TẠNG LUẬN
Tạo luận: Tôn giả Thích Ca Xưng. Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh
Trong thế gian, có một loại hữu tình do không có trí tuệ hiểu biết nên sinh tà chấp. Vì xót thương họ trầm luân, nên nay tạo luận này. Tụng viết:
Trên con đường bằng phẳng
Bước đi lại ngã nghiêng
Vì hạng ngu muội này
Nên nói Luận Thủ Trượng.
Luận: Mỗi mỗi đức Thế Tôn xuất hiện trong đời, đều thường hành giải thoát cho vô lượng vô biên các loài hữu tình, nhưng các hữu tình không có điểm cuối cùng hạn lương, giống như hư không tính vốn không có biên hạn. Đây chính là Biên hạn dựa trên lý tánh mà Bồ-tát Thế Thân đã nêu ra, để đoạn trừ, bác bỏ sự tính toán chấp trước ở số lượng. Cũng vì ngăn chặn chấp một nghĩa này cho nên nói là vô biên.
Nói có điểm cuối cùng tức là nghĩa cùng tận. Do chấp đây nên vướng vào lỗi không có chủ thể lập và đối tượng được lập, không có lìa nhau. Tông thì bảo là vô chung (không có điểm cuối cùng), Nhân thì bảo là vô biên (không có bến bờ), đây là lỗi một phần ở Tông. Những Luận giả khác cũng nói như vầy: Chưa hề có hữu tình mới sinh ra, giống như thân cây, chặt phá bỏ hoang, nó tàn lụi, rồi sau đó nảy mầm lại, vốn không cùng tận. Do chấp trước như thế, nên họ lập thuyết không hề có loài hữu tình mới sinh. Đây tạm thuật lại như vậy, và hỏi đến đâu thì đáp đến đó.
Mạng Dược Quân nói: Có hữu tình cũ, có hữu tình mới. Nói rộng ra như thế, cho nên quyết định nên chấp nhận như vậy. Nếu khác đây thì ví như dầu và hạt mè tụ lại không thấy có số lượng thêm là mới nhưng tổn giảm thì nhất định sẽ thấy chúng có điểm tận cùng. Nếu như ngay lúc này, chấp cho rằng hữu tình trước đây chưa có, nay mới bắt đầu sinh ra, thì như vậy thành ra chấp nhận sinh tử có điểm khởi đầu. Nếu thấy có điểm khởi đầu thì rơi vào lỗi không nhân. Đã không có nhân thì tất cả đều phải không nhân mà có, đây là bản ý của Á-giá-lợi-da (A Xà Lê). Họ lại trả lời điều này: Do có chủng tử nên tạo ra nghiệp tương ưng, chủng tử của hai pháp thiện, bất thiện, các việc thuộc thức A-đà-na, Yết-thích-la, đây là phần đầu tiên được sinh khởi. Đã hệ thuộc vào có chủng tử như vậy, do các nghiệp tự tạo tiếp cận với thiện ác mà đi vào dòng lưu chuyển, hoặc vào Niết Bàn. Đây là khéo thuận theo đạo lý của với duyên sinh, tức là Tăng Tắc-ca-la-bát-để, Tỳ nhược nam bà-bạc-bát-để. Đã có nghĩa duyên sinh này, vì sao lại gượng ép chấp nhận có chủng hữu tình mới sinh? Luận giả như vậy tức rơi vào lỗi sinh tử có điểm đầu tiên.
Có Luận giả khác nói: Trả lời như vậy là không khéo, Vì sao? Vì chấp nhận có hữu tình mới sinh. Như vậy là có tăng thêm, mà tăng đối đãi với giảm. Đầu tiên là không có nhân, nếu nói hữu tình mới sinh này không hề biết gì về ý thức sinh tử, chỉ do nghiệp của họ làm duyên lực rồi đột nhiên sinh ra, nói như vậy thì các hữu tình đó nay phải chịu lưu chuyển, mỗi một sát na cứ lần lượt tương sinh, như vậy thành ra tăng thêm. Từ nghĩa lý này, đương nhiên sẽ thấy có hữu tình mới sinh ra. Từ một hữu tình, đầu tiên vì thấy có tăng thêm, đối đãi với giảm nên trong mỗi một sát na có vô lượng hữu tình sinh ra, số lượng hữu tình ấy đương nhiên tăng nhanh, vì đối đãi với từng hữu tình bị diệt trong những sát na trước đó. Cứ thế giảm dần, diệt dần đến khi chỉ còn độc nhất một hữu tình. Rõ ràng hữu tình đầu tiên này không đợi phải có nghiệp khác để thành cái đầu tiên, Không có nhân mà có nên ở đây chắc chắn không thể biện luận được lỗi của không nhân. Nếu nói nhất định có tăng thêm thì sẽ rơi vào lỗi này. Có tăng, không giảm là nhân tăng thừa, như đồ vật của người tham tiếc. Nhưng loài hữu tình này có giảm không? Nếu có thì tại sao không thể tính kể được có bao nhiêu vào nơi viên tịch trong Phật Đồ Ốt Ba Đà?
Như có Tụng nêu:
Phật ra đời khó gặp
Tin giáo cũng khó gặp
Nhân sinh thì dễ gặp
Thoát lý tướng chẳng đồng
Luận: Do Phật ra đời thật khó gặp, như trong luận nói, nơi vô số kiếp đầu từng phụng sự năm lần bảy mươi ngàn Phật, kế đến phụng thờ sáu lần bảy mươi ngàn Phật, kiếp thứ ba phụng thờ bảy lần bảy mươi ngàn đức Phật như vậy. Cho nên, tư lương để thành Phật thật vô cùng khó được. như Tụng nói:
Vô số trăm khổ hạnh
Vô số thiện căn sinh
Vô số thời tinh tiến
Đoạn vô số nghiệp chướng
Được Nhất thiết chủng trí
Trừ sạch mọi phiền não
Thành Vô thượng Thế Tôn
Như mở hòm thấy báu.
Giả sử có lúc nào đó ta gặp Phật ra đời, gặp giới luật thanh tịnh của Phật diễn nói, thì người kính tín, chí thành lại là việc khó được. Bởi vì có tín tâm thì sẽ được hoàn bị đối với tám thứ chướng ngại thế gian (lợi suy…). Tuy nhiên với việc chứng đắc bản tính mình mới là khó nhất và nhân sinh khởi thì lại rất dễ được, đó là Hoặc và Nghiệp. Những nhân duyên này lúc nào cũng hiện ngay trước mắt. Phiền não này có ba loại duyên: Một là Tùy miên chưa đoạn, hai là cảnh trói buộc ở ngay trước mắt, ba là khởi tư duy không đúng lý ngay trong hai loại đó. Đây là những thứ mà phàm phu ngu muội thường tham đắm chấp. Nhưng nghiệp là do chính họ tạo tác, đắm trước, mà cái nhân giải thoát cũng không phải khó được. Hoặc một lúc nào đó khi công hạnh viên mãn là ta được giải thoát. Muốn đem chút phần cỏn con hòng đắp đổi với những gì mới tăng thêm, đương nhiên cũng không thoát khỏi lỗi, thật không hợp lý. Tụng:
Khí thế giới không tăng
Sao thành có lúc giảm?
Sinh tử đã không đầu
Đây liền thành lỗi lớn
Luận: Nếu thấy có hữu tình mới sinh, thì phải trôi dạt đến đây, như vậy không phải là khí thế giới. Như hữu tình, thế giới mà có tăng thật, thì thế giới ngang dọc an bày số nhất định sao có lúc giảm? Như lúc kiếp hoại, có thể rỗng không. Có thuyết cho rằng, giống như trời mưa, nhưng nếu thay vì nước thì trời lại mưa cát, cát ấy liên tục từ trên không đổ xuống, nếu thế, thì phương đông sẽ không có kẽ hở, không thiếu có thế giới thành hoặc hoại, như vậy rõ ràng không phải hữu tình mới sinh, mới lớn, mà có hạn lượng. Nhưng hữu tình thì tăng thêm vô cùng vô tận, đương nhiên thế giới không dung chứa hết, hữu tình có tranh giành nhau rồi chuốc lấy khổ không? Nay lại hỏi, luận về mới sinh, nếu cho rằng chưa hề có hữu tình nào bỗng dưng sinh ra do nghiệp lực, thức nên mới thọ sinh, thì như vậy có huân tập hay không có huân tập? Nếu có huân tập thì do họ chấp trước cái mới sinh thức huân tập cái này nên có "thể" nếu vậy đã rơi vào lỗi một và nhiều. Nếu luận về huân tập thì phải có cả pháp tạp nhiễm, pháp thanh tịnh cùng sinh cùng diệt, dựa vào đây mà làm nhân sinh khởi cho nó, chứ không phải hữu tình ấy trước đã có nhân sinh khởi. Hai pháp nhiễm tịnh cùng sinh cùng diệt ấy có thể lấy đó làm nhân sinh khởi được chăng? Nhưng với người thường mê đắm, chấp trước, thì Thức và hai pháp nhiễm tịnh cùng sinh cùng diệt ấy sẽ làm cái nhân sinh khởi của họ, và đương nhiên không có lỗi chống trái. Nếu vậy, Thức đầu tiên có huân tập, với người chấp trước thì sát na trước vốn là cái nhân này, sát na sau cũng nên như vậy. Nếu không phải thế này thì lý huân tập đương nhiên không thành. Từ lý này, cha dụng công thì cha được giải thoát, hoặc nhờ đa văn mà con không dụng công nhưng vẫn được như cha. Hoặc có lúc, cả hai cha con có lỗi lầm nhiều như nhau và đều chịu quả báo như nhau.
Nếu nói không do huân tập nhiều loại, mà do công năng tự khởi; hoặc bào chữa cho rằng vì không có nhiễm tịnh, vì cùng sinh cùng diệt, nếu lấy đây làm nhân thì rơi vào lỗi như trước, Nhưng nay chỉ lấy công năng chấp trước, nhân duyên hòa hợp, vì tăng thượng duyên, vì không có nguồn gốc, mà kia được sinh khởi, nghĩa này chắc chắn không có, lỗi không sinh quả. Nếu vậy thì công năng cho quả xong rồi diệt, cũng như công năng của nghiệp, công năng sở hữu các thứ tham v.v…, tất cả công năng thành quả rồi cũng sẽ diệt hết. Như nghiệp dị thục tự có công năng, khi sinh quả rồi thì nó tự diệt mất. Nếu không phải như vậy, thì liền thành vô lỗi không cùng tận. Ở đây cũng vậy, giả sử như vậy thì có lỗi gì? Tức sẽ không phí sức chuyên cần, tin nhận các loại giải thoát? Vì công năng của tham v.v.. đã diệt rồi. Lại lìa tất cả công năng tham v.v.. này càng thấy tự quả của chính mình không thể chấp nhận có chủng tử mới, bởi vì chủng tử đã đoạn mất. Nếu không tu tập Thánh đạo mà được viên tịch thì đây phù hợp với lời của Thiện Kiến Thiên nói: Nếu vượt khỏi đây là khen ngợi phi pháp. Và ông nói kệ:
Ta thấy loài quần sinh
Tâm mờ thân cũng mờ
Lìa ham muốn an vui
Lại mong trừ nhân khổ
Chỉ cần thích diệu lạc
Nhọc thấy khác làm gì
Tức đem tâm tham nhiễm
Nhận lấy lý Niết Bàn.
Chuyển sinh lại, nghiệp quá khứ vô dụng. Ở đây lược nói có ba loại phước nghiệp, đó là tính Thí, tính Giới, tính Tu. Từ đó phát tâm siêng năng, tinh tiến tu tập. Thật ra có vô dụng không? Vì sao như vậy? Vì công năng hòa hợp nên quả tự khởi. Nếu lúc các việc phước ấy sắp diệt, trong thức A lại da còn huân tập quả Dị thục, về sau, sự huân tập này khởi ra tự dụng được nhận sinh khởi trợ giúp, hòa hợp sinh ra quả Dị thục ở vị lai. Như vậy, công năng phước đức chúng ta làm để tạo ra quả của việc phước này không uổng bỏ. Nếu không, trước đây không tu thiện nghiệp, dựa vào sự chấp trước làm duyên, công năng của Dị thục bỗng nhiên sinh khởi. Từ đó, có thể sinh ra pháp trong hiện tại, sinh xong, mọi công lao cần mẫn tu tập, lạo nhọc cả thân tâm ấy trong Dị thục cũng vô dụng giống như trước.
Lại nữa, hai loại nghiệp Tư và Tư tạo tác Thiện, Bất thiện và Vô ký. Những thứ này đều trở thành giả lập, không thật. Nếu nói, về sau huân tập, trừ sát na đầu tiên của A lại da thức, cho đến duyên trái nghịch từ chưa sinh đến nay, cứ thế tự nó liên tục huân tập tham v.v.. như vậy, thì không thể nào đưa ra lỗi. Nếu vậy thì, lúc trước huân tập cũng vậy, mọi sự huân tập của nó đều phải thấy rõ, nếu không làm sao làm nhân sinh khởi cho nó được. Dù chưa từng được trí xuất thế, nhưng vẫn thường ở và tiếp nối trong đó. Cũng như nói, cả hai đều không có tính trí, đều từ nơi huân tập này mà làm cái nhân sinh khởi. Huân tập việc nghe này thì rất thanh tịnh, vì đây là thể tính đẳng lưu của pháp giới. Pháp giới tức là pháp thân của Như Lai. Ngã, pháp cả hai đều hiểu là không có tính, chỉ là chỗ hiện bày của pháp giới. Pháp tức là pháp thân, giới ở đây là nhân. Đây là giới hạn của các pháp xuất thế gian, nghĩa là nó có thể nắm giữ tính huân tập kia, đoạn trừ các tập khí còn lại của phiền não chướng, sở tri chướng, nên gọi là Cực thanh tịnh. Nghe, huân tập như thế này cũng giống như quả kia. Nó là duyên Tăng thượng mà được sinh khởi, vì đồng với thể tính ấy.
Có thuyết cho rằng tất cả chủng tử thấy nghe, huân tập của hàng Bồ tát mới phát tâm, tuy gọi là thế gian, nhưng phải biết nó thuộc về pháp thân. Thất la-phược ca-bát-để-ca Phật đà tức là thuộc về thân giải thoát. Bởi vậy phải biết, tuy là thế gian nhưng có thể làm chủng tử gần cho tâm xuất thế gian. Nghĩa của thuyết pháp giống như thức, tướng phần tùy hiện là không có nhưng dựa vào từ chương nương vào cú nghĩa để hiển bày tất cả đạo lý ở trong đó. Đưa ra một thiên, các bài tụng khác cũng đồng như vậy. Thế rồi bỏ chương cú, dù không phân chia chương này chương kia nhưng đều hiểu rõ, như vậy có khác gì nó đã được nêu bày một cách rõ ràng, trước sau đều như vậy cả, chỉ là ở liên tục tiếp nối trong đó, do tham v.v.. huân tập mà ra. Nếu vậy, thì phải có chủng tử sinh trước rồi nó mới sinh khởi. Nó lại theo cái trước, do cái trước mà có, đây chính là Tát-bà-thạch-yết đều từ chủng tử thấy rõ được mà sinh khởi, bởi vậy chỗ chấp có chúng sinh mới thành ra không hợp lý, dựa vào đó nên hay có thể luận là có đời trước.
Trời trao Nhãn thức đầu
Định từ thức khác có
Cần phải biết tính thức
Giống như thức ở sau
Nếu có diệt định khởi
Nó thâu tóm cả tâm
Trong Tông dùng lý tính
Giống lỗi "không, không định"
Tâm tâm đều khởi pháp
Đều từ bốn duyên sinh
Nó lập tâm đầu tiên
Sao bảo Đẳng vô gián.
Tâm tâm khởi pháp từ bốn duyên sinh, lý của A-tỳđạt-ma trở thành quyết định. Ông cho có cái tâm đầu tiên khởi ra, tại sao nó đồng với vô gián duyên, mà cũng không ở trong sự tương tục khác. Tất cả tâm tụ và tự tâm tụ, duyên thì hợp lý, vì có ít nhiều không đồng nên có lý nhất định. Từ đó sanh ra hữu nhiễm là phiền não của tự tha. Nay ông cho sanh tâm hữu nhiễm tức không phải của phiền não tự tha. Giả sử cảnh của ba đời không thể hình thành lý sanh khởi, vả lại chẳng phải quá khứ vì chưa từng kinh qua, cũng chẳng phải vị lai, do tưởng mình từng kinh qua nên khởi mong cầu, lại cũng chẳng phải hiện tại. Do ý thức mình mặc tình khởi lên, nên thành ra không có đui, điếc, v.v.. Lại vì năm căn và các đường, mệnh căn đều là Dị thục, ông trở thành chẳng phải Dị thục. Chỉ dựa vào cái Dị thục mà nói kinh, nhưng lại nói: Năm Hữu bên trong hàm dưỡng kỹ, nên biết năm căn như nhãn v.v.. Dị thục tính của nó trở thành năm cõi, đây cũng là tính thể của Dị thục, chỉ lược nói như vậy.
Có thuyết cho, hữu tình Na-lạc-ca, do sức nhiễm lậu, phiền não hiện tiền này, tạo tạc ra nghiệp Nại-lạc-ca, khiến nó dần dần tăng trưởng, Hữu tình nghĩa là thân, khẩu, ý, nghiệp uế trược, đến lúc mạng chung, ở nơi thấp kém đáng ghét nhất khiến cho Dị thục của nó như sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều bị thiêu đốt. Dị thục sinh xong thì gọi là hữu tình Na-lạc-ca. Trong đó, nếu lìa pháp ấy thì không thể có Na-lạc-ca. Pháp ấy chính là Dị thục sinh là nghĩa Tắc Kiều Đà. Nhóm họp nơi này thảy đều sai biệt. Nghĩa này chính là ngăn cái thật. Ta có thể dựa trên nghĩa các cõi mà hiểu được, ý chỉ thu nhiếp nhóm tụ biệt dị.
Nói Dị thục sinh, thì hữu tình được gọi là "thể", tuy không sai biệt nhưng rõ ràng có Dị thục, nghĩa là, thiện, ác, vô ký bên trong năm tụ không phải là tính của các cõi, không phải là báo dị thục. Nếu nó cũng là thể của các cõi thì phải tạo ra Nại-lạc-ca. Các nghiệp bất thiện hoặc tăng trưởng thì đây phải là Na-lạc-ca, vì các Thức này là thể tính của các cõi, chỉ là Vô phú vô ký, thì gọi là hữu tình. Trong Đối pháp cũng nói như vậy.
Lại nữa, mạng căn là Tỳ-bá-ca. Xét chọn mạng căn nhất định chỉ là Dị thục của nó. Nhưng trong Du Già Luận Yếu lập các pháp đều là thức Dị thục, vì chưa hề có pháp nào vượt ngoài tính của Dị thục. Ông vừa lập luận hữu tình như vậy thành ra căn v.v.. không phải là Dị thục. Các loài hữu tình mới ấy, trước sau đều thọ nghiệp, vì trước đây chẳng phải có, hiện đời thọ nghiệp, ngay lúc ấy đâu thể nói là có được. Do những nhân thù thắng cho nên không có, mà lại thành những nghiệp khác khiến họ phải chiêu cảm lấy quả báo. Dựa vào Dị thiện luận về kinh, lẽ đâu đem những lý luận ấy rồi đặt hết tâm ý vào đó chăng? Không giỏi kinh luận, không tỏ nghĩa lý thì trái với A-cấp-ma (A hàm).