
Y phục, đồ trang nghiêm
Nào hoa hương đều thí
Nương bi tuệ mà cầu
Nếu người lìa duyên này
Với pháp không an lạc
Thì nên ban cho họ
Đủ rồi, sau đừng cho
Độc, cũng phải cho họ
Nếu đó thường lợi người.
Cam lồ chẳng nên cho
Nếu đó tổn hại người
Như rắn cắn tay người
Phật cũng cho trừ khử
Hoặc Phật dạy lợi người
Có khi làm bức não
Chuyên tâm giữ chính pháp
Và người thường nói pháp.
Cung kính nghe, thọ trì
Hoặc thí pháp kẻ khác
Chớ thích người đời khen
Thường vui pháp thoát tục
Lập đức mình thế nào
Với người cũng như vậy
Nghe, đừng cho là đủ
Phải nghĩ, tu thật nghĩa.
Phải báo ơn thầy bạn
Cung kính làm, chớ tiếc
Chớ đọc luận ngoại, tà
Rồi khởi ra tranh luận
Chẳng nên khen đức mình
Mà nên khen đức người
Chớ tìm lỗi người khác
Và tâm ác, hai lưỡi.
Nếu người khác có lỗi
Đúng lý xem, nêu ra
Nếu từ lỗi lầm đó
Người trí quở trách họ
Ta phải lìa lỗi ấy
Mà thường cứu giúp họ
Họ nhục, mình chớ sân
Phải quán ác nghiệp xưa.
Không báo ác với người
Đời sau không chịu khổ
Với người nên làm ơn
Đừng mong họ báo đáp
Chỉ riêng mình chịu khổ
Mong mọi người an vui
Nếu mình giàu có lớn
Đừng sinh tâm tự cao.
Đói khát như ngạ quỷ
Cũng đừng sinh bi lụy
Giả sử mất ngôi vua
Hoặc chết vì nói thật
Cũng thường nói lời đó
Không lợi thì im lặng
Nói sao, làm như vậy
Mong ông chăm làm thiện.
Nhờ đó tiếng thơm lan
Tự nhiên mình vượt trội
Cần phải chọn lựa kỹ
Sau mới nương lý làm
Chớ tin người rồi làm
Phải tự rõ thật nghĩa
Nếu nương lý làm lành
Tiếng thơm truyền khắp chốn
Vương hầu mãi không dứt
Vua càng thêm giàu, vui
Duyên chết có trăm thứ
Nhân sống lâu không nhiều.
Nhân sống, hoặc duyên chết
Cần phải thường tu thiện
Nếu người thường làm lành
Tất sẽ được an lạc
Xem mình cũng như người
Thiện này vui đầy đủ
Người lấy pháp làm tánh
Thức ngủ thường an lạc.
Trong mộng, thấy việc lành
Do tâm không xấu ác
Nếu ngươi nuôi cha mẹ
Cung phụng bậc tôn trưởng
Kính người tốt, bố thí
Nhẫn nhục, phước thù thắng
Nhỏ nhẹ không hai lưỡi
Lời thật cùng an vui.
Đây là nhân Đế Thích
Hết thọ, nên tu hành
Do xưa hành chín pháp
Thiên chủ được Đế vị
Thời thời ở pháp đường
Đến nay vẫn như vậy
Một ngày ba bữa thí
Thức ngon ban trăm phần.
Phước chẳng bằng phần trăm
Trong sát na hành từ
Trời người đều thương hộ
Ngày đêm được an vui
Lìa oán giận, độc hại
Hiện quả của làm Từ
Không công mà được của
Đời sau sinh Sắc giới.
Được mười công đức
Từ Nếu người chưa giải thoát
Dạy tất cả chúng sinh
Gắng phát tâm Bồ đề
Đức Bồ tát như núi
Tâm Bồ đề vững chắc
Do tin, lìa tám nạn
Nhờ giới sinh đường lành.
Thường tu Chân như không
Được thiện, không phóng dật
Không nịnh, được niệm căn
Thường nghĩ được Tuệ căn
Cung kính, được nghĩa lý
Hộ pháp, được Túc mạng
Bố thí lắng nghe pháp
Hoặc không cản người nghe.
Mau được như mình thích
Sẽ gặp được chư Phật
Không tham, việc làm thành
Không lận của cải Tăng
Lìa mạn, lên Thượng phẩm
Pháp nhẫn, được Tổng trì
Do làm năm điều thật
Và ban điều không sợ
Mắng chửi chẳng làm nhục
Nên được sức thắng lớn.
Bày đèn nơi tháp miếu
Thắp đuốc nơi tối tăm
Cúng đèn dầu thắp sáng
Nên được Thiên nhãn tịnh
Lúc cúng dường chư Phật
Mà đánh trống, trổi nhạc
Tiếng hay như kèn, đàn
Nên được Thiên nhĩ tịnh.
Không xoi mói lỗi người
Chẳng chê người thiếu đức
Tùy thuận giữ ý họ
Nên được Tha tâm trí
Nhờ ban bố ghế, xe
Chuyên chở giúp người yếu
Cung kính bậc Trưởng thượng
Nên được Như Ý thông.
Khiến người nhớ pháp sự
Và nghĩa lý chính pháp
Hoặc tâm tịnh ban pháp
Nên được Túc mạng trí
Do biết nghĩa chân thật
Tính "không" của các pháp
Nên được Thông thứ sáu
Tức là Lậu tận thông.
Tương ưng Bi bình đẳng
Nhờ tu trí Như thật
Nên tự được thành Phật
Thường giải thoát chúng sinh
Nhờ vô số nguyện tịnh
Nên cõi Phật thanh tịnh
Dùng của báu cúng tháp
Nên phóng vô biên quang.
Như vậy nghiệp và quả
Đã biết nghĩa tương ưng
Nên thường tu lợi tha
Tức tự lợi Bồ tát.

----------------------

Phẩm Thứ Tư: CHÍNH GIÁO VƯƠNG

Vua làm việc phi pháp
Hoặc việc chẳng đạo lý
Người thờ vua khen ngợi
Nên tốt xấu khó biết
Cũng có người thế gian
Chẳng thích thiện, khó dạy
Huống gì vua nước lớn
Thường nghe lời người hiền
Ta nay thương xót ông
Và thương người thế gian
Nên ta khéo dạy ông
Thật lợi, nếu chẳng ái.
Sống vui và lợi lạc
Đều nhờ tâm Từ bi
Phật thường dạy đệ tử
Nên ta nói ông nghe
Nếu nghe những lời thật
Nên trụ trong không sân
Nếu lấy ắt phải nhận
Như sông lấy nước sạch.
Nay ta nói lời thiện
Nay, sau đều lợi ích
Ông biết phải nhận làm
Vì mình và thế gian
Xưa giúp kẻ nghèo khổ
Nên nay được giàu sang
Vì tham chẳng biết ơn
Không thực hành bố thí
Ở đời chuyển lương thực
Không thuê, chẳng ai giúp
Nhờ bố thí phẩm vật
Đời sau được gấp trăm
Mong ông phát tâm lớn
Thường tạo dựng việc lớn
Nếu tâm lớn, việc lớn
Là người được quả lớn.
Ý nhỏ, lòng hẹp hòi
Chưa từng khởi tâm nguyện
Tiếng tốt, việc an lành
Nên dựa Tam Bảo làm
Mong nhà vua xét kỹ
Nếu làm việc phi pháp
Chết vẫn mang tiếng xấu
Do chẳng làm việc tốt.
Thường làm việc to lớn
Việc Đại nhân ít khi dùng
Thường ngăn nguyện kẻ dưới
Dùng lệnh thành việc này
Không tự tại bỏ vật
Để mãi đến sau này
Nếu giữ của đúng phép
Sẽ gặp việc nghịch ý.
Sản nghiệp của Tiên đế
Bỏ, giữ, do vua mới
Hãy xem ý Tiên đế
Ưa pháp hay ưa danh
Có của hiện đời vui
Bố thí, đời sau vui
Nếu không, mất cả hai
Chỉ chuốc thêm sầu khổ.
Sắp chết muốn bố thí
Bề tôi ngăn không cho
Ngôi vua hết, bỏ lại
Tùy vua mới tiêu xài
Nếu bỏ tất cả vật
Ông làm sao hoằng pháp
Thường trong trạng thái chết
Như đèn treo trước gió.
Nơi công đức bình đẳng
Do Tiên vương lập ra
Là miếu đường Thiên thần
Mong tu sửa như cũ
Không giết, thường làm lành
Giữ giới, tạo hòa khí
Khéo tăng của, không tranh
Gắng sức luôn tu thiện
Thanh tịnh, không tích chứa
Chẳng bỏ muôn việc khác.
Thường làm người đứng đầu
Nhận kho công đức kia
Mù, bệnh, căn không đủ
Đáng thương, không chỗ nương
Nơi miếu, không được ngăn
Bình đẳng ban thức ăn
Người không mong đạo đức
Hoặc ở chỗ vua khác.
Việc chu cấp cũng vậy
Đừng phân biệt đây kia
Trong tất cả pháp sự
Phải chọn người siêng năng
Thông minh, không tham lam
Sợ tội, không phạm pháp
Tỏ chính luận làm lành
Thân ái bốn quán tịnh.
Lời hay, chẳng khiếp nhược
Thượng căn hay giữ giới
Biết ơn, biết người khổ
Như lý khéo quyết đoán
Tám người cùng nhau làm
Vì nước lập tám tòa Nhu hòa và độ lượng Can đảm rất yêu vua.
Thật thà, biết dùng của
Không phóng túng, làm thiện
Việc làm đều nghĩ kỹ
Thường phân thành mười hai
Thường hành bốn phương tiện
Phải lập làm Đại thần
Giữ pháp, giới thanh tịnh
Rõ việc, có tài năng.
Lại biết giữ của cải
Thông hiểu, khéo tính toán
Với người và việc khác
Sợ tội, thương yêu vua
Giàu có, nhiều quyến thuộc
Phải lập làm trưởng chức
Ngày ngày cần hỏi xem
Tất cả tiền thu, nhập.
Khi hỏi pháp sự rồi
Hoan hỷ, khéo chỉ dạy
Vì pháp ở ngôi vua
Không cầu danh ô nhiễm
Ngôi vua rất có lợi
Không có gì hơn đây
Đại vương! Ở thế gian
Có lắm kẻ tranh đoạt.
Về nghĩa của ngôi vua
Tôi nói, ông nghe kỹ
Trưởng lão ở chỗ vua
Lớn tuổi hiểu phải trái
Sợ ác, thường theo thiện
Để họ săn sóc vua
Bị tội phải dùng hình
Nếu đúng phép gia hình
Vua nên ban đại bi
Khoan dung, ban ơn cho.
Để mọi người lợi lạc
Thường phải khởi tâm từ
Nếu họ phạm tội nặng
Cũng sinh lòng thương xót
Ác nặng tâm cực hại
Tất nơi ấy hành bi
Họ trở thành đáng thương
Người chánh hành cảnh bi
Nếu người nghèo bị bắt
Năm ngày phải thả ra.
Người khác chiếu theo phép
Đừng nên giam giữ lâu
Nếu giam giữ một người
Sẽ sinh tâm bắt mãi
Chẳng lo đời sống họ
Vì vậy ác xoay vần
Dù họ chưa được thả
Nhưng vẫn thấy an vui.
Lo cơm, nước, thuốc thang
Mọi nhu cầu cho họ
Muốn họ thành người tốt
Phải từ bi dạy họ
Người tốt xấu như nhau
Không do sân, ham muốn
Nghĩ kỹ biết vậy rồi
Người không còn phản nghịch.
Không giết, bức bách họ
Mong vua giúp nước khác
Quyến thuộc như oan gia,
Vì mình không mắt sáng
Thường nghĩ, không phóng dật
Làm mọi việc đúng pháp
Ban thưởng và cúng dường
Người có công phải hưởng.
Như nghĩ đức hơn thua
Báo ơn, thưởng cũng vậy
Nhận của người là hoa
Ban thưởng cho là quả
Vua làm cây nhẫn nhục
Dân làm chim đến đậu
Vua giữ giới, Bố thí
Có uy được lòng người.
Ví như viên đường cát
Mùi vị cùng trộn lẫn
Nếu vua dựa đạo lý
Sẽ không hành pháp tà
Không nạn, không phi pháp
Thân tâm thường an lạc
Chẳng nhờ đời trước dẫn
Không thể vào vị lai
Ngôi vua từ pháp có
Chớ vì ngôi phá pháp.
Ngôi vua như nghiệp nhà
Truyền phải có giá trị
Vì chẳng cầu mà được
Điều đó ông nhớ nghĩ.
Ngôi vua như nghiệp nhà
Truyền phải có giá trị
Vì ham muốn, cầu được
Phải tu hành điều đó
Chuyển Luân Vương được đất
Hoặc đủ bốn thiên hạ
Chỉ có thân tâm vui
Giàu sang đều hư dối.
Chỉ đối trị các khổ
Thân có được an lạc
Tâm vui chỉ là tưởng
Do phân biệt mà ra
Đối trị khổ là chính
Còn phân biệt là phụ
Tất cả vui thế gian
Giả dối không thật có.
Quốc độ và chỗ ở
Nào ngôi vị, cộ xe
Nào áo quần, vật thực
Vợ con cùng voi ngựa
Hễ tâm duyên vật nào
Thì do nó sinh vui
Các cảnh chẳng duyên theo
Thành giả dối, vô dụng.
Năm căn duyên năm trần
Nếu tâm không phân biệt
Cho dù thành nơi trần
Chẳng do nó sinh vui
Ngoài trần căn duyên theo
Còn lại không năng sở
Nên căn trần còn lại
Chân thật không có nghĩa.
Những thứ trần căn duyên
Tâm nhận tướng quá khứ
Phân biệt khởi tưởng tịnh
Do nó sinh lạc thụ
Tâm duyên theo một trần
Tâm, trần chẳng cùng đời
Lìa tâm chẳng có trần
Lìa trần chẳng có tâm.
Như cha mẹ là nhân
Mới sanh ra con cái
Như vậy duyên căn, sắc
Nên thức... mới sinh ra
Căn trần đời xưa, sau
Chẳng thành vì không nghĩa
Không ra khỏi hai đời
Trần căn nay không nghĩa
Như mắt thấy vòng lửa
Do nhãn căn đảo loạn
Với trần trong hiện tại
Căn duyên trần cũng vậy
Năm căn và cảnh giới
Là trần của bốn đại
Tất cả đại hư dối
Trần, căn thì đều có.
Đại lìa nhau mà thành
Lìa củi phải có lửa
Nếu lìa không thể khác
Trần cũng giống như vậy
Bốn đại hai nghĩa dối
Nên chẳng thành hòa đồng
Đã vốn không hòa đồng
Nên, sắc trần không thành.
Thức, thụ, tưởng và hành
Tất cả thể chẳng thành
Chẳng hợp với duyên sinh
Chẳng có nên không hợp
Như phân biệt hỷ, lạc
Duyên khởi đối trị thành
Như vậy khổ bị chấp
Do vui hết nên thành.
Khi vui hòa hợp di
Duyên không tướng nên diệt
Khi khổ xa lìa tham
Từ đó chẳng sinh quán
Dựa vào đời mà nói
Tâm là người năng kiến
Nếu không, lìa sở kiến
Thì năng kiến không thành.
Quán hạnh thấy thế gian
Hư huyễn không có thật
Không thủ, không phân biệt
Nhập Niết Bàn như lửa
Bồ tát thấy như vậy
Không thối chuyển Bồ đề
Nhờ sức Đại bi dẫn
Liên tục đến thành Phật.
Các Bồ tát tu đạo
Phật diễn nói Đại thừa
Kẻ vô trí ganh ghét
Bác bỏ không lãnh thọ
Chẳng biết công đức mất
Khởi tưởng mất công đức
Hoặc ganh ghét thắng lợi
Nên hủy báng Đại thừa.
Nếu biết tội hại người
Công đức hay lợi ích
Nên nói người phỉ báng
Chẳng biết ghen ghét thiện
Do chẳng thấy lợi mình
Cứ mãi làm lợi người
Đức Đại thừa thù thắng
Người phỉ báng phải thua.
Người tin do cố chấp
Chẳng tin do ganh ghét
Người tin báng còn diệt
Huống gì kẻ giận ghét
Như thầy thuốc thường nói
Lấy độc để trị độc
Khổ diệt, ác cũng mất
Lời này quả không sai.
Các pháp, tâm làm trước
Vì tâm là thượng thủ
Dùng khổ diệt ác khác
Người tâm thiện không lỗi
Khổ đến, nếu có lợi
Lấy ngay, huống gì vui
Hoặc với mình và người
Đây là pháp căn bản.
Do hay bỏ vui nhỏ
Thấy vui lớn sau này
Người trí bỏ vui nhỏ
Quán vui lớn về sau
Nếu không chịu nghe lời
Thầy thuốc trao vui khổ
Phạm tội chẳng thể tha
Nên lời ông không đúng
Hoặc thấy việc chẳng nên
Người trí làm theo nghĩa.
Hoặc cấm, hoặc tạm cho
Đâu cũng có nghĩa này
Uy nghi của Bồ tát
Trước Bi, sau thành Trí
Đại thừa nói như vậy
Vì sao lại phỉ báng?
Không biết nên u mê
Nghĩa rộng sâu thượng thừa
Nếu phỉ báng Đại thừa
Mình, người thành oan gia
Thí giới, Nhẫn, Tinh tiến
Định, Trí, Bi là Thể
Phật nói pháp Đại thừa
Sao bảo là tà thuyết
Thí giới thì lợi người
Nhẫn, tinh tiến lợi mình.
Định tuệ thoát tự, tha
Lược thâu nghĩa đại thừa
Lược nói chính giáo Phật
Là giải thoát người, mình
Lục độ này quan trọng
Tại sao người bác bỏ
Phước tuệ là mầm mống
Phật nói đạo Bồ đề
Đặt tên là Đại thừa
Kẻ si, mù chẳng nhận.
Như hư không khó lường
Phước, tuệ thành cũng vậy
Đức chư Phật khó lường
Đại thừa, hãy tin nhận
Đại đức Xá lợi Phất!
Giới Phật chẳng cảnh này
Nên đức Phật khó suy
Vì sao chẳng tin nhận.
Vô sinh của Đại thừa
Tiểu thừa bảo không, diệt
Vô sinh diệt Nhất thể
Nghĩa nó đâu chống trái
Chân không, đức của Phật
Nếu chọn lựa đúng pháp.
Giáo pháp Đại Tiểu thừa
Người trí đâu tranh biện
Phật nói Bất liễu nghĩa
Hạ căn đâu dễ hiểu
Trong Nhất thừa, Tam thừa
Hộ trì, đừng tổn hại
Dù không tin tội phước
Ghét ác, không tin thiện.
Dù yêu mến thân mình
Cũng đừng chê Đại thừa
Hạnh, nguyện của Bồ tát
Hồi hướng khắp tất cả
Nếu tu theo Tiểu thừa
Làm sao thành Bồ tát
Tứ y của Bồ tát
Không nói Tiểu thừa nghe.
Phật đã tu pháp nào
Dám nói Tiểu thừa hơn
Dựa vào Đế, trợ đạo
Phật với họ đồng nhau
Nhân tu đã không khác
Sao quả lại vượt hơn
Hạnh Bồ đề chung riêng
Trong Tiểu thừa không nói.
Trong Đại thừa nói đủ
Nên người trí tin, nhận
Như Luận Tỳ-già-la
Trước dạy học chữ cái
Phật lập giáo như vậy
Theo căn tính giáo hóa
Có nơi, hoặc nói pháp
Khiến họ lìa các khổ.
Hoặc thành tựu phước đức
Hoặc vì đủ cả hai
Hoặc bỏ hai thứ trước
Người thấp kém, khiếp sợ
Hoặc chỉ trải tâm Bi
Khiến người thành Bồ đề
Bởi vậy người thông minh
Bỏ tâm chê Đại thừa
Phải khởi tín, nhận sâu
Để chứng Vô đẳng giác
Do tín, thọ Đại thừa
Và hành giáo Đại thừa.
Nên thành Vô thượng đạo
Được mọi sự an vui
Thí giới và nhẫn nhục
Thường nói cho tại gia.
Pháp này Bi đứng đầu
Mong ông tu thành tánh
Do đời không bình đẳng
Ngôi vua nếu trái phép
Vì tiếng tốt và pháp
Xuất gia là hơn hết.

Phẩm Thứ Năm: XUẤT GIA CHÍNH HẠNH

Người mới tập xuất gia
Thành tâm giữ giới cấm
Đối với Giới và Luật
Cần học nghĩa Phá, Lập
Kế khởi tâm chính cần
Xả bỏ Hoặc thô thiển
Cả thảy năm mươi bảy
Nghe kỹ, ta sẽ nói.
Ngờ là tâm chống trái
Hận là gây lỗi người
Che tội ác là Bí
Và giấu ác bày thiện
Khoa trương là Lừa dối
Siểm là hay dua nịnh
Tật là ghét đức người
Lận là sợ phải xả.
Không hổ và không thẹn
Với mình, người là Sỉ
Chẳng nhường, chẳng kính người
Lấy cớ động loạn, sân
Say là chẳng kể người
Phóng dật chẳng tu thiện
Mạn gồm có bảy loại
Nay ta sẽ lược nói.
Nếu người khởi phân biệt
Từ thấp xuống thấp nữa
Từ thấp bằng và hơn
Nói Hoặc này là Mạn
Người kém chỉ biết mình
Nhưng chẳng bằng người khác
Đây gọi là hạ Mạn
Do tự hạ thấp mình.
Hạ căn khởi tự cao
Cho mình bằng người hơn
Hoặc nầy gọi cao mạn
Do tự cao bằng hơn
Hạ căn tự cho mình
Hơn hẳn người hơn kia
Đây gọi là Quá mạn
Như nhọt ung làm mủ
Năm loại đều chấp ấm
Tự tính "không", không người
Do si nên chấp ngã
Đây gọi là Ngã mạn.
Thật chưa chứng Thánh đạo
Nhưng cho mình đã chứng
Và vì tu thiên chấp
Đây là tăng thượng mạn
Nếu người do làm ác
Rồi cho mình hơn hết
Lại bác đức người khác
Đây gọi là Tà mạn
Ta nay không cần nữa
Hoặc hay hạ thấp mình
Đây cũng là Hạ mạn
Duyên tự thể mà khởi
Cầu lợi dưỡng, tiếng khen
Nên chế phục sáu căn.
Che giấu tâm tham dục
Đây gọi là cống cao
Vì muốn được lợi dưỡng
Nên khéo nói với người
Hoặc này duyên thế pháp
Gọi là lời cảm tạ
Muốn được của cải người
Nên khen vật này đẹp.
Đây gọi là Hiện tướng
Thường bày tự tâm mình
Vì muốn được chỗ cầu
Trước mắt chẳng chê người
Đây gọi là chê trách
Thường bắt người theo mình
Do ham muốn cầu lợi
Hoặc đề cao người khác.
Đây là lợi cầu lợi
Cả năm thuộc Tà mạng
Nếu luôn tìm lỗi người
Học thuộc làu đủ loại
Đây gọi là âm hiểm
Tâm hận từ đây sinh
Hoảng sợ không an ổn
Do vô tri và bệnh.
Thô kệch thì đầy dẫy
Phỉ báng và biếng trễ
Ý nhiễm tham sân si
Gọi là chủng chủng tướng
Không quán như hiện tại
Gọi là chẳng tư duy
Biếng nhác việc đáng làm
Gọi là không cung kính.
Không tôn trọng thầy tổ
Gọi là không tôn trọng
Trong tâm thì khởi dục
Bên ngoài thì chấp chặt
Dục kiên cố phát sinh
Nặng nhất là chấp khắp
Tham muốn của về mình
Không thấy đủ là Tham
Mê đắm vật người khác
Đây là Bất đẳng dục
Cảnh ô trược, nữ nhân
Muốn lòng tham phi pháp
Không đức, bảo có đức
Đây gọi là Ác dục
Thường cầu lìa biết đủ
Đây gọi là Đại dục.
Muốn người biết tài mình
Đây gọi là Thức dục
Chịu khổ chẳng an ổn
Đây gọi là Bất nhẫn
Với việc chánh, thầy tổ
Tà hạnh là không quý
Như pháp khéo giảng dạy
Khinh mạn là nạn ngữ.
Mê đắm những người thân
Suy nghĩ là Thân giác.
Do muốn được nơi chốn
Suy nghĩ là Thổ giác
Chẳng nghĩ chết, hoảng sợ
Gọi là Bất tử giác
Do công đức chân thật
Muốn người tôn trong mình.
Nghĩ muốn người ta biết
Gọi là Thuận giác giác
Do tâm yêu và ghét
Nghĩ lợi mình hại người
Theo mình và người khác
Đây là Hại tha giác
Lo nghĩ tâm nhiễm ô
Không nương là: Bất an.
Thân trầm gọi là Cực
Trì hoãn là biếng trễ
Do theo tâm Hoặc trên,
Thân cúi luồn là Tần
Thân loạn không kiêng ăn
Đây gọi là Thực túy (say ăn)
Thân tâm rất hao gầy
Đây gọi là Hạ liệt.
Tham ái năm thứ trần
Đây gọi là Dục lạc
Làm tổn hại lòng người
Từ chín nhân duyên sinh
Lúc nào cùng nghi nan
Đây gọi là Sân hận
Do thân tâm nặng nề
Chẳng làm việc là Nhược.
Tâm mê gọi là Thùy
Thân tâm động là Động
Hối hận với việc ác
Sau Ưu là Tiêu nhiên
Với Tam Bảo, Tứ đế
Do dự gọi là Nghi
Nếu Bồ tát xuất gia
Phải lìa tướng thô này.
Hay tránh được xấu ấy
Đức đối trị dễ sinh
Các công đức ở đây
Bồ tát nên tu tập
Bố thí, giới, nhẫn nhục
Là Cần, Định, Tuệ, Bi
Xả vật mình là Thí
Làm lợi người là Giới.
Thoát khỏi sân là Nhẫn
Nhiếp thiện là Tinh tiến
Tâm vắng lặng là Định
Tỏ thật nghĩa là Trí
Với tất cả chúng sinh
Thường làm lợi là Bi
Thí sinh giàu, giới vui
Nhẫn ái siêng mãnh liệt
Định tĩnh, trí giải thoát
Bi sinh tất cả lợi
Thành tựu bảy pháp này
Đều đến được cứu cánh
Cảnh giới trí khó nghĩ
Khiến đến được quả Phật
Như ở trong Tiểu thừa
Nói quả vị Thanh văn
Trong Đại thừa cũng vậy
Nói mười Địa Bồ tát.
Sơ địa là Hoan Hỷ
Trong đây hỷ rất hiếm.
Do diệt sạch ba kiết
Và sinh trong nhà Phật
Do quả báo địa này
Hiện đời tu Bố thí
Trong trăm thế giới Phật
Được tự tại chẳng động
Các châu như Diêm phù
Làm Đại Chuyển Luân Vương.
Trong thế gian thường chuyển
Bảo Luân và Pháp Luân
Hai là Địa Vô Cấu
Các nghiệp thân, miệng, ý
Mười nghiệp đều thanh tịnh
Tự tính được tự tại
Do quả báo địa này
Hiện tiền giữ giới cấm.
Trong ngàn thế giới Phật
Được tự tại chẳng động
Tiên, người, trời, Đế Thích
Thường trừ ái dục trời
Thiên ma và ngoại đạo
Đều chẳng thể nào động
Ba là Địa Minh Diễm
Tuệ lặng sinh quang minh.
Do Định và Thần thông
Nên dục, sân Hoặc diệt
Do quả báo địa này
Hiện đời tu Nhẫn nhục
Trong muôn thế giới Phật
Được tự tại chẳng động
Làm Dạ Ma, Thiên Đế
Diệt tập khí, thân kiến.
Tất cả tà sư chấp
Hay phá khuông chính giáo
Bốn là Địa Thiêu Nhiên
Ánh sáng trí phát sinh
Quả báo địa này do
Hiện đời tu Tinh tiến
Thường tu tập Đạo phẩm
Vì diệt Hoặc sinh cõi
Đâu Suất, Đà Thiên Chủ
Trừ kiến giới ngoại đạo
Do được sinh tự tại
Trong cõi Phật mười phương
Đến đi không chướng ngại
Còn lại giống Địa trước
Năm là Địa Nan Thắng
Ma, Nhị thừa chẳng bằng
Nghĩa nhiệm mầu Thánh Đế
Đều chứng đắc, thấy rõ.
Quả báo địa này do
Hiện đời tu Thiền định
Làm Hóa lạc Thiên chủ
Hồi nhị thừa hướng Đại
Sáu là Địa Hiện Tiền
Chính hướng đến pháp Phật
Do thường tu Định, Tuệ
Chứng đắc diệt viên mãn.
Quả báo Địa này do
Hiện đời tu Trí tuệ
Tha Hóa Tự Tại Thiên
Thường dạy Chân, Tục đế
Bảy là Địa Viễn Hành
Viễn hành thường tương tục
Trong đó niệm niệm chứng
Không sinh và không diệt.
Quả báo địa này do
Trí phương tiện hiện tiền
Được làm Đại Phạm vương
Thường thông Đệ nhất nghĩa
Chứng thắng trí phương tiện
Sáu độ không gián đoạn
Làm bậc thầy cao nhất
Của Ba thừa, thế tục.
Tám là Địa Bất Động
Do không lìa Chân quán
Không phân biệt, khó bàn
Không cảnh thân, miệng ý
Quả báo địa này do
Hiện đời thường nguyện độ
Thắng Biến Quang Phạm
Chủ Tự tại trong cõi
tịnh. Nhị thừa không sánh
kịp
Với Chân, Tục, Nhất nghĩa
Tu cả động và tĩnh
Thường lợi mình, lợi người
Chín là địa Thiện Tuệ
Ngôi Thái tử Pháp Vương
Trong đó Trí tối thắng
Do thông đạt bốn Biện.
Quả báo địa này do
Lực độ thường hiện tiền
Làm Phạn Vương Biến Tịnh
Biện tài khó sánh kịp
Mười là Địa Pháp Vân
Thường mưa nước chính pháp
Ánh sáng làm nước rưới
Nhận ngôi Quán Đảnh Phật.
Quả báo địa này do
Trí độ thường hiện tiền
Làm Phạm Vương Tịnh Cư
Thiên chủ Đại Tự Tại
Cảnh trí tuệ khó suy
Bí mật tàng chư Phật
Được đầy đủ tự tại
Đời sau bậc Bổ Xứ.
Như vậy địa Bồ tát
Tôi đã nói đủ mười
Phật địa khác Bồ tát
Đức thù thắng, khó lường
Địa này chỉ lược nói
Có mười lực tương ưng
Mỗi một lực ở đây
Như hư không, khó lường.
Như vậy có thể nói
Vô lượng đức của Phật
Như hư không mười phương
Cùng đất, nước, gió, lửa
Vô lượng đức của Phật
Người khác rất khó tin
Nếu chẳng thấy nhân này
Khó lường quả như vậy.
Nhân và quả ở đây
Hiện tiền cúng dường
Phật Ngày đêm đủ sáu thời
Tụng mười hai bài kệ
Chư Phật, Pháp và Tăng
Tất cả các Bồ tát
Tôi đảnh lễ quy y
Cùng chiêm ngưỡng, cung kính.
Tôi lìa tất cả ác
Thâu giữ hết thảy thiện
Các hạnh lành chúng sinh
Tùy hỷ và làm theo
Đầu mặt lạy chư Phật
Chấp tay thỉnh trụ thế
Xin Phật chuyển pháp luân Đến tận đời sinh tử.
Đức ta từ hạnh này
Đã làm và chưa làm
Nhân đây mong chúng sinh
Đều phát tâm Bồ đề
Vượt tất cả chướng nạn
Thành tựu căn vô cấu
Và đủ cả Tịnh mạng
Mong việc tự tại kia.
Tất cả đều vô biên
Chẳng khác bàn tay báu
Tận cùng đời vị lai
Mong chúng sinh như vậy Nguyện hết thảy người nữ
Đều thành bậc trượng phu
Trong bất cứ lúc nào
Cũng được thông minh, đủ.
Uy đức hình dạng đẹp
Tướng tốt, người ưa nhìn
Không bệnh, đầy sức lực
Nguyện họ được sống lâu
Vượt ra các khổ, sợ
Cùng quy y Tam Bảo
Dùng phương tiện thiện xảo
Làm pháp khí pháp Phật
Từ bi, vui, hỷ xả
Thường ở trong Tứ Phạm
Thí, giới, nhẫn, tinh tiến
Định, trí mà trang nghiêm.
Đầy đủ hạnh Phước, Tuệ
Tướng tốt, phóng quang minh
Mong họ khó suy lường
Hành mười Địa vô ngại
Tương ưng với đức này
Đức còn lại trang nghiêm.
Giải thoát mọi tội lỗi
Nguyện ta thương chúng sinh.
Viên mãn tất cả thiện
Những gì chúng sinh vui
Trừ các khổ cho người
Nguyện ta thường như vậy
Nếu người có sợ hãi
Dù lúc nào, ở đâu
Do chỉ nghĩ tên ta
Nên thoát tất cả khổ.
Kính tin ta và sân
Nếu thấy và nhớ nghĩ
Cho đến nghe tên ta
Mong họ chứng Bồ đề
Nguyện ta được Năm thông
Thường ở trong mọi đời
Ta mong thường xuất thế
Giúp chúng sinh an vui.
Nếu họ muốn làm ác
Trong tất cả thế giới
Nguyện dứt hết ác ấy
Khiến họ đều tu thiện
Như đất, nước, gió, lửa
Thuốc cỏ và cây rừng
Nếu họ muốn thụ dụng
Ta xin tự nhẫn chịu.
Những gì họ ưa thích
Như ý được sống lâu
Nguyện ta nhớ chúng sinh
Hơn vạn lần nhớ mình
Mong điều ác họ làm
Ta xin chịu quả báo
Những việc thiện của ta
Hãy để họ hưởng quả.
Một người chưa giải thoát
Còn sanh trong các đường
Ta mong sinh thay họ
Không thủ Bồ đề trước
Hay tu hành như vậy
Thì phước đức tạo ra
Trong hằng sa thế giới
Chẳng thể nào lường được
Phật, Thế Tôn tự nói
Nhân khó lường như vậy
Cõi chúng sinh vô lượng
Mong lợi ích cũng thế
Ta lược nói pháp này
Khiến làm người, mình lợi
Mong ông yêu pháp này
Như yêu mến thân mình
Nếu người yêu pháp này
Là thật yêu thân mình.
Nếu ghét điều mình ưa
Ghét đó nhờ pháp thành
Nên thờ pháp như thân
Trọng hành như trọng pháp
Như làm việc có tuệ
Như việc tuệ có trí
Thuận tịnh có trí tuệ
Khiến người giảng chính lý.
Do khởi ác nghi người
Người này hại việc mình
Nếu là Thiện tri thức
Ông cần phải thân gần
Biết đủ, Từ bi, giới
Trí tuệ luôn diệt ác
Nếu bạn tốt dạy ông
Ông cung kính làm theo.
Đức trong, ngoài thù thắng
Ông tất đến thắng xứ
Thật nguyện, nói hòa nhã
Tánh vui chẳng thể động
Việc thật tăng dua nịnh
Mong ông tự đổi thay
Đã bỏ, đừng hối tiếc
Như lửa tâm tắt lịm.
Không lười biếng, trạo cử
Không cống cao, bất hòa
Mong sáng sạch như trăng
Rực rỡ như mặt trời
Sâu xa như biển cả
Vững chắc như núi cao
Xa lìa tất cả quả
Dùng muôn đức nghiêm thân.
Chúng sinh được thọ dụng
Nhất thiết trí của ông
Ta chẳng những vì vua
Nói những pháp lành ấy
Mà còn vì mọi người
Muốn tất cả lợi ích
Đại vương chính luận này
Ông ngày ngày nghe kỹ.
Vì để mình và người
Được Bồ đề vô thượng
Giữ giới, kính trưởng thượng,
Nhẫn nhục không ganh ghét
Biết đủ, không tham, tiếc
Cứu giúp, việc khó, nạn
Người thường làm thiện, ác
Thâu giữ và chế phục.
Hộ trì chính pháp Phật
Cầu Bồ đề nên hành.


[Đầu trang][Mục lục bộ Luận Tập][Mục lục tổng quát]