TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG LUẬN

BỘ LUẬN SỚ

SỐ 1661 - LUẬN BỒ ĐỀ TÂM LY TƯỚNG

Bồ-tát Long Thọ tạo. Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ


Quy mạng chư Phật trong ba đời, nay con lược nói về nghĩa của tâm Bồ-đề. Thành tâm đảnh lễ tâm Bồ-đề ấy, như người lính dũng cảm nắm binh khí thù thắng, nghĩa của tâm Bồ-đề cũng như vậy. Nhưng tâm Đại Bồđề ấy, hết thảy ba đời mười phương chư Phật, các vị Đại Bồ-tát, đều dựa vào đó phát khởi tâm Bồ-đề nầy, con phát tâm Bồ-đề cũng như vậy. Những thành tựu cho đến ngồi nơi tòa Bồ-đề đạt được quả vị Chánh giác, đều là nhờ tâm kiến cố. Hơn nữa, tâm Bồ-đề nầy là môn hạnh tổng trì của các vị Bồ-tát. Quán tưởng như vậy, phát sanh như vậy, nay con ca ngợi nói về tâm Bồ-đề ấy, để làm cho tất cả chúng sanh dứt khổ luân hồi, người chưa được độ khiến tất cả được độ, người chưa giải thoát khiến được giải thoát, người chưa an ổn khiến được an ổn, người chưa đạt Niết-bàn khiến đạt được Niết-bàn. Vì muốn đầy đủ trọn vẹn hạnh nguyện tốt đẹp như vậy, nên dựa vào chánh thể an lập tự tướng, đi vào quán xét chân thật đệ nhất nghĩa. Tâm Bồ-đề ấy tự tướng là vô sanh, vì vậy nay nói rõ, tâm Bồ-đề đã nói ấy, xa lìa tất cả các tánh.

Hỏi: Trong nầy vì sao nói là xa rời tất cả các tánh?

Đáp: Đó là uẩn, xứ, giới, xa rời các sự lấy bỏ. Pháp vô ngã và bình đẳng, tự tâm xưa nay không sanh, tự tánh vốn rỗng lặng. Trong nầy vì sao nói ngã, uẩn đều có những biểu hiện rõ, nhưng tâm phân biệt hiện tiền là vô thể? Vì vậy nếu luôn hiểu rõ tâm Bồ-đề ấy, thì có thể an trú trong tướng không của các pháp. Vả lại, luôn hiểu rõ được tâm Bồ-đề ấy, dùng tâm Bi quán Đại bi làm Thể, như vậy nên ở trong các uẩn không có tướng ngã có thể đạt được. Có các ngoại đạo, dấy lên các hành chẳng tương ưng, chấp tướng phân biệt nói là các uẩn có chẳng phải là pháp vô thường, nhưng thật thì không phải tướng ngã kia có thể đạt được. Các pháp được nhận giữ trong tánh chân thật, không thể chấp thường cũng chẳng phải là vô thường. Ở trong ngã, uẩn, tên gọi hãy còn không có thật, huống hồ lại có tạo tác và các phân biệt? Nếu nói có một pháp cho đến có các pháp, người nói như vậy, đó là tâm thế gian chuyển đổi theo hành tướng thế gian, tâm đó chẳng phải là tương ưng, là hành tướng thường. Nghĩa lý nầy không đúng. Vì vậy nên biết các pháp là vô tánh. Như ở trong, như ở ngoài, không thể phân biệt được. Người kia luôn chấp vào tâm nhưng có nhân gì? Nói là không thể xa rời, tùy theo tướng thế gian. Hoặc là nhân hay là tướng, cả hai loại nầy không có khác nhau, đây chính là chẳng phải thường cũng không phải là chấp, nên biết tâm tánh không thể chấp thường, vì vậy tánh vô thường ấy là thường. Nếu biết tánh ấy là vô thường, phải làm những gì, sanh ra từ đâu để giữ lấy các tướng của ngã? Nếu lìa thế gian thì ở trong uẩn không có chướng ngại, hoặc là xứ hay là giới hiểu rõ cũng như vậy. Hai pháp thủ, xả sẽ không thể đạt được.

Trong nầy nói về uẩn, nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, đây là nói để những người Thanh văn đối với năm uẩn tìm hiểu được tốt hơn. Lại nên biết điều nầy: Sắc giống như bọt nước tụ lại, thọ giống như bóng nước trôi nổi, tưởng giống như dợn nắng. Hành giống như thân cây chuối, thức giống như người huyễn. Nghĩa về năm uẩn nầy, Đức Thế Tôn vì các Bồ-tát nên tuyên thuyết như vậy.

Gọi là sắc uẩn, nay lược chỉ ra tướng đó, nghĩa là bốn đại chủng và những gì do bốn đại tạo ra, gọi là sắc uẩn, còn không phải sắc, chính là ba loại thọ, tưởng và hành còn lại. Các giáo pháp nên biết, thức uẩn, hành, tướng như sau sẽ nói.

Trong nầy nói xứ, nghĩa là những nơi chốn của căn bên trong, những xứ sở của sắc bên ngoài, ở đây nói là mười hai xứ.

Ở đây nói giới, nghĩa là các cảnh giới của nhãn căn, các cảnh giới của nhãn thức, các cảnh giới của sắc, tức là mười tám giới. Như vậy, uẩn, xứ, giới nếu lìa các sự lấy, bỏ thì không có phương, không có phần, không thể nào phân biệt. Phân biệt nhìn thấy điều ấy thì nghĩa không phải như vậy. Thuận theo khởi lên phân biệt thì có những chấp trước. Điều ấy lại như thế nào mới có thể tương ưng? Nếu như có một tướng thấy ở ngoài nghĩa ấy, nên biết đấy là đã bị chuyển đổi của trí phá hoại. Ý nuôi lớn sắc là nghĩa thế nào? Nên biết như vậy là chẳng phải một, chẳng phải khác. Có các ngoại đạo như hạng Ba-lý-một-la-nhã-ca, thuận theo các thứ thấy khác nhau khởi lên ba phân biệt, nghĩa nầy không phải như vậy. Như người trong giấc mộng tạo ra sự giết hại, nhưng hành tướng người kia đã làm là không có thật. Lại như người mơ thấy ở địa vị cao nhất, nhưng hành tướng người kia cũng không phải là tốt đẹp nhất. Nghĩa nầy như thế nào? Đó là vì ánh sáng của thức phá trừ tướng lấy, bỏ. Thức và pháp như vậy còn có nghĩa gì khác? Vì vậy các pháp không có nghĩa gì khác, nên biết tất cả các sắc tướng đã biểu lộ, từ ánh sáng của thức chiếu rọi vào sắc tướng, như người nhìn thấy thành trì Càn-thát-bà huyễn hóa, thấy dợn nắng sóng nắng kia dẫn đến cho là thật. Những người không có trí dùng tâm ngu si chấp trước, nhìn các sắc cho là thật có cũng lại như vậy, do ngã chấp nầy nên tâm theo đấy chuyển đổi. Như trước đã nói về nghĩa của uẩn, xứ, giới, nên biết xa rời các phần sai biệt, chỉ ở phần vị của tâm đã thiết lập, mà các loại sắc tướng chỉ là sự biểu hiện của tâm. Nghĩa nầy thành tựu như trong Thành Duy Thức nói. Ở đây hỏi: Trước nói về năm uẩn, tự tướng của thức như thế nào? đáp: Như nói về nghĩa của tâm, thức cũng như vậy. Như Đức Phật thường giảng giải thế nầy: Nên biết tất cả chỉ do tâm hiện bày. Nghĩa nầy rất sâu xa, những người ngu si vì thế không thể nào hiểu rõ, không nhìn thấy chân thật. Vì vậy nếu có thể làm rỗng lặng tướng ngã đó, thì đối với tâm nầy không sanh phân biệt. Người khởi lên phân biệt, đó gọi là tà giáo, họ đã tạo dựng nghĩa nầy không thành tựu. Nghĩa như thật là nhìn thấy pháp là vô ngã, chính là nghĩa về pháp vô ngã trong Đại thừa, tự tâm xưa nay vốn không sanh khởi, thuận theo có những sanh khởi nhưng cũng bình đẳng, tự tâm tăng lên mạnh mẽ đi vào nghĩa chân thật, phát sanh ra từ hành môn Du Già. Trong ấy, nên biết những nơi nương tựa lại không có thật thể, đây chính gọi là tâm tịnh hiện hành. Nếu là pháp quá khứ thì quá khứ không có thật, nếu là pháp vị lai thì vị lai chưa đến, nếu là pháp hiện tại thì hiện tại không dừng, ở trong ba đời nên trú như thế nào? Giống như quân lính đông đúc đều có sẵn nhiều pháp, nên biết thức ấy là tướng vô ngã, thức ấy cũng không phải là nơi nương tựa. Nếu đối với các pháp đã thấy như vậy, thì giống như mây đỏ nhanh chóng tản mất, vì vậy nên biết, nếu như pháp có là từ nơi suy nghĩ hiện bày, thì thức Alại-da lại cũng như thế. Các loài hữu tình như đến như đi, pháp vốn như vậy. Ví như biển cả bao la mọi dòng chảy đều trở về, thức A-lại-da là nơi nương tựa cũng như vậy. Nếu có quán xét thức kia như vậy, thì không thể phát sanh ra tâm phân biệt. Nếu tất cả uẩn xứ giới đều biết như thật, thì những tên gọi ấy lại còn có gì để nói? Nếu biết rõ tất cả về tánh của các vật, thì tất cả vật kia không thể nào gọi tên sự vật ra được. Dấy lên nói điều nầy thì đúng là lời quyết định, vì vậy các pháp cũng quyết định phát sanh, đối với tất cả mọi sự việc thuận theo chuyển đổi được thành tựu, chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức là hai khía cạnh sai biệt, đối tượng nhận thức nếu không có chủ thể nhận thức thì đâu tồn tại. Cả hai đều là pháp không có thật thì vì sao nói là đạt được? Vì vậy nên biết, gọi là tâm nhưng chỉ là có tên gọi, tên gọi ấy lại cũng không có gì khác để có thể đạt được, chỉ dùng để biểu hiện rõ, nên tự tánh của tên gọi ấy cũng không thể đạt được. Do nghĩa nầy, người có trí tuệ cần phải quán sát tự tánh của tâm Bồ-đề giống như huyễn ảo, như bên trong như bên ngoài và ở giữa hai phía cầu tìm cũng không thể được, không có pháp nào đáng lấy, không có pháp nào đáng bỏ, không phải hình sắc có thể nhìn thấy, không phải sắc lộ rõ có thể biểu hiện, không phải tướng nam nữ, không phải tướng huỳnh môn, không trụ ở trong tất cả tướng sắc, không có pháp nào có thể nhìn thấy và không phải cảnh giới của mắt nhìn, chỉ riêng tất cả chư Phật quán sát bình đẳng mới nhìn thấy được. Nếu tâm có tự tánh hoặc là không có tự tánh, trong pháp bình đẳng sao có thể nhìn thấy?

Tánh đã nói chỉ là tên gọi phân biệt. Nếu lìa phân biệt thì tâm và tánh đều rỗng lặng. Nếu phân biệt thì có thể thấy tâm ấy, trong nầy tại sao gọi là không? Vì vậy nên biết, không có chủ thể giác, không có đối tượng được giác. Nếu có thể quán sát tâm Bồ-đề như vậy, chính là thấy được Như Lai. Nếu có chủ thể giác và có đối tượng được giác, thì tâm Bồ-đề không thể thành lập được. Vì vậy vô tướng cũng lại vô sanh, không phải ngôn ngữ nói năng nào có thể xưng tán được.

Vả lại, tâm Bồ-đề ấy giống như hư không, tâm và hư không hoàn toàn không có hai tướng. Ở đây nói là "Tâm không-không trí bình đẳng, thần thông của Phật với Phật hoàn toàn không khác nhau". Tất cả sự nghiệp của chư Phật ba đời, hết thảy đều được thâu giữ và an trú trong cảnh giới Bồ-đề, tuy đã thâu giữ tất cả các pháp nhưng luôn vắng lặng cùng cực, cũng trở lại quán sát pháp vô thường nầy giống như huyễn hóa. Không phải đã thâu giữ và điều phục ba hữu, vì trú trong pháp không, tất cả không sanh ở đây nói là không, tất cả không có ngã cũng nói là không. Nếu dùng hai loại vô sanh và vô ngã kia quán sát trở thành không, thì quán sát không thành tựu. Phân biệt hai loại hoặc là nhiễm hay là tịnh, thì trở thành tướng của hai loại đoạn kiến và thường kiến. Nếu nói dùng trí quán sát về không, thì không ấy cũng lại không thể riêng có được, vì thế tâm Bồ-đề lìa các các đối tượng duyên trú vào tướng của hư không. Nếu quán sát hư không là nơi an trú, trong đó lập tức thuận theo có không và có tánh, hai tên gọi sai biệt nên biết là không. Giống như sư tử giữa thế gian gầm lên một tiếng làm cho mọi loài thú đều kinh sợ, như một chữ không vừa nói ra làm cho mọi lời nói đều yên lặng, nên biết khắp nơi đều yên lặng, tất cả đều rỗng lặng. Vả lại, biết pháp là vô thường, pháp sanh ra từ vô thường, tánh vô thường kia chính là tâm Bồ-đề, nơi nầy nói về nghĩa Không cũng chẳng trái ngược nhau. Nếu tánh vô thường chính là tâm Bồ-đề, thì như yêu thích Bồ-đề tức là tâm bình đẳng, nhưng cũng không nói là yêu thích cái không kia, tâm giữ lấy không sẽ đạt được thế nào? Nên biết tự tánh chân thật vốn có là tất cả nghĩa để thành tựu tâm Bồ-đề. Hơn nữa, cần phải biết mọi vật không có tự tánh, tánh không có tự tánh, là nói về chỗ nầy. Đã nói như vậy thì tâm thế nào? Nếu lìa ngã, pháp thì tâm không trú, ở đây không phải là một pháp cũng không phải là các pháp, tất cả đều là tự tánh mà lại lìa tự tánh, như vị ngọt của mật đường ở thế gian là tự tánh, lại như hơi nóng của lửa là tự tánh, các pháp kia rỗng lặng, tự tánh cũng như vậy, tánh của các pháp kia chẳng phải thường còn, chẳng phải đoạn mất, chẳng phải đạt được, chẳng phải xa rời. Do nghĩa nầy, cho nên vô minh là đầu tiên, lão tử là sau cuối, các pháp duyên sanh đã được thành lập. Giống như mộng huyễn kỳ ảo, thể cũng không có thật, căn cứ vào đây nói thành mười hai chi pháp, ngay nơi nầy cũng gọi là mười hai chi luân, tuần hoàn chuyển đổi trong cửa ngõ sanh tử, mà thực sự không có ngã, không có chúng sanh nào khác, không có sai biệt về ba nghiệp hành cùng với quả báo.

Nếu ở trong nầy hiểu rõ pháp duyên sanh, thì có thể thoát ra khỏi cửa ngõ của các cảnh giới, lúc ấy không phải hành tướng, không thể hủy hoại nhân chánh sanh ra từ uẩn, luân hồi về sau không phải là hành tướng, tất cả không đối kháng với không và không sanh, pháp pháp đều bình đẳng tạo ra nhân gánh chịu quả, là lời Đức Phật đã dạy rõ. Tất cả các pháp sanh ra theo tụ loại, như đánh trống thì có tiếng vang, như gieo lúa thì nảy mầm. Các pháp quy tụ theo chủng loại nghĩa đó cũng như vậy, như huyễn mộng kỳ ảo hiện bày từ duyên sanh, nhân sanh ra các pháp mà cũng không sanh ra, vì nhân chính nó không thì chỗ nào mà sanh ra! Vì vậy, nên biết các pháp không có sanh ra, ngay nơi không có sanh ra nầy nên gọi là không. Như nói năm uẩn, tánh của uẩn đều bình đẳng, tất cả các pháp kia cũng nghĩa như vậy. Nếu nói không thì như chân thật mà nói, nhưng đã nói thể không thì cũng chẳng phải đoạn, trong thể chẳng phải đoạn thực sự cũng không thể đạt được, nói thể là không thì không cũng chẳng có thể. Nếu như hiểu rõ không có thật thì điều dấy lên là vô thường, các nghiệp phiền não tích tập lại làm thành thể, nghiệp nầy cũng lại sanh ra từ nơi tâm. Nếu tâm không trú vào nghiệp thì đâu có gì đạt được, như tâm vui vẻ thì tánh vắng lặng yên ổn. Tâm kia vắng lặng nhưng không thể lấy được, những người có trí có thể thực sự quán sát, vì cái thấy của họ chân thật nên được giải thoát. Vả lại, tâm Bồ-đề chân thật không gì hơn, nghĩa chân thật nầy gọi là không, cũng gọi là chân như, cũng gọi là thật tế, đây chính là đệ nhất nghĩa đế vô tướng.

Nếu không hiểu biết rõ nghĩa không như vậy, nên biết người kia chẳng có phần giải thoát, là hạng đại ngu si ở trong vòng luân hồi, làm người đi trong luân hồi chuyển dời vào ra khắp sáu đường khổ. Nếu người trí tuệ có thể quán sát như thật về tâm Bồ-đề tương ưng với hư không, quán sát như vậy rồi mới có thể thành tựu công hạnh lợi tha và trí tuệ không ngăn ngại, không chấp trước, đây chính là người biết ơn và báo ân Phật. Lại luôn luôn dùng tâm Bi quán sát tất cả chúng sanh, có rất nhiều tướng của cha mẹ quyến thuộc, ngọn lửa phiền não thường xuyên thiêu đốt họ, khiến các chúng sanh luân hồi mãi trong vòng sanh tử. Như đau khổ họ đã chịu đựng nghĩ nên gánh chịu thay cho họ, như niềm vui hòa hợp nghĩ nên ban cho tất cả, lại quán sát các quả yêu thích, không yêu thích của thế gian, đường thiện đường ác, nhiều lợi ích hay không nhiều lợi ích, tùy theo chúng sanh mà chuyển đổi, nhưng các chúng sanh xưa nay không đạt được gì, thuận theo trí sai khác khởi lên nhiều loại tướng, như tất cả các hàng Phạm vương, Đế thích và các trời bảo vệ thế gian…, do đó hoặc loài trời hay loài người, tất cả đều không xa rời tướng của thế gian. Vả lại, quán xét hết thảy địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tất cả chúng sanh trong các đường nầy có vô lượng vô số chủng loại sắc tướng, không thể đạt lợi ích nhiều mà đau khổ thường làm cho chuyển đổi theo, đói khát bức bách, giết hại lẫn nhau, ăn nuốt lẫn nhau, vì vậy nên quả đau khổ không hủy hoại được. Chư Phật, Bồ-tát luôn như thật quán sát về các nghiệp báo của tất cả chúng sanh trong đường thiện hay đường ác có tự tướng như vậy. Như những gì đã quán sát mà tâm khởi lên phương tiện, hết sức bảo vệ chúng sanh khiến xa rời các cấu uế. Các vị Bồ-tát do đây dùng tâm Đại bi làm căn bản, lấy chúng sanh kia làm cảnh nơi đối tượng duyên. Vì vậy các vị Bồ-tát không đắm vào tất cả ý vị vui sướng của thiền định, không mong cầu quả báo đạt được từ tự lợi, vượt qua vị Thanh văn không bỏ rơi chúng sanh, tu hạnh lợi tha phát tâm đại Bồ-đề, sanh mầm Đại Bồ-đề cầu quả vị Bồ-đề của Phật. Dùng tâm Đại bi quán sát chúng sanh đau khổ, địa ngục A-tỳ rộng lớn không bến bờ, luân chuyển tùy theo các nghiệp nhân khổ báo, những loại tội lỗi ấy gánh chịu những loại khổ nầy, tâm Bồ-tát xót thương nghĩ cần phải nhận chịu thay họ. Những loại khổ ấy có những hình tướng nầy, nói không có thật cũng chẳng phải là không có thật, nếu hiểu biết rõ về không thì sẽ biết rõ pháp nầy, thuận theo các nghiệp quả lần lượt thực hành như vậy. Vì thế, các Bồ-tát vì muốn cứu độ các chúng sanh, xây dựng tâm dũng mãnh đi vào bùn lầy sanh tử, tuy ở nơi sanh tử nhưng không hề nhiễm vướng, giống như hoa sen không vấy mùi bùn. Đại bi làm thể không rời bỏ chúng sanh, không trí đã quán không xa rời phiền não. Vì vậy Bồ-tát dùng lực phương tiện thị hiện sanh ở cung vua, vượt thành xuất gia, tu đạo khổ hạnh, ngồi nơi cội Bồ-đề thành tựu quả vị Đẳng Chánh Giác, hiện rõ sức thần thông phá tan các loại quân ma, vì cứu độ chúng sanh mà chuyển Đại pháp luân, hiện bày ba bậc thềm quý báu của đạo pháp từ cõi trời, xuống nhân gian bắt đầu từ các tướng Hóa thân, tùy thuận thế gian đi vào Đại Niết-bàn. Trong thời gian đó, hiện bày các sắc tướng, hoặc làm Phạm vương, hoặc là Đế thích, hoặc là trời, hoặc là người chuyển đổi thuận theo các tướng, thị hiện các sắc tướng nhiều chủng loại như vậy, nên được tôn xưng là bậc Đạo sư cứu đời. Những sự việc nầy đều là nguyện lực đại bi của chư Phật, Bồ-tát, điều phục tất cả thế gian khiến an trú tương ưng với thắng hạnh, vì vậy ở trong luân hồi không nảy sanh mệt mỏi lùi bước. Từ trong Nhất thừa thuyết về pháp Nhị thừa, Nhất thừa hay Nhị thừa đều là nghĩa chân thật. Hoặc là Bồ-đề Thanh văn, hoặc là Bồ-đề Phật, trí thân chỉ có một tướng, Tam-ma-địa duy nhất một thể, tuy đã thuyết ra, không phải thuyết ra, hoặc có thuyết ra làm thành các loại sắc tướng, nhưng chỉ là dẫn dắt cho các chúng sanh. Nếu như chúng sanh được lợi ích, mà Bồ-đề phước trí bình đẳng với Phật, nhưng thật sự không có hai tướng có thể trú vào. Nếu có tướng trú vào thì trở thành chủng tử, tướng chủng tử ấy đã nảy sanh theo chủng loại, vì vậy mầm cây sanh tử tăng thêm. Như đức Phật thường xuyên giảng giải rõ, phá sạch các loại hành tướng thế gian, chỉ vì chúng sanh nên thực hiện các phương tiện, thật sự không phải là phá bỏ. Nếu như xa rời phân biệt thì nghĩa nầy rất sâu xa, trong nghĩa rất sâu xa không có hai tướng, tuy nói có phá, mà cũng không phải phá, ở trong pháp không không có hai tướng các pháp nhận giữ tự tánh chân thật, trí Ba-la-mật-đa nầy chính là tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề ấy là loại trừ tất cả mọi cách nhìn. Vì vậy nên biết, các yếu tố về thân, ngữ và tâm đều là pháp vô thường, chỉ vì làm lợi ích cho chúng sanh. Trong nầy nói không, không nhưng chẳng phải là đoạn, trong nầy nói có, có cũng không thể thường, vì vậy không có sanh tử, cũng không có Niết-bàn, nhưng đều an trú vào Niết-bàn vô trú, các Phật đều thuyết giảng như vậy. Vô lượng phước đức sanh ra từ nơi tâm bi, tâm ấy chính là lý của không chân thật tối thượng, sanh ra từ oai thần của chư Phật, thành tựu hai hạnh nguyện tự lợi và lợi tha. Nay tôi cúi đầu lễ lạy tất cả các tánh ấy, tôi thường tôn kính tâm Bồđề ấy, cầu nguyện sự xưng tán không đoạn mất chủng tử Phật, chư Phật thường an trú giữa thế gian, tâm Bồ-đề ấy là tối thắng trong Đại thừa, tôi hướng về tâm nầy an trú chánh niệm.

Vả lại, tâm Bồ-đề ấy an trú cùng dẫn dắt tâm phát sanh thuận theo phương tiện, nếu hiểu rõ tâm nầy sanh tử bình đẳng, thì thành tựu hai công hạnh tự lợi và lợi tha. Và hơn nữa, tâm Bồ-đề ấy xa rời các tướng thấy, không có phân biệt trí chân thật mà chuyển hóa, những người trí tuệ phát tâm Bồ-đề, những người ấy đạt được phước đức to lớn không có giới hạn. Lại nếu như người ở trong một khoảnh khắc, quán tưởng tâm Bồ-đề, người ấy đạt được phước đức không thể lường tính được, vì tâm Bồ-đề không phải là sự lường tính. Tâm Bồ-đề là vật quý giá thanh tịnh vô nhiễm, bậc cao nhất đẹp nhất và lớn nhất, kiên cố chân thật không thể hủy hoại được và chẳng phải là bị hủy hoại, nhưng có khả năng phá trừ tất cả các ma như phiền não…, đầy đủ các hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền. Tâm Bồ-đề ấy là nơi hướng về quy tụ của tất cả các pháp. Đã nói là chân thật xa rời các hý luận, đây chính là môn hạnh thanh tịnh của Bồ-tát Phổ Hiền, xa rời tất cả các tướng, ở đây đã nói như thế.

Con đã xưng tán tâm Bồ-đề
Như bậc phước, trí thực đã nói
Tâm Bồ-đề đẹp và cao nhất
Phước đức tích tụ cũng vô lượng.
Con đem phước nầy giúp chúng sanh
Nguyện tất cả vượt biển ba Hữu
Như lý như thật đã xưng dương
Người trí nên tu học như vậy.


[Đầu trang][Mục lục bộ Luận Tập][Mục lục tổng quát]